Chimamanda Ngozi Adichie, người Nigeria, gốc gác nông dân, sinh năm 1977, là một nhà văn, nhà đấu tranh cho nữ quyền và lí thuyết gia nổi tiếng. Như mọi nghệ sĩ chân chính đích thực, cô quan tâm tới những vấn đề nóng hổi của thời đại, nhất là bình đẳng nam nữ, sắc tộc, tôn giáo và văn hóa. Tư tưởng được khen ngợi và tiếp thu rộng rãi nhất của cô là nhìn nhận thế giới và con người một cách đa chiều. Cô được tặng nhiều giải thưởng, về truyện ngắn, tiểu thuyết, chính luận. Một số tác phẩm văn học của cô được chuyển thành phim điện ảnh ăn khách. Năm 2020, cô được Hãng truyền thông Tuổi trẻ châu Phi xếp thứ 51 trong bảng vàng Những người Phi có tác động xã hội lớn lao. |
Cơn mưa rào ào ạt vừa tạnh. Bầu trời biếc xanh thăm thẳm. Như chưa bao giờ thăm thẳm hút hồn đến thế. Bóng vài con đại bàng trắng xóa vẫy cánh thanh thản xa xa. Nước rộn rã xối xả tuôn vào cống rãnh hai bên đường. Con đường làng cát mịn ánh lên màu đỏ chói chang. Cây cối hai bên lấp lánh xanh tươi trong ánh nắng mát dịu. Achedil lặng lẽ ra khỏi nhà. Thân hình ông lênh khênh như một hiệp sĩ thời cổ. Từa tựa chàng Đông Ki Sốt vẫn khiến hàng triệu người trên thế giới cười nghiêng ngả. Cái khác đập ngay vào mắt là chàng Đông Ki Sốt Nigeria này là nước da đen nhánh. Cởi trần, quần xà lỏn thít chặt rất phong độ. Achedil bước nhanh nhưng đĩnh đạc. Dáng chủ động và tự tin như một chúa tể của rừng. Người cha của hai đứa nhỏ không biết đứa con gái thứ hai mười ba tuổi nhanh nhẹn rảo bước theo ông ngay. Khi thấy bố rẽ vào nhà chú Oukha bạn thân của bố, con bé liền cắm đầu chạy lại và rẽ nhanh vào ngõ bên phải.
Chừng ba mươi phút sau, Oukha và Achedil thung thăng bước, chuyện trò rôm rả. Như đang tới một bữa tiệc linh đình. “Vẫn phở đều đều đấy chứ?” Oukha nháy mắt lém lỉnh hỏi. “Thỉnh thoảng thôi. Bây giờ ngân sách thâm hụt nặng…” Achedil siết bàn tay rắn rỏi của bạn. Oukha là người Pháp theo gia đình sang định cư ở Nigeria. Một lát, Achedil thì thầm như thổ lộ một bí mật động trời: “Khốn khổ. Cơm vẫn ngon tuyệt. Chén tới số. Nhưng thiếu phở là không chịu nổi…” Ông cười khùng khục khoái trá. Oukha bẹo mông bạn, Achedil đau điếng, nhưng cười ré lên. “Rõ thân làm tội đời!” Oukha nhìn thẳng vào mắt bạn. Bây giờ, hai người đứng đối diện nhau. Achedil trịnh trọng: “Hừm, làm thằng đàn ông, mà không biết đủ mùi ca ngâm là vứt!” Tính chân thật này của ông lôi cuốn Oukha ngay từ buổi hai người gặp mặt. Dễ gần hai mươi năm rồi. Thực ra, mỗi người một việc, Oukha là nhà giáo. Achedil là người làm thuê. Mê đá bóng và bơi lội là thú vui chung kết chặt hai người trong một tình bạn chân thành và vui vẻ.
