Sáng tác

Dì Cẩm. Truyện ngắn của Giai Ý

Giai Ý
Truyện
07:00 | 31/03/2025
Baovannghe.vn- Căn nhà dì tôi hiện ra trước mắt, mới tới đầu ngõ thôi là mùi hoa nhài Nhật đã thơm nức mũi. Dì tôi vốn là người yêu bông hoa, cây cỏ nên xung quanh nhà lúc nào cũng có mùi thơm thoang thoảng của các loài hoa. Nhìn vào bên trong thấy dì ngồi đó, thẫn thờ, cô đơn đến tội nghiệp.
aa

Tôi đang cặm cụi viết cho xong báo cáo để gửi đi cho sếp, mẹ gõ cửa phòng rồi giọng hối thúc:

- Chở má xuống dì Cẩm, dưới đó có chuyện rồi. Nghe đâu ông dượng âm thầm ôm đồ bỏ đi cùng bà bồ làng bên của ổng.

Tin tức đó mới chấn động làm sao, tôi nghe mà ngỡ ngàng không tin được vào tai mình. Gạt hết công việc qua một bên, tôi vội vã dắt xe ra và hai mẹ con nhanh chóng xuống dì. Trên đường mẹ tôi giọng oang oang “Cái thứ gì chứ không phải con người, già rồi mà không nên nết, tao mà gặp lại tao vác cây đánh nó nhừ xương. Nhà cao cửa rộng, vợ đẹp con ngoan không ưng, đi theo ba cái loại trắc nết lăng loàn, đúng là nghiệp mới gặp thể loại này làm chồng.” Tôi im lặng suốt quãng đường đi, tính mẹ tôi là vậy, một khi đã nói là không ngừng nghỉ, nói bất chấp. Càng hưởng ứng thì mẹ tôi càng nói, nhưng phản đối thì bà cũng vẫn không ngưng.

Dì Cẩm. Truyện ngắn của Giai Ý
Minh họa Đặng Tiến

Căn nhà dì tôi hiện ra trước mắt, mới tới đầu ngõ thôi là mùi hoa nhài Nhật đã thơm nức mũi. Dì tôi vốn là người yêu bông hoa, cây cỏ nên xung quanh nhà lúc nào cũng có mùi thơm thoang thoảng của các loài hoa. Nhìn vào bên trong thấy dì ngồi đó, thẫn thờ, cô đơn đến tội nghiệp.

- Nó đi thiệt rồi hả em, có mang theo tiền bạc hay gì không? Hay chỉ mang cái thân già đi với con quỷ kia?

- Em không biết có lén lấy sổ đỏ sổ hồng gì mang theo không? Riêng tiền bạc thì em giữ. Nghe bà Mai bán gạo ở chợ kể lại thấy ảnh với bà kia lên xe khách lúc năm giờ chiều nay. Em gọi thì không được.

Nói rồi dì ôm mặt khóc nức nở, mẹ tôi ngồi xuống bên cạnh ôm lấy vai dì xoa xoa, vỗ về âu yếm như bao năm qua mỗi khi có chuyện buồn là mẹ lại chạy sang an ủi. Dì tôi nhan sắc vẫn còn mặn mà lắm, da dẻ dì căng bóng, mỗi khi có người khen, rồi hỏi xin bí quyết, dì luôn cười hiền bảo rằng “Tui có xài kem phấn gì đâu, ngày nào cũng uống nước lá vối, nước đậu đen, nước hoa đậu biếc. Vui vẻ lạc quan là da đẹp lên à.” Quả thiệt là dì tôi đã làm như vậy. Ngoài ra dì còn là người ít khi giận hờn hay soi mói ai. Dì hài hước thân thiện nên ai ai cũng yêu quý, cuộc vui nào mọi người cũng rủ rê và thích sự có mặt của dì. Xét về ngoại hình hay tính cách, tôi thấy dì đều hơn hẳn mẹ tôi, thế mà dì lại gặp dượng. Một người cộc cằn, gia trưởng. Hễ có gì không vừa ý là dượng tôi lại mắng chửi vợ con xối xả rồi điên tiết đập đồ. Không ít lần tôi đã chứng kiến sự nóng tính không có điểm dừng của dượng tôi. Những lúc ấy tôi nhói lòng vì thấy dì xui xẻo. Điểm tốt của dượng tôi chắc là có một vẻ ngoài xán lạn và giỏi giang. Công việc đồng áng dượng cũng siêng năng chịu làm. Theo lời mẹ tôi, ngày dắt về ra mắt, có vẻ ông ngoại tôi không ưng lắm, ngoại dè dặt nói nhỏ với mẹ tôi “Sao ba thấy thằng này có vẻ nó không chung thuỷ, sợ mai này con Cẩm sẽ khổ thôi.” Nhưng tình yêu nó khiến cho dì tôi mê mẩn, bỏ ngoài tai lời khuyên răn của mọi người. Mẹ tôi có lẽ là người khuyên dì Cẩm nhiều nhất, nhưng thất bại, mẹ tôi sợ tình chị em rạn nứt nên thôi không ý kiến gì, bởi càng ngăn cản thì dì tôi lại yêu dượng điên cuồng. Dì nói kiếp này dì nợ dượng, phải trả cho xong. Thế là đám cưới diễn ra, cuộc sống chục năm đầu hôn nhân nghe đâu rất hạnh phúc và bình yên. Cứ tưởng dì sẽ mãi hạnh phúc với người mình yêu, ai ngờ…

