Sáng tác

Đi qua một người điên - Truyện ngắn của Nguyễn Hồng Thái

Nguyễn Hồng Thái
Truyện
19:46 | 01/11/2024
Baovannghe.vn - Hắn thức dậy chậm chạp uể oải. Hắn bước xuống nhưng chân chạm ngay vào đất. "Mẹ cha đứa nào không cho ông ngủ chõng". Hắn lầm bầm rồi mỉm cười đắc thắng. "Đã thế ông không thèm dậy nữa, đứa nào dám làm gì ông thì làm đi. Thách đấy!" Hắn nhìn lên gọi con thạch sùng đang bò trên rui nhà "Có giỏi thì xuống đây". Rồi hắn cứ nhìn vào chỗ ấy, điểm ấy, hai con mắt trâng trâng.
aa

Hình như hắn bắt đầu nhớ ra. Chắc giờ là ban ngày? Mình ngủ lâu chưa. Sao vội thức làm gì. Ngủ khoẻ hơn thức chứ. Thì ra đã lâu hắn cần ngủ. Mắt nhắm lại hắn là thằng Tuyên, cái thằng người. Thức dậy hắn bị dân làng gọi là thằng điên. Thế thì ngủ. Hắn lấy tay che mắt. Nhưng cái bụng cứ réo sôi, cứ ồn ào gọi hắn. A đói. Đói thì dậy.

Tháng ba âm. Bố mẹ hắn đi ra ruộng. Em gái hắn đi học. Hắn bước xuống nhà bếp bốc một nhúm muối. Những hạt muối trắng lẫn với tro bếp, rồi hắn ra sau vườn. Từng vồng, từng vồng dây khoai lang xanh mơn mởn, ngọn rau tươi non màu lá mạ khe khẽ rung rung. Chao ôi, tự nhiên hắn nhớ cái hồi chăn trâu ở Cồn Dăm. Lâu lắm rồi. Cả bọn trườn bò bê bết dưới những rãnh khoai đánh du kích. Có thằng Bấm không nhỉ? À có. Nhóm thằng Bấm đóng Tây, còn nhóm hắn làm du kích. Ngày sau hắn đóng Tây, nhóm thằng Bấm đóng ta. Đuổi nhau, ném nhau mệt lử, cả bọn xúm lại hái từng ngọn rau khoai lang cho vào nồi mang theo sẵn. Chúng nhóm lửa vừa sưởi ấm và đợi nồi rau chín. Rồi thi nhau bốc chấm với muối, miệng và lưỡi đứa nào đứa ấy cứ xanh len lét... Đấy là khoai người ta. Còn sáng nay khoai trong vườn nhà hắn, hắn sợ ai mà không hái. Tay phải hắn cầm muối, tay trái hái đọt khoai. Hắn thuận tay trái mà. Được một nắm, hắn vo nhỏ lại để chấm muối. Bỗng hắn hoảng hốt, bàn tay trái của hắn dây nhựa đen xin xỉn. Mắt hắn lạc đi. Không phải nhựa. "Là máu. Là máu." Hắn hét lên vất cả muối, cả khoai chạy một mặt lên Cồn Dăm, vừa chạy vừa chùi hai tay vào chiếc quần âu đã rách tươm. Tức thì cả một đoàn trẻ con đuổi theo hắn vừa cười vừa réo rắt, vừa gọi đứt cả hơi "thằng điên, thằng đ...iên…!

