Dưới trời xanh mây trắng, kế nước trôi một dòng, trong cái nắng chang chang của miền Bảy Núi, có hai người đang đi.
Một da trắng, một da vàng. Người da vàng đi trước, mồ hôi đọng lên chòm râu bạc dưới cằm ông tỏng tỏng. Không biết ông sinh ra từ thế hệ nào mà giờ này vẫn ưa kiểu thời trang bà ba đen nguyên bộ, bụng quấn khăn rằn, đầu đội nón lá, chân mang dép lào. Màu đen bắt nắng mà, nó nhân cái hanh hao lên hai lần rồi cộng với số tuổi của ông, xong đè lên mỗi bước chân của ông nặng trĩu. Nặng nhưng ông vẫn đi, dẻo dai hết biết. Vai ông đeo cái balo quân đội cũ mòn, nghe màu thời gian chà xát lên lớp vải rằn ri mỗi lần ông bước.
Minh họa Ngô Xuân Khôi |
Người da trắng đi sau. Kể ra thì là da trắng, dù nắng Nam Bộ nó thui thằng nhỏ gần thành màu nâu rồi. Người da trắng quốc tịch Mỹ. Tóc nó dài, xoăn tít thò lò, ấp ủ mùi nồng nàn châu thổ sông Cửu Long. Cái áo thun ba lỗ đã ra màu cháo lòng. Nó mang dép… tổ ong. Sau lưng thằng nhỏ ngoại quốc là cái balo cao hơn đầu, nặng trịch. Lâu lâu, nó lại nhăn mặt rên ư ư vì bàn chân đã phồng rộp. Nhưng nó vẫn đi, không hề than vãn, vì nó biết có than ông già vẫn không dừng lại.
Người da vàng đi miết, người da trắng đi mãi. Con kinh cặp con lộ chưa hề ngừng trôi.
- Ông Ba, con khát quá trời quá đất!
Người da trắng gọi ới lên phía trước. Ông già da vàng quay đầu nạt ngang:
- Mới đi có ba tiếng mà Tèo, mày uống hết bình nước rồi, khát gì nữa?
Thằng Mỹ tên Tèo. Cái tên nghe không có miếng ăn nhập với ngoại hình của nó. Nó mang một đôi mắt nâu châu Á, gương mặt đặc sệt châu Âu, hàm râu quai nón lỉa chỉa kiểu châu Mỹ, nhưng cách nó nói chuyện thì y chang Châu Đốc, tiếng Việt sõi dữ thần. Mà cách dùng từ và câu cú của nó rõ ràng là tiếng Việt pha đầy phương ngữ như người Nam Bộ thực thụ. Kì diệu, ông già hiểu hết trơn.
Ông già nhớ lại tối đêm hôm trước, khi lần đầu tiên gặp thằng Tèo.
- Hê-lô ông? Cho con vào được không? Con là Tây Ba-Lô, cho con vô nhà đi!
Trong vùng ánh sáng yếu ớt của cái đèn pin cà tàng hiện ra rõ ràng một anh chàng da trắng dơ hầy thấy gớm. Người nó đầy sình bùn, quằn quện tèm lem. Từ trên đầu xuống tới ngón chân nó đều ướt chèm chẹp. Nó đi bước nào là nghe chép chép, nước nhễu lỏng tỏng tới đó. Ông già ngó thằng nhỏ người Tây nhăn mặt. Nó thanh minh liền:
- Trời tối quá, con té xuống… à cống.
Ông Ba thầm đoán chắc là nó muốn nói tới cái mương. Ông lò dò tiến lại gần thằng nhỏ. Nó cười toe toét đưa hàm răng trắng phếu đang đánh bò cạp. Thằng nhỏ ngoại quốc vô nhà, khui balo ra lau lau, dọn dọn rất lâu. Tắm táp, phơi mớ đồ ướt xong, thằng nhỏ ngó ra thấy ông già tóc bạc đang ngồi uống trà ngoài hàng ba. Nó đi ra, tiếp tục cảm kích bằng thứ tiếng Việt giọng mũi.
- Bây tên gì? Nước nào?
- “Bây” là “con” đúng không? Con tên Tèo. Con ở Mỹ.
