Sáng tác

Hổ trắng. Truyện ngắn của Nguyễn Phú

Nguyễn Phú
Truyện
15:00 | 20/11/2024
Baovannghe.vn- Bà Ài ngồi trên một khúc gỗ gần bậu cửa nhìn ra con dốc trước nhà. Từ các bản trên cao như Si Mã Phìn, Lùng Chính Thượng, Lủng Pờ... muốn xuống chợ Tà Phìn đều phải đi qua con dốc xoắn tít. Con dốc này bao đời nay gắn với bàn chân người, móng guốc ngựa xuống xuống lên lên.
aa

Tháng chạp lao nhanh như một cơn gió. Mới hôm nào chợ phiên đầu tháng, nay đã phiên giữa tháng chợ Tà Phìn. Gió xuân ấm áp quá. Gió mang theo tiếng khèn, lời hát đối của con trai con gái. Gió như lũ trẻ tinh nghịch tranh nhau thổi tung những dải sương quấn quanh sườn núi. Hoa lê bung nõn, trắng muốt như tuyết chấm lên da trời. Suốt mùa đông, những cây đào khô rạc, xì xù, lặng câm ven rừng, chỉ qua mấy đợt mưa, hoa nối hoa đua nhau nở, rì rầm chuyện trò về một mùa quả ngọt. Mấy chú dê con đang nhấm nháp những lộc non trên mỏm núi bỗng nhảy cẫng lên khi lũ chim rừng cất tiếng hót.

Hổ trắng. Truyện ngắn của Nguyễn Phú
Minh họa Tô Chiêm

Bà Ài ngồi trên một khúc gỗ gần bậu cửa nhìn ra con dốc trước nhà. Từ các bản trên cao như Si Mã Phìn, Lùng Chính Thượng, Lủng Pờ... muốn xuống chợ Tà Phìn đều phải đi qua con dốc xoắn tít. Con dốc này bao đời nay gắn với bàn chân người, móng guốc ngựa xuống xuống lên lên. Bây giờ lại có cái xe máy rồi, thanh niên trẻ cưỡi xe như cưỡi hổ lao vun vút xuống dốc, nhìn mà chóng mặt. Đôi khi, trong giấc mơ, bà Ài thấy chiếc xe máy nào đó đang chạy trên dốc vụt biến thành một con hổ trắng. Con hổ xé gió lao giữa rừng đào, những cánh hoa đỏ thắm rơi xuống bộ lông trắng như lửa cháy trên tuyết. Nhưng ở vùng này, không phải nhà nào cũng có xe máy, thích đi xe máy. Người ta đi ngựa vẫn nhiều lắm, nhất là những dịp chợ áp Tết như hôm nay. Bà Ài thích nhìn những đứa con gái thong thả cưỡi ngựa, nó cho bà một cảm giác bình yên. Chiếc váy của những đứa con gái xòe ra rực rỡ như một vạt đồi hoa, bộ ngực con gái kiêu hãnh vồng lên đón mặt trời, đôi má chúng căng hồng hơn mặt trời. Mỗi lần gặp một đứa con gái ngang qua, bà Ài thấy lại một phần tuổi trẻ nõn mởn, tươi đẹp như bông pằng nảng của mình. Rồi khi chúng khuất tầm mắt bà, thì bà lại thở dài. Tiếng thở của nước suối luồn lách giữa những khe đá dưới vực sâu.

Ngày nghỉ, không phải đến chỗ làm việc, thằng Chía - con trai bà Ài - ngay từ sáng sớm đã trở dậy, lục sục chuẩn bị xuống chợ. Nào áo tà pủ, nào mũ nồi, nào khèn và con ngựa bạch. Cái xe máy đen trùi trũi thằng Chía dựng bên hông nhà, không đi. Cái xe này bà phải bán hai con bò mới mua được để thằng Chía đi làm ở cơ quan. Ấy thế mà cứ chợ phiên vào ngày nghỉ là nó không đồng phục, không xe máy, trưng đủ bộ từ người đến ngựa, đúng một thằng trai Mông xuống chợ. Nó liếc nhìn đồng hồ đeo tay, lùa nhanh bát mèn mén với nước canh cải hầm thịt gà bà đưa cho rồi nhảy tót lên ngựa. Bà chạy ra định dặn con gì đấy mà quên mất. Khi bà còn đứng ngẩn ra ngắm con thì ngựa lừng lững, người cao to cùng vút đi. Ngựa và người vút đi để lại một luồng gió với mùi hoi hoi của ngựa và mùi mồ hôi thơm thơm của người. Cái dáng người này, cái mùi mồ hôi có mùi thơm kì lạ này đích thị là của dòng giống nhà ấy. Nhiều lúc nhìn thằng Chía và nghĩ về ngày xưa, lòng dạ bà Ài càng bị gai nhọn đâm sâu...

