Sáng tác

George Saunders: Thác nước

George Saunders / Tinh Sương dịch
Văn học nước ngoài
10:27 | 26/08/2024
Baovannghe.vn- Ngôi trường ấy nằm gọn trong lòng rừng phong, nơi sườn đồi dốc xuống sông Taganac rộng lớn. Con sông càng thu hẹp, dòng chảy theo đó mà tăng tốc và cuối cùng đổ ầm xuống thác Bryce cách đó một dặm, gần căn nhà thuê bé tẹo đến mức đáng xấu hổ của Morse.
aa
George Saunders: Thác nước

George Saunders, sinh năm 1958, là một tiểu thuyết gia, nhà văn truyện ngắn, nhà văn viết sách thiếu nhi người Mỹ. George Saunders đã xuất bản hơn hai mươi truyện ngắn trên tạp chí The New Yorker kể từ khi tác phẩm đầu tiên của ông xuất hiện trên tạp chí này vào năm 1992. Phần lớn tác phẩm của ông diễn ra trong một thế giới song song với thế giới chúng ta đang sống, một thế giới mà mọi người có thể có quảng cáo được cấy vào não, chẳng hạn, hoặc biểu diễn trong một Địa ngục phiên bản công viên giải trí mà họ không thể thoát khỏi.

Được tạp chí The New Yorker vinh danh là một trong những nhà văn Mỹ xuất sắc dưới 40 tuổi năm 1999, Saunders đã xuất bản chín cuốn sách, cả truyện ngắn và tiểu thuyết. Tiểu thuyết Lincoln in the Bardo đoạt giải Booker Prize năm 2017.

Thần kinh của Morse căng hết cả lên khi băng qua khuôn viên trường St. Jude đúng vào lúc tan học. Gã cảm giác rằng nếu mỉm cười với đám trẻ mặc đồng phục Công giáo, chúng có lẽ sẽ nghĩ gã là một kẻ lập dị hay biến thái. Còn nếu không cười, chúng lại có thể nghĩ gã là một lão già gắt gỏng bị đời vùi cho đủ mọi đắng cay; mà theo một số tiêu chuẩn nhất định, gã thừa nhận, mình đúng là như vậy. Thậm chí đôi khi, Morse tự hỏi liệu mình có thực sự cư xử quái gở theo một kiểu nào đó, dẫu nhất định gã không phải là một tên biến thái. Gã chắc chắn đấy. Ít nhất là có hơi chắc chắn. Morse tin rằng tự tin thái quá mới chính là thứ khiến người ta trở nên lập dị. Khiêm tốn mới là điều quan trọng, gã nghĩ vậy, và rồi cố nặn ra một biểu cảm như khi những kí ức về tuổi trẻ của bản thân chợt thoáng qua trước mắt, một khuôn mặt không hề lập dị hay biến thái. Khiêm tốn mới là điều quan trọng.

Ngôi trường ấy nằm gọn trong lòng rừng phong, nơi sườn đồi dốc xuống sông Taganac rộng lớn. Con sông càng thu hẹp, dòng chảy theo đó mà tăng tốc và cuối cùng đổ ầm xuống thác Bryce cách đó một dặm, gần căn nhà thuê bé tẹo đến mức đáng xấu hổ của Morse. Dẫu thế nào thì gã vẫn phải nên cảm thấy biết ơn, bởi đó là chốn dung thân tốt nhất mà gã có được. Mặc dù có lúc gã chẳng hề cảm thấy biết ơn chút nào và tự hỏi mình đã sai lầm ở đâu; nhưng đôi khi, gã lại khá hài lòng với túp lều màu xanh nhỏ bé và xập xệ ấy, với lớp sơn chì bong tróc phủ đầy xung quanh. Gã còn cảm thấy thương hại những kẻ lang thang tội nghiệp phải chen mình sống trong những khu ổ chuột đầy tệ nạn, thậm chí còn chật chội hơn cái nơi tồi tàn này của gã. Gã mang theo những cảm xúc ấy xuống đồi, ánh nắng rực rỡ rọi theo từng bước đi thong thả hướng về nhà. Con đường này dọc theo dòng sông xanh mát, còn hai bên trải những căn biệt thự xa hoa của những kẻ mà gã hết sức căm phẫn.

