Diễn đàn lý luận

Những trang văn vẽ màu cờ giải phóng

Hà Nguyễn
Lý luận phê bình 10:06 | 30/04/2025
Baovannghe.vn - Bộ sách kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước về văn học, nghệ thuật của nhiều tác giả mang đến sự hấp dẫn bằng những câu chuyện cảm xúc, sáng tạo nghệ thuật cuốn hút xoay quanh chiến thắng vĩ đại của dân tộc.
aa

Ôi, buổi trưa nay, tuyệt trần nắng đẹp/ Bác Hồ ơi! Toàn thắng về ta/ Chúng con đến, xanh ngời ánh thép/ Thành phố tên Người lộng lẫy cờ hoa (Tố Hữu). Với mong muốn góp phần chuyển tải những trang sử oanh liệt, vẻ vang của thế hệ cha anh đã làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân phối hợp cùng Thư viện Quân đội, Công ty Cổ phần Tri thức Văn hóa Sách Việt Nam tổ chức biên tập, xuất bản và cho ra mắt bạn đọc bộ sách dày dặn hơn 40 cuốn (trong đó 2/3 là sách văn học, nghệ thuật).

Hồi ức các tướng lĩnh

Nhắc đến bộ sách kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước được xuất bản lần này phải kể đến trước tiên là những hồi ức của các tướng lĩnh. Một số cuốn sách đã được tái bản nhiều lần nhưng đến nay vẫn còn nguyên giá trị, khẳng định tư duy, tầm nhìn của những nhà chiến lược quân sự trong cuộc đối đầu lịch sử. Đó là các cuốn sách Đại thắng mùa xuân năm 1975 của Đại tướng Văn Tiến Dũng, Những năm tháng quyết định của Đại tướng Hoàng Văn Thái, Kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm của Thượng tướng Trần Văn Trà, Xuân Giải phóng của Thiếu tướng Phan Hàm…

Các cuốn sách mang đến cho người đọc cái nhìn bao quát, tầm nhìn chiến lược của các tướng lĩnh trong những thời khắc lịch sử quyết định của từng trận đánh và cả chiến dịch. Trong Đại thắng mùa xuân năm 1975, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã tái hiện một cách sinh động cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 với 3 chiến dịch nổi tiếng là Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Huế - Đà Nẵng, Chiến dịch Hồ Chí Minh. Trong đó, Chiến dịch Hồ Chí Minh là cuộc quyết đấu chiến lược cuối cùng của Quân đội nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Chiến dịch diễn ra trong khoảng thời gian ngắn nhất, chỉ trong 5 ngày từ ngày 26 đến ngày 30 tháng 4 nhưng để lại nhiều ấn tượng và kỷ niệm đẹp nhất trong lòng nhân dân ta. Qua đó, khẳng định nghệ thuật nắm bắt thời cơ của Bộ Chỉ huy và có ý nghĩa nhất trong cuộc kháng chiến kiến quốc, đánh dấu mốc son chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Khác hẳn với những cuốn sách chỉ trình bày diễn biến trận đánh đơn điệu, Đại tướng Văn Tiến Dũng trên vai trò là Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh đã dùng lối tường thuật đi sâu vào chi tiết trận đánh kết hợp với diễn tả tâm lý và tinh thần của cán bộ, chiến sĩ ta, đem lại sức cuốn hút cho người đọc.

Tiếp cận các cuốn sách hồi ức tướng lĩnh, người đọc hẳn không thể quên được giây phút thắng lợi cuối cùng. Đó là lúc cảm xúc của những vị tướng như hòa cùng cảm xúc của toàn dân tộc. Với Đại thắng mùa xuân năm 1975, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã chia sẻ: “Chúng tôi vui quên ăn, quên nghỉ. Và chúng tôi đã khóc. Phải, nước mắt chỉ để dành cho ngày toàn thắng hôm nay mà cả mấy thế hệ đã chiến đấu trọn nghĩa, trọn tình và đã gửi gắm cuộc đời mình vào đó. Và ý nghĩ đầu tiên của chúng tôi vào giây phút đầu tiên của toàn thắng là nghĩ về Bác Hồ kính yêu, mà tên tuổi gắn liền với chiến dịch lịch sử vĩ đại này, gắn liền với mọi thắng lợi của nhân dân ta. Nhân dân và quân đội ta sung sướng báo cáo với Bác rằng, điều căn dặn của Bác đã được thực hiện hết sức tốt đẹp”.

