Sáng tác

Ga cuối. Truyện ngắn dự thi của Hà Đình Cẩn

Hà Đình Cẩn
Truyện
07:00 | 09/12/2024
Baovannghe.vn - Mới đầu tôi cứ ngỡ bạn tôi chỉ mắc căn bệnh mà đám có ít trí thức dễ mắc, mà cũng không hại ai, bệnh sĩ. Nhưng rồi những cuộc gặp miễn cưỡng của Khánh sau đó với một số cựu chiến binh biết được, tôi nghĩ lại, bạn mắc thứ bệnh trầm kha, khó chữa chữa hơn. Tuy nhiên, tôi chưa nhắc nhở bạn, vì còn xem sự thể thế nào, với lại góp ý với một người đang đà tiến mà lại bảo ông hãnh tiến đâu có dễ.
aa

Tôi với Khánh, học cùng lớp Mười trường chuyên của tỉnh, thân nhau. Khánh người sáng sủa không thấp lùn và đen đủi cóc cáy như tôi. Vì lực học khá, hết lớp Mười, Khánh thi đậu Đại học Y danh giá, sau năm năm ra trường, bằng giỏi. Cùng thời gian ấy tôi cũng học Y nhưng tận Cu Ba theo diện trao đổi thế nào đó của hai Nhà nước. Tôi ra trường muộn một năm so với Khánh. Về nước, tôi được điều làm bác sĩ ở một bệnh viện tầm tầm ở Hà Nội. Trong khi đó Khánh xung phong vào bộ đội, được phong hàm trung úy, đi chiến trường phụ trách một Trạm Quân Y cấp trung đoàn. Trưởng Trạm Quân Y cấp trung đoàn ngang bệnh xá xã nhưng công việc bận rộn hơn vì nhiều bệnh nhân và đương nhiên phải làm việc trong bom đạn, như Khánh nói Trạm thường xuyên di chuyển như thay áo để tránh bị đánh bom. Từ chiến trường ra, Khánh xin xuất ngũ, được bổ về làm Trưởng khoa Ngoại một bệnh viện lớn, đang ngấp nghé chức Phó Giám đốc. Tóm lại tương lai Khánh rộng mở trước mặt, không như tôi hết bác sĩ khoa này lại lôi sang bác sĩ khoa khác, phát ớn.

Thỉnh thoảng tôi đến thăm Khánh để mong được lây nhiễm cái hăng say trong nghiên cứu khoa học của bạn mà vẫn có kế hoạch cụ thể cho bước tiến trong bệnh viện. Gần nhất tôi gặp Khánh là bạn vừa nhận được tin vui, bác sĩ Tùng, một nhà khoa học đầu ngành, đồng thời cũng là nhà hoạt động chính trị, xã hội, là đại biểu Quốc hội, rất có uy tín trong nghành đề cử Khánh đi Hội nghị Quốc tế về chất độc đi ô xin ở Pari. Bác sĩ Tùng yêu cầu anh phải có một tham luận trước các nhà khoa học thế giới về đi ô xin Mỹ rải xuống Việt Nam gây thảm họa cho con người nhiều thế hệ. Bản tham luận phải vừa khoa học vừa cụ thể có sức kêu gọi thế giới hướng sự chú ý giải quyết thảm họa chiến tranh Mỹ để lại ở Việt Nam.

Tôi đến thăm Khánh tại nơi anh làm việc mà phát thèm, thấy bạn đúng là một nhân cách lớn, vừa hăng say, tận tình với công việc cụ thể, lại vừa tiếp tục nghiên cứu đề tài đang nóng là chất độc đi ô xin và khả năng cứu chữa, có thể. Khánh hoạt bát, trẻ trung, phong thái đĩnh đạc và cũng kỹ càng từ mái tóc tai đến áo quần nghiêm ngắn. Cũng là chiếc blouse nhưng trên người Khánh được là phẳng kỹ lưỡng, không một nếp nhăn. Tôi không được như bạn mình, đôi khi ỉ vào bận rộn, ăn mặc lôi thôi, nhăn nhúm lại còn hay cáu bẳn.

