Diễn đàn lý luận

Tết cổ truyền trong chiến khu Đông Nam Bộ

Phan Phú Yên
Chuyện văn chuyện đời
09:51 | 15/01/2025
Baovannghe.vn - Nỗi khát khao sum họp thức dậy trong trái tim những người lính còn rất trẻ. Thậm chí có người sau phút giao thừa đã lặng lẽ ra treo võng giữa hai cây rừng nằm đắp chăn đơn nuốt nước mắt khóc thầm.
aa

Những bạn trẻ hôm nay ăn Tết Nguyên đán vui tươi thanh bình, có bao giờ các bạn thử hỏi: Thời đất nước còn chiến tranh, Tết cổ truyền ở trong chiến khu diễn ra như thế nào? Người lính có được ăn Tết không? Và họ lấy gì ăn Tết giữa núi rừng thiếu thốn trăm bề? May mắn từng nhiều lần gặp gỡ trò chuyện với những vị tướng lĩnh chỉ huy chiến trường, chúng tôi đã ghi lại một số nét về Tết cổ truyền trong chiến khu miền Đông Nam Bộ một thời binh lửa…

Tết cổ truyền trong chiến khu Đông Nam Bộ
Thượng tướng Trần Văn Trà (1919 - 1996)

Nói đến cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam, một trong những tên tuổi đầu tiên mà mọi người nhớ đến là Thượng tướng Trần Văn Trà. Ông từng là Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam, gắn bó gần xuyên suốt chiến trường Nam Bộ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trở thành một danh tướng hàng đầu, văn võ song toàn, chiến công hiển hách. Trong gần 30 năm xông pha trận mạc ông chủ yếu ăn Tết Nguyên đán ở trong chiến khu. Sau ngày đất nước thống nhất, mỗi dịp xuân về, lão tướng thường có những bài viết hoặc những cuộc trò chuyện về mùa xuân ngày Tết trên chiến trường. Với ông, đó cũng là dịp tưởng nhớ, tri ân những người đã ngã xuống để đất nước được… ăn Tết thanh bình!

Không chỉ là một vị tướng tài ba mưu lược trên chiến trường mà Trần Văn Trà còn là một tâm hồn nghệ sĩ, yêu nhiếp ảnh, mê viết văn và nghiên cứu khoa học lịch sử. Nhờ tư chất nghệ sĩ mà ông biết lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ nỗi lòng của những người lính thuộc quyền trước muôn mặt của đời sống chiến khu. Sinh thời, trò chuyện với chúng tôi, danh tướng tâm sự rằng vì hoàn cảnh chiến tranh nên khi tới Tết cổ truyền, không có dịp đoàn tụ gia đình, hầu như ai cũng có nỗi niềm riêng se sắt trong lòng. Có người đã năm bảy cái Tết xa quê. Nỗi khát khao sum họp thức dậy trong trái tim những người lính còn rất trẻ. Thậm chí có người sau phút giao thừa đã lặng lẽ ra treo võng giữa hai cây rừng nằm đắp chăn đơn nuốt nước mắt khóc thầm.

Hiểu được tâm tư của người lính giữa những ngày thiêng liêng của dân tộc của năm cũ bước sang năm mới, Tư lệnh Trần Văn Trà cùng các cấp chỉ huy luôn chăm lo cho chiến sĩ ăn Tết chu đáo trên tinh thần tự lực tự cung tự cấp. Từ cơ quan chỉ huy cao nhất chiến trường đến từng đơn vị bộ đội đều có tiêu chuẩn ăn Tết. Nghèo vật chất nhưng giàu tình nghĩa, phong phú về tinh thần, ấm áp trong một đại gia đình, đảm bảo cho người lính… vui như Tết!

