Sáng tác

Đêm ở ga xép . Truyện ngắn của Trương Vân Ngọc

Trương Vân Ngọc
Truyện
18:00 | 20/11/2024
Baovannghe.vn - Lấy nhau được sáu năm, thằng Tít ba tuổi thì phát hiện không phải con tôi. Con gái ông chủ tịch vẫn qua lại với người tình cũ, tôi bị cắm sừng
aa

“Nào, cậu kể đi” - Sơn giục, miệng vẫn không thôi lầu bầu: “Đang yên đang lành, tự nhiên cậu chui tút tới chốn xa xôi này để làm gì, cậu làm khổ bao nhiêu người có biết không?” . “Bình tĩnh rồi tôi sẽ kể cho ông nghe ngọn nguồn, ông còn nhớ Huế không, mối tình thời sinh viên của tôi đấy”. “Nhớ, nhưng cậu đã chia tay ngay khi ra trường rồi mà? Ngày ấy cậu khổ sở, uất hận vì sự phản bội của cô ta, giờ còn nhắc lại làm gì?”. Vâng, chuyện dài lắm, chính vì thế mà tôi đã tìm kiếm nàng ấy suốt mười ba năm, không một tin tức, một tia hy vọng nào. Mười ba năm, cũng dài và cũng ngắn, đủ để cho tôi chiêm nghiệm nhiều điều. Tôi hối hận khi quyết định tuyệt tình với Huế, mặc sự níu kéo đến tuyệt vọng của nàng. Cái gã đàn ông khốn nạn trong tôi sao nó lại tồi tàn ích kỷ đến vậy. Gần hai chục năm, tôi vẫn không hết nỗi ám ảnh giây phút chia tay. Đôi mắt ấy đẫm lệ như khẩn khoản, như van lơn mà lại như bất cần trong im lặng. Nàng không nói, lặng lẽ ngồi sau xe đạp của tôi ra ga. Ánh nắng ban mai mà mờ nhạt, tiếng còi tàu rú lên từng hồi, những cỗ bánh xe rít vào đường ray chát chúa. Chỉ một lúc, bóng dáng con tàu đã mất hút, bỏ lại khoảng trời trống không cùng cái thằng tôi hèn nhát đứng như chôn chân trong biển người nơi sân ga. Lúc ấy, tôi cũng chẳng biết mình làm thế đúng hay sai?

Sau ngày đó, tôi cưới vợ. Một cô gái mà tôi cho rằng hơn nàng về mọi mặt: Giàu sang, công việc, địa vị ... Ở đời, cái câu nói mọi sự so sánh đều khập khiễng, cho đến hôm nay tôi mới thấy nó đúng. Của cải, quyền lực vây quanh, tung hô, bó chặt làm tôi mãn nguyện sung sướng. Cái bụng tôi to ra vì bia bọt, bước đi lạch bạch hơn bởi ít vận động. Bạn bè chân tình được thay thế bằng những kẻ xu nịnh. Tôi mê đi, sướng rên lên. Đôi khi, thậm chí nghĩ mình viên mãn, đủ đầy hạnh phúc, dù biết sau lưng không ít lời dè bỉu chê bai.

Lấy nhau được sáu năm, khi thằng cu Tít ba tuổi thì phát hiện nó không phải con tôi. Con gái ông chủ tịch vẫn qua lại với người tình cũ, tôi bị cắm sừng. Vì danh giá gia đình, vì tiền bạc, sự thăng tiến, tôi âm thầm bỏ ngoài tai, cá vào ao ta là của ta, miệng thiên hạ xưa nay mấy ai tránh được. Cứ thế, tôi tự lao vào cuộc chơi, thời gian thoảng gió, phút chốc đã cách bến cũ nửa đời người. Cái ghế phó chủ tịch tập đoàn lớn của tôi, có biết bao kẻ ước ao nhòm ngó. Mặc búa rìu dự luận, tôi vẫn đàng hoàng nhảy từ trưởng phòng sang đây, quyền uy chỉ sau người đứng đầu cơ quan tức bố vợ tôi, bởi trong công ty, chủ nghĩa gia đình trị có từ lâu, nên không ai dám ho he.