Suốt ngày và tối đó Tuyên không về nhà. Đã một năm nay bố mẹ hắn khổ sở mò mẫm trong đêm tìm hắn về. Nay thành quen. Cô em gái mười sáu tuổi nói với bố: "Kệ anh ấy, muốn ngủ đâu thì ngủ. Bố mẹ cứ ngủ đi, con thức học đợi anh ấy về một thể." Lúc ấy Tuyên nằm ở Cồn Dăm lơ ngơ lẩm nhẩm đếm sao trời. Bỗng hắn nghĩ tới thằng Bấm. Nó xa làng Cung đã hai năm. Đi đâu? Đi tù. Tự nhiên đêm nay hắn tỉnh táo lạ thường. Hắn nhớ cảnh phiên toà tỉnh về xử thằng Bấm ngay tại cái nhà hai tầng mới xây xong của xã. Có dễ đến cả hàng ngàn người đứng ngồi lổm nhổm kín cả sân cố ngó xem mặt ngang mũi dọc cái thằng giết người ấy ra sao. Nhân chứng duy nhất là thằng Tuyên, người có mặt ngay cái đêm thằng Bấm dám cầm dao đâm người. Hắn được phép ngồi, chỉ nhìn thấy tóc tai bờm xờm của thằng Bấm phía sau gáy. Còn bạn hắn, thằng Bấm phải đứng, áo quần bạc phếch, hai tay chéo trước bụng; mẹ nó thỉnh thoảng phải đứng lên lau nước mắt cho nó.

Thằng Bấm mồ côi bố. Nhà nghèo, mẹ yếu, Bấm làm nghề mổ lợn thuê kiếm sống. Bấm học hết lớp ba, thường cộng nhầm hàng đơn vị với hàng chục. Mười lăm tuổi mẹ vay tiền cho Bấm mở hàng thịt lợn ở chợ Dàn. Chợ quê người quen đông. Bấm vốn nghèo lại nhút nhát dễ tính nên dân mua chịu đổ xô đến. Nhiều phiên Bấm bán nhanh, đắt hàng nhất chợ nhưng xách bị về không. Người năm lạng kẻ một cân, Bấm đi khắp nơi đòi nợ nhưng ai cũng tránh mặt. Kẻ nát rượu còn dọa cho Bấm ăn đòn, người tử tế hơn thì hẹn đến mùa gặt. Thế là Bấm cụt vốn, bỏ chợ, bỏ luôn cả nợ. Giá nó còn bố đứa nào dám quỵt, chứ đàn bà con trẻ ai người ta sợ. Mẹ Bấm nói vậy. Từ ông chủ, sau mấy buổi chợ Bấm biến ngay thành kẻ làm thuê. Bấm bị đổi ngôi sau cuộc cách mạng chóng vánh của bọn mua chịu. May Bấm vẫn giữ được con dao phay. Vũ khí độc nhất trở thành vốn tự có. Thế là Bấm đi mổ lợn thuê cho mấy ông chủ. Gà vừa gáy là Bấm thức dậy đi. Gần sáng chủ lò đưa thịt ra chợ là lúc Bấm lững thững trở về, trong bụng chứa một tô tiết canh với hai chén rượu, trong túi lúc tám nghìn, lúc chục nghìn tùy lợn to lợn bé là tiền bất di bất dịch mà Bấm đưa cho mẹ. Đời Bấm nếu cứ tuần tự như thế, kể ra thì chẳng đến nỗi nào, có khi đời còn ưu ái với một thanh niên biết gần thông thạo cả bốn phép tính như Bấm. Ấy thế mà có một ngày định mệnh. Đó là một nửa đêm, Bấm nhờ thằng Tuyên đèo xe đạp đi bốn cây số sang xã Yên Lí mổ lợn cho một đám cưới. Một toán thanh niên Yên Lí tưởng Tuyên và Bấm đi tán gái làng mình nên chủ động gây sự. Hai bên đánh nhau, Bấm đâm chết một người, cả hai vứt xe đạp, vứt dao bỏ chạy. Nay cả hai ra toà. Bấm là thủ phạm, Tuyên làm nhân chứng...