Minh họa Lê Trí Dũng |
Hôm nay, Achedil được Oukha đưa tới thăm bà cô của Oukha, vợ góa nhà buôn giàu nhất xứ này. Ông ngại tiếp xúc với người da trắng. Nhưng đây là trường hợp đặc biệt. “Chơi với nhau mấy chục năm rồi, chưa đến thăm cô của bạn là có lỗi!...” Câu này của Achedil khiến Oukha xúc động. Nhưng Oukha lấy làm lạ là càng gần tới nhà cô ông, Achedil càng đi chậm lại và mặt cứ tái mét đi. “Cô tôi tốt bụng lắm. Bình thường đi mà!” Oukha trấn an bạn. “Lòng người khó dò lắm, Oukha!” Achedil dừng bước vài phút. Oukha liền bả vai kéo bạn tiến lên. “Nhà cô ông đẹp thật!” Đó là một khu biệt thự năm tầng cao to, trắng toát một màu, giữa xung quanh bên ngoài thưa thớt nhà cửa lúp xúp và cây cối, chỗ tơi tả, chỗ xanh um. Bà cô của Oukha đã sáu mươi tuổi, coi như thượng thọ ở cái xứ mà tuổi thọ trung bình chỉ chừng bốn bảy. Bà mời hai cháu ngồi, rồi vào lấy ra mấy bộ quần áo mới tinh, đưa cho Achedil: “Cháu mặc vừa đấy. Mặc ngay một bộ cho cô coi nào…” Oukha ngớ người: mình quên bảo bạn mặc quần dài… Hai cháu uống cà phê xong, bà ân cần dẫn chúng đi khắp nơi, giới thiệu với Achedil cơ ngơi sang trọng của bà là chính. Hoa mắt và ù tai, Achedil cứ như người mộng du, có phần thất thểu.
Bà già Pháp phúc hậu giữ hai đứa lại ăn chiều, nhưng Achedil một mực xin về. Bà cho Achedil năm mươi ngàn naira (tiền Nigeria), tương đương hơn 100 euros. Achedil nhất định không nhận. Bà suýt khóc và Oukha suýt phát cáu, ông mới run run cầm lấy món tiền… Chia tay Oukha ở một ngã ba, Achedil dừng chân giây lát. Rồi quả quyết quay lại nhà bà già. Bộ quần áo trắng tinh khiến cho ông giống như một vị thần giáng thế, đi truyền dạy điều hay lẽ phải. Bộ quần áo có lẽ là của con trai bà cô Oukha vẫn đi làm ăn xa, thỉnh thoảng mới về với mẹ ít bữa. Achedil xắn hai cổ tay áo lên, xỏ đôi găng tay màu đen còn mới. Đôi găng quá nổi bật, bà già nhận thấy ngay: “Ủa, cần gì tới găng, đi cho nóng cháu?...” “Dạ, chả mấy khi được diện. Áo này, găng này, oai lắm ạ!” “Hóa ra chiếc túi nhỏ là của con à?” “Vâng, của vợ con... Nó bảo con đem ra chợ hộ… Con quên khuấy…” Achedil ngỏ ý được đi dạo cùng bà trong khu vườn rộng. Bà đồng ý liền. Vừa đi vừa trò chuyện. Đôi lúc, Achedil có vẻ chếnh choáng như người say. Ông bỗng lùi lại, vung cánh tay phải lên. Lạ thay, cánh tay ấy như bị ai tóm lấy, không những không thọc xuống như dự định, mà lại lơ lửng trên không mấy phút. Và ông Achedil chếnh choáng như người say rượu. Ông ngửa người ra sau, không khác người đang đi nhanh, bỗng trượt chân mạnh. Nhưng ai đó đỡ được. Nên ông không ngã. Một con dao găm sáng loáng lượn một vòng trên không rồi rơi xuống đánh xoảng. Người đỡ là một thanh niên và một cụ già. Hai người xốc Achedil cho ông không khụy xuống: “Đau không con?” Achedil nhận ra cụ Kurmeil, bạn thân của bố mình. Ông ta run như cầy sấy, mồ hôi túa ra khắp mặt. Hành động đâm bà già đã bị chặn đứng. Kẻ phạm pháp đã bị bắt quả tang. Achedil không biết, lặng lẽ đi sau ông là năm người, cụ Kurmeil và bốn người trẻ - trong đó có hai người giúp việc của bà cô Oukha, một nam một nữ. Hễ ông động thủ là họ ngăn chặn liền. Cuộc phục kích do cụ Kurmeil trù liệu đã thành công. “Bây giờ con đi với bố tới nhà con bé đó (nạn nhân của Achedil).” Cụ Kurmeil dìu Achedil ra chiếc xe con màu tím - mà cụ thuê - đợi sẵn ngoài cổng. Cuộc cảm hóa tội phạm tiếp tục…
