Sự kiện & Bình luận

Đồng đội của anh tôi

Hà Nguyên Huyến
Bút ký phóng sự 14:00 | 30/04/2025
Baovannghe.vn - Năm 1975, chiến tranh kết thúc, những người bạn nhập ngũ cùng một đợt với anh tôi nhiều người đã hy sinh. Số còn lại nhiều người không trở về làng. Tùy theo điều kiện của từng người mà họ chọn vùng đất khác làm nơi sinh sống.
aa

Anh tôi ở lại Sài Gòn, điểm cuối cùng anh tôi dừng chân trong một chiến dịch lịch sử - Chiến dịch Hồ Chí Minh. Mãi sau này vừa là tình cờ, vừa là cơ may tôi đã dợm chân lên những địa điểm mà anh tôi và những người đồng đội đã đi qua. Mấy chục năm rồi, mỗi lần gặp nhau họ vẫn nhắc đến những gian khổ hiểm nguy, sự mất mát hy sinh và nghĩa tình đồng đội vẫn sống động như ngày nào họ là những chàng trai mười tám đôi mươi! Dọc miền Trung Thanh, Nghệ. Rồi Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam... đất đai và con người đã hồi sinh. Chẳng còn lại dấu vết gì của chiến tranh ngoài những đài tưởng niệm, bia lưu dấu di tích với những dòng chữ vắn tắt, khô khan không xứng tầm với những gì mà họ - Những người lính trong chiến tranh đã nếm trải! Và tôi hiểu, Con người luôn luôn và bao giờ cũng bất lực, dẫu cho sự cố gắng thể hiện bằng Văn học, Nghệ thuật, bằng nhiều hình thức khác cũng chỉ là mảy may so với thực tế khốc liệt dưới tên gọi Chiến Tranh!

Phà Long Đại, sự ác liệt có cảm tưởng như kẻ thù đã mang tất cả bom đạn mà dội xuống đây. Đêm ấy anh tôi đi qua nơi này. Một đêm không trăng sao không đèn đuốc, thậm chí không nhìn thấy người mà chỉ có những tiếng nói nhỏ với những khẩu lệnh ngắn gọn, chắc nịch cho những người lính xuống phà vượt sông. Trong sự thì thầm ấy anh tôi giật mình và cất tiếng gọi: Dừa đấy phải không? Dừa đây, ai đấy? Họ đã nhận ra nhau, họ ôm lấy nhau. Hai thanh niên làng Mông Phụ, xã Đường Lâm, Sơn Tây. Ôi cái tiếng làng tôi, cái tiếng Xứ Đoài “ăn cơm thì ít, ăn khoai thì nhiều” vang lên giữa cái nơi khủng khiếp thế này lại là một thông điệp để những người làng nhận ra nhau. Anh tôi đi vào, người lính kéo phà ở lại... Thế rồi có một ngày tôi lại đến nơi này khi Quảng Bình đón nhận “Phong Nha, Kẻ Bàng di sản thiên nhiên thế giới”. Tôi ngắm nhìn dòng nước xanh ngắt lững lờ. Những con tàu trở khách du lịch cả Tây lẫn ta trôi giữa đôi bờ xanh mướt mát. Đài tưởng niệm bến phà ác liệt ngày xưa như một cái chấm trắng lẻ loi giữa đất trời mênh mông toàn nắng. Chẳng hiểu sao hình ảnh anh Dừa, người lính kéo phà năm ấy hiển hiện lên trong tôi sống động hơn bao giờ hết. Anh Dừa với con bò cái cóc lúc nào cũng bận một con bê lũn cũn chạy theo, đi ngang qua cửa đình Mông Phụ (cũng là một di sản quốc gia). Anh Dừa ngày xưa đã trở thành ông Dừa hôm nay thuần phác như bao người đàn ông làng cổ. Thời gian đè nặng lên đôi vai gầy. Vậy mà mỗi lần tôi gợi chuyện, mắt ông lại sáng lên: Ta đã gặp anh chú trong một đêm ở bến phà Long Đại. Này, đi đâu thì đi nhưng nhớ đừng quên “tiếng làng” đấy nhé! “Chửi cha không bằng pha tiếng" chú mày nhớ chưa?

