Sự đổ sụp - có gì đó tự nhiên và không hề đáng sợ như ta thường gán nghĩa cho nó. Khi con người cứ cần hơn nữa, muốn tạo ra những hệ thống “bền vững” vượt thời gian, khi ấy chúng ta lại càng sợ hãi trước những gì phù du, vô thường. Đó cũng là lúc nghệ thuật đương đại len vào, đặt ra câu hỏi: Liệu có còn gì khác?
Nếu như nghệ thuật hàn lâm trước đây vẫn mặc định vẻ đẹp và sự tinh tế là phải qua một quá trình học tập rèn giũa nơi kinh viện thì mới được làm và làm được, phải học thì mới hiểu, mới biết xem; phải có tiền thì mới được chiêm ngưỡng, mới được sở hữu; cũng như việc bày ra những tác phẩm theo cách không thể chạm vào mà cũng không được chạm vào, thì nghệ thuật đương đại tìm cách phá bỏ những đặc tính này như một nỗ lực rời bỏ tầng lớp tinh hoa thiểu số để đến gần hơn với công chúng.
Trong một nỗ lực quan sát những chuyển động của nghệ thuật đương đại tại Hà Nội gần đây, có vô số dẫn chứng cho việc nghệ sĩ đang tìm cách khắc họa, tạo tác và đối thoại với cái phù du, cái biến động, cái không thể sở hữu mà lại trớ trêu thay, chính là bất biến hơn tất thảy. Ở đây, tác giả sẽ điểm qua một vài tác phẩm tình cờ được tiếp xúc và có rung động cá nhân trong các trưng bày và triển lãm nghệ thuật trong năm vừa qua.
Một số tác phẩm suy tư về những gì dễ bị bỏ qua trong cuộc sống hàng ngày, như vết mòn rách trên áo như trong sắp đặt Tôi chợt nhận ra những vết rách là nơi da thịt không còn cọ lên vải của nghệ sĩ Nguyễn Quốc Thành tại mở xưởng mấy mấy mấy hay những thủy tức nhỏ bé mà lại bất diệt, phải dùng đến kính lúp để soi thấy qua điêu khắc mềm mang tên Magnipapillata CaLa Lai Tan Ta là ai của nghệ sĩ Lại Diệu Hà tại triển lãm Dệt phối cảnh. Magnipapillata hay Hydra Magnipapillata là tên khoa học của một loại thủy tức nước ngọt; còn CaLa Lai Tan là biệt danh của tác giả và con gái cô.
Một số nghệ sĩ lại liên hệ với những gì ngắn ngủi, chóng mất đi để làm ra những việc tưởng chừng như vô nghĩa. Nghệ sĩ Nguyễn Đình Phương thu thập các chất liệu bị bỏ lại từ sinh hoạt hàng ngày như vỏ quýt, sợi nilon rơi vãi, tóc… để treo lên trên những ô gió dọc hành lang của Cung thiếu nhi Hà Nội. Chúng biến đổi, rơi và tiếp tục được treo mới lên xuyên suốt những ngày diễn ra Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024. Nhiều thứ người nghệ sĩ xếp ra khó-bề-chụp-lại, lại càng không thể sở hữu, dù chỉ là ở dạng ảnh. Tác phẩm của nghệ sĩ Lê Tú Anh trong mmmở xưởng - open studio iii thuộc chuỗi dự án mấy mảnh vải mấy đường chỉ mấy nơi the queer w(e)aves đầy bất lực tới mức hoang đường: vá lại những khe nứt trên sàn, trên tường gạch vỡ bằng cơm và băng lại với vải xô. Tác phẩm dường như là sự lên tiếng qua thị giác khi ta nhìn thấy những mất mát trước mắt mà không biết phải làm thế nào để níu giữ lại chúng.
Có những tác phẩm thị giác kết hợp chất liệu đầy tính vút trôi của âm thanh như sắp đặt tương liên Lách cách trên hàng ghế gỗ của nghệ sĩ Ngô Thanh hay những cánh cửa và ngăn kéo đóng sập; những phích cắm liên tục được rút ra đầy rung cảm mà ta quên mất vẫn luôn tồn tại đã xuất hiện trong phim ngắn Nude của nghệ sĩ Ly Nguyễn là những phần cấu thành nên tổ hợp sắp đặt Không gian đập thở, thời gian tăm tích tại Rạp Khăn Quàng Đỏ.
Dự án Sờ, nặn, bóp - Nhìn bằng tay, liên tưởng trong bóng tối do giám tuyển Trần Lương khởi xướng gợi về những miền chưa được khám phá: thế giới thị giác của người mù bẩm sinh mang dáng hình như thế nào và qua đó chất vấn lại thế nào mới là “người bình thường”.
Bị khỏa lấp, mong manh, vụt mất: tất cả những đặc tính này đâu đó cấu thành nên một cảm thức đương đại lãng đãng, phù du. Dường như đó cũng chính là tinh thần những hành động, nỗ lực tưởng chừng phi lý trí của các nghệ sĩ. Đây phải chăng cũng là nhắc nhớ đến từ nghệ thuật khi mà diễn ngôn của lý tính, của những gì hợp-lý, của khoa học, của chủ nghĩa vật chất và tiền tài, của tư bản và nỗi sợ đang thắng thế. Chính lúc ấy nghệ thuật với những cảm thức tới mức hoang tưởng của nó, lạ lùng thay, níu giữ ta lại, nhắc nhở ta rằng: cuộc sống không chỉ có vậy, để ta biết trong sát na ấy, ta có thể làm gì (khác).
