Sáng tác

Diễn từ nhận giải Nobel của nhà văn Han Kang: Tôi muốn thổi vào câu từ ánh sáng và dòng điện của sự sống

Nhà văn Han Kang
Văn học nước ngoài
09:04 | 25/12/2024
Baovannghe.vn- Mỗi lần viết tiểu thuyết là một lần tôi chống chịu và sống bên trong những câu hỏi. Khi tôi chạm đến tận cùng những câu hỏi ấy - chứ không phải khi tìm thấy câu trả lời
aa

Tháng Giêng năm ngoái, đang dọn kho để chuyển nhà thì tôi bắt gặp một hộp giày cũ. Bên trong là khoảng mươi cuốn nhật ký tôi viết từ thuở ấu thơ. Giữa chồng nhật ký đó, tôi phát hiện một cuốn sổ mỏng đóng ghim, trên bìa có dòng chữ bút chì ghi “Tập thơ”, làm từ năm tờ giấy A5 gập đôi, đóng lại ở giữa bằng ghim. […] Mặt sau cuốn tập đề năm 1979 và tên tôi, bên trong thảy cả tám bài thơ đều viết bằng nét chữ nắn nót. Cuối mỗi trang ghi chép ngày tháng theo trình tự thời gian. Giữa những câu cú ngây ngô và thô vụng đúng chất một đứa trẻ tám tuổi, lọt vào mắt tôi một bài thơ đề ngày tháng 4, mở đầu như sau:

Diễn từ nhận giải Nobel của nhà văn Han Kang: Tôi muốn thổi vào câu từ ánh sáng và dòng điện của sự sống
Nhà văn Han Kang
Tình yêu ở nơi đâu?

Hẳn bên trong lồng ngực phập phồng của mình.

Tình yêu là điều gì?

Chính là sợi chỉ vàng giữa tim người và tim ta.

Trong khoảnh khắc, tôi quay ngược 40 năm về buổi chiều tôi làm ra cuốn sổ. Cây bút chì cùn đậy nắp bút bi, lấm tấm vụn tẩy, chiếc ghim bấm to sụ bằng sắt lấy trộm từ phòng bố. Tôi nhớ khi biết sắp phải chuyển lên Seoul, tôi liền muốn thu nhặt những bài thơ tôi đã rải rác trên những trang giấy thừa, những khoảng trống sách giáo khoa, sách bài tập và trong nhật ký. Và cảm giác khó tả không muốn cho ai xem tập thơ sau khi hoàn thành.

Trước khi xếp chỗ nhật ký và cuốn sổ kia vào hộp như ban đầu, tôi dùng điện thoại chụp trang có bài thơ này. Bởi lẽ tôi cảm giác một vài từ ngữ của cô bé tám tuổi năm xưa vẫn còn liên hệ với mình lúc bấy giờ. Trái tim trong lồng ngực tôi đang đập. Giữa trái tim người và trái tim ta. Sợi chỉ vàng kết nối chúng - một sợi chỉ lấp lánh sáng.

*

Mười bốn năm sau, tôi xuất bản bài thơ đầu tiên, năm kế tiếp là truyện ngắn đầu tiên và trở thành một “người viết”. Năm năm sau, tôi xuất bản tiểu thuyết đầu tay mà tôi viết trong ba năm. Tôi rất thích viết thơ, cũng rất thích viết truyện ngắn - đến bây giờ vẫn còn thích - nhưng viết tiểu thuyết luôn có một hấp lực đặc biệt. Để hoàn thành một tiểu thuyết, tôi đánh đổi ít nhất là một năm, còn lâu nhất là bảy năm, cuộc sống cá nhân của mình. Ấy chính là điểm mà tôi thích. Tôi sẵn lòng đánh đổi như thế, là vì tôi có thể đắm chìm và theo đuổi những câu hỏi quan yếu và bức thiết.

