1.
Tôi giật thót, vội phi ra từ thành phố phương Nam khi nghe tin ông Hạnh mất. Sáng lờ nhờ màu khói xe, từ cổng đến sân nhà tang lễ đều dày đặc người.
Khách nghìn nghịt đông. Người chen với hoa vòng hoa lẵng ngột ngạt mùi. Hoa nhiều quá. Hoa rực rỡ khoe sắc. Lễ viếng đám trước chưa xong thì hoa đám ông Hạnh đã đầy sân, dựa vào những bức tường, chân cột. Tôi lách đến chỗ vài đồng nghiệp nhốn nháo đứng ở góc sân, trong đó có một cô đồng nghiệp vừa bị nhắc khéo vì váy ngắn. Mấy vị khách đám trước lóe xóe cười đùa khi lễ truy điệu còn một phút nữa bắt đầu. Bọn chờ đám ông Hạnh đứng quây, lởn nhởn chuyện trò như dự hội. Tôi lùn đi vì đám đó lênh khênh cao. Bọn viếng đám ma trước túa ra về. Có kẻ nhẹ lòng thở hắt. Nhóm đồng nghiệp ở nhà hát kịch liên tục vung tay chém gió về mấy vở diễn dở dang nhiều người xì xào. Tích đầu trọc có bộ râu lún phún hài hước, mắt trắng, môi dày châm thuốc hút. Ở nhà hát, hắn và ông Hạnh luôn đóng vai phụ hoặc lính tốt. Thủy - cô diễn viên bù bụ, ngọt nước mặc hở bạo xoe xoét cười. Bất ngờ có ánh mắt cáu kỉnh nhìn lại thì cô đỏ mặt lấy tay che miệng. Tôi nói nhẹ vì phận sự của tôi đến đây tiễn ông Hạnh, một người đằng đẵng vừa là đồng hương, bạn học rồi đồng nghiệp của tôi.
Lúc đã mỏi chân, tôi gặp người đàn ông bụng phệ đeo kính râm. Ông là một cốp to của thành phố. Cặp mắt kính làm vầng tối nơi mặt ông rộng hơn. Tôi biết ông là ai và đám xun xoe cấp dưới vây quanh ông chắc chắn là khách của đám ma trước. Trong đoàn tôi có một người tiến đến bắt tay. Ông đeo kính râm hờ hững chìa tay, cười nhạt rồi quay lại với đám cấp dưới chắc cũng lâu nhâu quan chức. Phải thôi. Người đang sắp được đưa đi hỏa thiêu kia là kẻ thế lực và đám con cái thật sự phương trưởng giàu có. Ông ta từng làm nhiều chức vụ quan trọng, còn có bằng tiến sĩ. Thế thì hơn đứt ông Hạnh. Ông Hạnh chỉ là một diễn viên quèn, nhí nhố học được vài ba chiêu luồn cúi, mới ngo ngoe lên được chức phó giám đốc sở. Thế rồi... đứt!
Minh họa Đặng Tiến |
Hình như vị quan to liếc sang tôi. Tôi dửng dưng cười khẩy, khoanh tay rung nhẹ người. Linh cữu ông chức to bắt đầu được di chuyển ra xe chở quan. Khách đông, hẳn ông chóng siêu thoát. Đám ông Hạnh phải chờ chuẩn bị. Ông bụng phệ đeo kính râm đã chuồn. Hẳn người chết quan trọng với ông lắm. Khi sân nhà tang lễ bớt lộn xộn cũng là lúc tôi hơi đau bụng. Chắc do khói hương từ bên trong tràn ra. Anh em nhà hát đứng góc sân chém thêm chuyện giời biển. Mấy em gái nhòe nhoẹt phấn son rơm rớm đăm chiêu. Mỗi người chết đi, có bao nhiêu người khóc thương, đưa tiễn? Khi còn sống, làm sao người ta có thể trả lời được. Không một ai làm được điều đó.
2.
