Franz Kafka (sinh ngày 3/7/1883, mất ngày 3/6/1924) là một trong những tác gia được giới chuyên môn đánh giá có tầm ảnh hưởng bậc nhất trong thế kỷ 20. Ông sinh ra trong một gia đình Do Thái nói tiếng Đức ở Praha. Thời còn sống, ông chỉ công bố một số tác phẩm. Các tiểu thuyết chưa hoàn thiện của ông như Lâu đài (The Castle), Vụ án (The Trial), Nước Mỹ (Amerika) được xuất bản như di cảo và chủ yếu do người bạn Max Brod công bố sau khi đi ngược lại với di nguyện của Kafka. Truyện ngắn Đôi vợ chồng (The Married Couple) được trích từ tuyển tập Trường thành Trung Hoa (The Great Wall of China), cuốn sách tập hợp một số trước tác ngắn còn sót lại của Kafka. Kafka từng có khoảng thời gian làm việc trong một công ty bảo hiểm và ông gọi nơi đây là “chiếc tổ tối tăm của các quan chức”. Các thiết chế xã hội như thương mại, luật pháp hay các cơ quan quản lý hành chính thường xuyên xuất hiện trong tác phẩm của ông. Và truyện ngắn Đôi vợ chồng cũng được Kafka lấy bối cảnh cụ thể khi sự vận hành của các thiết chế len lỏi vào đời sống con người.
Nhà văn Franz Kafka qua minh họa của Micha Huigen. Ảnh: The New Yorker |
Công vụ nhìn chung hết đỗi tệ hại đến độ mà đôi lúc khi công việc ở chốn công sở chỉ dành cho tôi đôi chút thời giờ ngắn ngủi, tôi tự mình lựa lấy chiếc cặp xách đựng hàng mẫu và đích thân liên hệ với các khách hàng. Kể từ lâu tôi đã có ý định làm chuyến viếng thăm với chút thời gian eo hẹp, và trong số những khách hàng của tôi, ông N. là người mà tôi từng có mối quan hệ kinh doanh vững chắc, tuy nhiên, suốt quãng thời gian năm ngoái trôi tuột qua hoàn toàn mà tôi chẳng thể kiếm nổi một nguyên cớ. Vả chăng, chẳng cần phải luôn luôn có những lí lẽ thực tế cho những sự xui rủi chẳng lành; trong thời buổi hiện giờ, tình thế biến động thường chẳng là gì sất, một từ ngữ sẽ có thể xoay chuyển bàn cân và cũng theo phương cách ấy cái chẳng là gì sất, một từ ngữ có thể đưa mọi việc trở lại ổn thỏa. Tuy nhiên, để tiếp cận ông N. là cả một vấn đề nan giải; ông ta là một người đàn ông đứng tuổi, gần đây ngày càng trở nên yếu đi, và mặc dù ông ta vẫn khăng khăng đích thân dự phần vào những sự vụ kinh doanh, nhưng ông ta hiếm khi được bắt gặp ở trong văn phòng; nếu bạn muốn đến nói chuyện với ông ta bạn phải đến tư gia của ông và người ta lấy làm mừng khi hoãn những chuyến công vụ dạng đó.
Dẫu vậy tối qua sau sáu giờ tôi ghé qua nhà ông ta; vì thực sự chẳng có thời giờ để gọi thoại nhưng chuyến thăm sau rốt là một công vụ, không nhằm giao thiệp xã hội. Tôi đã gặp may mắn, ông N. có ở nhà; ông ta mới tức thì quay trở về cùng với bà vợ sau buổi dạo bộ, người hầu kể với tôi, và ông ta bây giờ đang trong phòng của cậu con trai đang không được khỏe và bị giam hãm trên giường. Tôi được yêu cầu đi vào đó; ban đầu tôi ngập ngừng nhưng sau đó tình thế xoay chuyển khiến tôi khao khát muốn kết thúc chuyến viếng thăm không mời này càng nhanh càng tốt và tôi cho phép bản thân hành xử theo cách tôi muốn, trong chiếc áo măng tô và mũ cùng với chiếc cặp xách hàng mẫu, băng qua một căn phòng tối để vào một căn phòng được thắp sáng le lói, nơi một công ty được quần tụ.
