Sáng tác

Hai cành đào phai. Truyện ngắn của Nhất Chi Mai

Nhất Chi Mai
Truyện
08:09 | 24/01/2025
Baovannghe.vn- Tâm trí tôi giờ đây đang miên man nhớ về miền kí ức đẹp đẽ, thân thương của những năm tháng tôi còn bé thơ. Tôi được đi công viên cùng bố mẹ. Tôi đi giữa, vắt hai tay sang hai bên sung sướng đu mình trên hai cánh tay của hai người.
aa

Một chiều đông xám xịt, gió Bấc thổi thốc qua mái nhà, vò nát vòm nhãn đen thẫm trong ánh chiều chạng vạng. Tôi không nhớ là tôi đã khóc bao lâu trong nỗi tuyệt vọng nhọc nhằn của một đứa con gái 13 tuổi. Mẹ tôi ngồi như một pho tượng lạnh băng. Nào ai biết trong lòng mẹ giờ đây như có muôn vàn lưỡi dao cùn cứa đi cứa lại tê tái. Thằng Bảo, em trai tôi 5 tuổi chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra, nó cứ chạy ra chạy vào, lúc thì níu áo bố, lúc thì dụi đầu vào lòng mẹ. Rồi nó lại đến bên tôi giả lả cười hềnh hệch, rồi lại khóc inh lên, nước mắt chảy ròng như suối. Tôi nhìn ra cổng, chiếc taxi đỗ xịch, bố tôi kéo vali xuống bậu cửa, một giây ngập ngừng quay lại ngó mẹ con tôi. Tôi chỉ muốn gào lên “Mẹ giữ bố ở lại đi mẹ!” nhưng cổ họng tôi nghẹn đắng, cứng đờ, không sao cất lên lời. Thằng Bảo định chạy ra xe như những lần cả nhà đi du lịch nhưng thấy mẹ và chị vẫn ngồi im, nó tiu nghỉu đứng nhìn theo bóng bố kéo vali ra cổng. Chiếc xe lao vút đi trên con dốc ngoằn ngoèo tẻ ngắt như một tiếng thở dài…

Hai cành đào phai. Truyện ngắn của Nhất Chi Mai
Minh họa Vũ Đình Tuấn

Gió vẫn rít ngoài hiên như một con thú cuồng dại. Những tán nhãn rũ rượi. Tôi nhìn mẹ đang ngồi câm lặng, hỏi khẽ: “Mẹ ơi… Sao mẹ không giữ bố con lại?” Trong đôi mắt buồn của mẹ bỗng vỡ ra hai giọt nước mắt có lẽ đã đọng từ lâu. Giọng mẹ như lạc đi trong nước mắt: “Mẹ xin lỗi các con… tại mẹ không ra gì, mẹ không giữ được ông ấy…” Bây giờ mẹ mới khóc, mảnh trăng buồn nức nở bên những đám mây lặng lờ, xơ xác. Tiếng khóc rưng rức không thể kìm nén phát ra từ những chất chứa, bi thương, sầu thảm dồn nén trong lòng. Mẹ ngã gục như cây trong giông bão. Tôi nhìn ra bầu trời u ám, những con quạ đen cất lên những tiếng ngầu đục rơi xuống màn đêm đang buông xuống khu vườn. Em Bảo nhìn mẹ ngồi lẫn vào bóng tối thì sợ hãi giục tôi bật điện sáng lên. Ba mẹ con tôi ngồi lặng lẽ bên nhau như những phiến đá vô hồn.

Tâm trí tôi giờ đây đang miên man nhớ về miền kí ức đẹp đẽ, thân thương của những năm tháng tôi còn bé thơ. Tôi được đi công viên cùng bố mẹ. Tôi đi giữa, vắt hai tay sang hai bên sung sướng đu mình trên hai cánh tay của hai người. Chiếc váy trắng búp bê xòe ra xinh xắn. Rồi bố còn công kênh tôi trên vai. Tôi cười tít cả mắt trong khi hai bàn tay nhỏ xíu của tôi tóm lấy hai cái tai bố, miệng hô “chậc… chậc” như kiểu người ta phi ngựa. Mẹ thì xinh đẹp đi bên, dịu dàng như một tiểu thư, thả mái tóc dài dưới tấm lưng ong óng ả, thanh thoát. Ai ngang qua cũng phải để lại ánh nhìn ngưỡng mộ sau cái cúi mình: “Xin chào giám đốc!”