Khánh đang viết tham luận khoa học về chất đi- ô- xin để đi dự Hội nghị Quốc tế, nên gặp bạn tôi hay hỏi thăm tiến triển việc đi Hội nghị đến đâu rồi. Khánh dừng việc, nói với tôi, tiến triển tốt đẹp, bản tham luận đã dịch ra tiếng Anh và tiếng Pháp, giáo sư Tùng đánh giá cao, đặc biệt là những con số khảo sát rất độc đáo về đi-ô-xin ở chiến trường. Khánh bảo, giáo sư Tùng còn chưa biết anh có hẳn một bằng chứng khoa học rất thuyết phục về sự hủy hoại con người của chất đi ô xin là một đứa bé được sinh ra, nhưng là quái thai, nhìn thấy ai cũng thắt lòng đau sót và phẫn nộ tội ác của kẻ gieo rắc chất độc trên đất nước ta thời chiến tranh.

Tôi rất vui vì thành đạt của bạn, muốn rủ Khánh đi ngồi với nhau một buổi trưa ở đâu đó để nói chuyện thêm. Nhưng Khánh từ chối, nói, xin ông thông cảm cho, tôi quả thật quá bận, để lúc nào rỗi, tôi chủ động gọi ông, chắc là trước ngày đi Pari.

Không rủ được bạn đi ăn trưa, tôi dắt xe ra cổng bệnh viện, nơi thường nhốn nháo giữa lái xe ta xi, bán hàng quà bánh, và một số bệnh nhân cùng người nhà của họ phải chờ đợi để được nhập viện thăm khám bệnh, cấp thuốc bảo hiểm y tế. Trong đám người thường xuyên lôi thôi, lếch thếch đứng ngồi ngoài cửa trạm bảo vệ, tôi thấy một cô gái còn trẻ, gương mặt đẹp, nhưng xanh xao và có đôi mắt rất ấn tượng, đen sâu, nhìn thấy là không thể quên là vừa buồn thăm thẳm chờ đợi và có gì như hoảng loạn. Tôi đã bước qua cô gái, nhưng vì cô có ấn tượng, tôi ngoảnh lại cố tình hỏi cô một câu đơn giản thôi, cô vào viện chữa bệnh hay chờ gặp ai? Thật bất ngờ, cô bảo cô tìm gặp bác sĩ Khánh. Bác sĩ Khánh nào? Tôi vội hỏi lại. Cô nói, bác sĩ Khánh ở chiến trường ra. Tôi vẫn chưa thật tin vào tai mình, hỏi, cô nói là bác sĩ Khánh ở chiến trường ra? Cô bảo, vâng, bác sĩ Khánh ở chiến trường ra, cô đã đi tìm lâu nay. Tôi hỏi, cô đã đi tìm những đâu? Cô bảo, cô đi tìm từ ga Dĩ Vãng, đến ga Bình Yên. Tôi thở nhẹ, xóa đi rằng đây không phải bạn của Khánh vì cô có vẻ là người hoặc là hoang tưởng hoặc là con bệnh thần kinh thật sự mà Khánh chỉ là cái tên cô nghe được khi đến cửa bệnh viện này. Vì thế tôi không ái ngại dắt xe máy đi thẳng.

Hôm đó là thứ ba, tôi trực buổi chiều, làm đến nửa đêm thì về. Từ lâu bệnh viện của tôi có sáng kiến các ca trực dở dang như thế, để bác sĩ và nhân viên y tế nào trực cũng có một nửa đêm ngủ ở nhà, đảm bảo cho sức khỏe và hạnh phúc gia đình. Nửa đêm nhưng lúc đó chỉ chừng gần mười hai giờ, tôi dắt xe ra về, đi một đoạn bỗng nhiên lại nhớ tới cái cô gái ngồ ngộ đã đi tàu từ ga Dĩ Vãng đến ga Bình Yên để tìm Khánh, nên cố ý vòng qua cổng bệnh viện hồi sáng để xem cô gái có còn đó không. Giờ ấy, ở cửa bệnh viện đã đóng, chỉ treo một tấm biển nhỏ: Cấp cứu vào phòng A1. Một số khách chờ sáng mai vào khám bệnh trải ni lông nằm ngủ trên vỉa hè, úp nón, mũ lên mặt. Cánh lái tắc-xi nhộn nhạo tranh khách cũng vãn, nằm ngủ trên ghế xe, thò hai bàn chân cáu bẩn ra ngoài. Trong tĩnh lặng cửa bệnh viện, vẫn có một người ngồi, ngóng ra đường, không ngủ. Người ấy lại chính là cô gái tôi gặp hồi sáng đã đi tìm Khánh ở ga Dĩ Vãng.

