Chuyên đề

Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Hát Quan làng” của người Tày huyện Quang Bình

Nguyễn Thị Lượng
Văn học địa phương
14:00 | 23/07/2024
Hát Quan làng của người Tày ra đời từ rất sớm, được lưu truyền qua nhiều thế hệ, tồn tại cho đến ngày nay
aa

...trở thành nét sinh hoạt văn hoá đặc sắc của người Tày ở Hà Giang nói chung, người Tày huyện Quang Bình nói riêng.

Nói đến Quang Bình rất nhiều người biết đến Lễ hội nhảy lửa - một lễ hội linh thiêng, huyền bí của người Pà Thẻn, nếp nhà sàn vẫn còn giữ nguyên được nét cổ xưa và những làn điệu dân ca Tày như: Yếu, Cọi, Lượn, Then và đặc biệt là loại hình dân ca được sử dụng trong quá trình đón dâu - đưa dâu của hai họ nhà trai và nhà gái được gọi là hát Quan Làng. Theo kết quả kiểm kê của ngành chuyên môn, năm 2011 và năm 2021 về người Tày ở huyện Quang Bình, cho thấy người Tày nơi đây là tộc người cư trú lâu đời nhất và cũng là tộc người có lịch sử cư trú lâu đời tại Hà Giang, một trong những tộc người có nền văn hoá truyền thống mang tính đại diện vùng, từ những nếp nhà sàn cổ xưa cho đến những làn điệu dân ca, đều thể hiện trong quá trình hình thành và phát triển, họ đã chắt lọc, sáng tạo và tự sưu tầm, ghi chép, biên dịch để phổ biến, lan tỏa trong cộng đồng.

Quan nhà gái hát giao dâu cho nhà trai
Quan nhà gái hát giao dâu cho nhà trai

Hát Quan Làng hay còn gọi là hát Văn trong đám cưới, thường được sử dụng đó là những bài hát phục vụ trong các đám cưới truyền thống của người Tày, khi đó người Quan làng có nhiệm vụ vô cùng quan trọng, phải trình diễn, đối đáp các bài hát một cách nhuần nhuyễn để bên nhà trai và bên nhà gái vừa lòng, đám cưới diễn ra suôn sẻ. Những người hát Quan Làng (tiếng Tày gọi là pú quan làng hay còn gọi là ông đón, ông đưa). Nhà trai chủ yếu là đàn ông và là người đứng tuổi, ông quan làng phải là những người khéo giao tiếp, hát hay để thay mặt họ nhà trai mang trầu cau đến nhà gái từ việc dạm hỏi, xin lộc mệnh, chuẩn bị đồ sính lễ cho ngày cưới đến khi đón dâu về mới xong công việc. Nội dung của các bài hát là cách chỉ bảo về lối ứng xử tinh tế, tao nhã của con người trong đời sống. Quan làng bên nhà gái có thể là đàn ông hoặc là một người phụ nữ đứng tuổi, cũng là người khéo ăn, khéo nói… thay mặt họ nhà gái đưa dâu đến nhà trai. Nhiệm vụ là đưa dâu đến và trao dâu cho nhà trai được suôn sẻ và sau mọi việc xong xuôi trước khi ra về phải hát bài Slắng lùa (Dặn dâu), đó là lời nhắn nhủ lúc chia tay, khi quan làng hát bài này cả nhà tuy đang cơm rượu cũng phải im lặng, bùi ngùi để nghe đại diện họ nhà gái hát.

Trong một đám cưới truyền thống của dân tộc Tày, hát quan làng thường được chia làm 3 cung đoạn: Đón (nhà trai đến xin dâu); nộp (trong lúc nhà gái nộp dâu hay còn gọi là giao dâu); đưa (nhà trai đưa dâu về). Mỗi bài hát đều mang ý tứ, ứng xử của cả hai bên gia đình nhà trai và nhà gái. Hầu hết các đám cưới của người Tày họ chỉ dùng lời hát của mình để đối đáp, giao tiếp giữa hai bên gia đình, hát để họ nhà gái phải bỏ tất cả những thử thách, chướng ngại vật mà nhà gái đưa ra chắn lối vào nhà. Khi lên khỏi cầu thang lại gặp phải vô vàn thử thách cho đoàn nhà trai, sau đó vào nhà lại hát để người ta trải chiếu, mời nước, mời trầu.... Gặp hoàn cảnh nào thì ông quan làng phải đối đáp kịp thời trong lời hát của mình. Hát quan làng là cách chỉ bảo, dăn dạy để hướng con người có lối ứng xử tinh tế và tao nhã, lời hát trong đám cưới thay cho lời chào xã giao và thể hiện tình cảm trân trọng nhau.