Mẹ lại khóc, trăng như vỡ ra, rúm ró trong mây. Nỗi buồn chết lặng đọng trên rã rời nhan sắc. Những ngày sau đó, mẹ vẫn đi dạy học. Mẹ vẫn chỉn chu bài vở, giáo án đường hoàng lên lớp như không có chuyện gì xảy ra. Chỉ là mẹ cất nụ cười ở một miền kí ức… Đồng nghiệp có người biết chuyện thì khuyên mẹ: “Thôi, tiếc gì cái giống đàn ông bạc tình ấy, em cứ nuôi dạy hai đứa con em nên người, rồi đời em sẽ vinh quang.” Có người lại bảo: “Em xinh đẹp thế này, lấy ngay người khác cho hắn biết tay!” Nhưng mẹ chỉ im lặng. Mẫu phụ nữ truyền thống như mẹ sức mấy mà lay chuyển…! Tôi biết, tính mẹ trầm mà kiên gan lắm, làm gì cũng phải nghĩ trước, nghĩ sau cho mọi người, chịu thiệt về mình. Giờ đây, nhìn nét mặt mẹ buồn như một bông hoa mùa đông gió táp mà lòng tôi se lại. Đêm, ba mẹ con ngủ chung một phòng cho đỡ trống trải, nghe con thạch sùng tặc lưỡi trên mái tường nhà, lòng tôi hiu hắt như lùm cây bị cơn Bấc thổi rỗng, mất hết sinh lực. Em Bảo đang ngủ bỗng giật mình tỉnh dậy khóc vào vạo đòi bố. Mọi khi em thường ngủ với bố. Khi ra tòa, bố có ý giành phần nuôi Bảo nhưng mẹ không cho. Mẹ xin nuôi hết cả hai đứa. Mẹ bảo: “Hai đứa con là báu vật của mẹ, mẹ phải nuôi nấng cẩn thận, phải giữ gìn…”

Tôi học lớp 8A1, mẹ dạy môn văn, thầy Thi dạy môn toán. Ai cũng bảo lớp tôi may mắn được hai thầy cô môn chính dạy tốt nhất trường. Thầy Thi 38 tuổi, dáng thư sinh, vầng trán cao, sáng láng, tính tình điềm đạm, tốt bụng. Đôi mắt thầy sáng mà buồn như ánh đèn trong nhà thờ. Vợ thầy cũng là giáo viên dạy môn hóa của trường. Buồn thay cô đã mất cách đây ba năm để lại cho thầy hai bé gái. Bọn bạn lớp tôi cứ hay lấm lét nhìn tôi rồi ngang nhiên gán ghép “Thầy Thi thương cô Thảo”. Tôi lừ mắt, bọn chúng mới im. Nhưng có lẽ bọn chúng cũng có lí khi thấy thầy cứ hay quan tâm cô một cách tự nhiên, thái quá. Hôm nào tới cổng trường, thầy cũng đợi để cất xe vào nhà xe cho cô; lúc về cũng vậy, đa phần thầy lại dắt xe ra, cô chỉ việc đi về. Thầy cũng hay lui tới nhà tôi với cái cớ giúp học sinh của thầy học cho tốt môn toán. Kì thực tôi biết thừa động cơ thầy đến, có điều không muốn nói ra. Nhưng chị em tôi cũng rất quý mến thầy, bởi thầy rất tử tế, chân tình và lịch thiệp với mẹ con tôi. Mà cũng tại mẹ tôi xinh đẹp, tính tình lại thùy mị, dịu dàng nên ai cũng yêu quý. Nghĩ đi nghĩ lại, tôi thầm trách bố tôi sao mà khờ dại, đúng ra là hồ đồ lỡ bỏ đi một mĩ nhân đức hạnh như mẹ. Tôi nhớ có lần như bao lần bố mẹ to tiếng với nhau ở trong phòng, tôi nghe được loáng thoáng khi vừa đi học về tới cửa. Bố chê mẹ là “thiếu nữ tính”, rồi cái gì mà “với chồng thì phải biết “dâm đãng” một chút”… Còn mẹ thì khóc lặng đi khi những lần phát hiện trên vai áo bố có vết son môi, những sợi tóc ngắn óng vàng, mùi nước hoa lạ… Có lẽ những rạn nứt cũng bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt mà “động trời” ấy. Tôi không hiểu rõ chuyện người lớn nhưng thấy một thời gian bố mẹ ngủ riêng phòng, họ “chiến tranh lạnh” rồi sau đó là to tiếng. Đỉnh điểm là trận “cuồng phong” hôm đó…

