Chuyên đề

Tìm hiểu những giá trị di sản của quần thể di tích Tháp Bà Ponagar

Đoàn Bích Ngọ
Văn học địa phương
08:15 | 20/07/2024
Nằm trong hệ thống di sản văn hóa Chăm Pa, quần thể Tháp Bà Ponagar không những nổi tiếng bởi vẻ đẹp kỳ vĩ, huyền bí của một kiến trúc tôn giáo...
aa
Tháp Bà Ponagar Nha Trang
Tháp Bà Ponagar Nha Trang

Lịch sử xây dựng

Tọa lạc trên đồi Cù Lao, thuộc địa phận phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, quần thể di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Bà Ponagar được xây dựng từ giữa thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ thứ XIII dưới triều đại Panduranga - Vương quốc Chăm Pa. Tháp Bà Ponagar là tên của ngọn tháp cao nhất, to nhất trong quần thể khu đền tháp Chăm trên đồi Cù Lao. Đây là nơi thờ nữ thần Pô I Nư Na Gar - Bà mẹ xứ sở của người Chăm. Vào khoảng giữa thế kỷ 17 (1653) khi người Việt vào vùng đất mới sinh sống đã có sự tiếp biến văn hóa thờ Mẹ xứ sở của người Chăm có ở đây từ trước với tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, tôn thờ Bà là Thiên Y Thánh mẫu của dân tộc Việt Nam. Thời nhà Nguyễn Bà từng được các vua sắc phong là Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi (Bà Chúa Ngọc).

Quần thể Tháp Bà Ponagar nằm trong hệ thống di tích Chăm Pa. Về lịch sử hình thành khu đền tháp, theo PGS,TS Ngô Văn Doanh tác giả cuốn “Tháp cổ Chăm Pa”, NXB Văn Hóa Văn Nghệ TP. HCM 2018 thì Tháp Bà Ponagar là nhóm kiến trúc có mặt sớm trên địa điểm đền thờ Mẹ xứ sở nông nghiệp-tín ngưỡng ban đầu của người Chăm, khi tôn giáo Ấn độ ảnh hưởng tới vùng đất này và ngôi đền được chuyển thành nơi thờ các vị thần Ấn Độ giáo. Qua các nguồn tư liệu và những ghi chép còn lưu lại trên bia ký còn cho thấy vùng này vào năm 774 đã từng bị bọn cướp biển Ja Va tràn vào cướp bóc. Chúng đốt phá ngôi đền và cướp đi nhiều đồ thờ tự các vị thần và “các vật dụng trang trí bạc, đá quí, vàng, bình ấm, vương trướng bằng vàng, lọng trắng, vỉ ruồi, lọ vàng và các thứ khác…”, thời kỳ này ngôi đền chỉ mới được xây dựng bằng gỗ.

Sau đó vua Chăm “tương truyền là do Vicitrasagara xây dựng, ông đã dựng lên một lâu dài tráng lệ bằng đá mà sau này các vị vua kế nghiệp mở rộng thêm ra”. Năm 918 vua Inđra Varman đã cho dựng một pho tượng nữ thần Bhagavati thân thể bằng vàng. Năm 945 pho tượng này lại bị giặc Cao Miên cướp mất; đến năm 965 vua Jaya Inđravarman I cho làm lại tượng thần nữ thần Bhagavati đã bị giặc cướp đi từ 20 năm trước. Nhưng lần này chỉ được làm bằng đá. Như vậy trải qua bao thăng trầm, biến cố của lịch sử ngôi đền đã bị tác động tàn phá bởi chiến tranh; kiến trúc tôn giáo này đã được xây dựng, tôn tạo lại ở nhiều thời kỳ khác nhau, chính điều đó đã dẫn đến sự khác biệt về mặt niên đại của các kiến trúc trong cùng một quần thể:“Kiến trúc sớm nhất thuộc thế kỷ XI, nhưng hệ thống tượng thờ lại có mặt sớm hơn nhiều”(1)

Giá trị khoa học và nghệ thuật kiến trúc

Quần thể Tháp Bà Ponagar theo đánh giá của các chuyên gia về khảo cổ là nơi còn giữ được nhiều công trình kiến trúc độc đáo và hoàn chỉnh nhất trong các công trình đền tháp Chămpa khu vực miền Trung. Di tích gồm có các công trình phân bố thành 3 khu: Tháp cổng, khu tiền đình Mandapa và khu đền tháp. Trải qua biến động của lịch sử, tác động của mưa nắng, thời gian hiện nay khu cổng chính không còn nguyên vẹn, nhưng đây đó vẫn còn nhiều dấu tích củacác kiến trúc xưa như những cột trụ, bậc thang được làm bằng đá dẫn lối lên Khu Tiền đình Mandapa (nhà tĩnh tâm - nơi để du khách có thểtĩnh tâm và thư giãn khi đến hành hương). “Ở đây có Hàng cột kiến trúc: là những cột gạch được xây dựng trên mặt bằng kiến trúc. Hồi đầu thế kỷ XX, kiến trúc này còn khá rõ, với dấu vết của 24 cột và được xây dựng 4 hàng dọc, mỗi hàng 6 cột; vị trí của hàng cột trong và ngoài tương xứng với nhau theo trục ngang của nền. Hiện nay chỉ còn 12 cột (trong đó có 10 cột trong còn khá nguyên vẹn qua những lần trùng tu trước đây)”(2); đây cũng có thể là nơi chuẩn bị lễ vật trước khi dâng lên hành lễ Bà, giống như ở các công trình kiến trúc tôn giáo thường thấy ở Hin đu giáo. Đó cũng là nét độc đáo của Tháp Bà Ponagar.

