Chuyên đề

Hiện tượng học "căn bếp"

Bùi Duy Thanh Mai
Góc nhìn giới
10:26 | 15/10/2024
Baovannghe.vn - Không gian bếp có ý nghĩa từ phương diện cá nhân, đến nghệ thuật hay thậm chí chính trị, và góp phần tạo nên thể diện quốc gia. Qua những liên hệ ý nghĩa của căn bếp mà cũng phần nào phản ảnh cuộc sống, thói quen, cũng như thấy được những tương tác ấy tạo nên mỗi con người, thói quen và góc nhìn của chúng ta như thế nào.
aa
Khi nghĩ đến căn bếp thường người ta sẽ nghĩ về điều gì? Thức ăn ngon lành, ổ vi khuẩn, ánh sáng tù mù hay nguồn cảm hứng bất tận? Dù là gì đi chăng nữa thì mỗi hình dung của chúng ta đều nói lên phần nào hiện thực mà căn bếp đang được định vị trong suy nghĩ trong xã hội. Và mỗi liên hệ đó cũng phần nào cho thấy điểm nhìn của chúng ta ở đâu, với vai trò việc nhà như thế nào. Bài nghiên cứu sẽ điểm qua một loạt tác phẩm văn học, nghệ thuật và điện ảnh và thử trả lời câu hỏi: Khi nào, và trong hoàn cảnh nào thì ta thấy gì trong việc bếp núc? Sự không tồn tại và sự hiện hữu trong những liên hệ ấy nói lên điều gì về ta và về vấn đề giới nơi căn bếp?

Giới thiệu

Lần đầu tiên tôi đứng bếp nấu món Việt là khi đã xa nhà và một mình, không có ai ở bên có thể chỉ cho tôi biết cách nhặt rau thế nào, nêm nếm ra sao hay phối hợp các món như thế nào thì mới ra hồn một bữa cơm. Dù công thức và các chương trình hướng dẫn nấu ăn đầy rẫy trên mạng và trong sách vở, rồi báo chí, điện ảnh và mạng xã hội cũng thường xuyên cho thấy việc nấu nướng đầy màu sắc, truyền cảm hứng, nhưng đa phần đọng lại trong ý niệm của tôi chỉ là những thành phẩm cuối cùng hấp dẫn, ngon mắt đợi chờ được thưởng thức. Trong hầu hết các chương trình dạy nấu ăn, khi mà các bước sơ chế ban đầu thường bị cắt bỏ, những nguyên liệu bằng một sự kỳ diệu nào đấy (hoặc một ai đấy), luôn được chuẩn bị sẵn sàng: thái hạt lựu, bóc vỏ, lóc xương, rửa sạch... xong xuôi thì chuyện nấu ăn, tất lẽ dĩ ngẫu, cũng hiện ra như một công việc siêu đơn giản, và dễ làm tới mức thẳng đuột, không có gì mà rắc rối, hao tổn chất xám. Và cũng chẳng có sách nào dạy nhặt rau thỏa đáng, hoặc cùng lắm chỉ là vài dòng đại khái: chọn lấy phần non - nhưng làm sao cảm nhận bằng tay bằng mắt mà biết được đâu là phần non và đâu là phần già, từ đâu đến đâu là thân và từ đâu đến đâu là ngọn? Và cuối cùng, tôi cũng không tài nào học được cách nhặt rau “từ xa” - để có thể tránh cho mình sự xấu hổ, bẽ bàng mà tôi e sợ sẽ phải đối mặt nếu mở lời hỏi trực tiếp một ai đó cái việc mà dường như là thường nhật cho bao người đứng bếp.

Hiện tượng học "căn bếp" và những chiều thấy
Hình ảnh trong phim "Tro tàn rực rỡ" (2022) của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên

Nhặt rau, là bước sơ đẳng đầu tiên để bắt đầu nấu một mâm cơm Việt. Không qua được bước ấy nên tôi đã tìm đến việc chế biến món Tây như một cách giải thoát. Và tôi nhận ra mình không hề cô đơn trong lựa chọn ấy khi mà có những người cũng đã làm tương tự như Pha Lê, một tác giả Việt chuyên viết về nghệ thuật ẩm thức nấu ăn quốc tế đã bộc bạch trong một bài dạy pha chế sốt xa-lát rằng “cứ hễ ai pha được nước mắm ngon là giấu nghề, chẳng học được mô tê chi” nên tác giả đã chọn viết về cách pha sốt dầu giấm của phương Tây (2013).

Mãi sau này tôi mới thấy đủ thoải mái để ngỏ lời hỏi khéo một người nội trợ cách nhặt rau thì cô thủng thẳng bảo “nhìn đĩa rau xào, rau luộc mình ăn trước giờ như thế nào thì mình cứ làm theo như thế là ra thôi.” Và tôi nhận ra thứ mà tôi đã nhìn - mà không thấy - suốt bao năm qua. Trong đời tôi đã ăn không biết bao nhiêu bữa cơm, mà tôi chưa từng thực sự hỏi hay thậm chí tưởng tượng: nó được làm ra thế nào? Không chỉ là tưởng tượng xem thành phần tạo ra món này gồm có những gì, mà là từng thứ nguyên liệu ấy tôi sẽ cần cho vào theo trình tự nào, với liều lượng bao nhiêu, cách nhau trong bao lâu. Không phải chỉ là cái gì cho vào trước cái gì cho vào sau như một thứ công thức cứ thế mà làm sẽ ra, mà là nếu thiếu thứ này thì sẽ bù bằng thứ khác như thế nào, chuẩn bị sơ chế từng thành phần đó ra sao, kích cỡ từng thứ cho vào như thế nào thì ngon miệng, và chọn lựa những thứ đó ở chợ ra sao? Mà làm như thế nào để quyết hôm nay tôi sẽ làm món này hay món kia? Đâu phải chỉ thèm gì thì ăn nấy, vì thứ thèm thì không mua được: hoặc vì là cái giờ tôi ra chợ nguyên liệu đã hết hoặc chợ tôi đi có những nguyên liệu không bán, thì những lúc ấy tôi sẽ xoay sở ra sao để có một bữa cơm ăn - cũng là thứ mà trước nay tôi vốn chẳng để tâm nhiều vì nếu không phải tự nấu thì chỉ mất độ chục phút là đã ăn nhanh nhanh chong chóng cho xong để còn làm những công việc khác mà tôi cho là “quan trọng hơn”.

Những băn khoăn đầu đời đó dẫn tôi đến với hành trình nghiên cứu và nhìn nhận lại việc bếp núc với góc nhìn phân tích, phê phán trong bài viết này. Phương pháp phân tích được lấy cảm hứng từ hiện tượng học queer mà Sara Ahmed (2006) lập luận rằng cơ thể và trải nghiệm của mỗi cá nhân được định hình dựa trên những tương tác và chuyển động của cơ thể đó trong không gian, và việc một cơ thể quen thuộc hay xa lạ với những đồ vật gì xung quanh cũng giới hạn hay cho phép cơ thể đó làm được gì, với tới được những gì và nghĩ được về những khả thể nào. Tôi sử dụng lăng kính ấy để đặt lại vấn đề bếp núc: ai, khi nào, và trong hoàn cảnh nào sẽ thấy những điều gì trong việc bếp núc và từ những thành phẩm của bếp núc? Sự không tồn tại của cái gì (hướng dẫn nhặt rau, suy nghĩ về việc nấu món ăn như thế nào) hay hiện hữu của cái gì (mong muốn thưởng thức phê bình, hay những hướng dẫn nấu ăn mà đồ ăn đã luôn được sơ chế sẵn) nói lên điều gì? Cách ta mặc định nhìn về chuyện bếp núc trên truyền thông hay văn học, phim ảnh (của ai) đang che đi những cách nhìn khác của ai? Hướng đặt vấn đề này có thể cho thấy cách mà các mối quan hệ xã hội, đặc biệt là giới, tương tác cũng như là sắp xếp lẫn nhau, và sẽ giúp hé lộ ra thêm ra những ý nghĩa mà “chuyện bếp núc” vốn thường gắn bó, tương phản cũng như được sử dụng để tôn lên một ý nghĩa “to tát hơn” nào khác.

Hiện tượng học "căn bếp" và những chiều thấy
Cảnh căn bếp cháy trong phim "Tro tàn rực rỡ" (2022) của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên

Để quan sát và phân tích chuyện bếp núc cũng như cách mà nó xuất hiện, hay được nhắc đến, thì văn học nghệ thuật và điện ảnh là kho dữ liệu đa dạng để soi chiếu, nhất là khi mà chuyện ăn uống là một việc hàng ngày, không thể không có, dù chỉ ở vài cảnh thoáng qua, điểm xuyết trong mỗi tác phẩm. Ẩm thực như một đề tài được đặc tả, có thể kể đến tùy bút của Nguyễn Tuân (1957), Vũ Bằng (1960), hay Băng Sơn (1993) là những áng văn bàn về chuyện ăn uống được biết đến rộng rãi - thậm chí còn hay được dùng như kim chỉ nam phê bình ẩm thực. Cũng có những cảnh ăn cỗ, ăn cơm gia đình ấn tượng trong hàng loạt bộ phim truyền hình như Của để dành (Đỗ Thanh Hải, 1998), Gia đình mình vui bất thình lình (Lê Đỗ Ngọc Linh, 2023) hay trong phim điện ảnh, như cảnh làm bếp “có lửa mà không được có khói” trong Cánh đồng hoang (Nguyễn Hồng Sến, 1979), bát cháo hành trong Làng Vũ Đại ngày ấy (Phạm Văn Khoa, 1982) hay cảnh căn bếp cháy trong Tro tàn rực rỡ (Bùi Thạc Chuyên, 2022). Và không thể không nhắc đến loạt phim của Trần Anh Hùng mà gần như bộ phim nào của ông cũng có trường đoạn dài những cảnh nấu ăn trong bếp.

Bếp là một không gian có giới tính

Khi nói về việc nấu ăn, có những từ ngữ thường được liên hệ với nó là công việc “nội trợ” trong nhà, là việc “của đàn bà”. Nó cũng thường được nghĩ đến như là những “việc vụn vặt”, “không đáng nhắc đến”, việc nhỏ, gắn liền với “hậu phương”. Ngay cả sách dạy nấu ăn, dù có viết thành thể thơ tứ tuyệt như “Thực phổ bách thiên” - được biết đến là một trong những cuốn sách dạy nấu ăn đầu tiên của Việt Nam được soạn ra năm 1915, thì có lẽ cũng chỉ là sách dạy nội trợ mà thôi chứ chứ khó tưởng tượng có thể trở thành tác phẩm được đề cử giải văn học hay khoa học. Bản thân tác giả cũng khiêm tốn kể: “[Những cách nấu này là] phép người trên dạy vẽ cho. Nay sắp lại cho có câu, có vần; để cho dễ nghe, dễ nhớ, chớ có phải là thi từ gì đâu.”