Tôi đi học về tới nhà, chưa kịp mở cửa thì nghe tiếng bố quát lớn: “Không chịu được thì chia tay, đơn đây, cô kí vào!” Không thấy tiếng mẹ. Tôi vội đẩy cửa bước vào. Một cảnh tượng đau lòng hiện ra trước mắt tôi. Mẹ ngồi tóc sổ ra tơi tả, mặt mũi bơ phờ, bạc phếch. Tôi hốt hoảng chạy tới bên mẹ, vuốt ve, sờ nắn mọi chỗ, cuống cuồng hỏi mẹ có đau ở đâu không, mẹ khó chịu ở chỗ nào? Mẹ tái nhợt nỗi bất lực khó sẻ chia. Rồi từ đôi mắt ban nãy còn trân trối ứa ra dòng nước mắt mặn mòi, chua xót. Tôi đứng bật dậy nhìn thẳng vào mặt bố hỏi giọng thống thiết, phẫn nộ: “Bố ơi, bố đã làm gì khiến mẹ con ra nông nỗi này, hả bố? Có phải bố đã có người đàn bà khác để rồi ruồng rẫy mẹ con con không?” Không trả lời, bố tôi bỏ đi. Cánh cửa đóng đánh “rầm”. Tôi gào lên, đau đớn quay lại bên mẹ, búi lại cho mẹ mớ tóc. Mái tóc dài óng mượt ngày nào giờ rối bù xơ xác. Tôi lấy lược chải từng lọn tóc còn xanh mà rối ren, cuộn riết như tơ vò. Mẹ ôm tôi vào lòng mà nói: “Con ơi, có lẽ bố mẹ sẽ chia tay, mẹ xin lỗi các con, nhưng không còn cách nào khác, con ạ.” Tôi đã từng lờ mờ nhận ra sự rạn nứt của gia đình tôi từ lâu, nhưng vẫn thật bất ngờ khi nghe mẹ nói như vậy. Tôi nói với mẹ: “Mẹ ơi, dù có chuyện gì xảy ra, chúng con vẫn luôn ở bên mẹ. Nhưng con không muốn gia đình mình tan vỡ đâu mẹ ơi…!” Mẹ tôi ngước mắt nhìn xa xăm. Ráng chiều sắp bạc. Hoàng hôn cuối ngày bải hoải chưa muốn chìm xuống đường viền chân trời.

*

Vậy là đã ba tháng trôi qua sau ngày bố mẹ tôi ra tòa li dị, tôi chưa một lần gặp lại bố. Nghe đâu ông đi theo một cô gái trẻ kém mình hơn chục tuổi trong giới kinh doanh bất động sản trên thành phố. Tôi nghĩ cũng không có gì là lạ bởi một người có tiền, có quyền lại có phong thái như bố thì thiếu gì đàn bà, con gái quyến rũ.

Độ này không hiểu sao, thầy Thi cũng không đến kèm tôi học. Có lẽ mẹ muốn giữ khoảng cách. Chị em tôi rất nhớ thầy vì thầy rất vui và tận tâm khi tới chơi. Không dám hỏi mẹ nhưng lần đầu tiên tôi làm một việc không nên làm đó là xem trộm nhật kí của mẹ. Ngày hôm qua, mẹ viết: “Hôm nay vừa tới trường, mưa ướt áo, tôi đã vấp vào ánh nhìn của anh. Ánh nhìn khơi gợi một cử chỉ giao tiếp cực kì riêng tư.. Anh lấy tay phủi những giọt nước mưa trong trẻo trên vai, trên tóc tôi rồi mạnh dạn nắm tay tôi trong khi gương mặt lộ rõ vẻ hoang mang, chờ đợi. Nhưng một sự im lặng chắc nịch trong tôi đã lên ngôi. Tôi lặng lẽ và nhanh chóng tuột khỏi tay anh và đi nhanh tới phòng hội đồng, thoát khỏi những ánh nhìn soi mói của mọi người. Suy nghĩ trong lòng tôi giờ đây trôi nhẹ như một dòng sông thoáng đãng tự do, nhất định không vướng bận…”