Mấy ngày qua, nhiều lần bà định nói với con một câu, cái câu bà chất chứa trong lòng mà bà không mở miệng được. Bà hiểu tính thằng Chía, nó thương bà, chăm chỉ làm việc nhưng cũng nóng nảy, lì lợm đến đáng sợ. Bà nhìn về hướng Tà Phìn, chỉ sương và núi quấn lấy nhau trắng xóa. Nhưng thật kì lạ, bà vẫn nhìn thấy cây cầu Cán Cấu. Cây cầu treo đung đưa, đung đưa mỗi lúc càng gần hơn trước mắt bà...

*

Đám rước dâu vừa qua bản Na Pao thì lất phất mưa. Đi được một quãng bỗng sấm chớp đì đùm, cả đoàn ai cũng lộ vẻ lo âu. Ầy già, ầy già, sao lại thế cơ chứ? Ông Cáng là cậu chú rể, cũng là trưởng đoàn rước dâu vừa nhìn trời vừa kêu. Trước lễ ăn hỏi nhà trai đã sang tận nhà thầy cúng họ Ly ở Lũng Phìn để xem ngày tốt. Chính ông Cáng và một người nữa trong họ phải đích thân sang. Thầy cúng họ Ly còn bảo trăm năm mới có một năm như này, cả năm mới chọn được tháng chạp này, cả tháng chạp cũng chỉ có ngày này. Thầy chỉ từng việc từ khi ăn hỏi cho đến ngày rước dâu. Rồi lại dặn kĩ trong ngày rước dâu, đoàn nhà trai chọn những ai, tuổi gì, bao nhiêu người, đi mấy giờ, về mấy giờ... Vậy mà bây giờ thành ra thế này. Bao đời nay người Mông cho rằng hỉ sự mà gặp phải sấm chớp thì rủi ro, vận hạn cũng theo dâu về. Thế nên không nhà nào tổ chức đám cưới vào mùa mưa, nhiều sấm chớp. Cũng không ai tính đếm lại ở vùng này có bao nhiêu đám cưới bị sấm chớp tìm đến, cô dâu chú rể đã sống ra sao, chỉ nghe người già truyền lại vậy thì biết vậy.

Thấy ông cậu của chồng nói thầm với một người trong họ, rồi lại nhìn lướt qua mặt mọi người, Ài buồn lắm, như có dòng nước lạnh trôi ngược vào lòng. Lẽ ra, ngày này phải là ngày vui nhất của Ài và Lềnh, của hai họ. Một tay Lềnh cầm dây cương ngựa, một tay nắm tay Ài. Lềnh siết chặt tay Ài, như muốn nói với Ài không sao đâu, không sao đâu, có chồng đây. Bàn tay nóng ấm của Lềnh vẫn không làm Ài xua đi nỗi lo tựa sợi tơ nhện vừa vương vào Ài.

Thấy đám rước có vẻ chùng chình, ông Cáng giục mấy thanh niên trẻ thắng ngựa cho kịp giờ. Sấm thì mặc sấm, chớp thì mặc chớp, tối nay chú rể cứ phải làm cái việc ấy cho đến nơi đến chốn nhá. Ông Cáng nói lớn rồi cười sang sảng, cả đám rước cũng cười rần rần. Lềnh phả hơi nóng ấm sực mùi rượu vào cổ vợ làm mặt Ài nóng bừng lên. Ngựa cũng nhanh nhanh chân vui bước như hiểu được tiếng cười.

Đoàn rước đi đến giữa cầu treo Cán Cấu, không biết con ngựa của phù rể Vừ Sá Po bước thế nào mà sập cả hai tấm gỗ, suýt nữa cả người và ngựa rơi xuống lòng sông. Mọi người lại một phen túa tán hồn vía. Ván sập, đám rước đứt đôi như người ta dùng dao chặt dải vải chàm làm hai mảnh. Không thể để nửa đám rước bên kia cầu đi đường vòng, ông Cáng lệnh cho hai người cháu phải vào bản mua ván gỗ và dây chão. Cả tiếng sau họ mới thuê được một người rong trâu kéo hai tấm gỗ ra cầu. Mọi người hò nhau ghép ván, người chằng người buộc, khi xong việc thì mặt trời đã khuất sau đỉnh Pư Khảo. Đoàn người lục tục kéo nhau về tới Ngam Vài vừa lúc trăng lên. Nhà trai, lợn bò rú rít ngoài chuồng không ai buồn cho ăn. Nhà trai, người trong họ đến giúp đám nhóm ngồi ngáp, nhóm quá chén đã lăn quay ra ngủ, lũ trẻ cũng ngủ lăn lóc giữa tấm bạt trải trên nền đất như những quả bí nằm trên nương. Bố chồng, mẹ chồng mặt héo hơn cả tàu lá cải phơi trên nương đá.

