Năm 1988, cuốn Điện Biên Phủ - trận chiến kết thúc cuộc chiến tranh thuộc địa của nhà văn, nhà báo, phóng viên Harry Thürk được ra mắt bạn đọc ở Cộng hoà dân chủ Đức. Harry Thürk là cây bút nổi tiếng ở Đức và Điện Biên Phủ - trận chiến kết thúc cuộc chiến tranh thuộc địa là một tác phẩm tiếp theo của ông về mảng đề tài Đông Nam Á, chiến tranh Đông Dương.
Harry Thürk sinh năm 1927 tại Thượng Silesia, nay thuộc Ba Lan. Ông từng là phóng viên quân đội của Cộng hoà dân chủ Đức tại Viễn Đông từ đầu những năm 50 của thế kỉ XX, và với vai trò ấy ông đã đến bán đảo Triều Tiên và Việt Nam trong thời gian chiến tranh. Trong khoảng thời gian từ năm 1964 đến những năm 1980, ông nhiều lần đi lấy tin tức và đưa tin về các sự kiện ở Lào, Việt Nam, Campuchia, Trung Quốc…).
Với vai trò phóng viên, Harry Thürk có điều kiện đi nhiều nơi, quan sát và cảm nhận thực tế các cuộc xung đột, chiến tranh diễn ra tại khu vực Đông Nam Á mà đặc biệt là Đông Dương. Đó là chất liệu để ông cho ra đời hàng loạt tác phẩm đậm chất tài liệu về Đông Nam Á, như trận chiến Đường số 9 năm 1971 ở Lào qua tác phẩm Đường xuống địa ngục (1974); cuộc đấu tranh giải phóng thực dân ở Malaysia qua tác phẩm Gió chết trước rừng (1961), Hoa sen trên ao cháy (1962); việc trồng và buôn lậu ma tuý ở Thái Lan qua Hơi thở xám của rồng (1975); chế độ Khmer Đỏ dưới thời Pol Pot ở Campuchia qua Cơm và máu (dựng thành phim năm 1990) và Gió mùa đen (1986)… Cho đến cuối đời, Harry Thürk là tác giả của gần 60 đầu sách, cả thể loại văn xuôi sáng tác và văn xuôi tài liệu. Tổng số ấn bản các tác phẩm của ông được in ra 13 thứ tiếng khác nhau, vào khoảng 9 triệu bản. Ngoài ra ông còn là tác giả của 15 kịch bản phim. Với tài năng của mình, Harry Thürk từng 12 lần nhận giải thưởng danh giá, trong đó hai lần là Giải thưởng Quốc gia của Cộng hoà dân chủ Đức.
Về Việt Nam, Harry Thürk có viết một vài cuốn, trong đó Điện Biên Phủ - trận chiến kết thúc cuộc chiến tranh thuộc địa trở thành một trong những tác phẩm nổi tiếng của ông. Harry Thürk đã sử dụng chất liệu lịch sử phong phú, tin cậy để tái hiện giai đoạn cuối cuộc kháng chiến gian khổ, anh dũng của nhân dân Việt Nam chống lại thực dân Pháp xâm lược, kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954. Với chiến thắng này cũng đồng thời kết thúc cuộc chiến tranh thuộc địa do Pháp tiến hành ở Đông Dương kể từ tháng 9 năm 1945.
Cuốn Điện Biên Phủ - trận chiến kết thúc cuộc chiến tranh thuộc địa được kết cấu thành 10 chương. Chương 1: Trước đó…, Chương 2: Gaston - chàng hề, Chương 3: Navar ra đòn, Chương 4: Keng - người tàng hình, Chương 5: Núi và thung lũng, Chương 6: Chiến tranh là như thế, Chương 7: Chiến dịch chim kền kền, Chương 8: Phía bờ trái, Chương 9: Hi sinh vì nước Pháp, Chương 10: Lô cốt cuối cùng, và cuối cùng là Lời kết.
Nội dung chủ yếu của tác phẩm đề cập tới tình hình chiến sự tại Đông Dương, đặc biệt là Việt Nam trong hai năm 1953-1954; quá trình chuẩn bị của cả Việt Nam và Pháp cho trận quyết chiến chiến lược tại cứ điểm Điện Biên Phủ; những tính toán về chiến thuật chiến lược cùng các hoạt động quân sự của cả hai bên từ khi tướng Navarre được cử sang Việt Nam cho đến ngày kết thúc chiến dịch (7/5/1954). Mặc dù vậy, để cho độc giả có cái nhìn chung về không gian diễn ra cuộc chiến cũng như quá trình Pháp xâm lược, đô hộ Việt Nam, Harry Thürk dành chương đầu tiên để giới thiệu khái quát lịch sử Việt Nam từ đầu thế kỉ XIX khi vương triều Nguyễn được thành lập cho tới thời điểm Pháp tiến hành cuộc chiến tranh thuộc địa ở Đông Dương. Với mong muốn người đọc hiểu rõ về diễn trình của cuộc chiến, tác giả dẫn dắt từ sự kiện quân Pháp tái chiếm Sài Gòn trong tháng 9 năm 1945, khởi đầu cho “cuộc chiến tranh thuộc địa của Pháp chống lại một quốc gia mới”. Từ Chương 2 cho tới phần Lời kết, Harry Thürk khắc hoạ chặng đường đi tới chiến thắng Điện Biên Phủ của nhân dân Việt Nam, những nỗ lực cuối cùng của thực dân Pháp nhằm cứu vãn tình thế ở Đông Dương; các hoạt động quân sự của cả hai phía Pháp và Việt Nam trong Đông - Xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là trận quyết chiến lịch sử tại Điện Biên Phủ.