Tôi dừng xe trước mặt cô, hỏi này cô gái, cô còn nhớ tôi không? Cô hỏi, ông là ai? Tôi dẫn dụ dài dòng rằng tôi gặp cô hồi sáng, biết cô hỏi thăm bác sĩ Khánh mà cô đã đi tìm từ ga Dĩ Vãng. Tôi nhắc lại vậy, cô ngồi im chốc lát, rồi mới nhớ ra, à, lại là ông. Cô hỏi, ông có phải là bác sĩ không? Tôi hèn, sợ làm phiền, nên nói trại đi, tôi không phải là bác sĩ. Tôi đã định đi, nhưng cô hỏi một câu làm tôi nán lại: Ông có biết ga Hạnh Phúc không? Tôi bảo, không, không có ga Hạnh Phúc. Thế mà có người nhà ga bảo tôi có ga Hạnh Phúc đấy, cô bảo, ở xa lắm, ít người đi tới nơi. Tôi thấy hay hay, nói lại, vậy thì tôi cũng biết có ga Hạnh Phúc nhưng tôi chưa tới. Cô nhoẻn cười bảo, người nhà ga bảo tôi, đến đó, sẽ gặp bác sĩ Khánh và con

Quả thật là chuyện của cô gái hoang tưởng nhưng tôi không thể không quan tâm. Tôi đi mua một chiếc bánh mì có kẹp thịt, một chai nước khoáng đưa cho cô, nói, tôi mời cô. Cô cầm bánh rất tự nhiên, còn biết cảm ơn tôi, nói như người thần kinh bình thường, ông tốt quá. Nếu bác sĩ Khánh như ông thì tôi không mất con. Lạ lùng. Những câu nói lúc hoang tưởng, lúc tỉnh táo khôn ngoan, lúc lơ mơ làm tôi chú ý đến cô gái hơn, ít ra là chú ý với tư cách một bác sĩ với bệnh nhân. Biết đâu đây là một bệnh nhân vì một hoàn cảnh đặc biệt nào đó đã không được cứu chữa. Tôi hỏi cô, cô đã vào bệnh viện nào để chữa bệnh chưa? Cô bảo cô không có bệnh. Tôi bảo, tôi xét đoán là cô có bệnh, cần điều trị. Cô lắc đầu, không, không, ông đừng bắt tôi vào bệnh viện. Cô sợ bệnh viện lắm. Ở đó người ta cướp con của cô. Tôi nghĩ cô lại phát bệnh hoang tưởng, nhưng vẫn hỏi thêm, bác sĩ Khánh từng điều trị bệnh cho cô à? Cô bảo, con cô đẹp lắm, nó phải được chôn cất như đứa trẻ bình thường. Tôi lại hỏi, cô gặp bác sĩ Khánh để làm gì? Cô bảo, để về ga Hạnh Phúc. Hoang tưởng nặng rồi, tôi dắt xe đi, để mặc cô ngồi ăn bánh

Vậy mà chẳng hiểu sao cái cô gái hoang tưởng lại gây ấn tượng với tôi mỗi khi nhớ tới cô. Vài ngày sau đó, gặp Khánh, tôi nói với Khánh chuyện này, Khánh cười, bảo, bác sĩ không làm sao nhớ được tên bệnh nhân, còn bệnh nhân thì có người cả một đời nhớ bác sĩ. Tôi nghĩ, Khánh nói đúng. Tôi cũng vậy, có hôm bảo vệ gọi điện nhắc tôi ra cổng nhận quà. Quà của ai, tôi hỏi. Bảo vệ bảo, tôi cũng không biết tên. Quà cho tôi là hộp bánh đậu xanh Hải Dương, với lời nhắn lại, bà là bệnh nhân nhớ ơn bác sĩ mấy năm trước đã chữa bệnh bà. Bác sĩ Khánh nói đúng, bệnh nhân thường nhớ rất lâu bác sĩ từng cứu sống họ.