Ùa vào tâm trí tôi là chuỗi lộn xộn hình ảnh về Hạnh. Từ nhỏ Hạnh luôn trong nhóm học dốt nhất lớp. Bọn học dốt thường nhiều tài lẻ và láu cá. Đầu học kỳ hai, năm lớp mười tôi đột ngột thấy gã đạt nhiều điểm cao. Bọn trong lớp xì xào bàn. Thằng đó học tiến bộ thật. Tôi không tin. Tính đa nghi quấn riết tôi từ hồi nào chẳng rõ. Tôi truy ra, thầy dạy vật lý sờ vú con bé lớp phó học tập, mặt thơ ngây xinh và cái Bích lớp A2. Hạnh nhìn thấy nên đòi thầy phải cho điểm cao để đổi lấy sự im lặng. Hạnh còn nhìn thấy thầy Tình “trẻ trâu” ướt át dạy văn hay đặt tay lên vai con bé ở tổ một và mơ màng nhìn trộm cái Ngân chân dài ở tổ hai. Thầy Tình không thể thoát chiêu dùng điểm đổi lấy sự im lặng. Không biết gã còn nhìn thấy ai sàm sỡ bọn con gái nữa. Gã được thể lu loa từng nhìn thấy nhiều bạn gái tè bậy ở góc ruộng hoặc lề đường lúc đi học về, mông hêu hếu trắng. Năm lớp mười một thì Hạnh đòi sờ vú con bé lớp phó vì nó được coi là hoa khôi của trường. Ghê chưa! Hạnh thuộc “những phường ti hí mắt lươn”. Gã làm chuyện đó ở cầu thang trường. Con bé lớp phó không dám kêu la vì sợ Hạnh khai ra chuyện bị nhiều thầy động chạm. Hết năm lớp mười một thì con bé không chịu được. Gia đình nó ba máu sáu cơn làm ầm lên. Hạnh chỉ dám khai ra thầy dạy văn và tất nhiên thầy bị kỷ luật. Hạnh bị hạnh kiểm kém. Gã nhăn nhở cười, mắt nhắm tịt lại. Năm lớp mười hai nhân dịp trường tổ chức văn nghệ dịp hai sáu tháng ba, tôi nghĩ ra một vở hài kịch ngắn, mời Hạnh đóng một vai. Cái mũi to và mái tóc rối của Hạnh gây cười, hợp vai này. Tiết mục đoạt giải nhì trường. Từ đó tôi biết mình có thể làm diễn viên. Năm “tám mốt”, hệ thống giáo dục chuyển từ hệ mười năm sang hệ mười hai năm. Đến khóa của tôi thì thực hiện được hai năm. Tôi rủng rỉnh thuyết phục gia đình cho thi diễn viên. Hạnh lót nhót đòi theo và cả hai đỗ rồi học cùng lớp. Cái gã mặt dày! Gã bám tôi hơn cả đỉa, chẳng cách nào gỡ. Tôi xì xoạt cho đó là duyên số, không thoát được nhau thì chấp nhận, nên đã chia sẻ với gã nhiều điều. Gã vẫn giữ khả năng lười học nhưng luôn ứng biến nhanh bằng cái miệng dẻo có chiếc mũi to và cặp mắt ti hí phụ họa. Tôi cày cục hết lo học lại lo công việc của sinh viên trường.
- Đến giờ phát tang ông Hạnh rồi, anh Nghệ!
Tiếng của Tình kéo tôi về thực tại. Bọn tôi tiến vào trong. Bức di ảnh của ông Hạnh đã được chỉnh, mắt to hơn một chút, đang nhìn tôi.
Hạnh vẫn khiến tôi và hẳn nhiều người ngỡ ngàng. Ông này quan hệ rộng đến thế ư? Họ mạc của ông thì tôi lạ gì, đâu có quá lớn. Vậy vì tầm ảnh hưởng? Cũng không. Trước khi chết ông chỉ là phó giám đốc. Một phó giám đốc sở, không là một quan chức cỡ bự. Vậy mà người đến đưa tiễn chật như nêm.