Mỗi lần viết tiểu thuyết là một lần tôi chống chịu và sống bên trong những câu hỏi. Khi tôi chạm đến tận cùng những câu hỏi ấy - chứ không phải khi tìm thấy câu trả lời - là lúc cuốn tiểu thuyết hoàn thành. Tôi không còn là con người lúc bắt đầu cuốn tiểu thuyết nữa, và con người mới sinh ra từ quá trình đó lại bắt đầu một tác phẩm khác. Những câu hỏi tiếp theo, hệt như mắt xích, hay quân domino, chồng lấp và tiếp nối để khơi gợi mở đầu của một tiểu thuyết mới.

Khi viết tiểu thuyết thứ ba (Người ăn chay, Hoàng Hải Vân dịch) từ năm 2003 đến năm 2005, tôi đã sống trong những câu hỏi đớn đau: Một con người có thể trở thành một tồn tại khiết bạch toàn phần hay không? Chúng ta có thể kháng cự bạo lực đến nhường nào? Chuyện gì sẽ xảy ra với một người từ chối thuộc về loài người để kháng cự bạo lực?

Từ bỏ thịt, và cuối cùng tin mình đã trở thành thực vật nên ngoại trừ nước thì không chịu ăn uống bất kỳ thứ gì, Yeong-hye vì muốn cứu lấy bản thân mà trớ trêu thay mỗi giây phút đều tiến gần hơn đến cái chết. Có thể nói có hai nhân vật chính: Yeong-hye và In-hye, cùng trải qua những khoảnh khắc thét gào vô thanh, ác mộng và tan vỡ để đến cuối vẫn ở lại bên nhau. Tôi đã hy vọng rằng Yeong-hye tiếp tục sống trong thế giới của cuốn tiểu thuyết này, vì lẽ đó mà phân cảnh cuối cùng là ở trong xe cấp cứu. Chiếc xe lao đi giữa những tàng cây xanh bốc cháy như pháo hoa, người chị chòng chọc nhìn xoáy qua ô kính cửa sổ. Như thể đang đợi chờ một câu trả lời, như thể đang phản kháng lại một điều gì đó. Toàn bộ cuốn tiểu thuyết ở trong trạng thái những câu hỏi như vậy. Vừa chằm chằm nhìn vừa ra sức kháng cự. Vừa đợi chờ một câu trả lời.

Trong tiểu thuyết tiếp theo (tạm dịch: Nổi gió rồi, đi đi), tôi đẩy những câu hỏi đi xa hơn nữa. Không thể khước từ cuộc sống và thế giới để kháng cự bạo lực. Rốt cuộc thì chúng ta không thể trở thành những cái cây. Vậy làm sao để đi xa hơn đây? Trong tiểu thuyết kỳ bí này, những câu văn in thường và in nghiêng va chạm và rung chuyển, nữ chính một thời gian dài đã chiến đấu với bóng đen tử thần, nay lại mạo hiểm cả mạng sống để chứng minh cái chết đột ngột của bạn cô không phải do tự sát. Viết phân cảnh cuối cùng, khi cô ấy dốc hết sức bình sinh lết qua sàn để chạy trốn khỏi cái chết và bạo lực, tôi đã tự hỏi: Chẳng phải sau rốt thì chúng ta vẫn phải sống đấy sao? Chẳng phải dùng sinh mạng để làm chứng cho sự thật đấy sao?

(*)

[…] Cho đến giây phút đó tôi chưa từng một lần nghĩ đến chuyện viết về Gwangju.

Gia đình tôi rời Gwangju vào tháng 1/1980, chưa đầy bốn tháng sau thì xảy ra cuộc thảm sát, lúc ấy tôi mới lên chín. Mấy năm sau, tôi tình cờ phát hiện cuốn “Tập ảnh Gwangju” đặt ngược trên giá sách, bèn lấy đọc trộm, khi ấy tôi mười hai. Cuốn sách tập hợp ảnh chụp dân thường và sinh viên bị sát hại bằng dùi cui, lưỡi lê và súng đạn trong khi nỗ lực chống lại chính quyền quân sự thành lập từ cuộc đảo chính; được gia quyến và những người sống sót bí mật thực hiện và xuất bản, nhằm lưu lại sự thật bị bóp méo dưới sự kiểm soát truyền thông chặt chẽ.