Ngã tư Hòa Cầm chẳng biết ngày 29-3-1975 (ngày giải phóng Đà Nẵng) như thế nào nhưng hôm nay thật bề thế. Cầu vượt đường bộ vọt lên cao cắt qua quốc lộ Số 1 và đường sắt Bắc – Nam. Người xe tấp nập đúng với dáng vóc của một đô thị trung Trung Bộ đang phát triển. Nép bên đường sắt là một xóm nhỏ, có một mái nhà nhỏ, nghe nói từ hồi trước năm “bảy lăm” đến giờ vẫn thế. Ngày ấy, cách đây đã 39 năm, sau khi ngụy quân bỏ Đà Nẵng, quân tướng tán loạn tháo chạy, đơn vị anh tôi dừng lại nấu cơm chiều để chuẩn bị cho những chặng đường tới. Đã nhập nhoạng nhưng hoàng hôn miền Trung còn đỏ ối phía trời tây. Một người phụ nữ cao gầy đến đơn vị hỏi thăm: Có ai là người Sơn Tây không mấy em? Có, có đấy, cậu kia kìa! Người phụ nữ tiến lại gần: Em người Sơn Tây phải không? Vâng ạ! Em ở tổng (xã) nào? Cháu ở Xã Đường Lâm. Đường Lâm có gần tổng Cam Giá không? Chính là tổng Cam Giá ngày trước đấy ạ! Em ở làng nào? Làng Mông Phụ ạ! Em con cái nhà ai? Bố cháu tên là Ngoạn, dân làng quen gọi là ông Ký Ngoạn đấy ạ! Ôi, cháu tôi. Cô đây, cô Tề đây. Con cậu Ngoạn... Chao ơi! Cô nói rồi ôm lấy anh tôi khóc nức lên.

Anh tôi nhận ra ngay cô Tề, cho đến tận bây giờ anh tôi vẫn nói là không ngờ gặp lại người cô lưu lạc mấy chục năm trời trong một hoàn cảnh như thế. Thuở thiếu thời bố tôi kể: Khoảng những năm bốn lăm, cô Tề (người chị em con cô cậu ruột với bố tôi) theo một ông chú rể là “xếp tanh” (trưởng ga tàu hỏa) vào Đà Nẵng chơi. Cô không ngờ chuyến đi ấy cô bị ông chú rể lừa vào để trông con nhỏ cho ông. Lần lữa mãi không được về quê, rồi hiệp định Giơ-ne-vơ ký kết, Nam - Bắc phân chia, cô đành lấy chồng và sinh cơ lập nghiệp ở đây. Thời gian qua đi, người đàn bà không nguôi nỗi nhớ nhà. Nỗi nhớ đằng đẵng cho đến chiều hôm ấy. Một chiều “hai chín tháng ba” ngay sau khi ngừng tiếng súng đã vội vã đi tìm người làng...

Mãi sau này mỗi lần qua Đà Nẵng, cho dù có bận tôi cũng cố ghé thăm cô dù chỉ trong chốc lát. Vẫn căn nhà gỗ nhỏ ngày xưa với một cội mai già. Chưa lần nào tôi đến được đúng mùa hoa mai nở. Song, xa Đà Năng rồi tôi vẫn tưởng tượng ra ngôi nhà cô đang sống. Mỗi mùa xuân về cội mai nở vàng cả khoảng sân rêu phong sương kính. Tôi nhìn lại ngã tư Hòa Cầm, nơi ấy có anh tôi trong đoàn quân lại chuẩn bị lên đường tiến xuống phía nam mà điểm cuối chiến dịch là thành phố sau này mang tên Bác.

Sống ở thành phố Hồ Chí Minh nhưng một phần lòng mình anh tôi vẫn trải với quê nhà nơi vùng đất đã sinh ra và nuôi mình lớn lên. Mấy chục năm trời hầu như năm nào anh tôi cũng về quê. Mỗi lần về quê là một lần tụ họp, phần đông vẫn là những người cùng nhập ngũ với anh tôi năm ấy. Một lần họ quây quần uống rượu với nem quả. Anh tôi bảo: Nem này tao mua ở Thanh Hóa, ngon nổi tiếng đấy! Anh Tiến – một thương binh xách chùm nem lên nhìn, bảo: Nhà mày có xe bò cải tiến không? Anh tôi hồn nhiên bảo: Hàng xóm có, mày làm gì để tao đi mượn. Anh Tiến bảo: Để kéo lá chuối, nem gì mà toàn lá là lá.. Tất cả những người lính cười vang nhà.

