Đây là một câu hỏi đau đầu: Chúng ta nói và viết với nhiều mục đích rất khác nhau. Chúng ta đôi khi làm các dữ kiện trở nên rõ ràng, nhờ đó, chúng ta đạt đến đồng thuận trong việc nhìn nhận sự vật như thế nào. Nhưng đôi khi chúng ta cố tìm cách biểu đạt bản thân mình, để từ đó, chúng ta có thể diễn tả được sự độc đáo trong quan điểm cũng như trải nghiệm mà chỉ ta có. Điều này cũng tương tự với người nghe: ngôn ngữ cho phép chúng ta biết được những câu trả lời cho những câu hỏi thực tế, song nó cũng mở ra cho chúng ta những sự thấu thị, những góc nhìn mới mẻ. Nói đơn giản, ngôn ngữ đứng dạng chân trên kẽ nứt sâu giữa khoa học và nghệ thuật.
Một thách thức quan trọng của triết học là phải lí giải ngôn ngữ bằng cách nào đã dàn xếp giữa hai lĩnh vực rất khác nhau này. Các nhà lí luận văn học và dịch giả thường nói ngôn ngữ nghệ thuật mang một ý nghĩa đặc thù (trên phương diện ngữ nghĩa), rất khác với những gì mà chúng ta thường tìm thấy. Các nhà khoa học về tri nhận, thay vào đó, lại thường cho rằng sự khác biệt ấy bắt nguồn từ năng lực của chúng ta trong việc nhận thức những mục đích, chủ ý của người nói - người sử dụng ngôn ngữ theo những cách khác (trên phương diện dụng học). Chúng tôi, ngược lại với những quan điểm được tiếp nhận nói trên, lại tin sự khác biệt mấu chốt chỉ có thể nhìn thấy được qua những cách khác nhau mà công chúng xây dựng những mối liên hệ với ngôn ngữ.
Ảnh minh hoạ |
Theo quan điểm của chúng tôi, một phần làm cho ngôn ngữ mang tính nghệ thuật là chúng ta phải khám phá nó một cách chủ động, tích cực để có thể cảm thụ được nó. Chúng ta có thể phải tìm kiếm bên dưới bề mặt, phải suy nghĩ vất vả hơn về những hình ảnh mà tác giả sử dụng, hình tượng cái tôi mà nhà văn muốn biểu hiện và thậm chí về cả cách mà ngôn từ được tổ chức. Những nỗ lực này có thể dẫn đến những sự thấu thị mới, những quan điểm mới và trải nghiệm mới.
Thơ là một hình thức mà sự can dự của độc giả có một vai trò thật quan trọng. Nó là một minh họa tốt về cách mà sự suy tưởng triết học có thể giúp ta nhận thức được sự phong phú của ngôn ngữ xung quanh chúng ta, thậm chí ngay trong những tạp âm bên ngoài của thời đại số.
Để phát triển xa hơn ý tưởng này, chúng ta hãy xem xét một ví dụ cụ thể, một ví dụ đã thu hút sự chú ý của chúng tôi hồi tháng giêng vừa rồi. Ở mục “Thơ” thỉnh thoảng mới xuất hiện trên tờ The New York Times, phóng viên Alan Feuer giới thiệu những văn bản được đăng trên website chuyên quảng cáo rao vặt Craigslist thuộc mục “Missed Connections” (Những mối quan hệ đã bị bỏ lỡ) mà ông gọi là “thơ nhặt được” (found poetry). Những bài thơ này vốn là những mẩu quảng cáo, “được in nguyên văn, chỉ có thêm việc được ngắt dòng và chia thành khổ; nhan đề của chúng cũng chính là tiêu đề quảng cáo”. Có cái gì đó thật ngớ ngẩn và không nghiêm túc ở dự án này. Những bài thơ vốn không phải là cái gì có tính ngẫu nhiên: nhà thơ đích thực là những người trau dồi kĩ thuật của mình qua bao nhiêu năm và luôn cố gắng để mỗi tác phẩm của mình hoàn thiện ở mức độ cao nhất. Thế nhưng Fauer lại lựa chọn ví dụ từ rất nhiều thứ vốn không được xem là thơ. Chính hành động tuyển lựa này đã khiến mục báo trở thành sự tôn vinh trí tưởng tượng thơ ca.
Đây là một ví dụ từ những bài thơ có xuất xứ từ mục “Missed Connections” được đăng trên The New York Times hồi tháng giêng 2012:
Drunk Irish Guy to the Girl in the Red Tights on the Subway to Queens
drunk irish guy
to the girl in the red tights
on the subway to queens
i really hope
I did not creep you out…
I was so drunk
and you were so hot…
I wish I could have met you
at a different moment
and a different place.