Tôi ngày bé thơ không hiểu được chính xác ý nghĩa chính trị của chỗ ảnh đó, nhưng những gương mặt bị thương đã khắc sâu trong tôi câu hỏi căn nguyên nhất về bản chất con người. Con người có thể hành động như vậy với con người sao? Cũng trong cuốn sách đó, là hình ảnh hàng người vô tận trước cổng bệnh viện trường đại học chờ hiến máu cho những người bị thương. Con người có thể hành động như vậy với con người sao? Hai câu hỏi tưởng chừng bất khả tương dung ấy đã va chạm và trở thành một bí ẩn không thể giải đáp.

Mùa xuân năm 2012, khi đang cố gắng viết một tiểu thuyết “tươi sáng ấp ôm cuộc đời”, một lần nữa tôi gặp lại những câu hỏi chưa lời giải ấy trong lòng mình. [...] Khoảnh khắc ấy tôi ngộ ra, nếu không đối diện với bí ẩn không thể giải đáp kia thì tôi chẳng thể tiến về phía trước, và rằng chỉ bằng cách viết tôi mới có thể đi thật sâu vào những câu hỏi ấy.

Gần một năm tiếp theo, tôi phác thảo tác phẩm mới, hình dung Gwangju sẽ là một tầng nghĩa trong tiểu thuyết này. Thế rồi chiều nọ, sau một đêm tháng 12 tuyết đổ dày, tôi tìm đến nghĩa trang Mangwol-dong. Trời chập tối, tôi đặt tay lên tim và bước khỏi khu mộ đóng băng, miên man suy nghĩ. Rằng mình sẽ không để Gwangju chỉ là một tầng nghĩa, mà tiểu thuyết này phải trực diện nhìn vào Gwangju. Tôi tìm mua cuốn sách ghi chép lời của hơn 900 nhân chứng, và đọc chín giờ mỗi ngày để hoàn thành trong vòng một tháng. Sau đó không chỉ Gwangju, mà tôi còn tìm đọc tài liệu về các trường hợp bạo lực nhà nước khác, rồi mở rộng ra cả về không gian và thời gian, những cuộc thảm sát đã tiếp diễn và lặp lại trên toàn cầu trong suốt lịch sử của nhân loại.

[…] Những năm tháng tuổi 20 tôi đã luôn viết lên trang đầu mỗi khi thay một cuốn nhật ký mới những câu sau:

Hiện tại có giúp đỡ được quá khứ?

Người còn sống có cứu rỗi được người đã khuất?

Càng đọc thêm nhiều tài liệu, tôi càng nhận thức rõ hơn rằng ấy là hai câu hỏi bất khả. Bởi lẽ, triền miên đối mặt với những phần tăm tối nhất của con người, niềm tin vào nhân loại của tôi, vốn rạn nứt bấy lâu, nay lại hoàn toàn vụn vỡ. Tôi suýt đã từ bỏ cuốn tiểu thuyết này thì đọc được nhật ký của một giáo viên trẻ dạy học buổi đêm. Anh là Park Yong-jun, một người nhút nhát và trầm lặng, đã tham gia vào cộng đồng tự quản của công dân kéo dài mười ngày sau khi quân đội rút lui tạm thời vào tháng 5/1980 ở Gwangju, đã ở lại YWCA (Young Women’s Christian Association: Hiệp hội Cơ đốc Phụ nữ Trẻ) bên cạnh tòa nhà hành chính cho đến sáng hôm sau khi quân đội quay lại và anh bị giết. Đêm cuối cùng, anh viết: “Lạy Chúa, sao con lại có lương tâm, để nó làm con đau đớn và tổn thương đến nhường này? Con muốn được sống.”

Khoảnh khắc đọc được những dòng đó, tôi tức khắc biết tiểu thuyết này phải đi theo hướng nào. Tôi ngộ ra hai câu hỏi trên phải đảo ngược lại.

Quá khứ có giúp đỡ được hiện tại?