Đó là về nghĩa đen, còn nghĩa bóng của chuyện “bếp núc” thường để chỉ chuyện đằng sau, mang tính phục vụ, ít ai thấy và thường vất vả (Nguyễn Điệp, 2021). Làm sao mà một từ có thể trải khắp những ý nghĩa dường như mâu thuẫn đến thế: vừa vụn vặn nhưng lại cũng vất vả? Sự mâu thuẫn này có thể được lý giải bởi người thực hiện chuyện bếp núc, thường gắn với người “đàn bà” vì họ quá yếu ớt, thậm chí kém cỏi nên mới thấy vất vả, hay do mâu thuẫn nội tại trong chính xã hội nhìn nhận chuyện bếp núc vừa nhỏ nhặt lại vừa vất vả? Câu trả lời sẽ dần được bóc tách qua việc đối chiếu và phân tích chuyện bếp núc cùng mối quan hệ của nó với giới trong các bài báo, bộ phim, lời thơ và nhạc tiếp theo đây.

Trách nhiệm nấu ăn, và rộng hơn là phận sự đảm đương việc nhà, thường gắn liền với người phụ nữ Việt Nam xuyên suốt lịch sử cho đến tận bây giờ. Tuy nhiên trong mỗi thời kỳ và với mỗi tầng lớp, mối liên hệ ấy có khác biệt về cấp độ và vị thế.

Như ngay từ cái tên của bài báo Những điều nhỏ nhặt rất quan trọng: Câu chuyện cái bếp của Vân Đào in trong tạp chí Ngày nay, số 36 năm 1936 trong tuyển tập các bài viết của Tự Lực văn đoàn (tái bản 2021) đã cho thấy chuyện bếp núc là “chuyện nhỏ” nhưng lại cũng rất cần thiết phải làm đúng và rất quan trọng. Làm sao lại một chuyện có thể vừa là chuyện nhỏ mà lại vừa quan trọng? Phải chăng, điểm nhìn của người viết - một người nữ - đã phải liên tục dịch chuyển khi viết bài này: với việc quốc gia đại sự mà người nam thường gánh thì chuyện cái bếp là chuyện nhỏ, nhưng trong cuộc đời người phụ nữ thì chuyện bếp lại là việc hệ trọng khi mà trạng thái, cách bài trí, tổ chức cái bếp trở thành tiêu chuẩn đạo đức cho người phụ nữ: “trông cái bếp mà đoán đức tính người đàn bà” (Tự Lực văn đoàn, 2021).

Trách nhiệm nấu ăn, và rộng hơn là phận sự đảm đương việc nhà, thường gắn liền với người phụ nữ Việt Nam xuyên suốt lịch sử cho đến tận bây giờ. Tuy nhiên trong mỗi thời kỳ và với mỗi tầng lớp, mối liên hệ ấy có khác biệt về cấp độ và vị thế. Qua những tư liệu và văn học dân gian còn lưu lại, có thể thấy được người phụ nữ Việt Nam không chỉ ở trong bếp mà còn tham gia làm nông nghiệp “Thân em vất vả trăm bề, sớm đi ruộng lúa, tối về ruộng dâu” thậm chí đánh trận vì “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, tiêu biểu với khát khao của Bà Triệu “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, quét sạch bờ cõi để cứu dân ra khỏi vòng chìm đắm”. Còn làm việc nhà trở thành một bổn phận được phân rõ và bắt buộc thi hành, được đẩy lên mức đạo đức và nghĩa vụ đặc biệt rõ ràng với người nữ ở triều Nguyễn, khi mà văn hóa Việt Nam bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi Tống Nho luôn gắn với tam tòng tứ đức (Bùi Trân Phượng, 2021).

Kỳ vọng phụ nữ phải biết nấu bếp diễn ra bất kể gia thế người nữ như thế nào, vì dù nhà có người làm, thì người phụ nữ vẫn được kỳ vọng là phải biết nấu nướng để có thể dạy dỗ và “bảo ban” được công việc trong gia đình:

Không phải nhà nào cũng có thể nuôi được một người bếp hoàn toàn. Vậy tốt hơn hết là bà chủ nên tự mình rèn luyện cho mình nên một người bếp giỏi, rồi sau này mình có thuê người làm cũng biết cách bảo ban, để người ta khỏi khinh mình là người không biết gì, bằng không, mình cũng có thể làm lấy được những món ăn ngon khéo. (Bài Cách nấu nướng của bà Vân Đài, trong tạp chí Ngày nay, số 48, 1937 của Tự Lực Văn Đoàn)

Năng lực “bảo ban” hay làm được món ăn “ngon khéo” này có thể liên hệ với nhu cầu muốn khoe đẳng cấp, là cái vốn xã hội của cả người nữ lẫn gia đình quyền quý đó. Theo đánh giá của nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách (2017) thì việc người nữ xuất thân từ các gia đình trâm anh thế phiệt lại càng phải học bếp núc và giỏi bếp núc cũng là một hình thức khẳng định địa vị xã hội của người nữ thời bây giờ:

Chuyện bếp núc, cỗ bàn thì là lẽ đương nhiên và bắt buộc trong các nhà thế gia ngày xưa. Đấy cũng là một hình thức khoa trương. Vì chỉ có họ mới có đủ điều kiện để học hỏi cách nấu nướng, cũng như sắm sửa các thực phẩm đắt hiếm, cho các món cỗ bàn trân quý.

Quả thật, nấu bếp cho thấy quyền lực giai cấp trong xã hội, nhưng đây cũng là cái tròng mang tính đạo đức cho người nữ dòng dõi quý tộc: không thể có lựa chọn khác vì nếu không làm thế thì sẽ là sai. Còn trong ca dao dân gian xưa, tuy người vợ được dạy phải giỏi chuyện bếp núc để “giữ chồng”: “Cá nục nấu với dưa hồng, lơ mơ có kẻ mất chồng như chơi!” hay kể cả “giành chồng”: “Măng mai nấu với gà đồng, chơi nhau một mẻ xem chồng về ai?” nhưng cách đặt vấn đề này cho thấy vai trò của người nữ có phần chủ động và đáo để, chọn sử dụng món ăn để đạt được mục đích. Lời khuyên răn này cũng không kém phần hào sảng, vì nó rõ ràng đã coi “lấy chồng” là cuộc đua tranh được nói thẳng ra: có thì tốt, mà mất thì... thôi.

Hiện tượng học "căn bếp" và những chiều thấy
Hình ảnh trong phim "Tro tàn rực rỡ" (2022) của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên

Ở thời hiện đại, vai trò bếp núc vẫn mặc định được gắn với người nữ dù người nữ có thể không luôn luôn là người trực tiếp lo bữa cơm cho gia đình. Trong bài Bữa ăn ngày thường thuộc tuyển tập Thú ăn chơi của người Hà Nội (1993) của Băng Sơn, tác giả bày tỏ sự tiếc nuối khi mọi nhà dần vin vào cơm hàng cháo chợ, nếp ăn gia đình giờ đã đổi thay và trách thói quen thời thượng này khiến người nữ không thực hiện được “bổn phận” giới - nấu bếp - của mình:

[Vợ chồng con cái rủ nhau đi ăn cơm bụi] là làm mất đi bàn tay chăm sóc ân cần của người phụ nữ trong gia đình, làm con cái mất đi những bài học về gia chánh, khiến nhiều cô gái trẻ, nhiều cô dâu mới rất lúng túng khi nói đến một số món ăn truyền thống dân tộc, hoặc các cô không còn làm được tròn bổn phận của người con, người vợ, giữ gìn sức khoẻ qua bữa cơm cho người thân yêu.

Tương tự, trách nhiệm của người nữ trong việc chuẩn bị bữa ăn được nâng lên tầm văn hóa trong một bài báo phân tích của nhà văn hóa Hữu Ngọc:

Bữa ăn của ta, dù trong gia đình hay làng xã mang tính cộng đồng, chia sẻ với nhau, có tôn ti trật tự, nữ là phận dưới nhưng chịu trách nhiệm chế biến là chính (ở phương Tây, nam lại là đầu bếp giỏi). (Hữu Ngọc, 2008)

Kỳ thực, cho đến tận bây giờ, mối quan hệ giữa bếp và giới nữ vẫn là hai chiều: nữ giới thì phải biết vào bếp nấu ăn, và nhắc đến bếp núc, người ta cũng nghĩ ngay về người nữ. Có người cứ về nhà “tọt xuống bếp” là sẽ tìm được mẹ, rồi quây quần bên chị em (Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, 2019). Có người trong mơ đi xuống bếp, ngửi thấy mùi “nồi thịt kho gừng” thì biết là mẹ ở nhà, dù thực ra mẹ đã khuất núi (Nguyễn-Thu Giang, 2020). Nhắc đến nơi bếp lửa là nhắc đến bà, (Bằng Việt, 1968) và nhớ “khói” bếp, nhớ “bếp lửa” cũng là nhớ về quê hương, nhớ về mẹ khi nay đã ở nơi đất khách quê người như trong bài hát Chiều xuân nhớ mẹ của nhạc sĩ Nhật Ngân:

Chiều ở nơi đây chiều không thấy khói

Xuân sang không mai thắm pháo hồng

Sao con vẫn thấy lòng ray rứt

Nhớ quê nhà bếp lửa chiều xuân.

Và khi thấy bếp lạnh cũng là chỉ dấu sự ra đi của người nữ. Nhìn căn bếp xưa giờ không còn nhóm lửa cũng thấy lạnh lẽo trong lòng vì đã không còn bà (Lam Hồng, 2019). Thấy căn bếp trống cũng tức là người yêu đã bỏ đi, hai người chia tay trong bài hát Xin em về (Nguyễn Cường Thịnh, 2023).

Thật khó để nhắc đến bếp mà không mặc định người nấu sẽ là người nữ dù kỳ thực không chỉ có người nữ làm bếp, người nam cũng hoàn toàn có thể làm bếp.

