Thành ra, dẫu tháng ba ngày tám đói deo đói dắt nhưng đã vào Tết, thì ít nhất trong nhà cũng phải có nồi bánh chưng, vài khẩu chè lam, và đặc biệt phải có vài ba loại giò: giò lụa, giò thủ, giò mỡ... Cứ gọi là ba ngày liên tục đỏ lửa ba bữa sáng trưa chiều nghi ngút khói. Tết ở quê tôi vẫn lấy thịt lợn làm căn bản. Gà, cá được xem như những thứ xa xỉ phẩm, vừa được ít, vừa ăn tốn. Không có lợn bất thành ngày Tết
Vậy nên đa số các nhà trong làng vào khoảng giữa năm đã thả rông một con lợn nhỏ được gọi là "lợn áy", tức là thả dài thả dạc, không cần chăm sóc kỹ, gầy béo, thế nào mặc kệ, áng chừng đến Tết khoảng trên dưới ba chục cân là mổ được. Các cụ bảo dân quê ăn no vác nặng, con đàn cháu đống, ra chợ mua vài cân thịt chẳng bõ bèn gì, những ngửi đã hết; nếu không có con lợn để chế cho đủ món (lòng lợn tiết canh, cháo lòng, luộc, quay, giò, chả...) thì mất xôm. Thế là đến sáng 29, 30 Tết, hầu hết khắp các nhà đều mổ lợn. Lợn to thì ba bốn nhà rủ nhau ăn chung, gọi là ăn đụng, có thể trả tiền ngay, hoặc cho nợ đến ngày mùa trả bằng thóc. Lợn to cần đóng thuế sát sinh. Còn lợn áy thì cứ gọi là thịt chui, chẳng cần báo ai, mà cũng chẳng ai xét nét làm gì. Những ngày này làng xóm rộn ràng lắm, được xem như những ngày vui nhất trong Tết.
Về quê sướng nhất là được vùi mình vào giấc ngủ rất sâu. Đêm ở quê hoàn toàn tĩnh lặng, yên ả. Không gian dìu dịu một mùi hương cây cỏ, đất đai mơ hồ, hư thoảng. Phía xa là một vầng sáng phố xá hắt lên trời. Từ phía ấy, thỉnh thoảng nghe có tiếng còi tàu trong đêm vắng lại. Ngỡ như ta đã lùi rất xa, rất sâu khỏi chốn thị thành... Đang ngủ say, thằng em tôi gọi giật giọng: "Anh ơi, dậy, dậy mà xem mổ lợn". Tôi choàng tỉnh. Ý nghĩ đầu tiên là nhớ ra mình đang ở quê, sáng nay là 29 Tết. Tôi vùng dậy khỏi chăn, hăm hở lao ra sân. Tôi bảo: "Anh phải làm gì?". "Anh chẳng phải làm gì cả. Đứng xem cho vui thôi". "Được rồi, anh sẽ giữ chân cho". Nó cười: "Anh lạc hậu rồi! Đâu như ngày xưa nữa. Bây giờ một mình em thịt ngon ơ. Trước kia ba bố con chọc tiết con lợn còi không xong. Bố quát ỏm tỏi cả lên". Trong tâm trí tôi chợt nhớ những năm còn bé. Mỗi lần mổ lợn Tết là một lần vừa mừng vừa lo. Lo nhất là việc giữ chân lợn cho bố tôi chọc tiết. Tôi cầm hai chân sau, thằng em tôi cầm hai chân trước, những đôi chân đã bị trói chặt bằng dây thừng. Đầu gối tôi đè lên thân con lợn. Cả hai anh em phải gồng hết sức, sợ con lợn giãy đạp tuột khỏi tay. Ấy thế mà khi bố tôi lùa con dao nhọn vào yết hầu lợn, con lợn vừa hét vừa giãy, cả tôi và em tôi bị văng ra. Nó chồm dậy. Bố tôi quát: "Đồ ăn hại. Túm lấy nó ngay". Chúng tôi vô lấy con lợn đưa về vị trí. Lần này thì không thoát được nữa. Cu cậu càng giãy, tiết ra càng nhanh. Chả mấy chốc cậu ta im thin thít. Tiết lợn bắn tung toé lên mặt, lên quần áo mấy bố con tôi. Đúng là đánh vật với chú lợn còi.