Hai cành đào phai. Truyện ngắn của Nhất Chi Mai
Minh họa Vũ Đình Tuấn

Buổi sáng chủ nhật, mẹ tôi đứng lặng bên ô cửa sổ, nơi có giò phong lan tím loang ánh chiều điểm chút vàng mơ. Hình như mẹ đang sống lại một hành trình ngược dòng thời gian trở về kí ức. Những năm tháng hạnh phúc đủ đầy. Tôi cũng bất chợt nhớ lại những khoảnh khắc đẹp đó…

Ấy là những ngày hè tươi đẹp. Mùa hè trở dạ trên những vạt cỏ xanh non. Cơn mưa đầu mùa mát lành đánh thức những niềm vui cuộc sống. Cả nhà tôi bốn người đi du lịch Hồ Núi Cốc. Khi ấy bố tôi quả là một người đàn ông của gia đình. Ông chăm sóc cho ba mẹ con tôi đến nơi đến chốn. Hình như bố muốn bù đắp cho mẹ niềm hạnh phúc bởi trước đây hai người đến với nhau cũng phải trải qua không ít sóng gió. Tôi nhớ là mẹ tôi đã khóc khi nghe cô hướng dẫn viên kể về mối tình ngang trái của nàng Công và chàng Cốc. Một chàng trai chờ người yêu hóa núi; một cô gái nhớ thương người tình mà hóa thân thành nước mắt chảy thành sông. Để rồi mãi mãi ngàn năm họ hướng về nhau. Sông Công uốn mình dịu dàng bên núi Cốc hiên ngang, kiêu hãnh. Họ mãi bên nhau một mối tình chung thủy. Bố tôi nhìn mẹ tôi khóc thì cười mà nói: “Em thật là ‘khéo dư nước mắt…’, đây chỉ là câu chuyện huyền thoại không có thật…” Giọng trầm ấm của cô hướng dẫn viên như có sức thôi miên tôi từ buổi ấy để rồi đau đáu thời gian thao thức trong lòng người suốt bao năm tháng ám ảnh. Giờ đây nó như một ma lực siêu hình vươn mình trỗi dậy, thổi hồn vào cảnh vật ngay trước mắt tôi… Bố mẹ tôi chia tay mỗi người mỗi ngả nhưng tôi biết mẹ tôi không hề có lỗi. Một người phụ nữ trí thức xinh đẹp, giỏi giang; một người vợ, người mẹ đảm đang chỉ biết có gia đình, yêu chồng, thương con hết mực. Vậy mà bố tôi, chỉ vì những cảm xúc nhất thời mà ruồng rẫy mẹ đi theo người đàn bà khác. Đã có lúc tôi rất hận bố…

Lại sắp đến Tết cổ truyền. Tôi nhìn mọi người tấp nập đi sắm Tết mà lòng thấy xốn xang. Hôm nay đã là 28 Tết, mẹ con tôi cũng hòa vào dòng người đi chợ sắm Tết. Một đôi trai gái đi bên nhau, chàng trai tay nâng cành đào nghiêng trên vai, cô gái e lệ nhìn người yêu. Họ nói với nhau bằng ánh nhìn của con tim nồng ấm. Một người đàn ông chừng bốn mươi chăm chú ngắm nhìn một cây nhất chi mai thanh mảnh, diễm kiều. Ông nói rằng nhất định sẽ mua tặng vợ vì cô ấy thích… Tôi đi bên mẹ nghe gió xào xạc khua, trong lòng thoáng lạnh. Mẹ bảo: “Mẹ con mình lại mua một cành đào như mọi năm nhé, con có thích không?” Tôi nhìn gương mặt bình thản, xinh tươi của mẹ nói: “Mẹ ơi, con thích, nhưng năm nay con thích mẹ mua đào bích cơ, mẹ đừng mua đào phai nữa ạ.” Mẹ nhìn tôi âu yếm gật đầu rồi hai mẹ con lựa một cành đào bích thật rực rỡ.