Morse có dáng người cao gầy, toát ra vẻ xám xịt và u ám như một nhà thờ sắp bị tu sửa. Quần gã mặc thì quá ngắn, khuôn mặt thi thoảng lại giật giật thành một nụ cười gượng gạo, miễn cưỡng, rồi lại nhanh chóng biến mất, như thể vừa phải chịu đựng một cơn đau nhói bất chợt. Ở sở làm, gã nổi tiếng hay xen vào các cuộc trò chuyện bằng những tiếng cười man dại trong chốc lát, kèm theo những cơn hừng hực nhiệt tình ngớ ngẩn. Rồi cho đến khi bối rối xấu hổ, Morse lại nhét vội hai tay vào túi quần, sau đó lại giật chúng ra ngoài, dường như quá xấu hổ về chính sự xấu hổ của mình đến mức không thể chỉ đứng đó cau có thêm một giây nào nữa.

Trên đường đi, bỗng phía sau gã vang lên một loạt tiếng bước chân lạo xạo không theo nhịp. Morse quay lại và nhìn thấy Aldo Cummings, một anh chàng kì quái, gần bốn mươi tuổi rồi mà vẫn ở với mẹ. Cummings không đi làm, tóc mái cắt ngang trán và thậm chí cả giữa mùa đông khắc nghiệt cũng chỉ mặc quần cộc thể dục. Morse hi vọng Cummings sẽ không lôi mình vào chuyện trò dai dẳng. Khi Cummings không làm vậy, thậm chí còn đi ngang qua mà không đáp lại nụ cười mệt mỏi, tự ti của gã, Morse cảm thấy tội lỗi vì đã nghi ngờ Cummings muốn làm phiền mình, rồi lại bực bội vì Cummings, một người có thể buôn chuyện với cả nhân viên dọn vệ sinh tòa thị chính, lại không cố bắt chuyện với mình. Liệu gã có làm gì xúc phạm Cummings không? Gã lo lắng rằng Cummings không thích mình, và lại càng lo lắng hơn vì mình lo lắng về việc một kẻ lập dị như Cummings có thích mình hay không. Phải chăng gã là kiểu người hay lo lắng thái quá? Thật là đáng lo ngại mà. Sao gã phải lo lắng khi tất cả những gì gã đang làm là về nhà để tận hưởng khoảng thời gian vui vẻ bên những đứa con xinh đẹp của mình mà không chút lo âu? Cho dù vậy thì về mặt khác, buổi biểu diễn đàn piano của Robert chắc chắn sẽ là một thảm họa, vì Robert chưa bao giờ tập luyện, họ lại không có đàn piano và thậm chí còn không chắc chắn buổi biểu diễn diễn ra ở đâu hay vào lúc nào. Còn Annie, Chúa phù hộ cho con bé, đã ăn mất cái phím đàn bằng bìa cứng mà gã làm cho Robert tập luyện. Khi về nhà, gã sẽ làm cho Robert một bàn phím bằng bìa cứng mới và cầu xin nó tập luyện. Thậm chí gã có thể ra lệnh cho thằng bé phải tập. Thậm chí gã có thể ép thằng bé phải tự làm bàn phím bằng bìa cứng của riêng mình, rồi sau đó tập luyện. Kể cả vậy thì điều này khó mà xảy ra, bởi vì khi gã trở nên nghiêm khắc với Robert, thì Robert sẽ khóc thút thít, và Morse yêu Robert nhiều đến nỗi gã không thể chịu đựng được cảnh thằng bé khóc, dẫu cho nếu gã không cứng rắn hơn với Robert, thì thằng bé sẽ chỉ nằm trên giường và che mặt với chiếc găng tay bóng chày.

Hỡi ôi, cuộc sống thật chẳng dễ dàng gì. Không phải gã không nhận ra rằng nó có thể tồi tệ hơn nhiều; nhưng cứ loanh quanh trong tình trạng như vậy, mạch đập nhanh, mặt đỏ bừng, lo lắng đến phát ốm chỉ vì sợ ai đó nhận ra mình đang bồn chồn đến mức nào thì cũng không hề lí tưởng. Gã dám chắc rằng cơ thể mình đang tiết ra đủ loại hóa chất độc hại, và càng lo lắng về những hóa chất độc hại đó thì chúng càng tiết ra nhanh và nhiều hơn.

Khi về nhà, gã sẽ ngồi trên bậc thềm tận hưởng vài phút hít thở sâu, lặp lại câu thần chú “bình tĩnh đi, bình tĩnh đi” trước khi bọn trẻ chạy ùa ra, túm lấy chân gã và đôi khi còn cắn mạnh vào vì phấn khích. Rồi Ruth sẽ ra ngoài, nhắc nhở gã bằng tông giọng giận hờn rằng gã không phải người duy nhất làm việc cả ngày. Vừa đi bộ, gã vừa ngắm nhìn dòng sông Taganac xinh đẹp, cố gắng để cảm nhận được chút gì đó thanh bình từ nó, nhưng thay vào đó, gã lại ám ảnh về cái cửa phụ bị hỏng ở ngoài cổng nhà. Về lí thuyết thì bé Annie có thể men theo đó mà chập chững mò ra khỏi sân và trượt chân ngã xuống sông. Gã đã hình dung ra cảnh mình khóc lóc trên bờ sông luôn rồi. Để loại bỏ suy nghĩ này, gã bắt đầu vừa điên cuồng huýt sáo bài “Lá cờ sọc sao muôn năm” vừa vỗ tay vào hai bên hông.