Tôi tự đắc với tất cả những gì mình có cho đến một ngày …

Từ chối đi công tác bằng ô tô con của công ty, tôi đi tàu, lại là tàu Thống Nhất. Đơn giản vì muốn tìm lại cảm giác thời sinh viên, ngồi ghế cứng, không điều hòa, ngột ngạt và chen chúc. Quê tôi ở Bảo Thắng, ngày trước, lần nào về cũng làm bạn với đường sắt. Đi xa mệt mỏi, nàng gục vào tôi, mái tóc lòa xòa che lấp khuôn mặt tai tái. Tôi bảo: “Huế ơi, quê hai đứa cách xa thế này, em còn muốn về làm dâu Phố Lu không?”. Lắc đầu, rồi lại gật và im lặng. Ấy là lần đầu tiên em theo tôi về quê. Mẹ tôi phán: “Con bé này rắn rỏi, chân tay mồm miệng nhanh nhẹn, sau này nó sẽ làm chồng đấy con giai ạ”. Bố chép miệng: “Ôi dào, bà mặc xác chúng nó, thời đại bây giờ có như ngày xưa tôi với bà đâu”. Lần sau về, nàng thủ thỉ: “Em quen rồi không thấy xa nữa, làm dâu miền ngược có khó không anh?”. Tôi nói: “Cũng tùy thôi”. Nàng rúc đầu vào ngực tôi: “Hay là anh ở rể...”. “Ừ được đấy, em có nuôi nổi anh không?”. Huế ngượng nghịu, ngước nhìn rồi mân mê bông hoa ban tôi hái tặng. Lần đầu tiên tôi thấy đôi mắt đen huyền của em, dịu dàng, sâu thẳm, một khoảng trời trong trẻo, yên bình hằn chứa trong đó. Đôi mắt ấy như bao trùm lấy tôi, lôi cuốn đắm say, không thể xóa nhòa và lẫn đi đâu được.

Tôi về quê em, cũng bằng tàu. Con gái vùng này gần biển nước da bánh mật, chắc khỏe, thô nhưng thật. Tiếng nói khàn trầm đặc trưng, chỉ thoáng nghe đã biết người miền nào. Nhưng cũng lạ, vùng đất này lại là nơi sinh ra những ca sĩ nổi tiếng có chất giọng mượt mà ngọt ngào. Nàng bảo: “Sau này xem ai níu giữ được ai nhé?”. Tôi nói: “Chắc em thắng rồi”. Nhà em ở cạnh một ga xép trên trục đường sắt Bắc Nam, bước xuống tàu đi bộ mấy phút là tới. Nhà ga này ở ngay cạnh Quốc lộ 1, có cái mái vòm cong cong tựa nửa trái tim, em hay đùa với tôi rằng, mái vòm ga xép này chính là nửa trái tim em đang đợi nửa còn lại đấy. Tôi cười bảo, nửa này của anh ghép đủ chứ? Em thủ thỉ, đủ nhưng chả biết có chắc hay lại rời ra khi gió mưa. Gia đình nàng dung dị, một mẹ một con. Mãi sau này tôi mới biết người cha mất tích từ hồi nàng còn bé, ông theo tàu đánh cá ra khơi trong một trận bão lớn mà không bao giờ trở lại, cả nhà đau khổ tuyệt vọng đành lấy giờ khắc ông ra đi làm ngày giỗ. Mẹ nàng thận trọng dò xét, còn tôi tồng tộc. Đến tối, nàng thì thầm: “Mẹ chê anh”. “Sao, chê à”. ‘Ừ, anh vô tâm quá, chẳng có ý gì cả. Mẹ bảo anh chắc con nhà giàu, công tử khó nuôi”. Tôi suýt bật cười, nàng lại tiếp: “Nhà neo người đầu tắt mặt tối, anh đừng buồn, rồi mẹ sẽ quen và hiểu thôi”. Hè năm ấy, để chứng minh tôi không phải là gã chân mềm tay yếu, dài lưng tốn vải, tôi quyết định quay lại nhà em một tuần, gặp đúng ngày mùa, cũng xắn quần lội ruộng gặt lúa, buổi chiều chẻ hết đống củi to tướng. Đến tối, tôi nhễ nhại quảy thúng bánh giò ra ga, bốn chuyến tàu về mới bán hết. Nàng cười bảo: “Công tử họ Dương của em giỏi thiệt”. Mẹ nàng khẽ gật: “Nhà cô vất vả thế đấy, có chịu được không?”.