Bẵng đi một vài ngày, tôi lại có việc, qua thăm Khánh, nhưng không thấy cô hoang tưởng ở cổng bệnh viện nữa. Một hôm có lẽ thấy tôi có vẻ dò xét gì đó, như là tìm người quen, một bà bán hàng rong đã nhẵn mặt tôi ở cổng này, nói trống không, nó rước đi rồi. Tôi hỏi, ai rước? Bà ta bảo, có một ông, trẻ hơn ông đến rước cái cô lẩn thẩn của ông ấy đi. Tôi hỏi, họ đi đâu? Bà ta bảo, ai mà biết, chỉ nghe nói ra ga lên tàu, đi xa lắm. Tôi nghĩ, thế cũng là may cho cô, có người chăm lo, chứ hoang tưởng mà sống vất vưởng đầu đường xó chợ thì khổ quá, chết lúc nào không ai biết.

Không gặp lại cô gái nhưng tôi lại nghĩ về Khánh. Tại sao, cô đi tìm từ ga Dĩ Vãng cứ phải tìm là bác sĩ Khánh ở chiến trường ra? Thật sự Khánh có liên quan gì với với cô, nhất là “đứa con đẹp lắm, phải được chôn cất bình thường”. Nghĩa là con cô đã chết? Nghĩa là con cô đẹp lắm, nhưng không bình thường, nên phải được chôn cất bình thường? Tôi chợt nghĩ đến cái quái thai trong bình hóc-môn của Khánh khoe với tôi định đem đi Hội nghị Quốc tế để lên án chất độc đi-ô-xin hủy diệt con người từ trứng nước. Nếu những điều tôi suy tưởng có một đường dây chặt chẽ, rằng cô gái là mẹ của đứa con quái thai mà Khánh đang giữ làm bằng chứng khoa học là con của cô gái, thì to chuyện, không thể bỏ qua.

Tuy nhiên, những ngày Khánh sắp lên đường đi dự Hội nghị Khoa học về chất độc đi- ô- xin, Khánh bù đầu vì công việc chung và riêng, là cưới vợ trước khi lên đường nên tôi chẳng chen vào mà nói chuyện với Khánh. Vợ tương lai của Khánh là Toàn, cũng là bác sĩ, cùng bệnh viện với anh, không đẹp, chỉ ưa nhìn, ăn mặc toàn đồ hiệu, có lý lịch khủng, là con cả của một vị thứ trưởng ngành bộ Xây dựng, cơ nghiệp vững vàng. Khánh sắp cưới, tôi chập mạch à mà đem chuyện cô gái hoang tưởng nói với bạn. Chuyện này tôi dự định sẽ nói với Khánh, nhưng giảm sự nghiêm trọng đi bằng cuộc bia hơi ồn ào ở quán Xổm, cạnh bệnh viện.

Ga cuối - Truyện ngắn dự thi của Hà Đình Cẩn
Tranh minh họa. Nguồn pinterest.com

Tôi dè dặt vì quý bạn, nhưng thiên hạ đâu có dè dặt với anh.

Một hôm có một người, sau này thì tôi mới biết, là người đã đón cô gái hoang tưởng không phải lên tàu về ga Hạnh Phúc như cô mơ tưởng mà về nhà chăm nuôi, rồi một mình quay lại tìm bác sĩ Khánh trong một bộ quân phục cũ, đội mũ cối, đi dép cao su, rất thời thượng thời mới hòa bình.

Tôi nhớ hôm đó, trước ngày cưới cặp đôi Khánh - Toàn chừng một tuần, thiếp mời đã gửi, cỗ do nhà gái hỗ trợ đặt ở phòng cưới hạng nhất khách sạn Daewoo, Hà Nội cũng đã xong thì anh bộ đội đội mũ cối lại tìm đến Khánh.