Khi cảm thức trong nghệ thuật đương đại mang màu sắc của sự phù du đến vậy, phải chăng làm nghệ thuật bây giờ là phải “chán đời”? Văn học giai đoạn này nhuốm màu buồn bã bi ai. Nhà văn mới được giải Nobel văn học 2024, Han Kang, viết về buồn đau đến xót xa. Nhưng chẳng phải, trước nay nghệ thuật vốn đã luôn đề cao nỗi buồn? Để bày ra ngàn vạn sắc thái của những mất mát, chia ly, tan vỡ khi mà “những gia đình hạnh phúc đều giống nhau, nhưng gia đình bất hạnh thì lại muôn màu muôn vẻ” như lời mở đầu cuốn Anna Karenina của Lev Nikolayevich Tolstoy do Dương Tường chuyển ngữ. Nghệ thuật khiến con người ta phải đối diện với các mâu thuẫn, đứt gãy và đổ vỡ - nỗi khiếp đảm của con người. Đó cũng là hiện thân của sự kết thúc. Vậy tại sao chúng ta cần nghĩ về nó?
Bất kể chúng ta đến từ đâu, với những góc khuất trong lòng khác thường đến thế nào, thì ai rồi cũng bị chấn động bởi sự kết thúc. Trớ trêu thay, khi ấy cũng là lúc con người gặp được nhau, giữa những lãng quên và hoài niệm. Khi ấy một cuộc hội thoại - vốn không dễ dàng - được mở ra giữa người nghệ sĩ và người xem, thậm chí nhiều khi còn xóa nhòa khoảng cách này, để đề những câu hỏi phi ngôn cho một cuộc đối thoại với nhau, với cuộc sống này, chất vấn lại đâu là khởi đầu và thế nào là kết thúc? Thế nào là sự ra đi?
Cái kết thúc chạm vào toàn thể mỗi con người khi mà tất cả chúng ta, và người thân của chúng ta một mai sẽ không còn. Nó đặt câu hỏi lại cho hành trình của con người: Chúng ta rồi sẽ đi về đâu? Về cơ bản, khi mọi sự rồi cũng sẽ là không còn mãi, rồi sẽ mất đi, thì nghệ thuật với năng lực tưởng tượng của nó vừa gợi nhắc nhưng cũng xoa dịu và an ủi: nhắc nhớ cách ta sống - phải cật vấn lại chính mình.
Tầng tầng lớp lớp những cảnh sắc, những tưởng tượng và liên tưởng được tạo tác qua nghệ thuật đương đại dường như ẩn chứa những điều ta vẫn hằng tìm kiếm, hay thậm chí, còn chẳng biết rằng mình đã tìm kiếm. Nó hướng về cảm thức của sự tan rã mà qua đó vẫn ẩn chứa những nỗi niềm khó nói ra về tình yêu và bản ngã. Ở nơi cùng tận vẫn là một tình yêu thế giới nhiệt thành. Một sự kết thúc nhưng lại tràn đầy ánh sáng, dù vẫn rối ren và khó tháo gỡ, không đầu không cuối, chẳng ở đây mà cũng chẳng ở kia.
Sự đổ sụp - có gì đó tự nhiên và không hề đáng sợ như ta thường gán nghĩa cho nó. Khi con người cứ cần hơn nữa, muốn tạo ra những hệ thống “bền vững” vượt thời gian, khi ấy chúng ta lại càng sợ hãi trước những gì phù du, vô thường. Đó cũng là lúc nghệ thuật đương đại len vào, đặt ra câu hỏi: Liệu có còn gì khác?
Con người rồi có về với cùng tận? Lạ lùng thay, khi mà ta đã hoàn toàn chấp nhận khả thể của việc đi đến một điểm kết thì ở đó lại lóe lên những tia hy vọng, hoàn toàn phi logic, phi lý trí nhưng lại chính là định nghĩa của hy vọng; khi mà nó là thứ chỉ sinh ra nơi không còn gì để dám kỳ vọng, và niềm tin vào một cái gì đó sẽ sống vượt lên trên tất cả.
Khi ấy, nỗi buồn lại là thứ gắn liền với hạnh phúc, và tình yêu đời hơn tất thảy. Nỗi buồn không hề chán chường, mà là nhắc nhớ: con người ta cần đối diện với khổ đau và mất mát, với những bất lực của chính mình. Cần phải đối diện với vô cùng, với sự bất toàn và vô thường mà rồi ai cũng phải trải qua. Khi không kêu ca nữa, ta bước tiếp ra sao? Để biết, sau mất mát, là gì.
Khi bắt đầu một cái gì mới mẻ giữa thinh không cũng là nơi hy vọng được sinh ra, giữa những tiếp nối trong hư vô. Rồi để nhận ra rằng những điều đẹp đẽ nhất trên cuộc đời này, không thể chạm tay vào được, cũng không diễn đạt bằng lời được, mà phải cảm nhận bằng trái tim, như một ai đó từng nói. Để sực thốt lên giữa những xấu xí trần trụi phô bày: Chà, đẹp quá!
![]() |
Tác phẩm Magnipapillata CaLa Lai Tan Ta là ai của nghệ sĩ Lại DIệu Hà trong triển lãm “Dệt phối cảnh”. Ảnh: nghệ sĩ cung cấp |