Tại các cơ quan thuộc Trung ương Cục và Bộ Tư lệnh Miền, cuối năm đều có bộ phận chuẩn bị cho Tết cổ truyền, ngoài sự nỗ lực chung của mọi người. Nhà ở chiến khu cất cùng một kiểu hình vuông, hai chái, lợp lá trung quân đã được trang trí bằng các loại đèn làm bằng tre và giấy pơ-lua nhuộm đủ các màu với nhiều hình thù trông rất sinh động, vui mắt. Cây niêu trước sân dựng lên. Có những ngôi nhà còn dựng cổng chào tam quan bằng lá đủng đỉnh, với đôi liễn ghi câu đối viết theo lối chữ nho trông rất đẹp. Con đường Thống Nhứt xuyên rừng nối các cơ quan bộ vốn lặng lẽ bỗng chốc rộn ràng mới mẻ hẳn lên.

Các chị nuôi, anh nuôi được sự hỗ trợ của các cô quân y, văn phòng và những người khéo tay lao vào gói bánh tét, bánh chưng, bánh ít, làm các loại mứt, dưa hành, củ kiệu và nấu nướng các loại thịt rừng săn bắn hoặc chăn nuôi. Người miền Nam giỏi gói bánh tét. Người Bắc giỏi làm bánh chưng. Có cả một vài món đặc sản cung đình do những người gốc Huế làm. Nồi quân dụng cỡ lớn đặt trên bếp Hoàng Cầm nấu bánh lửa đỏ bập bùng. Trai gái quây quần vừa làm vừa tán chuyện cười đùa rôm rả. Đôi khi tình yêu trai gái cũng nảy nở “đỏ lửa” quanh nồi bánh tét bánh chưng.

Một không khí tươi vui hiếm có sau một năm chiến đấu, lao động đầy hy sinh gian khổ. Nhờ đó mà nỗi buồn xa nhà ngày Tết vơi đi. Niềm vui càng nhân lên vào sáng mùng Một. Mai nở bung vàng rực. Các loại hoa xuân khác cũng đua nhau khoe sắc, thơm ngát núi rừng. Mọi người ăn mặc tươm tất chỉnh tề đi chúc Tết các cơ quan lẫn nhau. Nhiều chị nhiều em còn diện quần áo mới do gia đình từ đồng bằng gửi lên. Rượu thịt, bánh mứt được trưng bày chiêu đãi. Những trận đấu giao hữu bóng chuyền, cầu lông diễn ra giữa các cơ quan. Và có cả múa lân. Đầu lân thô sơ tự làm, đủ đầu đuôi. Nhà văn Nguyễn Thi, tác giả của Người mẹ cầm súng nổi tiếng, cũng tham gia giũ đuôi múa lân. Chẳng cần bài bản, múa vui là chính. Xoong nồi dùng đánh thay trống thúc lân. Mỗi lần tan cuộc vui, xoong nồi méo mó làm cho chị nuôi… méo mặt!

Tết cổ truyền trong chiến khu Đông Nam Bộ
Thượng tướng Hoàng Cầm (1920-2013)

Nhân nhắc đến bếp Hoàng Cầm chúng tôi lại nhớ tới một danh tướng khác là Thượng tướng Hoàng Cầm, bí danh Năm Thạch. Ông không phải là người “đẻ” ra cái bếp trùng tên mình. Tác giả của cái bếp không khói độc đáo này từ thời chống Pháp là một ông Hoàng Cầm khác trong lực lượng hậu cần, mang quân hàm đại tá trước khi về hưu. Nghĩa là trong quân đội ta có ba người mang tên Hoàng Cầm nổi tiếng. Một ông Hoàng Cầm thi sĩ, tác giả của những bài thơ Về Kinh Bắc, Lá diêu bông, Mưa Thuận Thành… nguyên Trưởng đoàn Văn công quân đội. Một ông Hoàng Cầm nuôi quân sinh ra cái bếp lừng danh. Và một ông Hoàng Cầm danh tướng cầm quân lập nhiều công trận khắp chiến trường Đông Dương, từng giữ các trọng trách Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam, Tư lệnh Quân đoàn 4, Tư lệnh Quân khu 4, Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam ở Lào, Tổng thanh tra quân đội.

