Trong những năm qua, khi nhắc về Rock người ta hay nói “Rock Việt đã chết”. Thế nhưng cũng trong chính giai đoạn đó, nhạc Việt chứng kiến sự ra đời của hàng loạt ban nhạc indie rock mới mẻ, cá tính, lẫn những dự án vô cùng độc đáo. Từng có kinh nghiệm khi là một trong những thành viên sáng lập Hạc San, Dzung ngay từ đầu đã chọn kết hợp màu sắc dân tộc vào âm nhạc của mình, từ đó tạo ra những tác phẩm vừa lạ mà cũng vừa quen. Trong quãng thời gian hoạt động solo, anh càng cho thấy điều đó, với đĩa Dzanca là những bản hòa tấu lấy cảm hứng từ âm nhạc dân ca Việt Nam, cũng như Dzanca Dzanvu được lấy cảm hứng từ các điệu múa Tây Bắc có tính kết nối cộng đồng sau cơn đại dịch.
|
Sau gần 4 năm tiếp tục sáng tạo, 2025’ - Hay không hay lắm đã được ra mắt. Nam nghệ sĩ chia sẻ: “Năm 2021 và 2022 là khoảng thời gian đánh dấu nhiều bước ngoặt trong cuộc sống lẫn sự nghiệp của tôi. Cả 2 dự án đều nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của khán thính giả trên cả nước, mang đến cho tôi những cơ hội trình diễn âm nhạc của mình khắp Bắc Trung Nam mà trong đó có không ít những sự kiện trọng đại của đất nước, như sự kiện Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại thành phố Điện Biên, những lễ hội du lịch như Festival Biển Nha Trang 2023, Festival Du lịch Ninh Bình 2024 hay những lễ trao giải uy tín của Việt Nam như VTV Awards 2024, Elle Beauty Awards 2024…”
Chính những điều này đã trở thành chất liệu cho dự án mới mà Dzung chia sẻ anh muốn đưa người nghe du lịch khắp cõi Việt Nam. Vẫn với cách chơi chữ độc đáo trước đó, “hay không hay lắm” là cách đọc trại của năm 2025 và nội trong nó cũng mang một cuộc đối thoại: “Hay không? - Hay lắm!” Dự án cũng được xây dựng theo đó với 2 cấu phần, gồm mặt “Đờn” là các bản khí nhạc như Dzanca trước đó và mặt “Ca” với các sáng tác được phổ thêm lời. Điều này mang đến trải nghiệm mang tính đa chiều, trong đó nếu các bản khí nhạc mở ra không gian, bối cảnh bằng ngôn ngữ phổ quát là âm nhạc thì mặt “Ca” lại là câu chuyện có phần cụ thể, được kể bằng chính tiếng Việt.
Cả 2 phần này được Dzung hoàn thiện hoàn toàn khác nhau, không chỉ đơn giản là thêm giọng ca vào các bản khí nhạc đã có sẵn, mà được tinh chỉnh sao cho tổng thể thật là hài hòa. Dzung cho biết: “Với tôi, giọng hát nói riêng và tiếng nói con người nói chung là một nhạc cụ, và một nhạc cụ thì luôn cần được toả sáng và quan trọng hơn nữa là kết hợp hài hoà với những nhạc cụ khác. Vì vậy hai mặt với tổng cộng 14 bài hát của 2025´ là 2 trải nghiệm khác nhau khi ta du lịch trên con tàu 2025´ với 2 cách mix, 2 cách phối khí khác nhau cho mỗi mặt.”
Mở đầu album bằng Con tàu, Dzung mời khán giả lên chính chuyến tàu đi dọc Việt Nam. Ở đó ta nghe được những sample (mẫu) âm thanh quen thuộc như tiếng loa thông báo khởi hành, tiếng bánh xe di chuyển trên ray để rồi mở rộng sang âm hưởng Nhã nhạc cung đình Huế trong tiếng đàn tranh của NSƯT Hải Phượng, cuối cùng về đến hiện đại với tiếng bass đằm thắm và tiếng guitar điểm xuyết hài hòa. Với tên tiếng Anh “mothership” - đây là ca khúc chứa đựng rất nhiều ý nghĩa. Anh bộc bạch: “Chuyến du lịch đầu đời trong kí ức của tôi là năm 2 tuổi, theo ông bà ngoại và anh trai đi tàu lửa từ Hà Nội về quê ngoại Nha Trang. Sau này khi lớn lên, cũng trên một chuyến tàu lửa, tôi tạm biệt Hà Nội để vào TP. Hồ Chí Minh lập nghiệp khi tuổi mới đôi mươi. Để rồi từ đó, trên những con tàu khác, tôi đã đi đến rất nhiều vùng đất trên đất nước Việt Nam và thế giới, đôi khi là những chuyến du lịch và đa phần là những chuyến đi công tác. Những “sàng khôn” từ những “ngày đàng” ấy tôi gom góp lại như những tư liệu chờ dịp sẽ dùng tới”.
