Mầm sống - truyện ngắn của Viên Lan Anh |
Học đến lớp sáu thì mẹ cho tôi cái cặp sách bằng da mẹ được tặng ở hội nghị. So với bọn bạn ở làng thế là nhất xóm rồi. Ở lớp tôi thuộc diện nhỏ con nếu không muốn nói là còi. Bà thở dài: "Năm sáu tám hầm sập, moi mãi mới kéo được nó lên nên bây giờ mới còi cọc thế. Con gái người ta mười bốn, mười lăm đã dáng nét rồi, cháu mình cứ lép kẹp như thằng con trai." Lũ con gái trong làng né tránh tôi vì chơi mà đụng đến tôi là cả nhà ùa ra xỉa xói nên chúng bảo nhau "Đừng đụng vào chĩnh mắm thối." Bà thì lu loa "Cháu vàng cháu ngọc nhà tao đấy, nó mồ côi từ lúc chín tháng, bố nó bỏ mình ở chiến trường, chúng mày cứ đụng vào thì nát xác với bà."
Mẹ công tác xa nhà, ông bà đi làm đồng, cả ngày tôi sống cô độc đi lại trong bốn gian nhà ngói. Ông cấm tôi chơi với trẻ con quanh xóm "Toàn con nhà mất dạy chuyên ăn trộm vặt." Trưa hè, cái đồng hồ tích tắc trên tường nhỏ từng giọt thời gian cô độc gõ vào tim tôi. Tôi đọc thư mẹ "Con gái yêu quý, vì nhiệm vụ tổ chức giao phó mẹ phải học thêm một lớp huấn luyện nữa trước khi về xung vào đội ngũ lãnh đạo của xã. Lúc này chỉ có công việc và con là niềm vui duy nhất của mẹ..." Úp lá thư trên mặt tôi tìm hương vị da thịt mẹ. Bố tôi từ bàn thờ trông xuống. Đôi mắt buồn. Vòm ngực nở nang dưới đôi vai như gánh được mọi sức mạnh trên đời. Nhưng mà sao tôi cô đơn. Sao tôi không thể chạm được vào khuôn mặt mà tôi rất yêu quý nhường kia. Nước mắt tuôn lã chã tôi gào lên trong câm lặng. Bố! Con yêu bố! Con yêu bố! Bố ơi?
Tôi chạy ra cánh đồng mùa rạ mới thơm ngào ngạt vàng rộm. Tôi muốn chạy ngược chiều gió để thân xác tôi rách thành trăm mảnh. Một đàn trâu thả rông đang ào ào qua sông. Tôi nhảy lên lưng một con trâu to nhất vươn tay tháo đoạn thừng cài nơi sừng của nó ra rồi quất túi bụi, con trâu lồng lên chạy hùng hục trên đường đê. Những cánh đồng lùi về phía sau. Những bức bối trong lòng tôi nhẹ đi đôi chút. Con trâu phi lên đường quốc lộ thấy ôtô chạy qua nó dừng lại rồi phi tiếp vào làng. Tiếng hò reo ầm ĩ. Ông đội trưởng cầm đòn gánh chạy trước, ông tôi cầm thừng chạy sau "Bắt lấy nó, họ, trâu, họ." Nghe tiếng người hét, con trâu chừng đã mệt đứng xoãi bốn chân giữa đường thở phì phò. Tôi nhảy xuống không nhìn ông nội. Chạy về nhà thấy bà đứng trước hương án khói hương nghi ngút lầm rầm khấn vái. Thấy tôi rúc vào xó buồng nằm im, cả nhà qua lại lặng lẽ.
Mùa hè lê thê sắp trôi qua, thấy tôi rầu rĩ bất thường, anh Cát con bà dì bảo sẽ cho tôi xem một điều bí mật. Anh dẫn tôi ra bờ sông rồi cầm một cái kim khâu nói rất trịnh trọng: "Nếu em không sợ để anh đâm chiếc kim này vào đầu ngón tay thì anh sẽ cho em biết một điều bí mật, ngược lại anh sẽ không cho em biết vì sau này em sẽ dễ dàng quên lời hứa rồi sẽ phản bội anh." "Em xin thề!" Tôi giơ ngón tay trỏ đặt ngửa ra, anh run run cầm cây kim chúc xuống thấy mặt tôi lạnh tanh, anh đâm mạnh cây kim và rút ra, một giọt máu hồng trào ra theo. Anh lôi trong bụng ra quyển "Ruồi trâu" đưa cho tôi.