Khu đền tháp được bố trí tầng cao nhất, có tòa Tháp Chính (Kalan A - Tháp Bà Ponagar - Dinh Bà). “Tháp chính là một ngôi tháp có quy mô lớn nhất, còn khá nguyên vẹn so với nguyên gốc ở khu di tích Tháp Bà Nha Trang. Những đặc điểm về mặt kiến trúc đã được Ph. Stern và J. Boiselier xác định ngôi tháp này là một trong những kiến trúc mở đầu cho phong cách chuyển tiếp từ Mỹ Sơn A1 sang phong cách Bình Định”(3). Ngoài tháp chính ở đây còn có các tháp sau: Tháp Nam (Kalan B - Dinh Ông), tháp nằm vị trí chính giữa các tháp trên hàng thứ nhất, có quy mô lớn thứ hai trong toàn bộ tổng thể kiến trúc ở Ponagar, dân trong vùng thường gọi là Tháp Ông - Dinh Ông, tức là người chồng của bà Thiên Y A Na Thánh Mẫu.

Tháp Đông Nam (Kalan C - Dinh Cố) đứng ở vị trí thứ ba, hàng đầu bên cạnh Tháp Nam,là ngôi tháp nhỏ nhất ở khu đền tháp, về hình thức của ngôi tháp này gợi cho người ta nghĩ tới đây là chỉ là một ngôi đền thờ hoặc miếu thờ nhỏ trong toàn bộ các đền thờ ở đây hiện nay nó không còn được nguyên vẹn như xưa, phần thân và mái đã bị hư hại nhiều. Tháp Tây Bắc (Kalan F - Dinh Cô Cậu) là ngôi tháp nằm hàng thứ hai, phía sau Tháp Chính, đây cũng chính là ngôi tháp còn lại tương đối nguyên vẹn nhất so với các ngôi tháp khác ở trong quần thể di tich Tháp Bà hiện nay. Theo nhận định của các nhà nghiên cứu thì tháp này là một kiến trúc đặc sắc của nghệ thuật Chămpa.

Trải qua nhiều lần trùng tu, xây dựng ở nhiều thời điểm lịch sử khác nhau trong suốt quá trình tồn tại, quần thể kiến trúc tôn giáo mang đậm nét Ấn Độ giáo của người Chăm ở Nam Trung bộ nói chung và quần thể Tháp Bà Pongar nói riêng đã cho thấy khả năng sáng tạo về kỹ thuật xây dựng các tòa tháp bằng gạch; sử dụng chất kết dính giữa các viên gạch cùng với việc tạo tác tài hoa trong nghệ thuật điêu khắc của người Chămpa cổ. Điều đó được thể hiện rõ nét ở cách chạm khắc trực tiếp các họa tiết trang trí và các vị thần, các vật cưỡi, linh vật của các vị thần trong các tích và truyền thuyết Hin đu giáo trên mặt tháp và các cấu kiện kiến trúc. Đây cũng là nét độc đáo đầy bí ẩn của chủ nhân các ngôi đền tháp Hinđu giáo độc nhất vô nhị ở khu vực Đông Nam Á.

Tháp Bà là trung tâm thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Khánh Hòa và các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên
Tháp Bà là trung tâm thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Khánh Hòa và các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên

Giá trị từ kho tàng di vật còn lưu giữ trong lòng đền tháp

Ngoài những công trình kiến trúc, ở quần thể khu di tích Tháp Bà Ponagar còn lưu giữ được một số lượng hiện vật lớn đó là các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc như: tượng nữ thần Bhagavati, tượng nam thần (Đêva), tượng phụ nữ quỳ (tín nữ), tượng Visnu, tượng nữ thần (Đêvi), tượng Sư tử, tượng Ganêsa, tượng thần đang ngồi, tượng Ápsara, tượng voi cùng 4 bệ thờ trong các tháp, trụ cửa hình Lin ga bằng đá, 14 sắc phong viết trên chất liệu giấy dó của các vua triều Nguyễn phong tặng. Ngoài ra ở Tháp Bà còn gìn giữ bảo quản được một lượng bia ký không nhỏ. Các bia ký này ghi lại các sự kiện được mang tính liên tục về thời gian (lịch đại) kế tiếp nhau. Chúng được khắc trên trụ cửa, lanh tô, trên tường tháp và trên mình một số pho tượng. Mặc dù chưa được nghiên cứu một cách đầy đủ, nhưng “bia ký ở Tháp Bà đã xác định được khoảng 28 đơn vị minh văn, chủ yếu có niên đại từ năm 784 cho đến cuối thế kỷ XIII. Chữ viết ở đây được sử dụng bằng chữ Phạn (Sanscrit) và chữ Chăm cổ. Ngoài ra, vẫn còn một số bia chưa dịch đựoc nội dung”(4).

