Sáng tác

Những kỷ niệm từ 30-4-1975

Phạm Xuân Nguyên
Tản văn 09:30 | 30/04/2025
Baovannghe.vn - Bộ phim tài liệu nóng hổi dấu vết thời sự ngay sau ngày 30/4. Các tác giả phim đến nay tôi không còn nhớ. Lên mạng tra có thể biết ngay nhưng ký ức cứ để đôi khi không cần cụ thể.
aa

1. Xem phim "Sài Gòn giải phóng"

Chiến thắng 30-4-1975 là sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước. Chiến tranh kết thúc, hòa bình lập lại, giang sơn thu về một mối. Những ngày ấy khắp thôn xóm đồng quê phố thị náo nức hân hoan vui mừng tin chiến thắng. Bên cạnh niềm vui có cả sự trông ngóng, đợi chờ phấp phỏng những người con người chồng người cha từ mặt trận về. Mọi người gặp nhau chuyện trò râm ran, chia sẻ tin tức, dự đoán ngày mai. Và trong những câu chuyện ấy, hai tiếng Sài Gòn được nhắc đến như một sự tò mò, một niềm ao ước. Sài Gòn như thế nào nhỉ? Cảnh và người trong đó ra sao? Khi nào ta có thể đặt chân đến Sài Gòn? Với những gia đình có người Bắc kẻ Nam thì hai tiếng Sài Gòn càng thêm thôi thúc nỗi nhớ mong đợi chờ ngày gặp lại, đoàn tụ.

Những kỷ niệm từ 30-4-1975
Những hình ảnh phim tài liệu đầu tiên ngày Sài Gòn giải phóng. Ảnh Tư liệu.

Vậy nên khi cái tin tối nay có chiếu bộ phim “Sài Gòn giải phóng” được thông báo, loan truyền thì cả một không khí háo hức tưng bừng dậy lên khắp thôn xóm. Hồi đó, nửa thế kỷ trước, ở miền Bắc radio còn là thứ xa xỉ, truyền hình thì càng chưa nghe nói tới. Ngay đến phim nhựa cũng chỉ được chiếu trong những dịp hiếm hoi. Nên dễ hiểu được đi xem phim, lại là phim về Sài Gòn những ngày đầu giải phóng, thì ai ai cũng thích. Nhà nông thường làm lụng ngoài đồng đến tối mịt mới về nhà. Nhưng hôm ấy ai cũng về nhà sớm, tranh thủ ăn cơm tối sớm, rồi cả nhà bách bộ xuống Nhà Hát Nhân Dân ngoài trời ở trung tâm Thị xã Hà Tĩnh để kiếm chỗ trước trên bãi cỏ. Chiều buông dần, nắng tắt, cả bãi chiếu rộng xây bậc thang thoai thoải thấp dần về trước đã lấp đầy kín người. Và khi màn đêm đen phủ xuống, máy chiếu bật lên màn ảnh hiện ra bốn chữ tên phim tài liệu “Sài Gòn giải phóng” thì tất cả nín thinh chăm chú nhìn lên những khuôn hình đen trắng. Ông già bà cả, thanh niên nam nữ, trẻ nhỏ bế bồng chốc chốc lại ồ lên, lại chỉ trỏ những cảnh và người thấy trên phim.