Có lẽ do bản năng, ánh nhìn đầu tiên rơi vào một tên viên chức quá đỗi nổi danh đối với tôi, một đối thủ thương trường của tôi trên một số phương diện. Nên có vẻ như hắn ta đã nẫng tay trên tôi. Hắn ta đang ngồi thoải mái bên cạnh chiếc giường của người bệnh, cứ như thể hắn ta là y sĩ; hắn ngồi trâng tráo ở đó trong chiếc áo măng tô lụng thụng đẹp đẽ mà không cài khuy; người bệnh cũng rất có thể có những suy tư riêng khi anh chàng nằm đó với đôi má đỏ ửng yếu ớt bởi cơn sốt, thỉnh thoảng ngước nhìn vị quan khách. Anh chàng cũng chẳng còn trẻ trung, con trai của ông N, một chàng trai tầm độ tuổi tôi với chòm râu ngắn, phần nào bù xù do căn bệnh. Ông K., một người đàn ông thân dài vai rộng nhưng tôi không khỏi sửng sốt khi thấy dáng vẻ gầy nhom của ông do căn bệnh quái ác. Ông với dáng vẻ èo uột và ốm yếu vẫn đang khoác chiếc áo lông mà ông ta mặc lúc bước vào, và lẩm bẩm điều gì đó với cậu con trai. Bà vợ mỏng manh và nhỏ thó nhưng hết sức hoạt bát chỉ có điều khi bà ta cất tiếng nói với ông chồng - chúng tôi với tư cách những người ngoài cuộc bà ta chẳng hề đoái hoài - bà ta bận rộn giúp đỡ người chồng cởi chiếc áo măng tô, nếu xét đến sự khác biệt đáng kể trong chiều cao thì công việc này thật quá sức với bà nhưng cuối cùng bà cũng xong việc. Dường như quả thực, sự thiếu kiên nhẫn của N. là căn nguyên của những khó khăn thực tế, bởi với đôi bàn tay bồn chồn, ông ta liên tục mò mẫm chiếc ghế êm ái mà bà vợ sau khi cởi chiếc áo măng tô, nhanh chóng đẩy chiếc ghế cho người chồng. Bản thân bà ta sau đó vớ lấy chiếc áo lông, mà bên dưới lớp áo ấy bà ta dường như biến mất và đem theo nó ra bên ngoài.
Bây giờ cuối cùng, có vẻ thời khắc của tôi đã đến hay đúng hơn thời khắc ấy sẽ chẳng đến hoặc có lẽ sẽ không bao giờ đến; dẫu vậy tôi cố thử mọi phương kế để xong việc ngay lập tức bởi tôi cảm nhận rằng những điều kiện ở đây cho một buổi trò chuyện công vụ có thể sẽ ngày càng trở nên bất lợi; và việc ngồi như trời trồng ở đây giống như tên viên chức kia hẳn nhiên đã dự tính không phải là cung cách của tôi, vả lại, tôi chẳng hề muốn để mắt đến hắn ta. Nên tôi bắt đầu mà chẳng hề lễ nghi rườm rà mà trình bày ngay sự vụ của tôi, mặc dù tôi nhận thấy N. sẽ muốn thời điểm đó để trò chuyện với ông con trai. Xui rủi thay tôi có thói quen khi bồn chồn tôi hay đứng lên và đi đi lại lại trong lúc nói và điều này thường diễn tiến trong khoảng thời gian ngắn, đối với những dịp như này thường diễn ra ngắn hơn thường lệ. Dẫu vậy một cuộc hẹn trong văn phòng của một ai đó sẽ rất tuyệt vời, nhưng trong một căn nhà lạ lẫm một cuộc hẹn có lẽ đôi phần nặng nề. Nhưng tôi chẳng thể kiềm chế bản thân, đặc biệt khi tôi cảm thấy thiếu vắng điếu thuốc lá như thông lệ. Quả thực, mỗi người đều có những thói quen xấu, nhưng tôi lấy làm mừng cho bản thân khi tôi nghĩ tới tên viên chức kia. Vì nếu nói đến hành vi của hắn ta, thực tế chẳng hạn mỗi khi có cơ hội hắn ta sẽ vỗ mũ lên đầu một cách đột ngột và bất chợt; còn trước đó hắn ta để chiếc mũ lên trên đầu gối, chậm rãi đưa lên đẩy xuống ở đó. Đúng, hắn ta cởi mũ xuống tức thì, cứ như thể hắn ta phạm phải một lầm lỗi nhưng dù thế nào đi chăng nữa hắn ta chỉ để chiếc mũ trên đầu vài giây ngắn ngủi và thêm vào đó y lặp lại ngón trò này quanh đi quẩn lại cứ sau vài phút. Cố nhiên những hành vi như vậy phải được gọi là bất dung. Tuy nhiên, điều đó chẳng hề quấy phiền tôi. Tôi đi lên đi xuống, tuyệt nhiên cuốn vào những bản đề án và phớt lờ hắn ta nhưng đối với người khác thì thủ thuật