Người đã khuất có cứu rỗi được người còn sống?

Trong quá trình viết Bản chất của người (Kim Ngân dịch), tôi thực sự cảm nhận được rằng quá khứ có thể giúp đỡ hiện tại, người đã khuất có thể cứu rỗi người còn sống. Thỉnh thoảng tôi vẫn ghé thăm nghĩa trang kia, và lạ thay, mỗi lần tôi đến, bầu trời đều trong xanh. Khép mắt là ánh dương đượm sắc cam lại tràn đầy trong mí mắt. Tôi cảm nhận đó chính là ánh sáng của sự sống. Một thứ ánh sáng và không khí ấm áp khôn tả bao bọc lấy tôi.

Những câu hỏi đã luôn ở trong lòng tôi kể từ năm mười hai tuổi xem tập sách ảnh kia là: Sao con người lại có thể bạo lực đến nhường ấy? Việc chúng ta thuộc về giống loài con-người thì có ý nghĩa gì? Để băng qua con đường hư không bất khả tồn tại giữa hai vách đá, giữa cái thảm khốc và cái tôn nghiêm của loài người, tôi cần đến sự giúp đỡ của những người đã khuất. Giống như nhân vật chính trong tiểu thuyết này, cậu bé Dong-ho, đã nắm chặt tay mẹ tiến bước về phía ánh mặt trời chiếu rọi.

Tất nhiên tôi chẳng thể đảo ngược điều đã xảy ra với những người đã khuất, với tang quyến của họ và với những ai sống sót. Điều duy nhất tôi có thể làm được là cho họ mượn cảm giác, cảm xúc và sức sống của thân thể này. Vì muốn thắp lên những ngọn nến ở đầu và cuối câu chuyện, tôi đã đặt cảnh đầu tiên tại Nhà thi đấu, nơi từng được trưng dụng để thu thập thi thể và tổ chức tang lễ. Tại đó, cậu bé 15 tuổi Dong-ho phủ những tấm vải trắng lên các thi thể và thắp nến. Chú mục vào tâm lửa xanh lập lòe hình trái tim.

(*)

Mùa xuân năm 2014, tôi ngạc nhiên khi nghe độc giả của cuốn sách giãi bày rằng họ cảm thấy đau đớn tột cùng. Tôi phải dành thời gian để suy xét mối liên hệ giữa nỗi đau mà tôi cảm nhận được trong lúc viết cuốn tiểu thuyết, và nỗi đau nó đã gợi ra nơi độc giả. Đâu là nguyên do của nỗi đau ấy? Phải chăng là vì chúng ta muốn tin tưởng vào nhân tính, để rồi khi niềm tin ấy bị lung lay, chúng ta cảm giác như chính bản thân mình bị hủy hoại? Phải chăng là vì chúng ta muốn yêu thương con người, để rồi khi tình yêu ấy vụn vỡ, chúng ta cảm thấy thống khổ tột độ? Phải chăng khổ đau ấy sinh ra chính từ tình yêu, và khổ đau cũng là một bằng chứng của tình yêu?

Tháng sáu năm đó tôi đã nằm mơ. Trong giấc mơ, tôi đi bộ trên cánh đồng rộng lớn là đà tuyết rơi, cơ man những thân gỗ đen, sau mỗi gốc gỗ là một ngôi mộ. Đột nhiên, giày tôi chạm nước, tôi ngoái lại nhìn thì thấy biển đang dâng lên từ phía rìa cánh đồng, nơi ban nãy tôi tưởng là đường chân trời. Tôi tự hỏi tại sao những mộ phần lại được chôn ở đây. Xương dưới mộ có bị cuốn trôi mất không? Chí ít, chỗ xương ấy phải được di dời trước khi quá muộn? Nhưng làm thế nào đây? Tôi chẳng có xẻng. Nước dâng đã tới mắt cá chân rồi. Khi tôi tỉnh giấc và trông ra cửa sổ tối đen, tôi cảm nhận rằng giấc mơ này đang muốn nói điều gì đó quan trọng. Sau khi ghi lại giấc mơ, tôi nhận ra đây sẽ là khởi đầu cho câu chuyện tiếp theo của mình.