*

Con dâu à, sao mày lại không biết chiều chồng chứ? Ô, sao mẹ chồng lại hỏi thế? Hay mẹ chồng có con mắt nhìn xuyên mọi thứ, thấu mọi điều? Nghe mẹ chồng nói, Ài chỉ biết cúi mặt, ngậm miệng lại. Trước ngày đi làm dâu, mẹ đẻ đã dặn rằng về nhà người ta thì bố chồng là ông thần núi, mẹ chồng là bà thần rừng, chồng là ông chủ, còn mình là con trâu. Phận con trâu là lặng im, kéo cày và đẻ ra nghé thôi. Mà việc này, Ài biết nói làm sao? Chả lẽ lại nói với mẹ chồng rằng mỗi khi nằm trong căn buồng của hai vợ chồng là Ài thấy Ài như con người khác. Cảm giác rờn rợn, gai gai nó làm Ài khổ sở, để rồi lúc chồng trèo lên người, Ài chỉ còn là khúc gỗ xuội đơ. Nào có phải Ài không yêu chồng? Hay nói với mẹ chồng là mỗi lần con trai mẹ chồng luồn vào trong Ài thì như bị một mũi dùi nóng xuyên từ dưới lên tới đỉnh đầu... Bao lần răng môi Ài cắn vào nhau bật máu.

Có một đêm, khi Ài vừa chợp mắt, tiếng gầm gào lẫn trong tiếng gió thổi làm Ài choàng tỉnh. Quờ tay sang bên, chồng đã ngáy phó pho. Ánh trăng lọt qua khe vách làm Ài nhìn rõ khuôn mặt mệt mỏi của chồng. Rồi Ài thốn tim khi thấy khẩu súng kíp treo trên vách. Từ khẩu súng tỏa ra một luồng khí lành lạnh, gai gai. Ài lại thấy rờn rợn. Bao lâu nay, Ài vào buồng với chồng lúc nửa đêm, khi việc cỏ trâu ngựa, cám lợn gà đã xong và ra khỏi buồng lúc con gà chưa báo sáng. Ài chỉ biết trong căn buồng có chăn màn, có một người đàn ông là chồng Ài, còn những thứ khác, không hề hay biết. Khẩu súng này treo ở đây từ bao giờ? Sao lại treo khẩu súng vào buồng vợ chồng Ài?... Trong đầu Ài những câu hỏi không ngừng mọc lên như nấm. Ài lay chồng dậy, chỉ lên vách. Ài bảo vì thứ này mà Ài ngủ không được, thức cũng không được. Vì thứ này mà Ài thành khúc gỗ trơ khấc khi bên chồng. Ài thì thào vào tai Lềnh, bảo Lềnh treo khẩu súng chỗ khác. Ấy thế mà Lềnh vằn mắt dữ hơn cả mắt con thú nhìn vợ. Lềnh bảo đây là thứ truyền đời, là thứ quý giá nhất trong dòng họ Sùng này... Lềnh còn bảo khẩu súng là sức mạnh của đàn ông, đàn bà trong nhà họ Sùng thì không được sờ vào khẩu súng. Đấy là điều cấm kị...

Chiều ấy, lúc làm cỏ ngô với mẹ chồng, Ài khẽ khọt hỏi về khẩu súng. Mẹ chồng nhìn Ài rất lạ, cười lành lạnh. Mẹ chồng bảo Ài là người ruột để dưới gấu váy. Nhưng rồi mẹ chồng cũng kể... Ngày xưa, xưa lắm rồi, tổ tiên nhà chồng chạy trốn kẻ thù mà dừng chân ở đất Mèo Vản này. Lúc ấy, muông thú còn đông đúc, dữ dằn. Các loài thú dữ vẫn tràn vào bản bắt gà lợn, có khi bắt cả người. Nghe đồn, trong rừng thẳm có một con hổ lông trắng như tuyết giữ ngôi chúa tể. Hổ trắng thường sai phái các con thú khác đi săn mồi để dâng cho nó. Chưa ai tận mắt nhìn thấy hổ trắng. Nhưng nhiều đêm, tiếng gầm của nó rợn lạnh lên tận chín tầng trời, người yếu vía nghe thấy có thể trụy tim mà chết. Nó thường chui vào giấc mơ để bắt hồn vía đàn bà, trẻ em. Là người yêng hùng, võ công vô đối, ông tổ họ Sùng khao khát một lần giáp mặt hổ trắng. Một sớm, ông vác khẩu súng kíp vào rừng rồi không thấy trở ra nữa. Khi bà tổ và người nhà tìm được thì ông tổ đã mê man, thân thể nhàu nhừ trong vũng máu, tay còn giữ chắc khẩu súng kíp. Ông tổ được một thầy lang giỏi nhất trong vùng cứu chữa. Ông tỉnh lại mà không nhớ gì nữa, từ bấy cấm khẩu luôn. Ông tổ có gặp hổ trắng hay không, và cuộc đối đầu đó thế nào, thực sự còn là một bí mật với nhà họ Sùng và nhiều người quanh vùng. Nhưng có một sự thật là sau hôm ấy không ai còn nghe thấy tiếng gầm của hổ trắng, thú dữ cũng không về bản tha lợn gà, bắt người nữa. Sau ngày ông tổ mất, khẩu súng của ông trở thành báu vật của dòng họ. Nó là bằng chứng về sức mạnh, khí phách của đàn ông họ Sùng. Khẩu súng được treo trong buồng của cặp vợ chồng mới cưới, người họ Sùng tin rằng nếu cặp vợ chồng ấy có con trai, đứa trẻ ấy sẽ được truyền sức mạnh từ tổ tiên.

