Diễn đàn lý luận

Đỉnh cao và tầng sâu của ý nghĩ

Hồ Thế Hà
Tác phẩm và dư luận
06:00 | 15/10/2024
Baovannghe.vn - Tôi bắt đầu từ bài thơ Trên tầng sâu ý nghĩ mà tác giả lấy làm tiêu đề cho thi tập để lần vào thế giới nghệ thuật thơ Đào An Duyên
aa

Tôi bắt đầu từ bài thơ Trên tầng sâu ý nghĩ mà tác giả lấy làm tiêu đề cho thi tập để lần vào thế giới nghệ thuật thơ Đào An Duyên. Bài thơ khởi sự bằng khung cảnh ban mai thơm tách cà phê và thành phố mưa trên những ăn năn, chỉ một mình em tự tình với giả định rằng em không còn yêu anh nữa khi hai tâm hồn đã xa vắng nỗi buồn: Ban mai thơm tách cà phê buổi sớm/ Thành phố mưa rơi trên những ăn năn/ Nếu ngày nào đó chúng ta đi vắng khỏi nỗi buồn/ Có lẽ em không còn yêu anh như ngày xưa nữa. Một giả định bất ổn, nhưng có thể thành hiện thực lắm chứ, nhất là khi những chênh vênh ùa về và em bắt đầu hiểu về hạnh phúc, thì cũng chính lúc ấy em cũng không còn là mình để níu giữ tình yêu: Từng có những khoảng chênh vênh/ Mưa trên tháng ngày mình chập chững tập hiểu về hạnh phúc/ Khi em không còn là mình/ Anh có tiếc những ngày đã từng tha thiết. Nhưng rồi, mỗi ban mai lặp lại sau tách cà phê, mọi tươi xanh cũng không thể đủ sức mạnh níu giữ em trong những giới hạn mong manh, dù trên tầng sâu ý nghĩ hay vực thẳm lòng mình, em sẽ tha thứ những lỗi lầm cho anh tất cả. Mong anh hiểu lòng em:

Trên tầng sâu ý nghĩ

Em vẫn thiết tha giữ lại những xanh tươi

Trước giới hạn của những lần chúng ta sắp vượt khỏi mình

Em sẽ tha thứ cho những lỗi lầm anh cố ý hay vô tình mắc phải

Nhưng có được đâu! Cảnh vật và thời gian lại đánh thức trong em những nỗi niềm trắc ẩn. Em bất thường, em đa đoan là vậy! Chúng lại hiện ra trên tầng sâu ý nghĩ và em lại yêu anh như thuở yêu đầu. Suy nghĩ và hành vi có tính tự vệ xuất hiện đã giúp em tự thú trong rung cảm lặng thầm: Về đi anh/ Về khi cây xanh phố/ Bầy rêu mở mắt trên bậc thềm in dấu chân em/ Thành phố mưa vẫn rơi trên những nỗi niềm/ Đa đoan phận mình/ Em sẽ lại yêu anh trên những tầng sâu ý nghĩ (Trên tầng sâu ý nghĩ).

Đấy, những phức cảm trong thơ, đúng hơn là trong chính nội tâm Đào An Duyên đã hình thành hướng cảm xúc thẩm mĩ và thi pháp nghệ thuật đối lập/ tương phản cho tập thơ này. Sự phân thân trong cảm xúc và ý nghĩ là những dự tưởng có thật trong tâm hồn đa cảm và đa phân của Duyên. Một An Duyên thôi đã trở thành bao trạng thái mộng mơ. Từ núi cao, thả xuống bao tầng sâu ý nghĩ để mọi vui buồn xào xạc thản nhiên xanh trong khu vườn sau bão:

Đỉnh cao và tầng sâu của ý nghĩ
Tập thơ Trên tầng sâu ý nghĩ

- Tôi thấy mình mang hình hài cỏ cây

Bốn mùa xanh tận cùng từng tế bào màu cỏ

- Tôi thấy mình mang hình hài bông hoa

Bốn mùa cánh nào cũng thắm

- Tôi thấy mình mang hình hài đám mây

Nhờ ánh nắng đôi khi tôi ngũ sắc

Những ý nghĩ như thế thường trực và trở thành cảm xúc chân thành trong từng phút giây tự mình buông trôi và tự vỡ: Nắng mưa bốn mùa trôi qua tôi/ Tôi lớn dần trong hình hài mình/ Cỏ cây hoa lá áng mây/ Dẫu là gì cũng rất thật tôi/ Trong xanh mùa xuân chạm vào bốn bề nắng ấm (Ý nghĩ từ núi).