Tạm dịch:
Gã say người Ai-len gửi tới cô gái mặc váy bó màu đỏ ở ga xe điện ngầm đến Queens
gã say người Ailen
xin lỗi cô gái mặc váy đỏ
trên ga điện ngầm đến Queens
Tôi thực tình hy vọng
Tôi không làm cô hoảng sợ
Tôi say quá
mà cô thì quá nóng bỏng…
Tôi ước có thể gặp được cô
ở một thời điểm khác
và tại một nơi khác
Văn bản gốc được đăng trong mục quảng cáo hoàn toàn phi nghệ thuật. Đoạn mở đầu chẳng có gì hơn là một đoạn miêu tả từ ngôi thứ ba, thuật lại việc một người hi vọng có thể liên lạc được với người kia. Nó tiếp tục bằng những lời lẽ vụng về không hẳn là câu xin lỗi, một sự giải thích trực tiếp có phần bỗ bã về hành vi ứng xử không phải, một mong mỏi kín đáo về một cơ hội khác. Đọc theo nghĩa đen, những câu chữ này đem lại một ấn tượng không hay ho gì; những thái độ khiến anh chàng này gặp phải chuyện rắc rối khi say cũng được anh ta nhớ lại hết khi tỉnh rượu.
Feuer, tuy nhiên, đã đem đến cho chúng ta một bài thơ. Những cấu trúc ngôn ngữ được sử dụng biến văn bản thành văn vần (verse) khiến ngôn ngữ lật đổ chính nó, cho chúng ta nhìn thấy trực tiếp những lực ở bề sâu hơn hoạt động thế nào. Thủ pháp phân định văn bản (ngắt dòng và bố cục) vừa căn cứ theo kết cấu cú pháp, vừa theo ý thức muốn tạo khoảng ngừng khi đọc. Mỗi khoảng ngừng là dứt một câu. Cách ngắt dòng chia những câu lớn hơn thành những phân mảnh mạch lạc. Các phân mảnh “Tôi thực tình hi vọng” hay “Tôi ước có thể gặp được cô” được ngắt tại vị trí tự nhiên nhất để ngừng lại. Cách phân định văn bản này có vẻ đơn giản, nhưng trên thực tế, nó làm chúng ta ngạc nhiên bởi những cấu trúc song song mà nó bất ngờ phát lộ.
Về mặt thi luật, khổ mở đầu thiết lập một mô hình phân tiết nhất quán, khi mỗi dòng đều có hai âm tiết có trọng âm nổi bật. (Ở khổ thứ nhất, drunk, i trong irish, girl, tight, sub trong subways và queens.) Cách bố trí trọng âm này mời gọi chúng ta đi theo mô thức này xuyên suốt văn bản, làm như thế, các “từ khóa” (hope, I, you) sẽ được gán cho trọng âm mà có thể chúng ta sẽ không nhấn trong trường hợp khác.
Về mặt tu từ, sự phân định văn bản này nhấn mạnh những sự đồng dạng về hình thức kết nối các thành phần mô tả của bài thơ. Thể loại của các văn bản được đăng trong mục “Missed Connections” cho phép có rất nhiều biến thể về tình huống đặc thù mà những cuộc gặp gỡ này được mô tả và những sự mô tả này được tổ chức như thế nào. Tuy nhiên, ở đây, Feuer xây dựng bối cảnh một cách đơn giản và khắc họa nhân vật chỉ bằng vài nét phác.
Đặc biệt cấu trúc song song về hình thức ở khổ thứ hai đã đặt hình ảnh một kẻ say khướt (mà thường được xem là một tình trạng không mấy hấp dẫn) bên cạnh một nhân vật quyến rũ. Sự nhấn giọng trong những dòng thơ xác nhận tính chất tương phản này. Người ta ngờ rằng chính những phẩm chất ấy sẽ được làm nổi bật hơn qua sự đối lập trong những dòng thơ hơn là qua lời giải thích về sự tán tỉnh của anh chàng Ai-len. Chính tính trực tiếp của sự đối lập này đã phát lộ cấu trúc nguyên mẫu của bài thơ: cái xấu được uốn nắn qua cuộc gặp gỡ với cái đẹp. Chúng ta nghe thấy từ “different” được lặp lại và nhấn mạnh ở hai dòng cuối có ý nghĩa như là âm vang về sự khác biệt - đề tài của bài thơ (chứ không phải của mẩu quảng cáo). Cứ như thể người viết đã làm việc lại với văn bản để làm nổi bật ý tưởng về sự khác biệt.
Sự tương phản giữa bản gốc - mẫu quảng cáo với hình thức biểu đạt mang tính thơ đã minh họa cho sự can dự rất đặc trưng mà thơ ca đòi hỏi ở người đọc. Thử tưởng tượng nếu như văn bản gốc được trình bày trên smartphone theo đúng cách sắp xếp câu chữ mà Feuer đã trình bày. Bạn có thể đọc nó theo nghĩa đen một cách không tự ý thức mà cũng có thể bị ấn tượng bởi cấu trúc hình thức của nó, bạn sẽ nhận ra những ngụ ý sâu xa hơn. Do đó, ở đây chúng ta có một cặp tối thiểu: một sự trình bày đơn giản nhưng có thể được hiểu theo hai cách. Từ đây, chúng tôi có thể nhận định rằng sự khác biệt này là đặc điểm cực kì quan trọng mà bất cứ nỗ lực nào muốn xác định những kinh nghiệm và sự thấu thị mà chỉ thơ ca mới đem đến, nếu nghiên cứu vấn đề này từ góc độ triết học. Chẳng hạn, sự khác biệt này đã nhấn mạnh vai trò chủ động của độc giả trong việc phát triển một diễn giải; nó cho thấy hiệu ứng thi ca không đơn thuần chỉ là vấn đề chủ ý của người viết hay ý nghĩa của ngôn từ như kết luận của nhiều nhà lí thuyết.