Cummings hả hê đi ngang qua cối xay gió đã được phục hồi, khoái trá vì đã hoàn toàn phớt lờ đi Morse. Một tên trọc phú kiêu ngạo thuộc tầng lớp thượng lưu quyền lực ở ngôi làng toàn thâm mưu này. Morse chỉ là một trong lũ áp bức tàn bạo, chúng chẳng bao giờ hiểu được cảnh ngộ của những nghệ sĩ đang vật lộn ngoài kia cho đến khi số phận của những người nghệ sĩ nghèo khó ấy bỗng hiện ra với vẻ oai nghiêm u uất, rồi cắn vào cái mông quần vải pô-ly của gã một nhát đau.

Bên kia cây cầu phố Pen, một đám mây đen đang sầm sì trôi. Như đang trả lời phỏng vấn trong đầu, Cummings nghĩ rằng cơn mưa sắp đến kia sẽ khiến cho bầu trời càng trở nên trong xanh và rực rỡ hơn, bởi nó cũng sẽ sớm qua đi. Đó là vẻ đẹp phù du của một ngày nắng, chóng tàn trước dòng thời gian vội vã.

Thời gian thật tự mãn, mới chớm nở mà đã ngạo mạn, đúng là đê tiện. Chẳng phải hắn đều biến tất cả chúng ta thành kẻ lười biếng vô tích sự? Đôi gò má gầy gò, thanh âm như vang vọng từ những ngôi mộ, ánh nhìn cảnh cáo cùng những ngón tay xương xẩu. Hắn chĩa ra như đang quở trách, như thể muốn nói, “Ta khuyên ngươi hãy nhớ về cái chết trẻ sắp xảy đến của mình đi, rồi nó sẽ ập đến và ngươi sẽ chẳng thoát được đâu. Sắp đến rồi, thân xác phàm trần kia hỡi, đừng nghĩ rằng chiếc khăn tang ghê rợn ấy sẽ không tức khắc phủ lên đôi lông mày cau có của ngươi. Số phận của ngươi đã được định sẵn trong cuốn sách bụi bặm này của ta, bằng chính ngón tay xương xẩu mà ta đang chĩa vào ngươi bây giờ. Hỡi kẻ phù phiếm trong những kẻ phù phiếm, hỡi tên hời hợt, hỡi kẻ trốn tránh bổn phận trong khi lững thững chạy theo những thú vui trần tục kia.”

Quả là những ý tưởng hay, phải chi anh có thể nhớ được chúng qua quãng đường đi bộ còn lại và cơn bão sắp tới, để có thể ghi chép bằng nét bút nồng nhiệt hơn lên cuốn sổ tay màu vàng của mình. Anh cứ hăng say đắm đuối nghĩ về chiếc sổ tay màu vàng trống trơn ấy. Với mọi nhiệt tâm rực lửa đặt vào chiếc sổ tay ấy, ngay hôm nay, tiếng tăm của anh sẽ được phất lên. Không. Ngay hôm nay, những nét viết thảo đầu tiên, báo hiệu cho sự nổi tiếng chớm nở của anh sẽ được khắc lên, hay đúng hơn là được viết ra. Và một ngày nào đó, ai đó sẽ lật lại cuốn sổ ghi chép màu vàng của anh và vui sướng thốt lên lên “Eureka” khi họ nhận ra một mảnh vỡ nhỏ bé nhưng chứa đựng vô vàn những chi tiết quan trọng. Lúc ấy, chẳng phải đủ loại nữ sĩ trong chiếc áo khoác đen ngắn cũng sẽ muốn gặp anh sao!

Sau này, anh phải luôn nhớ mang theo cuốn sổ của mình ở bất cứ đâu.

