Chuyên đề

Giá trị đặc biệt quần thể di tích Đình, Đền, Chùa Tiên Lục và cây Dã Hương

Dương Thị Ánh
Văn học địa phương
13:00 | 25/07/2024
Làng Tiên Lục xưa thuộc tổng Đào Quán, huyện Bảo Lộc, phủ Lạng Giang. Ngày nay là xã Tiên Lục thuộc huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang.
aa

Từ xa xưa, vùng đất Tiên Lục đã được mệnh danh là vùng đất cổ. Xưa nơi đây có tên Nôm là làng “Luộc", tọa lạc ở địa thế phong thuỷ giao hoà. Thời phong kiến, Tiên Lục đã từng được vua ban tặng cho 4 chữ “Mỹ tục thuần phong” bởi còn lưu giữ được bản sắc văn hóa đặc sắc. Sự kết hợp hài hoà giữa không gian cảnh quan và những nét văn hoá truyền thống đã tạo cho nơi đây một quần thể công trình kiến trúc nghệ thuật nổi bật với các ngôi đình, đền, chùa… cổ kính, linh thiêng, có lịch sử xây dựng từ lâu đời và được trùng tu, tôn tạo thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII-XVIII). Đây là một quần thể kiến trúc độc đáo, có giá trị không chỉ riêng trong tỉnh Bắc Giang mà còn là di sản văn hóa có giá trị của quốc gia.

Quần thể di tích bao gồm các di tích: đình Thuận Hòa, đình Viễn Sơn, đền Tiên Lục, chùa Phúc Quang và cây Dã hương.

Đình Thuận Hoà
Đình Thuận Hoà

Theo minh văn trên chuông chùa cho biết, chùa Phúc Quang còn có tên gọi là Tiên Phúc Quang tự, là "một danh lam cổ tích chưa từng có" trong vùng, với quy mô to lớn, hơn 80 pho tượng lớn nhỏ. Đến năm 1707 niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 3, chùa được trùng lớn, có khắc ghi ở cây hương đá nay còn lưu tại chùa và lấy tên chùa là Phúc Quang tự. Chùa được xây dựng có cùng thời với hai ngôi đình và đền tại vùng đất này.

Đền Tiên Lục còn gọi là đền Thánh Cả. Đây là ngôi đền được xây dựng từ thời Lê thế kỷ XVII-XVIII cùng niên đại với hai ngôi đình Thuận Hòa và đình Viễn Sơn. Cả ba công trình tín ngưỡng này đều thờ Thành Hoàng làng là Thần Cao Sơn, Quý Minh Đại vương. Đây là những vị tướng dưới thời Vua Hùng Duệ Vương đã có công giúp nhân dân dẹp giặc chúa Thục ở thế kỷ III (trước Công Nguyên), đem lại cuộc sống bình an cho quê hương, đất nước. Đình Thuận Hòa còn thờ Thần Đương Giang Đô thống Đại vương. Đình Viễn Sơn còn thờ Thần là Cây Dã hương. Dưới thời Vua Lê Cảnh Hưng (1740 - 1786) khi nhà vua đi ngang qua vùng này, thấy cây Dã hương to đẹp đã sắc phong cho cây là “Quốc chúa đô mộc Dã Đại vương” nghĩa là cây Dã hương to đẹp nhất nước. Dưới thời Pháp thuộc, cây Dã hương đã được người Pháp liệt vào loại cây cổ thụ lâu đời có hạng ở vùng Đông Dương. Trong bộ từ điển bách khoa La Rousse của Pháp có in bức ảnh cây Dã hương và ghi rõ đây là cây Dã lớn thứ 2 thế giới.

Cây Dã hương
Cây Dã hương

Trong lịch sử dân tộc, cây Dã hương được nhắc đến trong cuốn “Việt Lược Sử” là cây cổ nhất của nước Việt, đó là thời kỳ nước ta còn mang tên Đại Việt.Từ đó, nhân dân Tiên Lục vẫn luôn gìn giữ và bảo vệ cây Dã hương như một báu vật của quê hương. Đây là yếu tố văn hóa mang tín ngưỡng dân gian vô cùng đặc biệt duy nhất chỉ có tại tỉnh Bắc Giang, cũng như Việt Nam.