Điều quan trọng nhất: thí dụ này cho thấy chúng ta không thể xác lập được một biên giới rõ nét để nhận diện một số dạng ngôn ngữ nào đó là mang tính thơ nội tại. Chúng ta có thể áp dụng sự chú ý về tính thơ đối với ngôn ngữ thông thường, từ đó mà có thể trao cho thứ ngôn ngữ ấy chiều sâu và tầm quan trọng bất ngờ. Thực chất, những nhà thơ như William Carlos Williams đã chủ ý thách thức chúng ta để mở rộng cảm thức và tìm thấy thơ ca trong ngôn ngữ hàng ngày, khi họ làm những bài thơ với vốn từ vựng và ngữ điệu quen thuộc.
Làm thế nào mà chúng ta có thể trau dồi năng lực tưởng tượng thi ca? Chúng ta phải tự điều chỉnh bản thân, theo cách nào mà ta thấy phù hợp, với những đặc điểm mà ta chú ý trong một bài thơ, như một gợi ý để ta trải nghiệm ngôn ngữ của nó một cách sâu sắc hơn. Sự tìm kiếm này có thể nhắm đến bất kì đặc điểm nào có thể nhận diện được của bài thơ - không cần quan tâm đến ý nghĩa, nếu có, mà đặc điểm này có thể mã hóa. Chúng ta có thể lắng nghe âm thanh và nhịp điệu của bài thơ. Chúng ta thậm chí có thể chú ý đến hình thù và bố cục thị giác mà bài thơ bày ra trước chúng ta, như thi sĩ e.e.cummings thường mời gọi độc giả của ông.
Tuy nhiên, kể cả khi chúng ta khám phá những địa hạt đã quen thuộc của âm, nhịp, vần và dòng, chúng ta cũng phải chuẩn bị tinh thần để chấp nhận sự biến thiên và sự vô tận về ý nghĩa của văn bản qua mỗi lần ta quan sát. Chẳng hạn, chúng ta đã nhìn thấy những hiệu ứng khác khi bài thơ có nguồn gốc từ mục “Missed Connections” được bố cục lại như trên. Không có một ý nghĩa hay hiệu ứng cho việc ngắt dòng theo ngữ pháp, ngắt dòng theo ý thơ, hay khi hai thủ pháp này được đặt cạnh nhau. Điều chúng ta phát hiện trong tất cả những trường hợp này chỉ là một sự tương phản về hình thức, một sự vang vọng về những khác biệt xa hơn nữa, mà chúng ta chỉ có thể hiểu sâu sắc hơn khi nhìn ngắm bài thơ kĩ hơn nữa. Chính tính khả biến này là điều thể hiện sức sáng tạo của cả nhà thơ và người đọc đem vào trong tác phẩm này.
Nói gọn lại, một bài thơ - rộng hơn là ngôn từ nghệ thuật - mở ra để ta có thể tìm thấy ở đó bất cứ thứ gì. Hễ khi nào chúng ta nhận thấy có một đặc điểm hình thức kích hoạt kinh nghiệm của chúng ta về một bài thơ theo một cách mới mẻ, chúng ta sẽ bổ sung nó vào nhận thức của mình. Tương tự, chúng ta vẫn có thể nói được điều gì khiến cho những nỗ lực diễn giải này được xem là mang tính thơ. Chúng không quan tâm đến ý nghĩa thông thường của hình thức trong ngôn ngữ. Khi chúng ta tiếp cận ngôn ngữ bằng nhãn quan văn xuôi, trọng tâm của chúng ta nhằm vào những quy ước được đặt ra tùy tiện kết nối ngôn từ với sự vật trong thế giới và với những nội dung của tư tưởng. Những mối kết nối này cho phép chúng ta đặt câu hỏi về cái gì là đúng, thôi thúc chúng ta nghiên cứu để tìm thấy câu trả lời. Nhưng thơ tồn tại vì chúng ta còn quan tâm đến việc khám phá bản ngã của mình, khám phá lẫn nhau trong những gì ta nói. Thơ khơi gợi một kiểu tư duy đặc biệt - ở nơi chúng ta diễn dịch những mối liên kết thông thường giữa ngôn từ - thế giới - tâm trí như một kiểu biểu đồ về những khả năng của kinh nghiệm.
Các công nghệ mới chỉ có thể bổ sung cho những khả năng này.
Hải Ngọc (Dịch từ nguyên bản tiếng Anh)
Báo Văn nghệ số 27/2024
Về đời sống thi ca hôm nay Vũ trụ thi ca của Nguyên Hùng Hồ Thế Hà và duyên nợ thi ca |