Thằng em tôi nó có sẵn một cái móc bằng sắt dài chừng hơn sải tay, đầu được uốn cong như lưỡi câu, nhọn hoắt. Nó xua con lợn vào một góc, lựa lúc con lợn hộc lên, nó tống ngay cái móc sắt vào mồm, rồi cứ thế mở cửa chuồng kéo con lợn ra. Con lợn đau quá, mồm há hốc ngoan ngoãn đi theo, không kêu một tiếng. Nó dắt con lợn ra bờ sân cao, dùng tay vặn cái móc một cái, con lợn lăn kềnh ra, rồi nó lấy chân dẫm chặt lên cái móc để giữ mồm lợn. Nó bảo: "Anh cầm hai chân sau, không cần mạnh lắm đâu, giữ nghiêng để cho tiết chảy". Tôi làm theo lời chỉ dẫn. Quả là chẳng vất vả gì. Chú lợn bị cái móc cắm ngập vào họng, nằm im thin thít, cổ họng thỉnh thoảng thoát ra tiếng éc éc tuyệt vọng. Mỗi lần cất tiếng, một đợt máu lại trào ra sủi bọt. Tiết chảy kiệt dần. Con lợn từ từ lịm hẳn. Buông dao, thằng em tôi lấy chân đạp con lợn lăn ra một bên, rồi đi lấy nước sôi để làm lông. Tôi hỏi: "Mày học mổ lợn từ bao giờ mà có vẻ thạo thế?". Nó bảo: "Thỉnh thoảng em đi theo mấy thằng đồ tể, vừa học nghề, vừa kiếm đôi đồng tiêu vặt."
|
Trưa hôm ấy cả nhà tối rất đông vui. Các anh các chị em dâu rể và các cháu đủ mặt, lại thêm mấy chú thím tôi nữa. Cỗ dọn ra, bố tôi bảo: "Hôm nay đánh chén là ngon nhất đấy. Mùng một, mùng hai ăn hết ngon. Các ông bà, các con, các cháu ăn thật bụng đi nhé!". Nào lòng lợn, tiết canh, thịt thủ, cháo lòng. Trong mâm cơm, mâm nào mâm ấy đầy có ngọn, đang còn bốc khói. Mọi người quây quần uống rượu, nói cười hể hả, húp cháo xì xụp, nắc nỏm khen ngon. Đã lâu rồi tôi không được tham gia vào những bữa ăn vui vẻ thế này... Vẫn nhớ mọi năm thường ngày này, bố tôi hay mời cụ Lý Lương đến. Ông cụ là lý trưởng dân cử cuối cùng của làng tôi dưới thời phong kiến đế quốc xưa kia. Vì là dân cử, thấy bảo ông cũng tử tế, nên ít bị bà con ghét. Cụ được cái sống lâu, cụ bà mất sớm, có độc đứa con gái lấy chồng ở rể. Bố tôi rất quý cụ. Tôi hỏi thăm cụ, bố tôi bảo: "Cụ mất hồi trong năm. Ngoài 90 tuổi mới mất, khổ lắm. Gần ba năm bản thân bất toại, bẩn thỉu, đau đớn, mãi rồi mới đi được". Nói xong, bố tôi thở dài, lơ đãng đưa chén rượu lên môi. Tôi lại hỏi: "Cậu Đằng đi đâu không thấy đến nhỉ?". Thằng em tôi nhanh nhảu cười: "Ối dào, nhà cậu ấy cũng mổ con lợn áy. Làng ta cứ gọi là trăm nhà thì có đến 90 nhà mổ lợn chui", "Thế sao không thấy tiếng éc éc ầm ĩ như mọi năm?". "Thế anh không thấy người ta mổ lợn theo công nghệ mới à?". "À ra thế!”