Diễn đàn lý luận

Góp thêm nhận định về thơ Thâm Tâm

Văn Giá
Lý luận phê bình
10:01 | 18/12/2024
Baovannghe.vn - Trong số các tác phẩm của Thâm Tâm được công bố lần này, đáng chú ý là bài thơ Tống biệt hành nổi tiếng và quen thuộc lâu nay với những dị bản khác nhau. Vấn đề đặt ra là cần phải tìm ra những cơ sở xác đáng để lựa chọn một văn bản chuẩn mực nhất.
aa

(Nhân đọc Thơ Thâm Tâm [bộ mới - NXB Kim Đồng 2024] và những bài thơ khác)

Góp thêm nhận định về thơ Thâm Tâm
"Thơ Thâm Tâm" (NXB Kim Đồng, 2024)

Những năm gần đây, bạn đọc rộng rãi và những ai quan tâm đến văn học giai đoạn trước 1954, đặc biệt trước 1945 hẳn đều biết ít nhiều sự nghiệp sáng tác của nhà thơ Thâm Tâm. Nhưng có một điều không hẳn ai cũng thấy: di sản văn chương mà Thâm Tâm để lại rộng lớn hơn nhiều những gì mà công chúng vẫn hình dung. Nhiều tác phẩm của ông thuộc nhiều thể loại đã được tái công bố. Công lao ấy chủ yếu thuộc về gia đình nhà thơ, mà người con duy nhất của nhà thơ, anh Nguyễn Tuấn Khoa đại diện. Anh cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, sau 3 năm ròng tìm kiếm, gia đình đã sưu tầm được tổng cộng 50 bài thơ và 2 diễn ca, 101 truyện ngắn, 38 vở kịch, 28 truyện vừa và 2 tiểu thuyết của cha mình. Đó là những sáng tác trải dài từ quãng năm 1935 cho đến năm nhà thơ hy sinh trên mặt trận biên giới Cao Bằng (18/8/1950), đã từng đăng rải rác trên các báo Tân Việt văn đoàn, Bắc Hà, Tiểu thuyết thứ bảy, Truyền Bá, Phổ thông bán nguyệt san, in thành sách từ những năm trước 1945; và đăng trên các báo Vệ quốc quân, Báo Quốc hội, Tạp chí Tiên phong, NXB Văn hóa cứu quốc sau 1945.

Trong số các tư liệu sưu tầm này, một phần tác phẩm gần đây đã được tái công bố thuộc các thể loại truyện ngắn, truyện vừa và tiểu thuyết do các Nhà xuất bản Văn học, Kim Đồng, Quân đội nhân dân, Lao động thực hiện.

Riêng về các sáng tác thơ của nhà thơ Thâm Tâm, tuy được tái công bố sớm nhất so với các tác phẩm thuộc các thể loại khác (Thâm Tâm - Thơ, NXB Văn học, 1988; Thâm Tâm - Thơ, NXB Hội Nhà văn, 2015), nhưng vẫn chưa có một sưu tập đầy đủ nhất ở mức có thể. Tập Thơ Thâm Tâm1 của NXB Kim Đồng mới đây đã được gia đình nhà thơ bổ sung, chỉnh lý theo tinh thần đó.

Để bạn đọc dễ hình dung trước khi bước vào bộ Thơ Thâm Tâm mới lần này, tôi xin có đôi lời mang tính chất gợi dẫn ngõ hầu giúp bạn đọc hiểu thêm về di sản thơ của nhà thơ Thâm Tâm.

1. Tổng quan tư liệu về thơ Thâm Tâm

Vào quãng sau năm 1986 trở đi, trong trào lưu đổi mới xã hội trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có văn học, đã hình thành một nhu cầu tìm hiểu, công bố, đánh giá lại di sản văn học quá khứ, gồm ba bộ phận chính: văn học trước 1945; văn học từ 1945 đến 1954; và văn học miền Nam từ 1954 đến 1975. Tuy nhiên, do các điều kiện chính trị, xã hội, văn hóa cụ thể, nên trọng tâm chú ý về cơ bản tập trung vào giai đoạn văn học từ 1930 đến 1945 bao gồm cả văn học lãng mạn (Thơ mới, Tự lực văn đoàn), văn học hiện thực và văn học cách mạng (như cách tạm phân chia lâu nay). Trong ba bộ phận này, lại tập trung ưu tiên cho hai bộ phận: văn học lãng mạn và văn học hiện thực. Dẫu sao, bộ phận văn học cách mạng cũng đã có những đánh giá tương đối nhất quán, và các thành tựu cũng đã được nghiên cứu, công bố khá thỏa đáng.