Tôi không cần mẹ, mẹ cứ đi mà củng cố vị thế cho mẹ và cho tương lai của tôi ngày xa, tôi đã có "Ruồi trâu" an ủi.
Nhưng rồi bà phát hiện ra quyển "Ruồi trâu" tôi giấu trong chum. Ông rút sượt cái roi vắt trên mái nhà xuống, bà chạy lại van xin "Tôi xin ông cháu nó trót dại, ông đánh vào mông chứ đánh vào đầu, nó có làm sao thì tôi cũng chết." Bà vừa lấy dầu xoa vào vết lằn lươn vừa rên rẩm: "Ông đã cấm cháu rồi, đừng đọc tiểu thuyết lãng mạn mà hư người bảo cháu không nghe. Người ta mà biết cháu đọc sách lãng mạn thể gì cũng kiểm điểm ông..." Những ngày sau đến lớp tôi nghĩ miên man. Hình ảnh “Ruồi trâu” luôn ám ảnh tôi. Những đêm trăng trong thôn rầm rĩ tiếng trẻ con đùa hí với nhau. Tôi khẽ lách cửa chui qua hàng dâm bụt vùng chạy ra ngoài. Đám con trai chơi u, đám con gái chơi nụ, nhưng mọi trò chơi đối với tôi đều nhàm chán. Tôi bước vào cửa đình làng, nơi đây những bức trạm trổ xa xưa còn in dấu thời gian, đàn dơi thấy động, đập cánh trên nóc đình gợi cho tôi nghĩ về một kí ức xa xăm. Tôi thích sờ tay vào từng phiến đá, từng con nghê nhe răng cười từ đời nọ qua đời kia không bao giờ ngậm miệng. Có tiếng cười rúc rích trong góc tối, trăng đổ tràn lên hè từng mảng nhập nhoạng, trăng soi vào trụ đá cũng nhập nhoạng. Có tiếng ai như tiếng chị Tho, cả tiếng anh Định nữa. Dưới trăng họ quặp chặt lấy nhau, đôi tay đen đúa của anh Định thọc vào ngực chị Tho, rồi anh rúc cả mặt vào đấy mà rên rỉ. Tôi hoảng sợ định la lên nhưng rồi câm bặt. Trở về nhà người hâm hấp như lên cơn sốt, trong mơ tôi thấy những đoàn người bé tí tẹo họ đi lại lầm lũi như đàn kiến, họ nhân từ và mẫn cán khênh những khúc xương to bằng ngón tay út về nhà, họ chia sẻ no nê rồi quấn lấy nhau trong hoan lạc rồi ngày mai họ lại mẫn cán tràn đi khắp mặt đất kiếm ăn. Bà đánh cảm cho tôi bằng hai quả trứng gà với cái vòng bạc. Một tuần sau lúc bà đang băm bèo tôi lại gần thì thào: "Cháu thấy rất tức ngực bà ạ." "Ốm à! Nằm nhiều đau xương. Để bà đi đến ông lang Long mua cho lá cao đau đâu dán đó." Tôi xé hai miếng cao mỗi miếng bằng ngón chân cái dán vào hai bên vú. Năm ngày sau nhọt không xẹp mà còn lum lúm như chỏm cau, bà xem rồi bảo: "Tổ cha mày, mày mọc vú chứ nhọt gì. Người ta có năm có mười mà tốt, mình có một mà ngơ ngơ, đừng đụng vào cứ tự nó khắc lớn."