Thị trấn đã chi rất nhiều tiền cho khu vực bên bờ sông. Và giờ đây, dòng sông Taganac rì rầm và cuộn chảy ngang qua một tiệm làm móng trong một xưởng xay lúa được tu sửa, một quán cà phê trong một tòa tháp than cũ, và một quảng trường công cộng cổ kính nơi có một nhóm học sinh trung học với những kiểu tóc kì lạ đang cố sút bóng vào cửa sổ hé mở của một chiếc xe Colt đang đậu. Chúng hả hê một cách hung hăng và trông khó chịu đến mức dường như chúng tin chính mình là những cậu bé đầu tiên từng bước đi trên mặt đất. Morse lo lắng. Điều gì sẽ xảy ra nếu Annie lớn lên và đưa một trong những đứa quái gở như vậy về nhà? Tất nhiên không phải chính xác lũ này, vì chúng hơn Annie khoảng mười lăm tuổi, mặc dù có khả năng là đến năm hai mươi, con bé có thể đưa về nhà đúng một trong những tên nhóc này, người đến lúc đó sẽ khoảng ba mươi lăm tuổi. Dĩ nhiên là kẻ đó sẽ phải bước qua xác của Morse, mặc dù trong lòng gã biết mình sẽ không ầm ĩ về chuyện đó ngay cả khi con bé đưa về nhà một trong những tên chuyên phá quấy vừa đá bóng vào chiếc xe Colt và bây giờ đang nhảy cẫng lên sung sướng, đập ngực trần vào nhau trong khi gầm gừ như một đám hải mã. Thực tế gã rõ rằng, thay vì đuổi cổ tên quái vật ba mươi lăm tuổi ra khỏi nhà, gã có thể sẽ phải mời tên đó cà phê hoặc nước ngọt để cố gắng ngăn hắn làm hư Annie. Lạy Chúa nó vẫn chỉ là một đứa trẻ bé bỏng thôi. Bởi vì Morse biết rõ bản chất của gã, hèn nhát trước xung đột, dễ dàng nhượng bộ đến mức đáng trách, nhẹ dạ đến mức đáng thương. Với mỗi nỗi dằn vặt, ông nhớ về Len Beck, tên tiền bối đã lừa gã sơn mông mình thành màu xanh vào năm cuối cấp. Nếu thực sự có một Hội Người Mông Xanh bí mật, nếu việc nhuộm mông xanh thực sự là cần thiết để gia nhập, thì điều đó đã đủ tệ rồi. Nhưng phát hiện ra vào đúng đêm vũ hội rằng chính mình đã nhuộm mông thành màu xanh chỉ để đám tay bơi vô cảm kia vui đùa, những kẻ sau đó còn đưa ảnh cho bạn nhảy của mình nữa, thì thật là quá đáng! Và gã đã vui mừng, thực sự rất vui mừng ít nhất là lúc đầu, khi Beck đã cố gắng bơi đến gốc cây chết Foley trong lúc còn say xỉn nhưng không thành. Kết cuộc, cậu ta bị cuốn trôi khỏi thác nước trong đêm tối. Đó là bi kịch lớn nhất trong năm cuối cấp của họ, một bi kịch đã may mắn làm lu mờ cái mông xanh của Morse trong kí ức tập thể của lớp.

George Saunders: Thác nước
Ảnh: Zachary Kyra-Derksen

Hai cô bé tóc đỏ lướt ngang trên chiếc xuồng xanh, trôi theo dòng nước. Chúng hét lên điều gì đó với gã, và gã vẫy tay chào lại. Liệu chúng có đang chửi rủa? Chắc chắn là có khả năng. Hẳn là trẻ con ngày nay không tôn trọng người lớn lắm, mặc dù phải thừa nhận là luôn có Ben Akbar, cậu bé thiên tài người Pakistan hàng xóm, người đôi khi khiến Morse phải nhìn Robert bằng ánh mắt ngờ vực. Ben là một nghệ sĩ cello toàn bang, đồng thời cũng là thành viên đội đấu vật, luôn ngọt ngào với những đứa trẻ nhỏ hơn, biết vẽ tranh tô màu và có thể chống đẩy bằng một tay. “Ồ, Ben gì gì đó ấy,” Morse nghĩ, “mười đứa như Ben cũng không đáng giá bằng một Robert,” mặc dù gã không thể nghĩ ra lĩnh vực nào Robert vượt trội hoặc thậm chí bằng Ben, nhóc con thông minh ấy. Mặc dù chắc chắn gã không phủ định rằng Ben chỉ là một cậu bé, nhưng nếu Ben nghĩ rằng việc giỏi giang, thân thiện và tài năng hơn Robert và điều đó cho phép cậu ta được hống hách với Robert thì cậu ấy đã nhầm rồi. Không phải là Ben thực sự từng hống hách với Robert. Ngược lại, Robert thường vỗ ngực tự cao với Ben, hoặc cố gắng làm như vậy dù luôn thất bại, bởi Ben quá sắc sảo để bị lừa bởi một tên bịp bợm nhỏ bé như Robert, và mặt Morse đỏ lên khi nhận ra rằng gã vừa mới mô tả con trai ruột mình là bịp bợm.