Chiều cuối năm, gió khua vi vút. Tôi đi bên mẹ với cơ man là đồ Tết. Nhưng nghĩ tới một cái Tết vắng bố, tôi thấy buồn. Tôi liếc nhìn mẹ, vẻ mặt heo héo, rầu rầu với những lo toan, bận rộn khiến lòng tôi đau thắt. Tôi vờ hát để che giấu lòng mình: “Bà lên kẻ chợ có buồn được đâu. Ra về lúc lắc héo mòn một xâu… ra về lúc lắc héo mòn một xâu…”

Nắng chiều nhợt nhạt đổ dài in bóng hai mẹ con liêu xiêu trên con đường hiu hắt. Tôi nhìn cảnh vật làng quê vẫn rất đỗi bình yên với tròn đầy thương mến, vẫn trong vắt tuổi thơ, hồn nhiên bên mẹ. Vậy mà sao giờ đây tôi cảm thấy trống vắng. Có phải những thảm xanh của kí ức tươi đẹp mãi mãi rời xa tôi. Tôi muốn hét thật to lên cho xua đi những u sầu nuối tiếc trong lòng; lại cũng muốn lớn thật nhanh làm chỗ tựa lưng cho mẹ trong những khoảnh khắc chống chếnh, yếu lòng.

Hôm nay đã là ba mươi Tết, không hiểu sao tâm trạng tôi cứ dường như ngóng chờ ai đó hay một điều gì đó? Không phải lúc nào cũng gạt được lòng mình. Không treo mà bức tranh kí ức cứ hiển hiện ngay trước mắt, treo vào trí tưởng tượng của tôi và hình như cả mẹ nữa: Ngày giáp Tết, bố mẹ cùng dọn nhà. Bố quét mạng nhện, kê lại cái tủ thờ sao cho cân chuẩn. Mẹ lau bàn thờ sạch sẽ bóng lộn bằng thứ nước gừng thơm tho. Rồi bố nghiêm cẩn ngắm bát nhang đặt thật cân, chuẩn xác chính giữa bàn thờ. Mẹ cắm lọ hoa lay ơn đỏ thắm bên phải bàn thờ, bố trưng cành đào sang bên trái. Sau đó là bày ngũ quả. Bố bảo không thể thiếu bưởi vì bưởi tượng trưng cho an khang, thịnh vượng; không thể thiếu nải chuối xanh vì chuối xanh tượng trưng cho sự vui vầy, đoàn viên của gia đình; cam quýt màu rực rỡ tượng trưng cho sự may mắn, thành đạt; dưa hấu là sự viên mãn, ngọt ngào và chùm sung là biểu tượng của sự, dồi dào, sung túc… Rồi thì bánh kẹo, rượu, bia, chè thuốc… Bố mẹ cùng nhau bày biện thật là vui! Xong xuôi, bố nghiêng đầu ngắm nghía rồi khen đẹp!

Vậy mà giờ đây… Mẹ một thoáng thẫn thờ. Mẹ cố giữ lại tất cả những nếp cũ như ngọn đèn thắp lên những khắc khoải, bền dai, nỗi nhớ mong khẽ khàng, cam chịu. Người ta nói: “Khi người ta còn có tình yêu dành cho nhau thì có thể hóa giải được tất cả, kể cả những ưu phiền mà nó gây ra.” Hai mẹ con xăm xắn bắt tay vào dọn dẹp, dựng lại khung cảnh ngày Tết. Tôi lại theo thói quen mở bản nhạc Happy New Year cho có không khí Tết.

