Nhưng những sự việc đau lòng vẫn tiếp tục xảy ra. Mỗi khi đọc báo, lướt mạng, thấy tin trẻ nhỏ bị đuối nước, lòng tôi lại nhói lên. Đôi lúc, tôi sợ những tin bài như thế và cứ nghĩ mình có thể làm được gì? Tất nhiên, một mình tôi thì không thể làm được gì. Nhưng đông người cùng nghĩ, cùng làm thì có thể tạo ra được một điều gì đó có ý nghĩa.
Dậy trẻ tập bơi là việc làm hết sức cần thiết. Ảnh: Internet |
Có lẽ, trẻ con ở đâu cũng đều rất thích nước. Các con tôi chẳng hạn, từ khi lẫm chẫm tập đi, chúng đã thích dùng ngón tay khoắng vào cốc nước, chậu nước, nghịch vòi nước máy, bể nước, phích nước... Chính con trai tôi đã từng bị bỏng nước sôi khá nặng khi mới gần tuổi rưỡi, vì nghịch nước. Rồi lớn hơn thì nghịch mưa. Người lớn thấy mưa thì chạy vào, trẻ con thì lại phăm phăm chạy ra. Con gái tôi từng lội xuống sông khi mới ba tuổi. Là người mẹ, tôi ý thức được những hiểm nguy này nên canh chừng con rất chặt. Bởi tôi biết, chỉ một chút lơ là thì cả đời sống trong ân hận day dứt. Khi con lớn thêm, đặc biệt giai đoạn học sinh THCS, tôi không thể nghĩ cách hạn chế đến mức thấp nhất sự tiếp xúc của con đối với nước mà thay vào đó, tôi chở con đến bể bơi, đăng ký cho con học bơi...
Mùa hè nóng nực, nhu cầu tắm nước, đằm mình trong làn nước mát là một xu hướng thích nghi mạnh mẽ với môi trường hoàn toàn rất tự nhiên của một cơ thể sinh học. Với trẻ em, xuống nước không chỉ để tắm, để tập bơi... mà còn là để được gặp gỡ, giao lưu với bạn bè trong những ngày hè ngắn ngủi. Ở nông thôn, điều kiện dành cho hoạt động vui chơi của trẻ em còn nhiều hạn chế, dẫn đến việc chúng tìm đến những nguồn nước trong tự nhiên không phải đóng phí như sông ngòi, ao hồ, thác đập... kể cả những nơi có biển cảnh báo nguy hiểm, để chơi. Như vậy, hoàn cảnh khó khăn của những đứa trẻ ở nông thôn cũng là một phần của nguyên nhân dẫn đến trẻ đuối nước. Cha mẹ quá bận rộn trong công ty, nhà máy... không có thời gian quan tâm đến các nhu cầu khác của con ngoài ăn mặc. Không có thời gian vui chơi cùng con hay quán xuyến con cái trong những hoạt động tự phát. Nhiều người, bất đắc dĩ phải giao phó con cái cho ông bà nội ngoại. Mà người già ở nông thôn thì trăm công nghìn việc, chân chậm mắt mờ, nhớ quên nghễnh ngãng... Đôi khi, chỉ sao nhãng với trẻ vài phút là đã hối hận không kịp rồi...
Có bao nhiêu lý do kéo trẻ con đến nguồn nước thì cũng có bấy nhiêu mối nguy hiểm đang rình rập chúng. Tương tự, cũng có bấy nhiêu cách thức tương ứng để bảo đảm an toàn cho trẻ khi vui chơi dưới nước. Bởi vì, dù biết bơi thì khi xuống nước ai cũng có thể gặp bất trắc, nhất là với trẻ em, như: bị chuột rút, bị hút vào miệng cống, bị kiệt sức, bị bạn khỏe hơn nghịch dìm, bị nạn khi cứu bạn... Chính vì điều đó mà nhiều phụ huynh đã tìm mọi cách để “giam” con em trên cạn. Con chim bị nhốt lâu trong lồng, khi mở cửa thì không phải là sẽ bay vút và biến mất như chúng ta nghĩ đâu. Càng không phải là chúng sẽ quanh quẩn quanh chiếc lồng. Mà chúng sẽ chập choạng, do đôi cánh đã bị yếu đi. Chính sự cấm đoán, bao bọc của bố mẹ khiến con cái mất dần khả năng tự vệ, khả năng thích ứng với môi trường...