Trời ơi, cuộc sống còn có thể hành hạ con người đến thế sao? Cuộc sống có thể nào đẩy một người vào một nơi tối tăm, lạ lẫm đến mức gã ta phải làm những điều khiếm nhã, không thể dung thứ, chẳng hạn như chỉ trích đứa con đầu lòng yêu quý của mình? Giá như gã có thể thoát khỏi BlasCorp và làm được điều gì đó quan trọng, ví dụ như tìm ra vắc-xin cứu người. Nhưng đã quá muộn, và gã ta chưa bao giờ giỏi sinh học, thậm chí còn từng trượt môn này hai lần. Thế nhưng ai mà chẳng muốn có một thời khắc được tỏa sáng? Giá như gã có thể là một tù binh bị tra tấn, không những không hé răng khai báo mà còn dẫn đầu các tù binh khác hát vang những bài thánh ca đầy nhiệt huyết, bất chấp nguy hiểm. Giá như gã tận mắt chứng kiến một phép màu thực sự, hoặc cứu tổng thống thoát khỏi tay sát thủ, hay trúng xổ số và quyên góp toàn bộ cho từ thiện. Giá như gã có thể là một phần của sự kiện lịch sử vĩ đại nào đó, giống như những ông già trên PBS, những người từng bị đấm đá trong cuộc bạo loạn Haymarket, quen biết Medgar Evers, hay mất những người mẹ xinh đẹp trên tàu Titanic. Ước mơ thời thơ ấu của gã từng rực rỡ biết bao, gã từng hi vọng biết bao điều, không thể tin được là gã lại chẳng là ai cả. Mặt khác, ai lại dành những năm tháng đẹp nhất đời mình để chửi rủa một cái máy photocopy chứ? Không phải là gã đang phàn nàn. Không phải là gã không trân trọng những gì mình có. Gã yêu những đứa con của mình. Gã yêu bóng dáng của Ruth nằm trên giường dưới ánh nến lờ mờ, khi gã chèn giỏ đựng đồ giặt vào cánh cửa chẳng chịu đóng vì ngôi nhà ngày càng lụp xụp, yêu vẻ mặt của nàng ấy khi gã bước vào, yêu cách nàng ấy xem nhẹ chuyện về cái mông xanh, mặc dù gã không thực sự thích việc thi thoảng nàng lôi chuyện đó ra mỗi khi họ cãi nhau - chẳng hạn như vào đêm kinh khủng mà chiếc đàn piano bị tịch thu. Gã cũng không thích cách nàng đổ lỗi cho tính thụ động của gã về cảnh nghèo khó trước mặt bọn trẻ, hay việc nàng ấy phát cuồng với thầy dạy karate của Robert, thầy Li, đến mức bắt thằng bé phải lết đến lớp tận sáu lần một tuần. Hẳn phải kiệt sức lắm, tội nghiệp nó. Nhưng mấu chốt là, bất chấp những khó khăn còn tồn tại, gã thực sự yêu Ruth. Thì có sao nếu thân hình của họ đều đã chảy xệ và béo phì lên khi họ cởi đồ trong bóng tối, còn Robert ngưỡng mộ những vận động viên vạm vỡ trên TV trong khi liếc nhìn tấm lưng gù đầy mụn của Morse? Điều đó không quan trọng, bởi vì một ngày nào đó, khi Robert cũng có một tấm lưng đầy mụn và gù như thế, nó sẽ biết trân trọng cha mình, người đã kìm nén những ham muốn cá nhân nhỏ bé vì lợi ích của gia đình. Dù vậy, mong Chúa phù hộ, đến lúc đó Robert sẽ có một sự nghiệp tử tế và đủ khả năng để tham gia phòng gym và gặp bác sĩ da liễu hơn.

Và Morse khựng người lại, tự hỏi không biết hai cô bé đang làm gì một mình trên chiếc xuồng đang lao về phía thác nước, dường như còn không có mái chèo.