Thật khó để nhắc đến bếp mà không mặc định người nấu sẽ là người nữ dù kỳ thực không chỉ có người nữ làm bếp, người nam cũng hoàn toàn có thể làm bếp. Thậm chí, đa phần các đầu bếp trong các cửa hàng ăn có tiếng đều là nam vì “đầu bếp chẳng khác gì chiến binh và nhà bếp chuyên nghiệp không khác gì doanh trại quân đội” (Pha Lê, 2014). Nhưng trong khuôn khổ bài viết này sẽ không bàn đến đầu bếp “chuyên nghiệp” vì đó là một nghề được trả lương, trong khi bếp gia đình thì người nấu không được trả lương và người ăn cũng chẳng phải trả phí, và điều đó thiết lập nên một hình thái chính trị mối quan hệ khác hẳn ở bếp ăn gia đình. Khi một dạng lao động không tạo ra tiền của, nó không được coi là một “việc” và nhà nữ quyền Silvia Federici, người khởi xướng phong trào Wages for housework (tạm dịch là: Trả lương cho việc nhà) đã tranh luận rằng, chính nhờ những lao động không được trả lương như việc nhà mà nó trở thành thứ vốn đầu tiên cho tư bản tích lũy tài sản (Small, 2018). Mục đích của việc đòi lương cho việc nhà không phải là để tiếp tục tư bản hóa việc nhà, biến việc nhà thành một dạng công việc trả lương khác dễ dàng bị tha hóa và bóc lột, mà là một tuyên ngôn đòi ghi nhận việc nhà cũng là “việc”, giải cấu trúc việc nhà và tách tính giới ra khỏi việc nhà: cho thấy rằng việc nhà không chỉ có người nữ mới làm được, chứ không phải do “cái lẽ tự nhiên là vậy”, và khi đó mới tạo ra khả thể cho người nam cũng tham gia làm việc nhà vì việc nhà khi ấy không còn gắn liền với một giới nào nữa.

Tương đồng hơn cả với việc nấu ăn không lương của người nữ trong gia đình, có lẽ là các anh nuôi bộ đội chịu trách nhiệm nấu ăn nuôi quân. Họ cũng nhận trách nhiệm làm bếp mà không ăn lương nấu bếp, và thấy nấu ăn là việc “làm dâu trăm họ” (Bùi Hiệp, 2023). Dù rằng vị thế của các anh nuôi vẫn là bộ đội: là người đi làm trong xã hội và được trả lương, khác biệt với những người nữ hoàn toàn bị ghép cho vai trò nấu ăn trong gia đình nhưng phải chăng vì căn bếp ăn - nơi người ta không được ghi nhận lao động của mình như một việc, thì luôn là căn bếp ấy được gán giới tính? Vì vậy mà người nam, khi đứng ở vai trò nấu ăn - chăm sóc vẫn đầy ngại ngùng như trong bài hát Tôi là Lê anh nuôi do nhạc sĩ Đàm Thanh sáng tác:

Ấy tháng Chạp năm ngoái tôi vào bộ đội

Trên lại điều cho làm anh nuôi

Sớm lại chiều ra chợ mua rau

Ra đường tôi lo nhất nếu không may thấy các nàng

... Trên vai tôi gánh bao rau xanh

Lại thêm cái cân với bao con gà

Thật rầy rà khi gặp người nhà

Thiệt phận mình sao lại hẩm hiu.

Và các anh nuôi thì chỉ nấu nơi doanh trại, chiến trường, mang tính bất đắc dĩ, còn khi về lại với gia đình, thì trọng trách ấy lại trở về tay người nữ như lời nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường từng phát biểu trong một hội nghị khoa học về bản sắc Việt Nam trong ăn uống do Nhóm Nghiên cứu Ăn uống Việt Nam đồng tổ chức - cũng là tiền thân của Viện nghiên cứu Ẩm thực Việt Nam sau này (1997): “Thời bộ đội tự nấu dù đã quen nhưng chỉ là tạm thời còn giờ [thời bình] ta phải quay lại với mô hình gia đình của Việt Nam là người phụ nữ nấu”.

Như vậy, căn bếp, đặc biệt là căn bếp không tính phí ăn, trước giờ đã luôn là một không gian được gán giới tính rõ ràng.

Bổ ngang và bổ dọc không gian vật lý của căn bếp gia đình

Nếu như ý niệm về căn bếp gia đình thường bị gắn với giới tính, thì không gian vật lý của căn bếp ra sao và có tác động đến người ở trong đó như thế nào? Phần quan sát tiếp sau đây được lấy cảm hứng từ bell hooks khi nhắc lại lời bà mình: “Cách mà chúng ta sống được tạo hình bởi các đồ vật quanh ta, cách mà chúng ta nhìn chúng, cách mà chúng được đặt quanh ta. Bà khẳng định là chúng ta được tạo tác bởi không gian” (1995).

Trước hết, nhìn vào vị trí của căn bếp trong một ngôi nhà và khoảng cách của nó đến những gian phòng khác nói lên nhiều điều về mối quan hệ của người đứng bếp với những vai trò khác trong gia đình (Horwitz, 2013). Và không chỉ căn bếp, mà nếu nghĩ rộng ra về “trục thức ăn” (food axis) trong một ngôi nhà, là khái niệm được đặt ra bởi kiến trúc sư Elizabeth Collins Cromley (1996) về mạng lưới không gian liên quan đến đồ ăn: trồng trọt và thu hoạch thực phẩm (tại nhà), mua, trữ và bảo quản thực phẩm, sơ chế, chuẩn bị và nấu nướng, tiêu thụ và rác thải, thì khoảng cách, thời gian giữa chúng, và số tiền (sẵn sàng) chi tiêu cho chúng cũng nói lên nhiều điều về cuộc sống của một người chịu trách nhiệm nấu ăn cho gia đình cũng như mối quan hệ với các thành viên khác. Đơn cử như rác thải nhà bếp thôi cũng là vô số giai thoại thời bao cấp khi mà người ta phải liên tục phải ý thức về những dấu vết của thức ăn qua rác và phải động não để kiếm muôn vàn cách sáng tạo giấu lông gà vịt hay vỏ cam, bị coi là tàn tích của một bữa ăn “tư sản” quá xa xỉ mà bất cứ tổ trường hay hàng xóm nào có thể tò mò soi vào thùng rác để điều tra tình trạng đời sống của gia đình.

Đầu tiên để quan sát hoạt động nấu ăn, phải nhắc đến việc đi chợ. Như tác giả Thực phổ bách thiên có nhận định:

Có biết nấu ăn, mới biết đi chợ; mà có biết đi chợ; mới biết nấu ăn; thịt theo chợ, mà cá theo mùa: tính đã mới mua, mua vừa khó nấu: trước đã khỏi phí đồng tiền vô lối, sau trong nhà ăn lại được miếng ngon; chớ có phải là mua về là đi chợ, mà kho chín là nấu ăn đâu? (Trương-Đăng Thị-Bích, 1989)

Ngày xưa không biết đường đi chợ thường là bao xa nhưng người ta thường muốn đi chợ từ sớm để mua được đồ ăn tươi ngon nhất. Kỷ niệm mẹ đi chợ cũng gắn liền với tuổi từng đứa trẻ khóc đợi mẹ về. Ca dao có câu “Chợ Chì là chợ Chì xa, Chồng mong, con khóc, chém cha chợ Chì” hoặc trong một bài đồng dao trẻ em phổ biến, đường đi chợ cũng quanh co và người già đi chợ cần được trợ giúp:

Bà Còng đi chợ trời mưa

Cái Tôm cái Tép đi đưa bà còng

Đưa bà qua quãng đường đông

Đưa bà về tận ngõ trong nhà bà.

Và ngay cả đến thời hiện đại thì “những ngày dài nhất trần đời là mẹ đi chợ xa chưa thấy về” (Đen Vâu, 2021). Nhưng trong thập niên gần đây, người làm bếp, dù không quá giàu có, cũng có thể ngồi nhà thuê người khác đi chợ hộ hoặc tham gia những mô hình thay phiên nhau đi chợ hoàn toàn miễn phí (Lưu Minh, 2016). Dịch vụ giao hàng thực phẩm làm sẵn hay thậm chí cả nấu cỗ thuê cũng trở nên ngày càng nhộn nhịp. Sự chuyển dịch này cũng cho thấy mức độ thuận tiện cho người nấu bếp trong tương quan với những trách nhiệm họ phải gánh. Tuy thời gian ra chợ giờ có thể ít đi nhưng thời gian để chọn lựa, nghiên cứu và kiếm tìm từ xa nguồn thực phẩm an toàn cho gia đình có thể lại căng thẳng hơn bao giờ hết (Nguyễn-Thu Giang, 2021).

Theo phong thủy, căn bếp là nơi giữ lửa cho gia đình nên đây được coi là nơi cung cấp năng lượng sống cho cả nhà, mang đến sự hưng thịnh của gia đình (Tống Dương, n.d). Điều này cũng tương đồng với vai trò chăm sóc, của người phụ nữ sử dụng nó. Tuy nhiên, người ta kiêng đặt bếp cạnh phòng thờ cũng như kiêng đặt ở đằng trước hay trung tâm ngôi nhà, cho thấy kỳ thực dù quan trọng nhưng căn bếp vẫn chịu một sự phân biệt ẩn về giá trị. Khi chọn hướng cho căn bếp, ngươi ta cũng thường chọn theo tuổi của người chồng chứ không phải người vợ dù người vợ sẽ là người dành phần lớn thời gian trong căn bếp. Những hiện tượng này cho thấy vô số mâu thuẫn về giá trị trong thực hành so với lý thuyết về căn bếp vẫn thiếu những cách giải thích thỏa đáng.

Hiện tượng học "căn bếp" và những chiều thấy
Hình ảnh trong phim "Mùi đu đủ xanh" (1993) của đạo diễn Trần Anh Hùng

Nhiều ký ức về căn bếp ngày xưa, trước năm 1975, dù là ở Bắc, Trung hay Nam đều nhắc nhớ về một chái bếp củi hoặc rơm thường được xây riêng, là “gian phụ” tách biệt với “gian nhà chính” - gian nhà với chức năng xã hội và riêng tư, tiếp khách, làm việc... để tránh khói, tránh mùi lan ra các phòng khác (Đặc sản miền sông nước, 2022). Thậm chí như những căn nhà trong phim Mùi đu đủ xanh (Trần Anh Hùng, 1993), mà đạo diễn tái hiện phần nào quá khứ nơi chính mình lớn lên ở Việt Nam (Bảo Nhi, 2014), thì bếp cũng luôn tách biệt khỏi gian sinh hoạt của gia đình. Như tại căn nhà đầu mà Mùi ở thì bếp nằm ngoài sân và phải đi một quãng thì mới tới được phòng ăn, còn với căn nhà kiểu Âu của nghệ sĩ dương cầm Khuyến mà Mùi đến làm sau này thì đường từ phòng khách tới bếp còn phải đi qua một hành lang khuất nẻo, vòng vèo, lâu lắc, tưởng chừng nếu không quen nhà thì có thể còn không tìm thấy được bếp.

Đến thời bao cấp, thường là ở miền Bắc, khi mà bếp điện, bếp than, bếp dầu, bếp điện may xo phổ biến hơn thì “những gian bếp thanh bạch được thu xếp khéo léo dưới gầm cầu thang, ngoài hành lang, góc ban công của các khu nhà tập thể, các hộ dân cư” cũng cho thấy nơi nấu phải riêng rẽ với nơi ở vì “mùi mắm muối, đồ ăn quá lửa, mùi ẩm mốc lẫn khói dầu, khói than tổ ong cứ bốc lên nghi ngút khó tả" (Tú Linh & Lam Giang, 2023). Nhìn chung, việc tách gian riêng để tránh mùi này hẳn sẽ có ý nghĩa hơn cả với người không tham gia nấu nướng hay khách khứa tới chơi nhưng lại vô tình khiến người trực tiếp tham gia nấu ăn rơi vào hoàn cảnh bị cô lập khỏi sinh hoạt trong phần còn lại của căn nhà: người nấu sẽ ở tịt dưới bếp cho đến khi xong việc, và thậm chí nhiều cuộc vui sẽ còn chẳng biết đến sự tồn tại của họ.

Và đó cũng là chỉ trích lớn nhất cho mô hình bếp Frankfurt (Architectuul), được sáng chế bởi một kiến trúc sư nữ người Áo Margarete Schütte-Lihotzky vào năm 1926. Tuy vậy, mô hình căn bếp này vẫn được đánh giá là một bước nhảy vọt trong thiết kế căn bếp hiện đại mà đến giờ vẫn còn tiếp tục ảnh hưởng cách suy nghĩ và thiết kế bếp mà giờ phổ biến trên toàn thế giới đến tận bây giờ. Bắt đầu với sự ghi nhận rằng làm bếp không hề là một công việc đơn giản: khi mà “nấu ăn không phải là một hoạt động đơn nhất mà là một chuỗi nối tiếp các hoạt động độc lập lưu trữ thực phẩm, đi chợ, nấu và dọn dẹp” (Mahajan, 2021), thì Schütte-Lihotzky đã thiết kế với mong muốn tiết kiệm năng lượng tối đa cho người làm bếp, giúp việc nấu ăn trở nên nhanh chóng, dễ dàng và sạch sẽ hơn cả. Mô hình bếp Frankfurt cũng được biết đến là mô hình bếp đầu tiên đưa vào bồn rửa bát kèm vòi nước (khi mà trước đây người nấu phải xách nước vào trong nhà rửa hoặc như ở Việt Nam thì có thể mang bát đũa ra giếng nước hay cầu ao rửa), cũng như giới thiệu ô cửa sổ nơi góc bếp - một góc nhìn ra bên ngoài cho người làm bếp - để họ không cảm thấy ngột ngạt, “quẩn quanh” nơi “xó bếp”, và còn đi kèm kính mờ có thể khép lại khi không muốn “bị nhìn” và cần riêng tư, và hơn tất thảy là một bàn làm việc - nơi người làm bếp có thể nghỉ hay viết lách với ghế tựa (Thornton, 2023). Việc tạo ra nơi nghỉ ngơi và làm việc riêng cho người nữ trong căn bếp có ý nghĩa rất lớn khi mà thời bấy giờ các bếp ở châu Âu thường không có chỗ nghỉ mà người làm bếp sẽ phải đứng hoặc nếu có ghế ngồi thì chỉ là ngồi tạm trên ghế đẩu mà không có tựa.

Cùng thập niên 1920, một nhà kỹ sư người Mỹ, Lillian Moller Gilbreth cũng đã nỗ lực tối ưu hóa không gian làm bếp cho người nấu và ưu tiện sự thuận tiện tối đa. Việc bà phát minh ra thùng rác chân đạp hay chia ngăn và khay trứng trong tủ lạnh cũng như tổ chức lại không gian bếp để người nấu ăn có thể quấy một cái bánh, bỏ lò và rửa bát mà chỉ mất vài chục bước chân thay vì gần 300 bước chân như trước đây (Lange, 2012) cũng cho thấy công việc làm bếp đòi hỏi tài sắp xếp tổ chức, tư duy đa nhiệm để chu toàn nhiều công việc một lúc, chứ không hề là một công việc dễ dàng, vặt vãnh mà có lẽ những người xây và thiết kế bếp (nam, không nấu bếp) trước đó không thấy được, cũng không hiểu được và đã bỏ qua. Đơn cử khi bếp chưa có bồn rửa bát hay thùng rác tiện cho việc làm bếp thì có thể thấy được qua vô số lời khuyên, sự tính toán dọn dẹp của người làm bếp, tưởng như việc nhỏ nhưng kỳ thực đòi hỏi một sự nghiêm túc và tính toán trước sau (Tự Lực văn đoàn, 2021):

“Trong bếp, sự sạch sẽ là một điều phải giữ rất khe khắt. Người đàn bà nên luyện lấy một tính quen rất quý hóa: là quét dọn luôn luôn. Không nên nhặt rau, gọt mướp, bừa bãi mỗi chỗ một đống vỏ rác, đợi đến lúc nấu nướng xong mới quét đi một lần. Như thế trông bẩn mắt lắm, lại vướng chân mình, người nhà, đầy tớ đang bưng thức ăn có thể vô ý xéo phải. Nên có lệ hễ hơi có vỏ rác dưới đất là phải quét đi ngay lập tức. Muốn cho không phải cái vạ ấy, thì đừng bao giờ nhặt rau, gọt khoai, gọt mướp hay làm cá, xé cua mà không để sẵn cái rổ hoặc cái chậu không bên mình. Cái rổ ấy sẽ nhận lấy các thừa thãi để sau vứt đi hay đổ vào nước gạo.

Tính đa nhiệm, đồng thời là một chỉ báo cho tình trạng tăng ca lao động, cũng được thể hiện rõ trong câu ca dao Việt Nam: “Đang khi lửa tắt cơm sôi, lợn đói, con khóc, chồng đòi tòm tem”, khi mà người phụ nữ dù thân ở bếp nhưng cũng bị đòi hỏi tứ bề: vừa phải nấu cơm và chăm lợn (ca lao động việc nhà), và chăm lo cảm xúc của con và chồng (ca lao động cảm xúc). Điều này cũng cho thấy ranh giới mong manh giữa bếp và các nơi khác trong nhà, khi mà ở đâu có việc cần mình thì người nữ cũng phải “chạy qua chạy lại” giải quyết, đáp ứng, phục vụ. Hoặc như phân cảnh bà chủ giao cho người nấu bếp vài đồng còn sót trong nhà để đi chợ rồi “tính sao cho đủ ăn thì tính” trong phim Mùi đu đủ xanh (Trần Anh Hùng, 1993), thì người nấu vẫn phải dốc hết năng lực tính toán trong kinh tế, khéo tăng gia sản xuất, trồng thêm rau tăng lương thực, và sáng tạo trong nấu nướng: thêm nhiều muối vào đồ ăn để căn ke cho đủ bữa chỉ với tiền bán vài đồng bán hai ống chỉ. Tương tự, ở thời 4.0 bây giờ thì các “mẹ bỉm sữa” tăng ca làm việc linh hoạt, bán thêm đồ ăn online mà bà đi chợ ở xa gửi về, nhằm kiếm thêm ít tiền mua bỉm sữa và thực phẩm an toàn cho con mình (Nguyễn-Thu Giang, 2021).

Giống như Schütte-Lihotzky, tiến sĩ Gilbreth cũng tin rằng, vận hành một căn nhà cũng là một “việc” và vì vậy người nội trợ cũng cần đến một góc làm việc riêng, được trang bị đầy đủ, như bất cứ một công việc nào có yếu tố vận hành mà người nam đảm nhiệm. Bà tạo ra một góc bàn làm việc trong bếp với ngăn kéo cho hóa đơn, giá để sách nấu ăn và điện thoại cùng đài phát thanh để người trong bếp kết nối với thế giới bên ngoài ngay trong lúc rửa bát (Lange, 2012). Những không gian làm việc trong bếp này, đều được lấy cảm hứng từ phòng làm việc của các phân xưởng hoặc phòng thí nghiệm hóa học, vì quả thực, quá trình, bảo quản hay lên men thực phẩm, hoàn thiện các công thức nấu ăn cũng phải trải qua không ít công đoạn và đòi hỏi sự phân loại và nghiên cứu tỉ mỉ, thí nghiệm bền bỉ (Smith, 2023) cũng như tiêu chuẩn sạch sẽ cao (là một yêu cầu ngày càng được nhấn mạnh vào đầu thế kỷ 20 này). Có thể thấy điểm tương đồng này ở ẩm thực Việt:

Nên ai nấu được món chi ngon, kiếm mà học thêm, mình nấu có món chi vụng, lo mà tập lại...Vả lại, đồ ăn càng ngày càng tinh, càng khéo; không phải cứ nhất định như vậy mà được. (Trương-Đăng Thị-Bích, 1989)

Có rất nhiều điểm tương đồng trong sự phát triển không gian bếp và vai trò của người chăm sóc gia đình ở các nước phương Tây với Việt Nam qua các thời kỳ từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 đến giờ: từ tằn tiện chắt bóp “đong lọ nước mắm, đếm củ dưa hành”, còn bếp ăn thì phải tận dụng không gian tối đa, đôi khi là nép dưới gầm cầu thang vì điều kiện vật chất sau chiến tranh thiếu thốn, tới sau này là nhu cầu ăn uống đủ chất trong điều kiện bếp vô cùng sạch sẽ - người vợ như một bác sĩ kiêm nhà dinh dưỡng gia đình, và giờ đây khi kinh tế các hộ gia đình ngày một dư dả, thì nhu cầu ăn ngon lạ, mà vẫn an toàn, có “thực phẩm sạch” (Cát Khuê, 2016) trong căn bếp rộng rãi, nhiều tiện ích trở thành vấn đề chung mà cả xã hội, và có lẽ là cả thế giới quan tâm. Kỳ thực, chuyện ăn uống và nấu nướng cũng như không gian bếp núc, tưởng chừng như chuyện cá nhân và là lựa chọn riêng tư của mỗi gia đình nhưng lại phản ánh thay đổi trong khoa học kỹ thuật, tập tục xã hội, và văn hóa (Horwitz, 2013). Chỉ khi ta ghi nhận rằng không gian bếp “thiếu ổn định” hơn ta tưởng, ví dụ như nó có thể di chuyển ở các vị trí khác nhau cả một căn nhà (đằng sau, bên ngoài, đằng trước...) thì ta mới có bắt đầu đọc và hiểu không gian vật lý của một căn bếp và các hoạt động trong đó (Cromley, 2010).