Dễ đến ba tháng nay, Tuyên mới nhìn thấy lại con dao mổ lợn của Bấm, cái xe đạp Mifa của nhà mình để cạnh ông chủ toạ phiên toà. Ở phía trên, người thì đọc, người thì hỏi thằng Bấm liên tục, ở dưới Bấm ngắc ngứ lúng ta lúng túng như người nghèo trước chợ. Hắn từ chối không đâm chết người; chỉ sợ quá mà vất dao bỏ chạy. Đến lượt Tuyên làm chứng thì hắn nói lưu loát. Hắn từng bị ông cảnh sát tên Đồng gọi lên huyện hỏi rất nhiều lần. Trước phiên toà hôm nay, hắn đã thuộc lòng nên nói ý như trả lời với ông Đông. Rằng hắn không nhìn thấy Bấm rút dao ra lúc nào, hắn không làm gì, chỉ có chạy thục mạng. Trình độ học xong lớp mười hai giúp hắn biết nói một cách ngắn gọn, khôn ngoan; không thiếu để toà phải hỏi thêm; mà cũng không thừa để toà phải suy luận tìm sơ hở. Nghĩa là hắn nói vừa đủ. Toà tuyên thằng Bấm tội giết người không cố ý bằng tay trái, lãnh án mười lăm năm tù. Bấm gục xuống. Mẹ Bấm gào lên. Sân người lặng đi. Còn thằng Tuyên người nóng như có lửa, tai điếc đặc, mắt nhìn mà không thấy ai, mồ hôi chảy bết cả tóc. Hắn định gào lên "Không! Không phải thằng Bấm" nhưng miệng cứng lại như người bị cảm gió...

Sau đó thế nào đêm nay hắn không thể nào nhớ nổi được nữa. Trời dần về khuya, hắn thấy lạnh. Run cầm cập. Hắn định ngồi dậy mà toàn thân tê dại. Khoảng trời trên mắt hắn loãng ra, chập chờn, ngay cả cái ông sao sáng nhất cũng nhoè nhoẹt. Hắn lấy tay quệt mặt thì chạm phải nước. A, hắn khóc từ lúc nào. Nước mắt và sương đêm phủ kín mặt. Hắn ngồi dậy nghỉ một lát rồi gượng bước lầm lũi về nhà. Vừa đi hắn vừa lẩm bẩm, mình đâu có điên. Cả làng này nói bậy hết. Điên mà biết khóc thương thằng Bấm? Làng này điên hết rồi, mình ta là tỉnh thôi. Hắn nghiệm, sau mỗi lần khóc, hình như hắn nhớ ra nhiều điều. Thấy tỉnh như sáo và thấy buồn nôn nao. Hắn thường lên cơn điên ở chỗ đông người và tỉnh ra ở chốn không người. Chẳng ai làng này hiểu hắn cả. Chỉ có bóng tối là hiểu hắn mà thôi. Bóng tối trở thành bạn đồng hành của thằng điên lúc tỉnh.

*

Thằng Bấm đi tù ở Trại số 3 Tân Kì, một huyện miền núi cách quê những sáu mươi cây số. Bấm đi được một năm thì thằng Tuyên trở điên. Bố mẹ hắn lo đông y, tây y đủ cả. Nhưng khốn nỗi đố ai dụ được hắn uống thuốc. Có nghiền trộm đổ giấu vào cơm vào cháo, hán chỉ khịt khịt mũi hai ba cái là đem đổ. Hắn chuyển bệnh từ lúc nào chỉ có bố mẹ, em gái hắn biết nhưng chẳng ai đưa chuyện. Khi điên thật, cả làng mới ngạc nhiên chứ. Đầu tiên là hắn chạy khắp làng, gào lên: "Tôi giết người đấy! Xem máu dính đầy tay đây này. Tôi giết người Yên Lí đây." Hắn chạy một vòng khắp các ngõ lớn của làng Cung rồi chuyển sang ngõ nhỏ. Cứ câu "Tôi giết người Yên Lí đây" là hắn gào. Trẻ con người lớn xếp hàng ngó theo hắn như tiễn nguyên thủ. Cả làng thương hắn lắm, nghi là ma ám. Mấy cụ già bảo: "Nhà ấy mấy đời phúc đức, chưa thấy làm điều gì ác sao bắt thằng Tuyên phải tội. "Thời gian sau hắn ra chợ, đuổi anh hàng thịt ngồi chỗ của thằng Bấm ngày trước. Anh hàng thịt cười. Hắn hỏi: "Có mua dao không?" Hàng thịt cười gật đầu. Hắn tiếp "Đi theo, đây chỉ cho, dưới ao ấy? Đây đâm xong vứt luôn.” Nói rồi hắn lặng im, ngồi bệt xuống đất, anh hàng thịt đuổi mấy cũng không đi. Một lúc hắn đứng dậy, giơ hai tay lên trời vừa đi vừa hét như nhà tuồng "Toà án đâu, Huy gô đâu. Các ngươi nhầm hết cả rồi. Ta mới là Giăng Van Giăng. Không phải anh kia. Ta mới là Giăng Van Giăng." Mấy cô hàng nón nhìn cái quần đùi thủng đít của hắn bấm nhau cười khúc khích: "Gớm mới điên có mấy tháng mà tiếng Pháp như gió." Ra đến cổng chợ, bà bán bánh đa dúi vào tay hắn mấy cái. Hắn cầm. Một bà nữa lại dúi cho hắn mấy cái bánh rán. Hắn cầm tất, rồi chạy một mạch về phía nhà thằng Bấm. Mẹ thằng Bấm lừ mắt quát: "Thôi, đem trả. Thím không ăn đâu. Đi đi." Hắn im lặng cười. Mẹ Bấm xót xa: "Nó thương thằng Bấm, nó thương tôi. Xin trời đừng bắt tội." Rồi bà khóc. Cứ tuần tự một tháng sau phiên chợ thằng Tuyên lại ra chợ đi lại, nói năng toàn chuyện lảm nhảm. Mở đầu là chỗ anh hàng thịt. Lòng vòng diễn thuyết. Cười. La hét. Và đến trưa im lặng, trở về nhà Bấm.