Cummings vừa đi bộ vừa ngắm nhìn cảnh rừng già u ám toát lên vẻ thần thoại kì bí, gợi anh về bức hình được đánh dấu “114” trong “Tuyển tập về nguyên mẫu duy thức”, cuốn sách mà người mẹ hậu đậu của anh mới vừa đây đổ nước nho lên. Tấm hình số 114 khắc họa lại viễn tưởng đứng ngoài rìa một khu rừng rậm cổ xưa lúc chiều tà, với nơi trú ẩn an toàn phía sau và vùng hoang dã sâu thẳm phía trước, lờ mờ bóng hình những con gấu đen hung tợn đang rình rập từ trong bóng tối. Morse, tên nô lệ đồng tiền sợ bóng sợ gió đó sẽ nghĩ gì phải nhúng đôi lông mày nhợt nhạt của mình vào thứ nước giải khát nồng đậm mang tên “Nguyên mẫu duy thức”? Cummings nghĩ, thật mừng vì mình không phải Morse, một kẻ đần độn mặc quần tây công sở, lê bước về nhà với lũ nhóc rách rưới tụ mình trong đống đất sét. Như bao kẻ tầm thường khác với đôi chân nhuốm bùn sa vào đáy vực của sự tầm thường, gã hăng hái vùi đầu làm việc trong căn phòng nhỏ tồi tàn như một con chuột lemmut, trong khi so sánh cổ phiếu và trái phiếu giữa những lần cắt cỏ nhàm chán, rồi khúc khích cười khi bế lũ nhóc còn ngậm núm trước con quái vật Nintendo.

Quả là một hình dung ấn tượng, Cummings nghĩ, với nó thì những đêm dài trầm ngâm cũng có thể trở thành một kịch bản bi hùng mà các tay chơi Hollywood nào đó sẽ phải ngấu nghiến như vớ được những miếng bánh nóng hổi. Để rồi anh có thể mua cho mẹ một chiếc Lexus và đi cùng một em gái chân dài, ăn mặc sành điệu đến Paris sau khi dành thời gian để phát triển cơ bắp bằng cách tập tạ để vừa thu hút cô ấy về thể chất lẫn tinh thần. Và ở Paris, nàng chân dài, có lẽ trong chiếc quần da bó sát, sẽ ngồi trên một chiếc giường xưa cũ với một chiếc khăn choàng hoặc tấm chăn đẹp đẽ quấn quanh vai và nhìn anh ta với đôi mắt nai thơ ngây khi anh đứng trên ban công suy tư về cơn mưa Paris và vân vân.

Chẳng phải Morse và những tên đồng loại tầm thường của gã ta sẽ hầm hừ bực dọc khi anh gửi về nhà một tấm bưu thiếp chỉ để lịch sự sao! Và chẳng phải cả làng sẽ quỳ rạp xuống trước anh ta trong sự ăn năn hối lỗi khi có những chiếc áo phông sẽ được in hình dung mạo kiên cường của anh ta, nét mặt biểu trưng cho sư tử dũng mãnh của anh ta sao! Dù có người sẽ loan tin rằng chúng được bày bán cho tất cả mọi người tại cửa hàng năm xu mười hào, anh ta vẫn sẽ ngạo nghễ được người người vây quanh trên hiên nhà trong bộ vest trắng kiểu Whitman trong khi mẹ lảng vảng phía sau, hiểu sai mọi thứ về công việc của anh và tặng những món ăn vặt ngớ ngẩn cho những người hâm mộ cuồng nhiệt của anh. Và chẳng phải thời cơ đáp trả sẽ đến khi những cựu cầu thủ bóng bầu dục như Ned Wentz bắt đầu cầu xin anh dạy về thơ sonnet sao! Tất cả những gì cần thiết để những điều này xảy ra chỉ là giấy, bút và tài năng huênh hoang điên rồ mà người ta sẽ sớm không được thấy nữa, các nhà phê bình sẽ viết như vậy, và những thứ đó anh đều có thừa.

Anh rẽ ngang khúc cua cuối cùng trước thác nước, hân hoan với những triển vọng của chính mình, thì bỗng nhìn thấy một chiếc xuồng có màu xanh như lá cây mùa hè đâm sầm vào gốc cây chết khô như bức tường chắn ngược dòng chảy. Những cô gái bị hất tung về phía trước, và tiếng sóng dữ thét gào nào có để ai nghe được tiếng hét thất thanh của hai người họ. Chiếc xuồng bị xé toạc tưởng như chính nó có đường may nào đó, và sớm chìm xuống đáy sâu với tốc độ kinh hoàng. Cummings đứng ngây người, toàn thân như tê dại, lông tóc dựng đứng trên gáy. Anh nghĩ thầm, mình phải làm gì đó. Mặt họ đầy máu, nhưng phải làm gì đây? Dòng nước lạnh buốt chảy xiết như vậy, nhưng mình vẫn phải làm gì đó. Anh ta loạng choạng bước qua bờ kè một cách bối rối, tìm kiếm sự trợ giúp xung quanh nhưng chỉ thấy một cánh đồng ngô khô cao chót vót.

