Chuyên đề

Dọc theo mùa đói

Vũ Thị Huyền Trang
Văn học địa phương
09:00 | 28/07/2024
Tôi sinh ra và lớn lên ở Phú Thọ - một tỉnh Trung du miền núi nằm ở đỉnh tam giác châu thổ sông Hồng.
aa

Quê tôi thuộc tiểu vùng gò đồi bát úp xen kẽ đồng ruộng nên người dân chủ yếu sống bằng sản xuất nông lâm nghiệp. Sau này, khi xuống thành phố học tập và sinh sống mọi người hay hỏi quê tôi có những gì? Tôi cười bảo quê tôi có cánh đồng, dòng sông Hồng chảy qua và một sân ga ngày đôi ba lần vang tiếng còi tàu rúc.

Bạn lại hỏi tôi liệu có còn nhớ gì về những năm tháng tuổi thơ không? Nhớ chứ. Đối với tôi kí ức cũng là một thứ tài sản. Tôi quý giá và nâng niu như người ta giữ món đồ cổ trong nhà. Mà cộm lên trong suốt dòng chảy kí ức ấy là sự đói nghèo và nỗi cô đơn.

Khi lớn lên, rời xa miền quê quay quồng giữa chốn phồn hoa đô thị với mong muốn lập nghiệp tiến thân tôi đã không ít lần lục lọi lại kí ức của mình. Kì lạ thay thời đại Internet hình như không lưu lại chút dấu vết gì về những năm tháng đói kém kéo dài ở quê tôi. Có chăng chỉ là bảng số liệu vô hồn và những nhận định chung chung về tình hình kinh tế trong một vài đề tài xóa đói giảm nghèo. Nó không phải là thực trạng đói nghèo mà chúng tôi đã từng trải qua. Thứ đói nghèo chỉ có thể sống và cảm nhận chứ không phải vẻn vẹn trong vài cái gạch đầu dòng. Sau gần hai mươi năm trôi qua nhưng tàn tích của đói nghèo như vẫn còn nằm lại trong kho kí ức của mỗi người đang sống. Cho dù những ngôi nhà cao tầng được xây lên, cho dù đồng rừng có màu mỡ biếc xanh. Cho dù trong bữa cơm người ta nghĩ chuyện ăn gì cho ngon, mặc gì cho đẹp. Cho dù sân ga còi tàu giờ là nỗi mong nhớ đoàn viên chứ không phải là sự ám ảnh của những mùa đói kém...

Thỉnh thoảng trong giấc mơ của mình tôi vẫn thấy hình ảnh đứa bạn thân tên Quỳnh ngày nào cũng vác rá đi khắp làng trên xóm dưới để vay gạo rồi lại lầm lũi vác rá về không. Hình ảnh về mùa đói của đầu những năm 90 thế kỷ XX là khắp các cánh đồng khô hạn kéo dài, vết nứt nẻ nhức nhối cả một vùng kí ức. Không phải là một người, một nhà đói mà cả một làng, một xã, một vùng trung du vốn sống nhờ nông nghiệp. Mà nghề nông thì vốn phụ thuộc vào việc trông trời, trông đất, trông mây. Vậy mà thiên nhiên khắc nghiệt, hạn hán chưa qua lũ lụt kéo đến, rồi thì rét đậm rét hại, mùa màng thất thu lụi bại. Cái đói như một nỗi ám ảnh kéo dài rưng rức suốt tuổi thơ tôi...