Tôi là một người đi xem phim tối tháng 7/1975 ấy. Đêm về tôi đã ghi lại quang cảnh và cảm xúc buổi xem phim trong một bài thơ ghi nhật ký với cái đầu đề không thể nào khác hơn là Xem phim “Sài Gòn giải phóng”. Bộ phim tài liệu nóng hổi dấu vết thời sự ngay sau ngày 30/4. Các tác giả phim đến nay tôi không còn nhớ. Lên mạng tra có thể biết ngay nhưng ký ức cứ để đôi khi không cần cụ thể. Khi biết báo “Sài Gòn Giải Phóng” có tổ chức cuộc thi thơ viết về thành phố tôi đã gửi bài thơ đi. Thơ không được đăng, nhưng tên tác giả và địa chỉ thì có được nêu trong hộp thư bạn đọc. Nhờ đó một hôm tôi bỗng nhận được một bức thư gửi đúng cho tôi về địa chỉ ở quê từ một người con gái mang tên Bạch Sương ở 63 Phạm Hồng Thái, Chí Hoà, Sài Gòn. Tôi đã xúc động hồi hộp biết bao khi đọc lá thư của một người con gái không quen biết, lại là người ở Sài Gòn thành phố đầy hấp dẫn nhưng còn hết sức xa lạ bí ẩn trong tôi. Bạch Sương nói tình cờ thấy một cái tên như thế ở hộp thư như thế thì viết thư làm quen trò chuyện. Tuổi trẻ dễ cho người ta vượt qua những nghi kị, e ngại. Tôi đã thư đi từ lại với Bạch Sương một thời gian, cả khi tôi đã ra Hà Nội học đại học. Cho đến khi Bạch Sương tự nhiên ngừng liên lạc. Năm 1979 tôi đi lính đóng quân ở TP.HCM đã tìm đến địa chỉ của Bạch Sương ghi hồi nào trên phong bì thư. Đón tôi sau cánh cửa ngập ngừng mở ra là một cụ bà lắc đầu nói không biết Bạch Sương nào ở đây cả.

Đấy là chuyện bốn năm sau, và mãi sau nữa. Nhưng bộ phim và bài thơ từ buổi tối tháng 7/1975 đã mang tôi và theo tôi đến Sài Gòn từ sớm và dài lâu. Năm mươi năm sau, bây giờ đọc lại những dòng thơ ghi mộc mạc ngày ấy tôi vẫn thấy bồi hồi như mới vừa xem phim xong.

Náo nức cả buổi chiều, tin chiếu bóng

Phim “Sài Gòn giải phóng” tối hôm nay

Mặt trời vừa gác bóng, ngả về tây

Người tiếp người đi từng dòng lũ lượt.

Vé không kịp, người chờ thêm sốt ruột

Lại người đi, người đến, người vào

Muôn tiếng cười, tiếng nói lao xao

Bãi vốn rộng giờ trở nên quá hẹp.

Trên màn ảnh hiện hình lên tươi đẹp

“Sài Gòn giải phóng” - tên phim

Phút nghẹn ngào nức nở con tim

Nghe những tiếng khóc thầm nén lại.

“Những gương mặt những nụ cười thoải mái

Những ánh mắt nhìn lưu luyến đoàn quân

Chọc trời cao nhà mấy mươi tầng

Đinh Độc Lập lá cờ bay phơi phới.

Nước mắt mẹ già ba mươi năm chờ đợi

Nay cháu con sum họp một nhà

Bạn trẻ thanh niên vang tiếng hát ca

Vui nhảy múa giữa lòng đường phố.

Cách mạng buổi đầu còn nhiều bỡ ngỡ

Cô gái Sài Gòn hướng dẫn giao thông

Người và xe tấp nập xuôi dòng

Mềm mại cánh tay trần, cô chỉ hướng.”

Như dâng đến tột cùng niềm vui sướng

Mắt say nhìn và tai lắng nghe

Hình ảnh trong phim như kỷ niệm hiện về

Bắc và Nam bao năm hằng nhớ.

Khi phim hết rồi, điện bừng sáng tỏ

Cả biển người lại náo động, ầm vang

Toả khắp nơi, tiếng cười nói râm ran

Chuyện phim “Sài Gòn giải phóng”.

(Thị xã Hà Tĩnh, 7/1975)

2. Vui niềm thống nhất

Hồi học phổ thông tôi có người bạn gái cùng lớp tên là H.T. Bạn là con của một cán bộ miền Nam tập kết. Chúng tôi học cùng nhau suốt ba cấp học phổ thông ngày ấy (cấp 1, cấp 2, cấp 3). Những rung động đầu đời của tuổi mới lớn rồi ra sẽ thành kỷ ức để nhớ mãi về sau dù cuộc đời không gắn kết hai người thành đôi. Nhớ về cô bạn ấy tôi luôn thích nhẩm đọc bốn câu thơ của nhà thơ Tế Hanh nói về tình cảm tuổi học trò trong bài thơ ông viết khi trở lại quê nhà Quảng Ngãi sau ngày chiến thắng: Đây là thuở chúng ta cùng một lứa / Tuổi của mùa xuân và tuổi của mùa hè / Mắt ai ngó trong lòng ta nhen lửa / Miệng ai cười dậy cả sóng say mê.