Morse bắt đầu chạy. Rất có thể là điều này ngớ ngẩn. Rất có thể là hai cô bé đã an toàn trên bờ, hoặc nếu không thì cũng đã có người đến giúp đỡ, mặc dù chắc chắn cũng có khả năng là các cô bé không an toàn về đến bờ và không có ai đến giúp, và trên thực tế thậm chí còn có khả năng là người đến giúp lại chính là gã. Điều này thật đáng lo ngại, bởi vì gã chưa bao giờ giỏi chịu đựng áp lực. Trong tình huống nguy cấp thì gã chỉ thường đứng ngây người với đủ loại khả năng chạy loạn trong tâm trí với cái miệng há hốc. Nghĩ kĩ lại, thì cũng có thể, thậm chí là rất có thể chiếc thuyền đã vượt qua thác nước hoặc đâm phải gốc cây chết đó. Gã nhớ đến thủy thủ đoàn của chiếc sà lan Fat Chance, thường cứu hộ bằng cầu treo vào những năm đầu nhiệm kì Carter. Gã hi vọng sẽ có vài người đàn ông lực lưỡng, quyết đoán đã có mặt ở hiện trường và một trong số họ sẽ đuổi gã đi gọi điện thoại. Cho dù vậy, nếu chẳng may trên đường đi gã quên số điện thoại và phải quay lại nhờ họ lặp lại thì sao? Và nếu thất bại này đến tai Ruth và khiến cô ấy cảm thấy xấu hổ, li hôn gã và cấm gã gặp bọn trẻ, những đứa vốn dĩ không muốn gặp gã vì gã là một kẻ hốt hoảng vụng về thì sao? Đây chắc chắn không phải là suy nghĩ tích cực. Đây chắc chắn là một ví dụ về việc dự đoán thất bại thông qua sự tiêu cực. Bởi vì, ai mà biết được, có lẽ gã sẽ xếp hàng hỗ trợ nhóm đàn ông quyết đoán ấy và được quấn dây thừng vào người, trở thành anh hùng về nhà với một miếng băng gạc, Điều này có thể khiến Ruth nhìn gã với ánh mắt ham muốn âu yếm hơn, và họ sẽ thức trắng đêm ăn mừng sự trưởng thành mới của gã và trao nhau những lời ngọt ngào giữa những lần mây mưa nồng nhiệt.

Gã đang nghĩ cái quái gì thế, khi mạng sống của những đứa trẻ đang bị đe dọa? Gã tệ thật, điều đó là chắc chắn. Không có một chút chân thành nào trong gã cả. Những người khác đơn giản hơn và nhìn thế giới với con mắt sáng suốt hơn, còn gã tự phụ, không chân thành và làm mọi thứ rối tung lên. Và gã hi vọng đây không phải là một việc nữa mà gã sẽ làm rối tung lên, bởi vì cứu người thất bại hoàn toàn khác với việc quên gửi thư mời đến dự tiệc sinh nhật của con trai, điều mà gã vừa mắc phải; dẫu chắc chắn họ đã phải bỏ ra một khoản tiền nhỏ để khắc phục tình hình, chỉ thiếu điều là đặt mua một con ngựa thật bằng visa. Nhưng đó là chuyện nghiêm trọng và gã cần chịu trách nhiệm. Chạy hì hục với đôi chân gầy nhom giơ ra trước, khom lưng một cách vụng về, tà áo phấp phới phía sau và còn đầu gối thì đau nhức, gã tự trách mình hãy gạt bỏ mọi nghi ngờ và tiêu cực, chuẩn bị hỗ trợ những người đàn ông quyết đoán theo bất kì cách nào có thể sau khi rẽ qua khúc cua ấy và đánh giá tình hình.