Anh bộ đội không nề hà, đã xin gặp bác sĩ Khánh là tìm gặp bằng được dù bị nhắn là bận họp, xin gặp sau. Anh bộ đội đội mũ cối đi thẳng vào tận phòng bác sĩ Khánh đang hội ý với một vài người trong Khoa Nội, gõ cửa, lên tiếng, tôi gặp bác sĩ Khánh chỉ một phút. Nhưng chưa đến một phút, mọi người còn đang chưa biết việc gì xảy ra, anh bộ đội nhìn thẳng bác sĩ Khánh, nói một câu ngắn gọn, thưa bác sĩ Khánh, tôi là Trung, con trai bác sĩ Đoan mất ở chiến trường, đã trở về. Bác sĩ bận họp, tôi xin nói chuyện sau. Xin lỗi làm phiền các anh chị. Khánh đang ngồi, nhướng mắt lên rồi xụp xuống như người đột nhiên bị đau tim. Nhưng cũng rất nhanh, khi thấy anh bộ đội tự giới thiệu là Trung nhanh nhẹn bước ra cửa, Khánh tỉnh lại, nói một câu ngắn, bác sĩ hay bị bệnh nhân làm phiền thế đấy, không thể ngăn, rồi anh lại ngồi ngay ngắn điều khiển cuộc họp như không có chuyện gì xảy ra.

Khánh làm việc bình thường hết cả ngày hôm đó. Nhưng hôm sau, Khoa Nội thông báo vì cưới xong, Khánh phải đi họp ở Pari, để cô dâu đỡ tủi thân, anh đưa cô đi nghỉ mát mấy ngày trước khi bay. Việc quá hợp tình, hợp lý, anh chị em trong Khoa còn đánh giá cao việc làm có tình, có nghĩa với cô dâu đồng nghiệp tương lai. Khánh đi nghỉ mát ở đâu, không ai rõ. Tuy nhiên đầu buổi sáng làm việc mỗi ngày anh đều nhờ điện thoại của khách sạn gọi về cho cơ quan, hỏi xem ở nhà có gì mới không và nhắc nhở công việc, thăm hỏi mọi người. Cũng từ hôm ấy, trong Khoa không thấy anh bộ đội đội mũ cối quay lại.

Rồi ngày cưới của Khánh cũng đến. Cơ quan vui như hội, chị em bảo nhau mặc đẹp đi dự cưới. Đám cưới có thể nói là trọng thể lại còn có ban nhạc sống với vài ca sĩ đình đám đến hát. Mọi việc hoàn hảo với Khánh nếu không xuất hiện anh bộ đội đội mũ cối. Anh đến xin gặp chú rể, kéo chú rể ra một góc, rồi thì thào gì đó, xong anh lại đi ngay. Có vẻ như anh bộ đội không muốn làm gián đoạn ngày vui của Khánh. Chú rể lại tiếp tục đám cưới như không có chuyện gì xảy ra. Hai ngày sau bác sĩ Khánh lên đường đi Hội nghị quốc tế ở Pari, chỉ không đem theo tiêu bản là cái xác trẻ sơ sinh không hoàn chỉnh ngâm trong bình phóoc-môn để làm vật chứng về sự tàn phá của đi- ô -xin với thế hệ sau của người lính ở chiến trường.

Khánh đi Hội nghị Quốc tế một tuần thì về, gương mặt tươi vui về sự thành công vì bản tham luận gây được sự quan tâm đặc biệt của các nhà khoa học. Bản tham luận của anh còn được một số tờ báo lớn ở Pháp trích đăng. Tiếng vang của nhà nghiên cứu đi- ô -xin của bác sĩ trẻ Việt Nam vang vọng tận quê nhà, báo Việt như Quân đội nhân dân, Nhân dân đưa tin trang trọng trên trang tư, lại còn in cả ảnh bác sĩ Khánh với gương mặt tự tin trên diễn đàn quốc tế.

Khánh trở lại bệnh viện làm việc ngày hôm trước, thì hôm sau, anh bộ đội đội mũ cối lại đến tận Khoa Ngoại chúc mừng bác sĩ Khánh. Lần này anh bộ đội đến không đội mũ cối mà ăn mặc như sinh viên Y khoa tập sự, xách cái cặp tàng tàng, áo trắng, quần xanh gọn gàng, đeo dép nhựa màu nâu, đội mũ vải xanh. Cứ như bình thường trong giờ hành chính, có khách, Khánh sẽ từ chối tiếp vì công việc, nhưng với anh bộ đội thì Khánh như có một mệnh lệnh bí mật nào đó, anh phải tiếp khách. Anh bộ đội mời bác sĩ Khánh đi uống cà phê ở quán Hạ Trắng ngay trước cửa bệnh viện. Đó là cái quán khá rộng, đông khách nhưng anh bộ đội và Khánh vẫn chọn được chiếc bàn ở một góc, xa mọi người để tiện nói chuyện. Lần này, không phải anh bộ đội mà là Khánh có lời trước, cám ơn Trung, tên anh bộ đội, đã giúp cho anh đến Hội nghị Quốc tế thành công. Trung đáp lời, vâng, rất mừng là hiểm họa đi- ô- xin ở Việt Nam được vang lên trên thế giới, buộc Mỹ phải quan tâm đến thực tế là phải tham gia giải độc đi- ô -xin còn lại trong lòng đất ở các chiến trường xưa. Trung nói, rồi mở chiếc cặp tàng tàng, lôi ra một tập giấy viết chữ chi chít, chỗ nhòe, chỗ rõ, khó đọc, cầm ở tay, nhưng chưa đưa cho bác sĩ Khánh.