Anh Tiến ngồi trầm ngâm nhìn những quả nem rồi buột miệng nói: Mày vẫn còn nợ tao đấy Quyến ạ! Tao nợ mày cái gì? Mày nợ tao hai quả lựu đạn trong trận Phú Phong, Quảng Nam, mày không còn nhớ à.

Anh tôi kể: Đêm ấy, sau mấy ngày quần thảo, cả hai phía lực lượng đã bị tiêu hao rất nhiều. Sáng hôm ấy địch nhận được viện binh. Sau gần tiếng đồng hồ, trên thì máy bay, dưới thì pháo bắn cấp tập. Chiến trường tan hoang, địch bắt đầu phản công. Bộ đội ta đánh trả quyết liệt. Gần suốt một ngày mà chúng vẫn không chiếm lĩnh được trận địa. Cuối ngày chúng tập trung hỏa lực. Trận chiến đấu vô cũng ác liệt xảy ra. Anh tôi nhận ra anh Tiến vốn đã cao gầy, nay bò lổm ngổm như nhện trên mặt đất. Anh tôi bò lại gần, anh Tiến không nói được. Máu anh thấm đỏ sau lưng áo. Vội xé áo ra, anh Tiến bị mảnh găm vào. Mỗi lần anh thở, phổi anh phòi ra to bằng nắm tay. Băng bó cho anh Tiến xong anh tôi bảo: Mày cứ bò ra theo hướng này, ở đó có bộ đội tải thương. Trước khi anh Tiến bò đi, anh tôi bảo: Mày còn gì không. Chỉ còn mỗi hai quả lựu đạn...! Đưa tao, tao yểm trợ cho mày...

Đêm buông xuống bập bùng, sự im lặng chứa đựng chết chóc bao trùm trận địa. Bỗng một người bò lại gần thì thào vào tai anh tôi: Mày có về không, ở lại, đêm nay bọn mình sẽ chết ở đây mất! Sau một phút lưỡng lự, anh tôi bảo: Không, có chết thì chết ở đây thôi! Sau này anh tâm sự với tôi: Bố là đảng viên tiền khởi nghĩa. Trước lúc gia nhập Đảng Cộng sản, bố là một công chức của chính quyền Pháp thuộc. Lương của ông đủ nuôi cả một gia đình bảy người sống đầy đủ. Nếu anh tôi quay ra, chắc ông cụ sẽ không thể chịu đựng được. Bố tôi sẽ sống những ngày sau đó như thế nào. Mẹ tôi, một xã viên HTX nông nghiệp sẽ không được đi làm, gia đình tôi lấy gì mà ăn. Lại nữa, nếu anh tôi quay ra thì tôi, đứa em trai còn lại của gia đình sẽ phải nhập ngũ (Lúc bấy giờ Đảng ta đã có chủ trương tạm hoãn nghĩa vụ quân sự cho những gia đình còn một con trai, hoặc có một con trai duy nhất). Anh tôi bảo: Không có lý luận cao xa gì đâu. Hoàn toàn là thiết thực cả....

Tôi ngồi lặng im ngắm nhìn những người đồng đội của anh tôi. Bình thường gặp họ có thấy ai nói chuyện chiến tranh đâu. Thế mà mỗi lần những người lính gặp nhau toàn thấy họ nói chuyện một thời bom đạn. Mấy chục năm trời, mấy chục lần gặp nhau vẫn chỉ có chuyện ấy. Và đặc biệt, ngồi nghe họ nói không bao giờ thấy có chuyện nào cũ. Tôi thầm nghĩ, chỉ có mấy năm trời trong ác liệt mà biết bao nhiêu chuyện đã xảy ra. Đối mặt với cái chết luôn cận kề rình rập, những người lính luôn có những minh định rạch ròi. Ở đó không có chỗ cho sự giả dối tồn tại. Phải chăng đó là đất sống, là mạch nguồn nuôi dưỡng cho tình cảm mà họ đã có từ thuở đầu đời.