Thủy, cô diễn viên ngọt nước trước đây từng không ưa cái tính hay bốc bải của Hạnh bảo tôi đứng dịch lên phía trên một chút. Âu chúng tôi cũng từng vượt bao đoạn trường ở nhà hát trong cuồn cuộn mù mịt thị trường. Người đến viếng nhễ nhại lắm nghệ sĩ các đoàn kịch, đoàn chèo, nhà hát. Tôi nói nhẹ với Thủy, mình đang bị dị ứng khói hương. Thủy đưa tôi một cái quạt giấy nhưng tôi không cầm. Tích, Anh, Ánh, Ngạnh... lễ mễ mồ hôi. Tôi liếc sang bên trái, lại thấy cái bụng của vị quan to thành phố. Ông Điều quay lại làm gì? Mối quan hệ của ông với Hạnh là gì? Tôi nhớ một lần đến cơ quan Hạnh, có nghe nói về vị quan chức này với tất cả sự kính sợ. Bây giờ ông ta đứng đây, chung quanh có cận vệ, mắt đăm đăm. Ông quan chức không tháo xuống cặp kính râm, đưa điếu xì gà cho tên cận vệ đút lại vào ống, rồi cất túi.
Khách ùa ra sân. Nhân viên nhà tang lễ đọc phiếu đăng ký từng đoàn viếng. Đầu tiên là gia quyến. Khách húng hẩy chen lấn để vào viếng trước. Một vài người lên ghé tai nhỏ vào mấy người phụ trách xếp thứ tự và đọc. Bây giờ tôi thấy ông Điều đứng ở đằng xa, góc sân bên trái nhà tang lễ hút xì gà. Khói cuộn ma quái như bọn lưu manh lắm mưu ma chước quỷ. Sự oai vệ của ông tăng thêm vì bên cạnh có một em chân hơi bị dài váy hơi bị ngắn, tóc óng ánh vàng suôn mượt. Anh em nhà hát cắt cử người ở lại để đưa người quá cố đi đài hóa thân hoàn vũ, sau khi đã viếng xong. Tôi xung phong ở lại. Dù sao ông Hạnh cũng có suýt hai mươi năm làm việc ở nhà hát. Lúc nãy gặp vợ ông Hạnh cũng đã có lời. “Bác đưa nhà em về đài hóa thân hoàn vũ. Em gửi ở đó, rồi đón nhà em về quê sau.” Tôi chạnh nghĩ: Vợ con ông Hạnh vẫn ở “trên này” mà. Mà có lẽ, về quê sẽ tốt hơn cho ông ấy.
3.
Đó là năm lộn xộn chưa từng thấy. Hạnh được đề xuất lên phó đoàn biểu diễn I. Nhà hát có ba đoàn biểu diễn thì tôi được anh em nói là chuyên môn vững nhất, nhưng tôi không được chọn. Đám nhân viên thắc mắc về trình độ chuyên môn của Hạnh với giám đốc nhà hát. Rằng anh ta chuyên môn yếu, hay xí xớn với chị em, chém gió thành thần... cớ sao được cất nhắc, còn những người có chuyên môn thì bị làm ngơ. Tất cả điều bất lợi, những điểm yếu cố hữu, đến nỗi trở thành món đặc sản của Hạnh đều được tung ra. Sau nhiều cuộc họp, phiên họp đầu tháng đó, ông giám đốc vẫn biết cách làm nhẹ đi cơn bão:
- Trước thời buổi sân khấu truyền thống bị cho là mất giá, chúng ta cần người có quan hệ, có thể “nuôi” được anh em. Hạnh tiềm tàng làm được điều đó nên ban giám đốc cất nhắc anh ta.
Mọi người nhốn nháo. Nuôi thế nào được? Nuôi làm sao được? Người ta đánh giá, rằng nhà hát này hết người rồi hay sao. Không được, không được.
Ông giám đốc lại đứng lên, giọng khoan hòa, cứng cáp, thuyết phục:
- Tôi phân tích thế này để mọi người hiểu và ủng hộ nhé. Chúng ta ai cũng vì sự phát triển của nhà hát cả. Nhưng để phát triển được thì ngoài chuyên môn, phải có tiềm lực về kinh tế, về quan hệ. Chúng ta cần những chính sách đặc thù, mà nó được ban ra từ “bên trên”. Các anh chị có hiểu không? Chúng ta phải sống, tồn tại. Mà thời bây giờ, chỉ chuyên môn giỏi, hát hay thì cũng bị cho ra rìa.