Dượng động lòng với người phụ nữ làng bên, cô ta không xinh đẹp cũng chẳng giàu sang, quý phái. Đã vậy còn ham chơi nhác làm, con cái ba đứa để lêu lổng không ai chăm sóc. Đứa bỏ học, đứa tù tội vì đánh người ta, đứa đi Sài Gòn làm thuê không bao giờ thấy mặt. Chồng thì còn đó nhưng như người bị vong nhập, thơ thẩn hát hò nghêu ngao rồi cười nói với cây cối. Gia cảnh như vậy nhưng dượng tôi lại mê. Mọi người đều không hiểu tại sao cô ta lại có sức quyến rũ như vậy đối với dượng tôi. Lúc đầu dì tôi biết chuyện cũng gào khóc, mắng chửi xối xả mấy ngày liền. Lần đầu tiên từ khi quen và cưới nhau, dì chỉ thẳng vào mặt dượng và đuổi dượng đi. Một con người hiền lành, vui vẻ mà nay dì trở nên hung dữ lạ thường. Dì chì chiết dượng sống tệ bạc, khốn nạn với vợ con.

Dượng tôi xanh mặt khi chứng kiến người phụ nữ bên mình bao năm qua nay giống như bị hắc hoá, dượng thề thốt sẽ không qua lại gì với người đàn bà đó nữa. Dượng hạn chế đi ra ngoài, xong công việc nương rẫy là về nhà với vợ con. Thỉnh thoảng còn xách nước tưới hoa cho dì, một công việc mà trước nay dượng không bao giờ rờ tới. Trong những cái nắng oi ả của ngày hè, dượng tất bật chặt cây che chắn thêm cho mấy chậu hoa khỏi héo, với mong muốn làm dì tôi vui hơn. Có lẽ những ngọn lửa tội lỗi đang cháy âm ỉ trong lòng dượng, nên dượng đang cố gắng làm nó dịu đi.

Những giọt mồ hôi của dượng lấm tấm trên trán đã làm cảm động trái tim của người phụ nữ. Gia đình lại hoà thuận như xưa. Dì lại trở về dáng vẻ người vợ hiền lành, tảo tần như ngày nào.

Nhưng bản tính của một người là điều dường như cả đời này không thể thay đổi. Rồi chẳng biết qua lại thế nào, mà bây giờ dượng tôi âm thầm bỏ trốn cùng cô ta sau vài năm ngỡ như mọi chuyện đã còn là dĩ vãng. Tin tức này khiến cả một vùng quê vốn yên bình thanh vắng nay lại xôn xao khắp ngõ. Dì tôi không dám đi đâu, vì hễ bước chân ra khỏi nhà, gặp bà bán rượu hay cô bán chè đều sáp tới hỏi “Có thiệt không em? Từ hôm đi tới giờ có gọi về cho em không?” Rồi thỉnh thoảng còn chửi hộ giùm dì tôi “Khùng điên gì rồi chứ bình thường không ai làm vậy cả. Con đó nó xấu mà phụ nữ tao còn chê, mà nó giàu có gì cho cam. Nghèo rớt mồng tơi mà sao sức hút lạ lùng.” Dì tôi lặng lẽ không nói gì. Nhìn dáng vẻ u buồn tột đỉnh đó cùng với ánh mắt xa xăm vô định mà mẹ tôi lo lắng không yên. Thỉnh thoảng thấy dì ngồi ở một góc nhà, ôm chiếc áo của dượng vào lòng như ôm tất cả những kỉ niệm đẹp đẽ bao năm qua của hai vợ chồng.