Thơ Thâm Tâm nằm trong trào lưu Thơ mới 1932-1941 (theo mốc Thi nhân Việt Nam 1932-1941 của Hoài Thanh - Hoài Chân). Ở miền Bắc, từ 1945 đến 1986, bộ phận Thơ mới bị xem như là một vùng cấm, không được in ấn, phổ biến, không được đưa vào nhà trường, không được xuất hiện trong các không gian sinh hoạt văn nghệ đại chúng nói chung. Những ai yêu thích Thơ mới, muốn đọc đều phải lén lút; không ít trường hợp người đọc/chép bị bắt quả tang và bị coi là có vấn đề về tư tưởng, thậm chí bị kỷ luật. Thế hệ chúng tôi, học đại học văn khoa sư phạm những năm đầu thập kỷ 80 đều ở trong tình trạng như vậy.

Trong bối cảnh đó, nhà thơ Thâm Tâm của phong trào Thơ mới với thi phẩm Tống biệt hành nổi tiếng thuộc vùng cấm kỵ tuyệt đối. Các thế hệ bạn đọc ở miền Nam từ 1954 đến 1975 may mắn hơn chúng tôi ở ngoài Bắc lúc bấy giờ.

Nói như thế để thấy rằng việc in lại tập Thâm Tâm - Thơ vào năm 1988, và đặc biệt việc đưa bài thơ Tống biệt hành của Thâm Tâm vào SGK Văn học lớp 11 (Văn học 11, tập 1, NXB Giáo dục, 1991) cho học sinh học (cùng với một loạt nhà văn, nhà thơ khác của văn học lãng mạn: Thế Lữ, Vũ Đình Liên, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử... và một số nhà văn thuộc nhóm Tự lực văn đoàn) được xem như một bước tiến bộ lớn của tinh thần xã hội, của nền văn học, giáo dục nước nhà.

Về hai tập Thâm Tâm - Thơ xuất bản năm 1988 và năm 2015 như đã nói ở trên (từ đây, quy ước gọi là bản 1 và bản 2) xin có vài lưu ý như sau:

Thứ nhất, bản (1) do nhà nghiên cứu phê bình Mã Giang Lân sưu tầm và tuyển chọn, bao gồm Lời giới thiệu, 20 bài thơ (18 bài trong chính văn và 2 bài trong phần Phụ lục). Nhớ lại quãng những năm xuất bản cuốn sách này, tình hình xuất bản vô cùng khó khăn cả về vật chất lẫn cơ chế. Nên cuốn Thâm Tâm - Thơ (cũng như nhiều ấn phẩm thơ khác cùng series, ra cùng thời điểm, ở cùng NXB Văn học như: Nguyễn Nhược Pháp - Thơ, Trần Huyền Trân - Thơ...) in trên giấy chất lượng kém, chữ khó đọc, thậm chí có những chữ sai so với nguyên tác (sẽ nói ở phần sau).

Thứ hai, ở bản (2), nằm trong khuôn khổ chương trình in các tác phẩm văn học được Giải thưởng nhà nước, NXB Hội Nhà văn đã tiến hành in lại theo bản 1, và lần này bổ sung thêm 3 bài thơ của Thâm Tâm vào phần chính văn: Dang dở; Một mảnh tình; Đây cảnh cũ người đâu xưa - cả ba bài đều được viết từ trước 1945 (ngoài ra không kể phần in lại 9 bài viết của 8 tác giả về Thâm Tâm).

Lần này, anh Nguyễn Tuấn Khoa đã cung cấp cho tôi một tập bản thảo thơ đầy đặn hơn, bao gồm tất cả các bài đã có ở hai tập trên cộng thêm 32 bài thơ mới sưu tầm được. 32 bài mới này, căn cứ vào các nguồn tài liệu, cho thấy chúng được Thâm Tâm viết rải rác từ trước 1945 (ngay từ những bước làm thơ đầu tiên vào năm 1935-1936), và giai đoạn từ 1946 đến 1950. Xét về thể loại, các tác phẩm hầu hết thuộc về thơ, có xen lẫn 2 diễn ca (một thể loại kể chuyện theo hình thức văn vần nhằm tuyên truyền vận động phong trào chính trị, xã hội) mang tên Miền Nam chiến đấu diễn ca tập 1 và tập 2 (in ở tờ Văn hóa cứu quốc, 1946).