Bỗng tôi nghe thấy tiếng còi xe ở phía cổng. Ánh đèn xe hắt sáng một mảnh sân. Tôi chạy ra thì chiếc xe đã tiến vào sân, đèn pha vụt tắt thay bằng đèn gầm. Người đàn ông mặc bộ vest sáng màu sang trọng bước ra từ trong xe. Tôi không tin ở mắt mình, miệng kêu lên: “Bố! Trời ơi bố về… Bố về rồi, mẹ ơi!” Cu Bảo lập tức chạy ra. Tôi bật điện sáng trưng, ánh sáng tỏa rạng khắp cả khoảng sân rộng. Tôi thấy bố có vẻ gầy hơn xưa nhưng vẫn rất phong độ. Thằng Bảo đứng ngây nhìn bố, trân trối. Bố tôi bước vào nhà, tay nâng một cành đào hồng thắm. Mẹ bất chợt làm rơi bó lay ơn xuống nền nhà. Bố vội cúi xuống từ tốn nhặt, nâng bó hoa lên ngang tầm, cất lời: “Chào em! Hôm nay anh trở về…” Cái cách bố nói và những cử chỉ cồn cào nồng nhiệt mà thật dịu dàng như một cơn gió chướng khiến tim tôi dường như tan chảy. Mẹ sau giây phút “đứng hình” là vẻ dửng dưng đến khó hiểu. Tôi đọc trong mắt bố một trời yêu thương, ân hận, khát khao như bầu trời sau mưa tìm lại khoảng xanh hiền dịu. Cái khoảng xanh từng khiến bố xốn xang một thuở hoa niên. Đáp lại tất cả sự chờ đợi miệt mài, kiên nhẫn ấy của bố là sự im lặng của mẹ. Tôi ngó mặt bố căng thẳng, lòng lan man một nỗi sợ hãi mơ hồ, tưởng như bố lại sắp sửa tự ái mà quảy quả bỏ đi như đã từng bỏ. Tôi chạy tới lay lay bờ vai mẹ. Mẹ đờ đẫn, giả đò bận rộn việc gì đó nhưng làm cái gì cũng không ra hồn. Cắm hoa thì bông ngả bông nghiêng, dài ngắn cao thấp không chủ định. Rót nước thì đầy chén mà vẫn để nguyên như không có chuyện gì xảy ra.

Rồi đột nhiên lại có tiếng còi xe ở cổng. Lại là tôi bươn bả chạy ra. Một chiếc taxi đỗ xịch ngay trước sân nhà. Mở cửa xe là một người mặc bộ comple đen, dáng cao thư sinh lịch lãm đi vào. Tôi chợt nhận ra thầy Thi thì kêu lên: “Ôi, em chào thầy ạ!” Thầy tươi cười đi vào cùng với cành đào phai tươi rung rinh khoe sắc. Tôi chợt mỉm cười một mình vì sự trùng hợp ngẫu nhiên hiếm có. Bước qua bậc tam cấp, thầy bước một chân vào nhà thì bỗng tắt nụ cười vì “vấp” phải ánh nhìn của bố tôi như một mũi tên nhọn hoắt. Bố tôi đứng dậy, thật lịch lãm bắt tay thầy Thi: “Xin chào thầy!” Thầy giáo đáp lại cũng thật lịch thiệp: “Xin chào anh! Năm mới sắp sang, xin chúc gia đình mình mạnh khỏe, mọi điều như ý!” Bố tôi cũng liền chúc lại: “Trước thềm năm mới, tôi thay mặt gia đình kính chúc thầy cùng gia đình mạnh khỏe, gặt hái được nhiều thành công!” Thầy giáo và cả bố tôi cùng cười thật tươi và tặng nhau những lời châu ngọc. Thực ra thì cả hai người họ cùng đang cố diễn cho tròn vai: một vai chủ và một vai khách. Nhưng ai biết họ đang phải vật lộn với những đòn cân não:

- Năm hết tết đến, tôi tranh thủ đi chúc Tết một số gia đình anh chị em giáo viên anh ạ! Thầy nói như thanh minh…