*

Tôi thị sát ba ngày ở ga xép có mái vòm hình nửa trái tim, không biết có duyên nợ gì với mảnh đất xa xôi đầy nắng gió mà loanh quanh vẫn trở lại. Công trường ngổn ngang, gặp mùa mưa nên tiến độ như rùa. Để tiện việc, tôi chọn một nhà nghỉ gần đấy làm nơi tá túc. Cái nơi thị tứ này, nhà quê chả ra nhà quê mà phố xá cũng chẳng phải. Ồn ào nhất lại về đêm vì hàng chục chuyến tàu ngược xuôi, phía bên kia là quốc lộ không lúc nào hết xe. Được cái, tôi dân xây dựng nên thích nghi với môi trường rất nhanh, do đó không bị mất ngủ. Nhưng đêm nay không hiểu vì sao lại thao thức, trằn trọc đến thế. Nằm dài trên chiếc nệm có ga trải trắng muốt, đầu óc mơ màng rồi nhanh chóng bị ám ảnh bởi đôi mắt của nàng và giây phút chia tay. Tôi ân hận, day dứt, tuổi trẻ thật nông nổi, nên đã đánh mất nàng, người con gái mà tôi đem lòng yêu thương thực sự.

Một mình trong căn phòng yên tĩnh, nơi đây không còn dấu vết nào của ngày xưa nữa, mảnh vườn phía sau đã bị bán làm xưởng gỗ. Hai bên mọc hai nhà nghỉ cộng với chỗ tôi đang nằm đây là ba. Kể từ cái đêm tôi bỏ chạy khỏi nhà nàng đến giờ, thấm thoát đã gần hai mươi năm. Thời gian trôi nhanh thật, tôi đã ở phía bên kia dốc cuộc đời. Từ khi biết sự thật tới nay cũng hơn chục mùa hoa gạo nở, tôi cất công tìm em khắp nẻo mà tin tức vẫn biệt tăm.

Cộc cộc... “Ai đó”. “Dạ, em... em vào được không ạ?”. Có tiếng đứa con gái, à, mấy ả làng chơi, tôi chán ngấy với cái trò này. Không phải tôi không muốn mà vì quá nhiều, khi thì được đối tác chiêu đãi, lúc thì phải đối lại. “Dạ, em vào nhé?”. Tiếng cô gái tiếp tục, tôi hơi bực mình định đuổi ra, nhưng không hiểu sao lại ừ. Cô ta vào, nom cũng tạm được. Ả thỏ thẻ: “Em chiều anh hết mình nghe, nhưng phải có quà cho em đấy”. Ờ quà, quà gì ngoài tiền? Được, tiền thì anh không thiếu mà chủ yếu em phải ngoan nghe chưa? Đêm ga xép lặng lẽ, tôi vẫn không sao ngủ được. Cô gái sau khi xong nhiệm vụ đã vùi mình vào tấm chăn mỏng, hơi thở nhẹ nhàng, đều đều. Tôi bật dậy mở cửa sổ, châm vội điếu thuốc, ngoài kia phố xá lặng lẽ, tiếng rầm rập của đoàn tàu vào ga khiến tôi nhớ Huế da diết. Đôi mày lá liễu, ánh mắt thăm thẳm, mái tóc đậm hương bồ kết thoang thoảng. Bên tai vương vất tiếng hát của nàng, tiếng hát như dán chặt vào màng nhĩ, bao năm qua vẫn rõ ràng tha thiết: “Đừng ví em là biển, sâu thẳm và bao la, thuyền nan em bé nhỏ, không xa được bến bờ, …”.

“Anh không ngủ ư?”. Bỗng cô gái thức dậy và hỏi. “Ừ” - Tôi hờ hững. “Nhớ vợ à, em không thay thế chị ý một chút được sao. “Em bao nhiêu rồi, hai mươi à, trẻ nhỉ”. “Anh thích trẻ hơn không, mai em dẫn vào cho”. “Vậy hả, đủ mười tám chứ? Tầm tuổi này anh ngại ngồi chăn kiến lắm”. “Vô tư đi, cho anh xem chứng minh”. Tôi cười, rút tờ giấy bạc và bảo: “Đùa đấy, mai anh bận rồi”.