Dọc theo mùa đói

Tôi vẫn nhớ rất rõ hình ảnh cha tôi cùng những người đàn ông trong làng gồng gánh bắt chuyến tàu đêm lên các ga Phố Lu, Bảo Hà, Cầu Nhò tỉnh Lào Cai để luồn vào rừng sâu mót sắn. Nơi đây là khu vực các bà con dân tộc Tày, Dao, Mông sinh sống. Họ vẫn giữ tập tục du canh du cư, mỗi năm lại phát nương làm rẫy một nơi. Những người đàn ông quê tôi luồn sâu vào các bản hoang vu như Lăng Khay, Lăng Khít. Ở đây sau khi bà con thu hoạch xong những cây sắn bị vứt lại sẽ mọc lên, để vài năm củ ăn sâu rất khó đào. Những năm ấy đói quá nên những người đi kiếm kế sinh nhai được đi nhờ tàu hàng, không mất tiền. Thường là ngồi ké ở cửa lên xuống vừa là chỗ đầu nối các toa vừa là nhà vệ sinh, không có cửa, gió thổi vào hun hút. Bố kể chuyến nào đi tàu cũng chật ních người. Tàu đi xuyên đêm giữa màn sương buốt lạnh chỉ nghe thấy tiếng gió hút, tiếng còi tàu vang trong đêm và tiếng sủi bụng cồn cào trong cơn đói của từng ấy con người đang cố nép sát vào nhau cho đỡ lạnh.

Những ngày ấy tôi lúc nào cũng thấp thỏm trong lòng mong tiếng còi tàu. Từ người già lẫn trẻ con, chẳng ai bảo ai nhưng cứ chiều chiều là tất cả đều ra ngõ ngóng. Nắng chiều vàng ỏng, thứ màu sắc ngột ngạt u buồn ấy chưa bao giờ quên lãng trong tôi. Những ngày rất đói kém thứ đáng quý còn lại vẫn là tình người yêu thương, cưu mang đùm bọc lẫn nhau. Chúng tôi đọc được trong mắt nhau sự đợi chờ mỗi buổi chiều không đơn thuần chỉ là chờ đợi cái ăn từ gánh sắn mót về mà là chờ người thân sau vài ngày xa cách. Thế giới của người già, đàn bà và trẻ thơ chỉ vẻn vẹn trong ngôi làng nhỏ có cánh đồng khô hạn này thôi. Nên đối với họ thì con đường những người đàn ông đi mưu sinh đầy rẫy sự bấp bênh và hiểm họa. Họ không giấu nổi nỗi buồn khi phải để người thân đi tha phương cầu thực. Nhiều hôm việc đợi tàu kết thúc bằng những tiếng thở dài khi tàu rời ga đã lâu mà không thấy bóng dáng người đàn ông nào nhấp nhô trên con đường nhỏ. Cũng có hôm vui khi nhà ai đó có người về. Tối ấy cả xóm được chia phần, sắn cắt thành từng khúc chuyền tay nhau qua rặng rào, vang tiếng cười mừng vui hí hửng. Nếu hôm nào được nhiều thì sắn mang ngâm hoặc thái ra từng sát mỏng phơi khô để dự trữ. Nhưng hiếm lắm, thường thì mấy anh em tôi vẫn phải chia nhau ăn một khúc sắn lùi. Sau này có lần nghe tôi kể về mùa đói bạn bè đều ngạc nhiên vì không nghĩ lại có nơi đói thế trong khi bạn vẫn được rong chơi, được ăn cơm trắng và mặc những bộ quần áo không khâu vá nhì nhằng.