*

Thằng Chía dắt ngựa buộc dây cương vào gốc đào cổ thụ cạnh nhà rồi, đứa con gái còn ngấp nghển phía ngoài. Bà Ài đứng nép sau cửa bếp quan sát xem chúng nó làm gì. Thằng Chía ra máng nước rửa mặt, chắc không nghĩ đứa con gái kia vẫn đứng đấy. Bên cạnh đứa con gái là con ngựa đen tuyền, trên trán có những đốm trắng vàng trông rất vui mắt. Đứa con gái này mặc váy Mông, nó cao lắm, đôi chân dài thẳng tắp chứ không ngắn, chắc nịch như những đứa con gái Mông khác. Nó không đội mũ, chả quấn tóc kiểu gái Mông. Tóc nó vàng hoe, suôn mượt, buộc vống lên như đuôi ngựa. Hết nhìn cây đào phơi nụ rực hồng, lại nhìn vào tấm lưng thằng Chía đang cúi xuống cọ chân, đôi mắt nó lấp lánh. Khuôn mặt đứa con gái đẹp như một nụ đào, nó cười một cái làm nụ bừng nở thành hoa, rồi nhảy phắt lên ngựa vút đi... Bọn trẻ bây giờ hay thật đấy, cỏ cứ đi tìm ngựa! Đầu nghĩ vậy mà bụng bà Ài ưng lắm. Đứa con gái rõ đẹp, khuôn mặt nó thật hiền, ai nhìn lần một sẽ muốn nhìn lần hai, nhìn lần hai lại muốn nhìn thêm lần nữa, nhìn cho cái buồn chán, lo âu trong lòng tự tan biến đi.

Mải ngắm đứa gái lạ, bây giờ bà Ài mới nhìn đến con ngựa và thằng Chía. Yên ngựa đã được thằng Chía thay cái mới, kết bằng những hạt gỗ nâu bóng, lại có những tua rua đỏ vàng thật rực rỡ. Thằng con bà chắc uống nhiều rượu. Chân đỏ, tay đỏ, mặt đỏ, cả đôi tai cũng đỏ tía lên như mào gà trống. Thằng Chía này, mấy khi nó uống rượu đâu, có việc gì thật vui nó mới uống. Hôm nay, hẳn là một ngày nó rất vui rồi, cứ nhìn cái điệu bộ của nó và đứa con gái kia khắc biết.

- Uống rượu nhiều, con gà trống thành con gà thiến đấy. Không đứa gái nào muốn theo về làm vợ đâu Chía à.

- Mẹ cứ lo nương không có nước. Con gái cả vùng Mèo Vản này muốn làm mưa rơi vào nương nhà bà Ài. - Thằng Chía vừa nói vừa tủm tỉm cười.

- Tốt quá rồi. Dẫn mẹ đi đón mưa về nương nhà ta, có được không?

- Sắp rồi, sắp rồi...

Thằng Chía toe miệng cười, để lộ cái răng khểnh mà chắc hẳn nhiều đứa con gái muốn chạm môi vào đấy. Đến đàn ông con trai còn mê cái đẹp, cái tốt bụng của nó. Chẳng thế, thi thoảng nó dẫn mấy người bạn canh rừng về nhà uống rượu, anh nào cũng trêu bà Ài nếu là gái thì nhất định xin làm con dâu mẹ Ài. Thủ trưởng cơ quan đến nhà thì bảo với bà cả vùng Mèo Vản này không thằng trai nào qua được thằng Chía. Bà Ài nghe mà mặt mày ruột gan cứ giãn ra. Thằng Chía chạy đến chỗ con ngựa đang đứng, tháo lù cở. Nó đặt lù cở trước mặt bà, lấy ra một bộ váy thật đẹp. Bộ váy không sặc sỡ như váy của bọn con gái nhưng được may, thêu, đính cườm rất cầu kì. Thằng Chía cầm chiếc váy lên, ướm vào người bà, bảo:

- Mẹ à, váy này đứa con gái bản bên chọn cho mẹ đấy?