Rèn luyện thể chất, kỹ năng sống cho trẻ em không chỉ là chức năng, nhiệm vụ của nhà trường mà còn là của chính các gia đình. Học phí học bơi có khi chỉ bằng một bộ quần áo. Vé vào bể bơi mỗi buổi có khi ít hơn một chai sữa. Nhưng người lớn thường ưu tiên nhu cầu ăn, mặc, học hành cho trẻ con mà quên mất nhu cầu chơi vui, giải trí của con. Những kỹ năng sống thực tế giúp con giao lưu tốt hơn với bạn bè, xã hội. Kỹ năng sống theo con suốt cả cuộc đời. Bảy hằng đẳng thức đáng nhớ con có thể quên ngay khi rời khỏi ghế nhà trường, nhưng một lần thoát nạn ở dưới nước, con vĩnh viễn không bao giờ quên.
Vẫn biết rằng với điều kiện hiện tại của nhiều địa phương ở nông thôn thì việc học và chơi dưới nước an toàn cho trẻ em là khó khăn. Tuy nhiên, vẫn còn có cách để làm được. Năm ngoái, tôi đọc báo rồi sau đó được xem một chương trình truyền hình nói về làng Hưng Giáo ở huyện Thanh Oai - Hà Nội, nơi nhân dân đã cùng nhau góp hơn một tỷ đồng để cải tạo một chiếc ao tù ô nhiễm, thành bể bơi công cộng miễn phí cho trẻ em. Đặc biệt, quy trình hoạt động của bể bơi này rất bài bản, khoa học và hợp lý. Và tôi nghĩ: Làng nào ở miền Bắc này mà chả có một cái ao, thậm chí vài cái ao, hay cái đầm? Mô hình ở làng Hưng Giáo có thể phổ biến, nhân rộng ở rất nhiều địa phương khác. Chỉ cần chính quyền địa phương vào cuộc và nhân dân dốc lòng ủng hộ thì khó khăn nào cũng được giải quyết.
Dạy bơi cho trẻ em, trước hết không phải để chúng thành vận động viên đi thi thố. Bơi và chơi dưới nước an toàn là một phần quan trọng trong kỹ năng sinh tồn của trẻ. Muốn có an toàn là phải có giám sát. Người lớn còn phải chịu sự giám sát để không xảy ra sai sót khi làm việc hay vui chơi, nói chi trẻ em. Chỉ hai chữ “lơ là” của người lớn thôi, bao nhiêu đứa trẻ đã vĩnh viễn rời khỏi thế giới tươi đẹp mà chúng mới chỉ chập chững bước vào. Với chức năng giám sát, cha mẹ hay ông bà khi đến cùng con trẻ thì cần thiết phải có vị trí thuận lợi để quan sát. Trong lúc trẻ con chơi dưới hồ, phụ huynh có thể tản bộ, chạy quanh bờ. Nếu đã xác định được rằng trẻ con tìm xuống nước phần lớn là để tắm mát, vui chơi, khám phá cho thỏa chí tò mò thì mức nước ở các hồ bơi công cộng nên được đánh giá chính xác và để ở mức an toàn. Cần có vách ngăn hoặc lưới ngăn giữa khu tắm của trẻ bé và trẻ lớn. Khi có một nơi để chơi tập thể, nước sạch sẽ, an toàn và miễn phí thì trẻ không có lý do gì để chạy ra sông đục, suối ô nhiễm hay hồ sâu, hố nước... Thiếu một chỗ chơi tử tế an toàn thì trẻ mới tìm đến những chỗ thiếu an toàn để chơi. Thiếu sự quan tâm đúng mức, thiếu sự thấu hiểu, kèm theo sự cấm đoán vô lý thì trẻ con mới lâm nạn.
Ở nông thôn, những nhà có điều kiện thì thời gian nghỉ hè thường đưa trẻ đến khu du lịch để vui chơi một hai lần. Dù không thấm vào đâu so với nhu cầu của trẻ nhưng vẫn còn hơn những đứa trẻ có cha mẹ đi làm ăn xa, đi xuất khẩu lao động, ở nhà với ông bà nội, ngoại... suốt tuổi thơ không biết cái hồ bơi trông thế nào, chưa từng đến khu vui chơi nào. Những đứa trẻ chưa từng có bất cứ trải nghiệm nào mà nhảy xuống nước, khả năng gặp nguy hiểm cao hơn. Những đứa trẻ sống ở thành phố, nghỉ hè về quê với ông bà, chưa có nhận thức về ao hồ, sông ngòi... cũng vậy. Một xã hội văn minh, đáng sống là một xã hội có nhiều người biết chìa cánh tay của mình về phía những đứa trẻ thiệt thòi. Những công trình vui chơi miễn phí hoặc giá rẻ cho trẻ em nghèo như hồ bơi công cộng ở cả thành thị lẫn nông thôn, là việc cần làm, rất nên làm.
Báo Văn nghệ số 28/2024