Sau này thấy mọi người hay kể về nỗi khổ của thời bao cấp chờ mua thịt gạo theo tem phiếu. Tôi nghĩ vậy vẫn còn tốt chán so với tuổi ấu thơ của tôi khi ngay trong cả giấc ngủ cũng gọi tên cái ước mơ chỉ thèm được ăn một bữa cơm trắng đã đời. Lúc ấy nào có dám nghĩ về một bữa cơm có thịt, trong cái nhu cầu chỉ cần được ăn no cũng may mà người ta biết quên đi thịt ngon đến thế nào. Tôi nhớ hồi đó có lần bố vì thương các con mà phải đi vay thóc lãi cắt cổ theo kiểu vay một trả hai. Nhìn nồi cơm gia đình nào cũng một phần cơm ba phần sắn. Cứ đến bữa là thằng út đòi ăn bát ô tô cho được nhiều mà vừa ăn vừa chóp nồi sợ mọi người ăn hết. Đứa bạn hàng xóm bây giờ vẫn rơm rớm kể ngày xưa bố mẹ bao giờ cũng gạt cơm cho các con, xới phần sắn về mình rồi lặng lẽ quay đi ăn. Nhưng bạn thì tưởng mẹ ăn giấu cái gì ngon nên cứ một lúc lại nhòm vào bát mẹ. Những câu chuyện ấy bây giờ các mẹ vẫn mang ra kể mỗi lúc thấy nhớ lũ con đều đã đi xa hết. Mẹ ước gì các con đừng lớn, cứ quẩn quanh bên mẹ ăn cơm độn sắn cũng thấy ngon. Nhưng đối với những đứa trẻ chúng tôi thì đói nghèo, bệnh tật và nỗi cô đơn như một thanh âm buồn vang lên trong suốt cuộc đời.

Những năm ấy trẻ con hay người lớn đều phải tính chuyện đói no. Mà cái đói thì kéo dài đến tận những năm tôi vào cấp II khi nhà vẫn phải ăn cơm độn sắn. Vào mùa đói nhất, ban ngày tôi đi tắt qua mấy khu rừng mới tới một cách đồng trũng đất vẫn còn hơi ẩm để hái rau dại về ăn. Đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ mùi hăng hắc của loài rau mang tên cu sếu, thứ rau đã cứu đói không biết bao nhiêu hộ gia đình. Khi rau dưới ruộng hết thì lên rừng hái rau đắng cẩy, thứ rau rừng kén người ăn vì rất đắng. Nó đắng đến mức tôi vẫn không hiểu tại sao người dân quê tôi lại ăn được loại rau này. Nhưng tôi biết chắc một điều nhiều đứa trẻ sinh ra vào mùa đói đã được lớn lên bằng những giọt sữa đắng từ ngọn rau rừng. Rồi thì thiên nhiên như cũng không nỡ khắc nghiệt quá với con người nên bà con nông dân cũng đã bắt đầu chạm tay vào mùa vụ. Lúc này không còn lo chết đói nhưng tàn dư của cái đói thì vẫn quanh quẩn đâu đó trong mái nhà dột nát, trong đống nợ nần, trong trăm nghìn nỗi lo chưa biết phải xoay xở thế nào. Dù còn nhỏ nhưng đêm đến anh em tôi đều vừa học bài vừa tính chuyện đi bắt cua, đi nhặt nhựa, đi mót lạc để kiếm tiền mua sách vở tự trang trải chuyện học hành.

Trước cửa nhà tôi là doanh trại bộ đội Lữ đoàn 168. Vào những năm đói kém tình quân dân theo đúng tinh thần như cá với nước. Thấp thoáng đâu đó trong đời sống sinh hoạt của làng tôi luôn là hình ảnh các chú bộ đội trong bộ quần áo xanh lưng đẫm mồ hôi. Bộ đội dựng nhà, bộ đội trồng sắn, bộ đội đào ao thả cá giúp dân, tối đến bộ sang chơi kèm luôn mấy đứa trẻ học bài. Thỉnh thoảng các chú bộ đội sang nhà tôi còn mang vài quả bắp cải, ít đầu cá mắm hay mẻ cơm nguội phơi khô. Thời còn dùng xà phòng đựng trong hộp nhựa thì trưa nào chúng tôi cũng sang doanh trại nhặt đồng nát. Từ vỏ lon, hộp nhựa, đến cơm nguội, rau thừa chúng tôi đều lấy tất. Vì thương mấy đứa nhóc chúng tôi nên các chú bộ đội thường để đồ bỏ đi gọn vào một chỗ. Có lần chạy nhanh, vấp ngã, cây đâm xuyên thịt bên má trong bàn chân phải, phải đi trích lấy ra cả đoạn cây dài. Bố phải đèo tôi đi học suốt nhiều ngày trời, lúc bán nhựa được năm nghìn đồng, tôi cười mà mẹ quay đi lau nước mắt. Bây giờ chân tôi vẫn còn vết sẹo năm xưa như nhắc nhớ về một thời thơ dại. Rồi bao nhiêu lần dãi nắng dầm mưa đến ốm, đêm nằm thở không được mà vẫn mang cái ống tre đựng tiền ra đếm. Tiền này mua bút cho mình, tiền mua dép cho em, tiền phụ mẹ mua gạo. Chỉ ước ao dư nghìn bạc lẻ để mua một bó quế nhỏ hoặc túi ô mai khế bán ở cổng trường.