Trên cơ sở những dữ kiện lịch sử chân thực, phong phú, Harry Thürk cho ra đời một tác phẩm văn học đậm chất tài liệu với hai tuyến nhân vật chính. Một bên là những người Việt Nam yêu nước, sẵn sàng chiến đấu, gian khổ, hi sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc mình; tiêu biểu như Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Thái, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Tôn Thất Tùng; những người lính có tên hoặc không tên, những đơn vị bộ đội, công binh, dân công... Một bên là thực dân Pháp xâm lược, với những đại diện như tướng Delattre De Tassigny, Raul Salan, Henri Navarre, De Castries, René Cogny… Sau gần 8 năm tiến hành chiến tranh ở Đông Dương (1945-1953), thực dân Pháp đã phải chịu những tổn thất nặng nề; vùng kiểm soát của chúng ngày càng bị thu hẹp. Trên chiến trường Việt Nam, quân Pháp ngày càng bị lún sâu vào thế bị động, phòng ngự. Trong bối cảnh đó, giới cầm quyền hiếu chiến Pháp chủ trương dựa vào viện trợ của Mĩ nhiều hơn để tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược, cố giành một thắng lợi quyết định về quân sự trên chiến trường, hi vọng tìm ra lối thoát trong danh dự.
Qua các trang viết, có thể thấy Harry Thürk diễn giải lịch sử không chỉ bằng những hiểu biết, kinh nghiệm thực tiễn của mình về Đông Dương, hay bằng số liệu, thông tin từ tài liệu lưu trữ của cả Việt Nam và Pháp, mà còn thông qua các thủ pháp nghệ thuật như miêu tả ngoại hình, hành động nhân vật, đối thoại, độc thoại, xây dựng tình huống… nhằm phục dựng một cuộc quyết chiến lịch sử một cách chân thực nhất, khách quan nhất từ giai đoạn chuẩn bị đến kết thúc, nhìn từ hai phía. Điểm mạnh của ông luôn là khả năng nắm bắt bối cảnh chính trị, lịch sử và kể lại câu chuyện một cách tài tình. Chính ông cũng tự nhận mình không phải là nhà văn, mà là người kể chuyện.
Harry Thürk đã dựa vào những dữ liệu đáng tin cậy để làm rõ những toan tính, quyết tâm của viên tướng Navarre trong việc tăng cường lực lượng, xây dựng và củng cố Điện Biên Phủ thành một cứ điểm, mặc dù ban đầu, Điện Biên Phủ nằm ngoài dự kiến của ông ta. Với sự giúp đỡ rất lớn của Mĩ, Navarre hi vọng xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương, “một cái bẫy chết chóc dành cho Việt Minh” gồm 49 cứ điểm, chia thành 3 phân khu cùng hệ thống phòng ngự vững chắc. Thực dân Pháp đã cho tập trung tại đây một lực lượng lớn với ý đồ nghiền nát quân chủ lực của Việt Nam.
Dưới ngòi bút của Harry Thürk, những ngày tháng cả đất nước Việt Nam hướng về mặt trận Điện Biên Phủ với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” được tái hiện một cách sinh động. Các đơn vị bộ đội chủ lực nhanh chóng tập kết, ngày đêm bạt rừng, xẻ núi mở đường, kéo pháo, xây dựng trận địa, sẵn sàng tiến công địch. Một lực lượng đông đảo dân công, thanh niên xung phong bất chấp bom đạn, bất chấp địa hình hiểm trở của vùng núi rừng Tây Bắc, bảo đảm hậu cần phục vụ chiến dịch, đảm bảo cho bộ đội kéo pháo vào trận địa an toàn. Harry Thürk không ít lần thể hiện sự ngưỡng mộ trước tinh thần yêu nước, sáng tạo, quyết tâm, sẵn sàng hi sinh cho sự nghiệp kháng chiến của các tầng lớp nhân dân Việt Nam, cũng như các lực lượng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Và ông đã hoàn toàn chính xác khi khẳng định rằng: “Nỗ lực tổng hợp của hàng trăm nghìn người đã vượt qua lợi thế kĩ thuật mà người Pháp có được.” Sau 56 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, quân và dân Việt Nam đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, làm nên bản anh hùng ca của cuộc chiến tranh nhân dân thần kì.
Như nhiều nhà báo, nhà văn tiến bộ khác trên thế giới, Harry Thürk đứng về phía nhân dân Việt Nam, ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa đầy gian nan, thử thách của đất nước và con người Việt Nam. Có lẽ chính bởi tầm vóc, ý nghĩa thời đại của chiến thắng Điện Biên Phủ mà các yếu tố lịch sử trong tác phẩm của Harry Thürk có sức hấp dẫn đặc biệt đối với giới nghiên cứu về lịch sử Đông Nam Á, lịch sử chiến tranh; góp phần làm nên tên tuổi của một nhà báo, nhà văn chuyên viết về đề tài chiến tranh, về Đông Nam Á nổi tiếng của Đức ở thế kỉ XX.
Trần Thị Thái Hà
Nguồn Văn nghệ số 17+18/2024