đó với chiếc mũ có thể phải dừng ngay lập tức. Tuy nhiên, khi bồn chồn tôi gạt bỏ không chỉ những nỗi phiền hà kiểu vậy mà hầu như tất cả mọi thứ. Tôi thấy sự đúng đắn với tất cả mọi điều đang diễn ra nhưng không thừa nhận nó trong ý thức của mình mà chỉ sau khi tôi nói xong hay có lời phản đối nào xen ngang. Do vậy tôi để ý khá rõ, chẳng hạn, rằng ông N. chẳng hề trong trạng thái tiếp thu; tay vịn vào ghế, ông ta vặn người một cách khó chịu thậm chí chẳng hề ngước lên nhìn tôi mà nhìn thẫn thờ vào vô định trông cứ như thể đang kiếm tìm điều gì đó, và khuôn mặt của ông ta trông bất động mà một người có thể suy ngẫm rằng không có thanh âm nào được tôi phát ra, quả thực sự hiện hiện của tôi chẳng hề thâm nhập vào được ông ta. Vâng bộ dạng của ông ta, bộ dạng của một người đàn ông tàn tạ, trong tự thân nó mang điềm gở đối với tôi, tôi nhận thức khá rõ điều này; dẫu vậy tôi tiếp tục kể lể như thể tôi có chút triển vọng đưa mọi thứ ổn thỏa trở lại bởi lời nói của mình, bởi những lời đề nghị thuận lợi tôi đưa ra - bản thân tôi lo lắng với những sự nhân nhượng mà tôi đưa ra, những sự nhân nhượng mà tôi chẳng bao giờ chủ đích. Điều đó cho tôi một sự thỏa mãn nhất định khi tôi kiểm chứng bằng ánh nhìn thoáng qua để nhận thấy rằng tên viên chức cuối cùng đã để cho chiếc mũ được yên ổn và khoanh tay trước ngực; tôi phải thú nhận màn trình bày của tôi một phần tôi dành cho hắn ta, điều này dường như đã giáng một đòn nặng nề lên sự dự tính của hắn. Và trong niềm hân hoan phát xuất từ kết quả trên, tôi dường như có lẽ đã có thể luyên thuyên tiếp một khoảng thời gian dài, nếu như cậu con trai, người đến giờ này tôi đã cất nhắc như nhân tố thứ yếu trong kế hoạch của tôi, đã không đột ngột ngồi dậy trên giường và lôi kéo tôi qua cái bắt tay. Hiển nhiên anh ta muốn nói điều gì đó, để chỉ ra điều gì đấy nhưng anh ta không còn đủ sức. Lúc đầu tôi nghĩ rằng đầu óc anh ta đang đi lang thang nhưng khi tôi vô tình nhìn ông N. tôi đã hiểu hơn.
Ông N. ngồi với đôi mắt mở rộng lồi lên lấp lánh trông như sắp sửa sụp xuống; ông ta đang run rẩy và toàn thân đổ về phía trước như thể ai đó đang ghì ông ta xuống hay đập mạnh vào vai ông ta; môi dưới của ông ta, đúng hơn hàm dưới với nướu răng lồ lộ cụp xuống một cách bất lực; toàn bộ khuôn mặt ông ta như thể những nét vẽ lệch lạc; ông ta vẫn thở với sự khó nhọc; nhưng sau đấy, tựa như được giải phóng, ông ta ngã ngửa ra chiếc ghế, nhắm đôi mắt, dấu vết của sự căng thẳng tột độ thoáng qua khuôn mặt và tan biến, rồi vạn sự đã chấm dứt. Tôi nhảy đến chỗ ông ta và nắm chặt đôi bàn tay trống vắng sự sống, nó lạnh đến độ nó khiến tôi rùng mình; chẳng còn nhịp đập nào ở đó. Vậy là mọi thứ đã hết. Song lẽ, ông ta là một người đàn ông già nua. Chúng ta sẽ cảm thấy may mắn biết dường nào nếu như tất cả chúng ta đều có cái chết thanh thản như vậy. Thế nhưng còn có biết bao điều còn cần thực hiện! Và một người nên thực hiện điều gì trước? Tôi đi vòng quanh để viện cầu sự cứu rỗi; nhưng người con trai đã kéo tấm chăn giường qua đầu cha và tôi có thể nghe được tiếng khóc man dại của anh ta; tên viên chức, lạnh như tờ, ngồi chẳng hề suy suyển trên chiếc ghế của mình mà chỉ cách ông N. hai bước chân, và hiển nhiên kiên quyết không làm gì, trông chờ thời điểm tới; nên tôi, chỉ còn sót lại tôi phải làm điều gì đó, và điều khó nhọc nhất mà bất kể ai có thể được yêu cầu, đó là thông báo tin tức cho bà vợ của anh ta theo một dạng thức dễ chịu, hay nói cách khác một dạng thức như vậy chẳng hề tồn tại.