Rồi không biết ai xui khiến, mẹ tôi chạy xuống tìm dì tỉ tê, thủ thỉ:

- Em sắp xếp công việc, rồi chị dẫn em đi chỗ bà thầy này. Coi có phải dượng bị bỏ bùa bỏ ngải gì không? Nghe nói bị yểm bùa là không dứt ra được, yêu mê mệt say đắm, chứ con kia hơn em cái gì mà phải bỏ đi với nó. Hoặc nhiều khi là cái hạn cái nghiệp của em không chừng.

Dì tôi như vớt được phao cứu sinh liền đồng ý ngay tắp lự, cùng với mẹ tôi dắt díu nhau đi khắp nơi tìm thầy bà nổi tiếng, vái lạy thánh thần để xin giải hạn, cắt đứt duyên trần của dượng với người đàn bà kia. Nhưng có lẽ bề trên cũng không chứng cho lòng thành của hai người, hoặc dượng tôi chẳng bị bùa mê thuốc lú gì cả, là dượng yêu sự mới mẻ sau bao năm sống cùng người vợ quá chân thành là dì tôi, hoặc vốn dĩ là người đàn ông không chung tình giống như lời dự báo năm xưa của ngoại.

Sáu năm qua đi, mọi người nhìn dì tôi với cặp mắt thương cảm đến đau lòng. Dì vẫn ngồi đó với ánh mắt vẫn xa xăm vô định để chờ đợi chồng mình quay về. Mẹ con tôi thương dì không có một gia đình trọn vẹn như người ta, dù bao năm qua dì đã nhẫn nhịn và thứ tha, yêu thương chăm sóc chồng mình mỗi ngày. Càng nghĩ đến dì, tôi và mẹ tôi lại đau nhói lòng. Nhất là mẹ tôi, cứ bữa cơm nào gia đình tôi quây quần đông đủ, gắp cho nhau miếng ngon là mẹ tôi lại thở dài :

- Tội nghiệp dì Cẩm bây, tử tế như vậy mà lại gặp phải thằng chồng ác ôn. Không biết đến bao giờ dì bây mới thôi nhớ đến hắn và sống vui vẻ như mẹ.

Mùa đông đến, mẹ con tôi đều cố gắng đến nhà dì nhiều hơn, để xoa dịu vớt vát đi cái lạnh ở ngồi nhà buồn hiu đó. Dì không còn khóc nhiều như trước nữa, dù nỗi buồn vẫn còn vương đâu đó bay chênh vênh trong ngôi nhà này. Con gái dì học xong đại học, ra trường và xin việc để về gần nhà, nên cứ cuối tuần là có mẹ có con, điều đó khiến dì tươi tỉnh hơn. Hoặc là thời gian đã làm dì tôi nguôi dần nỗi nhớ dượng. Quen dần với cuộc sống không có dượng. Dì tìm niềm vui bên những cành hoa ngọn cỏ ở vườn. Những chậu hoa lại khoe sắc bên hiên nhà mỗi khi tôi tới thăm. Nào lan, nào hồng, nào sống đời, hồng môn, sử quân tử, hoa giấy trắng nở rộ, hương hoa toả ra nhè nhẹ quanh nhà. Mọi thứ đang yên ổn và dì tôi vui vẻ trở lại thì đột ngột dượng quay về.

Vẫn là tiếng hét thất thanh của mẹ tôi khi nói chuyện điện thoại:

- Cái gì, nó về rồi hả Cẩm. Công nhận nó gan cũng lớn ghê. Đi bao năm rồi mà còn dám vác xác về à. Đuổi nó ra khỏi nhà đi em. Còn không chị xuống, chị gặp là chị chém nó. Em nói nó đi đi, chứ gặp chị một là nó chết, hai là chị chết. Cái thứ cô hồn ở đâu không biết.