Khánh nói, tôi và vợ tôi cám ơn anh nhiều nhiều lắm, may mắn cho tôi gặp lại được một người nhân ái và rộng lượng, không cản trở mà tiếp tục mở lối cho tôi đi tiếp con đường của mình. Trung bảo, anh đường đột gặp lại tôi, không chỉ có may mắn đâu, tôi còn yêu cầu anh làm một số việc mà bây giờ tôi mới nói.

Nghe người trước mặt mình nói úp mở, bác sĩ Khánh hơi sững lại, nhìn Trung kỹ hơn. Gương mặt vẫn là Trung thời còn làm lính bảo vệ Trạm Quân y Trung đoàn, nhưng rắn giỏi hơn, từng trải hơn, đã có râu lún phún. Bác sĩ Khánh nhớ Trung mới ở Trạm Quân Y được vài tháng, hai người chỉ biết nhau trong tư cách người chỉ huy với chiến sĩ làm công việc phục vụ của đơn vị. Hình ảnh mà Khánh nhớ đây là con trai của nữ trung tá bác sĩ trong tốp chuyên gia của Bộ y tế ra chiến trường nghiên cứu chất độc đi- ô -xin, nhưng bà không ở Trạm Quân Y mà ở Ban quân y trên trung đoàn cho tiện công tác. Nếu có ưu tiên phần nào cho Trung thì chỉ do cậu ta là con một của nữ bác sĩ có quyền trên anh, tuổi đời, tuổi nghề cũng cao hơn anh. Trong một lần Trạm Quân Y cần tìm địa điểm để di chuyển đến gần mặt trận hơn, Trung xung phong đi làm việc này với tốp ba người lính. Họ đi rồi biệt tăm. Đến mấy hôm sau mới có trinh sát trung đoàn thông báo, tốp đi tìm địa điểm cho Trạm không may rơi vào ổ giặc phục kích. Anh em chiến đấu rất dũng cảm, hai chiến sĩ bị hi sinh còn Trung bị giặc bắt. Thật là một tin chấn động cả trung đoàn vì lúc bấy giờ, đơn vị chưa nổ súng đã có chiến sĩ bị giặc bắt, lo bị lộ các vị trí xuất phát xung phong thì kế hoạch tác chiến phải thay đổi, rất rầy rà. Nhưng có thể Trung không biết bố trí lực lượng của trung đoàn, có thể, Trung không khai báo, nên máy bay địch ngày sau đó dội bom vẫn dội vào cánh rừng không người.

Bác sĩ Khánh hỏi Trung, từ khi bị giặc bắt, chúng có tra tấn anh không? Trung vò đầu, bảo, khi anh bị chúng đưa lên tàu đi trại giam Phú Quốc, thì anh chưa bị đánh, chỉ bỏ đói hai ngày trên biển, bỏ đói để tù binh kiệt sức không thể nổi loạn, chống đối trên tàu. Còn về tới trại giam, anh bị tra tấn hai lần, chỉ là tra khảo thôi, không tàn độc. Có lẽ chúng thấy anh còn trẻ, lại là lính trơn, không biết gì, nên chỉ tra khảo nhẹ để lập bản khai cung trong tù chứ không gia hình.