Thượng tướng Hoàng Cầm có mười cái Tết chung vui cùng bộ đội trên chiến trường miền Nam. Ông tâm sự rằng chẳng ai muốn xa gia đình vào dịp Tết cổ truyền, nhưng chiến tranh buộc người lính phải hoàn thành nhiệm vụ, chấp nhận hy sinh chuyện riêng tư. Ngày Tết của các cấp chỉ huy chẳng khác người lính bình thường. Mọi tiêu chuẩn về vật chất gần như nhau. Các cấp chỉ huy còn trách nhiệm phải chăm lo cho chiến sĩ để họ xua đi nỗi buồn xa gia đình, yên tâm và phấn khởi hoàn thành nhiệm vụ đánh giặc. Và không chỉ các cấp chỉ huy, mà ngay cả đồng bào cũng quan tâm, thấu hiểu nỗi lòng xa nhà của bộ đội. Vì vậy, những đơn vị nào đóng trong vùng dân hoặc gần dân thì giáp Tết luôn được các má các chị các em mang gà vịt, bánh trái, rượu thịt đến tặng. Có đơn vị còn được dân mang biếu cả một con heo hoặc con trâu, con bò để ăn Tết. Nếu hoàn cảnh cho phép, một số chiến sĩ còn được người dân mời về nhà ăn Tết cùng gia đình, làng xóm. Tư lệnh Hoàng Cầm cùng Chính uỷ Lê Văn Tưởng cùng các chỉ huy của Sư đoàn 9 đã nhiều lần đến nhà dân chúc mừng năm mới, ăn Tết cùng đồng bào nơi trú quân. Tình cảm xúc động quân dân chia ngọt sẻ bùi một thời bom đạn ác liệt ấy luôn khắc ghi trong tâm khảm danh tướng.

Thượng tướng Hoàng Cầm còn cho biết, ở nhiều nơi của miền Đông Nam Bộ do chính quyền Việt Nam Cộng hoà kiểm soát, mặc dù có đồn bót địch nhưng dân lính và địch ta hay lẫn vào nhau, đụng nhau giữa dòng người xe tấp nập. Có lúc lính Sài Gòn biết có quân giải phóng đang lẫn vào trong dân nhưng lờ đi vì họ cũng muốn cho êm thấm, nhất là dịp xuân về ai cũng muốn hưởng không khí ngày Tết cổ truyền chung của người Việt. Nhờ vậy mà các anh nuôi thường giả trang mua được những vật dụng cần thiết phục vụ cho các đơn vị đóng quân. Các cơ sở cách mạng hoặc người dân có cảm tình cũng dễ dàng tiếp tế cho bộ đội thức ăn thức uống cho ba ngày Tết. Tướng Hoàng Cầm bảo rằng cảnh quan nhiều vùng miền Đông Nam Bộ gần Sài Gòn thời chống Mỹ rất giống những vùng giáp ranh giữa chiến khu Việt Bắc với Hà Nội thời chống Pháp, thật khó phân biệt đâu là chiến tranh đâu là hoà bình và đâu là ta đâu là địch. Đất nước có những thời kỳ lạ lùng như vậy. Và đã là người Việt với nhau, cho dù đang đối đầu trên chiến trường, thì ai cũng mong muốn có được cái Tết cổ truyền an vui, lòng cùng hướng về cội nguồn ông bà tổ tiên!