Tối cuối cùng, gõ cửa phòng tôi là một cô bé non choẹt, chắc chỉ mười sáu, mười bảy, bộ dạng rụt rè, nhút nhát. Tôi không để ý lắm vì mắt đang dán vào smatphone. Đợi mãi không thấy tôi lên tiếng, cô bé mạnh dạn cất tiếng: “Cháu cháu ... à em ... em đi tắm nhé?”. Tôi ngẩng đầu, bỗng giật mình, hình như cô bé này mình đã gặp ở đâu rồi nhỉ, đôi mắt quen quá ... Đôi mắt đen tròn, sâu thẳm với ánh nhìn như hút kẻ đối diện vào khoảng xoáy vũ trụ bao la. Trong quá khứ, rõ ràng đã hơn một lần bị cuốn theo khoảng xoáy ấy. Nhưng đó là chuyện của ngày xưa, còn bây giờ, nhất định tôi đủ minh mẫn để biết rằng, thiếu nữ này lần đầu gặp, dù nàng có nhiều nét tương đồng với hình bóng cố nhân trong ký ức. Cô bé vào phòng tắm, có tiếng xối nước và cái dáng mờ mờ qua tấm kính cánh cửa thấp thoáng ngờ ngợ, huyền ảo ... Ờ phải rồi, vẫn lần nghỉ hè về ga xép có mái vòm trái tim một tuần ấy, chỉ tại cái vách tường cửa sổ bị bong vữa, bản lề rời ra, tôi mua xi măng về trát lại. Nhưng phải hàng rởm, thành thử chiều có giông, gió đập mạnh, lại ngoác ra như cũ. Đêm ấy, trăng mười sáu đẹp quá, lung linh sáng tỏ. Bên ngoài cánh cửa sổ là khoảng sân giếng ngăn bởi tấm liếp. Nàng vô tư giội nước, tôi vô tình ngắm. Trời ơi, đẹp. Một sự diệu kỳ của tạo hóa, tấm thân trắng ngần loang loáng dưới ánh trăng. Những đường nét căng, mịn màng đầy sức sống, quyện với gam màu đen trắng như một bức tranh thủy mặc hằn trong tâm trí, không sao quên được. Và hôm nay, tôi lại bắt gặp dáng hình mỹ miều ấy, cứ ngỡ ngày xưa... Chợt cô bé bước ra, nàng đẹp như thiên thần, nhẹ nhàng tiến tới ngồi cạnh tôi thì thầm: “Anh cũng đi tắm đi”. “Được rồi em ngồi xuống đây, giới thiệu nhé, anh là Hào, Dương Đại Hào, thế cô bé tên gì?”. “Em tên Hoa”. “Tên hay nhỉ, thong thả, ta còn có cả một đêm cơ mà, cho anh trò chuyện với em nhé?”. “Vâng, nhưng anh phải trả tiền đấy, ông chủ ở đây ác lắm, mọi tội lỗi đều đổ lên đầu chúng em đó”. “Được rồi, hãy kể gì đó về mình đi, biết đâu anh lại giúp được em thì sao? Quê em ở đâu, có xa không?”. Cô bé mở to đôi mắt đen láy, chớp chớp một cái rồi nhỏ nhẹ: “Anh biết không, hồi nhỏ nghe mẹ kể có một thời gian dài gia đình em sống ở đây, chính mảnh đất có ba ngôi nhà nghỉ này”. Tôi chồm lên: “Em nói sao? Gia đình em ở đây ư, mẹ em tên gì, có phải là Hà Thu Huế, ngoại em là bà Cả Dậm đúng không, thế bây giờ mẹ em ở đâu? Sao em lại tới đây?”. Cô bé lại mở to mắt kinh ngạc: “Anh biết mẹ em ạ? Bà mất lúc em vừa vào lớp mười, còn mẹ đang ở trong Hà Tĩnh với bố. Em khổ lắm, không hiểu sao mà bố suốt ngày mắng chửi, còn mẹ thì lặng thinh nhẫn nhục. Học xong cấp ba, bố bắt ở nhà làm đủ thứ việc, không cho đi học tiếp. Lúc nào cũng nghe câu cửa miệng của ổng: “Đồ lạc loài, mau cút đi cho khuất mắt”. Chán nản, tuyệt vọng nên em đã theo đứa bạn rủ rê ra ngoài này mới được chục ngày”.