Chính vì thế, hình ảnh cây Dã hương đã gắn bó với vùng đất Tiên Lục, với con người nơi đây và đã trở thành biểu tượng nét đẹp văn hóa, biểu tượng rất đỗi mộc mạc, thân thiết, linh thiêng trong không gian văn hóa làng quê. Không những là minh chứng lịch sử văn hoá, cây Dã hương còn có giá trị khoa học, kinh tế, cũng như trong y học được xếp vào các loại thuốc quý, hiếm hiện nay.Đó là giá trị đặc biệt khi nhắc tới vùng đất này.

Về giá trị lịch sử, văn hóa của Quần thể di tích: Các di tích ở đây đều tọa lạc ở gần nhau, có thể đi bộ cũng khá gần và các di tích này mối liên hệ mật thiết với nhau. Đình Thuận Hòa - đình Viễn Sơn - đền Thánh Cả - chùa Phúc Quang đều được xây dựng cùng thời Lê Trung Hưng (cuối thế kỷ XVII - đầu thế kỷ XVIII). Điều đó được thể hiện trên các mảng chạm khắc còn lưu giữ ở đình, với phong cách mang đậm nét kiến trúc thời Lê Trung Hưng, các tư liệu di sản như chuông, cây hương đá có ghi rõ năm tạo tác. Chuông tại chùa có niên hiệu Vĩnh Thịnh Thứ 3 (năm 1707) cho biết "... Chùa Phúc Quang vốn là một cổ tích danh lam...". Đặc biệt các di tích ở đây được gắn kết với nhau và được trường tồn tới ngày nay thông qua các sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân địa phương. Lễ hội Tiên Lục được tổ chức vào 3 ngày 18, 19, 20 tháng 3 âm lịch. Lễ hội là nơi hội tụ những nét tinh hoa của nền văn minh xóm làng, thể hiện tình đoàn kết cộng đồng, tình yêu quê hương, đất nước.

Chùa Phúc Quang
Chùa Phúc Quang

Đây là một trong những lễ hội lớn của không chỉ huyện Lạng Giang mà nó còn thu hút đông đảo nhân dân trong và ngoài tỉnh về đây đi lễ cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Lễ hội Tiên Lục diễn ra ở 4 khu vực chính là chùa Phúc Quang, đền Tiên Lục, đình Thuận Hòa, đình Viễn Sơn và cây Dã hương.

Sau phần lễ là phần hội với nhiều trò chơi dân gian độc đáo như chơi đu, kéo co, chọi gà, cướp cầu, kéo chữ "Thiên, Hạ, Thái, Bình"... với sự tham gia của đông đảo nhân dân cùng du khách thập phương.

Lễ hội làng Tiên Lục là nơi lưu giữ những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp từ bao đời, có ý nghĩa lớn lao về tinh thần của cộng đồng dân cư, tăng thêm tình đoàn kết xóm làng, yêu thương nhau của người Việt từ xa xưa.