Tôi không bao giờ quên những niềm vui nho nhỏ chắp nhặt được từ những người lao động nghèo khổ quê mình. Tôi nhớ tiếng cô Ơn mua nhựa, lần nào đi qua nhà cũng gọi với tên tôi. Nghe tiếng chai lọ va vào nhau leng keng vui như tiếng lòng tôi khi nhận từ tay cô những đồng tiền lẻ. Tôi nhớ bà Nhật bán kẹo bột, lưng bà còng vì gánh gồng nhiều. Đôi quang gánh của bà là cả một thế giới tuổi thơ trong từng gói kẹo có vị ngọt của mật, vị cay của gừng và vị thơm từ môi bà ăn trầu cười móm mém. Tôi nhớ chú bán kem mặc chiếc áo bay bộ đội cũ, lưng ướt đẫm mồ hôi gồng mình đạp xe lên đỉnh dốc, tay bóp chiếc còi kem mút. Tiếng còi kem đủ làm bọn nhỏ chúng tôi thèm chảy nhãi. Đến nỗi trưa nào cũng chờ xin mẹ hai trăm đồng để mua một que kem mấy anh em mút chung. Nhưng không phải lúc nào mẹ cũng có tiền, hiểu nhà nghèo nên anh em tôi chỉ đứng nghe tiếng còi kem bim bíp nhỏ dần rồi mất hút. Cũng có hôm bán ế, chú chiêu đãi mỗi đứa một que, nhìn chúng tôi mút kem ngon lành chú xoa đầu dặn phải ngoan, phải gắng học giỏi để sau này thoát đói nghèo. Nhớ cô Liên cười hiền từ dúi vào tay tôi cây mía khi thấy đứa nhỏ tội nghiệp đứng trước mặt khóc như mưa chỉ vì đã đánh mất tiền sau khi lóc cóc đạp xe hai cây số đi mua mía. Nhớ anh Khải mỗi lần về thăm quê đều dúi vào tay chúng tôi vài tờ báo, thứ mà tôi thèm khát hơn bất cứ món quà gì bởi vì lúc đó trẻ con quê tôi còn đói sách hơn cả đói ăn.

Mấy truyện ngắn trong sách giáo khoa tôi từng đọc đến thuộc làu, đi chăn bò thấy ai vứt mảnh báo ngoài rừng dù mưa nắng chữ đã mờ nhưng tôi vẫn cắm cúi nhặt lên đọc hết từng câu chữ. Thỉnh thoảng anh Khải có mang về cuốn truyện Đôrêmon đã bong gáy, truyện Conan đã rách đúng phần phá án, truyện Dũng sĩ Hesman giấy đã ố màu. Nhưng tôi thích nhất vẫn là sách văn học, những câu chuyện trong trẻo, du dương như một khúc nhạc diệu kì. Và nhớ mẹ đã từng nghèo, rất nghèo nhưng chưa khi nào đi chợ về mà không để trong làn một gói quà quê. Nên chiếc làn của mẹ chính là cổ tích của tuổi thơ mà ở đó chỉ riêng tấm lòng mẹ thôi cũng đủ diệu kì. Chứ chưa nói đến quả thị, khúc mía lùi, túi nhót chín đỏ au, chùm dâu da hay vài thanh bỏng gạo bọc mật còn ngọt lịm trong tâm thức mấy anh em tôi đến tận bây giờ...