Tháp Bà Ponagar là nơi diễn ra lễ hội thường niên nhằm tưởng nhớ công lao của Thiên Y Thánh mẫu Ana (Bà được dân gian tôn vinh là Mẹ xứ sở của vùng đất Nam Trung bộ) và cầu mong cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cuộc sống bình yên hạnh phúc của muôn dân. Lễ hội chính diễn ra từ ngày 2023/3 âm lịch hàng năm, trong đó, ngày chính là ngày 23/3. Ngoài ra, còn có các ngày vía Bà vào các ngày 8, 18, 28 âm lịch hàng tháng. Lễ thay y một năm 3 lần vào lúc 12 giờ của các ngày 20/3, ngày 12/7 và ngày 20 tháng Chạp âm lịch. Tháp Bà Ponagar từ lâu đã trở thành địa chỉ thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu ở Khánh Hòa và từng được xem như là một trung tâm thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của khu vực Nam Trung bộ. Những năm gần đây đã có không ít đoàn thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu có số lượng lên đến hàng trăm được tập tuyển, chuẩn bị công phu về lễ phẩm cũng như múa bóng, hát chầu văn hành hương về đây tham gia lễ hội.

Lễ hộiTháp Bà Ponagar là một lễ hội truyền thống đặc trưng của văn hóa người Chăm vẫn còn được lưu giữ và trao truyền cho tới ngày nay như: lễ thay y Thánh Mẫu, lễ cầu quốc thái dân an, lễ hoàn kinh, lễ tế cổ truyền, thả hoa đăng, múa dâng cúng Mẫu, múa bóng,…Du khách khi tới đây không những được khám phá về lịch sử, kiến trúc, chiêm bái để tỏ lòng tôn kính, biết ơn Mẹ xứ sở mà còn có dịp thưởng thức những vũ điệu của các cô gái Chăm Pa làm đắm say lòng người. Lễ hộiTháp Bà Ponagar là một trong những lễ hội thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu lớn nhất khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên, lễ hội diễn ra thường niên thu hút hàng vạn du khách và khách hành hương về tham gia lễ hội.

Thay cho lời kết

Với những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật tiêu biểu như đã nêu trên, Tháp Bà Ponagar đã được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1979. Lễ hội Tháp Bà Ponagar được Bộ Văn hóa,Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2012. Việc di tích và lễ hội Tháp Bà Ponagar được công nhận cấp quốc gia một lần nữa đã khẳng định các giá trị lịch sử, khoa học, nghệ thuật cũng như tầm quan trọng của di tích; đồng thời tôn vinh giá trị nhân văn sâu sắc của lễ hội - nét đẹp trong giao thoa, tiếp biến văn hóa của người Kinh và người Chăm đã được trao truyền qua nhiều thế hệ. Hiện nay Tháp Bà Ponagar đã và đang trở thành điểm du lịch văn hóa hấp dẫn và ấn tượng đối với nhân dân và du khách trong và ngoài nước khi đến với thành phố biền Nha Trang, Khánh Hòa.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Tìm hiểu lịch sử kiến trúc Tháp Chăm Pa, Lê Đình Phụng, NXB Văn Hóa Thông Tin 2005.

Tháp cổ Chăm Pa, PGS.TS Ngô Văn Doanh,NXB Văn Hóa Văn Nghệ TP. HCM 2018.

Tháp Bà Nha Trang, Nguyễn Công Bằng, NXB Khoa Học Xã Hội Hà Nội 2005.

Hồ sơ khoa học di tích Tháp Bà Ponagar của Trung tâm bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa

_______

(1) Tháp cổ Chăm Pa, PGS.TS Ngô Văn Doanh, NXB Văn Hóa Văn Nghệ TP. HCM 2018.

(2),(3),(4): nguồn Hồ sơ khoa học di tích Tháp Bà Ponagar của Trung tâm Bảo tồn Di tích tỉnh Khánh Hòa

Mãn nhãn với "Di sản văn hóa Hội An" tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam Thêm 8 Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia Một ngôi làng – Ba di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An: Nhiều hoạt động kỷ niệm 25 năm được công nhận Di sản Thế giới Tôn vinh Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia nghề đan võng ngô đồng
Nguồn Tạp chí Nha Trang.com.vn (số 346-7/2024)
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.