Hiện tượng học "căn bếp" và những chiều thấy
Hình ảnh trong phim "Mùa hè chiều thẳng đứng" (2000) của đạo diễn Trần Anh Hùng

Có một điểm khác biệt trong quá trình phát triển căn bếp ở phương Tây với căn bếp ở Việt Nam: dường như chưa có tài liệu nào nhắc đến khả thể đưa căn bếp ở Việt Nam thành một không gian làm việc riêng tư cho người nội trợ. Hẳn là nhiều lý do về bối cảnh lịch sử, văn hóa sẽ góp phần tạo ra khác biệt này, tuy vậy, nếu đặt điểm nhìn là góc ngồi và làm việc riêng cho người nữ được mở ra chính là bước đầu tôn trọng công việc quản lý bên trong gia đình của người nữ tương đương với công việc bên ngoài của người nam thì ở dân gian Việt Nam quan niệm này vốn đã luôn tồn tại. Theo Phó Giáo sư Đỗ Lan Hiền, “sự phân công ‘nam ngoại nữ nội’ đã hàm nghĩa phụ nữ là chủ gia hay còn gọi là ‘nội tướng’ ” (2022), trong dân gian vốn có câu “của chồng công vợ” đã nói lên nhiêu đủ. Việc có bàn và ghế ngồi trong không gian riêng của người làm bếp cũng là mầm mống cho những tụ tập, hội thoại và trò chuyện riêng, đôi khi là nung nấu cho một cuộc cách mạng (Marshall, 1983), đó cũng là điều mà căn bếp ở Việt Nam chưa bao giờ thiếu vắng. Căn bếp xưa là nơi mà những người hàng xóm tự đi thẳng vào không cần xin phép và túm tụm, “ngồi lê đôi mách” với nghĩa đen nhất, nghĩa là không cần bàn ghế mà chỉ cần ngồi xổm hoặc ngồi phết xuống đất lê la, túm tụm cũng đã thành chuyện, từ những chuyện nhà người khác đến chuyện xóm làng và không loại trừ những chuyện chính trị, từ chuyện giá nước sạch mới chạy qua thôn quá cao đến chuyện hàng xóm thi nhau xin chạy để được hộ nghèo (Bùi Quang Dũng, 2017), hay thậm chí đả kích những người không làm bếp trong lúc những người phụ nữ nhặt lông gà mà họ sẽ ít có dịp nói ra ở một không gian khác, như trong Mùa hè chiều thẳng đứng (2000). Những lời “đôi mách” ấy có nhiều mặt, không chỉ là “mách lẻo” mà còn có thể là “mách tội” hay “mách bảo” nhưng thường sẽ được nhìn và bị đả kích khá gắt gao từ phía những người (chắc là) không vào bếp, ví dụ như Phan Bội Châu trong Nữ dân quốc tu tri (1926):

Tôi đương khi đất khách ngậm ngùi dưới ngọn đèn hiu hắc, giở pho lịch sữ cổ của mình ra xem, từ xưa đến nay, không có một chữ nào mà kể đến người đàn bà con gái nước ta có việc gì hay nhóm họp, ở ngoài cạnh-buồm khóe-bếp, bỏ mấy cỗ tài-bàn tứ-sắc, không thấy một sự công gì.

Cũng với một thái độ chỉ trích tương tự, không gian bếp riêng cũng bị đánh giá là quá tư sản và nguy hiểm tại Liên Xô (The Kitchen Sisters, 2014) hoặc trở thành mầm mống cho việc bót lột phụ nữ như Marie Howland những năm 1840, hay Alice Constance Austin vào năm 1915, từng đánh giá mà sau này họ đã bắt tay vào xây dựng những cộng đồng nhà ở không có bếp riêng. Không chỉ họ mà cũng có nhiều cuốn tiểu thuyết giả tưởng cùng thời cũng hiện diện một tương lai không còn bếp riêng và ít nhất một trong số những cuốn đó là sách bestseller (Thornton, 2023).

Không chỉ là nơi giao lưu, mà bếp cũng là không gian truyền dạy từ thế hệ này qua thế hệ khác và từ người nữ này qua người nữ khác những tri thức làm bếp mà không sách làm bếp, công thức, chương trình TV hay thậm chí AI sáng tạo công thức nào thay thế được (Krishna & Metz, 2022). Không ai nấu bếp một mình thực sự (Smith, 2023; Nguyễn Chi, 2018; Tú Linh & Lam Giang, 2023), khi mà mỗi kiến thức, kỹ thuật, từ cách nhìn bọt sủi trong nồi canh mà biết sôi hay cách sờ nắn hoa quả để chọn quả chín, rồi trau dồi cho đôi bàn tay khéo léo biết lựa mà nhặt từng loại rau khác nhau cho vừa ăn và căn giờ để mỗi loại rau củ chín tới, đều là những di sản được tích lũy qua bao kinh nghiệm, thử sai của biết bao nhiêu người. Nếu nói đó là gia tài cho người nữ cho nhau có lẽ cũng không sai. Có thể thấy rõ tính “truyền đời” này qua lời bạt cuốn Thực phổ bách thiên - được soạn và lưu hành nội bộ gia đình lần đầu tiên năm 1915 do bà Trương-Đăng Thị-Bích, là con dâu của nhà thơ hoàng tộc Tùng Thiện Vương Miên Thẩm, được mẹ chồng dạy và giờ đọc lại cho con gái, Thị Lệ ghi chép lại, sau này lại được các cháu gái nội của tác giả, Công Tằng Tôn Nữ Huế (1973) và Công Tằng Tôn Nữ Khánh Nam (1989) tái bản lại cho nội bộ gia đình, và mãi gần đây thì truyền bá rộng rãi qua internet:

Bắt chước bà gia thuở dọn xơi,

Làm thành thực-phổ dạy cho người:

Dâu, con cháu, chắt, coi mà học.

Một miếng ăn ngon tiếng để đời!

Trong nhiều quan niệm thì căn bếp (đặc biệt là căn bếp trước Đổi mới) là nơi tối tăm: “nhớ nhất là căn bếp tối mờ của gia đình, căn bếp lúc nào cũng mờ ảo ánh sáng của bóng đèn đỏ vì bố tôi rất tiết kiệm điện” (Tú Linh & Lam Giang, 2023). Sự tù mù gắn liền với căn bếp đó, dù phổ biến nhưng không hề “tự nhiên” khi mà căn bếp không được coi là cần có nguồn sáng từ cửa sổ hay bóng điện, mà rất có thể là hệ quả của cái không được ưu tiên do việc phân biệt chính - phụ (gian nào cần nhiều ánh sáng hơn) và cho thấy ai là người quyết định phân chia nguồn lực này (bố) hẳn cũng không thấy việc ấy là quan trọng. Với đạo diễn Trần Anh Hùng thì ấn tượng về căn bếp cũng là một nơi tối tăm nhưng không chỉ có vậy, vì nó còn là không gian cho ông những mỹ cảm đầu đời theo lời kể của ông trong một phỏng vấn gần đây (2023):

Ẩm thực luôn là một phần trong cuộc sống của tôi. Tôi nghĩ rằng những cảm xúc nghệ thuật đầu tiên của tôi đến từ căn bếp của mẹ tôi. Đó là một nơi khá tối tăm, nền nhà tráng xi-măng ở Việt Nam. Ánh nắng chiếu xuyên qua mái nhà và phía trên mái nhà uốn lượn, có một cây ổi. Khi vào mùa ổi chín, hương ổi lan tỏa trong căn bếp. Đó là một nơi mà bóng tối và ánh sáng đan xen, rất đẹp. Tôi vẫn luôn nhớ đến cách rắc hành vào nước dùng. Hành động đó thật đẹp! Tôi nghĩ rằng khái niệm đầu tiên về cái đẹp đến từ căn bếp của mẹ tôi.

Mỹ cảm là vậy nhưng những căn bếp cũng từng bị coi là lộn xộn, thiếu quy củ mà điển hình là mẫu câu hỏi: mẹ ơi, mẹ cất [đồ ăn] ở đâu? Em ơi, [dụng cụ làm bếp] để ở đâu rồi? Đồ ở trong bếp, âu cũng là lẽ dĩ nhiên, chỉ người hay vào bếp mới biết. Cũng khó mà có một sự bài trí nào thỏa đáng cho tất cả (Lange, 2012) khi mà mỗi người nấu, với những món ăn khác nhau, thói quen sử dụng vật dụng khác nhau sẽ cần có những sự sắp xếp thứ tự khác nhau. Một tác phẩm trình diễn của Martha Rosler (1975), Semiotics of the kitchen (tạm dịch: Ký hiệu học của căn bếp) đã thách thức lại cách ta nghĩ và hé lộ những cách nhìn mới về các dụng cụ làm bếp cũng như vai trò và cảm xúc của người nấu bếp.

Hiện tượng học "căn bếp" và những chiều thấy
Hình ảnh trong tác phẩm trình diễn "Semiotics of the kitchen" của Martha Rosler

Nói cách khác, “đọc” được không gian bếp sẽ nói lên nhiều về thói quen, tính cách của người nấu. Và đôi khi chính nhờ việc biết logic sắp xếp đó của nhau còn giúp tìm ra những lời nhắn nhủ bí mật được ẩn chứa trong gian bếp mà chỉ có những người trong gia đình hiểu nhau mới giải mã được: Trong một giai thoại được kể lại, có một nhà kia khi người chồng đi xa nhiều năm không về mà gia đình buộc phải ly tán thì người vợ đã để lại cho chồng rất nhiều vàng giấu trong liễn mỡ dưới bếp, người chồng một ngày trở về vào bếp nấu ăn thì phát hiện ra và nhờ đó mà sau này đoàn tụ được gia đình.

Ngày nay, các căn bếp củi, bếp than dần được thay thế bởi bếp hồng ngoại, bếp ga, bếp từ “không khói”, “chẳng còn cay mắt”. Lạ kỳ thay, khi mà nhà cửa sạch sẽ, sáng loáng ốp gạch tráng men, ngày một gọn gàng hơn và cũng vắng cả sự lộn xộn nhưng đầy tính cá nhân trước đây thì người ta lại đâm ra khát khao khói lam chiều đến cay mắt nơi đô thị hối hả (Vừ Mai Hương, 2021), “thèm được ngồi yên trong bếp mẹ đến mềm lòng...” (Bùi Quang Dũng, 2017) mà kỳ thực là khát khao cảnh đầm ấm gia đình trò chuyện ăn uống cùng nhau nơi căn bếp xưa.

Cũng là hiểu được thôi, khi mà song hành với những tiện nghi hiện đại: máy rửa bát, tủ lạnh, lò vi sóng, mì ăn liền... là sự thuận tiện cho mỗi cá nhân làm một mình, ăn một mình, sống một mình và sự tụ tập của các gia đình thưa dần theo thời gian. Hương vị món mẹ nấu dần trở thành một sự hoài niệm. Và dù phụ nữ có nhiều điều kiện để độc lập hơn trong cả sự nghiệp bên ngoại lẫn việc nhà thì chưa chắc điều này đã đồng nghĩa với việc giảm tải gánh nặng trong gia đình khi mà tiện nghi kỳ thực cũng chính là một cái bẫy (Cromley, 2010): Nếu như tiện nghi có nghĩa là giảm bớt thời gian để hoàn thành một việc thì cũng có nghĩa là tiện nghi để làm thêm được nhiều việc hơn một lúc. Đi chợ, nấu ăn, dọn dẹp bếp núc có thể nhanh hơn xưa nhưng kỳ vọng sạch sẽ hay yêu cầu thực phẩm sạch cũng ngày càng trở nên cao hơn bao giờ hết.