Ông Ba nghe tên thằng nhỏ thì cười sặc cả nước trà. Gì mà Tèo? Nhìn từ trên xuống dưới mày cũng không có xíu dính dáng tới Tí Tèo gì hết. Thấy ông già bất ngờ, nó chỉ vô đôi mắt rồi cười toe, nhắc về người mẹ Việt Nam của nó.
Thằng nhỏ ngoại quốc kể cho ông già Nam Bộ nghe về hành trình đi bộ xuyên miền Tây. Nó đã đi từ Cần Thơ dài về tới Long Xuyên, rồi từ đó đi lạc ra tới tận Thoại Sơn, mở đầu của chập chùng vùng bảy núi. Ông già há hốc mồm, hỏi lại coi mình có nghe lầm không. Mày đi bộ thiệt hả? Nó gật đầu. Đi bộ gần 100km rồi. Dữ thần à! Chắc phải mất ba bốn ngày đêm. Ủa mắc gì mày không đi xe? Rồi ăn đâu? Ngủ đâu? Tèo đưa tay vén lọn tóc xoăn ra khỏi miệng, nhai ngồm ngoàm mà trả lời:
- Đi bộ… sướng! Con ngủ trong lều - anh chàng liếc qua cái balo - rồi đánh đàn kiếm tiền ăn cơm - lại liếc qua cái bao guitar bên cạnh. Con “đi bụi” mờ!
Chèn ơi, nó biết xài chữ “đi bụi” nữa. Cả tiếng lóng nó cũng biết nói. Ông Ba tưởng tượng về hình ảnh một bà má Việt Nam hiền hậu nhỏ xíu đứng cạnh thằng Tèo da trắng, tóc nâu cao lêu nghêu. Thằng nhỏ đang cười nói vui vẻ thì đanh mặt lại, hỏi rõ ràng nghiêm túc:
- Ông Ba có biết chùa Long Ấn ở đâu không?
Chùa Long Ấn… Đó là một cái chùa nhỏ xíu nằm trên núi Dài. Sao thằng nhỏ người Mỹ này biết chỗ heo hút đó? Hình như đâu phải danh lam thắng cảnh? Nghe tên cái chùa, ông Ba hơi rợn sống lưng. Mắc mớ gì nó đòi đi chỗ đó? Chỗ này là núi Sập, cách núi Dài hơn năm mươi cây số. Đâu có gần.
Đêm rơi tõm xuống con mương trước nhà, chỗ khi nãy thằng Tèo hụt giò. Sương phủ trắng mái nhà ngói xanh rêu. Ông Ba thao thức, trằn trọc cả đêm không tài nào chợp mắt. Ông chìm vô rồi lại bơi ra khỏi những cơn mơ hư hư thực thực. Hình ảnh cái chùa cổ núp sau tượng Mẹ Quan Âm chớp tắt trong vòm rừng, vừa xanh rì, cũng vừa đỏ loét.
Sáng, thằng Tèo dậy rất sớm luộc trứng gà, ăn uống xong thì dọn hành lí chuẩn bị chào ông Ba. Khi nó mở miệng gọi, chợt thấy ông bước ra, vai vác cái balo lính bay màu. Ủa, ông nhập ngũ hả?
- Tao dắt bây đi Núi Dài.
Tèo trợn mắt kinh ngạc. Sao tự nhiên ổng lại đòi dắt mình đi? Ông có đi bộ nổi không? Nó mới mở miệng định hỏi thì ông già đóng cửa, đi thẳng ra khỏi rào, coi như không cho phép thằng Tèo từ chối.
Vậy là cuối cùng hai thầy trò ở trên con lộ cặp mé kinh nóng hầm hập này. Ông Ba và thằng Tèo đã cuốc bộ ra khỏi xóm lưng chừng núi Sập, hướng theo mấp mô ổ gà chạy về núi Chóc. Sau đó phải đi qua Óc Eo, Ba Thê, núi Tô, Tri Tôn, Châu Lăng, đi miết mới tới núi Dài. Hành trình hơn năm chục cây số, đi xe máy chắc hai tiếng. Đi bộ thì hai ngày. Còn đi bộ mà vác đồ khệ nệ, thanh cảnh tình tang như hai thầy trò hả? Ai biết bao lâu.