Nhưng khi rẽ qua khúc cua và thăm dò, gã không thấy cầu treo hay nhóm người đàn ông lực lưỡng nào, chỉ thấy một chiếc xuồng đang vỡ ra ở một gốc cây vốn đã chết, và hai cô bé mặc áo len giống hệt nhau đang cố tát nước bằng thùng mồi. Phải làm gì đây? Choáng váng thật đấy. Đi tìm sự giúp đỡ? Hay chạy nước rút đến trung tâm thương mại Outlet và gọi 911 từ quầy hàng bán dao? Không còn thời gian nữa rồi. Chiếc thuyền đang chìm ngay trước mắt gã. Các cô bé sẽ chết đuối trước khi gã đến được quốc lộ 8. Liệu có ai có thể bơi đến gốc cây đó không? Chắc chắn là không. Chưa ai làm được cả. Gã có bơi giỏi không? Giỏi lắm thì chỉ ở mức trung bình. Do đó, gã phải chạy đi tìm sự giúp đỡ. Nhưng có chạy đi cũng vô ích. Bởi vì không còn thời gian. Gã quyết như vậy. Và bơi thì không thể. Do đó các cô bé sẽ chết. Về cơ bản thì chúng chết chắc rồi. Mặc dù điều đó thật không thể nào. Sẽ quá đau thương. Người mẹ đã mặc cho chúng những chiếc áo len giống hệt nhau sáng nay sẽ ra sao? Cô ấy sẽ đối mặt như thế nào? Chẳng bao lâu nữa, những đứa con gái của cô ấy sẽ phải nằm trên bàn với cơ thể chẳng còn gì ngoài những vết bầm tím. Khó mà tưởng tượng nổi. Gã nghĩ đến cảnh Robert phải nằm trên bàn với thân xác như vậy. Phải làm gì đây? Gã khẩn thiết ước gì gã đang ở nơi nào khác. Bây giờ những cô bé đã nhìn thấy gã và những cánh tay chới với ấy như nói gã rằng chúng sẽ sớm đi đời. Trời ơi, chúng có nghĩ gã mù không? Chúng có nghĩ gã ngu ngốc không? Rằng gã có phải là cha của chúng không? Rằng gã là Chúa Giê-su không? Chúng đã chết rồi. Chúng hoảng loạn, gọi to cầu cứu gã, nhưng chúng đã chết, như bao xác thây từ xưa đến giờ và gã còn sống, gã cần phải về nhà. Một điều hiển nhiên, không ai có thể đổ lỗi cho gã về điều duy nhất gã có thể làm.

Phát ra một âm thanh tuyệt vọng trầm thấp trong họng, gã cởi đôi giày lười và lao thân hình dài xấu xí của mình qua mặt nước.

Tinh Sương dịch | Báo Văn nghệ

Xuất bản sách Văn học Việt ở nước ngoài: Đoạn trường gian nan Chùm tản văn tâm lý nước ngoài Điểm mới trong Hoạt động nhiếp ảnh và cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam Sửa quy định đưa tác phẩm nhiếp ảnh từ Việt Nam ra nước ngoài dự thi, liên hoan Đọc Truyện: Gió Cùa se sắt. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Hiệp
Nhà văn Peter Gizzi giành giải thưởng thơ TS Eliot 2025

Nhà văn Peter Gizzi giành giải thưởng thơ TS Eliot 2025

Baovannghe.vn - Với Fierce Elegy (tạm dịch: Khúc bi ca dữ dội), Peter Gizzi đã giành giải thưởng thơ TS Eliot 2025. Đây là một tuyển tập thơ kể về trải nghiệm mất...
Hội Nhà văn Tp Hồ Chí Minh, kết nạp nhiều tác giả thế hệ 8X và 9X

Hội Nhà văn Tp Hồ Chí Minh, kết nạp nhiều tác giả thế hệ 8X và 9X

Baovannghe.vn - Hội Nhà văn TPHCM đã kết nạp 19 hội viên mới, thế hệ 8X, 9X. Đồng thời, trao giấy khen cho tập thể, cá nhân đóng góp cho phát triển Hội năm 2024
Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai công tác Văn học năm 2025

Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai công tác Văn học năm 2025

Baovannghe.vn - Sáng ngày 15/1, tại Hà Nội, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa X đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác Văn học năm 2025.
Chống tham nhũng trong xây dựng pháp luật: Để kiểm soát quyền lực

Chống tham nhũng trong xây dựng pháp luật: Để kiểm soát quyền lực

Baovannghe.vn - Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 10/NQ-CP Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị
Thầy giáo dạy văn. Truyện ngắn của Lê Ngọc Minh

Thầy giáo dạy văn. Truyện ngắn của Lê Ngọc Minh

Baovannghe.vn - Với vùng nửa quê nửa tỉnh hồi đó, thì bốn cô nhà ông Vại đều cao số. Thông thường, gái làng nhất là gái đẹp, mười sáu, mười bảy tuổi đã có người nhắm nhe, nhưng cô cả Sứ nhà ông Vại đã hai bốn tuổi, cô út Liễn đã hai mốt nhưng vẫn chưa đâu vào đâu. Đã thế, cô Sứ lại có một tuyên ngôn rất chí khí Pavel Corsaghin: "Đời người chỉ lấy chồng một lần, không đáng mặt không lấy!".