Tạm chưa nói đến chất lượng nghệ thuật, với số 32 bài thơ bổ sung này cũng đã nói với bạn đọc hôm nay nhiều khía cạnh trong tư cách nghệ sĩ và sự lựa chọn của nhà thơ đối với nghệ thuật.

Tuy nhiên, phải nói ngay rằng, việc sưu tầm này chưa phải là con số cuối cùng. Bởi vào quãng sau 1946 đến 1950, có không ít tờ báo hoạt động, cả công khai lẫn bí mật, có thể Thâm Tâm cộng tác ở đâu đó. Ngay cả tờ báo Vệ quốc quân (1947-1950) nơi Thâm Tâm làm Thư ký tòa soạn, hiện gia đình cũng chưa có điều kiện để tìm kiếm và sưu tầm hết những tác phẩm của ông, trong đó có thể có những bài thơ. Như vậy, cho dù những thành tựu cơ bản nhất về thơ Thâm Tâm đã sưu tầm được, nhưng công cuộc sưu tầm vẫn chưa phải đã hoàn tất.

2. Trường hợp Tống biệt hành

Trong số các tác phẩm của Thâm Tâm được công bố lần này, đáng chú ý là bài thơ Tống biệt hành nổi tiếng và quen thuộc lâu nay với những dị bản khác nhau. Vấn đề đặt ra là cần phải tìm ra những cơ sở xác đáng để lựa chọn một văn bản chuẩn mực nhất. Tình hình văn bản bài Tống biệt hành có 2 điểm đáng chú ý: 1, Bản được lưu hành phổ biến hiện nay có khác so với bản in lần đầu tiên trên tờ Tiểu thuyết thứ bảy (số 235 ra ngày 7/9/1940) và sau đó là bản trong Thi nhân Việt Nam 1932-1941 in lần đầu (do Hoài Thanh - Hoài Chân biên soạn, nhà Nguyễn Đức Phiên in năm 1942).

Góp thêm nhận định về thơ Thâm Tâm
"Tống biệt hành" in trên "Tiểu thuyết thứ bảy" số 235 ra ngày 7/9/1940

2.1. Ở bản in trên tờ Tiểu thuyết thứ bảy (TTTB), có mấy chi tiết đáng lưu ý:

i, Về mặt định dạng toàn văn bản, bài thơ được chia làm ba khổ (không phải chia khổ 4 câu như một số văn bản sau này). Khổ 1, từ đầu đến câu Ba năm mẹ già cũng đừng mong; khổ 2, từ câu tiếp theo đến câu Em thà coi như hơi rượu say; khổ 3 là khổ còn lại với 4 câu kết:

Mây thu đầu núi, giá lên trăng,

cơn lạnh chiều nao đổ bóng thầm,

ly khách ven trời nghe muốn khóc,

tiếng Đời xô động tiếng hồn câm...

ii, Trong một số câu thơ, có những chữ khác so với các bản sau (những chữ in nghiêng - VG):

- Ta biết ngươi buồn đêm hôm trước

- Một chị hai chị cùng như sen

- Khuyên nốt em trai bằng lệ sót

- Ta biết ngươi buồn sáng hôm nay

- Em nhỏ ngây thơ đôi mắt ướt

- Ngươi đi? Ừ nhỉ ngươi đi thực

2.2. Trong bản in Thi nhân Việt Nam 1932-1941 lần đầu (1942), có mấy điểm đáng lưu ý:

i, Định dạng văn bản toàn bài giống như bản trên TTTB. Khổ cuối 4 câu kết trong bản của TTTB đã được cắt bỏ.

ii, Một số từ (in nghiêng) trong các câu thơ trên, có từ giữ nguyên, có từ thay đổi so với bản ở TTTB:

- Ta biết ngươi buồn chiều hôm trước

- Một chị hai chị cùng như sen

- Khuyên nốt em trai dòng lệ sót

- Ta biết ngươi buồn sáng hôm nay

- Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc

- Người đi? Ừ nhỉ người đi thực

Tôi nghĩ rằng, thế hệ hậu sinh hôm nay cần phải lấy bản trong Thi nhân Việt Nam in lần đầu tiên năm 1942 làm bản chính thức với mấy lý do sau: Thứ nhất, bản Thi nhân Việt Nam này ra đời trong khi Thâm Tâm đang làm báo ở Hà Nội, cùng một không gian sống và làm việc với các nhà biên soạn Hoài Thanh - Hoài Chân, nên không có lý gì các ông lại không trao đổi với nhau trong việc cắt khổ cuối và thay một số chữ (có thể do các ông đã đề xuất, hoặc do chính Thâm Tâm chủ động thay đổi). Thêm nữa, tuy là lý do thứ yếu nhưng cũng hợp lý, uy tín về thẩm định và lựa chọn thơ của hai ông Hoài Thanh và Hoài Chân là một đảm bảo tin cậy của văn bản.