Tuổi thơ có niềm vui ngọt ngào như thế nhưng cũng có những nỗi buồn đắng lại trong kí ức. Đói nghèo và bệnh tật đã khiến chúng tôi phải chứng kiến nỗi đau của sự mất mát từ khi còn rất nhỏ. Rằng cái chết thì không chừa một ai và ngày hôm nay còn vui đùa với nhau, ngày mai có khi đang nức nở trong đoàn người đưa tiễn. Đứa bạn thân đang tuổi hồn nhiên suốt ngày tranh làm công chúa, chạy chơi nhảy nụ, ô quan... Thế mà một hôm đi học về đã thấy bạn nằm đấy không bao giờ tỉnh dậy dù tôi có lay có gọi có gào khóc đi chăng nữa. Những năm đó dịch bệnh nhiều, thuốc thang không có, trạm xá xã nghèo nàn dường như chỉ để đỡ đẻ hay băng bó vết thương xây xát ngoài da. Ngay cả tiêm phòng cho trẻ sơ sinh cũng không được miễn phí như bây giờ nên hầu như chúng tôi cứ lớn lên như cây cỏ. Khắp dải dân cư ở khu nhà tôi hiện tại, trước kia là khu rừng chôn trẻ con. Cứ hầu như mười nhà thì có đến tám nhà dịch bệnh đã cướp đi một đứa con. Không có quan tài, không kèn trống, những đứa trẻ còn chưa kịp biết cuộc đời có gì vui thì đã nằm gọn trong manh chiếu nằm lại trên rừng hoang lạnh. Khi cuộc sống khắc nghiệt con người như càng xích lại gần nhau. Tôi hay lẽo đẽo theo mẹ đến chia buồn với những nhà mới có người mất. Hình ảnh cô Xuyến khóc ngất đi mỗi lúc sữa về, hai bầu ngực căng tức mà đứa con bé nhỏ đã không còn để có thể ngậm chiếc môi bé xinh rít từng giọt sữa. Con cô mất vì một trận dịch đậu mùa, tôi chỉ biết có vậy khi nép sát vào vai mẹ đang thổn thức. Một đứa nhỏ mất đi đồng thời là nỗi đau của tất cả những bà mẹ khác, bởi vì không ai biết trước được bệnh tật rồi sẽ tìm đến những ai. Tôi kết thúc tuổi thơ mình bằng cuộc tiễn đưa một người anh cùng xóm. Khi ấy tôi đã gần học xong cấp II, đang tuổi mới lớn tâm hồn nhiều biến động. Nên sự ra đi của người anh từng cùng đi hái rau dại, đi bắt cua, tát cá, cùng sống qua những mùa đói kéo dài là một nỗi mất mát và hụt hẫng. Anh lúc đó mười sáu tuổi, sống với mẹ và em trai. Nhà thiếu người đàn ông trụ cột gia đình nên bao nhiêu việc nặng nhọc anh gánh trên vai mình từ tấm bé. Hôm ấy anh nói đi bắt ếch để bán lấy tiền đong gạo nhưng mãi không thấy về nên mọi người đổ đi tìm khắp nơi. Cuối cùng tìm thấy anh chết đuối trong chiếc giếng hoang gần doanh trại bộ đội, trên tay anh vẫn còn móc một xâu ếch nhỏ. Đêm đến tiếng tiếng kèn trống, tiếng than khóc vang khắp làng. Tôi không dám sang nhìn anh lần cuối mà trốn ở bụi chuối sau nhà khóc nức nở. Mấy tháng sau nhà anh chuyển đi vì nợ nần nhiều, bát hương và ảnh thờ anh còn đó. Trưa nào tôi cũng rủ Quỳnh trốn lẻn vào thắp hương và nói chuyện cùng anh. Cho đến khi ngay cả ngôi nhà mối mọt cũng không còn nữa thì cũng là lúc tôi từ giã tuổi thơ mình... Tôi trở thành công dân thành phố sau một chuyến tàu chật ních trong mùa nhập học. Bốn tiếng đồng hồ đứng chen chúc nhau trên tàu nhiều khi chân không chạm đất.