Mọi người nhìn nhau, im phắc, trừ những cánh quạt trần rối rít quay. Rồi một người khác đứng lên vớt vát:
- Thì chúng ta mới chỉ thấy tiềm năng ở anh ta thôi. Mỗi đơn vị nghệ thuật, chuyên môn phải quan trọng nhất. Có chuyên môn, tài năng vẫn có thể kéo khán giả đến với sân khấu.
Ông giám đốc ngả bài:
- Vậy tôi giao chức phó đoàn I vào tay anh đấy, hay bất cứ anh nào muốn, xem các anh có làm tốt không, có bảo đảm kéo khán giả đến với sân khấu hay không. Tôi biết, một số người bức xúc, cho rằng anh nọ anh kia chuyên môn vững mà chưa được lên phó đoàn. Thì hẵng cứ từ từ. Có tài năng, hãy cứ cống hiến đi.
Không ai dám nói thêm. Với tôi, ai làm phó đoàn cũng chẳng quan trọng. Hạnh hay tôi, hay ai khác, mỗi người đều là một thế giới của mình. Tôi có những khát vọng lớn hơn lãnh đạo, vượt tầm các ông ấy. Tôi cần chó gì chức phó đoàn. Đến một ngày mọi người ngã bổ chửng vì giám đốc nói vậy không phải vậy. Hóa ra giám đốc dùng vị trí phó đoàn để bịt miệng Hạnh. Hạnh biết được mối quan hệ xằng bậy giữa ông ta và cô Trinh, cô Lệ, sau đó cả cô Thủy. Chính Thủy là người dám quay về đường sáng tố ra bi kịch này. Cô tố cả chuyện phó giám đốc từng ngoài luồng với cô Trinh. Ông phó giám đốc còn là tác giả cái bụng bầu, chứ đó không phải sản phẩm giữa Trinh và cậu chồng hiện tại. Tệ thật. Chả còn thể thống gì. Năm đó, cấp trên về chỉnh đốn, buộc mọi người dừng lại trò mèo mả gà đồng, ổn định tinh thần anh em. Tôi chẳng hề hấn gì, nhưng năm đó đến gần chục người bị ảnh hưởng thi đua. Cũng may Hạnh có chút bản lĩnh. Gã chạy được một vài mối giúp nhà hát có thêm dự án hoạt động, dựng vở, xóa nhòa được án kỷ luật của mình năm đó. Nhưng anh em nhà hát vẫn không phục Hạnh.
Đời là một vở kịch trọn gói mà ta không thể mua riêng từng thứ. Nó tiếp diễn với mức độ ngày càng gay cấn. Ta buộc phải ngấu nghiến, tiêu hóa tất cả. Không tiêu hóa được, ta sẽ lâm trọng bệnh, hoặc tiêu đời. Bằng cách nào đó, Hạnh biết rất nhiều bí mật của các lãnh đạo, cả các đơn vị khác, những tiêu cực trong hội diễn, liên hoan, thậm chí ngoài ngành, liên ngành. Hạnh phất lên nhờ cách “ngậm miệng ăn chức”, “ngậm miệng ăn bằng khen” và ắt hẳn kiếm được cả tiền bạc. Tôi khác. Tôi đôn đáo vất vả đốt lửa vì nghề. Tôi không thể làm như Hạnh. Như vụ tham ô vặt của giám đốc và một vài bậu xậu cánh hẩu. Tuy không thư từ lộn xộn tố ra công an, nhưng trong cuộc họp, tôi đưa ra. Nhiều lần Hạnh ngăn cản tôi, im đi để tránh thiệt thân. Nhưng không góp ý cho cái sai, tôi cảm giác thiệt hơn. Bao giờ Hạnh cũng đứng lên cãi thay, khóc thuê cho giám đốc. Thành ra tôi và Hạnh có những hục hặc. Hạnh nổi tiếng vì dám đứng lên bênh vực giám đốc. Giám đốc quyền uy ngất trời, không ai đấu lại. Tôi thân cô thế cô, lời nói không có người tiền hô hậu ủng, dễ rơi chìm dưới vực sâu. Hạnh đi hết thành công này đến thành công khác bằng cách ngậm miệng trước xảo trá, gian dối. Rồi một ngày ít ai ngờ, Hạnh được bổ nhiệm chức phó giám đốc. Hạnh xa tôi từ đó...