Như vậy, căn cứ vào các tài liệu, có đối chiếu, tôi khẳng định văn bản ở cuốn Thi nhân Việt Nam 1932-1941 in năm 1942 do nhà Nguyễn Đức Phiên xuất bản được coi là bản gốc, được lấy đó làm chuẩn mực cả về định dạng văn bản và cả về các từ/chữ trong câu. Nguyên văn bài thơ như sau:

TỐNG BIỆT HÀNH

Đưa người, ta không đưa qua sông,

Sao có tiếng sóng ở trong lòng?

Bóng chiều không thắm, không vàng vọt,

Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?

Đưa người, ta chỉ đưa người ấy

Một giã gia đình, một dửng dưng...

- Ly khách! Ly khách! Con đường nhỏ,

Chí nhớn chưa về bàn tay không,

Thì không bao giờ nói trở lại!

Ba năm mẹ già cũng đừng mong.

*

Ta biết ngươi buồn chiều hôm trước:

Bây giờ mùa hạ sen nở nốt,

Một chị, hai chị ng như sen

Khuyên nốt em trai dòng lệ sót.

Ta biết ngươi buồn sáng hôm nay:

Giời chưa mùa thu, tươi lắm thay,

Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc

Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay...

Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!

Mẹ thà coi như chiếc lá bay,

Chị thà coi như là hạt bụi,

Em thà coi như hơi rượu say.

Và cũng từ đây, mọi so sánh với các văn bản in khác đều lấy văn bản này làm bản chuẩn.

Góp thêm nhận định về thơ Thâm Tâm

Chúng tôi có trong tay cuốn Thi nhân Việt Nam, chân trang bìa có ghi “DANH PHẨM TIỀN CHIẾN (Tài liệu tham khảo văn chương - Chương trình đại học văn khoa)”, NXB Thiều Quang in tại Sài Gòn năm 1967 thì thấy bản in Tống biệt hành ở đây trung thực hoàn toàn với bản Thi nhân Việt Nam 1942 nói trên.

2.3. Sau này, từ quãng thập niên 80 của thế kỷ XX trở đi, việc in ấn Thơ mới nói chung và Thâm Tâm nói riêng trở nên dễ dàng, mạnh ai nấy làm, “dĩ hư truyền hư”, nên sự sai lệch, nhầm lẫn ngày càng nhiều. Dưới đây là 03 minh chứng tiêu biểu:

i, Ở bản Thâm Tâm - Thơ (1988): Văn bản thơ được định dạng theo 5 khổ, bắt đầu khổ 1 bằng 6 câu đầu; còn lại là 4 khổ với lần lượt 4 câu đều nhau đi hết bài. Riêng các chữ trong văn bản in đúng theo bản như trên của Thi nhân Việt Nam năm 1942.

ii, Ở văn bản Thơ Thâm Tâm (2015):

- Văn bản thơ được định dạng thành các khổ tương tự như văn bản Thơ Thâm Tâm, 1988.

- So với bản in trong Thi nhân Việt Nam 1942, bắt đầu có sự sai lệch về một số chữ: Trong câu “Một chị hai chị cùng như sen”, chữ “cùng” in thành chữ “cũng”. Ở hai câu: “Ta biết ngươi buồn chiều hôm trước”, “Ta biết ngươi buồn sáng hôm nay”, chữ “ngươi” đều in thành chữ “người”.

iii, Trong tập Thơ mới 1932-1945, tác giả và tác phẩm (NXB Hội nhà văn, 1999): Sau câu “Ba năm mẹ già cũng đừng mong” không tách khổ; trong khi đó, 4 câu cuối lại tách khổ; chữ “chí nhớn” in thành “chí lớn”.

2.4. Có một dấu mốc rất đáng ghi nhớ, năm 1989 Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành một bộ chương trình đào tạo Phổ thông mới, trong đó có môn văn học. Theo đó, đến năm 1991, SGK Văn học 11, tập 1 (bộ sách phía Bắc do GS Nguyễn Đình Chú chủ biên, NXB Giáo dục) ra đời, có in bài thơ Tống biệt hành của Thâm Tâm.