Thơ An Duyên là thơ của cái đẹp nguyên khối như chiếc bình pha lê, nhưng khi có ánh nắng soi vào, nó long lanh như vỡ ra từng mảnh. Rồi khi ánh nắng đi qua, những mảnh vỡ kia lại trở về hình hài nguyên sinh, nguyên khối và nguyên mộng. Bởi vì Sợ mình buồn sẽ làm đau lòng phố/ Khi mùa thu vừa chạm phía heo may/ Nếu ai đó về kịp sớm mai này/ Chiếc ghế cũ xanh rêu giữ hộ ta chỗ ngồi quen đã từng thơm ngày cũ (Phía heo may). Vậy đó, thơ Duyên luôn va chạm, sinh thành, tan vỡ, hoàn nguyên từ những đối lập có thật: vỡ tan và hi vọng, đau nhói và ngọt ngào, hoang vu và xanh biếc: Mình đã đau trên những tháng ngày dài/ Chỉ có cỏ ngời xanh trên phận người giông gió/ Em sẽ quên mình đã từng tha thiết thế/ Tha thiết tận cùng. Tha thiết chỉ riêng anh (Lời mùa thu).

Thơ Đào An Duyên nhiều ẩn dụ. Trong im lặng của những tượng gỗ, những lời khóc than ai oán hình như vang lên từ đời cây và những cánh rừng để biết mình bị hủy diệt trong oan uổng, đau thương như tình yêu bị ngăn cấm và biền biệt, đoạn trường, đành hẹn lại kiếp sau: Thôi cũng đành mình đi qua đời nhau/ ai oán khóc than đêm nay rồi biền biệt/ em ạ, nếu còn điều gì nuối tiếc/ thì cũng đành hẹn lại những xưa sau (Lời tượng gỗ).

Đào An Duyên đã bất giác nhận ra điều đó và hướng thơ mình vào chiều sâu của từng mối quan hệ môi sinh để nhận thức, chiếm lĩnh hiện thực và cắt nghĩa, lí giải hiện thực theo tinh thần nhân văn, tích cực. Hãy nghe nhà thơ hoài niệm và hoài nhớ quê hương trong tận cùng da diết bóng ngày xa. Đồng hiện bóng quê, hồn quê, nơi đó mọi giông bão cuộc đời đều qua đi, chỉ còn lại tình thương và nỗi nhớ nhân hậu, bao dung trôi theo từng kỉ niệm: Con trở về ngồi lặng với dòng sông/ Hun hút cuộc người/ Trở về nhà mình như khách lạ/ Chỉ có gió bao dung ngày cũ/ Và cỏ vẫn xanh như con chưa từng xa (Thả xuống một dòng trôi). Những giấc mơ quê luôn chập chờn trong mộng mị của Đào An Duyên: Gió quê nâng cánh diều lên/ Cánh diều cõng cả êm đềm tuổi thơ/ Con ngồi vẽ lại ngày mưa/ Bờ sông cả gió chiều xưa mẹ về (Giấc quê). Nhớ quê, Đào An Duyên đã vẽ quê trong từng tưởng tượng mà đồng hiện cả không gian và thời gian cùng về trong hiện tại: Tôi gửi buổi chiều những gam màu tháng năm/ Vẽ vào tôi buồn vui phận số/ Cánh đồng xanh/ Đàn cò trắng/ Dòng sông nâu sậm phù sa/ Mẹ tôi dấu chấm nhỏ li ti lẫn vào làn mưa mịt mùng/ Tôi chọn màu nào để vẽ dáng hình ngày cũ?/…/ Chợt thương mình ngồi vẽ những chiều xa…/ Mẹ mở cửa bước ra khu vườn sau bão/ Lòng như nắng ấm vừa lên (Vẽ chiều).

Mọi kí ức lặng im cũng thao thức tìm về, lần gọi hiện tại cùng chồi non và lộc biếc của mùa xuân phía bên kia thành phố: Phía bên kia. Thành phố của những người không trở về/ Tôi nói với lặng im về những bông hoa vừa nở/ Mùa xuân nảy một chồi non/ Tôi khóc tôi giữa những tầng không lặng lẽ (Lời của lặng im). Và có cả tình yêu trong hiện tại khi chủ thể nhận ra mùa của đất trời và mùa của lòng mình cũng “rất em rồi” trong từng hồng hào sinh nở. Thành phố của tình yêu và nỗi nhớ vẫn mở lòng đón nhận những cuộc tình qua xa cách lại hồi sinh: Anh có trở về thành phố/ Bây giờ mùa rất em rồi/ Có lời hẹn chờ cuối dốc/ Ngoan hiền tựa một bờ môi. Có cả khẳng định và nghi vấn! Có cả khẳng định và mời gọi!