Kia là anh Khách, anh quê ở Tam Hiệp (huyện Phúc Thọ). Anh bảo: Nơi anh làm việc có địa chỉ: Bốt Đá Phùng (Một địa danh của huyện Đan Phượng). Cứ hỏi: Khách xe ôm là anh có mặt ngay, ai cũng biết anh! Anh Hải quê ở xã Đồng Thái huyện Ba Vì. Không biết bao nhiêu năm rồi anh ngồi ở ngã ba đầu đường đất rẽ vào xã. Gia tài của anh có mỗi cái bơm và hòm đồ nghề mòn cũ, sét gỉ. Anh Hải bị “sức ép” trong chiến tranh nên giờ một tai anh điếc, một tai nghễnh ngãng. Nói chuyện với anh thật mệt. Anh cứ “hử, hả...”, nhiều khi phải nhắc đi nhắc lại ba bốn lần. Vậy mà anh Hải là đầu mối liên lạc của mấy anh em nhập ngũ cùng với anh tôi năm ấy. Anh Công về tham gia công tác địa phương ở xã Thái Hòa. Anh làm địa chính mấy năm sau đó hình như không chịu được “sức ép” công việc nên xin nghỉ. Vợ anh cứ xuýt xoa: Đất cát thời nay “hái ra tiền” mà anh ấy lại xin nghỉ. Mấy anh em đồng ngũ hỏi, anh bảo: Bây giờ tôi về làm tướng. Tướng của hơn nghìn quân... toàn vịt! Nghề nuôi vịt mấy năm đầu kiếm được. Thế rồi anh “phải cái vạ vịt”! Vịt bị dịch chết chôn không kịp, hết nghiệp. Anh định xin ra “đầu quân” cho anh Hải. Anh bảo: Ra cái ngã ba đầu làng ngồi ngắm thiên hạ xuôi ngược cho nó... nhàn!

Mỗi gương mặt, một cuộc đời nhưng ngồi với nhau những người lính bạc đầu đều có một cuộc đời chung, với họ có lẽ đó là quảng đời ấn tượng nhất, đẹp nhất. Chẳng biết có phải chính chiến tranh đã để lại trong họ một quãng sống thấm đậm tình người nhất.

Đồng đội của anh tôi
Làng Mông Phụ, xã Đường Lâm.

Năm 2008, anh Tiến và anh tôi quyết định đi tìm anh Cát. Anh Cát quê ở xã Liệp Tuyết huyện Quốc Oai. Đó là một sớm đầu xuân, tiếng hát rô (một di sản độc đáo của vùng đất này) còn vang vọng dưới mái đình cổ kính. Hai anh hỏi thăm mãi mới tới được nhà anh Cát. Anh Cát nhận ra anh Tiến vì các anh thỉnh thoảng có gặp nhau. Riêng với anh tôi thì từ “trận đánh Phú Phong” đến nay các anh không gặp lại. Anh Tiến hỏi: Anh có nhận ra ai đây không? Anh Cát nhìn anh tôi từ đầu đến chân lắc đầu. Anh Tiến bảo: Thằng Quyến đấy! Quyến à! Anh Cát lao đến anh tôi. Vòng tay anh xiết chặt. Chặt như những vòng tay của người lính năm xưa. Anh không khóc nhưng nước mắt giàn giụa. Miệng anh lẩm bẩm: Cảm ơn các bạn, đồng đội đã không quên tôi! Anh Cát quay lại nói với vợ như ra lệnh: Mẹ mày ngả cho chúng tớ con lợn!

Mọi người vào nhà chưa ngồi ấm chỗ thì nghe thấy tiếng lợn kêu. Thì ra vợ anh Cát đã nhờ một người hàng xóm đến bắt lợn toan thịt thật! Anh Tiến bảo: Làm gì mà phải “đao to búa lớn” thế. Mổ lợn ra để khao chúng mày chứ còn làm gì nữa! Gia cảnh anh Cát hầu như chẳng có gì, cả chuồng mới có một con lợn còi khoảng ba, bốn mươi cân. Hôm đó các anh ngồi lại với nhau thật lâu bên chai rượu và đĩa lạc rang. Anh tôi đến bây giờ vẫn còn nhắc lại về bữa rượu hôm ấy!