Văn bản bài thơ này được in ở đây về định dạng toàn bài thì giống bản trong Thâm Tâm - Thơ (1988), nhưng về chữ/từ lại có mấy chỗ khác:

- Ta biết người buồn chiều hôm trước

- Một chị hai chị cũng như sen

- Ta biết người buồn sáng hôm nay2

Còn bản SGK Văn học lớp 11 ở phía Nam, do GS Trần Hữu Tá chủ biên (NXB Giáo dục) cũng sử dụng bài thơ này, phần cuối bài thơ có ghi chú: “Theo Thi nhân Việt Nam, NXB Văn học và Hội Nghiên cứu - giảng dạy văn học tái bản, 1988”. Bài thơ được in ở đây cơ bản giống bản in trong SGK phía Bắc, chỉ có một chữ cùng trong câu “Một chị hai chị cùng như sen” được giữ lại giống như bản trong Thi nhân Việt Nam lần đầu; còn chữ người trong hai câu thơ trên cũng giống tình trạng bộ SGK phía Bắc.

Tình hình biên soạn và in ấn SGK từ bấy cho đến gần đây (trước khi có Chương trình mới 2018) diễn ra khá phức tạp (ban đầu có 2 bộ miền Bắc, miền Nam; sau đó lại hợp nhất rồi chia làm 2 bộ: phổ thông và nâng cao), nên việc in lại văn bản Tống biệt hành cũng phức tạp theo cả về định dạng văn bản lẫn chữ trong câu thơ. Có một điểm không thống nhất ở các bộ SGK kể trên là trong câu thơ “Một chị hai chị cùng như sen”, có bản in chữ “cùng”, có bản in chữ “cũng”. Còn riêng chữ “ngươi” trong hai câu: “Ta biết ngươi buồn chiều hôm trước”, “Ta biết ngươi buồn sáng hôm nay” đều được in thành chữ “người”3.

Tôi cho rằng, những nhà biên soạn SGK đã không cất công tìm về bản gốc, vội lấy các bản Thi nhân Việt Nam in sau (như đã dẫn ở trên) vốn có sự nhầm lẫn, do sơ suất khâu xử lý văn bản hoặc in ấn. Ai cũng biết sự ảnh hưởng và lan tỏa của SGK là rất to lớn, nên sự nhầm lẫn này đáng tiếc và không nên có.

2.5. Câu hỏi được đặt ra là, vậy việc làm sai lệch một số điểm thuộc văn bản bài thơ có ảnh hưởng tới cách hiểu bài thơ của nhà thơ Thâm Tâm không?

Tôi cho rằng, về nguyên tắc, việc đầu tiên là cần phải đúng với văn bản tin cậy nhất. Trong trường hợp này, văn bản in trong Thi nhân Việt Nam 1932-1941 của Hoài Thanh - Hoài Chân do Nguyễn Đức Phiên in bản năm 1942 là bản chuẩn với lý do đã trình bày ở trên.

Chiểu theo đó, xét về mặt ý nghĩa của bài thơ, có mấy khía cạnh cần lưu ý:

- Bài thơ định dạng theo 2 khổ lớn, chứ không ngắt làm 5 khổ như một số bản in sau này. Khi in theo 2 khổ lớn, cái hơi thơ, khí thơ được liền mạch hơn, nhất quán hơn, sự vận động mạch cảm xúc rõ hơn. Khổ bên trên, hơi thơ vận động theo chiều dương, tức là từ buồn thương, ly biệt hướng đến quyết tâm tráng chí, thề thốt. Sang khổ sau, hơi thơ khí thơ chùng xuống, vận động theo chiều âm, từ tráng chí đến nặng lòng, bùi ngùi, thổn thức. Và như vậy, thì hóa ra cái tình, cái cảm xúc của con người cá nhân mang tính nhân bản, phổ quát đã thắng thế con người của ý chí. Đây chính là điểm sâu sắc và cơ bản nhất làm nên giá trị và sức sống lâu bền của bài thơ này.