Tôi ló đầu ra khỏi phòng nhẹ giọng :

- Mẹ có thể nói chuyện nhẹ nhàng bình tĩnh được không? Gì mà đâm chém chết chóc nghe cứ như dân giang hồ vậy. Mà con nghĩ chuyện này dì Cẩm sẽ quyết định đồng ý cho dượng ở hay không. Mẹ phải tôn trọng ý kiến của dì.

- Mày thì biết cái gì, không lẽ để ổng đi nhởn nhơ với con quỷ kia bao năm rồi giờ về lại như không có chuyện gì. Không thể được.

Mẹ tôi kiên quyết không đồng ý. Và thật bất ngờ làm sao, dì tôi lần này chung phe với mẹ. Dượng tôi về mặc chiếc áo sơ mi cũ đã bạc màu, tóc tai rũ rượi, gương mặt đờ đẫn ngồi thu lu một góc dưới cây xoài. Dì tôi không cho phép dượng vào nhà. Mặc kệ con gái dì khóc lóc năn nỉ mẹ tha thứ cho ba. Nhìn cảnh đau lòng ấy, tôi có khuyên dì mấy câu đại loại là “đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại”. Nhưng dù sao tôi vẫn sẽ ủng hộ mọi chuyện mà dì Cẩm làm. Dẫu sao tha thứ là điều rất khó lúc này sao bao bão giông sương gió và điều tiếng mà dì phải gánh lấy.

Vậy là dượng về nhưng sống lay lắt, ban đêm thì đợi dì tôi vô phòng len lén lên mé hiên nằm. Cơm nước thì em tôi cũng lén lút đưa. Cả ngày loay hoay, cặm cụi ngoài vườn. Khi thì nhổ cỏ, khi thì đốt lá, dọn dẹp khu vườn sạch tưng. Thỉnh thoảng ai kêu gì thì đi phụ đó kiếm thêm tiền sinh sống. Dì tôi chẳng quan tâm đến. Dì bây giờ đã trở nên mạnh mẽ và kiên cường hơn xưa nhiều. Chắc có lẽ dì đang hả hê khi thấy đời vả dượng tôi như vậy.

Dạo này, con gái dì - bé Hoa ở cạnh mẹ nhiều hơn. Cứ đi làm xong là tranh thủ về, nấu những món mẹ thích. Cuối tuần rủ rê đưa mẹ đi chơi. Có cái gì đó hơi lạ mà dì tôi chưa thể phát giác ra. Quả nhiên, một buổi tối khi cơm nước xong xuôi, bé Hoa con gái của dì mới nhẹ nhàng nói với mẹ rằng Hoa đã có bạn trai, cuối tuần sau muốn dẫn bạn trai về ra mắt. Rồi người lớn sẽ tới thăm nhà để đặt vấn đề cưới hỏi cho năm sau. Đương nhiên chuyện chính là muốn mẹ tha thứ cho ba. Đời người dù gì cũng cưới hỏi chỉ có một lần, đương nhiên là muốn đấng sinh thành cùng nhau có mặt và chúc phúc cho con cái.

- Tha thứ? Con nghĩ dễ dàng như vậy sao? Chỉ cần về sống im lìm nhẫn nhịn, ru rú ngoài vườn làm ba chút việc cỏn con cho mẹ là mọi chuyện coi như hết sao.

- Nhưng ba cũng đã biết lỗi rồi, mẹ còn muốn như thế nào nữa? Từ ngày về tới giờ ba chưa được ngủ một giấc ngon lành, chưa có bữa cơm nào tử tế. Dù sao, đó cũng là ba con, chồng của mẹ.

- Ông ấy xứng đáng bị như vậy, thậm chí phải hơn thế nữa. Ngủ không sâu giấc, ăn không ngon miệng thì đi, đừng có ở cái nhà này. Mẹ không cần. Cưới hỏi thì có mẹ, có dì, có anh hai con. Bên nội thì có chú có bác. Thiếu một người chẳng lẽ đám cưới không thành.

Dì cố tình nói to thật to, để cho một người nghe được. Dì phải khiến dượng đau đớn tột cùng, đau gấp đôi nỗi đau mà dì từng chịu đựng. Những cảm xúc ứ đọng bao năm qua, những khóc lóc vật vã như hồn lìa khỏi xác không thể nào tan biến dễ dàng như vậy được. Sự căm giận của dì bây giờ đang ngùn ngụt như một bó đuốc khó mà dập tắt.