Giá trị về kiến trúc nghệ thuật: Bên cạnh giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, Cụm di tích Tiên Lục là những công trình văn hoá tâm linh có giá trị nổi bật về kiến trúc, nghệ thuật được thể hiện trên nhiều mặt: Đây là quần thể kiến trúc bề thế bao gồm nhiều hạng mục khác nhau, phân bố hài hòa trong không gian vùng đất cổ kính, tất cả đều có mối quan hệ gắn bó mật thiết thành một tổng thể thống nhất. Trong tổng thể khối kiến trúc đó, mỗi di tích lại có những đặc điểm riêng về bố cục, kết cấu: Chùa Phúc Quang là một kiến trúc tiêu biểu được xây dựng đặc biệt theo bố cục “Nội công ngoại quốc” với 50 tòa ngang, dãy dọc bố trí thông nhau, các cấu kiện đều tạo tác bằng chất liệu gỗ lim theo kết cấu truyền thống. Đền có kết cấu kiến trúc chữ Đinh, cùng hướng Nam với chùa. Các công trình kiến trúc là đình như đình Viễn Sơn có bố cục chữ Công, đình Thuận Hòa có bố cục chữ Đinh. Hai ngôi đình này có hướng khác nhau song đều là hướng ngoảnh về chùa- theo hướng Bát Nhã. Tất cả các công trình ở đây có mối liên hệ mật thiết, tạo nên một quần thể kiến trúc liên hoàn. Bên cạnh đó mỗi di tích lại được kết nối với nhau bằng cấu trúc đường làng truyền thống, men theo sự thay đổi cao độ. Như vậy, truyền thống xây dựng hoà với tự nhiên, phù hợp với từng khung cảnh cụ thể được đề cao, nhưng cũng vẫn "không quên" nguyên tắc hướng về Bát Nhã - nhờ có trí tuệ để giải thoát (của chùa) và nguyên tắc "Thánh nhân Nam diện nhi thính thiên hạ" (của đền Thánh Cả). Một quần thể kiến trúc, với nhiều công trình khác nhau mà có thể sắp xếp, cấu trúc mặt bằng tổng thể tài khéo như ở Tiên Lục rất ít, hiếm thấy. Đó là một sự đặc biệt - một giá trị đặc biệt về cấu trúc không gian - cảnh quan.

Đình Viễn Sơn
Đình Viễn Sơn

Mặc dù đã trải qua hơn 300 năm, nhưng Quần thể di tích đình, đền, chùa Tiên Lục còn bảo lưu được nhiều mảng chạm khắc thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII-XVIII) và đan xen giữa các mảng chạm khắc thời Nguyễn (thế kỷ XIX) để thấy được sự chuyển giao, tiếp biến, kế thừa về loại hình kiến trúc, nghệ thuật trong các giai đoạn lịch sử của dân tộc. Quần thể di tích này có cùng niên đại, cùng chủ đề chạm khắc tạo nên sự liên kết chặt chẽ, không tách rời. Đây cũng là dấu ấn độc đáo riêng của Quần thể di tích Tiên Lục. Các mảng chạm ở tòa Đại đình, đình Viễn Sơn, đình Thuận Hoà và Tiền đường chùa Phúc Quang (những đao mác cho thấy cùng niên đại của thế kỷXVIII, thậm chí có dấu hiệu chuyển tiếp từ cuối XVII đến đầu XVIII). Đó là các đề tài: "đấu vật", "tiên nữ cưỡi rồng", "rồng ổ", người bắt thú", hay các đề tài là các con vật khá gần gũi với đời sống thường nhật của con người như: chuột, thằn lằn, rắn, hổ được nghệ nhân tạo tác, thả hồn trên từng thớ gỡ cùng các con vật linh như rồng, lân, phượng, nghê.

Nhìn chung, phần lớn đề tài trang trí trong nghệ thuật điêu khắc tại Quần thể di tích đình, đền, chùa Tiên Lục được khai thác từ những đề tài về linh thú, tiêu biểu nhất là các hoạt cảnh về rồng, bên cạnh đó được điểm xuyết bởi các hoạt cảnh của con người, đa số ở dạng thần tiên, số ít được thể hiện theo tích truyện… Tất cả đã góp phần tạo nên một nét đặc trưng trong nghệ thuật trang trí của công trình tín ngường, tôn giáo qua các thời kỳlịch sử nay còn lưu giữ được.