Như vậy, không gian bếp có ý nghĩa từ phương diện cá nhân, đến nghệ thuật hay thậm chí chính trị, và góp phần tạo nên thể diện quốc gia. Qua những liên hệ ý nghĩa của căn bếp mà cũng phần nào phản ảnh cuộc sống, thói quen, cũng như thấy được những tương tác ấy tạo nên mỗi con người, thói quen và góc nhìn của chúng ta như thế nào.

Điểm nhìn trong cách thấy căn bếp: người thưởng thức và người nấu

Có một hiện tượng khá thú vị về Thực phổ bách thiên, đó là sau gần một thế kỷ mà nó được soạn dưới thể tứ tuyệt, đã được thi sĩ Đàn Ngang viết lại dưới thể thất ngôn bát cú. Chuyện có lẽ không có gì đáng nói nếu như một người nữ xứ Huế, Chế Thị Hồng Hoa (2012) không phát hiện ra có nhiều nhầm lẫn và ngộ nhận trong việc hiểu và diễn thơ dạy nấu ăn của tác giả Trương-Đăng Thị-Bích: khi mà tác giả gốc dạy đậy vung cơm lót lá chuối cho kín hơi thì tác giả thơ mới lại chỉ nhắc đến “đậy vung”, là một chi tiết vi tế mà có lẽ ai phải rành việc nấu ăn cũng như dụng cụ làm bếp và phong tục nơi đất Huế mới nhận ra. Hoặc khi mà Tỷ Quê dặn là dù chế biến thực phẩm gì thì cũng phải đảm bảo nguyên tắc sạch sẽ, đủ màu sắc, mặn lạt tùy khẩu vị, thì Đàn Ngang lại viết lại có góc nhìn hưởng thụ “ăn ngon sướng miệng hòa trên dưới” và thêm vào lời răn dạy tứ đức: “may vá thêu thùa chưa đủ tốt, đảm đang bếp núc đứng hàng đầu” (Đàn Ngang, 2021). Những sự kiện nhầm lẫn trong cách chế biến thức ăn thế này không hề mang tính cá biệt mà là một hiện tượng khá phổ biến khi mà những người nam thường được biết đến là khá “sành ăn” mô tả cách chế biến ra món ăn như vậy. Nhà văn Băng Sơn, nổi tiếng Thú ăn chơi của người Hà Nội (1993) từng phát biểu nhầm lẫn trong một hội thảo của Nhóm nghiên cứu ăn uống Việt Nam (1997) giữa quả quýt hôi và quả quýt ta khi nói về nguyên liệu làm chả rươi. Trang web “Dư địa chí Thừa thiên Huế” khi viết về “Hương vị món ăn xứ Huế” cũng như một số tác phẩm khác về món ăn xứ Huế từng nhắc đến món “cá long hội rút xương” nhưng cá long hội là cách gọi chơi chữ cho sang của cá lôi họng thì có thể rút xương kiểu gì? (Chế Thị Hồng Hoa, 2012) Rộng sang lĩnh vực thiết kế bếp, kiến trúc sư nổi tiếng Frank Lloyd Wright thường có xu hướng thiết kế căn bếp khá nhỏ, thậm chí “Căn bếp bé đến mức cửa tủ lạnh dập vào máy rửa bát” (Lublin, 2013). Những hiện tượng này dường như không phải là một sự nhầm lẫn tình cờ mà chúng có những điểm chung đáng kể: đều là nhầm lẫn do thiếu “cái nhìn bên trong” việc bếp núc, là sự sai sót của người không phải sử dụng căn bếp để nấu nướng lo toan hàng ngày mà có lẽ họ thường ở vị trí thưởng ngoạn, được “cơm bưng nước rót” để hưởng thụ thành phẩm cuối cùng hơn là sáng tạo ra những món ăn đó. Không chỉ trong văn chương mà ngay cả trong điện ảnh và đặc biệt là nhiếp ảnh cũng có xu hướng xếp đặt và chụp thức ăn ở góc nhìn “sẵn sàng cho việc thưởng thức” hơn bao giờ hết (Calefato, 2016). Và những điểm nhìn này chắc cũng thuộc phạm trù của cái gọi là “nhãn quan nam giới” (Bergers, 1972).

Vai trò quyền lực giữa người nam và người nữ, hay người nấu và người ăn cũng được thể hiện rõ trong bài thơ Em làm bếp của Xuân Diệu:

... Anh đứng ngoài xem xét

Rửa rau hoặc thái hành

- Anh ơi, hộ tí nước

Đặng cho vào nấu canh.

Ôi, bữa cơm ngon tuyệt

Mỗi khi về thăm em

Em có tài nấu nướng

Anh có tài ngợi khen...

Dù trong việc nấu bếp, người nam chỉ là phụ, loanh quanh bên ngoài “rửa rau”, “thái hành” hoặc “hộ tí nước” nhưng đến cuối, thì tình thế đã xoay chuyển hoàn toàn, khi việc ăn biến người nam thành người “chính”, có quyền lực bình phẩm, phán quyết đồ ăn ngon hay dở, có đáng được “ngợi khen”. Và không chỉ trong riêng bài thơ này, mà hiện tượng này rộng khắp trong văn chương như Nguyễn Tuân tiêu biểu với việc bình phẩm thế nào là phở ngon và thế nào mới là ăn phở đúng cách (1957) thì sau đó ông từng bị đánh giá là “chủ nghĩa cá nhân tột bực” mang tính “hành lạc chủ nghĩa”. Không ít tác giả (nam) cũng cùng chia sẻ điểm nhìn “người thưởng thức” này. Hoàng Phủ Ngọc Tường từng nói lên một nhận định tương tự trong một phát biểu của ông tại hội nghị khoa học về “Bản sắc Việt Nam trong ăn uống” năm 1997 do Nhóm Nghiên cứu Ăn uống Việt Nam đồng tổ chức:

...Một văn hóa tồn tại được cần có người chế biến bằng tất cả tâm hồn: người phụ nữ, và một người khen người ta nấu ăn ngon, người sành ăn - đấy là người đàn ông, tức là một công chúng, một thực khách, một cộng đồng có khẩu vị tốt.

Khi phân chia việc làm bếp và việc thưởng thức thành hai việc khác nhau do hai người khác nhau, ở hai giới khác nhau đảm nhiệm, đã gán giới cho việc bếp, đồng thời đặt hai việc làm và ăn lên cán cân quyền lực, mà người làm sẽ luôn ở vai trò bày biện, chuẩn bị, phục vụ một mâm cơm để “gọi mời cơm” và chờ đợi người sành ăn thưởng thức, đánh giá đạt hay chưa đạt, liệu đã “biết nấu/làm món...” chưa hay “không biết nấu/ làm món”. Việc đánh giá một người có “biết nấu” này cũng tương tự như việc đánh giá một người “có/không biết đẻ” ở góc độ: người “chọn” vai trò thẩm định đã thẳng thừng từ chối trách nhiệm trong việc tạo ra sản phẩm cuối cùng.

Việc phê bình ẩm thực không chỉ dừng lại tại mâm cơm gia đình, mà cụ thể là món phở còn được nâng lên tầm thể diện quốc gia tại chương trình tọa đàm chủ đề Phở Việt do Viện Nghiên cứu Ẩm thực Việt Nam đăng cai (2007) khi mà viện trưởng, tiến sĩ Nguyễn Nhã kêu gọi “nâng cao mặt bằng” của phở và “cần có một tiếng nói thống nhất về phở” để phở “không chỉ là gia truyền mà còn là quốc truyền” và không chỉ có “phở Việt Nam mà còn có phở thế giới”. Những ý này cũng là một phần của phong trào toàn quốc những năm gần đây, mong muốn đưa Việt Nam “trở thành cường quốc ẩm thực” và xây dựng thương hiệu quốc gia cho Việt Nam là “bếp ăn thế giới” (Bảo Châu, 2022). Và thực ra, việc gắn nấu ăn với gìn giữ cội nguồn dân tộc vốn có từ lâu, với câu ca dao: “Muôn đời mắm vẫn đưa hương, còn thương mùi mắm, còn thương giống nòi”. Khi ấy, vai trò của mỗi người nấu bếp không chỉ còn là thực hiện trách nhiệm làm con, làm vợ, làm mẹ mà còn là là một sứ giả cho quốc gia dân tộc.

Điểm nhìn phân vai người ăn - người làm tưởng chừng như vô hình, cũng có thể thấy qua nhận định của nhà nghiên cứu Vương Xuân Tình trong bài nghiên cứu Nhân học ẩm thực (2020) có so sánh “ăn nhà” với “ăn ngoài”: “Ăn ở nhà rẻ hơn. Và ăn ở nhà vẫn thoải mái hơn, đồng thời đảm bảo cho sức khỏe”. Quả thực, bản thân thành ngữ “cơm hàng cháo chợ” cũng ám chỉ đồ ăn nhà làm thì đáng quý hơn ăn ở ngoài. Nhưng vô hình chung, khi mà ai cũng chỉ mong ăn cơm nhà thì điều ấy chẳng phải lại tăng thêm gánh nặng cho người nấu ăn, khi vị trí này lại thường “do nữ giới đảm nhiệm” mà chính tác giả Vương Xuân Tình chỉ ra? Cách đặt điểm nhìn này có lẽ đã không tính đến công sức mà vốn không được trả lương, sự tổn hao sức lực và thoải mái của người nấu. Việc ai nấu không còn là chuyện nội bộ gia đình, do các cá nhân tự nguyện quan tâm nhau và tự dàn xếp với nhau nữa mà kỳ thực, việc phân chia vai trò bếp núc cũng có chính trị của riêng nó, đòi hỏi phân chia và ghi nhận bình đẳng.

Hiện tượng học "căn bếp" và những chiều thấy
Cảnh nấu ăn đậm chất Huế trong phim "Gái già lắm chiêu 3" (2020) của đạo diễn Bảo Nhân và Nam Cito

Nói về truyền thống người nữ đứng bếp trong gia đình ở Việt Nam, Trần Xuân Bách Alex nhận định rằng người nữ giữ nhiều quyền lực trong gian bếp, điển hình với lời đánh giá “chuẩn cơm mẹ nấu” ngày một phổ biến thời đương đại dù rằng nó cũng có thể là một thứ đồng thời bó buộc người phu nữ (2021). Quả thực, không ít người cho rằng việc nấu ăn, dù vất vả nhưng lại đem lại cho người nữ một quyền lực áp chế trong bếp vì họ là người làm ra đồ ăn, nhưng trước đây khi mà chưa có nhiều lựa chọn ăn ngoài thì người nữ cũng được kỳ vọng phải nêm nếm cho vừa khẩu vị người khác (Trương-Đăng Thị-Bích, 1989) và nay, khi mà con người ta không còn phải quây quần quanh bếp ăn như trước mà sẵn sàng ăn hàng (Băng Sơn, 1993), ăn một mình (Trung Đức, 2022), ăn đồ ăn liền thì quyền lực ấy của người nấu cũng suy giảm dần. Mỗi trách nhiệm được gán cho cũng là tăng thêm cơ hội để mắc lỗi cho mỗi người nữ vì “làm nhiều thì bị trách cũng nhiều”.