Tôi bàng hoàng, bất ngờ... Thảo nào đôi mắt giống thế, cả khuôn mặt, cái miệng … cứ như bản sao vậy. Tôi ôm nó vào lòng và kể hết cho nó chuyện ngày xưa. Con bé chăm chú nghe, thỉnh thoảng thút thít: “Chú ơi...”. Tuy xúc động như vậy, nhưng nó giãy lên nhất định không đồng ý khi tôi muốn đưa trở về nhà. Tôi chắc chắn, ở nhà nó phải gặp rất nhiều khổ đau, bất hạnh thì mới bỏ đi như thế này. Phải vất vả lắm mới thuyết phục được dù kèm theo nhiều điều kiện trái khoáy của nó.

Hôm sau, tôi thỏa thuận với tay chủ nhà nghỉ đưa con bé đi Hà Tĩnh.

Đêm ở ga xép . Truyện ngắn của  Trương Vân Ngọc
Ảnh pixabay

Bí mật đưa Hoa ra Hà Nội, mua một căn hộ chung cư nhỏ và cho nó tiếp tục ôn thi đại học, tôi làm tất cả những gì tốt nhất có thể để cho cháu được sung sướng, đồng thời phần nào chuộc lại lỗi lầm mà tôi đã gây ra trong quá khứ. Hôm gặp lại nhau, Huế đã làm tôi nhớ lại ngày giỗ cha nàng, đó là lần cuối về ga xép trước khi tốt nghiệp. Tàu đến ga Nam Định thì phát hiện một tay ăn mặc bảnh bao, đang móc tiền của một bà buôn ngồi cạnh. Tôi liền tóm lấy và tống cho một cú trời giáng. Hắn bật về phía sau rồi lum loa ầm ĩ, lập tức có mấy thằng bặm trợn xuất hiện, tôi chống đỡ không xuể. Sự nhốn nháo chỉ kết thúc khi an ninh tàu yêu cầu tất cả xuống ga để giải quyết. Ba tên đầu gấu gào lên làm chứng, tôi bỗng trở thành tội phạm. Một thằng dúi vào tay hai đồng chí cảnh sát mấy tờ giấy bạc và bảo: “Các anh thông cảm, cho tụi em về, muộn quá rồi”. Thế là bọn chúng được thả, khoái chí nhìn tôi bước ra, còn tôi vẫn phải ở lại với mặt mũi thâm tím. Cũng may đến tối, cảnh sát trưởng đến, sau một hồi nghe trình bày, giải thích, ông ta cũng để cho tôi đi.

Đến nơi lúc gần nửa đêm, nàng mở cửa đón tôi trong bộ đồ ngủ mỏng tang. Nhìn bộ mặt sưng húp và quần áo tơi tả, Huế xót xa lấy dầu bóp cho tôi. Vết sưng dịu dần, tôi thoáng thấy hương bồ kết ngan ngát. Cảm giác mái tóc mượt mà cứ gần mãi, gần mãi rồi sát vào nhau. Trong giây phút thần tiên, hai đứa thỏa thích làm những gì mình khao khát. Cả thế giới thu lại trong căn buồng bé nhỏ của nàng. Chẳng ai biết ngoài đêm đen và tiếng động của đoàn tàu vào ga. Mẹ nàng sang nhà nội cách đây hơn hai mươi cây số, để bàn với các chú bác về ngày giỗ của chồng mai mới về. Tôi hạnh phúc, tôi yêu nàng, thề nguyện gắn bó với nàng suốt đời.