Nhưng cái nhìn của thầy thì như một lời chất vấn: “Ông đã bỏ mẹ con cô ấy, giờ còn quay lại đây làm gì?” Như đọc được suy nghĩ không lấy gì là tích cực của thầy giáo, bố tôi lại lí lẽ để biện bạch nhưng hình như cũng là những điều gan ruột: “Cuộc sống luôn biến động, con người ta cũng phải luôn tỉnh táo để thay đổi cho phù hợp, thưa thầy! Tôi nghĩ lại thật sự không có gì sánh được với gia đình, vợ con, thầy ạ…” Nét mặt thầy hơi tái đi, khác hẳn với lúc trước hồng hào phong độ. Thầy vội đứng dậy, nâng cành đào lên ngang mặt vừa ngắm, vừa nói: “Chúc gia đình mình năm mới an khang thịnh vượng!” Bố tôi ngước nhìn mẹ, ý khước từ. Mẹ như hiểu ý, đứng dậy trịnh trọng nói: “Gia đình em thật vô cùng cảm ơn thầy, nhưng nhà đã có hai cành đào rồi. Vậy nên xin thầy thông cảm nhận lời cảm ơn của gia đình và mang về bên nhà chơi Tết ạ!” Thầy gượng cười: “Ô kìa, ai lại thế, cô nhận lấy may mắn năm mới cho gia đình mình đi cô!” Nói rồi thầy bước nhanh ra cửa. Bố tôi đứng dậy tiễn khách rồi quay lại bằng một cử chỉ mạnh dạn và dứt khoát, ông nâng cành đào của mình lên một giây ngắm nhìn kiêu hãnh rồi tự tay cắm lên lọ lục bình trên bàn thờ, xong thì nghiêng đầu ngắm nghía. Đoạn bố lại lấy cành đào của mẹ trưng nơi phòng khách ở vị trí trang trọng nhất. Tôi chợt nhìn cành đào của thầy Thi, hình như nét mặt tôi hiện lên hai chữ “ái ngại”. Bố hiểu ý liền bảo: “Con có thể mang nó ra ngoài hiên, trang trí ngoài đó thế nào tùy ý con.”

Em Bảo thì chạy lăng xăng, bước chân bối rối chỗ này chỗ khác. Rồi bất thần nó chạy tới đâm sầm vào người bố khiến ông suýt ngã ngửa. Nó sằng sặc cười mà nói: “Bảo bây giờ là lực sĩ rồi! Bảo phải bảo vệ cho mẹ mà…” Bố hơi sửng sốt, vội ôm nó vào lòng mà hôn hít, vỗ về:

- “Bảo Bối” của bố có ngoan không?

- Dạ có ạ!

- Thế có nghe lời mẹ không?

- Dạ có ạ! Nhưng mẹ không ngoan, mẹ hư lắm… đêm ngủ mẹ toàn khóc nhè thôi… hư lắm… bố không biết đâu!

Bố bật cười, cái cười níu chật vật hai dòng nước mắt…

Ngoài kia hình như tiếng mẹ khóc nấc lên. Tôi chạy ra dìu mẹ vào nhà. Những cánh hoa đào rung rinh khoe sắc. Giờ giao thừa đã đến!

Trồng cơn khói - Thơ Hồ Thị Ngọc Hoài

Trồng cơn khói - Thơ Hồ Thị Ngọc Hoài

Baovannghe.vn - Lá trúc lá tre gom đốt/ khói vương thơm chiều quê.
Phong tục mừng tuổi lì xì ở Trung Quốc

Phong tục mừng tuổi lì xì ở Trung Quốc

Tục thưởng tiền cho trẻ con tương truyền xuất phát từ thời Đường Huyền tông. Bấy giờ An Lộc Sơn biết Huyền tông sủng ái Dương Quý phi, liền tôn bà làm mẹ nuôi (dù An Lộc Sơn hơn Dương thị tới hơn mười tuổi).
Năm 2024 một mùa giải văn chương nhiều màu sắc

Năm 2024 một mùa giải văn chương nhiều màu sắc

Baovannghe.vn - Nhìn về giải thưởng năm 2024 của Hội Nhà văn Việt Nam, có thể thấy bức tranh giải thưởng năm qua khá sống động, phong phú với hầu hết các hạng mục đều chọn ra được những tác phẩm tiêu biểu.
Người giữ lửa. Tản văn của Trần Quỳnh Nga

Người giữ lửa. Tản văn của Trần Quỳnh Nga

Baovannghe.vn - Ông tôi, người giữ lửa - ngọn lửa tuổi thơ của tôi những năm tháng tươi vui giờ đã xa rồi. Mộ người nằm giữa cánh đồng, chỗ những đám cỏ may khô vàng, chỗ những con cào cào trú đông ngủ vùi trong lùm dứa dại…
Lạ - Thơ Bùi Thúy

Lạ - Thơ Bùi Thúy

Baovanngge.vn- Em đôi tà áo lụa/ lặng lẽ giữa phố đông