Xem lại các tác phẩm có khắc họa ẩm thực Việt, trong những bài đặc tả món ăn hay bữa cơm (thường của các tác gia nam) thì không phải lúc nào việc đi chợ, chuẩn bị cho bữa ăn hay dọn dẹp sau bữa ăn cũng được nhắc đến, hoặc nếu có nhắc đến thì cũng không với cùng một tầm quan trọng, mà là phụ, làm nền để tôn lên bữa ăn như mục đích và thành phẩm cuối cùng mà người đọc, hay nhân vật trong câu chuyện, bộ phim sẽ được thưởng thức. Từ những chi tiết được chọn lọc để hiện diện hay bị lược bỏ, nói lên điều gì về điểm nhìn của người ra những quyết định ấy? Đạo diễn Trần Anh Hùng đã phát biểu (2023) về cách ông quay cảnh nấu ăn, hé lộ phần nào cả cách thực hành thông thường mà người khác quay cảnh nấu ăn sẽ hay bỏ đi những gì:

[Trong phim của tôi,] tôi muốn cách chế biến đồ ăn cần phải cực kỳ cụ thể mà người ta có thể tin đó là thực. Do vậy mà có những cảnh quay dài đưa cảm giác như thực vì thời gian không bị ngừng! Mọi thứ đều như thật! Vì khi chúng tôi quay ở phim trường, đó là những cảnh thật. Ê-kíp làm phim cũng ngạc nhiên nói với nhau như vậy: Chưa bao giờ họ làm một bộ phim mà mọi thứ đều là thật. Tôi muốn quay những cách làm bếp như một cảnh rượt đuổi xe hơi trong phim hành động vì đây là cách duy nhất để lột tả được hết các sinh hoạt trong căn nhà bếp. Các nhân vật phải đi lại, người đứng nấu bếp thì cũng có người đang rửa bát đĩa.

Có một tác phẩm nhiếp ảnh của nghệ sĩ Laura Letinsky, “Hardly more than ever (tạm dịch: Không thể nhiều hơn nữa) (1997) mà tác giả dàn dựng và sắp xếp những khung cảnh bàn ăn hoặc bàn bếp bộn bề, nơi chuẩn bị từ bữa tiệc thịnh soạn tới bữa ăn giản dị hàng ngày và bãi chiến trường cần dọn dẹp sau đó. Tác phẩm gợi nhắc về khả thể cả một thế giới đầy màu sắc, mùi vị được thấy và đã không được thấy: Mùi vị gì người nấu ngửi thấy mà người ăn đã không ngửi nếm thấy? Mùi cá thịt tanh tưởi khi chưa chế biến sẽ hoàn toàn được làm cho mất đi, được khử mùi bởi sả, hành, tỏi, nước hàng do người nấu chuẩn bị, mùi thức ăn cháy khét mà người nấu nhỡ tay làm đã phải bỏ đi... (Nguyễn Chi, 2020). Nhưng cũng là mùi thịt sống, sẽ hôi và bẩn, đầy vi khuẩn với người không nấu nhưng lại là mùi thịt sống “thơm” với người nấu vì đó là thịt lợn sạch họ mua được và có lẽ họ đã tưởng tượng ra một bữa cơm ngon và lành từ miếng thịt đó rồi. Người ăn có thể chỉ thấy bát cơm dẻo thơm, đọt khoai béo bùi, măng tươi giòn ngọt, nhưng người nấu có lẽ còn nếm được cả vị chát và ngứa của đọt khoai mất nhiều công khử rửa, vị đắng của măng đã phải xả nước nóng vài lần mới hết độc và rằng hạt cơm cũng có thể rất cứng khi nấu chưa tới.

Và cùng một mâm cơm được nấu ra nhưng trải nghiệm ăn của mỗi người cũng khác nhau khi mà có “miếng này miếng kia”, và người mẹ thường ăn miếng cháy, miếng bị chừa lại hay đôi khi cả miếng bị nhè ra:

“Trên mâm cơm có miếng ngon nhất, bao giờ bố mẹ cũng gắp nhường ông bà, và thông thường ông bà lại gắp trả lại cho cháu, người được ưu tiên nhất nhà. Có khi bé em không thích, gắp trả vào bát của mẹ, và người mẹ lại nhường cho bố...Miếng cháy xém, ăn cho thơm miệng, người già răng yếu ít ăn, nên thường ngồi nhai cho hết vì bỏ đi thì phí. Thật là một cử chỉ đáng trọng của mẹ trong gia đình.” (Băng Sơn, 1993)

Đôi khi chỉ còn “cơm thừa canh cặn” là tới tay mẹ:

Khi tôi ăn cơm với mẹ, mẹ nhìn cả nhà tôi ăn uống thế nào rồi, nhất là nhìn xem mặt tôi ăn uống như thế nào, rồi lúc ấy mới ăn, và có khi ăn lúc sau cùng khi chỉ còn cà muối, canh rau thôi” (Nhóm Nghiên cứu Ăn uống Việt Nam, 1997)

Những thứ gì hiện diện trong bếp ăn và trong bữa cơm có lẽ hoàn toàn tùy thuộc vào điểm nhìn của những cách thấy. Và thực phẩm, cũng là một đối tượng để bị thấy.

Kết luận

Đây là một bài viết tổng hợp sơ lược các vấn đề liên quan đến hiện tượng căn bếp, như một nỗ lực để hiểu, đào sâu và tìm thêm ý nghĩa xoay quanh người nữ, khuôn mẫu giới gắn với không gian căn bếp qua phân tích tư liệu từ điện ảnh, văn học, và nghệ thuật. Nghiên cứu đã nhìn lại những hiện tượng thường xuất hiện hay bị ẩn đi khi nhắc đến “căn bếp” khi lần theo chiều dọc lịch sử và chiều ngang của chung và riêng, của dân gian với sách vở, và của việc nhà với phụ nữ Việt Nam và với phụ nữ thế giới.

Việc làm này có ý nghĩa trong việc kết nối những thứ tri thức mà thông thường có thể không được liên hệ với “căn bếp” như quyền lực, hình ảnh quốc gia hay phong trào xã hội. Việc mở ra các chiều thấy khác nhau khi ta nghĩ về mối tương quan giữa ẩm thực với căn bếp giúp gợi mở thêm nhiều khả thể suy nghĩ, liên hệ và nghiên cứu mới thay vì tách biệt việc “thưởng thức món ăn” với “kỹ thuật nấu ăn”, giúp kẻ thêm đường nối giữa hai khái niệm và để những hiện tượng này được định vị rõ ràng hơn trong mạng lưới ý nghĩa được dệt ngày một dày thêm trong ngành xã hội và nhân văn tại Việt Nam.

Chủ đề nấu ăn, nỗi niềm giới và chính trị việc nhà tại Việt Nam quả thực vẫn còn quá rộng, và còn quá ít nghiên cứu thực hành theo hướng phân tích này. Nhất là khi mà tài liệu về đề tài cũng còn tản mát, khó thu thập thì lại càng khó để có thể đưa ra nhiều luận cứ có ý nghĩa và cũng khó tránh khỏi việc bỏ ngỏ lại nhiều ngõ ngách còn cần khám phá, mà phạm vi nghiên cứu không cho phép.

Vì nguồn lực có hạn nên nghiên cứu này cũng chưa thể đi sâu vào nhiều mảng tiềm năng như: phân tích sự biến đổi trong công thức qua thời gian, hay làm thực địa, phỏng vấn những người nấu bếp/ dạy nấu bếp online đương đại - là một hiện tượng mới rất đáng tìm hiểu, hay tìm hiểu thêm về ẩn ức, nỗi e sợ hay từ chối nấu ăn (Nguyễn Chi, 2020), cũng như hiện tượng học nấu ăn cơ bản từ lớp trong giới trẻ thời gian qua (Zing News, 2014) nên mong đó có thể là đề tài trong các nghiên cứu sắp tới.

Tài liệu trích dẫn

1. Ahmed, Sara. (2006). Queer Phenomenology: Orientations, Objects, Others. Duke University Press.

2. Architectuul. (n.d.). “Frankfurt Kitchen”. Architectuul.

3. Băng Sơn. (1993). Thú ăn chơi người Hà Nội. Nhà xuất bản Văn hóa.

4. Bằng Việt. (1963). Bếp lửa [Thơ]. In Thi Viện.

5. Bảo Châu. (2020, November 21). “Ẩm thực Việt Nam sẽ là bếp ăn của thế giới?Báo Pháp Luật.

6. Bảo Nhi. (2014, April 3). “Nhà cổ thuần Việt trong phim Mùi đu đủ xanh”. Báo Xây Dựng.

7. Berger, John. (1972). Ways of Seeing. The Schools.

8. Bùi, Hiệp. (2023, April 17). “Tâm sự ‘anh nuôi’”. Quân đội nhân dân.

9. Bùi, Quang Dũng. (2017, February 13). “Bếp xuân”. Giác Ngộ.

10. Bùi, Thạc Chuyên (Director). (2022). Tro tàn rực rỡ. Ân Nam Productions.

11. Bùi, Trân Phượng. (2021). “Phụ nữ trong truyền thống văn hóa Việt”. VGEM talk.

12. Calefato, Patrizia, La Fortuna, Loredana, & Scelzi, Raffaella. (2016). Food-ography: Food and new media. Semiotica, 2016 (211).

13. Cát Khuê. (2016, April 1). “VTV24 ra mắt chương trình Nói không với thực phẩm bẩn”. TUOI TRE ONLINE.

14. Chế, Thị Hồng Hoa. (2012, June 13). “Thực phổ bách thiên và nghệ thuật nấu ăn kiểu Huế”. Báo Thừa Thiên Huế.

15. Cromley, Elizabeth C. (2010). The food axis: cooking, eating, and the architecture of American houses. University Of Virginia Press.

16. Cromley, Elizabeth Collins. (1996). Transforming the Food Axis: Houses, Tools, Modes of Analysis. Material Culture Review / Revue de La Culture Matérielle, 44(1).

17. Đặc sản miền sông nước. (2022). BẾP QUÊ THƯƠNG NHỚ.

18. Đàm Thanh. (n.d.). Tôi là Lê Anh nuôi.

19. Đàn Ngang. (2021, May 28). Thực Phổ Bách Thiên - Tỷ Quê & Đàn Ngang. Việt Nam Văn Hiến.