[...] Tháng 12/2017 tôi thuê một căn phòng ở đảo Jeju, hai năm kế đó đi đi về về giữa Seoul và Jeju. Cảm nhận nắng gió mưa tuyết khí hậu mãnh liệt trong từng khoảnh khắc, dạo bộ trong rừng, dọc bờ biển và những con đường quê, tôi thấy cấu tứ cuốn tiểu thuyết dần dần hiển lộ.

Giống với khi viết Bản chất của người, tôi đọc lời chứng của những người sống sót sau vụ thảm sát, nghiên cứu tài liệu, và khi đối diện với những chi tiết tàn bạo dường như bất khả diễn ngôn, tôi đã nỗ lực viết trong chừng mực kiềm chế nhất có thể để hoàn thành (tạm dịch: Không lời từ biệt). Cuốn sách xuất bản khoảng 7 năm sau buổi sáng tôi mơ về thân gỗ đen và nước biển dâng. Suốt quá trình viết, tôi đã ghi lại trong vài cuốn vở những ghi chú như thế này.

Sự sống mong cầu được sống. Sự sống ấm áp nhường nào.

Sự chết tức là hóa lạnh. Là tuyết tích tụ trên mặt mà chẳng tan.

Giết chóc tức là mang đến giá lạnh.

Con người trong lịch sử và con người trong vũ trụ.

Ngọn gió và hải lưu. Vòng tuần hoàn nước và khí đan xâu thế giới vẹn toàn.

Chúng ta kết nối với nhau. Chúng ta kết nối với nhau, xin nguyện cầu.

(*)

Không lời từ biệt xuất bản đến giờ đã được 3 năm, tôi vẫn chưa thể hoàn thành tiểu thuyết tiếp theo. Tiểu thuyết tôi dự định viết sau cuốn sách này cũng là một tác phẩm đã chờ đợi tôi từ lâu. Một tiểu thuyết về hình thức có liên hệ với (Trắng, Hà Linh dịch), cuốn sách sinh ra từ mong muốn trao gửi cuộc đời tôi, trong một khoảng ngắn ngủi, cho người chị gái đã rời trần thế chỉ hai giờ sau khi chào đời của tôi, và cũng để nhìn vào những phần không bao giờ có thể phá hủy bên trong chúng ta. […] Một lúc nào đó, tôi sẽ rẽ sang một góc khuất, nơi chẳng còn nhìn thấy những cuốn sách trong quá khứ nữa, đi đến nơi xa nhất mà cuộc đời này cho phép.

Trong khi tôi bước đi xa, những cuốn sách ấy - dẫu là do tôi viết ra - sẽ có cuộc sống độc lập và tiếp tục hành trình với số phận của riêng chúng. Như hai chị em ở lại trong chiếc xe cứu thương khi ngọn lửa xanh bừng lên ngoài cửa sổ. Như người phụ nữ rồi sẽ sớm lấy lại được giọng nói, dùng ngón tay viết vào lòng bàn tay người đàn ông, trong tĩnh lặng, trong bóng tối. Như chị gái tôi người đã qua đời chỉ sau hai giờ đến với thế giới, và người mẹ trẻ tuổi của tôi không ngừng van cầu “Đừng chết con ơi, xin đừng chết” cho đến những phút giây cuối cùng. Những linh hồn ấy, những linh hồn đã bao tỏa tôi trong ánh sáng ấm áp khôn tả, ánh sáng cam đậm đọng vào mí mắt khép chặt của tôi, những linh hồn ấy sẽ đi xa đến đâu? Ở mọi nơi từng xảy ra thảm sát, trong tất cả không gian và thời gian từng kinh qua bạo lực tột cùng, ngọn nến của những ai thề nguyền không chịu từ biệt rồi sẽ đi đến đâu? Liệu chúng sẽ lần theo sợi chỉ vàng nối từ trái tim này sang trái tim khác, từ ngọn bấc này sang ngọn bấc khác?