Các mảng chạm khắc mang phong cách thời Lê Trung Hưng đã xuất hiện ở rất nhiều các loại hình di tích, song với kỹ thuật chạm khắc tinh xảo như ở Quần thể di tích Tiên Lục thì rất hiếm gặp ở nơi khác. Với kỹ thuật chạm nổi và chạm lộng, tạo thành nhiều lớp, nhiều không gian ngay trên một khối gỗ, một chủ tài. Cùng đó là kỹ thuật đồng hiện hóa được áp dụng phổ biến để thổi hồn vào các đề tài được trang trí trên các cấu kiện gỗ. Các đề tài và hoạt cảnh được thể hiện đồng thời gắn kết với nhau mà không có sự ngăn cách hay tách bạch một cách rõ ràng trên các đồ án trang trí dù cùng thể hiện trên một mảng chạm, một đề tài.

Ở Quần thể di tích này không chỉ mang giá trị về nghệ thuật chạm khắc trên các cấu kiện kiến trúc mà vẻ đẹp nghệ thuật của nó còn thể hiện qua những đồ thờ, các hiện vật đá quý hiếm, có giá trị lịch sử từ thời Lê, thời Nguyễn còn lưu giữ tại các di tích. Nó minh chứng cho sự bền vững, trường tồn và cổ kính của các điểm di tích ở đây. Đó là ngai thờ, kiệu rước, bát hương, bát bửu, quả cầu thờ, chuông, cây hương, câu đối, hoành phi, đao, kiếm… Sự độc đáo trong giá trị nghệ thuật còn thể hiện ngay hệ thống tượng Phật. Hiện nay, tại chùa Phúc Quang có tới hơn 80 pho tượng Phật khá quy chuẩn từ kiểu dáng đến cách thức bài trí tượng, mang đậm phong cách dòng Phật giáo Đại thừa. Các pho tượng cổ chùa Phúc Quang chủ yếu được tạc từ chất liệu gỗ, đất và đặc biệt là gỗ mít có giá trị lịch sử, văn hóa, mỹ thuật cao.

Qua đây đã giúp chúng ta có cái nhìn đầy đủ hơn về quan niệm thẩm mỹ trong điêu khắc và trang trí kiến trúc, đồng thời nó đã minh chứng đánh dấu một thời kỳ phát triển kiến trúc, nghệ thuật Việt Nam thời Lê Trung Hưng giai đoạn cuối thế kỷ XVII - XVIII và có sự chuyển giao, tiếp nối của thế kỷ sau.

Với những giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu, đặc sắc ở Quần thể di tích đình, đền, chùa Tiên Lục và Cây Dã hương, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang xứng đáng được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt. Để lan tỏa và phát huy hơn nữa những giá trị đặc biệt tại Quần thể di tích này, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Giang, đặc biệt là ngành văn hóa, thể thao và du lịch cũng đã đang có những biện pháp đầu tư thực hiện các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị của Quần thể di tích gắn liền với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.

Nguồn Tạp chí Sông Thương (số 3/2024)
Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Baovannghe.vn - Chiến dịch thần tốc như một cơn lốc không ngày không đêm, đơn vị vừa đánh vừa hành quân gần như xuyên dọc theo Quốc lộ 13 hướng về Sài Gòn mỗi ngày một gần thêm.
Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Baovannghe.vn - Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc ngày 22/11 với phiên thảo luận tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Baovannghe.vn - Mây đen tan. Nắng nhẹ. Hương sen còn sót hòa cùng hương bùn đánh dạt mùi khói xe, đưa nụ cười của hai người đàn ông lấp đầy mi mắt đang nhìn về phía mặt trời.
Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Baovannghe.vn - Bài thơ Thề non nước không chỉ là lời tự tình đằm thắm của một tâm hồn thủy chung, tin cậy mà còn cất giấu trong mình một bức tranh thiên nhiên tráng lệ và quyến rũ mê hồn vì một vẻ đẹp như sinh ra bởi con người và cũng chỉ dành để cho con người.
Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Baovannghe.vn - Nhà văn Nguyễn Chí Trung trưởng thành từ thiếu sinh quân. Đi lính từ bé và làm cán bộ đại đội từ trẻ - ngày nền nông nghiệp của ta xứng danh với cái tên “nghèo nàn và lạc hậu” thì ông hòa nhập vào lớp thanh niên “vượt lên hàng đầu, vượt là vượt như tên bay”...