Học sinh buộc phải nghỉ học từ đầu mùa dịch Covid, tức từ đầu 2020. Cha mẹ ít việc. Các con gái phải đi giặt thuê. Nhiều đàn ông cho chúng tiền, ít nhất gấp đôi công giặt. Cuối năm ngoái, gần 100 bé gái có bầu. Người gây họa chủ yếu là dân đô thị, lắm tiền rửng mỡ. Vùng này, chỉ có hai kẻ rửng mỡ như vậy. Một là Achedil đang ôm đầu ủ rũ bên cạnh cụ Kurmeil. Ông vẫn sửng sốt, rằng tại sao bố nuôi của mình biết chuyện. (Bố ông mất đã lâu.) “Đơn giản thôi con,” Cụ cất lời, dù Achedil chưa hỏi. “Bố mẹ của 100 con bé đó đều nghèo. Con gái họ chắc chắn bị cấm tới trường sau dịch Covid-19. Đẻ con ra, lấy gì sống, cả con lẫn mẹ…” Chiếc xe chạy chậm lại, có lẽ để cụ nói cho dễ. “Cũng may, ông tân quận trưởng cảnh sát là người có tâm và có tầm. Đi ngang qua khu phố nghèo, ông nghe tiếng khóc ai oán của một phụ nữ lớn tuổi. Ông tò mò vào hỏi. Thì ra cháu gái bà do nghỉ học, đã bị dụ dỗ bán trinh lấy tiền phụ giúp bố mẹ nghỉ việc vì Covid. Rồi có thai. Bố mẹ lại nghĩ quẩn, liều đi buôn lậu sừng tê giác, nên vào tù rồi. Nay con bé sắp sinh nở, bà lấy gì chăm bẵm…” Cụ Kurmeil thở dài. Achedil gập hẳn người, vùi đầu vào hai đầu gối. Ông ân hận hay xấu hổ? Cụ Kurmeil lại như chỉ nói với mình: “Ông tân quận trưởng…, ông ấy từng làm lính, nên hiểu sự tàn khốc của cuộc đời. Ông ấy cũng ngộ ra rằng, ai cũng có điều hay điều dở, không ai không có nhược điểm. Tự mình khắc phục cái dở của mình là hay nhất. Nhưng được cộng đồng hỗ trợ, thì vẫn hơn. Ông bàn bạc với các quan chức pháp luật. Họ thống nhất, đáng lẽ bị pháp luật trừng trị, những kẻ lạm dụng trẻ gái vị thành niên được phép xin lỗi nạn nhân và gia đình, bồi hoàn trước mắt một khoản tiền, đủ để người mẹ nhí nuôi con trong một năm. Rồi tính tiếp…”
Một số trẻ bị lạm dụng không muốn tiết lộ ông lớn xâm hại mình. Các bạn gái cùng học đã bí mật gặp cảnh sát “chỉ điểm”. Hóa ra, vì tin tưởng vào ngài tân quận trưởng, một cô giáo đã khuyến khích học sinh nữ tố giác tội phạm. Đa phần những kẻ này nhận lỗi. Một số ngoan cố, quận trưởng cho họ tiếp tục suy nghĩ. Nhưng nhất định không bỏ qua… Biết được vụ việc và tấm lòng của quận trưởng, cụ Kurmeil lập ra một hội kín, “Hội bảo vệ cộng đồng”. Đã có năm mươi người vào hội, trong đó có hai nữ học sinh, ấy là con gái của Achedil và Oukha. Chính hai bé phát hiện ra âm mưu giết người cướp của của Achedil. “Tai mắt nhân dân” là siêu đẳng. Con của Achedil rất yêu bố. Cháu từng hai lần chứng kiến bố nổi khùng tới mức chặt nát hai vườn rau của nhà hàng xóm, khi họ vắng nhà. Mỗi lần như thế, cha ngả người trên ghế rất lâu, mắt nhìn trời, hai ngón tay cái siết mãi hai thái dương, mắt long lên như hổ dữ… Lần này, thấy cha như vậy, con bé báo cho cụ Kurmeil mà cháu tin tưởng tuyệt đối là chuẩn mực, độ lượng, khoan hòa... Cụ Kurmeil thường nói ngắn, nhưng ý cụ thâm trầm. Hai nữ học sinh thấm thía vô cùng với cách cứu người của cụ, cách cứu người, mà tuy còn rất trẻ, chúng cũng thấy hợp tình hợp lí. Đúng như câu văn của một học giả Trung Hoa cổ: Xã hội nào cũng ẩn chứa những khiếm khuyết tồn tại dai