[…]

Sao thế giới này lại tàn bạo và thống khổ đến nhường này?

Vậy mà đồng thời thế giới cũng lại tươi đẹp biết bao nhiêu?

Suốt một thời gian dài, tôi đã tin rằng xung khắc và nội lực giữa hai câu trên là động lực thôi thúc ngòi bút của mình. Từ tiểu thuyết đầu tay đến tác phẩm mới nhất, những câu hỏi trong tâm trí tôi liên tục chuyển dịch và khơi mở, nhưng đây là hai câu vẫn bền bỉ vẹn nguyên, nhất quán. Nhưng đến hai hay ba năm trước, tôi bắt đầu hoài nghi. […] Từ tiểu thuyết đầu tay đến tiểu thuyết gần nhất, chẳng phải tầng sâu nhất trong các câu hỏi của tôi vẫn luôn hướng về tình yêu đấy sao? Phải chăng tình yêu mới chính là âm điệu căn nguyên nhất cuộc đời tôi?

[…]

Viết tiểu thuyết, tôi sử dụng thân thể mình. Tôi nhìn ngắm, tôi lắng nghe, tôi nếm náp, tôi xúc chạm vào mềm mại, ấm áp, lạnh lẽo và đau đớn, cảm nhận nhịp tim, cơn đói, cơn khát, tôi đi dạo và chạy bộ, tắm mình trong mưa gió tuyết, tôi nắm tay một ai đó. Tôi muốn thổi vào trong câu từ của mình những cảm giác sống động của một tồn tại hữu diệt với huyết quản ấm áp chạy dọc cơ thể, như thể truyền đi một xung điện. Và khi tôi cảm thấy xung điện đó được truyền đến người đọc, tôi vỡ oà ngạc nhiên và xúc động. Khoảnh khắc đó, tôi lần nữa thân nghiệm ra rằng ngôn ngữ chính là sợi chỉ đang kết nối chúng ta, rằng những câu hỏi của tôi đang chạm đến sợi chỉ nơi ánh sáng và dòng điện của sự sống đang chảy qua. Tôi thực sự cảm nhận được điều đó. Tôi muốn bày tỏ lòng cảm tạ sâu sắc nhất đến những ai đã kết nối với mình qua sợi chỉ đó, và cả những ai sẽ làm thế.

Phong Khang

Lược dịch từ nguyên bản tiếng Hàn

(Tít bài do báo Văn nghệ đặt)

Trao Giải Ảnh báo chí "Khoảnh khắc vàng" lần thứ VII năm 2024

Trao Giải Ảnh báo chí "Khoảnh khắc vàng" lần thứ VII năm 2024

Baovannghe.vn - Ngày 25/12, tại Trụ sở Trung tâm Thông tấn Quốc gia, Thông tấn xã Việt Nam tổ chức trao Giải Ảnh báo chí "Khoảnh khắc vàng" lần thứ VII năm 2024
Mời quý vị đón đọc báo Văn nghệ số 52/2024

Mời quý vị đón đọc báo Văn nghệ số 52/2024

Baovannghe.vn - Báo Văn nghệ số 52/2024 ra ngày 28/12/2024 với các nội dung sau:
Bản tin Văn nghệ ngày 25/12/2024

Bản tin Văn nghệ ngày 25/12/2024

Baovannghe.vn - Chương trình đầu tiên trong chuỗi hòa nhạc dự kiến tổ chức thường niên vào dịp Tết Dương lịch do NSND Bùi Công Duy và nghệ sỹ quốc tế biểu diễn.
Mùa đông của mẹ - Thơ Thái Anh

Mùa đông của mẹ - Thơ Thái Anh

Baovannghe.vn- Mẹ cò/ cóng róng nương mưa
Năm tháng vội vã tìm bóng hình cha

Năm tháng vội vã tìm bóng hình cha

Baovannghe.vn - Tôi đã đi tìm và đã thấy bóng hình cha thật rõ nét, thật thân thuộc qua những con chữ, những tác phẩm, những câu chuyện của cha và về cha