Linh vật Rồng trong văn hoá Việt |
Tuy không gắn bó thiết thân với nông dân, nông nghiệp và nông thôn suốt trường kỳ lịch sử như chó, gà, lợn, trâu… nhưng rồng đã đồng hành cùng loài người hàng nghìn năm, biểu trưng cho quyền lực và uy danh tuyệt đối. Qua những hình ảnh, hình tượng rồng, chúng ta có thể phần nào hình dung được một nền văn hóa dân tộc phong phú, giàu bản sắc.
Với mỗi người Việt Nam, hình tượng rồng gợi lại bóng dáng cha Lạc Long Quân - một người khỏe mạnh, tuấn tú, có tài đi lại dưới nước như đi trên cạn. Với sức mạnh phi thường của thần Rồng - thần Nước và lòng yêu thương nhân dân, Lạc Long Quân đã một mình diệt trừ Ngư Tinh, Hồ Tinh, Mộc Tinh - những loài yêu quái hiểm ác, rồi dạy dân biết cách trồng lúa, ăn ở, đem lại cuộc sống yên ả, thanh bình. Hình tượng rồng còn trầm tích trong di sản thế giới Vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, đảo Bạch Long Vĩ, dòng Cửu Long giang “sóng trào nước xoáy”…; đi vào chiếu dời đô của Lý Thái Tổ hơn một nghìn năm trước: “Thành Đại La, đô cũ của Cao Vương, ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng chầu hổ phục, chính giữa Nam - Bắc - Đông - Tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tốt tươi phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời…”. Tương truyền, thời khắc thuyền nhà vua cập bến kinh đô mới, có con rồng vàng bay lên. Một hình ảnh đẹp, nhiều ý nghĩa. Đất Đại La sau giây phút ấy được đổi là Thăng Long.
Biểu trưng cho quyền lực và uy danh tuyệt đối, lẽ đương nhiên, rồng hiện diện trong mọi sinh hoạt của người đứng đầu đất nước thời quân chủ. Dung mạo vua gọi là “long nhan”, thân thể vua gọi là “long thể”, áo vua mặc được định danh “long bào”, giường vua nằm là “long sàng”, chỗ vua ngồi gọi là “long ngai”, xe vua đi gọi là “long liễn”, vua đăng cơ gọi là “long phi”, vua cất bước gọi là “long hành hổ bộ”, vua chẳng may băng hà gọi là “long ngự tân thiên”…
Gắn với các bậc đế vương, song ở Việt Nam, hình tượng rồng của mỗi triều đại đều ít nhiều có sự khác biệt, tạo nên những dấu ấn riêng. Nếu con rồng thời Lý thể hiện ước mơ của cư dân nông nghiệp: luôn xuất hiện cùng nước, mây; có thân trơn, mình dài như rắn, đầu ngẩng cao, há miệng rộng vờn đớp viên ngọc quý; từ mũi thoát ra mào rồng hình ngọn lửa, trên trán rồng có một hoa văn hình chữ S, cổ tự của chữ “lôi” (sấm sét)… thì con rồng thời Trần có thêm cặp sừng và đôi tay, mào lửa ngắn hơn, đầu rồng đường bệ, thân rồng tròn lẳn, nhỏ dần về phía đuôi, lưng võng hình yên ngựa. Đến thời Lê, người ta lại thấy con rồng có đầu to, bờm ngược ra sau, mào lửa được thay thế bằng chiếc mũi to, thân rồng lượn hai khúc lớn, chân rồng có 5 móng sắc nhọn. Cũng từ thời Lê, từ hình tượng rồng (long), thêm ly (lân), quy (rùa) và phượng, ông cha ta đã có quan niệm “tứ linh” (bốn loài vật linh thiêng). Trong đó, “ly” (lân) gửi gắm thông điệp vua sáng tôi hiền; “quy” (rùa) là sứ giả của vững bền xã tắc; phượng đem lại sự phồn thịnh. Sang thời Nguyễn, con rồng được đa dạng hóa trong cách thể hiện (dù vẫn toát lên vẻ uy nghi, đường bệ): rồng ẩn trong đám mây, rồng ngậm chữ “thọ”, lưỡng long tranh châu, rồng chầu mặt trời, rồng chầu hoa cúc. Phần mình rồng lúc này đã bớt dài, chỉ uốn lượn vài lần với độ cong lớn; đầu và mắt rồng to, miệng nhe nanh, sừng bẻ ngược về phía sau, râu rồng uốn sóng từ dưới mắt, “thò” ra cân xứng hai bên…