dẳng. Cả cộng đồng, tức mọi người, nhất thiết đồng tâm hiệp lực để gạt bỏ kì được những tật xấu đã thành thâm căn cố đế, tiềm tàng những nguy cơ tổn hại nghiêm trọng tới đời sống chung của cộng đồng. Một tật xấu ấy là thói muốn làm ít hưởng nhiều. Thói này khiến người ta trở nên gian xảo, lừa lọc, hoặc đơn giản là giết người cướp của… Con gái của Oukha thấy Achedil hay tới nhà mình. Không như trước đây, những lần này, ông ấy hay lấm lét nhìn nó, như kẻ gian sợ bị phát hiện. Nó sinh nghi, bí mật theo dõi… Nỗi nghi hoặc lớn dần. Nó kể cho con gái của Achedil nghe những gì nó trông thấy và những lời trao đổi giữa Achilde và bố nó. Rồi hai đứa trao đổi những nhận xét, bàn bạc những suy luận, và quyết định báo cho cụ Kurmeil chuyện khác thường… Cụ Kurmeil cân nhắc, nên bắt tội tại trận, kẻ gian mới nhớ lâu và kiên quyết sửa chữa…
*
Cha của Achedil chơi thân với cụ Kurmeil như anh em ruột thịt… Achedil phải nén khóc, người rung lên, bởi ông đang nhớ lại tình bạn của cụ Kurmeil và cha mình… Tình bạn keo sơn hiếm có ấy xuất phát từ lòng thương người thực sự của hai cụ. Vùng quê hai cụ quả thực quá nghèo khổ. Hai cụ từng cùng làm nghề bán hàng tận cửa nhà người mua. Cùng nhiều bạn đồng hành, hai cụ dùng xe đạp chở hàng, chủ yếu là nông sản, tới những làng hẻo lánh hơn cả. Ở đó, dân rất cần và rất quý hàng của các cụ. Phần vì hàng của hai cụ chất lượng đảm bảo. Phần vì giá cả phải chăng. Có điều, đường đi lối lại thỉnh thoảng lên dốc xuống đèo quá hãi hùng. Một người không sao đẩy xe lên dốc hoặc ghìm xe khi xuống dốc. Tới những đoạn đường ấy, ba người xúm vào một xe mới qua được an toàn. Một lần, cha của Achedil cùng hai người nữa đang cố giữ sao cho chiếc xe đạp chở nặng hàng xuống dốc gần như dựng đứng. Người cầm ghi đông bên trái bất ngờ hụt bước, ngã nhào. Cha của Achedil giữ xe phía sau, vội xuống tấn, ngả hết người ra, chỉ sợ chiếc xe lao xuống, đổ lăn queo, hàng sẽ hỏng. Đúng lúc ấy, một người từ đỉnh dốc lao xuống như tên bắn. Rồi nhét vào dưới bánh xe trước mớ áo quần vo tròn. Chiếc xe không lắc lư run rẩy nữa. Nhanh như cắt, người ấy quay sang đỡ dìu người ngã lên, khẽ khàng đặt nằm yên một chỗ… Rồi cứ mỗi quần cộc, cùng hai người, trong đó có cha của Achedil, cho chiếc xe đạp lăn bánh từ từ xuống chân dốc. Người đó là cụ Kurmeil, từ đó cha của Achedil quen biết, và quý trọng vô cùng. Rồi hai người trở thành tri kỉ. Sự cố thót tim này chắc chắn gợi ý cho cụ Kurmeil về việc thành lập “Hội bảo vệ cộng đồng”, góp phần đáng kể vào việc giữ gìn an ninh, yên ấm và gắn kết chung của cả một vùng rộng lớn. Việc Hội của cụ ngăn chặn kịp thời một vụ giết người mà Achedil sắp phạm là ví dụ xao xuyến lòng người mãi mãi. Ý tưởng lập Hội rất hay cũng có phần đáng trân trọng của ông tân quận trưởng cảnh sát. Ông học về lịch sử, nhưng không thực hành một nghề lịch sử theo nghĩa thông thường. Ông thấy việc góp hết sức cho việc gây dựng và duy trì một xã hội yên bình lôi cuốn ông ghê gớm. Ông mê sách, đọc sách Âu Mỹ nhiều, đặc biệt yêu thích tác phẩm của Simenon, cây bút vàng hình sự người Bỉ. Cây bút này gợi cho ông tư tưởng rằng với bổn phận giữ gìn an ninh cho xã hội, cảnh sát phải là những người chuẩn mực hơn cả.