Những ngày nghỉ hè tôi thích theo bà vào đồng chùa cắt cỏ, cũng là cái cớ để tôi dễ chui vào lều trông vó của chú Việt để thỏa thích ngắm nhìn những con cá mắc lưới. Chú Việt vào lính với bố tôi một ngày, không bị thương nhưng cứ trở trời lại hô khẩu hiệu. Bố mẹ chết hết, anh em lưu lạc chẳng còn ai. Bọn trẻ con trong làng bảo chú là người điên. Tiếng chú đang hò đấy, âm vang dọc triền sông ngạt ngào mùi hoa cỏ lác. "Hò ơ... Sông sâu cá lặn biệt tăm, công anh đơm đó, dầm đăng tháng ngày." Rõ là chú không điên tí nào. Dáng chú cao to, bóng đổ trùm lên bờ sông vắng vẻ. Bà bảo: "Từ ngày chú ở chiến trường về ai đi qua khúc sông này cũng không lo nước to đắm đò nữa. Chú đã cứu khối người ở khúc sông này đấy." Thi thoảng bọn thanh niên rửng mỡ trong làng, những đêm trăng sáng không còn trò gì để chơi chúng đem rượu vào gạ gẫm chú uống cho say, say phát điên. Tôi thấy thế mà lại hay, phải có một cái gì đó nó khác những nhàm chán thường ngày. Tuần trước tôi cũng hòa vào đám đông đùa cợt chú. Tôi sung sướng được hò hét thả sức. Mẹ phanh xe két trước mặt chú Việt nói như khóc: "Con Lan đâu ra đây ngay! Anh Việt hả, lại anh đầu têu đám con nít chứ gì? Anh có biết rằng tóc đã bạc rồi mà cứ dại mãi không?" Mẹ quăng xe xuống đất, gạt bọn trẻ kéo tôi ra. Chú giằng tay mẹ kẹp chặt tôi vào một bên nách đầu tôi chưa động đến hông chú, còn đầu mẹ chưa chạm đến ngực chú. Tiếng chú cất lên trầm đục: "Cô Dân, tôi biết tôi dại, tôi biết tôi điên. Nhưng cũng có nhiều khi tôi tỉnh. Bọn trẻ trong làng này là niềm vui của tôi. Tôi xin cô đừng đánh nó." Mẹ vừa mạnh mẽ là thế mà bỗng dưng mềm oặt "Xin lỗi anh, tôi không định nói thế..."
Đêm đó, bà bảo gạo đang đầy thùng nhưng mẹ vẫn xúc lúa ra xay, lúa xay xong mẹ đem vào giã, tôi nghe tiếng gà đã gáy sang canh.
Hôm sau cả nhà ngủ trưa, tôi lẻn ra bờ sông lần đến lều chú Việt. Tôi gọi "Chú Việt ơi, chú Việt." Tịnh không có tiếng trả lời. Trong nhà trống không, nồi cơm nguội dính vài ba miếng cháy, mấy con chuột đồng đang tranh nhau gặm. Linh tính báo không lành, tôi chạy ra bờ sông, chú Việt nằm còng queo trong túp lều trông vó. Tôi hốt hoảng nhìn ra xung quanh chỉ có nắng chói chang và gió Lào thổi bạc phếch những triền cỏ lác. Tôi lao vào xốc chú dậy, chân tay chú lạnh ngắt. Cuống lên, tôi xoa mạnh vào hai thái dương, vào mặt, vào hai bàn tay chú. Chừng mười phút sau chú hồi tỉnh mở mắt nhìn tôi người rung lên nhè nhẹ. Cầm cái nón rách tôi phe phẩy quạt cho chú ngủ. Ráng chiều đỏ ối như máu loang theo những đám mây về cuối chân trời, gió trở nam thổi nhè nhẹ lay lên bạt ngàn lau lác. Nhìn gương mặt đang chìm vào giấc ngủ của chú một niềm hân hoan vô thức tràn ngập trong lòng tôi. Tôi hôn lên má chú một nụ hôn, rồi hít hà mùi hương cỏ mật xen lẫn mùi bùn đất mà gió phương Nam đem đến. Tôi muốn hôn rất nhiều lần lên gương mặt người đàn ông điên đó và muốn hít hà thật nhiều hơi thở toát ra từ cơ thể vạm vỡ của chú, đó là hơi thở của đất làng chùa quê tôi đồng chua nước mặn nhưng nồng nàn tinh khiết và cần thiết cho tôi biết bao. Con sốt hâm hấp trên trán chú dần dần dịu đi. Chiều về những tà sương mỏng mảnh bảng lảng vờn quanh túp lều của chú. Nấu cho chú nồi cơm, kho xong mấy con cá đồng tôi lấy sẵn bát đũa bày ra đó rồi ra về. Một luồng sức mạnh ào vào cơ thể tôi khiến tôi chạy như bay. "Ông ơi, bà ơi" tôi gọi rầm rĩ từ ngoài ngõ rồi lao vào lòng ông khóc nức nở, khóc như chưa bao giờ được khóc. Ông ôm chặt tôi, "Ngoan nào, cháu ông làm sao thế này." "Cháu muốn ông bà cưới chú Việt cho mẹ." Ông hất tôi ra: "Cháu điên à, trời ơi nhà tôi đốn rồi, cháu ơi, thần kinh mày bị làm sao rồi? Tôi ăn hiền ở lành chứ có ác với ai bao giờ đâu." Mặt tôi lạnh tanh trước sự vật vã của ông nhưng lòng đầy giông tố. Tôi nhìn theo đôi tay run run ông đang cắm thẻ hương lên bàn thờ bố tôi. Nhìn vào ảnh bố, một nhát dao bất ngờ đâm phập vào tim tôi, vẫn nỗi đau này nhưng nó mãi không cũ, tôi từng đi lang thang trong đêm nhìn theo những bóng người, nhìn lên trời theo những áng mây biến ảo để tìm hình ảnh bố mà không thấy. Bố là kí ức, là niềm tự hào, là nỗi đau ngày đêm tôi tôn thờ. Nhưng cuộc sống của tôi vẫn là những chuỗi ngày bơ vơ, cô độc, bố đã lặng im mãi trong khung ảnh kia nhìn tôi, khung ảnh mà tôi đã hôn lên nó...