Thằng Tuyên điên mà lại hiền. Có nó chợ đâm vui. Nhiều hôm chưa thấy hắn ló ra, mấy bà hàng xén và hàng bánh hỏi nhau: "Thằng điên ra chưa ấy nhỉ." Anh hàng thịt nói với "Giờ này chưa thấy, chắc cu cậu ốm rồi. À không. Kia rồi. Kia." Mấy cô hàng nón nói khẽ "Thiêng thật." Có lần thằng Tuyên có nghe loáng thoáng. Hắn chống hai tay vào cạp quần nhìn khắp một vòng đỏ mắt quát: "Ta không điên. Nhớ chưa. Ta giết người. Ta là Giăng Van Giăng." Đến phiên chợ cuối tháng mười, bỗng thằng Tuyên đến chỗ anh hàng thịt sớm hơn thường lệ. Hắn chống nạnh nói to: "Chợ này không tin ta. Các người sẽ hối hận." Rồi múa mấy đường quyền trông giống như người bệnh tập thể dục buổi sáng. Rồi đột ngột bỏ đi. Anh hàng thịt vừa trông cân, vừa nhìn theo tiễn khách bằng câu "Bác học. Bác học"...

*

Đi qua một người điên - truyện ngắn của Nguyễn Hồng Thái
Landscape tranh của Pyotr Konchalovsky.

Thế là đã sáu năm làng Cung và chợ Dàn thiếu thằng Tuyên. Thời gian ấy đủ cho em gái hắn tốt nghiệp cử nhân luật về nhà đợi xin việc. Bố mẹ Tuyên đã tìm khắp nơi, thắp hương khấn vái hằng đêm mà không thấy bóng con trai. Tuy chẳng dám tin thằng Tuyên đã chết, nhưng hàng năm cứ đến ngày thằng Tuyên bỏ nhà đi, ông bà đong ba chén nước lã đặt lên bàn thờ rồi thắp hương tưởng nhớ. Không dám cúng cơm vì chưa nhận được tin con.

Mẹ Bấm vẫn lủi thủi, lặng lẽ một mình đói no thế nào chẳng biết nhưng vẫn đỏ lửa hai lần một ngày.