Vợ anh Cát tâm sự. Từ ngày về địa phương, mấy chục năm nay anh Cát không làm được việc gì đến nơi đến chốn. Không mấy khi đến chỗ đông người, đôi khi ngồi một mình thì chìm đắm, ngẩn ngơ như người mất hồn. Mấy năm nay các cháu lớn rồi còn đỡ chứ mấy năm trước vất vả lắm các bác ạ! “Hoàn cảnh” quá em đánh liều thúc bố nó tìm cách nào cho gia đình bớt cực nhọc. Thúc mãi thì cằn nhằn: Mất tất cả rồi còn gì nữa mà tìm. Anh tôi bảo: Hồi mới về đơn vị anh Cát là một người đại đội trưởng rắn giỏi, đẹp trai. Nếu hôm nay không có người giới thiệu thì không thể nào nhận ra anh Cát ngày xưa nữa. Anh Cát giờ như ông Cát, cụ Cát. Dẫu cho tuổi tác đã biến đổi tất thảy những người lính năm xưa, nhưng lâu lâu gặp lại nhau, họ vẫn giữ được tinh thần của một thời bi tráng.

*

Anh Tiến và anh tôi là người cùng xã. Anh Tiến sau khi bị thương trở về quê, không còn đủ sức khỏe để lao động. Mấy năm trước, chế độ đãi ngộ của Nhà nước cho các đối tượng chính sách xã hội chưa được như bây giờ, đời sống vợ chồng anh Tiến rất vất vả. Ban thương binh - xã hội thị xã Sơn Tây xếp cho anh một tuần vài buổi trông giữ xe đạp ở chợ Nghệ. Thỉnh thoảng tôi đi ngang qua chỗ anh làm, nhìn dáng anh cao gầy nhưng nhanh nhẹn, xe cộ xếp sắp gọn gàng, nói năng chuẩn mực dứt khoát. Anh vẫn mặc bộ quân phục bạc màu... Chỉ có một vài năm trong quân ngũ thôi mà sao anh vẫn như người lính năm nào.

Thế rồi việc trông giữ xe cũng chẳng kéo dài được, anh về nhà. Đó là một nếp nhà nhỏ nằm trên trục đường quốc lộ 32. Anh Tiến có lẽ là một trong số những người lính thiệt thòi nhất. Vợ chồng anh không có con. Vài năm trở lại đây đồng đội thêm thắt cho anh chút tiền để đi giám định lại sức khỏe. Lúc bấy giờ mới biết anh bị nhiễm chất độc da cam. Mỗi lần trên đường về nhà, lần nào tôi cũng ngắm nhìn ngôi nhà anh. Không lúc nào thấy cái cửa xếp mặt tiền ngôi nhà được mở. Tôi hình dung ra ngôi nhà nhỏ thiếu tiếng cười trẻ nhỏ đã vắng càng thêm vắng!

Thị xã Sơn Tây mở rộng, làng anh lên phố. Hiện nay anh thuộc phường Phú Thịnh. Rằm Tháng Tám năm ấy, anh dẫn đầu trẻ con trong khu dân cư tưng bừng rước đèn xuống phường thi kiệu. Mấy hôm sau gặp anh tôi hỏi: Đoàn thanh niên đâu mà anh phải đứng ra làm việc này. Anh bảo: Khu dân cư mới nên chưa có người làm. Tuổi thơ mình chiến tranh, có được đêm nào tròn trăng đâu. Lẽ nào lại để bọn trẻ hôm nay lỡ một đêm rằm!