Vẫn đang mặc quần áo ngoài trời - bà chưa có thời giờ để thay đồ - bà ta chán chường trong chiếc áo ngủ mà bà đã sưởi ấm trước đám lửa để cho người chồng mặc lên. “Ông nhà đã chìm vào giấc ngủ”, bà nói, mỉm cười và lắc đầu, khi bà nhận thấy chúng tôi ngồi lặng tờ. Và với lòng tin tưởng trong sáng vô biên bà ấy nắm bàn tay mà tôi đã nắm trước đó với nỗi kinh sợ và ác cảm, hôn bàn tay một cách tinh nghịch - và làm thế nào mà ba người còn lại chúng tôi có thể chịu đựng được cảnh tượng đó? Ông N. động đậy, ngáp dài, khoác lên mình chiếc áo ngủ, vừa khó chịu vừa mỉa mai trước những lời trách móc dịu dàng của vợ vì ông đã vắt kiệt bản thân khi phải đi bộ một quãng đường dài như vậy, và lạ kì thay trong lời đáp không hề đem đến bất kì sự ngờ vực nào về cách giải thích khác cho việc ông ta chìm vào giấc ngủ, một cảm giác gần với sự chán chường. Sau đó, để tránh bị cảm lạnh khi đi qua hành lang có gió lùa khi sang phòng khác, ông ta nằm xuống vào lúc này trên chiếc giường của cậu con trai; một chiếc gối được đặt bên cạnh bàn chân của anh chàng cùng với hai chiếc đệm gối đem tới bởi người vợ. Sau tất cả những điều đã diễn ra trước mắt tôi chẳng hề nhận thấy bất kì điều gì kì quặc trong đó. Kế đó ông ta hỏi xin tờ báo chiều, mở ra mà chẳng đoái hoài tới những vị khách nhưng chẳng hề đọc nội dung mà chỉ nhìn lướt qua đây đó, và đưa ra những đánh giá khó chịu về những lời đề nghị của chúng tôi, những đánh giá thể hiện sự khôn ngoan đến đáng ngạc nhiên; trong khi ông ta vẫy bàn tay rảnh rỗi một cách khinh thị, và tiếng tặc lưỡi cho thấy phương cách kinh doanh của chúng tôi đã để lại mùi vị dở tệ trong miệng ông ta. Tên viên chức không thể cầm lòng mà đưa ra một hai lời nhận xét chẳng đúng lúc, chẳng còn nghi ngờ gì hắn ta cảm thấy trong sự vô cảm của mình rằng hắn cần được đền bồi cho những điều đã xảy ra nhưng cách hắn ta chắc chắn về điều này là điều tệ hại nhất mà hắn ta chuốc lấy. Tôi gửi lời chào tạm biệt ngay khi tôi có thể, tôi cảm thấy gần như mang hàm ơn với tên viên chức kia; nếu hắn ta không ở đó tôi sẽ không thể có phương cách để rời đi quá sớm.
Trong hành lang tôi đã gặp lại Frau N. Khi nhìn thấy bóng dáng thảm thương ấy, tôi vội vàng nói rằng bà nhắc nhớ tôi đôi điều về người mẹ của mình. Và bởi bà ấy vẫn giữ nguyên vẻ im lặng tôi thêm vào: “Bất kể ai nói gì, bà ấy đã có thể làm nên những kỳ tích. Những thứ mà chúng ta phá hủy bà ấy có thể làm cho vẹn nguyên trở lại. Tôi mất bà ấy khi tôi còn là một đứa trẻ.’’ Tôi đã nói với sự chậm rãi và rành rọt có chủ đích, bởi tôi cho rằng người phụ nữ già nua bị lãng tai. Nhưng có vẻ như đúng hơn là bà ta hơi điếc, bởi bà ta chẳng hề ngập ngừng mà hỏi: “Và chồng tôi đã dự tính điều gì về lời đề nghị của anh?” Hơn thế, từ một vài chữ tách rời mà tôi nhận thấy rằng bà ấy đã nhầm lẫn tôi với tên viên chức kia; tôi thích nghĩ rằng nếu chẳng phải nhầm lẫn bà ta đã có thể cởi mở hơn với tôi.
Sau đó tôi đi xuống cầu thang. Lúc đi xuống khó nhọc hơn lúc đi lên, và thậm chí lúc đó cũng chẳng hề dễ dàng. Ôi, chẳng thể đếm xuể bao nhiêu chuyến viếng thăm công vụ biến thành hư không, nhưng người ta vẫn cứ phải tiếp tục.
Truyện ngắn của Franz Kafka
Lê Duy dịch
Nguồn Văn nghệ số 15/2024