Cũng sáu năm ấy, ở trại số 3 thuộc huyện miền núi Tân Kì xuất hiện một chàng trai xấp xỉ ba mươi tuổi, mặt mũi nhem nhuốc nhưng khôi ngô, quần áo tả tơi, nói năng lảm nhảm. Dân trong vùng xác nhận không quen người này. Nếu như hồi chiến tranh, người ta có thể nghi ngờ hắn là gián điệp giả điên để chỉ điểm. Hồi đó đội dân quân của bản chắc có lẽ bắt ngay y về trụ sở, khám xét tìm điện đài. Còn nay là thời bình, sự cảnh giác dân dã cũng giảm đi nhiều, người ta chỉ nhìn hắn mà không hỏi. Ban ngày hắn đi ra chợ vùng biên hoặc la cà các quán cóc, ai cho gì thì ăn, nhưng không thấy hắn chôm chỉa, trộm cắp bất cứ cái gì. Ban đêm hắn mò về chui vào cái lều sát tường trại giam số 3. Nghe nói cái lều do tự tay hắn làm bằng củi khô và lá rừng. Đội cảnh sát bảo vệ trại giam đã quen với cảnh này, nên cũng mặc kệ hắn. Một vài lần trên công an tỉnh về kiểm tra có nhắc nhở chuyện cái lều. Ban giám thị đỡ lời "Dạ thưa, nó là thằng điên, chấp gì. Các sếp cứ yên tâm." Một lần đồng chí trung tá Đông, người ngày xưa điều tra vụ thằng Bấm giết người có xuống trại số 3 hỏi cung một vụ buôn lậu thì nhận ra ngay cái người sống cạnh tường trại giam chính là thằng Tuyên. Sau vụ án thằng Bấm, ông Đông chuyển lên tỉnh làm trưởng phòng nên quên hẳn vụ này. Sau bảy năm, ông mới gặp lại thằng Tuyên. Người thường trực trại giam kể lại cho ông Đông rằng, lần đầu tiên thằng Tuyên đến gặp anh đòi vào trại để ngồi tù. Đích thị chỉ có người điên mới làm vậy. Anh đuổi đi thì hắn nói "Tôi giết người bằng tay trái. Dao vứt xuống ao nhà. Thằng Bấm vô tội. Thả hắn ra để tôi vào...” Nếu như hắn không nói tiếp câu "Tôi là Giăng Van Giăng xin thú tội" thì chắc anh đã chạy đi báo cáo lãnh đạo rồi. Giăng Van Giăng là cái thằng nào mới được chứ? Đuổi mãi không đi cáu quá anh đưa súng ra doạ thằng Tuyên mới lùi bước. Thế nhưng cũng đêm đó, cả Trại giam số 3 bị náo động bởi tiếng la hét rất to nơi cổng trại “Ta là kẻ giết người. Bấm ơi! Về đi.” Trại báo động! Lực lượng cảnh sát quét đèn thì gặp ngay thằng Tuyên. “Lại thằng điên”, trại trưởng nói vậy rồi cho anh em về ngủ. Trưởng trại tức lắm nhưng phải cười xòa. Dây với người điên chỉ có dại.

Thế là từ đó, ròng rã cứ đêm đêm văng vẳng quanh trại tù là tiếng kêu than nghe ai oán: "Bấm ơi! Về đi. Tao giết thằng Yên Lí. Bấm ơi..." Nhiều đêm đã khuya lắm, giữa khu rừng thanh vắng, núi đá âm u, dân bản nghe dội ra tiếng "Bấ... ơi.." vọng dài ai oán. Có lúc tiếng kêu đứt quãng, nức nở như tiếng sói con lạc mẹ tru lên... Nghe xong, ông Đông lặng im, lấy làm băn khoăn, nghĩ suy lung lắm.

Đã sáu năm thằng Tuyên một mình. Bỗng gần một năm nay, bà bán quán nhà tù thấy có người lên thăm thằng Bấm! Thật phúc đức cho nó. Ông già tóc bạc trắng, dáng u buồn đi có một mình. Cứ một hai tháng gì đó ông tóc trắng lại lên. Thằng Tuyên có vẻ sợ ông này. Lần nào lên ông cũng đến quán bà già ngồi uống nước. Cứ ngồi trầm ngâm. Không nói, không hỏi. Trước khi về, ông thường gửi một ít tiền lại cho bà chủ quán, dặn sáng sáng trích cho thằng Tuyên cái bánh mì. Lại dặn ghi chép cẩn thận. Thiếu thừa thanh toán sau. Chắc ông già là bố thằng điên. Mấy lần bà chủ quán tốt bụng khuyên ông nên đưa con vào bệnh viện dưới xuôi để chạy chữa. Ông bố lắc đầu nhăn nhó. Chắc là đau lắm nhưng chỉ ậm ừ và thở dài.