…Trong khi Achedil không kìm được lệ rơi, những giọt nóng hổi lã chã rớt xuống chân ông, cụ Kurmeil bồi hồi nhớ lại quá trình suy nghĩ và xúc tiến việc thành lập Hội bảo vệ cộng đồng của mình… Dòng hồi ức của cụ tiếp tục… Khó nhất cho họ không phải là dùng mọi cách buộc kẻ có tội phải nhận tội. Mà là kích thích hết mức những phần tính người còn lại, từ đó, lương tri của y tái sinh. Điều này khiến y nhận thức được tác hại của lỗi lầm của y đối với không chỉ nạn nhân trực tiếp mà cả tập thể liên quan. Tuy nhiên, suy cho hết mọi lẽ, hay nhất là sớm phát hiện mầm mống của tội lỗi, để ngăn chặn tức thì. Cách thức phòng chống tội phạm kiểu này, ông tân quận trưởng thường tâm sự với nhiều đồng nghiệp. Cụ Kurmeil may mắn có mặt trong vài cuộc tâm tình ấy. Từ đó, cụ nảy ý định lập Hội bảo vệ cộng đồng. Nghe cụ trình bày ý định đó, ông tân quận trưởng hết sức hồ hởi, hoan nghênh cụ và bàn bạc với cụ nhiều việc làm cụ thể. Gì quý bằng người dân khắp nơi, khi họ là tai mắt của lực lượng bảo vệ an ninh ngõ phố, xóm làng. Niềm tâm đắc này làm cho cụ Kurmeil khỏe hẳn ra. Thêm vào đó là nhiệt tình của những người cụ ngỏ lời chung sức chung lòng với cụ. Trong hoạt động xã hội hẳn là chưa có ở đâu cả, khắp đất nước Nigéria thân yêu của cụ. Người góp công người góp của, định hướng “chuẩn không cần chỉnh” của ngài tân quận trưởng, được cụ Kurmeil tiếp thu và phát huy linh hoạt trong thực tiễn, Hội kín chẳng khác một tổ chức cách mạng đích thực. Cần ghi nhận, nó không bị theo dõi, gây khó dễ, là nhờ tân quận trưởng… Oukha tích cực tìm tòi tài liệu về cách thức theo dõi chặt chẽ những hoạt động đáng ngờ có khả năng phương hại tới sự yên ổn của cộng đồng. Song song với những “lí thuyết” không trừu tượng đó là những động thái nhanh nhạy nhất để phong tỏa tội ác, nhất là tội trấn lột, tống tiền. Vì thế, các môn võ thuật được truyền dạy kĩ lưỡng… Những hoạt động này, theo ý kiến của tân quận trưởng, nên diễn ra vào những giờ khuya khoắt, ở những nơi vắng vẻ. Các hội viên của Hội kín giữ bí mật tuyệt đối về các luyện tập và hoạt động của họ. Ai cũng tiếp thu không tự giác ý nghĩ của Oukha rằng đó là biểu hiện của một xã hội nhân bản vững mạnh: bề ngoài, mọi việc diễn ra tự nhiên, nhưng phía sau là những nỗ lực âm thầm của từng cá nhân và cả tập thể, nhằm chặn xóa tức thì mọi mầm xấu và mầm ác có thể gây cho đời sống chung những bất an và hỗn loạn khó lường…