4.
Tôi giật mình vì ai đó gọi. Giám đốc nhà hát đến sau dẫn đầu đoàn viếng. Không khí vẫn ngột ngạt phát khiếp. Trên di ảnh, ông Hạnh nhìn tôi. Vợ con ông đứng xếp hàng đáp lễ trong đau khổ. Giám đốc đại diện viết sổ tang, ông cố nắn nót lắm nhưng mỗi nét vẫn nguệch ngoạc.
Cánh nhà hát ra đứng ngoài. Một số người về, tôi và Tích ở lại. Chúng tôi sẽ đưa ông Hạnh đi đến nơi về đến chốn.
Vị quan to thành phố vẫn hấp dẫn người khác bằng quả bụng phệ. Mũi ông hình như có to hơn và cặp kính râm nhễ nhại trên khuôn mặt với một vùng tối tương đối rộng. Có tiếng xì xào rằng đám của ông Hạnh sẽ dài thêm gần một tiếng đồng hồ vì khách đông ngoài dự kiến. Nghe đọc trên loa thì thấy có những đoàn viếng chẳng liên đới. Ngành hóa chất, ngành dầu khí thì liên quan gì đến người chết. Những cơ quan tận đẩu tận đâu liên quan gì đến một ông phó giám đốc sở ở thành phố này. Họ có mối quan hệ thế nào. Tất cả là một dấu hỏi lớn.
Tích chỉ trỏ ra phía mấy người phụ nữ cố ăn mặc sang trọng. Tôi nhìn theo. Họ đứng đăm chiêu mắt rơm rớm. Họ vừa giống diễn viên vừa không giống. Có phải họ là vài trong số những thiếu phụ ông Hạnh từng gạ gẫm, đổi chác để có những bí mật không bao giờ được phơi ra ánh sáng?
Con gái tôi đến muộn nên nó đi ghép vào một đoàn nào đó cho xong thủ tục. Nó là đứa có tình. Sáu năm qua dứt khoát nó chỉ được hưởng trợ cấp cho một cộng tác viên chứ chưa được ký hợp đồng. Tôi bảo nó: “Hai triệu mỗi tháng, diễn vở nào nhận phụ cấp vở đó sẽ làm con khổ mãi.” Nó bảo: “Con chịu khổ nhưng lại được no thỏa trên sân khấu.” Tôi biết nó chi tiêu tiết kiệm, song nếu không nhờ vợ tôi cò kéo được thì cả gia đình đói mốc mồm. Cũng phải nể cô con gái. Đến thời buổi này vẫn nắn nót từng chút, bảo vệ giọng hát của mình như ngọc ngà châu báu. Chính nó giục tôi viết một vở kịch nào đó để “bố Hạnh” tham gia, nhằm hàn gắn tình cảm bạn bè. Cũng phải. Tôi chưa bao giờ hết thương Hạnh. Tôi viết vở Cái chết của vua câm, lấy một tích nước ngoài, mời Hạnh sắm vai. Hạnh đóng vai một ông vua nhỏ bé, lên tố với thượng đế những kế hoạch hèn mọn của mấy vị vua dưới trần thế. Ông cũng tố bọn gian thần trong triều lộng quyền, chèn ép một vị vua lành hiền vì dân vì nước. Bọn gian thần biết được kế hoạch, đêm trước khi vua đi gặp thượng đế, đã lên kế hoạch đánh úp. Vua trở tay không kịp. Ông bị chúng cắt lưỡi. Thượng đế chưa kịp xử tội bọn gian thần và mấy vị vua gian ác thì vị vua nhỏ bé đã bị mất lưỡi, bị chặn dọc đường. Ông bị treo cổ cho đến chết.
Cái chết của vua câm là vở duy nhất Hạnh đóng vua, tôi nhập vai một gian thần mắt đảo như rang lạc. Đó cũng là vở gây tiếng vang, giúp Hạnh được cộng điểm để điều chuyển sang sở của thành phố.
5.