Hát quan làng sẽ được thực hiện trong đám cưới được tổ chức theo phong tục tập quán truyền thống của người Tày với đầy đủ các nghi lễ, trong đó hát quan làng là làn điệu dân ca được hai bên đối đáp với nhau trong suốt quá trình diễn ra đám cưới. Đám cưới theo nghi thức truyền thống được thể hiện khi đoàn nhà trai gồm quan làng, rể chính, rể phụ, bà đón, các cô đón, những chàng trai mang lễ vật gánh đôi sọt đựng trầu cau, bánh dày, rượu, gà và một số lễ vật khác... Dù biết đoàn họ nhà trai hôm nay đưa lễ vật đến đây để đón dâu, nhưng họ nhà gái vẫn cho là khách đường xa. Vì vậy, nhà gái đã đưa ra những thánh đố, những chướng ngại vật để cản trở, để thách đố tài ứng xử của đoàn nhà trai từ lúc đến cổng cho đến lúc “Xin dâu xuống sàn” để về nhà trai... Nội dung được thể hiện bên nhà trai gồm có: Hát xin vào cổng, xin nước rửa chân và lên cầu thang; Hát xin mở cửa; Hát xin trải chiếu để ngồi; Hát mời nước, mời trầu; Hát trình lễ, nộp gánh, nộp lễ. Sau mọi thủ tục trình lễ, nộp lễ xong. Lúc này nhà gái cũng chuẩn bị xong cơm trưa, nhà gái mời anh em, họ hàng ngồi ăn cùng chúc phúc cho đôi trẻ thì Quan làng nhà trai lại đứng giữa nhà trịnh trọng hát bài mời cơm ông, bà, bố, mẹ, anh, em, họ hàng nhà gái và khi kết thúc bài hát quan làng mời đại diện họ nhà gái 01 ly rượu và hát xin dâu. Sau khi hát xong bài xin dâu, chú rể vào đón cô dâu ra làm lễ bái tổ tiên, còn bà đón và những người trong đoàn nhà trai sẽ mang đồ, đạc, chăn, màn... của hồi môn của cô dâu ra gian ngoài đặt ngay cạnh cửa ra vào. Khi cô dâu lễ bái xong, trưởng họ đưa cho 3 que hương, bà đưa đội nón cho cô dâu, sau đó chú rể dắt tay cô dâu ra cửa, ra gần đến cổng cô dâu cắm 3 nén hương quay hướng về phía nhà chồng với ý nghĩa kể từ ngày hôm nay con đã xuất giá. Hát quan làng của nhà gái và bên nhà trai đều diễn ra gần như nhau nhưng ít bài hơn chỉ có các bài: xin trải chiếu ngồi, mời nước, mời trầu, lễ bái tổ tiên... không có bài xin vào cổng, xin nước rửa chân, xin lên cầu thang, xin mở cửa như bên nhà trai đến đón dâu. Tuy nhiên có 02 bài hát bắt buộc quan làng nhà gái phải hát, đó là: bài hát giao dâu và bài hát dặn dâu của quan làng nhà gái.

Quan làng nhà trai hát xin dâu
Quan làng nhà trai hát xin dâu

Theo ông Hoàng Văn Chùa, xã Bằng Lang và ông Phùng Văn Huế xã Tiên Yên, huyện Quang Bình là người hát quan làng lâu năm cho biết: Hát quan làng trong đám cưới hiện thực hóa về đời sống xã hội trong cả một quá trình lịch sử đã được thể hiện và phản ánh một cách rõ nét ở tất cả các khía cạnh của đời sống, từ sinh hoạt thường ngày cho đến những phong tục tập quán, là phép tắc, lễ nghĩa, nếp sống truyền thống của đồng bào Tày với những điều tốt đẹp. Nội dung những bài Hát quan làng trong đám cưới vô cùng phong phú, vừa phản ánh đời sống xã hội, vừa răn dạy, ca ngợi những con người miền núi thật thà, chất phác. Qua những khúc hát quan làng trong đám cưới, có thể thấy toàn bộ nội dung bao trùm của tục hát, đó là những bài học, bài răn dạy người đời về lối ứng xử và đạo lý làm người, sự trân trọng đối với người phụ nữ và những ước mơ, những lời chúc tụng cho lứa đôi hạnh phúc, cửa nhà an vui, xóm giềng gắn bó.

Để thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản phi vật thể quốc gia, Trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quảng bá về hát Quan làng với nhiều hình thức, đưa vào chương trình kế hoạch hàng năm, giai đoạn, xây dựng các phóng sự, video clip giới thiệu trên các kênh truyền thông. Các đơn vị chuyên môn tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm và dịch thuật thành những tài liệu phục vụ cho công tác truyền dạy trao truyền cho thế hệ trẻ; đồng thời khuyến khích người dân tự sưu tầm, ghi chép để duy trì, nâng cao nhận thức của nhân dân đối với di sản của dân tộc mình giá trị của hát Quan làng trong đồng bào dân tộc Tày.

Thông qua hát Quan làng, có thể thấy rõ được tất cả các giá trị văn hóa truyền thống được hội tụ trong đó với những quy ước về đối nhân xử thế, sự giao tiếp tinh tế giữa cá nhân với cộng đồng, với tổ tiên nguồn cội, với thế giới tâm linh và thấy được những khát vọng sống, khát vọng vươn tới hạnh phúc lứa đôi, những nét đẹp đạo lý… ẩn chứa tính nhân văn, lòng nhân ái và là hình thức để giao lưu gắn chặt tình đoàn kết cộng đồng, nét văn hóa độc đáo đặc sắc này cần được lưu truyền để cho thế hệ con cháu sau này luôn nhớ và gìn giữ, góp phần làm phong phú thêm cho kho tàng dân ca trong đám cưới của dân tộc Tày nói riêng và giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Tày nói chung.

20 năm nỗ lực phát huy và gìn giữ di sản văn hóa phi vật thể tại Việt Nam Thêm 26 di sản được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Đệ trình UNESCO 2 Di sản văn hóa phi vật thể Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể còn nhiều bất cập Tôn vinh Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia nghề đan võng ngô đồng
Nguồn Tạp chí Văn nghệ Hà Giang (số 5/2024)
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.