- Theo đó, chữ “ngươi” trong “Ta biết ngươi buồn chiều hôm trước”; “Ta biết ngươi buồn sáng hôm nay” chính là một đại từ nhân xưng chỉ người ra đi, “ta” nói với/về người ra đi. Thực ra, xét về ngữ nghĩa, nó không khác lắm với chữ “người”. Tuy nhiên, chúng khác nhau về âm điệu: ngươingười đều thanh bằng, một thuộc âm vực cao, một thuộc âm vực thấp, do đó mỗi cách nói sẽ mang sắc thái biểu cảm khác nhau. “Ta biết ngươi buồn” như một lời nói gắng gỏi cuối cùng hướng về đối tượng người ra đi, như một đồng lõa, một khích lệ, một cảm thông. Tuy cũng mang tâm trạng buồn, nhưng cái chí vẫn chưa tắt hẳn. Còn khi nói chữ “người”, câu thơ chùng yếu hẳn xuống, cái chí đã tắt ngấm.

- Câu thơ “Một chị hai chị cùng như sen” bị một số văn bản sau này in chữ “cùng” thành chữ “cũng”. Xét về ý, hai chữ “cùng”/“cũng” trong văn cảnh này có khác nhau: “cùng” nhấn mạnh vào sự đồng lòng của hai chị; giống với sen “nở nốt”, cả hai chị cũng “khuyên nốt”, như một gắng gỏi cuối cùng. Chữ “khuyên nốt” gói ghém nhiều tâm trạng của cả hai chị, vừa thương, vừa xót, vừa lưu luyến, vừa như có cả trách móc nữa. Xét về âm điệu, “cùng” thuộc vần bằng, chùng xuống, đong chứa cảm xúc thương yêu, thương xót rõ hơn là “cũng” vần trắc. Nghe kỹ, câu thơ với chữ “cùng” này có phần dịu hơn, thuận âm thuận điệu hơn, hiệu quả thẩm mỹ vi diệu hơn.

Thực ra, quy hẳn nghĩa về điểm nào cũng e rằng có phần khiên cưỡng. Tâm trạng của “ta” - người đưa tiễn, “ngươi”/“người” ra đi, hai chị, mẹ, đứa em nhỏ đều được đặt trong một từ trường tâm trạng rất đỗi quyến luyến pha chút ngậm ngùi, đầy mâu thuẫn giữa chí lớn và tình nặng. Đó chính là chỉ dấu rất tiêu biểu, đặc trưng cho mô hình con người cá nhân phức tạp, nhân bản của thời kỳ Thơ mới.

Với hồn thơ Thâm Tâm, lại có thể được chăm chút bởi Hoài Thanh - Hoài Chân, những chữ trong bài thơ có định dạng cuối cùng ở Thi nhân Việt Nam (1942) đã có được những xử lý tinh mỹ như thế đó!

3. Về một số tác phẩm mới bổ sung

Con số 50 bài thơ và 2 diễn ca trong bộ sưu tập mới (đang ở dạng bản thảo) đã bao gồm 21 bài thơ trong chính văn và 02 bài phụ lục như bản Thơ Thâm Tâm in năm 2015. Như vậy, phần sưu tập và công bố mới có thêm 29 bài thơ (trong đó bổ sung thêm bài Hai sắc hoa Ti-gôn của T.T.Kh trong phần Phụ lục) và 02 diễn ca.

Trong số này, chỉ có 01 bài mang tên Mùa thu mới và 02 diễn ca mang tên Miền Nam chiến đấu diễn ca (tập thứ nhất, tập thứ hai) được viết sau 1945. Còn lại 28 bài mới công bố đều được viết và in sớm nhất từ năm 1935 trên báo Tân Việt văn đoàn với bút danh là Trăm Năm, T.G.Kh; tiếp đó là báo Bắc Hà, Tiểu thuyết thứ năm với các bút danh Tuấn Trình, Thanh Giám; sau cùng và chủ yếu là trên tờ Tiểu thuyết thứ bảy với bút danh Thâm Tâm.

Góp thêm nhận định về thơ Thâm Tâm
Bìa cuốn sách "Thi nhân Việt Nam", bản in năm 1942