Nhìn ra cửa sổ chỉ thấy quê nhà cứ lùi lại tít tắp sau lưng mà nơi sắp đến thì hoàn toàn xa lạ. Tôi đọc được ánh mắt lo âu của biết bao bạn trẻ cũng như tôi, hừng hực khát vọng học tập, khẳng định mình ở một chân trời mới. Thành phố mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng có muôn vàn cạm bẫy và hình như bất cứ đứa sinh viên tỉnh lẻ nào cũng có những nỗi sợ ban đầu rất giống tôi. Tôi sợ phải sang đường khi xe cộ đông nghịt cứ lao đi vùn vụt, sợ những cánh cửa luôn đóng kín cửa, sợ những khuôn mặt lạnh tanh, sợ cả sự giàu sang, hào nhoáng ở nơi đây nữa. Và hơn hết tôi sợ phải sống một mình mà không có gia đình cùng sự bao bọc của quê hương chòm xóm. Những tòa nhà cao tầng với nhiều ô cửa sổ san sát nhau làm tôi choáng ngợp. Tôi bắt đầu ghét phố khi lùng sục khắp nơi không có lấy một căn phòng trọ vừa túi tiền eo hẹp của mình để rồi ba bốn con người phải chen chúc trong một nơi chật chội. Tôi bắt đầu buồn phố khi gia tài lớn nhất của đời sinh viên là chiếc xe đạp cà tàng cũng bị cướp đi. Mà trong lúc chạy theo tên trộm, tôi kêu gào nhờ vả ai cũng chỉ nhận được cái lắc đầu. Tôi bắt đầu hờn dỗi phố khi những ngày về quê cứ ít dần đi, sáng mở cửa ra đã thấy phố mưu sinh đến mệt nhoài... Bạn tôi bảo thành phố có đủ thứ mà cũng thiếu đủ thứ, nên chẳng khó khăn gì để nhìn thấy sự đói nghèo ở trong lòng no đủ. Tôi cảm thấy thương mình và thương bạn bè tôi, những đứa con tỉnh lẻ tưởng ra phố là sẽ thay đổi cuộc đời, sẽ thoát cảnh nghèo suốt bao năm đeo đẳng. Nhưng không. Khi nhốt mình trong những căn phòng trọ chưa đầy 10m 2 tôi nhận ra phố thiếu thứ mà tôi cần nhất ấy là ánh sáng, là khoảng không rộng lớn, là bầu trời trong xanh, là thứ không khí trong lành gần gũi với thiên nhiên cây cỏ. Ở phố cứ ra khỏi cửa đã thấy hàng quán, cần mua gì có khi chỉ cần một cái click chuột là có người mang đến tận nơi. Ở phố những sạp sách báo bày bán ngay ở vỉa hè, người ta chỉ cần dừng xe rút vài chục ngàn bạc đã có quyển sách mà mình muốn. Trong khi đứa bạn làm giáo viên ở trường huyện quê tôi vừa điện xuống nhờ tìm mối mua sách truyện cũ để về mở cửa hàng cho thuê vì trẻ con ở quê vẫn thèm và khát sách. Phố có siêu thị, có rạp chiếu phim, có các trung tâm mua sắm... trong khi ở quê vẫn giữ thói quen họp chợ phiên và thỉnh thoảng lũ trẻ lại hét lên sung sướng khi thấy loa của rạp xiếc lưu động thông báo sẽ diễn tối nay tại sân bóng huyện.