Tôi ở nhà nàng cả ngày hôm sau, đôn đáo xuôi ngược lo cỗ bàn cho khách. Chiều tối mọi việc xong xuôi, do phải về trường để kịp thi nên phải đi tàu đêm. Ngồi ở phòng đợi, tôi mệt quá ngủ thiếp đi, lúc tỉnh dậy mới hoảng hốt phát hiện ra ba lô của mình đã không cánh mà bay. Làm thế nào bây giờ, có mấy đồng bạc để cả ở đó, bất đắc dĩ phải quay lại. Khi đến cổng, thấy trong nhà vẫn còn ánh đèn, thận trọng bước tới. Không tin vào mắt mình, tôi sửng sốt thấy nàng trong vòng tay của người đàn ông lạ. Giận run người, vội quay ra và chạy như bay trong vô định. Trời ơi, thì ra từ trước đến nay, nàng đã lừa dối. Tôi đau đớn, tê tái. Người ta thường nói, ông sư có ngãi, bà vãi có nghì, mọi đức hạnh đều biểu hiện ở hành động, chắc chắn không có tình thì sao họ đằm thắm? Lòng ích kỷ ghen tuông nổi lên, tôi cương quyết dứt tình, bỏ qua tất cả. Huế rất ngạc nhiên trước thái độ thay đổi ấy, càng ngạc nhiên khi người tình không nghe giải thích thanh minh. Nàng đau khổ, vật vã tôi cũng mặc. Đến tận bây giờ tôi cũng vẫn chưa thể hiểu nổi tại sao mình lại có thể nghiệt ngã, vô cảm đến ác độc như thế. Giá như tôi nén lòng lại, nghe lời giãi bày của nàng dù chỉ một phút, thì đâu có sự khổ đau, dằn vặt và hối hận dai dẳng như thế này. Lễ tốt nghiệp ra trường cũng là ngày hai đứa xa nhau, không một chút lưu luyến vương vấn.

Trái đất tròn hay là sự xếp đặt kỳ quặc của tạo hóa, tôi cũng không thể giải thích được. Khi nhận chức trưởng phòng, tôi đã phát hiện ra dưới sự quản lý của mình có một cậu ở xóm ga xép. Khéo léo hỏi chuyện về Huế, tôi đã ngã ngửa: Cái người đàn ông làm tôi hiểu lầm đêm ấy chính là cha đẻ. Thì ra, mẹ Huế sau khi biết chồng ra khơi không thể về, bà đã đi lại với một người đàn ông khác, rồi có mang. Ông này đã có vợ ở xóm bên, chính vì thế mà ông không xuất hiện công khai, và nàng cũng chưa dám kể với tôi.

Ngay sau khi biết sự thật, tôi đã phóng thẳng một mạch về chốn xưa. Tiếp tôi là một phụ nữ trung niên, bà ta bảo: “Cô mua lại căn nhà này gần ba năm rồi, cô không biết mẹ con bà ấy đi đâu”. Tôi đứng như hóa đá, làm gì bây giờ, không có thông tin, biết tìm sao? Giá được gặp lại nàng, tôi sẽ nói một lời xin lỗi chân thành, dù em có tha thứ hay không. Đơn giản là tôi có thể bớt đi sự day dứt ân hận và bù đắp một cái gì đó cho em...

Cũng thật không ngờ, đêm ấy đã để lại trong bụng nàng một giọt máu, tôi đã có con. Tôi thành cha thực sự, đã trút bỏ vai diễn ông bố hờ suốt một thời gian dài. Thế là cũng nguôi ngoai vì đã tìm được người xưa, đặc biệt đã cứu đứa con gái bé bỏng ra khỏi con đường nhơ nhớp. Tôi ở đây, dù một mình, nhưng vẫn thấy rất vui, một cảm giác bình yên dâng đầy. Hôm qua, lúc đang tản bộ dọc vườn hoa thì điện thoại rung nhẹ, tiếng con gái bé nhỏ của tôi thánh thót: “Cha ơi, con đỗ rồi, cả hai trường cha ạ, con sẽ học Thương mại. Cha về ngay với con cha nhé?”. Tôi sung sướng đến trào nước mắt. Ông biết không, cháu thông minh lắm, dù hoàn cảnh khốn khổ như thế mà cả ba năm cấp ba đều là học sinh giỏi đấy. Khi biết tôi là cha đẻ, nó run rẩy lao tới ôm chặt như sợ tôi biến mất, rồi nghẹn ngào hai tiếng cha ơi. Đây này, nó còn đưa cho tôi chiếc hộp giấy có bông ban trắng ngày xưa – kỷ vật mà Huế đã lưu giữ mấy chục năm, cánh hoa ngả màu khô cứng, cuộn chặt khối nhụy đã đen lại bởi thời gian...