Vậy anh đâu rồi? Tầng cao và vực sâu trong em và trong từng con chữ có đủ sức giữ anh trong chênh vênh khoảng cách? Trong em là cả những xa xăm. Mùa xuân đã thành những xuân xưa. Mùa thu đã thành những thu xa. Ở giữa hai mùa là tháng tư hạ cháy: Ô cửa vuông giấc mơ nắng rơi/ Thấy mình như vệt mây chớm hạ. Xin đừng khơi lại những phôi phai từ lửa: Đừng khơi lại một đống tro tàn/ Bởi mùa hạ đã bắt đầu từ lửa. Em giờ như dòng xanh trôi về thăm thẳm mù xa: Bài hát hôm qua vừa cũ/ Nốt nhạc nằm lặng phím tháng năm/ Rêu xanh trên từng ngón đàn/ Thấy mình trôi qua tháng tư thăm thẳm (Vệt mây chớm hạ).

Đến đây, hầu như An Duyên đã đi gần trọn nỗi mình trên tầng sâu ý nghĩ mà cũng là đỉnh cao ý nghĩ. Ở đó, chính người thơ nhận ra sự bất ổn trong tâm thế đối lập: vừa yêu vừa muốn chạy trốn; vừa muốn níu giữ vừa lại chối từ, vừa là chủ nhân vừa là tù nhân của trái tim yêu dại ngộ. Cuối cùng em nhận ra, anh đã hóa thành nỗi buồn ăn năn sâu thẳm trong em để em mãi được bên anh trên thân cây thập giá đời mình. Hư vô và phi lí. Đỉnh cao cũng là tầng sâu của tình yêu là vậy: Quả thị treo vào mùa thu/ Em treo anh vào nỗi buồn năm tháng/ Cây thập tự đời mình/ Đóng đinh mấy kiếp ăn năn (Phức cảm thu).

Khép lại tập thơ, tôi tin rằng Đào An Duyên lại hiện hữu trọn vẹn và mơ mộng như chính mình thuở trước. Mọi đối lập và giả định sẽ tiêu tan. Chỉ còn lại kinh nghiệm sống và kinh nghiệm tình yêu luôn tươi xanh và thơm hương bốn mùa: Trên tầng sâu ý nghĩ/ Em vẫn thiết tha giữ lại những xanh tươi. Giữ cho mình, giữ cho đời và giữ mãi cho tình yêu năm tháng. Đào An Duyên là nhà thơ nữ, trẻ và còn nhiều dự cảm. Tôi tin những gì Duyên có được và làm được cho thơ sẽ còn rộng dài phía trước.

-----------

Bài viết cùng chuyên mục:

Sách hay còn lại với đời Chính sách nổi bật của Chính phủ có hiệu lực từ tháng 10 năm 2024 Dấu ấn của các nhà văn quân đội trong bộ sách giáo khoa Cánh Diều Tiểu thuyết "Nắng Thổ Tang" của Đinh Phương đoạt giải Sách hay 2024 Nghĩ về sáng tác và phê bình
Nghệ sĩ Lee Ju Reem -  người quảng bá văn hóa Hàn Quốc ra thế giới

Nghệ sĩ Lee Ju Reem - người quảng bá văn hóa Hàn Quốc ra thế giới

Baovannghe.vn - Một trong những điểm đặc sắc nhất trong sự nghiệp của Nghệ sĩ Lee Ju Reem là phong cách nghệ thuật Sa-ui-hwa.
Hạt đậu bằng đồng. Truyện ngắn của Hoàng Ngọc Sơn

Hạt đậu bằng đồng. Truyện ngắn của Hoàng Ngọc Sơn

Baovannghe.vn - Từ ngày hưu, ông tự giam hãm mình trong bốn bức tường của căn nhà tập thể, chẳng giao du tiếp xúc với ai, vì ông nghĩ sự đời sao nó bạc trắng như vôi
Hà Nội một thuở. Tản văn của Anh Đức

Hà Nội một thuở. Tản văn của Anh Đức

Baovannghe.vn - Ở Hà Nội, tôi biết có những con người sống trong những căn hộ hẹp, ăn bữa cơm đạm bạc, mặc những chiếc sơ mi sờn rạt hoặc những bộ quần áo nâu
Bản tin Văn nghệ ngày 24/12/2024

Bản tin Văn nghệ ngày 24/12/2024

Baovannghe.vn - Ngày 23/12, Bộ TT&TT, Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan tổ chức Triển lãm ảnh Việt Nam hạnh phúc - Happy Vietnam năm 2024 tại thủ đô Bangkok
Nỗ lực triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội

Nỗ lực triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội

Baovannghe.vn - Thủ tướng Chính phủ vừa ký văn bản số 1098/TTg-QHĐP về việc triển khai thực hiện Nghị quyết tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV