Sáng tác

Đơn giản như nước. Truyện ngắn của Viên Lan Anh

Viên Lan Anh
Truyện
19:00 | 03/11/2024
Baovannghe.vn - Điện cho tôi, anh bảo "Chờ mãi mới tập kết được hàng. Biết em mong anh lắm, nhưng kết hợp hai việc là tốt nhất. Chờ mãi hy vọng được gặp em nhưng vì công việc.
aa
Đơn giản như nước. Truyện ngắn của Viên Lan Anh
Đơn giản như nước - truyện ngắn của Viên Lan Anh

Trước ngày gặp anh tôi cho Thành rớt! Thành là con một giám đốc có máu mặt ở tỉnh. Từng là sinh viên một trường đại học trượt vượt rào về nhận cuộc chuyển giao thế hệ giữa ông bố sắp về hưu và con trai trưởng. Thành khác với tôi về dự định. Tương lai sẽ làm ông bầu bóng đá. Bao thầu một sân giá trị vài chục tỉ đồng. Tuần đầu Thành đến nhà tôi chơi, tuần tiếp theo mua tặng tôi những cẩm nang 1000 cách làm giàu. "Liên ạ, người kinh doanh thời nay không có thời gian để tán tỉnh hoa hoè, hoa sói đâu. Anh yêu em là để cưới chứ không đùa. Những cẩm nang này em đọc kĩ đi để làm quen với tiền bạc. Tuyệt đối khi làm vợ anh em không phải làm gì ngoài cầm chìa khóa két và đẻ con.” Tưởng anh ta nói đùa thế mà thật. Ngay ngày hôm sau cho người nhà đến để dạm ngõ. Khi cơi trầu sau cùng mẹ tôi ra tiễn khách là lúc Thành đến bên tôi nói trong hơi men. "Em đi với anh đến nhà mấy đứa bạn thông báo ngày cưới để chúng giúp anh." Đi mãi cứ thấy ngõ tối sâu hun hút, thì ra là quán cà phê mờ "Giải lao tí đã em. Em vất vả quá, uống nước cam nhé!" Buông tấm rèm nhựa, Thành ôm chầm lấy tôi, cố vật ngửa tôi ra tấm ghế đã làm cái ngăn bằng phên rung lên bần bật. Phía trước là cái ao rộng ở giữa trồng cây si to, điện giăng nhấp nháy. Một phút quyết định lập thế chống trả tôi du Thành lăn ùm xuống ao rồi bỏ chạy ra đường gọi vội một xích lô máy về nhà. Thấy tôi ngất ngưởng bước vào mẹ lên tiếng "Mày làm sao thế? Cãi nhau với nó á? Con gái phải dịu dàng. Cỗ bầy mâm rồi đừng để người khác xơi. Chuột sa chĩnh gạo cố mà biết thân con ạ." Mẹ chưa nói dứt lời có tiếng xe máy xịch trước cửa. Thành đứng chống nạnh nhìn tôi mắt long lên: "Con Liên đâu? Hôm nay tao cho mày biết thế nào là lễ độ. Đồ đĩ, mày ra đây, mày xô bố mày ngã xuống ao rồi mày bỏ chạy à? Mày tưởng mày cao giá lắm à." Thấy tình hình căng thẳng, bố tôi điện thoại cho công an khu vực. Thành yếu thế hầm hầm ra về. Chưa hết, hàng tuần sau nhà tôi liên tục bị bọn trẻ con ném đá vào nhà. Lễ giả trầu bố tôi phải muối mặt rình lúc Thành không có nhà đến nói chuyện với bố mẹ Thành. Chuyện của tôi và Thành chỉ làm tôi váng vất vài hôm vậy thôi, chỉ chông chênh chứ không đau xót gì, nhưng dù sao cũng làm lòng tôi sóng dềnh lên trong cõi vốn ưa bình ổn. Một nhà văn nào đã nói "Những cánh buồm lao đi trong bão" hình ảnh thật đẹp. Để củng cố cho sức mạnh bên trong và tỏ ra bất cần trước những lời xì xào bàn tán về chuyện lỡ dở tình duyên giữa tôi và tay Thành đê tiện đó, tôi mua một cái áo có hình cánh buồm tung khơi hớn hở mặc về. Mẹ lườm "Đen như quạ, trót mang tiếng cau một lần, rồi ra lấy được chồng cũng khó. Cố mà tu nhân tích đức con ạ." Mẹ nói gì cũng quy đạo Phật. Chắc nhận lời lấy Thành tôi sẽ tích được nhiều đức hơn chăng.

Bố cả ngày ngồi ôm gối rít thuốc lào nhìn ra ngoài. Bố về hưu rồi. Chỉ mong tôi có cháu để bế bồng. Tài sản của bố mẹ không có gì ngoài ba gian nhà ngói, mảnh vườn con con, đàn gà và tôi.

Tôi giong cánh buồm ra khỏi nhà khao khát tìm một nơi chỉ có riêng mình. Nửa gian ngăn phên cơ quan dành cho tôi vừa làm việc vừa nghỉ trưa là nơi tôi có thể được sống với chính mình. Nhắn với bố mẹ ở lại họp chi đoàn khuya không về nhà. Cứ ngủ đêm lại đây sợ gì. Người ta bảo đốt bồ kết cũng xua được ám khí. Mười một giờ đêm có tiếng vợ chồng gã bảo vệ bên kia phên. Tiếng gã. "Xuống bếp rút phích ra không khê cám, lợn chê." Chị vợ đáp lại: "Khê làm sao được. Toàn thịt gà, thịt lợn, miến măng em lấy ở đám cưới nhà sếp cho vào đầy nồi lúc chiều. Còn hai thùng lợn ăn hàng tuần sau mới hết. Em bảo anh bỏ phong bì 50 ngàn anh cứ bỏ 100 mất mẹ nửa tháng lương của em." "Anh chỉ ước phòng mình ở chỉ bằng cái bếp lát gạch men nhà lão." "Đến bao giờ nhà mình mới có vòi tắm nóng lạnh nhỉ, em xách nước nhé? Anh tắm chưa?" "Rồi!" Một chốc có tiếng cọt kẹt của vạt giường. Một chốc có tiếng nước xối ràn rạt xuống chậu tôn rồi lặng bặt. Tiếng chó sủa xa lắm. Tiếng con thạch sùng chậc chậc trên tường. Đàn chuột tập kích trên trần chạy rầm rầm làm từng mảnh cót bám mạng nhện rơi lả tả xuống nơi tôi nằm. Tôi phải cố ngủ để mai còn dậy sớm đi làm. Nghe cơ quan kháo nhau mình cứ dặt dẹo thế này họ sẽ tống cổ về.

Vừa chợp mắt thấy chuông đồng hồ báo thức. Đẩy cửa ra thấy sân cơ quan chất cơ man nào là máy tuốt lúa. Anh mặc áo bay màu mạ, quần thun ống loe của thập niên 75 đang hô hoán anh em công nhân khuân máy xuống sân. Anh có dáng dấp của Từ Hải. Bỗng dưng trong ngàn người qua lại cơ quan tôi lại chú ý đến anh. Lại gần tôi anh hỏi: "Trực kho có phải là em, cho anh nhập hàng." "Mời anh vào trong này viết phiếu." Lạ thật sao mình run thế này, chắc đêm qua thức khuya! Anh khoảng 39. Một vợ hai con là đương nhiên. Thời buổi này ai cho đẻ nhiều. "Anh cho công nhân khuân máy vào kho số 1." Một người đàn bà trạc 38, 39 lướt quẹt đôi bốt Lào đứng gọi ầm ĩ giữa sân: "Anh Đạt ơi anh Đạt. Về sớm đón con nhé tôi đi bệnh viện phụ sản về muộn. Cơm tôi để trong chạn í." Lúc giải lao vào phòng, tôi cộng sổ. Cầm chén nước nhỏ con trong bàn tay hộ pháp anh giục tôi hối hả "Em cộng nhanh cho anh về đón cháu." "Cháu thứ hai anh mấy tuổi?" "Cháu thứ 4 em ạ. Mới 2 tuổi." Thấy tôi tròn mắt anh giải thích: "Việc nhiều con hay ít là do vợ. Tôi bảo kế hoạch, nhà tôi cứ ham nhiều con vì nhà cô ấy neo người. Vài tuần nay cứ la đau bụng liên tục tôi giục mãi hôm nay mới chịu đi viện khám bệnh. Tôi phải kiểm điểm mấy lần lên bờ xuống ruộng đấy, thật là khổ."

Chỉ sau một tuần vợ anh đi viện về, anh được biết một tin sét đánh: chị bị ung thư tử cung ở giai đoạn di căn. Anh nuôi vợ ở bệnh viên K một năm rồi chị vĩnh biệt anh.

Thời gian sau ba năm anh chính thức nói lời cầu hôn tôi. Tôi không trả lời ngay mà chạy vụt về nhà rồi xin cơ quan nghỉ phép. Tôi về quê nội, nơi ấy còn lại ba gian nhà lá bạc phếch bên mép sóng và còm cõi một bóng bà nội không chịu ở với ai chỉ vì mộ ông sẽ thiếu người chăm sóc. Biết chuyện tôi, nội tôi vừa têm trầu vừa rủ rỉ: "Sống ở đời cốt có tình thương con ạ. Dù sao con cũng mang tiếng một lần trầu cau với nhà thằng Thành, bây giờ con có xây dựng với thằng Đạt nội cũng vui lòng. Nhưng con phải yêu nó, thương nó bằng năm tình yêu mới xuôi chèo mát mái được."

Anh tìm về quê tôi lúc bà đã ngủ. Tắt xe máy từ xa, anh khẽ chạm vào tay bà: "Cháu chào bà. "Bà nói trong mơ. "Tôi vừa mua cho ông một con ngựa hồng và đôi hài nhung đỏ. Ông hãy chờ tôi, ta đi chợ Chiềng Vang."

Chúng tôi sóng bước bên nhau trên con đường cát trắng ngập chân. Trăng non ló từ mặt sóng quấn mình trong một đám mây. Anh đi sát gần kề bên tôi với những cái chạm vai bỏng rát. Bất chợt tôi ngước nhìn anh, anh bỗng rùng mình rồi bất thần quay lại: "Hãy tin anh. Anh yêu em như chưa bao giờ được yêu!" "Anh?" "Phải từ cái nhìn đầu tiên." Hai hàm răng tôi cứng lại. Từng đợt sóng xô vào bờ dào dạt. Tôi khao khát nương tựa và khẽ ào vào anh. Anh ôm ghì tôi run lẩy bẩy đến độ khuôn mặt dường như méo mó vì hạnh phúc và một nỗi buồn chạy vụt qua tạo thành bức tranh tương phản giữa nền trăng óng ả. Anh dìu tôi đi dọc bờ cát. Đêm huyền hoặc im phắc. Những con thuyền nằm ngủ mê mệt bên bờ sóng sau một ngày dong buồm ra khơi. Chỉ còn sóng ào ạt từng đợt và gió. "Em lạnh." Anh ôm chặt tôi với một nụ hôn ngọt ngào gắn chặt trên môi. Anh khẽ thì thầm: "Cứ thế này mà hoá đá cũng được."

Trở lại ngày thường, anh lại là khách hàng, tôi vẫn là thủ kho chỉ có điều khác, quần áo anh may thêm vài bộ, là lê đàng hoàng, giầy đánh xi bóng loáng, bước đi lộp cộp. Mỗi khi anh ngồi gần tôi, tim anh đổ hồi như trống trận.

Một tối dưới hàng dừa tôi giận dỗi: "Ba năm yêu anh em đã 27 tuổi rồi, đến bao giờ thì anh mới định cưới đây?" “Em cho anh một cơ hội về thời gian, các cháu chưa có đứa nào gạn vợ gả chồng." Tôi vì yêu lại cho anh một thời gian nữa, chỉ yêu cầu anh một điều là công khai yêu nhau. Anh rít một hơi thuốc: "Anh rất yêu em, nhưng khi nào cưới thì công khai một thể. Anh sợ sắp tới lão giám đốc về hưu anh lên thay, người ta lại dị nghị bốn con rồi mà còn tấp tẩng..." Tôi không biết phải cười hay khóc nữa. Những lần gặp sau khi anh đã là giám đốc một cơ sở sản xuất máy phục vụ nông nghiệp. Anh mệt mỏi giữa các cuộc họp, liên hoan, mời mọc lu bù. Đã dành ra hai tiếng mỗi ngày đánh cầu lông mà mỡ vẫn tích lại, làm cho anh vừa no đủ, vừa khề khà.

Cánh diều nào cất mình bay lên lượn mãi trên bầu trời rồi cũng cần hạ cánh. Tôi cất giọng lạnh lùng. Khi ngồi bên tôi mắt anh lim dim như buồn ngủ. "Lại hai năm nữa trôi qua. Mọi lời hứa của anh chưa hề thực hiện được. Liệu em có đủ sức chờ anh chờ những chuyến đò đưa các con anh qua sông được nữa không?" "Anh đang dồn tiền mua cho anh và em một căn nhà ở riêng. Toàn bộ cơ ngơi đó anh để tự thằng cả cai quản. Gái có công thì chồng không phụ." "Xin anh! Em mệt mỏi lắm rồi. Những đêm giao thừa thiên hạ đèo nhau đi chúc Tết, em lịm ngủ cho hết đêm. Còn anh! Anh hớn hở đem quà cho cấp trên, tiền tết cho cấp dưới, thăm hỏi bà con nội ngoại. Lúc bấy giờ, mọi lời anh nói đều trở nên giả dối đối với em. Khi những cơn đau làm người ta kiệt sức, khi sự chờ đợi đến mỏi mòn thì tự mọi giá trị đều lùi về số không của sự lãnh đạm anh ạ. Thôi! anh đừng chở hàng tập kết làm gì nữa. Tại sao anh không dốc cạn lòng mình dù chỉ một lần để yêu em chứ? Anh không muốn mất gì mà chỉ muốn được!" Trăng đêm nay mờ lắm. Nói với anh lời này nó cũng đang từ từ chìm hẳn vào mây. Còn đâu ánh sáng đổ tràn lên thế gian của ngày ta yêu ? Giờ nó nheo nheo nhìn em qua quầng sáng nhờ nhờ sau một ngày lăn đi mỏi mệt, như gã cận thị lâu ngày nhìn bồ câu hoá cáo. Bây giờ đã tắt ngấm giữa vòm trời bao la. Bà nội bảo: "Mỗi ngôi sao trên trời chiếu mệnh một đời người." Bà không kịp chờ ngày tôi cưới đã đi theo ông từ nửa năm nay. Tôi nhìn lên vòm trời có muôn vàn vì sao lấp lánh. Đâu là ngôi sao của bà? Đâu là ngôi sao của anh và của tôi?

Ngày mai trời lại sáng. Vốn là kẻ luôn khao khát, vươn lên những nỗi đau. Rồi tôi sẽ lao vào dòng đời tìm đến mấy chữ "hạnh phúc, thành đạt" để ngày gặp lại có cớ mà vênh vang với anh chứ? Nhưng chắc rằng cánh buồm xưa, vầng trăng non ngày ấy chẳng thể nào tái hiện trong tôi, hẳn rồi! Còn anh? Mỡ và những nếp nhăn đã kéo ghì anh xuống để anh đi trong mệt mỏi đời thường. Giờ đây một lời yêu, anh cũng quên nhắc trong những lần gặp gỡ.

Đêm đêm độc thoại với mình thấy thiếu anh bốn bề rách toác. Anh cứ làm vừa lòng nhiều người trừ em. Thế mới phải là người đúng mục đáng được bạn bè ngưỡng vọng, đồng nghiệp nể vì.

Cuộc sống thiếu tình yêu vẫn tồn tại được nhờ những điều khác dung dị hơn, cụ thể hơn. Không trừu tượng như tình yêu. Nó đơn giản như nước trong đời sống hàng ngày tuy không màu, không mùi, không vị. Ở quê em người ta quen gọi thế là nước lã anh ạ.

27.10.1997

Đơn giản như nước - truyện ngắn của Viên Lan Anh
Tranh "Mặt trời và con tàu". Nguồn internet
Văn nghệ Trẻ, số 02/1998
Tuần lễ Âm nhạc Việt Nam - Vietnam Music Week 2024 tại TP.HCM

Tuần lễ Âm nhạc Việt Nam - Vietnam Music Week 2024 tại TP.HCM

Baovannghe.vn - Từ ngày 13-15.12, tại TP.HCM sẽ diễn ra Tọa đàm ngành kinh doanh âm nhạc - Tuần lễ Âm nhạc Việt Nam 2024 - Vietnam Music Week 2024 (VMW 2024)
Công chiếu 3 bộ phim đặc sắc của điện ảnh Việt Nam

Công chiếu 3 bộ phim đặc sắc của điện ảnh Việt Nam

Baovannghe.vn - Ba bộ phim đặc sắc được công chiếu "Dòng sông hoa trắng" ngày 11/12; "Cây bạch đàn vô danh" ngày 12/12 và "Người đàn bà mộng du" ngày 13/12
“Bài văn về trứng vịt lộn” đoạt giải Nhất Cuộc thi sáng tác truyện tranh

“Bài văn về trứng vịt lộn” đoạt giải Nhất Cuộc thi sáng tác truyện tranh

Baovannghe.vn - Vượt qua hai vòng chấm Sơ khảo và Chung khảo “Bài văn về trứng vịt lộn” đoạt giải Nhất Cuộc thi sáng tác truyện tranh do Nxb Kim Đồng tổ chức
Gió phương xa. Truyện ngắn dự thi của Trần Thủy

Gió phương xa. Truyện ngắn dự thi của Trần Thủy

Baovannghe.vn- Ngơ ngác, bấn loạn, tôi loanh quanh ở nhà chờ, nơi nhận hành lí để thoát ra ngoài. Cả ba tiếng đồng hồ trôi qua tôi chưa thấy gã. Gã lặn mất tăm với chiếc vali
Han Kang: “Tôi vô cùng sốc khi thiết quân luật một lần nữa lặp lại”

Han Kang: “Tôi vô cùng sốc khi thiết quân luật một lần nữa lặp lại”

Baovannghe.vn - Nhà văn Han Kang vừa có buổi gặp gỡ với báo chí tại Viện Hàn Lâm Thụy Điển trong thời gian chuẩn bị cho buổi nhận giải Nobel Văn chương.