Tèo vẫn chưa hết thắc mắc vì sao ông già lại chịu cực khổ, đích thân dắt mình đi. Nó nhớ lại hành trình từ hồi về Việt Nam tới giờ, người miền Tây ai ai cũng hào sảng, thân thiện, tốt bụng. Chắc ông già sợ mình lạc như hồi hôm nên bỏ công giúp đỡ tới cùng? Hay là vì ông có máu “đi bụi” giống mình? Ông muốn đi chơi? Nghĩ tới đó Tèo chắc rằng mình đoán đúng, thôi không nghĩ nữa. Nó mở điện thoại, nhìn bản đồ trên đó thấy đường sá chằng chịt, sông ngòi chồng chéo. Hơn phân nửa không có tên. Tèo tắt máy luôn, nhìn theo cái bản đồ sống là ông già Nam Bộ đương đội nón lá đi lệch xệch phía trước.
Hai thầy trò lội bộ tới quá trưa thì tới chợ Ba Thê, bụng bắt đầu sôi ục ục. Vậy là tìm chỗ ăn cơm.
Chợ Ba Thê hiện ra trong mắt thằng Tèo là một mái chợ quê nho nhỏ, lụp xụp những căn sạp lợp tôn giống y chang nhau. Những thịt cá, rau củ quay quắt vì nhiệt độ xứ nhiệt đới. Mùi tanh của thuỷ sản hoà vô nước thải bốc lên. Những cái nón lá nhấp nhô, những nụ cười tươi rói hiện ra trên gương mặt hoặc rám nắng, hoặc trùm kín mít. Nó cời cời vào giữa chợ, xung quanh đôi ba người vẫy tay. Người Việt khoái nói “hê-lô” với ngoại quốc, trong khi nó thì thích nói “xin chào” với người Việt. Ngó vòng quanh một hồi thằng Tèo tự nhiên thấy thân thuộc, những người đàn bà này có nét y chang mẹ mình. Nó vác cây đờn guitar xin ngồi kế một cô bán trái cây. Bà cô liền đưa ghế cho nó, vô cùng tử tế. Rồi nó móc đờn tưng tưng điêu luyện. Ông Ba lại thắc mắc sao mày ngồi giữa chợ đờn chi vậy? Thằng Tèo trả lời đờn để bà con cho tiền mua cơm ăn. Con “cháy túi” rồi!
Ông Ba có tiền mà, nhưng để chống mắt coi trò này có xin tiền được thiệt không. Dễ gì mà… Vừa nghĩ tới đó thôi là tự nhiên bên đường có bà bán chuối nướng chỉ trỏ thằng Tèo ra vẻ khoái chí lắm, lội qua bỏ vô cái nón dưới đất của nó mười ngàn. Ông Ba bất ngờ hết sức. Tại sao hồi đó mình cầm cây đàn kìm đi bán vé số, nhiều bữa đàn thấy mẹ, ca khan hết cổ mà không ai giúp hội? Nó mới đàn có năm phút thôi mà lạ vậy? Thằng Tèo bắt tay bà già. Bà cười hi hí híp cả mắt.
- Bà tên gì?
- Tui… tên Bảy.
- Maaaá Bảy!
Chèn ơi, nó biết kêu má Bảy luôn kìa. Nói tiếng Việt giỏi quá trời! Bà Bảy liền chạy lịch kịch mang qua cho nó thêm hai trái chuối nướng. Nó nháy mắt với bà: “Maaaá Bảy, cảm ơn!”
Nửa chợ Ba Thê xúm lại coi thằng Tèo đàn. Tiền trong nón nó càng lúc càng nhiều. Nó hỏi có ai hát bolero được không. Một anh xe ôm đưa tay xung phong hát bài Qua cơn mê bằng chất giọng nhừa nhựa nghe não nghe nề.
Rồi đây sau cơn mê
Sông cạn lại thành dòng
Xuôi về ngọt quê hương…
Nó đàn ngọt xớt, còn lẩm bẩm hát theo nữa chớ. Nó nói mẹ con dạy chỉ cần biết đàn bolero, về miền Tây ở đâu cũng có người hát được. Cả chợ nghỉ bán, nhốn nháo hết trơn. Họ hỏi thăm coi hai ông cháu đi đâu. Xong rồi nghe nói đi bộ lên chùa trên núi Dài, ai cũng ồ lên. Thằng Mỹ biết hành hương kìa! Họ dúi vô tay hai ông cháu nào là cam, nào là mận. Họ gởi bịch nước mía, cái bánh tét. Hai ông cháu ngập trong quà bánh. Ông Ba thắc mắc nếu mình đi một mình thì có quà không ta. Chắc là không. Thằng Mỹ nó có cái gì mà xúm lại nó dữ? Nó cũng là con người như mình thôi mà? Ông cũng đi hành hương, sao không thấy ai khen?