Tết cổ truyền trong chiến khu Đông Nam Bộ
Trung tướng Nguyễn Hữu Xuyến
(1945 - 2020)

Nói tới chiến trường miền Đông Nam Bộ chúng tôi không thể quên một vị tướng kỳ cựu “nằm vùng” ở đây xuyên suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đó là Trung tướng Nguyễn Hữu Xuyến, bí danh Tám Kiến Quốc. Vốn là một “đô vật nhí” vùng quan họ Bắc Ninh, Nguyễn Hữu Xuyến lưu lạc mưu sinh tận phương Nam, dấn thân vào con đường cách mạng, bị địch bắt đày Côn Đảo, trở về đất liền gia nhập bộ đội, cầm quân chống Pháp ở miền Tây Nam Bộ, nhất là Sa Đéc - thánh địa của “Bộ đội ông Xuyến”. Hiệp định đình chiến Geneva năm 1954 ký kết, Nguyễn Hữu Xuyến đang lo chuyển quân tập kết ra Bắc thì giờ chót được Bí thư Xứ uỷ Nam Bộ Lê Duẩn đề nghị bí mật “nằm vùng” ở lại để xây dựng lực lượng chuẩn bị đánh Mỹ. Một nhiệm vụ đặc biệt vừa tế nhị vừa nguy hiểm giữa lòng kẻ thù. Nguyễn Hữu Xuyến bám trụ, góp phần xây dựng căn cứ địa từ buổi đầu đầy khó khăn, lần lượt được giao những trọng trách: Trưởng ban Quân sự, Tư lệnh các Lực lượng vũ trang giải phóng miền Đông Nam Bộ, Phó tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam.

Trong ký ức của mình, Trung tướng Nguyễn Hữu Xuyến thường nhớ tới cái Tết cổ truyền năm 1947. Bấy giờ tại Sa Đéc quân ta bắt đầu kiểm soát toàn bộ vùng nông thôn, chuyển mọi hoạt động quân sự sang thế chủ động, tự do về tác chiến. Ngay từ đầu năm âm lịch, dù còn trong không khí Tết cổ truyền, nhưng khi hay tin địch chuyển quân trên quốc lộ, quân ta đã quyết định mở trận giao thông chiến tại Cổ Cò - Mỹ Tho, với sự phối hợp lực lượng của hai tỉnh Sa Đéc, Mỹ Tho và toàn bộ học sinh Trường Quân chính của Khu 9. Quân ta phục kích đoạn đường dài 12km, hình thành thế trận: dẫn địch vào sâu khu trung tâm, bao vây nhiều lớp và chặn viện nhiều chặng. Tiểu đoàn Tidoa - Néon anh hùng của Pháp thắng phát xít Đức trong Thế chiến thứ hai, đã bị quân ta tiêu diệt hoàn toàn, với 15 xe cơ giới, trong đó có 8 xe thiết giáp. Viện binh của địch ở hai đầu đều bị đánh chặn. Cánh viện binh từ Sài Gòn xuống phá vỡ được tuyến phòng thủ thứ nhất nhưng bị tuyến hai của ta chặn đứng lại.

Theo Trung tướng Nguyễn Hữu Xuyến, trận Cổ Cò xuân 1947 là trận giao thông chiến đầu tiên của miền Nam và có lẽ cũng là đầu tiên cả nước. Tiếng súng vừa dứt, đồng bào các ngả kéo đến đông nghịt chúc mừng và ủy lạo bộ đội bằng rất nhiều bánh trái, thực phẩm. Vừa thắng trận bộ đội lại vừa được tiếp tục ăn Tết cổ truyền với nhân dân. Ở ngay Cổ Cò có ông già Ba đã làm tặng bộ đội bài thơ mà lão tướng Nguyễn Hữu Xuyến còn chép lưu mãi trong sổ tay:

“Xưa nay Việt Nam lắm anh hùng

Tết thắng giặc Tàu nhắc Quang Trung

Xuân đánh bại Tây trận Cổ Cò

Diệt "anh hùng Néon", thật anh hùng

Hoa xuân nở khắp non sông

Mừng Tết Cổ Cò lập công đánh Pháp”