…Cụ Kurmeil thỉnh thoảng lại nở một nụ cười hạnh phúc. Cụ đưa mắt nhìn trìu mến khắp lượt mấy chiến sĩ trong Hội, nhìn thân thương con trai bạn mình, nhìn lạc quan tin tưởng trời đất bên ngoài… Cụ vuốt tóc Achedil, mái đầu ông này đã bắt đầu điểm những sợi bạc. Khi cụ quen biết cha nó, nó là một cậu bé nhanh nhẹn tinh nghịch… Chỉ thương cha nó, một tấm lòng hiếm gặp… Năm đó, khi biết tin cụ ốm nặng, dù Achedil cũng đang sốt cao, cha Achedil vẫn quyết đi tìm bằng được thuốc quý chữa cho bạn. Tin nhờ vợ chăm sóc con, vị cha ít lời này lặn lội đi về hơn tám mươi cây số đường rừng. Có hai con sư tử đói, muốn đuổi theo cha. Cha bèn bơi nhanh qua con sông khá rộng. Dọc đường chạy vòng, cha nhanh trí bắt kì được mấy con chuột to đùng, ném lại cho chúng, rồi chạy vòng tiếp, thoát hiểm… Đến nhà thầy lang có thể bán cho loại thuốc cha cần, thầy lang nhìn thấy dáng vẻ cha mệt bở hơi tai, bớt một nửa tiền thuốc, chúc cha về lại nguyên vẹn. Được thuốc quý, mà cha coi như thần dược, cha không về xem con trai mình thế nào, mà thẳng tới nhà cụ Kurmeil tức khắc. Cha chỉ gật đầu chào bạn đang nằm thườn thượt, mắt thao láo tựa cụ đang lao lung một chuyện hết sức hệ trọng. Cha tự nấu nước “sắc thuốc”, mồm bảo cụ bà cứ đi lo việc khác. Thực ra, đó là thảo dược, nước sôi lên là được… Trong khi chờ nước thuốc nguội dần, cha nắm bàn tay vốn gân guốc, nhưng giờ mềm nhũn của bạn. Hai người không trò chuyện, vì cha biết cụ Kurmeil không nói nổi. Sau đó, cha kê thêm một chiếc gối xuống dưới đầu Kurmeil, rồi đổ từng thìa nước thuốc vào miệng cụ bạn. Mắt cụ Kurmeil hấp háy những niềm vui chứa chan hy vọng… Cụ Kurmeil uống xong thuốc, cha vội xuống bếp. Cụ bà đang hí hoáy tìm kiếm gì. Thì ra nhà đã hết cái ăn. Cha chợt nhớ, vội lục túi cơm ngô mang theo ăn dọc đường. Nhưng hẳn do chạy nhiều, sau hơn một ngày thôi, cha “hoàn thành nhiệm vụ”, tức là mang thuốc về tới nhà bạn. Cha bảo cụ bà nghiền nhuyễn một phần cơm, nấu cháo cho cụ Kurmeil. Trong thời gian cụ bà nấu cháo, cha lấy khăn mặt vò nước nóng, lau nhẹ thân hình cụ Kurmeil, khẽ khàng thay áo quần cho bạn. Cụ bà rưng rưng nhìn cha bón cháo cho chồng mình. Phần cơm còn lại, cha chỉ xúc ăn vài thìa chiếu lệ. Mời cụ bà ăn thật no đi, cha bảo phải đảo về nhà xem bệnh tình cháu Achedil ra sao… Biết con đã đỡ nhiều, cha ôm Achedil vào lòng một lúc. Sau đó, cha bảo mẹ: “Bà ơi, ông Kurmeil hết nhẵn gạo và ngô rồi, ta còn bao nhiêu, san một nửa cho họ…” Không chần chừ, mẹ vào lấy gạo và ngô cho chồng. Vài phút qua mau, cha bảo mẹ: “Bà rang cho tôi ít lạc, đến đó, tôi ăn lạc cũng được...”