Đêm ấy tôi về, càng khuya trăng càng lồng lộng giữa trời. Giờ này chắc bọn trẻ đã phá cỗ Trung thu xong rồi. Cả một cái sân UBND phường chập tối đèn đuốc như sao sa, nay chỉ còn lại một sân mênh mông toàn trăng. Tôi đi trong trăng mà lòng se sắt một nỗi buồn giã hội. Trên vỉa hè, một dáng người dong dỏng cao lững thững bước dưới trăng. Tôi chợt nhận ra anh Tiến! Tôi dừng lại, nhìn theo. Anh đang độc hành trên đường về nhà. Chẳng hiểu sao tôi cứ nhớ đến ngôi nhà mà lúc tiễn các anh nhập ngũ tôi đã đến. Đó là một ngôi nhà nằm bên bờ sông Hồng, trước mặt là bến sông đầy vơi hai mùa nước chảy. Những năm tháng sau này, chiến tranh ngày một ác liệt. Mỗi lần đi học tôi lại ngóng về phía nhà anh. Chỗ cây gạo nhô cao lên là xóm nhà anh Tiến đấy. Thế rồi dòng sông chuyển mình. Ngọn nước đêm ngày thúc vào vỡ bến. Thỉnh thoảng trong đêm tiếng đất lở ầm ào dội vào giấc ngủ. Dân xóm mất đất chạy vào trong đồng. Anh Tiến từ chiến trường trở về thì ngôi nhà anh không còn nữa...

Vẫn biết “trăm năm bên lở, bên bồi” vốn là quy luật của Tạo Hóa mà lòng mãi bồn chồn chẳng nguôi ngoai. Tôi ra phố kiếm việc làm, thỉnh thoảng về quê lại ngóng đến nơi cây gạo đầu làng anh Tiến tháng Ba hoa đỏ rực một vùng. Tôi nhớ những người đồng đội của anh tôi. Bến nước trước nhà anh Tiến xưa kia đã có một dự án kè bờ chống lở. Kè được gần hai chục năm rồi mà vẫn chưa thấy bồi lại bãi. Nghe nói cái bãi mới bồi lại nổi ở một xã dưới thuộc huyện Phúc Thọ. Dân nơi ấy ra bãi trồng rau màu, sản phẩm cung cấp cho cả một vùng rộng lớn. Tôi chạnh lòng nghĩ đến những người dân mất đất, những người như anh Tiến. Họ đã phải chịu bao nhiêu thiệt thòi cho đời sống hôm nay. Trong lòng tôi vẫn ầm ào tiếng một thời đất lở...

Văn nghệ, số 18+19/2014
Bộ GD&ĐT: Thành lập 2 Hội đồng ra đề riêng cho Chương trình GDPT 2006 và 2018

Bộ GD&ĐT: Thành lập 2 Hội đồng ra đề riêng cho Chương trình GDPT 2006 và 2018

Baovannghe.vn - Để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, ngày 22/5, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng làm việc với các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT về công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT 2025.
Tụng ca mùa hè - Thơ Lệ Hằng

Tụng ca mùa hè - Thơ Lệ Hằng

Baovannghe.vn- Trên vết nứt tường xuân bỏ lại/ Mùa Hè được sinh ra
Xá lợi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được cung rước về chùa Phúc Sơn

Xá lợi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được cung rước về chùa Phúc Sơn

Baovannghe.vn - 6 giờ 30 phút sáng ngày 23/5, Xá lợi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã chính thức dời chùa Bái Đính và được cung rước về chùa Phúc Sơn - ngôi chùa hơn 400 năm tuổi tại tỉnh Bắc Giang
Miễn học phí - Để không học sinh nào bị bỏ lại phía sau

Miễn học phí - Để không học sinh nào bị bỏ lại phía sau

Baovannghe.vn- Không phải ngẫu nhiên mà trong nhiều giai đoạn lịch sử nước ta, Giáo dục luôn được xem là “Quốc sách hàng đầu”. Phát triển giáo dục chính là xây dựng nền tảng, điều kiện và động lực để phát triển đất nước.
Phát động Giải thưởng “Việt Nam Hạnh phúc - Happy Vietnam 2025”

Phát động Giải thưởng “Việt Nam Hạnh phúc - Happy Vietnam 2025”

Baovannghe.vn - Sáng 22/5, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Lễ phát động Giải thưởng thường niên truyền thông về quyền con người mang tên Việt Nam Hạnh phúc - Happy Vietnam 2025.