Không thuộc về đời sống của người bình dân nhưng kho tàng thành ngữ, tục ngữ xưa cũng có những câu thật “đáng nhớ” về rồng. “Trong lưng chẳng có một đồng/ Dẫu nói như rồng cũng chẳng ai nghe” là “mượn” rồng để nói đến thế lực ghê gớm của đồng tiền trong xã hội. Câu “Ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa” dành cho đối tượng thích hưởng thụ mà lười biếng, khoác lác. “Cá chép hóa rồng” nói về người học hành đỗ đạt sau chặng đường dài sôi kinh nấu sử. “Rồng đến nhà tôm” là sự khiêm cung của gia chủ khi có khách quý tới thăm. “Long bàn hổ cứ” chỉ thế đất đế vương rồng cuộn hổ ngồi. “Điểm mắt cho rồng” khẳng định tầm quan trọng của một vài câu được thêm trong phần then chốt của bài văn. “Đầu rồng đuôi tôm” chê cười những chuyện thoạt kỳ thủy thì to tát, nhưng cuối cùng lại không có một cái kết tương xứng. “Long bàn phượng dật” chỉ ai đó có tài năng, tướng mạo phi phàm. “Long bàn phượng minh” nói về kẻ văn chương xuất chúng. “Long hành hổ bộ” chỉ dáng dấp thư thái. Thói dựa hơi quyền thế có “Phán long phụ phượng”. “Xa thủy mã long” chính là cảnh “ngựa xe như nước” ở nơi phồn hoa đô hội. “Rồng bay phượng múa” diễn đạt khí thế hùng tráng. “Vọng tử thành long” hay “Bao giờ cá chép hóa rồng/ Đền ơn cha mẹ ẵm bồng ngày xưa” là ước vọng của các đấng sinh thành về ngày con cái vinh hiển. Người có sức khỏe như rồng, như hổ được gọi “Sinh long hoạt hổ”. Người có tiếng nói hùng tráng, vang vọng là “Long ngâm hổ tiêu”. Nếu “Quần long vô thủ” gợi lên hình ảnh rắn mất đầu thật thê thảm thì “Long tranh hổ đấu” là trận thư hùng khá cần tài ngang sức. “Ngọa hổ tàng long” nói chuyện nhân tài đang ẩn náu chưa xuất đầu lộ diện. “Trứng rồng lại nở ra rồng/ Liu điu lại nở ra dòng liu điu” chỉ những dòng họ danh gia thế phiệt có được người tiếp nối xứng đáng. “Mả táng hàm rồng” lại là lời “bình” thâm thúy về các trường hợp vốn xuất thân thấp kém nhưng nhờ thời thế mà được làm quan hay ở “ngôi” cao…
Qua hình tượng rồng, người xưa dự báo thời tiết: “Rồng đen lấy nước thì nắng/ Rồng trắng lấy nước thì mưa” hay: “Rồng đen lấy nước được mùa/ Rồng trắng lấy nước thì vua đi cày”.
Rồng còn “đi về” trong ca dao với nhiều cung bậc tình cảm. Đây là khát khao luyến ái sống mãi với thời gian: “Nhớ chàng như vợ nhớ chồng/ Như chim nhớ tổ như rồng nhớ mây”; “Mấy khi rồng gặp mây đây/ Để rồng than thở với mây vài lời/ Nữa mai rồng ngược mây xuôi/ Biết bao giờ lại nối lời rồng mây?”. Đây là ước mơ về hạnh phúc gia đình của người phụ nữ: “Gái có chồng như rồng có vây”; “Phận gái lấy được chồng khôn/ Xem bằng cá vượt vũ môn hóa rồng”; “Dẫu ngồi cửa sổ chạm rồng/ Trăm khôn nghìn khéo không chồng cũng hư”. Khi vợ chồng son sắt yêu thương, rồng góp phần tô điểm nghĩa tình phu - phụ: “Trăm năm ghi tạc chữ đồng/ Dù ai thêu phượng vẽ rồng mặc ai”; “Có chồng thì phải theo chồng/ Chồng đi hang rắn, hang rồng cũng theo”; “Lỗ mũi mười tám gánh lông/ Chồng yêu chồng bảo râu rồng trời cho”. Lúc vợ chồng bất hòa, có điều hờn trách… rồng thật bệ rạc, mỉa mai, bất chính: “Rồng nằm bể cạn, phơi râu/ Những điều anh nói giấu đầu hở đuôi”.
Thời hiện đại, hình tượng con rồng không hề thiếu vắng trong các tác phẩm văn học nghệ thuật. Mùa hè năm 1922, nhân chuyến đi đáng xấu hổ của vua Khải Định sang thành phố Mác-xây (Pháp) dự cuộc đấu xảo thuộc địa, Nguyễn Ái Quốc đã viết vở kịch “Con rồng tre”, vạch trần bộ mặt bán nước hại dân của bọn vua quan phản động làm tay sai cho Pháp. Tác phẩm cho chúng ta biết: “Có những cây tre thân hình quằn quẹo. Những người chơi đồ cổ lấy về đẽo gọt thành con rồng. Nó là một đồ chơi. Là con rồng nhưng thật ra chỉ là một khúc tre. Là một khúc tre nhưng lại hãnh diện có một tên hình dáng con rồng. Tuy vậy nó chỉ là một quái vật vô dụng”.
Chưa hết! Hai mươi năm sau ngày viết “Con rồng tre”, dù phải chịu những đày ải khủng khiếp cả về thể chất lẫn tinh thần trong lao tù Tưởng Giới Thạch suốt “Mười bốn trăng tê tái gông cùm”, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh vẫn có thể sáng tạo nên những hình tượng rồng đầy ý vị khác: “Trong tù khoan khoái giấc ban trưa/ Một giấc miên man suốt mấy giờ/ Mơ thấy cưỡi rồng lên thượng giới/ Tỉnh ra trong ngục vẫn nằm trơ!”; “Rồng quấn vòng quanh chân với tay/ Trông như quan võ đủ tua, đai/ Tua của quan võ bằng kim tuyến/ Tua của ta là một cuộn gai”...
Quả là một “thế giới rồng” đa dạng và đặc sắc trong dòng chảy văn hóa Việt Nam.