Một tháng sau đám tang, thằng Đại con cả của ông Hạnh gọi điện cho tôi, hấp hởi nói có việc gấp. Tôi nóng lòng chờ Đại phi xe đến. Nó ngồi ở nhà tôi, run lập cập, trình bày chuyện cái chết của bố mình.
- Chắc chắn bố cháu bị thủ tiêu rồi chú ạ. Họ cho uống thuốc độc, chết từ từ. Chứ bố cháu khỏe mạnh, không đang tự dưng ốm ít ngày rồi mất được.
Đại kể, cháu đến sở thu dọn đồ của bố thì phát hiện ra căn phòng gắn mấy cái camera theo dõi kín. Nó được kết nối với máy tính của bố. Rồi khi kiểm tra điện thoại cá nhân, máy xách tay ở nhà, cháu cũng tìm ra con rệp lạ được thả vào hòng theo dõi. Nhưng chú ơi, bố cháu là người thông minh. Ông không lưu nhiều hồ sơ vào máy tính. Những thông tin, bí mật quan trọng bố cháu để trong những cái két nhỏ nhưng bí mật ở nhà, ở gầm giường...
Hạnh đi rồi vẫn để lại hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Tâm hồn và trí não Hạnh cứ như một vùng núi mù sương, bồng bềnh bao phủ bởi mộng mị, và nơi đó chứa đầy bí mật. Mỗi lớp sương là một bí mật. Toàn những chuyện động trời, những điều có thể ảnh hưởng đến kẻ to đầu lớn mật. Thằng Đại con trai ông Hạnh là kỹ sư công nghệ. Trước khi chết, ông đã kịp dùng những biểu tượng ngầm để dẫn con đến một cái két bí mật. Cái két đó lại để sẵn những đoạn mã dẫn ra các bí mật khác. Bây giờ Đại ngồi đây trước tôi, muốn trao bộ hồ sơ khổng lồ cho tôi mà chắc nó đã đọc qua.
Tranh của họa sĩ Trần Hồng Đức |
Tôi run lập cập, như thể mình sắp mở ra một vùng chết, một địa ngục, mà ngọn lửa có thể liếm vào tay, có thể xổng ra những con ác thú. Nhưng sự hồi hộp, thúc bách từ trong đáy sâu tâm khảm đã khiến tôi phải lật ra. Tôi bắt gặp những thông tin về gã quan chức chóp bu hôm đó với cái bụng phệ, đeo kính râm trong nhà tang lễ. Là Điều. Lật giở, từ Điều, thông tin liên đới nhiều quan chức khác, nhiều cấp cao hơn cả Điều. Điều chỉ là một mắt xích trong tầng lớp cấp bậc của vùng tăm tối. Chao ơi, sao Hạnh có thể thu thập được những bí mật này, với chứng cứ rành rành? Sao bí mật cứ tìm đến Hạnh, để được kìm giữ, như thể Hạnh đã được trao một chiếc chìa có thể mở ra gian phòng sự thật. Tôi gấp lại đống hồ sơ và nghe lời trần tình của Đại. Nó bảo:
- Bố cháu như có một dự cảm trước cái chết. Vì thế, bố cháu đã sang tên những ngôi nhà cho mẹ, cho cháu và các anh em cháu. Bố cháu chẳng sở hữu gì cả. Từ khi chuyển công tác, nhất là năm cuối đời, bố cháu thường ít ngủ, hay giật mình, nói mê. Ông cũng luôn bần thần, lo lắng.
Tôi dự cảm một điều, nên hỏi:
- Thế có những người phụ nữ?
Không để tôi hỏi hết câu, Đại hiểu và nói:
- Những người phụ nữ bên ngoài chứ gì ạ? Bố cháu có. Sau đám bố cháu, có hai người mang con đến nhà cháu. Họ đã không đưa đến trong đám tang, hoặc có thể đã đưa đến mà cháu không biết.
- Thế mẹ và các cháu xử lý ra sao?
- Dạ, nhận hết ạ. Nhưng cháu tỉnh táo lắm. Cháu phải đi xét nghiệm ADN để xác định. Và điều đó được làm nhanh chóng. Cháu đã nhận các em. Âu đó cũng là cái lộc, tốt lắm, chú ạ.