Cuối thu năm rồi, ông tóc trắng dẫn theo một cô gái cùng lên thăm. Bà chủ quán nghe xưng hô là chú cháu, nên khẳng định họ không phải là bố con. Hai người vào thẳng nhà tù gặp ban lãnh đạo. Khi ra quán uống nước, bà tò mò hỏi được người cảnh sát thường trực trại tù kể cho biết: cái cô mới lên là luật sư, là em gái người điên, cô lên đây mang theo một con dao nói là tìm thấy ở ao nhà. Giơ cao trước ánh nắng mặt trời, nửa mặt dao sẫm còn dính máu. Ông tóc trắng đưa một con dao khác có vân tay thằng Bấm. Con dao còn sáng choang dưới ánh chiều tà.

Hai người ra quán uống nước. Lại gửi tiền cho thằng Tuyên. Bà chủ quán có nghe cô gái nói:

- Chú Đông! Chú giúp cháu giải oan vụ này. Anh Bấm mà được ra tù, anh Tuyên cháu sẽ hết điên. Cháu không ra thành phố nữa, cháu sẽ mở văn phòng luật sư ở ngay Diễn Hồng. Dân quê cháu còn khờ dại quá. Thương lắm. Chú ơi! Chú có tin cháu không?

Hỏi xong cô cúi mặt khóc. Còn ông Đông, ông trung tá mới về hưu ngẩng lên nói giọng khô khốc "tin chứ!" Rồi cười. Trông ông Đông cười thật vất vả. Cuối trưa cả hai trở về xuôi. Không thấy người điên la hét như mọi ngày.

Mấy đêm đông sau đó, dân bản vẫn còn nghe dội ra tiếng kêu của thằng Tuyên. Vẫn là tiếng "Bấ...ơ...o.." vọng ra như một tiếng hú dài cô đơn trong gió rét...

Đọc truyện: Ngày biển động . Truyện ngắn dự thi của Lê Sơn Đọc truyện: Những ngôi sao xô lệch. Truyện ngắn dự thi của Minh Vũ Đọc truyện: Tiếng chuông chùa. Truyện ngắn dự thi của An Chinh Đọc truyện: Hoang đảo giữa thành phố. Truyện ngắn dự thi của Phát Dương Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa
Văn nghệ Trẻ, số 9/1998
Chàm. Truyện ngắn dự thi của Tống Ngọc Hân

Chàm. Truyện ngắn dự thi của Tống Ngọc Hân

Baovannghe.vn - Gần đây, người ta lấy thuốc hậu sản cho phụ nữ rất nhiều. Ngoạn thấy bố gọi chứng trầm cảm sau sinh là hậu sản. Bố nói, tất cả những căn bệnh của phụ nữ sau sinh đều nguy hiểm đối với không chỉ người mẹ, đứa con mà còn đối với cả cuộc hôn nhân.
Đá chín - Truyện ngắn dự thi của Phan Đình Minh

Đá chín - Truyện ngắn dự thi của Phan Đình Minh

Baovannghe.vn - Định mệnh không phải thứ Thượng đế trao sẵn mà tiềm ẩn từ khối óc và bàn tay chăm chỉ. Điều công chính, rành rọt là Rũng Xầu muốn tận hưởng đủ đầy thành quả giấc mơ Đá chín một cách hiện hữu thì gã phải trung thực trên mọi chặng đường đời có vay có trả.
Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học 2025

Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học 2025

Baovannghe.vn- Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo quy chế tuyển sinh đại học thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non.
Bản tin Văn nghệ ngày 24/11/2024

Bản tin Văn nghệ ngày 24/11/2024

Baovannghe.vn - Di sản Tư liệu của UNESCO “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng Cung Huế”
Dốc mây. Truyện ngắn của Lê Hà Ngân

Dốc mây. Truyện ngắn của Lê Hà Ngân

Baovannghe.vn - Nghe con trai khuyên nhủ bà thấy yên tâm ngồi dậy ăn cơm cùng thằng con. Thằng bé buồn buồn gắp thức ăn cho mẹ, nhưng lại quay đi gạt nước mắt