20. Đen Vâu. (2021, December 29). Mang tiền về cho mẹ [Music Video]. In YouTube.

21. Đỗ, Lan Hiền. (2022, July 20). Tín ngưỡng thờ nữ thần trong hệ thống tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Bộ Môn Tôn Giáo Học, Trường Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhăn Văn - ĐHQGHN.

22. Đỗ, Thanh Hải (Director). (1998). Của để dành. Văn nghệ Chủ nhật trên kênh VTV3, Trung tâm Phim truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam.

23. hooks, bell. (1995). An Aesthetic of Blackness: Strange and Oppositional. Lenox Avenue: A Journal of Interarts Inquiry, 1, 65-72.

24. Horwitz, Jamie, & Singley, Paulette. (2013, December 6). Eating Architecture. In Vimeo [Discussion]. Library Lecture at Department of Architecture at Tyler School of Art, Temple University.

25. Hữu Ngọc. (2008, July 26). “Đôi nét về văn hóa ẩm thực Việt Nam”. Sức Khỏe và Đời Sống.

26. Krishna, Priya, & Metz, Cade. (2022). Can A.I. Write Recipes Better Than Humans? We Put It to the Ultimate Test. The New York Times.

27. Lam Hồng. (2019, March 8). “Căn bếp của bà”. Báo Nam Định.

28. Lange, Alexandra. (2012, October 25). Why Your Kitchen Looks the Way It Looks. Slate Magazine.

29. Letinsky, Laura. (1997). Hardly more than ever [Photography].

30. Lublin, Joann S. (2013, May 16). The Pleasures and Pitfalls of Frank Lloyd Wright Homes. Wall Street Journal.

31. Lưu Minh. (2017, June 3). “ ‘Bếp ăn thời bao cấp’, chung cư 50 hộ ăn cùng một món”. VietNamNet News.

32. Mahajan, Bhushan. (2021, December 2). “The Ultimate Guide To Understanding The Kitchen Triangle: Dimensions, Rules”. Civic Concepts.

33. Marshall, Paule. (1983, January 9). “FROM THE POETS IN THE KITCHEN”. The New York Times.

34. Nguyễn, Chi. (2018, June 6). “29 năm tập làm “người phụ nữ Việt”. The Present Writer.

35. Nguyễn, Chi. (2020, October 20). “Chồng tôi dạy tôi điều gì về bình đẳng giới?”. The Present Writer.

36. Nguyễn, Cường Thịnh. (2023, February 9). Xin em về [Bài hát]. In www.youtube.com.

37. Nguyễn, Điệp. (2021, August 7). “Chuyện hậu trường của một cuốn từ điển”. Bảo Tàng Di Sản Các Nhà Khoa Học Việt Nam.

38. Nguyễn, Đức Hiếu, & Lê Đỗ, Ngọc Linh (Directors). (2023). Gia Đình Mình Vui Bất Thình Lình [Phim truyền hình]. Trung tâm Phim truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam.

39. Nguyễn, Duy. (1987). Mẹ và em. Nhà xuất bản Thanh Hóa.

40. Nguyễn, Hồng Sến (Director). (1979). Cánh đồng hoang. Hãng Phim Giải Phóng.

41. Nguyễn, Nhã. (2009). Bản sắc ẩm thực Việt Nam. Nhà xuất bản Thông Tấn.

42. Nguyễn, Thị Xuân Quỳnh. (2019, February 23). “Góc bếp của má”. Diễn Đàn Văn Học Nghệ Thuật Văn Chương Phương Nam.

43. Nguyễn, Tuân. (1957). Phở. Tuần Báo Văn.

44. Nguyen-Thu, Giang. (2021). “Hectic slowness: digital temporalities of precarious care from a Global South perspective”. Feminist Media Studies, 1-15.

45. Nguyễn-Thu, Giang. (2020, July 15). Viết về mẹ.

46. Nhật Ngân, & Huy Phương. (n.d.). Chiều xuân nhớ mẹ [Bài hát].

47. Nhóm Nghiên cứu Ăn uống Việt Nam. (1997). Hội nghị khoa học “Bản sắc Việt Nam trong ăn uống”. Phim tư liệu lưu hành nội bộ của Quỹ Văn hóa Giáo dục Hãn Nguyên Nguyễn Nhã. Hội thảo khoa học kết hợp với trường Đại học Hùng Vương, Nhóm Saigon Times group với sự bảo trợ của Saigontourist đã tổ chức.

48. Pha Lê. (2013, July 7). “Sốt cho xa-lát (phần 1): dầu giấm ngon không thua gì nước mắm”. Soi.

49. Pha Lê. (2014, March 16). “Đầu bếp nam và đầu bếp nữ: anh ở đâu và cô (được) ở đâu?”. SOI.

50. Phạm, Văn Khoa (Director). (1982). Làng Vũ Đại ngày ấy. Xưởng Phim Truyện Việt Nam.

51. Phan, Bội Châu. (1926). Nữ quốc dân tu tri. Nhà Xuất Bản Huế.

52. Rosler, Martha. (1975). Semiotics of the Kitchen [Video]. In www.youtube.com.

53. Small, Raia. (2018, October 15). “In the Kitchens of the Metropolis: An Interview with Silvia Federici”. Toward Freedom.

54. Smith, Caroline J. (2023). Season to Taste. Univ. Press of Mississippi.

55. The Kitchen Sisters. (2014, May 20). “Hidden kitchens: How Russia’s Shared Kitchens Helped Shape Soviet Politics”. NPR.

56. Thornton, Kathleen. (2023, June 20). The Frankfurt Kitchen (No. 541) [Podcast]. In 99% Invisible.

57. Tống, Dương. (n.d.). “Phong thủy nhà bếp【16 điều đại kỵ 】mà gia chủ cần tránh”. Blog.onhome.asia. Retrieved September 25, 2023.

58. Trần, Alex Xuân-Bách. (2021). “AS TRUE AS MUM’S COOKING” The mother, her food, and the study of Vietnamese gastronomic identity. Locale: The Australasian-Pacific Journal of Regional Food Studies, 8, 75-88.

59. Trần, Anh Hùng (Director). (1993). Mùi Đu Đủ Xanh. Les Productions Lazennec.

60. Trần, Anh Hùng (Director). (2000). Mùa Hè Chiều Thẳng Đứng. Hãng phim truyện Việt Nam.

61. Trần, Anh Hùng. (2023, May 30). “Những ý niệm đầu tiên về cái đẹp đến từ căn bếp của mẹ tôi” [Interview]. In RFI Tiếng Việt.

62. Trịnh, Bách. (2017, April 26). “Trâm anh thế phiệt”. SOI.

63. Trung Đức. (2022, August 19). “Bữa ăn một mình của nhiều người trẻ hiện đại”. Báo Tuổi Trẻ Thủ đô.

64. Trương-Đăng, Thị-Bích. (1989). Thực Phổ Bách Thiên. Phòng Tùng Thiện Vương. (Original work published 1915)

65. Tú linh, & Lam Giang. (2023, February 20). “Căn bếp củi ‘đánh thức’ tuổi thơ của người con đất Hà thành”. VietNamNet News.

66. Tự Lực văn đoàn. (2021). Tự Lực văn đoàn với vấn đề phụ nữ ở nước ta. Nhà xuất bản Phụ nữ.

67. Viện Nghiên cứu Ẩm thực Việt Nam. (2007). Chương trình tọa đàm chủ đề Phở Việt [Video Recording]. Liên hoan ẩm thực “Món ngon các nước năm 2007”.

68. Vũ, Bằng. (2002). Miếng ngon Hà Nội: và, Món lạ miền Nam. Văn Hóa - Thông Tin. (Original work published 1960)

69. Vũ, Bằng. (2014). Thương nhớ mười hai. Nhà xuất bản Hội Nhà văn.

70. Vừ, Mai Hương. (2021, January 28). “Nhớ về căn bếp ngày xưa”. Văn học Nghệ thuật Hà Giang.

71. Vương, Xuân Tình. (2020). “Nhân học ẩm thực.” Trang Web Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại Học Quốc Gia Hà Nội.

72. Xuân Diệu. (n.d.). Tuyển tập thơ Xuân Diệu.

73. Zing news. (2022, November 14). “Những người trẻ phải đi học lớp kho thịt, luộc rau”. Báo Điện Tử Tiền Phong.

Bùi Duy Thanh Mai | Báo Văn nghệ

Ảnh minh họa: Internet

------------

Bài viết cùng chuyên mục:

Ruộng xấu - Truyện ngắn của nhà văn Y Ban Xuân Diệu trong Tự lực văn đoàn - Một tiếng nói Queer Nước mắt nam nhân và mặc cảm nam tính Bí ẩn nữ tính: Vấn đề không tên Tự sự học đa phương tiện và văn hóa đại chúng đương thời: Trường hợp Việt Nam
Bộ NN&PTNT ra công điện ứng phó Bão trên Biển Đồng

Bộ NN&PTNT ra công điện ứng phó Bão trên Biển Đồng

Baovannghe.vn- Bộ trưởng NN&PTNT đã ban hành Công điện số 7930/CĐ-BNN-ĐĐ việc ứng phó với mưa lớn, áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và đi vào Biển Đông.
Năm 2025: Chưa xem xét điều chỉnh tăng tiền lương, lương hưu và trợ cấp người có công

Năm 2025: Chưa xem xét điều chỉnh tăng tiền lương, lương hưu và trợ cấp người có công

Baovannghe.vn - Cơ quan thẩm tra Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, thống nhất với phương án đề xuất của Chính phủ, trong năm 2025 chưa xem xét việc tiếp tục điều chỉnh tiền lương khu vực công
Có một cây cầu chỉ còn trong ký ức… Tản văn của Minh Nhạn

Có một cây cầu chỉ còn trong ký ức… Tản văn của Minh Nhạn

Baovannghe.vn - Cây cầu Đắk Nông cũ – một cây cầu vô cùng bình thường, chẳng có gì đặc biệt, cũng không to lớn, tưởng chừng dễ dàng bị người ta lãng quên đi.
Thời đã xa. Truyện ngắn của Lê Đức Dương

Thời đã xa. Truyện ngắn của Lê Đức Dương

Baovannghe.vn - Hôm đó cơ quan vắng ngắt, tôi bỏ đi chơi ra biển nhặt những vỏ sò dưới mép cát chơi. Biển vắng hoe chỉ có gió và màu xanh của biển.
Bản tin Văn nghệ: Ra mắt vở kịch thơ "Nữ sĩ Hồ Xuân Hương"

Bản tin Văn nghệ: Ra mắt vở kịch thơ "Nữ sĩ Hồ Xuân Hương"

Baovannghe.vn - Nhà hát Thế Giới Trẻ (thuộc Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP HCM) sẽ công diễn vở "Nữ sĩ Hồ Xuân Hương" vào ngày 24/10 do NSND Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đạo diễn.