Nhìn lại, với các bài thơ không nhiều như Căm thù, Chiều mưa đường số 5, Mùa thu mới và 02 tập Miền Nam chiến đấu diễn ca được Thâm Tâm viết từ sau 1945 cho bạn đọc hôm nay biết thêm một số điểm: i, Lúc này, nhà thơ Thâm Tâm đã lựa chọn con đường tham gia cách mạng, trở thành người lính thực thụ trong công việc làm báo, bận rộn với nghề báo. Đây là một lựa chọn cao quý của một kẻ sĩ mang tinh thần “Quốc gia hưng vong/ Thất phu hữu trách”, và của một người yêu nước, tự nguyện gắn với sinh mệnh Tổ quốc. ii, Giờ đây, đối với nhà thơ, việc làm thơ (văn chương nói chung) ít đi, ưu tiên cho việc làm báo và các sự vụ khác phụng sự kháng chiến. Ngay cả khi làm thơ, viết diễn ca cũng đã bắt đầu tuân theo mục đích tuyên truyền, hướng tới tính đại chúng, đồng nghĩa với việc hy sinh phần nghệ thuật để phục vụ chính trị trước mắt. Cho nên, dẫu có sưu tầm được thêm một số ít bài thơ và diễn ca viết sau 1945 như thế thì chất lượng nghệ thuật cũng không nói được gì nhiều. Riêng bài thơ Chiều mưa đường số 5 vẫn được coi là thi phẩm có chất lượng nghệ thuật nhất trong số kể trên.

Còn lại, với 28 bài thơ được viết từ năm 1935 như những bài thơ đầu tay, cho đến một số bài thơ được viết rải rác trong các năm sau đó hoàn toàn thuộc về kiểu Thơ mới, nhất quán với những tác phẩm thơ đã công bố của Thâm Tâm.

Những tác phẩm thơ đầu tay của ông được viết và in lần đầu trên các báo Tân Việt văn đoàn, Bắc Hà, thú thật không có gì đặc sắc. Đó là những vần thơ viết về tình yêu đầu đời, nỗi nhớ, nỗi thất tình, chia ly... na ná như muôn vàn bài thơ tình lãng mạn đại trà lúc bấy giờ. Sau đó, bên cạnh việc viết truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch, Thâm Tâm tiếp tục làm thơ, đăng khá nhiều trên Tiểu thuyết thứ bảy. Và sự đam mê ấy đã được đền bù. Ở đây, một số thi phẩm xuất sắc đã ra đời trong đó đỉnh cao là Tống biệt hành (1940).

Tôi đã cất công đọc một số tác phẩm thơ mới công bố của Thâm Tâm trong bộ sưu tập này. Trong cái nhìn của tôi, nếu xét đơn vị bài, quả thật không có bài nào thật trọn vẹn như một chỉnh thể nghệ thuật có giá trị. Tuy nhiên, ở một số bài lại có được những câu thơ khá ấn tượng, trong đó có những câu thơ tuyệt bút. Xin mời bạn đọc hãy dừng lại thưởng lãm, xem như một bổ khuyết cho những gì chúng ta đã biết về thơ Thâm Tâm:

- Kìa, con quạ dọc chân trời

Ngậm bờ Ngâu trắng tuyệt vời bay đâu?

(Lệ thu)

- Ngày em nghiêng nón ngang vai đến

Rắc ánh môi cười lẫn nắng đông

(Phấn bướm)

- Chân tình vắng vẻ tri âm

Thà đem ngày tháng lần lần vào điên

(Thâm Tâm)

- Em ơi buồn lạnh thế này

Cùng ta chẳng có một ngày nằm đôi

(Cuối thu)

- Hoa đèn không hiểu lòng trang giấy

Soi mãi trên bàn cái vắng teo

(Viết đêm)

Trong thơ, nhất là thơ hiện đại, có bài thơ đứng được là do tư thế của toàn bài, mặc dù không có những câu thơ thật xuất sắc. Nhưng có những bài tuy không thật đạt tới độ hoàn chỉnh lại có những câu thơ vượt lên để trở thành đột xuất, có khi tuyệt bút. Những câu thơ trong các bài thơ vừa dẫn trên đây được xem là ví dụ. Dĩ nhiên, trong thơ, một bài thơ cùng lúc vừa hoàn chỉnh ở đơn vị bài, vừa xuất sắc ở đơn vị câu thì người làm thơ nào chẳng mong ước! Nhắc tới đây, khiến tôi liên tưởng tới câu thơ của Thâm Tâm được Ban tổ chức Ngày thơ Việt Nam trong mấy năm liền ở Hà Nội chọn làm bích trương hoặc khắc in lên gốm: Ngoài phố mưa bay: xuân bốc rượu/ Tấc lòng mong mỏi cháy tê (Vọng nhân hành). Thì ra chọn những câu thơ hay để mà thưởng lãm cũng là một cái thú ở đời.

Thay lời kết

Như đã nói ở trên, việc sưu tầm sự nghiệp văn chương trong đó có gia tài thơ của nhà thơ Thâm Tâm chưa phải đã xong xuôi. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, có thể nói những tinh hoa tinh huyết nhất trong văn nghiệp Thâm Tâm về cơ bản đã được hiển lộ.