. Ngày xưa hễ cứ sáng sớm 29 Tết là tiếng lợn kêu eng éc rền rĩ khắp làng như thể một cuộc đại sát sinh của người trần. Bây giờ vẫn thế, chỉ có điều nó đi vào trật tự hơn... Lúc rượu ngà ngà, tôi bảo thằng em tôi: "Chú mày xem thế nào cũng tính vợ con đi chứ? Theo anh nghĩ mày nên đi học lấy một nghề: nề, mộc, làm đậu phụ, chăn vịt... chẳng hạn. Chứ nghề đồ tể bạc lắm!". Nó nốc đánh ực một hớp rượu to, rồi vằn mắt lên bảo: "Anh chi tiền cho em đi học nhé?". Tôi đành xuống giọng: "Thì cứ đi học đi. Anh sẽ hỗ trợ ít nhiều". Nó im không nói gì. Ông chú tôi ghé vào tai tôi thì thầm: "Cháu nói phải đấy. Cái thằng Lẫm khổ bỏ cha chú sướng gì. Đi giết lợn tối ngày, vợ ở nhà ngủ với giai. Cái đứa con gái sau đếch phải của nó đâu. Chỉ có được mỗi thằng con trai đầu lại chột một mắt".
Thực ra thì tôi đã biết chuyện này từ hôm trước. Về quê, chỉ cần để ra một buổi chiều đi chơi lòng vòng vài nhà là biết hết chuyện của làng: Ai còn ai mất, ai cãi nhau với ai, ai đẻ non, ai ngoại tình, ai đánh bố mẹ, ai lấy trộm thóc trong bồ của vợ đi hát karaoke, v.v.... Tôi lại bảo: "Tao trông mày mổ lợn dã man lắm!". Thằng em tôi cười nhạt: “Anh là loại vừa lành vừa nhát. Anh biết bọn thằng Lẫm nó mổ trâu như thế nào không?". Rồi nó miêu tả rất hung hăng, dài dòng, đại loại thế này: Đầu tiên bắt thừng vào mũi trâu, cột chặt thừng vào một gốc cây to, xong lấy cái vồ gỗ đập nhẹ vào đỉnh óc con trâu một cái, con trâu choáng váng ngã xuống giãy đạp; rồi lấy dao sắc rạch một đường thẳng tưng từ vai trâu chạy dọc sống lưng xuống tận đuôi trâu, cuối cùng mỗi bên là hai cái móc sắt như móc lợn cắm sâu vào da con trâu, rồi bốn người giữ bốn cái móc đứng xoãi chân chèo, căng về hai phía, con trâu đau đớn, vật vã, cứ thế da trâu tự lột cho bằng sạch, khi da trâu lột xong, vừa lúc con trâu cũng hầu như tắt thở. Nói xong nó bảo: "Cái thằng tài thật! Cách mổ như thế là thần tình quá đi chứ! Anh có công nhận không?".
Tôi buông bát tiết canh đang ăn dở xuống. Cổ họng tự nhiên thấy ghê ghê. Tôi vội dốc cả chén rượu quê vào miệng, rồi lẳng lặng rời khỏi mâm. Ra tới ngoài sân, bất thần tôi bị vấp một cái đau điếng. Có tiếng sắt xiết trên nền gạch. Nhìn xuống thấy cái móc sắt móc hàm lợn, ban sáng không biết thằng em tôi hay đứa trẻ con nào vô ý để giữa sân. Hừ, cái công cụ hành nghề của nó đấy. Họ nhà mình đời trước có ai có máu hiếu sát sinh không nhỉ? Nó năm nay mới 21 tuổi...