Trung nhìn bác sĩ Khánh nói, đúng là như ta nói, không may của người này lại là may mắn của người khác, phải không bác sĩ. Về câu hỏi này, Khánh chỉ ậm ừ trả lời, không nói rành mạch. Vì sao? Vì đây là câu chuyện chạm đến nỗi xấu hổ, bẽ bàng nhất của Khánh, nếu không nói đó là tội ác mà anh vẫn giữ kín lâu nay mà bây giờ bị người trong cuộc truy vấn lại. Khánh ậm ừ không nói thì Trung nói. Trung bảo rằng, hôm nay, cũng có thể là lần gặp cuối cùng với bác sĩ Khánh, anh phải nói, nói để bác sĩ nên nhớ lại, chứ anh không có ý truy sát một bác sĩ một người đang làm việc chữa bệnh cho con người. Trung nói, anh gặp lại chị Thanh, mới biết ra sự việc, khi anh biến mất khỏi đơn vị hóa ra lại là một dịp may hiếm có để chị ấy có thể bấu víu vào mà tiếp tục sống. Đàn bà lúc yếu đuối, lúc cô độc, lúc bị lừa gạt, cần một cái cọng cỏ để bấu víu, cũng cố bấu víu để bước qua. Chả phải nói chuyện này thì anh cũng biết hơn tôi, anh yêu cô ấy, cô ấy có thai với anh, nhưng nghĩ đến tương lai của một bác sĩ trẻ ở mặt trận, anh nỡ nhẫn tâm hắt bỏ cô ấy như ném một mớ rau rừng. Anh biết là cô ấy quá đau khổ. Trong lúc tuyệt vọng, cô ấy bỗng liều lĩnh để thoát ra một lối đi nhỏ trong rừng, ấy là bất ngờ nhận tôi, kẻ biến khỏi ở Trạm Quân Y là chủ của cái thai cô đang mang. Lại một cuộc chấn động ở Trạm. Không ai có thể ngờ tôi lại là người yêu của cô Thanh, người yêu đã liều lĩnh quá đáng, làm cho cô mang thai rồi biến mất. Chả lấy gì làm bằng cớ cả. Với lại tôi đã mất, ai cũng không nỡ nặng lời với Thanh đang mang thai. Bệnh án vào Trạm sinh đẻ của Thanh là, người yêu của Trung, hai mươi tuổi, đang mất tích. Anh yên tâm về cái bệnh án khai khống này của Thanh. Anh thoát khỏi bị truy vấn là kẻ bạc tình. Anh biết đấy trong cuộc đời, các cụ nói, cái sảy (nhỏ), có thể lại nảy cái ung (to). Có một người vừa đau đớn, lại vừa hạnh phúc là mẹ tôi. Mẹ vừa nhận tin buồn con trai mất tích, thì lại biết tin con trai có người yêu, sắp đẻ, để lại cho mẹ một đứa cháu. Mẹ chạy bộ từ trung đoàn bộ xuống Trạm Quân Y của anh, xộc ngay vào buồng bà đẻ, nhìn thấy đứa con mới ra đời của Thanh, bấy giờ đã là cái xác dị hình, với cái đầu to tướng nhưng chỉ có một mắt, bà kêu lên như tiếng thét, trời ơi, cháu của tôi đây ư? Bà ngất đi. Ngày ấy như Thanh kể lại, mẹ tôi đã yếu lắm rồi. Bà vào chiến trường nghiên cứu chất độc đi- ô- xin và có lẽ chất độc đã huỷ hoại cơ thể bà.

Trung đang nói thì bác sĩ Khánh mặt tái xanh như chàm, chỉ còn sức xua xua tay, thôi, thôi, xin anh đừng kể nữa. Có thể sức anh không chịu được ký ức nặng nề và đau đớn nữa, anh xin tha thứ. Trung chiều anh, không nói thêm. Vì dù sao, thì chuyện anh nói, bác sĩ còn rõ ràng hơn, biết tường tận hơn và nung nấu trong lòng hơn chục năm qua. Trung nhẹ nhàng lái sang chuyện khác, vâng, tôi phải cám ơn anh, anh đã cứu chữa và mai táng cho mẹ tôi mất ở Trạm Quân Y, và hơn nữa, anh lại tiếp tục làm cho mẹ tôi sống lại với cuộc đời. Bác sĩ Khánh hỏi lại, sống lại ư? Tôi làm cho mẹ của Trung sống lại ư? Trung bảo, đúng thế. Mẹ tôi mất để lại trong ba lô ở Trạm Quân Y tập tài liệu cơ bản ghi chép điều tra chất độc đi- ô- xin rất công phu ở chiến trường. Tập tài liệu vàng ấy vào tay anh, và ngay lập tức anh hướng vào công việc nghiên cứu chất độc giết người này để cuối cùng anh có bản tham luận rất chất lượng ở Hội nghị Quốc tế, gây tiếng vang trên thế giới.