Tôi không dám nhận cất giữ đống hồ sơ mở ra những bí mật động trời với cả đường dây tham nhũng. Đại mang về cất trong két bí mật. Nó bảo tôi, bất kể lúc nào cần khui ra, nó sẽ đưa. Tôi thấp cổ bé họng. Tôi chỉ là một diễn viên, một nghệ sĩ. Có muốn làm điều gì lớn lao trước cái xấu, cũng đành lực bất tòng tâm.
Còn Hạnh, xuất phát điểm như tôi, nhưng khối tài sản kếch xù khó ai bì kịp. Tiếng tăm ông cũng nổi. Đám ma ông đông hơn nhiều quan chức. Ông dũng cảm thu thập tội lỗi của những con ngáo ộp. Bằng cách thần kỳ nào ông chiếm được cả kho bí mật đó. Giờ chỉ cần ai đó đủ dũng khí để đốt lên ngọn lửa. Ai là người có thể đứng lên?
6.
Thằng Đại nhiều lần gọi tôi. Nhưng tôi không biết bắt đầu từ đâu cả. Tôi bỗng chốc như kẻ bị rút mất lưỡi, không nói được, chỉ còn biết động viên để Đại làm. Nó muốn cái chết bố mình không trôi vào vô nghĩa. Trước khi hành động, Đại đã bị một nhóm đối tượng uy hiếp, đòi nó phải trao hồ sơ, và câm lặng, nếu không toàn bộ gia đình sẽ bị thủ tiêu. Đại chao đảo, khiếp sợ. Phải làm gì bây giờ? Đại tìm cách sao chép, chụp lại chứng cứ để đưa vào mã hóa. Khi nó định làm thì nhà bị bao vây bởi một nhóm xã hội đen. Bọn này ép nó phải nôn ra toàn bộ hồ sơ, nộp tất cả các máy tính, điện thoại. Lúc Đại rơi vào hoảng loạn thì bất ngờ nó được gỡ. Ngay hôm đó, hàng trăm công an vây kín nhà, vòng trong vòng ngoài khống chế. Nhóm xã hội đen phải tra tay vào còng số 8. Tài liệu đến tay bên điều tra, trọn vẹn. Hóa ra, cơ quan điều tra đã có thông tin về đường dây của Điều từ lâu. Nhưng hồ sơ mà Đại đang có là căn cứ quyết định, mở ra những góc khuất khác, củng cố thông tin về các mắt xích trong đại án. Điều bị tóm. Đường dây của gã lung lay. Thông tin về gã và một loạt cộm cán đầy trên mặt báo. Trong khi cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ mọi chuyện, Đại sang tôi. Nó nói:
- Cháu nghi Điều là kẻ gây ra cái chết của bố cháu. Bây giờ người ta có nhiều cách làm cho nhau chết từ từ. Hôm đám tang, hắn ở từ đầu đến cuối, kể cả lúc đưa bố cháu ra đài hóa thân hoàn vũ. Một quan chức như hắn thì cần gì phải lễ nghĩa với bố cháu như thế. Cháu nghĩ, hắn cốt xem có biểu hiện gì bất lợi cho hắn trong đám tang không. Cũng có thể hắn muốn nghe ngóng.
Đại sâu sắc nói. Không ngờ, thằng con của Hạnh thông minh đến thế. Tôi nói:
- Bố cháu dù có chút sóng gió, nhưng cũng được gọi là người thành công.
- Sao chú nói thế ạ?
Tôi nhấp một ngụm trà, bình tĩnh:
- Thì ít nhất bố cháu có tiếng tăm, dù có khi là tai tiếng, rồi làm bọn quan chức ngã bổ chửng, có khối tài sản lớn để lại cho các cháu, lại may mắn được những đứa con như cháu. Rồi còn con ở bên ngoài... Đúng là...