Còn với Thượng tướng Trần Văn Trà, sau giây phút thắng lợi là những việc cần làm ngay. Kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm của tác giả đã mô tả hoạt động của Ủy ban Quân quản Thành phố Sài Gòn sau ngày toàn thắng. Đó là ngày hội tưng bừng phấn khởi của toàn dân, biết bao chiến sĩ cách mạng, chiến sĩ vũ trang và đồng bào yêu nước đã hy sinh thân mình trên mảnh đất thân yêu này cho ngày toàn thắng hôm nay: “Từ nay người dân Sài Gòn có thể đứng thẳng người, ngẩng cao đầu nhìn mặt trời tỏa sáng trên cảnh huy hoàng của đất nước…”.

Những trang văn vẽ màu cờ giải phóng
Bộ sách kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam

Cuộc hành quân "màu lửa" trên những trang văn

Phong phú nhất khi nhắc đến bộ sách kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân là những cuốn tiểu thuyết, trường ca dày dặn. Đó có thể là những cuốn sách được tái bản nhiều lần như: Đường tới thành phố của Hữu Thỉnh, Trong cơn gió lốc, Trước ngưỡng cửa bình minh của Khuất Quang Thụy, Năm 1975 họ đã sống như thế của Nguyễn Trí Huân, Mưa đỏ của Chu Lai… Hay những cuốn sách còn vương màu mực mới như: Vùng da báo, Mây vẫn bay về trời của Hà Đình Cẩn, Người bến sông, Đêm cháy của Nguyễn Duy Hiến, Cơm Bắc, giặc Nam của Phùng Phương Quý, Sài Gòn 105 độ F của Nguyễn Anh Dũng, Hạ cháy của Đặng Duy Lưu, Bình minh phía trước của Nguyễn Trọng Luân, Hai nửa cuộc chiến của Nguyễn Duy Liễm, Lính miền đông của Bùi Thị Biên Linh, Một nửa còn ở lại của Vương Thị Thu Thủy…

Để giành được thắng lợi cuối cùng, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, biết bao thế hệ thanh niên ưu tú đã lên đường, xả thân mình vào cuộc hành quân “màu lửa”. Chúng tôi gọi cuộc hành quân trên những trang văn được xuất bản trong bộ sách kỷ niệm của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đợt này là “màu lửa” bởi một điều khá trùng hợp, tên gọi được nhắc đến phần đa đều có gam màu nóng bỏng: Trước ngưỡng cửa bình minh, Mưa đỏ, Đêm cháy, Hạ cháy, Bình minh phía trước… Những gam màu nóng ấm ấy thực sự đã dự cảm cho độc giả những khốc liệt của cuộc chiến đấu vệ quốc oai hùng của dân tộc sẽ được mô tả một cách trực diện trong tác phẩm.

Thực vậy, Lính trận lấy bối cảnh lấy bối cảnh chiến trường Plei Me - Ia Đrăng, Mưa đỏ, Hạ cháy dựng trên cái nền trận chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 đã khiến người đọc trực tiếp đối diện với những trang văn tưởng như tức thở của chiến trường. Với Lính trận: “Ngay trên đầu chúng tôi xuất hiện hàng trăm chiếc máy bay trực thăng. Chúng bay dàn hàng ngang, cùng lúc phụt rốc-két, cùng lúc xả đại liên như mưa xuống thung lũng”. Trong Hạ cháy: “Những cột lửa bốc cao cháy ngùn ngụt cuộn lên từng quầng khói khổng lồ đen kịt phủ kín trận địa. Khắp mặt đất ken dày chi chít hố bom hố pháo. Cả điểm chốt như miệng núi lửa điên cuồng phun trào”. “Màu lửa” ấy chính là nét vẽ hiện thực trần trụi của chiến trường khốc liệt, nơi người lính phải đối mặt với những điều tưởng chừng vượt quá sức chịu đựng của con người.