Khởi phát từ đó, con tàu đưa ta đi khắp 3 miền Việt Nam với tiếng động cơ của những con tàu đánh cá nơi đảo Phú Quý, với những chiếc vỏ lãi, tắc ráng của miền Tây sông nước hay tiếng pháo hoa trên bầu trời sông Nậm Rốm - Điện Biên trong chiến thắng Điện Biên Phủ... Ta cũng thấy ở đó Hà Tĩnh với gió phơn, Bạc Liêu với cối xay gió ở Rừng điện gió, Quảng Bình với Hò Khoan Lệ Thuỷ trong Hay không hay lắm, Bến Tre với đặc sản dừa trong Dừa sai trái, Sài Gòn triều cường trong Ngập tràn hay lễ hội biển trong Nghinh ông Thủy tướng, một thời chiến đấu gian lao mà anh dũng trong Pháo - vừa là pháo hoa nhưng cũng là hò kéo pháo của cha ông ta... Có thể nói bằng những hình tượng tuyệt đẹp, Dzung đã đưa khán giả đi xuyên tổ quốc rạng rỡ, tham gia những lễ hội truyền thống đặc sắc, nghe những câu chuyện về lịch sử cha ông hào hùng, từ đó thưởng thức những sản vật địa phương, cảm nhận tình yêu của những con người Việt Nam trong thời đại mới…
Và để làm được điều đó anh đã sử dụng rất nhiều chất liệu trong đĩa nhạc này. Rock dường như đã ngấm vào máu thịt, từ đó mà sự năng động, sôi nổi của thể loại này chiếm thế thượng phong. Nhưng không dừng ở đó, anh còn kết hợp thêm nhiều yếu tố độc đáo khác nữa. Chẳng hạn ở Rừng điện gió không quá khó thấy tiếng synth vang lên lẩn khuất trong tiếng guitar rộn ràng tạo nên một tổng thể ấn tượng. Sự góp mặt của tay bass Trần Chánh Thảo cũng giúp bài hát có được độ đầm cũng như tươi mới. Ngược hẳn với gam tích cực, Dzung cũng “lấy lòng người nghe” bằng những khoảnh khắc trầm lắng, khi Ngập tràn là bản slow R&B sâu lắng với 2 tiếng guitar vang lên xen kẽ có nhiều cảm xúc, như cách chồng layer vocal được nhiều nghệ sĩ dòng này sử dụng. Trong khi ở Pháo, cách đánh đàn staccato cũng tái hiện việc búng dàn dây độc đáo. Việc mời vào dự án giọng ca chính Phạm Anh Khoa lẫn những câu rao của MC - diễn viên Hoàng Phi ở mặt “Ca” cũng đã mang đến màu sắc mới mẻ.
Nhưng dẫu có làm gì thì yếu tố dân tộc vẫn luôn nổi trội và được Dzung chuyển tải thú vị. Không chỉ ở phía bề mặt và rất dễ thấy là tiếng đàn tranh của NSƯT Hải Phượng trong nhiều track nhạc hay câu chuyện về Nam Hải đại tướng quân trong Nghinh ông thủy tướng, mà anh còn rất kỹ tính, ẩn giấu những chi tiết ngầm trong các bài hát. Chẳng hạn ở Con tàu ta có thể nghe ra Lý mười thương, Nghinh ông thủy tướng thì có một chút màu sắc của Cô đôi thượng ngàn, Pháo thì gợi nhớ đến Hò kéo pháo, trong khi Ngập tràn cũng thêm da diết với điểm xuyết đàn bầu, còn 2025’ là Hò khoan Lệ Thủy... Điều này cho thấy tính dân tộc xuất hiện tràn khắp và quan trọng nhất là nam nghệ sĩ đã giữ nguyên vẹn những giá trị truyền thống Việt Nam - điều đã tạo nên phong cách âm nhạc của mình suốt những năm qua.
Như Dzung chia sẻ: “Con tàu “âm nhạc” đã đưa tôi đi chu du qua bao cảm xúc sau hơn 20 năm: từ thăng hoa, tự hào, hi vọng đến cả những âu lo, đau đớn và thất vọng. Trong suốt hành trình ấy, có khi tôi là một lữ khách, có khi tôi là người lái tàu, có khi tôi là người soát vé và cũng có khi tôi lại là kẻ trốn vé. Tôi đã đi, bền bỉ và can trường, trên con tàu “âm nhạc” ấy với 9 đĩa nhạc phát hành từ năm 2003 cho đến nay”. 2025’ - Hay không hay lắm có thể nói là đĩa nhạc độc đáo, sáng tạo, chứa cả trải nghiệm lẫn thể nghiệm mới của một nghệ sĩ không ngừng làm mới bản thân, giúp Rock “sống lại” với một tinh thần vô cùng mới mẻ.