1. Văn chương nói chung và thi ca nói riêng, vốn có sứ mệnh cao quý, thiêng liêng. Xa xưa, nhiều học giả đánh giá thơ rất cao. Hoàng Đức Lương từng viết: “Đến như thơ, thì lại là màu sắc ngoài mọi màu sắc, không thể ngắm bằng con mắt thông thường; là mùi vị ở ngoài mùi vị, không nếm với khẩu vị thông thường. Chỉ có chính nhà thơ mới có khả năng nhìn ra màu sắc và nghiệm thấy mùi vị ấy”. Lê Hữu Kiều từng viết: “Làm thơ nếu lập ý không linh hoạt sẽ mắc vào bệnh câu nệ; cách điệu không trang nhã sẽ mắc vào bệnh quê mùa; đặt câu không sắc sảo sẽ mắc vào bệnh tầm thường, dung tục. Thơ văn há có thể nói là dễ viết sao được?”. Bùi Trục từng viết: “Thơ là âm thanh của trái tim, tùy vào sự khởi phát của nó mà có sự khác nhau”. Ngô Thế Vinh từng viết: “Thơ có thể dùng để xem xét con người, bàn bạc thời cuộc”. Nêu một vài ví dụ như thế để thấy khả năng khác thường của thơ, vị trí của thơ, vai trò của nhà thơ. Trong đó có hai câu mà tôi tâm đắc. Câu thứ nhất: “Thơ văn có thể nói là dễ viết sao được?” Câu thứ hai: “Thơ có thể dùng để xem xét con người, bàn bạc thời cuộc”.
|
Thời hiện đại, sinh thời, nhà thơ lớn Chế Lan Viên là người viết nhiều về trách nhiệm và khát vọng của thơ và nhà thơ bằng thơ nhất. Ông có nhiều bài mang tầm suy nghĩ lớn ở mức bao quát, ôm trùm về thơ và người làm thơ. Dưới đây là trích đoạn trong bài Nghĩ về thơ của ông, ghi từ năm 1962 đến 1965:
I.
Mỗi ngày gặp một người họ là một mảnh của thiên tài nhân loại
Máu và mồ hôi của người đúc nên bao hình ảnh ngữ ngôn
Vạt áo của triệu nhà thơ không bọc hết bạc vàng mà đời rơi vãi
Tất cả mỗi người dù lạ hay quen đều viết cho thơ anh một chữ
Hãy nhặt những chữ của đời mà góp nên trang
IV.
Cuộc sống đánh vào thơ trăm nghìn lớp sóng
Chớ ngồi trong phòng ăn bọt bể, anh ơi!
V.
... Nhìn mây Mục Nam Quan
Chẳng chút buồn quan ải
Dù tả một làn mây
Cũng là mây thời đại
X.
... Ta mải mê chạm cái vẩy sau đuôi con cá
Mà lắm khi quên quẫy mình theo ngọn sóng triều
Cuộc đời lớn mà trang thơ thì lại bé
Con mèo nhà đòi át tiếng hổ kêu
Thế hệ ta, nhân loại sẽ “ù”
Ta đã trộn bài, chia trở lại
Lấy đá mới tạc nên thần mới
Mang nụ cười chưa có nghìn xưa
XII.
Hãy bắt đầu từ nơi ấy mà đi
Dù hình tháp hay hình thoi, mỗi hạt gạo phải làm nên máu thịt
Dù cành thấp hay cành cao, mỗi chùm hoa đều phải gọi ong về
Thơ cần có ích
Hãy bắt đầu từ nơi ấy mà đi
Hai câu thơ: “Thơ cần có ích/ Hãy bắt đầu từ nơi ấy mà đi”, khiến tôi nghĩ nhiều về trách nhiệm của nhà thơ hôm nay.