Ướm cái váy lên người, bà Ài thấy xấu hổ như một đứa trẻ lần đầu được mẹ dẫn xuống thị trấn mua váy áo. Bà buông cái váy ra, lắc đầu:

- Già rồi, mẹ không mặc cái bộ đẹp này đâu.

Mặt thằng Chía bỗng ngắn tùn lại. Nó bảo bà:

- Váy này mẹ mặc để đón con dâu. Mẹ không mặc, là Sùng Pó Chía chưa lấy được vợ.

*

Ngủ với vợ mà vợ cứ rúm vào nên Lềnh tìm đến rượu. Càng uống rượu, thằng người càng đườn đuỗi ra. Mỗi sáng, bố chồng nhìn con trai, con dâu, rồi nhìn mẹ chồng. Mẹ chồng thì nhìn bố chồng, liếc sang con trai, rồi dừng rất lâu ở con dâu. Mẹ chồng không nói gì, chả chì chiết, không chửi câu nào. Nhưng mẹ chồng cứ nhìn, cái nhìn xát ớt vào lòng, hắt lửa vào mặt con dâu. Bát mèn mén của con dâu đắng ngắt, miếng đang ăn nghẹn tắc trong cổ. Mỗi bữa ăn chung cùng bố mẹ chồng, mặt Ài cúi gằm xuống. Bát mèn mén như mặt hồ vàng nhánh nhóa bên trên và sâu ngút trong lòng, giá mà Ài có thể nhảy vào giữa cái lòng hồ ấy, cho chìm lút đi.

Đêm xuân nồng nức hương rừng. Tiếng con hoẵng gọi bạn lúc gần lúc xa. Hoẵng à, mong cho mày gặp bạn. Ài nằm nghe tiếng hoẵng, lòng khô rỗng như ống bương góc bếp lâu ngày không dùng đến. Bao lâu rồi, Lềnh không gần vợ, chắc là Lềnh không muốn sờ vào một cơ thể rúm rẩy. Ài khẽ chạm vào lưng chồng, hít hà mùi mồ hôi thơm như mật ong. Nếu không có mùi chồng, chắc Ài chết khô vì cái mùi lờm lợm, vì vỡ giấc. Rất nhiều đêm Ài mơ thấy tiếng nổ, máu chảy đẫm những vạt rừng. Sợ quá, Ài hét toáng lên. Đêm nay, tiếng nổ ấy, màu đỏ ấy lại sắp chui vào giấc mơ của Ài.

Tiếng grừm... grừm... grừm... và mùi máu muốn đông đặc cả Ài. Ài nhổm dậy, sờ vào khẩu súng. Một luồng lạnh chạy khắp thân người. Vậy là Ài đã dám làm cái việc mà chồng và cả họ nhà chồng cho là điều cấm kị. Mỗi lúc tiếng grừm... grừm... grừm... càng thêm rõ. Ài chui ra khỏi buồng, đi về phía có tiếng động. Ài sững lại, trước mắt Ài là một con hổ con bộ lông trắng như tuyết đang liếp láp những vết máu ở chân sau. Con hổ bị nhốt trong cái lồng sắt bố chồng Ài dùng để nuôi thỏ. Bên cạnh là chiếc bẫy còn vương những giọt máu. Chiếc bẫy này Ài từng nhìn thấy bố chồng mang ra thử. Thật lạ, Ài không sợ con hổ. Nó chẳng dữ hơn con mèo đen hay con chó đốm thường quẩn quanh chân khi Ài nấu cám lợn. Ài định quay trở lại buồng nhưng con hổ gầm gừ những tiếng đau đớn. Ánh mắt nó lạ lắm, làm Ài nhìn vào đấy mà như nhìn vào mắt một đứa trẻ biết mình sắp chết. Tiếng bố chồng khù khụ ho, Ài luồn nhanh vào buồng. Nằm bên chồng, Ài vẫn nghĩ về con hổ trắng. Có điều gì đó xui khiến, Ài đứng dậy nhấc khẩu súng kíp khỏi bức vách, đặt nó nằm ở góc buồng. Ài lấy tấm váy cũ phủ lên khẩu súng... Rồi thiếp đi. Gần về sáng, Ài thấy mình là một chiếc lá được làn gió ấm nâng lên, đẩy lên bay hòa vào những đám mây muốt trắng giữa trời. Ài lâng lâng, bồng bềnh... Choàng tỉnh, lạ quá, Lềnh đang phía trên Ài. Cái nhìn của Lềnh như có hòn than rừng rực. Mùi chồng cứ làm Ài lịm đi.