Một lát sau, cha vội vã quay lại nhà cụ Kurmeil. Cha ở lại chăm nom bạn mấy ngày, tới khi bạn khỏi hẳn mới trở về nhà mình… Lớn lên, Achedil được mẹ kể rằng, trong đời, nhiều lần, cha ăn lạc rang, dành cơm hoặc ngô cho vợ con, nhất là con. Đôi khi, lạc cũng hết, cha ăn toàn rau, kèm sắn đào được ngoài rừng, luộc kĩ… Mẹ thường nài nỉ, rằng cha chuyên làm việc nặng, nên ăn uống đầy đủ. Nhưng cha không nghe mẹ bao giờ. Khi chỉ còn hai mẹ con, mẹ thường thủ thỉ với Achedil: “Mẹ thương bố con lắm… Làm gì cũng làm hết sức hết tâm. Ăn uống thì thế nào cũng được...” Cậu bé dần dần chú ý lắng nghe bạn bè của cha kể, rằng những khi ăn uống thiếu thốn như vậy, cha thường không lao động một mạch, mà chừng hai, ba tiếng, cha lại chuyển từ việc nặng sang việc nhẹ hơn, rượu uống ít hẳn… Điều Achedil khâm phục cha nhất là trái với tuyệt đại đa số đàn ông (lấy rượu giải sầu), khi buồn phiền chuyện gì, cha gần như không uống rượu nữa!... Oukha khi nghe những chuyện như thế về bố của Achedil, vẫn nói đầy thán phục: “Người lao động bình thường luôn luôn là thế, Achedil ạ. Họ tự trọng và quý trọng đồng loại. Ấy là nền tảng của nhân phẩm. Khi đói hoặc không còn gì ăn, họ thà đi ăn mày hoặc tự tử, chứ không ăn cướp của ai bao giờ… Nếu Cõi Đời này, người nào cũng có nhân phẩm tương tự, thế giới đã chẳng có chiến tranh, lừa đảo, hạ nhục, hay đầy đọa nhau như động vật hoang dã...” Nhớ tới câu này của người bạn Pháp giáo viên, Achedil buông một tiếng thở dài, to đến nỗi cụ Kurmeil nhớn nhác nhìn quanh, rồi cúi xuống ôm lấy đầu kẻ suýt giết người: “Sao vậy con…? Có bố và các em đây mà...” Achedil run lên bần bật, nghẹn ngào mãi, mới nói được: “Bố và cha tha lỗi cho con… Bố và cha là hai Đức Phật kèm cặp con suốt từ bé tới giờ. Nhưng con vẫn chưa tu đắc đạo… Vì con xem nhiều phim bạo lực của Mỹ… Toàn phim vớ vẩn… Vâng, Con Người là báu vật số một của Cõi Dương Gian. Không kẻ nào được phép xúc phạm Con Người. Chứ chưa nói làm hại hoặc cướp đi cuộc sống của họ...!” Câu vừa nghe thực ra là câu cửa miệng của Oukha, chính cụ Kurmeil cũng đã thuộc và lấy làm tâm đắc. Cụ rắn rỏi ôm lấy hai vai của Achedil, nhìn vào đôi mắt ông đẫm lệ: “Bố mừng là con đã hồi tỉnh… Ai cũng có lúc có lỗi. Người tốt là người dám lên tiếng bóc trần cái ác, trước hết là của mình… Bổn phận của bất kì sinh linh nào đến với Cõi Trần đều là vậy.” Lại một câu quen thuộc của Oukha. Cụ giơ cho Achedil chai nước lọc tinh khiết: “Uống đi con. Bình tâm lại. Lát nữa, con hãy xin lỗi cháu bé, mẹ và gia đình nó thật đường hoàng, cho đáng bậc đàn ông, con cháu của những người không cái xấu nào khuất phục được…” Achedil nghe cụ mà như nghe Oukha đang nói với mình. Ông dõng dạc đáp: “Dạ thưa bố, con xin vâng…!” Một nụ cười rạng rỡ chiếu sáng bộ mặt da đen, còn nhăn nhúm vì ân hận…
*
…Achedil vừa xin lỗi cô bé và gia đình xong, thì chiếc taxi của Oukha chở bà cô ông xịch đỗ. Oukha gật đầu chào tất cả, rồi đi nhanh tới ôm ghì lấy Achedil. Mắt cả hai rớm lệ. Bà già người Pháp được dẫn đến ngồi bên cô bé 14 tuổi, to con và bụng bầu đã lớn lắm rồi. Bà trào lệ, nghẹn lời: “Xin cháu, gia đình và Achedil bình tâm. Cảm ơn cụ Kurmeil và Hội kín. Mừng là chuyện nghiêm trọng không xảy ra. Tôi xin tài trợ các nạn nhân một khoản lớn. Cháu nào học được, mời sang Pháp học…” Tiếng bà vang lên thân thương giữa các căn nhà xiêu vẹo, dưới bầu trời xanh trong bát ngát tới vô cùng…
KHÚC TRANG HỒNG dịch