Người bến sông, Một nửa còn ở lại, Lính miền đông, Vùng da báo cho người đọc thấy rõ sự khốc liệt của cuộc chiến giành giật từng tấc đất. Cái thế cài răng lược nơi vùng giải phóng và vùng bị địch chiếm đặt nhân vật vào những tình thế chiến đấu đặc biệt gian khổ và khốc liệt. Ở những mảnh đất trong những câu chuyện này, không quá năm ngày lại xuất hiện một trận càn của địch, còn đại bác, bom thì giội xuống hàng đêm. Dẫu chẳng biết khi nào chiến tranh sẽ kết thúc, những người lính, du kích địa phương vẫn luôn mơ về một ngày được hít thở bầu không khí hòa bình ở phía trước.

Trong khi đó, Trước ngưỡng cửa bình minh, Mây vẫn bay về trời, Sài Gòn 105 độ F đặt nhân vật vào những giây phút hồi hộp trước ngày giải phóng. Để đến được khoảnh khắc đặc biệt ấy, những người lính đã phải trải qua biết bao chiến dịch, trận đánh, chứng kiến biết bao cảnh huống hy sinh của đồng đội. Đến đích rồi, vậy mà vẫn có hy sinh ngay trước giờ phút thống nhất thiêng liêng của dân tộc. Cùng với niềm vui, hân hoan đến tột cùng của mọi giác quan và cảm xúc còn là những nuối tiếc, những day dứt ngay trước cửa ngõ của chiến thắng. Càng đến gần giờ phút đặc biệt này, người đọc càng cảm nhận được những nét tâm lý đa chiều nơi người lính, sau những chuỗi ngày gian khổ đã qua.

Một điểm nổi bật trong bộ sách lần này là câu chuyện về hòa giải, hòa hợp dân tộc được khắc họa, chuyển tải khéo léo qua tấm lòng nhân ái, cao cả của con người. Hòa hợp, hòa giải dân tộc là một chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Đó cũng là cốt cách truyền thống tự bao đời của dân tộc. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra quan điểm nhân văn: “Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng, đại độ. Ta phải nhận rằng đã là con Lạc, cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc”.

Tinh thần hòa hợp, hòa giải dân tộc đã được nhắc trong nhiều tác phẩm với những bài học nhân văn sâu sắc. Trong Mưa đỏ của Chu Lai, đó là hình ảnh người mẹ của chiến sĩ giải phóng Đặng Huy Cường thắp hương lên mộ Nguyễn Văn Quang, người sĩ quan ngụy bên kia chiến tuyến. Hai người mẹ đứng lặng bên “dòng Thạch Hãn vẫn êm đềm trôi chảy như khúc hát ru đưa con người vào miền cảm xúc thánh thiện, đơn sơ, thuần phác, tinh khiết và bất tận…”. Còn Mây vẫn bay về trời của Hà Đình Cẩn kể câu chuyện về ông Quang, người cha là cán bộ kháng chiến và Hàm, đứa con trai lại trở thành sĩ quan ngụy quân. Trớ trêu thay, quyết tâm cầm súng của Hàm để trả thù lại bắt nguồn từ lòng căm hận khi tưởng cha mình bị Việt Cộng thủ tiêu. Bi kịch khi trong phạm vi hẹp của một gia đình, nhưng như chạm đến nỗi niềm chung của dân tộc. Vết thương không phải do bom đạn, mà do chính con người gây ra thường hằn sâu trong lòng, khó tẩy xóa. Vậy còn điều gì nếu không phải tình cảm chân thành và lòng nhân ái sẽ làm cầu nối để hòa giải những vết thương lòng của gia đình nhỏ, hay rộng ra chính là của cả dân tộc đã phải chịu nhiều đau thương, mất mát. Khi đó, những “viên sỏi” hận thù sẽ chìm trong biển cả hòa hợp dân tộc để hướng đến tương lai tươi sáng hơn.

