Cùng dòng chảy của nền văn học, nghệ thuật Việt Nam; văn học, nghệ thuật về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng luôn là mạch nguồn cảm hứng vô cùng to lớn đối với các văn nghệ sĩ.
![]() |
Đại tá, Nhà văn Chu Lai trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: BTC |
Đó là khẳng định của Trung tướng Nguyễn Văn Đức, Cục trưởng Cục tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, tại Hội thảo khoa học “50 năm văn học nghệ thuật về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975 - 30/4/2025); thành tựu, những vấn đề đặt ra và định hướng phát triển.” Hội thảo diễn ra hôm 20/3 tại Hà Nội.
Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được hơn 60 bài tham luận của Thủ trưởng Tổng cục Chính trị, các đồng chí lãnh đạo các cơ quan chức năng, các nhà khoa học, các văn nghệ sĩ trong và ngoài quân đội.
Các tham luận góp phần khẳng định 50 năm qua, văn học, nghệ thuật trong Quân đội nói chung, về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng nói riêng đã có những thành tựu to lớn, góp phần xây dựng và phát triển nền văn học, nghệ thuật Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời chỉ rõ những hạn chế, nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm để từ đó gợi mở những chủ trương, giải pháp, hướng đi mới cho văn học, nghệ thuật về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng trong giai đoạn mới.
Trải qua 80 năm đồng hành cùng đất nước, cùng dòng chảy của nền văn học, nghệ thuật Việt Nam; văn học, nghệ thuật về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng luôn là mạch nguồn cảm hứng vô cùng to lớn đối với các văn nghệ sĩ.
Trong các cuộc kháng chiến vì độc lập, tự do, bảo vệ Tổ quốc và trong thời kỳ mới, văn học, nghệ thuật về đề tài này luôn xuất hiện như một dòng chảy tinh thần bất tận, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, khích lệ ý chí chiến đấu, sự vươn lên và tinh thần đại đoàn kết của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta. Qua các tác phẩm văn học, nghệ thuật, đã góp phần định hướng tư tưởng, hướng mọi người đến giá trị chân - thiện - mỹ; bồi đắp và xây dựng nên phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ.
Các tham luận trình bày tại Hội thảo như tham luận của GS.TS Đinh Xuân Dũng; đại tá - nhà văn Chu Lai; nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; TS Ngô Phương Lan, Phó Trưởng ban Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật, Hội đồng Lý luận Trung ương; PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương... đã đưa ra nhiều nhận định, giải pháp sâu sắc về văn học, nghệ thuật về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng sau ngày đất nước thống nhất.
Trong đó, đại tá, Nhà văn Chu Lai khẳng định: “Lịch sử Việt Nam là lịch sử trận mạc, dân tộc Việt Nam dẫu ngàn lần không muốn cũng vẫn là ‘dân tộc trận mạc’… Bởi vậy, đề tài chiến tranh chính là ‘siêu đề tài’ và nhân vật người lính cũng trở thành ‘siêu nhân vật’. Đề tài này không chỉ bó hẹp trong phạm vi người lính và chiến tranh, nó mở rộng ra cả núi sông, toàn dân tộc, nó động chạm và tác động sâu sắc đến tất cả các mảng đề tài khác.”
Thông qua các tham luận tại hội thảo, có thể thấy văn học, nghệ thuật về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng đã có những thành tựu to lớn, góp phần xây dựng và phát triển nền văn học, nghệ thuật Việt Nam. Hội thảo góp phần làm rõ những giá trị và ý nghĩa của hình tượng Bộ đội Cụ Hồ trong văn học, nghệ thuật; những đóng góp to lớn của văn học, nghệ thuật về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng trong việc giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân; cổ vũ động viên và phát huy tài năng, tâm huyết của các văn nghệ sĩ trong sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng, nghệ thuật góp phần bồi đắp, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc.