Sáng tác

Quê nhà. Truyện ngắn của Đỗ Trọng Khơi

Đỗ Trọng Khơi
Truyện
06:00 | 24/10/2024
Baovannghe.vn - Về quê tôi thường đi tàu thủy. Con sông đời đời vẫn vậy, một dòng trôi hướng chảy. Sông tự lắng lọc lấy mình. Dù trong đục, xói mòn gì sông vẫn an nhiên, tự tại
aa

Mặc Thanh lại không về quê. Đã ba năm, lí do thường là "bận". Còn lần này, đã hẹn; phút cuối nàng đến giúi vào tay tôi gói quà, phong thư, bảo: "Xuân xem, nghĩ dùm, có nên báo tin thư này cho cha mình không?" Mắt Mặc Thanh ngân ngấn nước.

Về quê tôi thường đi tàu thủy. Con sông đời đời vẫn vậy, một dòng trôi hướng chảy. Sông tự lắng lọc lấy mình. Dù trong đục, xói mòn gì sông vẫn an nhiên, tự tại. Sau những tháng ngày sống nơi phố hội về với sông quê, thả lòng bồng bềnh chầm chậm trước bao la sông nước, đặt lòng soi đối với bèo dạt mây trôi, với bầy cá thung thăng tí tóp đớp mồi, tự nhiên những dục vọng ham hố vơi dịu đi, âu lo thanh lắng lại. Nhớ một lần tâm sự cùng Mặc Thanh ý này, nàng cười nức, bảo: "Xuân nghệ sĩ thật". Tôi cãi: "Mặc Thanh mới nghệ sĩ chứ?" Nàng đáp, vẻ nghĩ suy: "Mình chỉ theo đòi mốt nghệ sĩ thôi!" Lời nàng thầm chút buồn chút quậy. Tôi tự hỏi, nàng biết môi trường đang sống không phù hợp với năng lực mình sao vẫn đeo đòi?

Quê nhà. Truyện ngắn của Đỗ Trọng Khơi
Quê nhà - truyện ngắn của Đỗ Trọng Khơi

Tôi và Mặc Thanh có ba điểm cùng: Cùng làng, cùng tuổi và cùng học chung lớp từ vỡ lòng cho tới hết cấp III. Mặc Thanh là con độc nhất của đôi vợ chồng người mẹ làm y sĩ ở bệnh xá làng, người cha là giáo viên dạy văn cấp III trường huyện. Cha mẹ Mặc Thanh là một cặp uyên ương lí tưởng, vợ người xinh đẹp, đoan trang, chồng - người tráng kiện, tài hoa, tiết trực. Lòng tiết trực của ông giáo đã thành danh ngữ. Dân sư phạm và dân làng tôi đều gọi ông là "Thầy Tiết Trực". Trẻ con thì hát đồng dao về ông "Tính thì tựa đá - Tình thì như Son..." Ông giáo rất say nghiên cứu về mô hình cấu trúc văn hóa làng Việt Nam. Ông đã viết một cuốn sách về đề tài này được dư luận khen ngợi. Ông bảo với tôi: "Còn giữ được chất văn hóa làng, văn hóa thơ truyền thống trong môi trường hiện đại, thì nước Việt mới thực là nước Việt!". Về vấn đề lớn đòi hỏi kiến thức Việt học sâu rộng, tôi chưa thấu tới được nên nghe cứ lơ mơ. Chỉ vấn đề ông nói về nghề thầy thuốc và thầy dạy học thì tôi đồng tình chia sẻ. Ông nói đại ý, hai nghề này là gốc rễ của đời. Nghề thầy thuốc là - cốt, gìn giữ sinh mạng, nghề thầy dạy học là – hồn, nuôi dưỡng phẩm giá người. Ông ước, nếu có sự luân hồi truyền kiếp thì kiếp sau ông xin vẫn được làm hai nghề này thôi. Hôm ấy tôi đã góp vui rằng, chả cần đến kiếp sau, ở ngay kiếp này, đời này giọt máu của ông bà là Mặc Thanh đã tiếp cha mẹ nàng.

Cốt cách Mặc Thanh thật cũng hợp với hai nghề này. Tính nàng hiền thục, dịu dàng, nhỏ nhẹ. Đến bước nàng đi cũng nhẹ, cứ như nàng sợ làm đau cả ngọn cỏ. Tôi đã từng xúc cảm vịnh thơ, "Nói năng chẳng một nhời to - Cứ như nàng sợ nàng lo điều gì - Giấu tình trong tiếng thầm thì - Lỡ ra ngọn gió lấy đi ai đền....". Đức sống của Mặc Thanh có thể gói gọn trong một chữ "tin". (Ấy là ngày trước). Có lần giữa bạn bè nàng tuyên bố: "TIN - là chữ đẹp nhất!" Tôi bảo: "Đồ nói leo." Nàng cười và rồi dủ dỉ kể, một câu chuyện bên bàn trà, cha nàng thì quả quyết, ở đời chỉ có ba chữ đáng kể nhất là NHÂN – TRÍ - DŨNG; mẹ nàng thêm, phải có chữ TIN nữa; cha bảo, có NHÂN là có TIN rồi; mẹ không chịu, khối người dư lòng NHẪN nhưng ĐỨC TIN lại thiếu khủng khiếp; cha bác, thế mới cần thêm TRÍ; mẹ lại cãi, thế cái anh Tào Tháo có TRÍ không?... Cuối cùng cha nàng cười xi xoa giải hòa. Lui tới chơi bời nhiều tôi đã hiểu, họ hay bày chuyện để tranh cãi, để hờn giận, để yêu thương nhau hơn. Tôi thường thầm ghen với Mặc Thanh, quả nàng được sinh ra trong một chiếc nôi tình thật quý...

Ngờ đâu số phận bỗng chốc giở đòn hiểm ác quá.

Ấy là vào năm chín tư, Mặc Thanh đang học năm thứ 4 trường Y thì bi kịch gia đình xảy ra. Mẹ Mặc Thanh mắc bạo bệnh phải đưa đi viện cấp cứu. Tôi được tin về tới nhà thì bà đã mất. Việc cụ thể thế nào không rõ, chỉ thấy mọi người nhỏ to, cơ sự cũng là do ông giáo thật thà quá, tiết trực quá, không kịp thời lo lót cho bác sĩ nên mới xảy ra vậy. Mà trong nhóm bác sĩ trực cấp cứu hôm ấy có người vốn là học trò của ông giáo! Chẳng nhẽ chuyện đến mức ấy? Đưa tang mẹ Mặc Thanh khóc thét lên: "Lũ giết người!" Sau nàng đòi kiện. Ông giáo không nghe, bảo: "Người chết thì cũng chết rồi.” Mặc Thanh lại thét nẩy: "Còn người sống! Những người đang bị chúng đe dọa tước đoạt cuộc sống." Ông giáo cắn môi, cúi đầu gánh lời con. Không thuyết phục được cha kiện người, nàng thắp hương lạy vong linh mẹ rồi bỏ nhà đi. Vẻ mặt cũng những lời thét này của nàng khiến tôi ngạc nhiên quá. Nó không hề phù hợp với tính cách nàng xưa nay. Nhưng sự nhẫn chịu cúi đầu của ông giáo còn khiến tôi kinh ngạc hơn. Có gì nhen thấm trong tôi thứ linh cảm xâm hóa tinh thần khác lạ đầy lo âu. Ông giáo mệt mỏi hay ông lo sợ? Cái bóng đời lẽ đời nào đã đè phủ trong suy nghiệm của ông? Tôi chưa tự lí giải được, chỉ biết nó đáng ngại, đáng buồn lắm; nó mạnh đến mức bỗng làm biến đổi hoàn toàn hai tâm thế, tính cách; làm lung lay cõi sống hằng bình yên thánh thiện! Từ đấy Mặc Thanh bỏ học nghề Y, chuyển sang làm nghề người mẫu thời trang. Thi thoảng còn thấy nàng đóng số vai trong các phim thời thượng rẻ tiền. Cũng từ đấy, ông giáo không còn đủ lí lẽ để dạy dỗ, để giữ gìn con gái nữa.

Đường đi hơn năm tiếng đồng hồ, khi tàu cập bến lòng tôi mới tạm dứt nghĩ về cha con Mặc Thanh.

Về nhà đang vui chuyện thì mẹ tôi lại gọi: "Dịp này, mái tóc ông giáo trắng hết, nom tơ mềm như một mớ bông. Đẹp lắm!" Thành nếp quen, khi nói chuyện về ông giáo người dân làng tôi thường hay chua vào cuối câu chuyện từ "đẹp lắm", nghe đủ biết mọi người vẫn yêu quý ông thế nào. Có điều, có những chuyện đem chua từ này vào nghe nó mặn mòi, xa xót. Lặng đi một lúc, mẹ tôi chép miệng "Con Mặc Thanh cũng tệ. Đi biệt mấy năm... Nghe đâu nó còn thay tên đổi họ nữa chứ..." Tôi nói dữ “Cũng là để cho hợp với công việc mới, thôi ạ."

Xẩm tối, tôi xin phép mẹ sang thăm ông giáo.

Về những tên gọi của Mặc Thanh quả thực giờ đây tôi mới suy nghĩ tới. Mặc Thanh - nghĩa chữ Tàu là "mực trong". Đặt tên con vậy, chắc lòng ông giáo ước con mình vào đời như dòng mực trong, thứ mực dù thành bại, lớn nhỏ gì cũng không viết lên trang giấy trắng cuộc đời điều bẩn đục, ám muội. Nay tên kẻ trên những tấm áp phích quảng cáo về nàng đã khác hẳn. Việc này, tôi vốn hời hợt xem như trò chơi, thứ tính danh do một ngẫu hứng tình cảm nào đó mà nên. Hay đâu, nó lại khiến cho người dân chất phác, hồn hậu làng tôi suy nghĩ, họ có vẻ đã xem nó ít nhiều nội ẩn sự chuyển giao giá trị đạo đức, tinh thần. Ôi, chẳng nhẽ cuộc sống ngày nay mỗi đơn vị tế bào cũng dễ tẩy nên một ám ảnh? Điềm hiệu này đáng mừng hay đáng ngại?

Nhớ lời dặn, tôi mở thư Mặc Thanh ra xem. Trời! Đến thế này ư! Không cầm được lòng tôi quỵ xuống rệ cỏ đường đê. Thư nàng bảo, mẫu xét nghiệm máu của nàng cho biết kết quả phản ứng dương tính. Tôi có nên đưa tin thư này cho ông giáo không? Lòng ông đã ngã thật khó gánh thêm cái tin này... Như mộng mị, vô thức theo tiếng gọi của bầy con nít tắm mát, tôi lặng lẽ đem phong thư thả xuống sông quê. Muôn làn sóng lăn tăn níu đẩy phong thư ra giữa dòng rồi nhấn chìm. Dòng sông vẫn vẻ an nhiên, tự tại. Sông ơi, tôi thèm được như sông!

Hôm ấy gặp ông giáo tôi đành nói dối, Mặc Thanh vẫn khỏe và nàng rất bận. Ông nghe mà như không nghe. Trong ông đã mỏi mệt cả niềm mong đợi. Lâu sau ông nói, giọng thoảng, mỏng và đứt quãng tựa thứ âm khói vương bũng ra từ mái rạ ẩm: "Nền kinh tế thị trường chứa nhiều nghiệt ngã đối với kẻ nghèo khó!" Lời ông xem ra không chỉ ám về cái chết người vợ mà chừng ông đã linh cảm được điều gì. Tôi lựa lời thưa: "Đạo lí - Tình yêu thương - Đức hi sinh vẫn là một cấu trúc thiêng liêng mầu nhiệm cho đời sống xã hội con người mọi thời, chứ thầy!" Ông giáo lại cúi đầu gánh lời. Tôi biết mình đã nói lỡ. Cũng lời này, trước đây, chắc được ông khen lắm...

25-4-1997

Quê nhà - truyện ngắn của Đỗ Trọng Khơi
Tranh Paul Cezanne.
Đọc truyện: Bên sông giặt áo - Truyện ngắn dự thi của Bảo Thương Đọc truyện: Ngọc lan trắng. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thanh Bình Đọc truyện: Búa nước. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thị Phương Lan Đọc truyện: Trăng mắc cạn. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thị Thanh Thúy Đọc truyện: Hư cấu. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Nhật Huy
văn nghệ trẻ, số 20/1997
Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Baovannghe.vn - Bài thơ Thề non nước không chỉ là lời tự tình đằm thắm của một tâm hồn thủy chung, tin cậy mà còn cất giấu trong mình một bức tranh thiên nhiên tráng lệ và quyến rũ mê hồn vì một vẻ đẹp như sinh ra bởi con người và cũng chỉ dành để cho con người.
Đại biểu Quốc hội: Làm rõ "Tiêu chuẩn Việt Nam" trong áp thuế tiêu thụ đặc biệt

Đại biểu Quốc hội: Làm rõ "Tiêu chuẩn Việt Nam" trong áp thuế tiêu thụ đặc biệt

Baovannghe.vn - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Tám, sáng nay, 22.11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Bản tin Văn nghệ ngày 22/11/2024

Bản tin Văn nghệ ngày 22/11/2024

Baovannghe.vn - Bộ VHTT&DL tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Tổ chức triển lãm 80 năm văn hóa, nghệ thuật Quân đội nhân dân Việt Nam

Tổ chức triển lãm 80 năm văn hóa, nghệ thuật Quân đội nhân dân Việt Nam

Baovannghe.vn - Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) tổ chức Hội nghị triển khai và rà soát công tác chuẩn bị tổ chức Triển lãm 80 năm văn hóa, nghệ thuật Quân đội nhân dân Việt Nam
Nguyễn Đình Thi - Thơ Nguyên Hùng

Nguyễn Đình Thi - Thơ Nguyên Hùng

Baovannghe.vn- Sinh ở Lào nhưng là người Hà Nội/ Một nghệ sĩ hào hoa sắc sảo đa tài