Nhưng thật éo le, giờ tôi không thể chăm sóc cháu được, ông hãy giúp tôi tiếp tục công việc đó nhé. Căn bệnh thế kỷ đã dập tắt bao mơ ước, dự định mà tôi ấp ủ bấy lâu. Cuốn sổ tiết kiệm này, ông hãy dùng số tiền lãi hàng tháng để lo cho nó ăn học, làm cha thay tôi, chăm sóc dạy dỗ cháu nên người. Cũng nhờ ông chuyển hai bức thư cho cha mẹ đôi bên, đó là lời tạ lỗi ơn sinh thành và dưỡng dục dìu dắt của họ. Tôi chọn cái nơi heo hút để ra đi là không muốn ai đau khổ, thất vọng vì tôi. Ông cố gắng thu xếp một cách ổn thỏa để mọi người không nghĩ tôi chết vì HIV, đặc biệt là con Hoa.

Nghe đến đây, Sơn nhoài người lên nói như quát vào mặt tôi: “Không, cậu phải sống, không thể đầu hàng dễ dàng như vậy được. Tôi sẽ có cách”.

*

Tôi nhận được thư mail của con gái: “Cha yêu dấu của con, giờ này chắc cha đã ngủ vì ở đây, con đang chuẩn bị lên giảng đường. Cha hãy yên tâm dưỡng bệnh cha nhé, dù thế nào đi nữa thì mãi vẫn là người cha kính yêu của con. Hôm trước bác Sơn mang đến bao nhiêu là thứ, nào quần áo, sách vở, điện thoại, lap top. Bác ấy tốt quá, tận tình chu đáo mọi điều. Bác còn bảo cha sắp khỏi bệnh rồi, chẳng bao lâu nữa con sẽ được đón cha về...”

Tôi mừng vui khôn xiết, sau hai tháng điều trị ở nơi này, bệnh đã giảm được phần nào. Tận mắt chứng kiến có người mắc như tôi hàng chục năm vẫn khỏe mạnh, tôi rất an tâm, thực hiện đầy đủ các yêu cầu của bác sỹ. Bất giác, tôi thấy nhớ quê hương, nhớ mọi người và con gái yêu quá.

Nguồn Văn nghệ số 18+19/2022

Văn nghệ, số 18+19/2022
Họa sĩ René Magritte gia nhập "Câu lạc bộ 100 triệu đô la"

Họa sĩ René Magritte gia nhập "Câu lạc bộ 100 triệu đô la"

Baovannghe.vn - Bức tranh "L'empire des lumières - Đế chế ánh sáng" của René Magritte vừa được bán đấu giá với mức kỷ lục 121,2 triệu USD, đưa ông trở thành một trong số ít các nghệ sĩ gia nhập "Câu lạc bộ 100 triệu đô la." Tác phẩm siêu thực này không chỉ phá vỡ kỷ lục đấu giá cho các tác phẩm của Magritte mà còn phản ánh xu hướng mới trong thị trường nghệ thuật đương đại.
Hổ trắng. Truyện ngắn của Nguyễn Phú

Hổ trắng. Truyện ngắn của Nguyễn Phú

Baovannghe.vn- Bà Ài ngồi trên một khúc gỗ gần bậu cửa nhìn ra con dốc trước nhà. Từ các bản trên cao như Si Mã Phìn, Lùng Chính Thượng, Lủng Pờ... muốn xuống chợ Tà Phìn đều phải đi qua con dốc xoắn tít. Con dốc này bao đời nay gắn với bàn chân người, móng guốc ngựa xuống xuống lên lên.
Bản tin Văn nghệ: Kỷ niệm 10 năm Dân ca ví, giặm được UNESCO vinh danh

Bản tin Văn nghệ: Kỷ niệm 10 năm Dân ca ví, giặm được UNESCO vinh danh

Baovannghe.vn - Festival "Đôi bờ ví, giặm - kết nối tinh hoa di sản", dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được tổ chức từ ngày 27-30/11 tại Hà Tĩnh
Hoạt động văn hóa nghệ thuật đón chào năm mới 2025

Hoạt động văn hóa nghệ thuật đón chào năm mới 2025

Baovannghe.vn - Thành ủy Hà Nội vừa ký ban hành Kế hoạch số 276-KH/TU về lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức các hoạt động Tết Dương lịch 2025 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ của thành phố Hà Nội
Giọng nói khác

Giọng nói khác

Baovannghe.vn - Như nhiều người đã nói, giờ đây, chúng ta đang chứng kiến một sự thay đổi lớn lao. Chúng ta băn khoăn không biết mình đang trải nghiệm sự cuối kết của tính hiện đại hay là sự đổi mới của nó. Chức năng của thơ ở thời điểm này sẽ là gì?