Ấy vậy mà, khi nhìn thấy dượng nằm bất động ở vườn vì bị một con rắn lục cắn, dì tôi mắt hoa đi, khuỵu xuống, đôi vai run lên, kêu lớn đưa dượng tôi đi cấp cứu. Nghe đâu nọc độc đã xâm nhập vào bên trong cơ thể, mắt mờ và miệng không mở được.

Dượng nằm viện, lòng dì tôi như lửa đốt. Dì liên tục vái lạy trước bàn thờ tổ tiên cầu xin cửu huyền thất tổ hãy dùng sức mạnh của dòng họ cứu lấy dượng tôi lần này. Mới gặp lại nhau, vẫn chưa có một bữa cơm đầm ấm, chưa có một lần ngồi nói chuyện tử tế với nhau. Không thể sinh li tử biệt như vậy được. Dì mua bông hoa bánh trái nhờ tôi chở dì lên chùa trên núi cao, thành tâm xin cho chồng mình qua cơn nguy kịch. Nhìn dì một lần nữa héo hon, gương mặt lo lắng và sợ sệt. Thật sự khiến người ta đau lòng.

Có lẽ tổ tiên, thánh thần đã hiển linh nên dượng tôi từ cõi chết được trở về, nhưng sức khoẻ vẫn còn yếu. Cộng thêm bao ngày qua, tinh thần dượng u uất ân hận nên vẫn phải nằm viện điều trị một thời gian. Dì vẫn không vào thăm, vì vẫn chưa thật sự nguôi ngoai hết giận nhưng cũng lén mua thuốc bổ, đồ ăn ngon rồi bảo con gái mang vào bệnh viện cho chồng. Nhiều khi miệng thì nói không tha thứ nhưng hành động thì lại trái ngược.

Phụ nữ có lẽ là vậy, mắng chửi đó, nói lời cay nghiệt đó. Nhưng khi chứng kiến người mình yêu thương ở lằn ranh sinh tử, lập tức trái tim họ yếu mềm và trở nên vị tha.

- Là phụ nữ nếu không thể chịu đựng thì hãy vùng lên, không thể tha thứ thì đừng vội tha thứ, nhưng nếu có thể tha thứ rồi thì mạnh dạn bỏ qua, đừng quan tâm đến ý kiến của mẹ con quá nhiều dì ạ.

Dì nhìn tôi rồi mỉm cười, chỉ bấy nhiêu thôi là tôi đã cảm nhận được sự hạnh phúc của dì đang len lỏi quay trở về. Thôi thì hàn gắn, chia ly rồi lại hàn gắn. Có lẽ đó là số mệnh của dì Cẩm tôi.

Tags:

Bờ xanh cỏ hát. Truyện ngắn của Phong Hân

Bờ xanh cỏ hát. Truyện ngắn của Phong Hân

Baovannghe.vn - Cánh đồng chiều trải rộng ra, từng thửa lúa xanh mượt, nghiêng mình khoan khoái đón ngọn gió mùa từ ngoài sông lớn thổi tràn về.
Mùa Xuân Mắt biếc - Thơ Trần Hoàng Vy

Mùa Xuân Mắt biếc - Thơ Trần Hoàng Vy

Baovannghe.vn- Lộc đã chạm mùa. Xuân mắt biếc/ Chồi non tơ. He hé mơn mơn
Xuân vị mặn. Tản văn của Lê Văn Nhân

Xuân vị mặn. Tản văn của Lê Văn Nhân

Chắc bông hoa cũng không muốn mình lỗi hẹn với nàng xuân và với những tâm hồn dành trọn tình yêu cho chúng. Ba tôi hay khuyên má “ý như vạn sự”, cái câu nghe là lạ mà thật đúng làm sao. Nếu cứ cưỡng cầu “vạn sự như ý” thì có lẽ người ta sẽ phải thất vọng thật nhiều, rồi khóc thật nhiều.
Tam giác mạch - Thơ Huỳnh Thúy Kiều

Tam giác mạch - Thơ Huỳnh Thúy Kiều

Baovannghe.vn- Bắt đầu từ phía núi rất xa/ Mùi hương chạy dọc về phương Nam theo nhánh gió
Kiều mạch - Thơ Nguyễn Linh Khiếu

Kiều mạch - Thơ Nguyễn Linh Khiếu

Baovannghe.vn- thăm thẳm trong sương/ cánh đồng kiều mạch