Lấp lánh hình ảnh "văn nghệ binh"

Trong bài đăng trên số Xuân 1950, Báo Vệ quốc quân có viết: “Trần Đăng là người văn nghệ binh thứ nhất đã đổ máu ở chiến trường”. Liệt sĩ Trần Đăng là minh chứng khẳng khái nhất cho lớp lớp thế hệ văn nghệ sĩ đã hưởng ứng một cách mạnh mẽ và nhất quán quan điểm của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc bấy giờ: “Văn hóa hóa kháng chiến, kháng chiến hóa văn hóa”. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc, đã có một lực lượng hùng hậu các văn nghệ sĩ tham gia, trực tiếp hòa mình vào cuộc đấu tranh nóng bỏng. Và sự thực là, văn nghệ sĩ vừa là lực lượng sáng tác vừa là đối tượng trong những sáng tác, nghiên cứu của các tác giả.

Trong bộ sách kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, tác giả Châu La Việt góp mặt với tiểu thuyết Người mẹ và cánh rừng miêu tả trực tiếp hình ảnh những nghệ sĩ lên đường ra trận. Tác phẩm kể về Bằng, chàng trai đất Hà thành là con của nghệ sĩ Vân Ngàn xung phong ra mặt trận. Nơi chiến trường ác liệt, Bằng là chiến sĩ kiên cường nhưng sau khi bị thương, anh có những nghĩ suy, phân vân về số phận sau có phần u ám, ủ dột này của mình. Bằng lo sợ sẽ trở thành người thừa, người bị què cụt suốt đời như Hiển, người thương binh đồng hương Hà Nội đang suốt ngày rỉ rả.

Cũng chính vào lúc này, đội văn công của Vân Ngàn đến biểu diễn tại binh trạm. Bài hát Mẹ yêu con cất lên giữa Trường Sơn để rồi được đáp lại bằng tiếng gọi lạc giọng của Bằng: “Mẹ!”. Đó là cuộc gặp đầy màu nhiệm giữa đêm biểu diễn lung linh sắc màu ở Trường Sơn. Vân Ngàn chính là chất xúc tác đầu tiên để đứa con mình không gục ngã giữa lúc dao động. Lời ru đã mang đến tiếng gọi thiết tha, chứa chan ân tình nơi chiến trường nóng bỏng: “Những lời hát ru ấy, ông cha hát tự bao đời, nhưng vận vào đời con, đời cháu đã bao đời này, bao thế hệ nay, lúc nào cũng thiết tha và thực tế. Đất nước núi sông đời nào cũng giặc giã, chẳng lúc nào yên, chẳng mái nhà nào không có người cha ra trận, và rồi những đứa con lớn lên lại tiếp bước cha. Lời ru ấy là một nỗi lòng, là một thực tế và cũng là một lời nhắn nhủ của cha ông với non sông đất nước và với kiếp làm người ở dải đất lụa là này”...

Góp những góc nhìn sâu sắc và đầy đủ về văn nghệ sĩ trong cuộc kháng chiến của dân tộc, tác giả Ngô Thảo có 2 cuốn tiểu luận 30 năm văn học kháng chiến 1945 - 1975, Tác giả và tác phẩm văn học 1945 - 1975. Điểm đặc biệt trong 2 tiểu luận của Ngô Thảo là những lát cắt nhỏ về tài năng, tính cách của các chân dung văn nghệ nhưng đủ ôm chứa và khái quát bao điều thú vị. Chỉ cần điểm qua tên bài viết, người đọc đã có thể nhận thấy công việc cẩn thận, tỉ mỉ và những xúc cảm lắng đọng được gợi lên từ tác giả dành cho các văn nghệ sĩ được nhắc đến trong cuốn sách: Hẹn với ngàn năm một nụ cười; Dưới đám mây màu cánh vạc và người nữ du kích anh hùng; Thanh Tịnh: trọn một đời chiến sĩ; Trang Thế Hy: cây cổ thụ của vườn văn Nam Bộ…