Nói với nhau một mạch, hai người chợt ngồi im, lặng lẽ uống cà phê sữa, dù ngọt, nhưng cả hai cảm thấy đắng trong miệng. Cho đến khi sắp đứng dậy trả tiền cà phê, và chia tay nhau, Trung mới đặt tập tài liệu viết tay của mẹ anh tìm thấy vào tay bác sĩ Khánh, rồi nói một câu có vẻ sách vở, anh ạ, khoa học là phải chấp nhận, người sau đứng lên vai người trước để tiếp nhận và làm đầy tri thức phục vụ con người. Tập tài liệu nghiên cứu đi- ô -xin còn dở dang của mẹ tôi có thể giúp ích cho anh tiếp tục công trình khoa học của mình. Mẹ tôi chết sẽ không uổng phí nếu công việc còn dở dang của mẹ được tiếp tục để cống hiến cho cuộc đời. Khánh đưa tay nhận tập tài liệu, định đứng lên, Trung giữ tay anh bác sĩ lại, nói còn một chuyện nhỏ nữa, chuyện của Thanh. Như anh biết đấy Thanh muốn mai táng đứa con không hoàn chỉnh của mình ở nơi cháu ra đời, như một đứa trẻ bình thường, chứ không muốn con của mình là một tiêu bản khoa học để đi triển lãm. Vì thế Thanh muốn anh đem đứa con của cô ấy, trở lại Trạm Quân Y xưa, chôn cất cháu. Bác sĩ Khánh nói nhanh, vâng, vâng, tôi sẽ làm ngay việc này để Thanh đỡ đau khổ.

Hai người chia tay. Chỉ ngày hôm sau bác sĩ Khánh xin với bệnh viện nghỉ dăm ngày để quay lại chiến trường xưa. Anh đi một mình, với chiếc bình hoóc môn ngâm xác đứa trẻ sơ sinh dị hình. Năm ngày sau anh về người đen xạm, hốc hác, nhưng có vẻ thanh thản hơn, đem lên Ban giám đốc bệnh viện xin thôi việc để chuyển sang Ban nghiên cứu chất độc đi- ô -xin của Ủy Ban Khao học Nhà nước. Hôm bác sĩ Khánh chuyển ngành, Trung không đến gặp anh để chia tay vì sáng đó anh đưa Thanh lên tàu, để đưa Thanh đến nơi mà cô hằng mơ là phải đến bằng được ga Hạnh Phúc.

Nguồn Văn nghệ số 39/2022

Văn nghệ, số 39/2022
Ru ca - Thơ Nguyễn Ngọc Tung

Ru ca - Thơ Nguyễn Ngọc Tung

Baovannghe.vn- Em ru ca/ Em ru nỗi người
Ủy ban thường vụ Quốc hội: Sẽ tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ 9

Ủy ban thường vụ Quốc hội: Sẽ tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ 9

Baovannghe.vn - Tháng 2/2025 dự kiến sẽ diễn ra kỳ họp bất thường lần thứ 9 của Quốc hội để sửa luật, phục vụ triển khai sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy
Canh sắn - món ăn đậm tình người và đất Trung du

Canh sắn - món ăn đậm tình người và đất Trung du

Baovannghe.vn - Ai từng đến Phú Thọ, ngoài chiêm bái đền Hùng và quần thể di tích Lạc Long Quân - Âu Cơ thì đều được giới thiệu món canh rau sắn, đặc sản của người trung du.
Tiếng nói của vết thương

Tiếng nói của vết thương

Baovannghe.vn - Hiện thực khốc liệt của cuộc chiến tranh đã được các cây bút tái hiện trong nhiều tiểu thuyết có giá trị văn học, thoát khỏi kiểu “văn học minh hoạ” mang đậm dấu ấn tiểu thuyết hậu hiện đại phương Tây.
Xác khói vẽ bùa - Thơ Lê Hải Kỳ

Xác khói vẽ bùa - Thơ Lê Hải Kỳ

Baovannghe.vn- Tôi nghe lồng ngực vỡ/ từng mảnh đàn bà