Trong không khí tưng bừng đại thắng mùa xuân 1975 tôi đã xúc động ghi nhật ký một bài thơ đề tặng cho H.T. Tên bài thơ được đặt là “Vui niềm thống nhất”. Nửa thế kỷ qua bài thơ này vẫn nằm trong trí nhớ của tôi. Vậy mà tôi đã không đưa bài thơ này cho em, cũng không đọc cho em nghe lần nào. Có lẽ là do cái sự rụt rè, e ngại của chàng trai mới lớn. Nhưng niềm vui thống nhất thì không thể giấu và nó đã khiến cho tôi khi ấy đã nói được một điều rất bạo cho ước mơ lứa đôi. Cũng xin nói địa danh Tam Kỳ trong bài này do mạch thơ kéo đi theo cảm xúc vần điệu nên mang tính chất tượng trưng, không hẳn là quê chính của H.T. Bài thơ có 6 khổ, xin đưa lại đây 4 khổ đầu và cuối.

Thống nhất rồi có phải thế không em

Ơi cô gái miền Nam nhỏ nhắn dịu hiền

Em và anh chung vui niềm vui lớn

Chẳng còn ai chia cắt nổi hai miền.

Em sẽ dẫn anh về thăm quê ngoại

Nơi bóng dừa xanh che mát đường làng

Giữa trưa hè anh theo em hái trái

Uống ngụm nước dừa ngắm mảnh trời Nam.

Thống nhất rồi có phải thế không em

Em hát lên cho tiếng vọng hai miền

Cho má em ở Tam Kỳ nghe tiếng

Cho cha anh ở Hồng Lĩnh biết tên.

Cho ngày mai những đứa con sẽ hỏi

Quê ngoại là đâu, đâu là quê nội

Ta làm cha làm mẹ trả lời:

-Đâu cũng là quê cả con ơi!

(Hà Tĩnh, 25-11-1975)

Có một nhiệt đới buồn. Truyện ngắn của Đặng Ngọc Hùng

Có một nhiệt đới buồn. Truyện ngắn của Đặng Ngọc Hùng

Baovannghe.vn - Trên một ngọn đồi nhìn ra biển cả ở một nơi gần như tận cùng trái đất, không ai biết có một ông lão sớm tối đi về một cái hang được kiến tạo như một cái lô cốt.
Đọc truyện: Nước mắt thánh nhân - Truyện ngắn của Đỗ Hàn

Đọc truyện: Nước mắt thánh nhân - Truyện ngắn của Đỗ Hàn

Baovannghe.vn - Giọng đọc: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Nhật ký trong tù và những bản dịch, in ở nước ngoài

Nhật ký trong tù và những bản dịch, in ở nước ngoài

Baovannghe.vn - Trong số năm tác phẩm của chủ tịch Hồ Chí Minh đã được nhà nước công nhận là bảo vật quốc gia của Việt Nam, Nhật ký trong tù là một tác phẩm có giá trị đặc biệt cả về nội dung tư tưởng lẫn nghệ thuật thể hiện.
Nữ đảng viên “giữ lửa” lặng thầm nơi mái nhà BSR

Nữ đảng viên “giữ lửa” lặng thầm nơi mái nhà BSR

Baovannghe.vn - “Làm việc gì cũng phải đến nơi đến chốn, phải làm tới khi có kết quả” – đó là châm ngôn của chị Trần Thị Lụa – người đảng viên tiêu biểu của Đảng bộ Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) khi gặp những khó khăn trong công việc suốt hành trình gần 1/4 thế kỷ gắn bó với công ty.
Xác khô kể lại - Thơ Mai Quỳnh Nam

Xác khô kể lại - Thơ Mai Quỳnh Nam

Baovannghe.vn- Chết không rời nhau/ chết trong cực khoái