2. Thơ của ta hiện nay có diện nhưng không có đỉnh. Tìm ra được một gương mặt mới, một hiện tượng thơ mới, bây giờ thật là khó. Những bài thơ đèm đẹp, vô thưởng, vô phạt hơi nhiều. Những bài thơ không sạch nước cản, lại đẻ non, rất sẵn. Những bài thơ mang giá trị hữu ích, có ảnh hưởng tốt về mặt mỹ cảm rất hiếm. Những bài thơ có ý, có tứ cũng rất hiếm. Những bài thơ có giá trị về mặt tư tưởng thì chẳng khác gì “sao buổi sớm”, “lá mùa thu”... Có vẻ như nguyên khí không còn mấy. Xu hướng “mủi lòng”, “rên rỉ”, “làm trò làm vè”, “bế tắc”... ngày càng có xu hướng gia tăng.
Về những nhà thơ “làm trò làm vè”, biến thơ thành “trò chơi hình thức”, từng bị nhà thơ lớn Chế Lan Viên nhắc nhở: “Những nhà thơ mất giá/ Lại thường hay đổi tiền/ Mong dùng nhiều chữ lạ/ Lừa người tiêu quá quen”.
Nhà thơ Thi Hoàng có lần tâm sự: “Nếu ví thơ là những hạt gạo thì dứt khoát chúng phải là thứ thật, không phải là thứ giả. Gạo ni lông đẹp thật, lóng lánh sắc màu thật nhưng có ăn được đâu. Hoa giả cũng thế! Chúng đâu có hương, có sắc. Nói một cách nôm na, nếu làm thơ như nấu một món ăn. Phải có thực phẩm (như thịt lợn chẳng hạn) đã, rồi mới bàn đến món luộc, món xào hay món nướng... Nếu không có cái ban đầu ấy, chắc chắn chỉ nói loanh quanh. Không có gì mà làm thành có gì, một là khó lắm, hai là không thể làm được. Có độc giả hỏi tôi: Bài thơ này viết gì mà tôi không hiểu. Tôi trả lời: Bài thơ này có gì đâu mà hiểu. Còn làm thơ mà cứ như chơi trò hũ nút thì có khác gì đánh đố người đọc. Nên nhớ, dẫu thơ anh có khép kín đến đâu, cũng phải có một cái khe (có thể mỏng như lưỡi dao cạo) để người đọc có chỗ mà lách vào”.
Lại hiếm hoi có nhà thơ bảo: “Tôi làm thơ mà người khác hiểu được, tôi hiểu được, thì làm thơ làm gì!”. Làm thơ không để người khác hiểu mình... Vậy thì anh làm thơ để làm gì? Còn anh đề cao mình đến mức làm thơ không để mình hiểu, thì chỉ có hai trường hợp xảy ra. Một, anh là thiên tài. Hai, anh là người tâm thần phân liệt thể hoang tưởng. Theo tôi, trường hợp thứ nhất: Rất hy hữu; còn trường hợp thứ hai: Rất phổ biến. Xét cho cùng thì đây cũng là một cách nói có chất ngụy biện mà thôi!
Xa xưa, thi hào Cao Bá Quát bảo: “Người đẹp không ở áo/ Thơ hay thường ít lời”. Vậy mà thơ ta ngày nay, có người vẫn nhiều lời. Nhiều lời mà ít ý, đã là dở. Nhiều lời không có ý gì, lại càng dở hơn. Có người vẫn viết theo kiểu nói lấy được.
Thơ như thế rất xa lạ với công chúng. Cho nên, đừng vội trách người đọc, mà hãy trách người viết trước đã.
3. B. Brecht là một thần tượng thơ của tôi. Trong thơ, B. Brecht mâu thuẫn giữa chủ nghĩa duy lý đậm nét trong tư duy với trí tưởng tượng đầy ắp cảm xúc từ hiện thực đã mang đến sự kết tinh cô đọng, vượt xa cả ý đồ sáng tác một cách có ý thức. Thơ ông giản dị, khó làm. Ông là người để lại nhiều “vết chém” trong nghệ thuật mà không mấy người trong đời làm nổi. Ông là người tiên phong trong lĩnh vực thơ định đề. Xin được nêu hai bài thơ của ông làm ví dụ.