Phố tiện nghi hiện đại là thế nhưng tằn tiện với người từng chút ánh nắng sớm mai khi không đủ sức len lỏi qua những ngôi nhà san sát. Nhiều đêm nằm cô đơn giữa phố nhớ quê, thèm nôn nao cái cảm giác được ánh trăng rằm mát lẽm chảy tràn trên mái tóc, bờ vai. Những đêm trăng cổ tích có mùi hương hoa cau, hương bưởi, hương xoan, hương của đất quê, của những tiếng cười con nít chạy chơi đuổi mắt bắt dê... Rồi có hôm nhớ nắng đến mềm người, tưởng như nghe thấy đâu đó tiếng gà mẹ cục con bới run ngoài vườn chuối, tiếng Quỳnh gọi với qua hàng rào để dúi vào tay túi bồ kết và vài quả ổi, tiếng mấy cô bác hàng xóm sang bàn chuyện mùa màng. Tôi thấy lấp lánh trong nắng mái tóc dài của mẹ những trưa hè nhờ tôi nhổ tóc sâu. Nhớ nắng từ tiếng nổ lép bép của mẻ đỗ tương phơi ngoài sân gạch, nắng trên lưng áo mẹ ướt đầm mồ hôi và nắng lấp lánh trong nụ cười mọng căng của chị. Những lúc ấy tôi thèm được bước lên chuyến tàu, ngủ quên một giấc đến khi tỉnh dậy thì đất quê nhà đã ngay ở dưới chân...

Phố khiến những người trẻ mệt nhoài trong guồng quay mưu sinh cơm áo gạo tiền. Phố càng đông thì nỗi cô đơn càng lớn vì con người càng cách xa nhau. Thế nên khi nghe tin đứa bạn thân tên Quỳnh vì đã không chịu đựng được thêm nỗi cô đơn mà kết thúc cuộc đời mình tôi đã rất xót xa. Một câu hỏi cứ trở đi trở lại trong đầu tôi rằng tại sao những đói kém nhất, khi phải vật lộn với miếng ăn mỗi ngày người ta không bao giờ nghĩ đến cái chết mà chỉ thấy sự sống đang thúc giục từng giây phút?

Vậy mà khi cuộc sống đủ đầy, khi chạm ngõ đến thành công thì nhiều bạn trẻ như Quỳnh lại tìm đến cái chết? Phải chăng là do cái đói tình người, do cuộc sống nhiều áp lực vô tình khiến con người ta không còn nhìn thấy chính mình, không đủ sức để kháng cự lại khi khó khăn và nỗi cô đơn ập đến? Xuyên suốt hành trình sống của một phần ba cuộc đời tôi luôn bị ám ảnh và day dứt bởi tiếng còi tàu rưng rức. Những chuyến tàu chở nặng đầy toa từ kí ức mùa đói tuổi thơ cho đến chuyến tàu khao khát vượt thoát cái thiếu thốn, khát thèm ở thành phố để trở về với quê hương. Từng ấy năm lớn lên tôi nhận ra một điều là dù thành phố hay nông thôn, quá khứ hay hiện tại tất thảy đều có một mùa đói ở trong lòng no đủ. Mà cái đói nào cũng đều đáng sợ như nhau. Và tôi cứ tự hỏi liệu mình còn đi dọc mùa đói đến bao giờ?

Dì tôi - Tản văn của Đào Mạnh Long "Cho một ngày bình thường" tản văn của Trần Quỳnh Nga Má tôi - Tản văn của nhà văn Thanh Thảo | Báo Văn Nghệ Chiếc xe đạp của mẹ. Tản văn của nhà văn Nguyễn Hiệp Sấu rụng mà thương
Nguồn Tạp chí Văn nghệ Đất Tổ
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.
Bản tin Văn nghệ: Cuộc thi "Đưa Văn vào đời" - trao thiệp gửi yêu thương

Bản tin Văn nghệ: Cuộc thi "Đưa Văn vào đời" - trao thiệp gửi yêu thương

Baovannghe.vn - Cuộc thi thiết kế thiệp Văn học: Đưa Văn vào đời 2024, do Nxb Hội Nhà văn phối hợp tổ chức, Hội Nhà văn Việt Nam bảo trợ chuyên môn