Trên vầng mắt Đại ẩn tàng những lo lắng. Nó chưa an tâm khi đại án còn điều tra mở rộng. Chẳng biết những phần tài sản của gia đình nó có liên quan, liệu có giữ được, giời mới biết trước. Cả tôi và Đại cũng như người thân của Hạnh không thể ngờ, khi có chút chức sắc trong tay, ông càng trở nên khéo léo, hoạt bát ăn nói. Vì thế ông trở thành trung gian cho một vài cuộc dàn xếp ăn chia. Rồi ông luồn sâu vào vài mối quan hệ sâu xa hơn, trở thành người kết nối chạy án. Ai cũng nghĩ những chuyện phức tạp, lắt léo, liên quan đến sinh mạng của nhiều thế lực, thì chỉ những mắt xích lớn mới có thể trung gian, vậy mà Hạnh lại lọt vào cái khe hẹp khủng khiếp đó. Ông không canh cửa cho những thế lực đen tối mà chắt chiu từng chi tiết để rồi tung ra quả bộc phá gây chấn động dư luận.
7.
Một ngày trời ương ương, Đại sang nhà tôi, ý chừng có việc hệ trọng.
- Bố cháu đã để mấy dòng thư và một bản thảo kịch cho chú trong một ngăn bí mật. Đây ạ, cháu xin gửi chú.
Tôi mở thư ra đọc. Bức thư bộc lộ tất cả gan ruột của Hạnh về cuộc đời, các mối quan hệ xã hội. Tôi bần thần xúc động.
…Ông Nghệ ạ, tôi với ông cùng đi với nhau nhiều năm, cái gì tôi cũng nể ông. Cả cá tính, tài năng, đức độ. Nhưng chúng ta đang sống trong vở kịch đời lớn, lớn hơn sự tưởng tượng của chúng ta. Tôi đã ngộ ra, ở đời, mình phải tồn tại, bụng phải no đã thì mới làm được những điều lớn lao. Nên tôi đã thành kẻ bán cái sự im lặng. Từ nhỏ tôi đã làm thế. Những kẻ mua im lặng bao giờ cũng muốn triệt hạ người khác, bao bọc tất cả những bí mật để nó khỏi bung bét. Nhưng mình không đánh được chúng ngay, thì phải làm cho chúng tiêu hao chút tiền bạc. Tôi làm chuyện đó để mang lại điều kiện sống tốt cho con mình. Suốt những năm tháng ở nhà hát, tôi bị điều tiếng, chê bai, khinh bỉ. Tôi đã viết một vở kịch về cái tao đoạn này. Trong vở kịch, có những nhân vật sống trong bi kịch muốn làm người tốt mà không được. Sau này nếu thấy ổn, ông hãy dựng vở giúp tôi...
Mắt tôi rưng rưng. Không ngờ Hạnh nghĩ nhiều đến thế. Tôi dự định về sẽ đọc kỹ bản thảo vở kịch. Có lẽ, đây là vở kịch duy nhất Hạnh viết.
Đại vẫn muốn công bố một bí mật khác. Đại bảo, bố nó muốn tặng tôi một ngôi nhà nhỏ. Đó là món quà cho tình bạn và sự vị nể về đức độ của tôi. Hạnh có lời nhắn: Hy vọng ông Nghệ hiểu cho. Ông và con gái, những người hết lòng vì nghệ thuật nhưng nghèo quá. Nghèo một cách thảm hại. Món quà của tôi chỉ mong bạn cải thiện một chút về chỗ ở...
Không cầm được lòng, nước mắt tôi trào ra. Ôi ông bạn đồng hương, người đã cho tôi nhận ra rằng, ở cuộc đời, có khi ta chẳng được khóc cười theo cách của mình. Đúng lúc ấy, Đại có cuộc gọi, nghe đến đâu bần thần đến đấy. Nó bảo Điều có người can thiệp giúp đỡ. Hắn sẽ phản pháo và có thể những chứng cứ buộc tội chẳng tác dụng gì. Nước mắt tôi đông cứng. Tôi nhìn khuôn mặt tội nghiệp của nó mà xót xa. Đại chào tôi, nói phải đi giải quyết công việc. Nó mất hút trong nháy mắt. Đúng là đời chẳng biết đâu mà lần. Có phải đôi khi, những cái thòng lọng thít chặt ở cổ rồi vẫn đứt?
Tôi bỗng thấy đau bụng. Đau xé ruột xé gan.