“Khổ ông rồi." Thấy tiếng bà ré lên tôi sực tỉnh. Rồi mẹ ôm tôi vào lòng khóc rấm rứt. Làng tôi nhỏ bằng bàn tay nhà ai mất một củ khoai thì cả làng cũng biết. Việc tôi đề nghị cho mẹ tôi lấy chú Việt đã loang ra. Ông mở cuộc họp phiên đầu tiên trong họ để bàn về vấn đề mới xảy ra trong gia đình. Những người trong họ đến nhà tôi dự họp mặt cúi gầm. Trong nhà đông đủ, ngoài ngõ con nít đứng hóng chuyện chật cả ngõ, tôi cảm giác tai mắt hàng xóm bủa vây quanh nhà tôi đêm nay dày đặc như lá tre. Mọi người lần lượt phát biểu ý kiến. Nội dung chủ yếu là quan tâm đến vấn đề thần kinh của tôi. Tôi ngồi không yên, đứng phắt lên đếm. Lúc đầu tôi đưa mắt đếm đôi thứ nhất là ông bà nội, ông chú bà thím, ông bác bà bác, chú cô dì dượng... "Cháu xin phát biểu ý kiến cháu đếm cho cả họ xem này." Tất thảy họ đều nhìn theo ngón tay tôi chỉ mà họ không hiểu tôi định nói gì. "Một đôi, hai đôi, ba đôi... khổ thân, mẹ cháu không có chồng." Cả nhà lặng phắc đi. Thằng Tân, con ông chú, kém tôi một tuổi giơ tay xin phát biểu. "Cháu xin có ý kiến là họ ta không nên tin vào chị Lan. Chắc là bị thần kinh. Hè trước cháu trông thấy chị ấy đứng dưới gốc mít vặn hai cái lá làm cóc xê đấy ạ.” Ông tôi mặt tím như quả bồ quân. Máu trong người tôi chạy rần rần. Tôi nhào qua mấy người lao đến tát bốp vào mặt Tân. "Mày đồ khốn kiếp, chỉ có mày mới điên thôi hiểu không.” Sự việc xảy ra bất ngờ. Tiếng bà tôi khóc lu loa. Có tiếng người nọ đổ lỗi cho người kia. Tôi quay vào nhà mắt long lên. Chỉ có chết theo bố thì tôi mới được yên. Tôi ra đường quốc lộ mặc cho họ gào thét đuổi theo, những ánh đèn pha đội ngược vào mắt tôi loang loáng, một cảm giác bất ngờ nhẹ bỗng rồi tiếng động của hai luồng ôtô chạm nhau.
...Tôi tỉnh dậy trên giường nệm trắng. Đập vào mắt tôi là bộ dây chuyền dịch lằng nhằng. Tôi nhận ra sau một màn sương mỏng là chú Việt, đúng là chú Việt rồi, bộ quần áo quân phục màu lá cây làm chú như trẻ ra mấy tuổi. Chú lại gần bên giường úp mặt vào bàn tay tôi. Những giọt nước mắt nóng ran từ từ thấm vào từng mạch máu li ti trên cánh tay tôi rồi háo hức chạy ngược lên vai, chạy tràn đi khắp cơ thể. Tôi như lớn vụt, bứt mình bay lên chín tầng mây bồng bềnh trôi vào cõi thiện bình yên và hạnh phúc.
8/1997
-----------
Bài viết cùng chuyên mục