Trong những tiểu luận của Ngô Thảo, người đọc có thể nhận thấy hình ảnh các văn nghệ sĩ đã “đốt cháy mình làm nên những ngọn đèn thơ đứng gác” trong biên niên sử hào hùng, hoành tráng về 30 năm kháng chiến trường kỳ của đất nước. Đó là một Lê Lựu dành phần lớn công sức tìm tòi, thể hiện những đồng đội của ông - nhân vật người lính. Say sưa và có chủ đích, Lê Lựu truy tìm những biểu hiện khác nhau của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong cuộc chiến đấu chống Mỹ. Là Thu Bồn đã xuất hiện, dẫu chỉ mấy câu thơ ứng tác vội vàng, thì cách diễn đạt, sức liên tưởng hình ảnh vừa độc lạ vừa hoang dã vẫn nhận được sự cổ vũ của đông đảo công chúng. Và có thể là Trang Thế Hy với không gian của thân phận người nghèo khó nhưng có cả “cánh rừng đại ngàn của lòng tốt”, của sự hy sinh, đùm bọc, chở che, nuôi giấu cán bộ, đảng viên khi bị Mỹ, ngụy săn đuổi, truy lùng, tìm diệt ở khắp mọi nơi…

Thông qua các tác phẩm văn học, nghệ thuật trong bộ sách kỷ niệm do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành lần này, các tác giả mang đến sự hấp dẫn bằng những câu chuyện cảm xúc, sáng tạo nghệ thuật cuốn hút xoay quanh chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Qua đó, xác tín thêm với người đọc những giá trị “bằng vàng”, thể hiện tầm vóc, trí tuệ Việt Nam đã được khẳng định và lan tỏa trong chiến thắng lịch sử ngày 30 tháng 4, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Tổ chức triển lãm ảnh “Chủ tịch Hồ Chí Minh - Tinh hoa dân tộc, Tầm vóc thời đại”

Tổ chức triển lãm ảnh “Chủ tịch Hồ Chí Minh - Tinh hoa dân tộc, Tầm vóc thời đại”

Baovannghe.vn - Triển lãm, nhằm khắc họa tầm vóc, giá trị di sản của Người trong lịch sử dân tộc và thời đại, thể hiện sự tôn kính và lòng biết ơn vô hạn đối với vị Lãnh tụ đã dành trọn đời mình cho tự do, độc lập của dân tộc và hạnh phúc của Nhân dân.
Quê  - Thơ Tạ Bá Hương

Quê - Thơ Tạ Bá Hương

Baovannghe.vn- Quê vẫn đấy/ vẫn mẹ ta cũ kĩ/ vẫn là cha dưới ba thước đất đang nằm
Người đàn bà hát ru. Truyện ngắn của Lê Thanh Kỳ

Người đàn bà hát ru. Truyện ngắn của Lê Thanh Kỳ

Baovannghe.vn - “Chiều nay về sớm để đi ra thăm cô Doanh nhé!”. Chị Duân dặn thế. Mười chị em, tay cầm dao phát nương, tay xách cặp lồng đựng cơm cùng quay cả lại. Mười bộ bảo hộ đồng màu, mười con dao quắm như nhau. Chỉ khác màu cặp lồng cái xanh cái đỏ.
Tổ chức chương trình nghệ thuật “Người là Hồ Chí Minh”

Tổ chức chương trình nghệ thuật “Người là Hồ Chí Minh”

Baovannghe.vn - Tối 18/5, tại Quảng trường Ba Đình, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội, sẽ diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt mang tên Người là Hồ Chí Minh, nhân dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025)
Người thuộc về nhân dân, Người thuộc về lịch sử

Người thuộc về nhân dân, Người thuộc về lịch sử

Baovannghe.vn - Vậy là bộ tiểu thuyết sử thi trường thiên của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã đi đến chặng đường cuối cùng. Sau 4 tập đầu với các nhan đề: Nợ nước non, Lênh đênh bốn biển, Từ Việt Bắc về Hà Nội, Đường lên Điện Biên thì vào năm 2025 này, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã xuất bản tập thứ 5, cũng là tập cuối của bộ tiểu thuyết với nhan đề: Việt Nam - Hồ Chí Minh.