Sang thời chống Mỹ, tướng Nguyễn Hữu Xuyến nhớ nhất là xuân Mậu Thân 1968 mà bộ đội được “ăn Tết trước” để chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công và nổi dậy vào các thành phố, thị xã. Tại cơ quan Bộ Tư lệnh Miền, mặc dù chuẩn bị khá chu đáo các loại thực phẩm ngày Tết, từ rượu thịt, bánh tét, bánh chưng đến các loại hoa quả, kẹo mứt nhưng các nhà lãnh đạo chỉ ăn qua loa, ai cũng đứng ngồi không yên, lo kiểm tra mọi khâu chuẩn bị cho trận đánh lịch sử. Những người lính cấp dưới cũng được ăn Tết trước, dù chưa biết rõ thông tin nhưng cũng linh tính điều hệ trọng sắp diễn ra. Một không khí bí mật và phấn khởi bao trùm cả chiến khu. Và cũng như mọi năm, vào giây phút giao thừa thiêng liêng, mọi người cùng vây quanh chiếc đài bán dẫn nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc thơ chúc Tết. Riêng giao thừa xuân Mậu Thân 1968 có khác, bài thơ chúc Tết của lãnh tụ cũng đồng thời là tín hiệu cho cuộc tổng tấn công và nổi dậy bắt đầu. Tiếng súng hoà trong tiếng pháo xuân rền vang khắp miền Nam. Và đó cũng là lúc ca khúc quen thuộc của nhạc sĩ Xuân Hồng vang lên khắp núi rừng:

“Mùa xuân về trong chiến khu

Tiếng chim rừng vang hót khắp nơi

Mùa xuân về trong chiến khu

Gió đưa cây rừng cành lá vi vu

Chim hót mừng mùa xuân thắng lợi.

Mai vàng, mai vàng đang nở lưng đồi

Chào anh bộ đội thêm một tuổi đời

Mừng anh thêm một tuổi quân

Thêm nhiều chiến công toàn dân đang mong…”

Văn nghệ số 3/2016

Tết cổ truyền trong chiến khu Đông Nam Bộ
Núi Bà Đen. Ảnh Internet.
Thầy giáo dạy văn. Truyện ngắn của Lê Ngọc Minh

Thầy giáo dạy văn. Truyện ngắn của Lê Ngọc Minh

Baovannghe.vn - Với vùng nửa quê nửa tỉnh hồi đó, thì bốn cô nhà ông Vại đều cao số. Thông thường, gái làng nhất là gái đẹp, mười sáu, mười bảy tuổi đã có người nhắm nhe, nhưng cô cả Sứ nhà ông Vại đã hai bốn tuổi, cô út Liễn đã hai mốt nhưng vẫn chưa đâu vào đâu. Đã thế, cô Sứ lại có một tuyên ngôn rất chí khí Pavel Corsaghin: "Đời người chỉ lấy chồng một lần, không đáng mặt không lấy!".
Tết ấm quê nhà - Thơ Tịnh Bình

Tết ấm quê nhà - Thơ Tịnh Bình

Baovannghe.vn- Bâng khuâng theo khói chiều đông/ Cánh đồng ngậm ngùi sương trắng
Dáng mẹ chân trời - Thơ Thái Anh

Dáng mẹ chân trời - Thơ Thái Anh

Baovannghe.vn- Me rê/ óng hạt lúa vàng
Bài thơ "Vườn mẹ mai vàng" của Nguyễn Hữu Quý

Bài thơ "Vườn mẹ mai vàng" của Nguyễn Hữu Quý

Baovannghe.vn - Đọc “Vườn mẹ mai vàng” dung dị, chân thật như đang xem một bức tranh hiện thực mà sắc nét, để ta thêm tự hào về đất và người miền Trung
Mùa Pơ-thi ở Tây Nguyên

Mùa Pơ-thi ở Tây Nguyên

Baovannghe.vn - Nếu bạn lên Tây Nguyên vào dịp sau Tết Nguyên Đán, bạn đến bất kỳ buôn làng nào, càng ở vùng sâu vùng xa càng được dự những cuộc lễ hội tưng bừng, “nguyên bản” hơn.