Bộ sưu tập thơ (mà phần lớn đã được in trong Thơ Thâm Tâm - NXB Kim Đồng) lần này là một cố gắng lớn của gia đình nhà thơ Thâm Tâm. Tôi, người viết bài này chỉ dám nêu một vài gợi ý về văn bản và cách hiểu một số thi phẩm của Thâm Tâm, trong đó đặc biệt là Tống biệt hành. Tôi cũng hy vọng, các nhà biên soạn SGK hãy trả lại nguyên trạng cho bài thơ mà Hoài Thanh và Hoài Chân đã định dạng với nhiều công phu biên tập khi nhà thơ Thâm Tâm còn sống.

Mượn câu thơ của Đại thi hào Nguyễn Du để nói về Thâm Tâm trong trường hợp này, tưởng không gì hợp hơn: Của tin gọi một chút này làm ghi...

Ecopark, ngày 14/7/2024


1. NXB Kim Đồng, 2024; tập thơ này bao gồm 44 bài được sáng tác từ 1936-1948. So với bộ sưu tập mới của gia đình (ở dạng bản thảo) thì không đưa vào 8 bài.

2. Văn bản này in giống hoàn toàn với bản Thâm Tâm - Thơ, 2015. Một số tài liệu khác liên quan đến văn học trong nhà trường, khi in bài thơ này, cuối bài có dòng ghi chú để trong ngoặc đơn: Thâm Tâm - Thơ, NXB Văn học, Hà Nội, 1998. Thực ra cuốn sách này chỉ được NXB Văn học in một lần duy nhất là vào năm 1988.

3. Xem trong:

- SGK Văn học, tập một (Nguyễn Đình Chú - Trần Hữu Tá chủ biên), Sách chỉnh lý hợp nhất năm 2000, in lần thứ ba, NXB Giáo dục, 2003

- SGK Ngữ văn 11 nâng cao, tập 2 (Trần Đình Sử tổng chủ biên; Hồng Dân - Nguyễn Đăng Mạnh - Đỗ Ngọc Thống chủ biên), NXB Giáo dục, 2007.

Cởi trói - Thơ Nguyễn Thế Kiên

Cởi trói - Thơ Nguyễn Thế Kiên

Baovannghe.vn- Lênh huyênh/ Tự trói mình
50 năm tiểu thuyết - một cái nhìn lướt qua

50 năm tiểu thuyết - một cái nhìn lướt qua

Baovannghe.vn - Nhìn lại đường đi của tiểu thuyết Việt Nam 50 năm có thể khẳng định hướng vận động của tiểu thuyết sau 1975 ngày càng hòa nhập với thế giới.
Tam tòa chiều nay mưa bay bay… Tản văn của Lê Hà Ngân

Tam tòa chiều nay mưa bay bay… Tản văn của Lê Hà Ngân

Baovannghe.vn - Con đò nhỏ ngày xưa giờ đã rộng và vững chãi như phà, con đường lồi lõm ngày xưa giờ đã êm như lụa, nhưng sao vẫn nhớ tiếng bê non khát sữa gọi mẹ ngơ ngác trên cánh đồng.
Bản tin Văn nghệ ngày 18/12/2024

Bản tin Văn nghệ ngày 18/12/2024

Baovannghe.vn - Ngày 17/12 tại Hà Nội, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội phối hợp cùng Học viện Chính trị Công an Nhân dân trang trọng tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề Phát huy giá trị Đề cương về văn hoá Việt Nam năm 1943 trong bảo vệ an ninh, trật tự trước bối cảnh, tình hình và yêu cầu, nhiệm vụ mới.
Lối thoát thênh thang cho đường cùng. Truyện ngắn của Chimamanda Ngozi Adichie (Nigeria)

Lối thoát thênh thang cho đường cùng. Truyện ngắn của Chimamanda Ngozi Adichie (Nigeria)

Baovannghe.vn - Học sinh buộc phải nghỉ học từ đầu mùa dịch Covid, tức từ đầu 2020. Cha mẹ ít việc. Các con gái phải đi giặt thuê. Nhiều đàn ông cho chúng tiền, ít nhất gấp đôi công giặt. Cuối năm ngoái, gần 100 bé gái có bầu. Người gây họa chủ yếu là dân đô thị, lắm tiền rửng mỡ. Vùng này, chỉ có hai kẻ rửng mỡ như vậy.