*

Đã ba ngày thằng Chía bận việc cơ quan không về nhà. Mấy năm nay, con trai thường xuyên vắng nhà dài ngày vào những dịp Tết, bà Ài đã quen cái nếp làm việc ấy rồi. Vậy mà bà thấy lòng dạ phấp phỏng không yên. Chỉ còn năm ngày nữa là Tết. Bà mong thằng Chía về bổ cho bà đống củi, quét cho bà cái nhà, sửa sang lại ban thờ. Thay ba tờ giấy, dán mấy túm lông gà, vẩy ít tiết gà lên ban thờ tổ tiên để đón năm mới, ấy là việc của đàn ông con trai trong nhà. Thằng con bà tự bà sinh ra, một mẹ một con rồi nó tự khắc lớn lên, nhưng bà không thể cắt nó khỏi dòng giống tổ tiên của nó. Bà nghĩ con người ta như một dòng suối, tổ tiên là nước đầu nguồn, không nguồn không có suối, tách khỏi nguồn suối sẽ cạn, không sinh sôi mà chảy dài mãi được. Mỗi dịp Tết, sau khi đã thắp hương, thằng Chía thường cúi đầu thật lâu trước ban thờ. Bà không biết nó nghĩ gì, nói gì với những người đã khuất của dòng họ nhà nó. Bà thường không dám nhìn vào mặt con, bởi nhìn vào đấy có thể bà lại nói ra cái điều mà thằng Chía không muốn nghe.

Bà còn nhớ ngày thằng Chía học lớp 3 lớp 4 gì đấy, lão ấy cứ đứng thập thò bên ngoài nhìn thằng Chía, làm nó không thể tập trung được. Hôm nào phát hiện lão đứng bên ngoài là hôm sau thằng Chía không chịu đến lớp, năm lần như thế thì lão chịu thua nó. Một hôm, lão chặn thằng Chía ngang đường, đưa cho nó một cặp bánh dày. Thằng Chía cầm, lão đã mừng nhưng rồi nó giơ tay quăng cặp bánh vào bụi rậm, nhìn lão một cái rất lâu. Không biết ánh mắt của thằng Chía lúc ấy thế nào mà sau đó không bao giờ lão gặp nó nữa. Năm thằng Chía chuẩn bị về Thái Nguyên học ngành kiểm lâm, bà Ài nói với con: “Hay là... con sang Ngam Vài...”. Lời bà chưa trôi khỏi miệng, nó đã vùng vằng: “Mẹ muốn con sang Ngam Vài hay nghỉ học?”. Rồi nó bỏ đi với bạn, sáng sau mới chịu mò về. Bây giờ, mỗi lúc chợt nghĩ về lão ấy, rồi nhìn thằng Chía, bà Ài chỉ biết im lặng, nén tiếng thở vào trong.

Bà Ài đang thái dở cây chuối cho ngan thì bà Dơ loáy ngoáy chạy vào.

- Bà Ài à, vào đây, thằng Chía… thằng Chía... nhà bà...

- Thằng... Chía… nhà tôi nó... làm sao? - Miệng bà Ài run run, chân như không đứng lên được nữa.

Kéo được bà Ài vào trong nhà, bật cái tivi lên, bấy giờ bà Dơ mới bảo:

- Thằng con bà nó trên tivi đây này!

Màn hình tivi vụt sáng. Thằng Chía đang cùng hai chú gác rừng, mấy anh công an, lại có hai người Tây, một đàn ông một đàn bà đứng xung quanh ba cái lồng nhốt hai con hổ vằn và một con hổ lớn trắng. Sao thằng Chía lại bị băng ở cánh tay thế kia? Nó bị thương mất rồi, như có ai vừa xát muối vào ruột gan bà Ài, mắt bà rơm rớm. Bà vẫn cố nhìn, cố nghe. Người ta bảo, những con hổ quý hiếm này vừa được kiểm lâm và công an giải cứu. Họ sẽ bàn giao cho trung tâm cứu hộ động vật hoang dã ở Thèn Phài, hai người Tây này làm ở trung tâm ấy. Vài phút sau, đứa con gái hôm trước đứng bên ngoài cổng nhà bà nói với hai người Tây bằng cái tiếng gì lạ tai lắm, rồi nó cầm sổ sách ghi ghi chép chép gì đấy.

Đêm ấy, bà Ài thức trắng. Thi thoảng, bà giật mình, lúc nghe rõ tiếng vó ngựa của thằng Chía, lúc lại như thấy bóng con hổ trắng chờn vờn dưới gốc đào cổ thụ, tiếng gầm rất khẽ của nó lẫn trong gió xuân nghe buồn lắm.