Bài thứ nhất:
CHỜ THAY LỐP XE
Tôi ngồi xuống lề đường
Chờ người lái xe thay lốp mới
Nơi tôi ở không còn gì chờ đợi
Nơi tôi đi cũng chẳng có gì hơn!
Vậy sao tôi vẫn trông
Sốt ruột thay lốp mới.
(Bản dịch của Bằng Việt)
Bài thứ hai:
SỢI DÂY THỪNG BỊ ĐỨT
Sợi dây thừng bị đứt
có thể buộc nối lại
Nhưng dẫu sao
thừng cũng đã đứt rồi
Có thể
hai ta còn tái ngộ
nhưng ở nơi
tôi bị em từ bỏ
sẽ chẳng bao giờ gặp được tôi đâu
(Bản dịch của Quang Chiến)
Tên cả hai bài thơ đều không thơ, bình thường đến mức không thể bình thường thêm nữa. Cả hai bài thơ đều không có câu thơ nào thật thơ. Cũng chẳng cần phải tu từ, sử dụng thủ pháp trau dồi ngôn ngữ nào cả. Và hai hiện tượng đều rất phổ biến, ai cũng có thể chứng kiến, ai cũng có thể gặp trong đời, rất nhiều người đã bỏ qua. Vậy mà chỉ có B. Brecht nhìn ra cái khác thường trong cái bình thường ấy. Diễn nôm ra thì... xe tôi hỏng lốp, phải thay lốp mới. Nơi tôi ở không có gì chờ đợi. Nơi tôi đi cũng chẳng có gì hơn. Thế mà tôi vẫn sốt ruột mong lốp xe được thay thật nhanh. Tại sao vậy? Vì bản thân tôi cũng như mọi người, vẫn phải đi, vẫn phải sống. Phải đi, phải sống chính là cái cốt lõi của tứ thơ.
Tương tự, một chuyện đời thường diễn ra ở bài “Sợi dây thừng bị đứt”: Đứt thì phải nối lại và có nối lại thì nó vẫn làm sợi dây bị đứt. Như đôi chúng ta đã chia tay nhau, rất có thể sẽ nối lại (“tái ngộ”), nhưng chúng ta sẽ chỉ lại bắt đầu từ mối nối (nơi “tôi bị em từ bỏ”) ấy mà thôi! Tứ thơ trở nên khác lạ là ở điểm này.
Theo tôi, thơ hay là thơ có tư tưởng, giản dị mà sâu sắc, giản dị mà khó làm, làm khác thường những điều bình thường hoặc phát hiện ra những điều khác thường trong những điều bình thường. Đó là cái đích muôn đời mà nhân loại đã, đang và sẽ hướng tới. Và những bài thơ hay, được chuyển ngữ thường đáp ứng những đòi hỏi trên. Ngẫm lại mấy câu thơ của Chế Lan Viên: “Thơ hay như gái đẹp/ Ở đâu, ở đâu, cũng lấy được chồng/ Thơ dở không dịch được” là bao hàm cái ý ấy.
4. Trách nhiệm và khát vọng của nhà thơ là không cùng. Ai cũng muốn làm thơ hay, nói theo cách quen thuộc là “ai cũng muốn để lại cho đời những bài thơ hay, những câu thơ hay”, nhưng đâu có dễ! Theo nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh thì “những câu thơ hay là những câu thơ bắt được hoặc trời cho”.
Trước khi có những câu thơ hay, chúng ta hãy có một tinh thần lao động sáng tạo thực sự và có một thái độ nghiêm túc trong cách hành xử với thi ca. Phấn đấu làm sao để thi ca trở về giá trị đích thực vốn có của nó.