"Đi tìm cuộc đời bị đánh cắp của ông bà tôi" thuật lại câu chuyện của chính tác giả Jablonka đi tìm tung tích của ông bà nội mình. Sách do NXB Trẻ phối hợp với Viện Pháp Hà Nội giới thiệu tại Ngày hội Văn học châu Âu năm 2023.
Theo đánh giá của giới phê bình, cuốn sách của Ivan Jablonka là cuộc vãn hồi quá khứ với bề dày tư liệu của một công trình nghiên cứu sử học, nhưng cũng đầy phẩm chất văn chương: chân thật, trau chuốt, giàu hình ảnh và cảm xúc. Câu chuyện của ông bà nội nhà văn hàm chứa câu chuyện của cả một thời đại thế kỷ XX. Họ vừa là người ruột thịt với anh vừa là người xa lạ vì đã qua đời quá lâu khi anh chào đời.
Họ là nạn nhân bị thảm sát ở trại tập trung Auschwitz trong Thế chiến thứ 2 và mất tung tích từ đó. Ông bà Jablonka là những người Do Thái đi theo lý tưởng Cộng sản, bị chính quyền Quốc xã truy bắt nên phải trốn chạy khắp nơi, từng đặt chân đến Ba Lan, Pháp, Đức.
Ivan Jablonka sinh ra tại Paris, năm 1973. Ông là sử gia, nhà văn, đồng thời là Giáo sư Sử học đương đại tại Đại học Paris-XIII. Sinh ra trong một gia đình trí thức gốc Ba Lan nhập cư vào Pháp trong những năm 1930 trước khi cuộc Thế chiến II nổ ra. Đề tài ông viết tập trung vào các thể loại tiểu sử, hồi ký, lịch sử, nạn diệt chủng của người Do Thái (Holocaust), bạo lực giới tính, nam tính…
Họ đã khuất phục trước những bi kịch của thế kỷ XX: Chủ nghĩa Stalin, những mối nguy hiểm ngày càng gia tăng ở châu Âu trong những năm 1930, Chiến tranh thế giới thứ hai và sự tàn phá của người Do Thái ở châu Âu.
Thông qua nội dung sách, độc giả phần nào thấu hiểu hơn số phận của những con người nhỏ nhoi, vô danh, bị cuốn vào trong vòng xoáy khốc liệt của lịch sử.
Thảo Vy ( tổng hợp)