*

Con hổ trắng bị nhốt trong lồng thỏ đã mươi ngày, nó không chịu ăn những thứ chồng và bố chồng Ài đưa vào. Bộ lông của nó xác xụi, bết bệt. Nó không ngừng gầm gào và nhìn người với cặp mắt vừa cầu cứu vừa hằn học. Bố chồng bảo con hổ được nuôi nhốt đến giữa năm sau. Người họ Sùng sẽ giết nó để cúng ông tổ. Mỗi đêm, trước khi vào buồng với chồng, Ài thường ra nhìn con hổ trắng một lần. Có khi Ài lén lấy một miếng thịt mang cho nó. Nó nhỏn nhoẳn nhai miếng thịt, xong rồi nhúc nhắc cái đầu như cảm ơn Ài. Đêm ấy, sương xuống dày, Ài thấy hổ trắng nằm dán bụng xuống sàn. Hai con mắt nó ánh trăng lồng vào trong veo. Nó khe khẽ rên. Miếng thịt Ài đưa vào nó không đụng đến. Hổ trắng sẽ chết mất, nếu nó không được ra khỏi cái lồng chật chội này. Chỉ nghĩ được vậy, Ài mở cửa lồng, con hổ mở to mắt nhìn người. Ài vẫy tay, nó mới vươn mình bước ra. Nó cọ cọ má vào tay Ài, phục dưới chân Ài một lúc, rồi lẫn vào trong sương đêm.

Vào buồng, chồng đã ngủ. Ài lại nhấc khẩu súng kíp xuống, lấy váy cũ trùm lên. Giữa đêm, Ài cùng chồng bước ra khỏi căn buồng lành lạnh, tối đen. Ài chạy trước, Lềnh chạy sau, tiếng cười của hai vợ chồng ngân loang khắp đồi cỏ xanh rì. Chớp mắt, Lềnh đã ôm gọn được vợ. Lềnh đan vào Ài, cỏ đan vào hai vợ chồng. Như đôi trăn xoắn bện, Lềnh và Ài lăn tròn trên cỏ. Những vòng lăn mải miết, dệt nên những vạt tam giác mạch bừng nở chạy mãi trên đồi. Từng đụn sương dày bất ngờ tràn lên đồi tam giác mạch, Ài hoảng hốt không thấy Lềnh bên cạnh mình nữa. Một con hổ trắng từ đâu chạy đến cõng Ài trên lưng. Nó lao nhanh như một mũi tên trắng. Ài được con hổ đặt xuống một tảng đá xanh giữa rừng đào. Con hổ cười hiền, há miệng nhả ra một viên ngọc màu hoa đào rồi quay đi. Ài cầm viên ngọc lên. Viên ngọc tan dần vào trong người Ài.

Tiếng rít sắc lạnh của chồng làm Ài tỉnh giấc. Mắt Lềnh lồi ra khi thấy chiếc váy của Ài trùm lên khẩu súng truyền đời của họ Sùng. Bên ngoài, tiếng bố chồng, mẹ chồng rú lên. Tiếng gậy gỗ đập chan chát vào chiếc lồng. Ài đã ngủ quên, không dậy trước chồng. Ài cũng đã không biết xóa dấu giày của Ài bên lồng thỏ. Và Ài đã phải nhận lấy sấm sét từ nhà chồng.

Ài không nhớ hôm ấy mình đã bị đuổi đi như thế nào. Chỉ biết không còn khóc được nữa, Ài nhặt chiếc váy rách cuối cùng mẹ chồng ném ra ngoài cổng. Ài cố lết đến mà nhặt lấy, vì nghĩ rằng mấy tháng nữa sẽ cần đến.

Sau này, nhà chồng lần lượt rước mấy đứa con gái về cho Lềnh. Nhưng chả đứa con gái nào ở được trong căn nhà ấy. Ài không biết họ đã sống những ngày tháng với Lềnh, với bố mẹ chồng cũ như thế nào, chỉ biết rằng người đàn bà cuối cùng bỏ đi sau một đám cháy. Căn nhà họ Sùng một đêm kia lửa bùng lên, người chạy kịp, nhưng khẩu súng kíp bị thiêu rụi. Người đàn bà ấy nhìn ngọn lửa, cười khành khạch như bị ma lợn lòi nhập. Sau đêm ấy, không ai nhìn thấy con dâu nhà họ Sùng nữa.

Đôi khi đang làm một việc gì đấy, Ài chợt thần người ra. Ài có tiếc xót những ngày chồng vợ không? Đến con chim trên rừng còn có đôi, con cá bơi dưới suối còn có cặp, Ài luôn nhớ Ài là đàn bà... Nếu làm lại một điều gì đó, thì Ài sẽ làm gì? Ài chả biết nữa, chắc vẫn là những gì đã làm, như những ngày đã qua, không khác được.

*

Hai mươi chín Tết, thằng Chía tất bật đi từ sớm, dặn mẹ cứ dọn dẹp trước, chiều nó về. Vừa quét dọn nhà, bà Ài vừa lẩm nhẩm lời bài dân ca ngày trước mẹ từng hát cho bà nghe: Mùa xuân dây leo mọc/ Dây leo mọc không có lối vươn/ Lách vươn ra hốc cây/ Ta bảo mình theo ta tâm tình, mình không nói/ Mình ơi, con đường trẻ không lâu/ Con đường già mau tới/ Đời người như bóng râm từ từ ngả bên núi… Mỗi một lời, cho bà quay lại một quãng đời đã qua. Nước mắt bà tự dưng ứa ra. Đã bao năm bà không có mùa xuân thực sự, mùa xuân của cuộc đời bà cũng đã xa lắm rồi. Bà biết chứ, lão ấy chả sung sướng gì, tuổi già không vợ không con, lầm lũi như con ngựa già lạc đàn. Ngày trước, khi thằng Chía đi học xa, những đêm trăng, bà biết người hay đứng dưới gốc sa mộc nhìn xuống nhà bà là ai. Bà còn biết năm trước họ hàng nhà lão đưa lão xuống bệnh viện dưới thành phố để người ta giữ lão ấy lại, trong lúc lão đang trên đường về với tổ tiên. Lần ấy, bà cũng đã định bụng nói với thằng Chía, nhưng rồi lại sợ con.

Quét hết nhà, bà Ài lau dọn hòm, tủ cho thằng Chía. Sờ đến món đồ cũ của con, bà ngắm nghía từng cái giấy khen, từng bức ảnh thằng Chía chụp riêng và chụp chung với bạn bè. Càng nhìn bà càng thấy thằng Chía với lão ấy giống nhau như hai cái quả, quả mùa trước và quả mùa sau. Tay bà bỗng run run khi cầm vào một tập giấy. Những tờ giấy của bệnh viện ghi rõ tên một người: Sùng Chá Lềnh...

*

Con Máy ào vào nhà, đây là lần thứ ba nó đến với bà Ài. Nó tự nhiên như cơn mưa đổ vào mảnh nương mùa gieo hạt. Con Máy lí lắc cười, làm căn nhà sáng bừng lên. Giọng con Máy trong như tiếng hót chim họa mi trên núi. Nó bảo Tết này sẽ dẫn bà đi gặp một người giúp trung tâm nó cứu được loài hổ trắng quý hiếm. Cùng lúc, thằng Chía về, đặt vào tay bà chiếc váy hôm trước bà chối đây đẩy. Thằng Chía nắm tay bà, hỏi bà mà lại nói chắc như đinh đóng vào cột: “Mẹ à, năm nay cả nhà ta sẽ ăn Tết ở Ngam Vài, được không mẹ?”. Lòng bà Ài nghẹn lại, thằng Chía của bà đã thật là cái cây cao lớn rồi.

Bà Ài nhìn thằng Chía, nhìn con Máy, rồi nhìn về phía Ngam Vài. Phía ấy, có tiếng nhạc ngựa nghe rộn rạo. Giữa nền trời xanh ngắt, từng đám mây như đàn hổ trắng lướt bay xuống rừng đào đang bung phun sắc đỏ.

VN8/2022

Họa sĩ René Magritte gia nhập "Câu lạc bộ 100 triệu đô la"

Họa sĩ René Magritte gia nhập "Câu lạc bộ 100 triệu đô la"

Baovannghe.vn - Bức tranh "L'empire des lumières - Đế chế ánh sáng" của René Magritte vừa được bán đấu giá với mức kỷ lục 121,2 triệu USD, đưa ông trở thành một trong số ít các nghệ sĩ gia nhập "Câu lạc bộ 100 triệu đô la." Tác phẩm siêu thực này không chỉ phá vỡ kỷ lục đấu giá cho các tác phẩm của Magritte mà còn phản ánh xu hướng mới trong thị trường nghệ thuật đương đại.
Bản tin Văn nghệ: Kỷ niệm 10 năm Dân ca ví, giặm được UNESCO vinh danh

Bản tin Văn nghệ: Kỷ niệm 10 năm Dân ca ví, giặm được UNESCO vinh danh

Baovannghe.vn - Festival "Đôi bờ ví, giặm - kết nối tinh hoa di sản", dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được tổ chức từ ngày 27-30/11 tại Hà Tĩnh
Hoạt động văn hóa nghệ thuật đón chào năm mới 2025

Hoạt động văn hóa nghệ thuật đón chào năm mới 2025

Baovannghe.vn - Thành ủy Hà Nội vừa ký ban hành Kế hoạch số 276-KH/TU về lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức các hoạt động Tết Dương lịch 2025 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ của thành phố Hà Nội
Giọng nói khác

Giọng nói khác

Baovannghe.vn - Như nhiều người đã nói, giờ đây, chúng ta đang chứng kiến một sự thay đổi lớn lao. Chúng ta băn khoăn không biết mình đang trải nghiệm sự cuối kết của tính hiện đại hay là sự đổi mới của nó. Chức năng của thơ ở thời điểm này sẽ là gì?
Ru mẹ - Thơ Đỗ Thành Đồng

Ru mẹ - Thơ Đỗ Thành Đồng

Baovanngfhe.vn- Con ru mẹ ngủ đêm nay/ tre cong nhạc lẩy trăng gầy võng đưa