Rồi thằng Tèo cất cây đàn vô giữa chừng, chào tạm biệt bà con, đi tiếp. Ông Ba nghĩ nó đàn tới chiều chắc kiếm ít gì cũng năm trăm ngàn, sao lại ngưng. Nó trả lời: “Đủ ăn cơm rồi, nghỉ thôi ông!”
Hai người rong ruổi tiến về chợ Óc Eo, cứ mệt thì nghỉ, khoẻ thì đi. Bóng cây, bờ kinh, nơi nào nằm được là cứ nằm ra đó. Tính ra là vô cùng thanh cảnh, tự do. Gió đưa hương lúa chín về ngang, lại có đàn cò trắng chấp chới bay xa xa. Có gốc me dốt, thằng Tèo nhón người hái mấy trái nhai nhóp nhép rồi nhăn mặt chua quá. Ông Ba trề môi có gì lạ đâu mà mày hái chi vậy. Khi qua mấy khu dân cư, ai cũng nhìn thằng Tèo thích thú, còn ông già không ai thèm ngó hết trơn. Vì thế mà ông già càng bực mình, càng đi nhanh.
Tèo nhớ tới khu di tích Óc Eo, nơi xưa lơ xưa lắc là vùng đất của người Phù Nam, chủ nhân đầu tiên của đất Thất Sơn. Nó đòi đi xem, ông Ba nói ngược đường. Nó năn nỉ ỉ ôi, ông mới nhăn mặt, gật đầu, rẽ ngang qua khu phế tích xưa cũ. Mười mấy cây số chớ đâu có ít? Ông Ba không ngờ là xa quá, đi tới tối mịt mới thấy cái cổng chào.
Vương quốc Phù Nam, hơn một ngàn rưỡi năm trước tồn tại ở đây, khi mà đất đai đa phần còn là đầm lầy rừng rậm. Cả một nền văn minh biến mất, chỉ còn lại tàn tích. Khu di tích tối thui lọt thỏm giữa đồng trống, bóng mấy đọt cây xa xa đen sì phất phơ. Bây giờ chừng tám giờ, chung quanh vắng te, ánh sáng leo lét từ ông trăng trên đầu soi lờ mờ dáng một già một trẻ.
- Đóng cửa rồi, thôi đi ra!
Ông Ba trợn mắt nhìn thằng Mỹ bắt trớn phóng lên chụp vào thành rồi đu lên trên. Tèo thì thào: Đưa giùm con hành lí đi! Ông Ba vừa nhón lên đưa vừa ngần ngừ... Mày khùng hả? Lỡ công an bắt tội ăn trộm rồi sao? Xong ông quay đầu nhìn, vắng hoe, làm gì có ai mà bắt. Tèo chìa tay chờ nhưng ông già cứ đứng im re. Tèo lại nói:
- Ông sợ thì ra chợ ngủ đi! Tối con cắm trại trong này.
Xong nó nhảy hẳn vô trong cái bịch, rồi im re luôn. Ông Ba nghe gió hú u u, mấy đọt cây xa xa nhảy nhót như có ai lướt ngang. Khu này hơn ngàn rưỡi tuổi rồi, toát ra thứ không khí lành lạnh rờn rợn. Ông nhìn lối ra, thấy mịt mùng không bờ bến. Tự nhiên mồ hôi lạnh ông rịn rịn, da gà da vịt nổi cục. Ông đứng trân không dám nhúc nhích.
- Tèo ơi… tao… vô với!
Ông già nói như sắp khóc. Ông Ba nghe rõ ràng tiếng thằng quỷ nhỏ cười hí hí bên kia bờ tường.
Hai ông cháu đi xuyên qua khuôn viên cây cảnh, thuở xưa dưới đây từng là miếu mạo, lăng tẩm, đền đài. Những công trình kiến trúc vang vọng một thời xa vắng. Màn đêm bao trùm (dĩ nhiên, tại đâu có dám mở đèn soi), ông Ba ngó thấy vài căn nhà trưng bày, một khu di chỉ khảo cổ che mái tôn rất lớn. Thằng Tèo nhất quyết tới đó coi mặc cho ông già mếu máo. Ông sợ cái gì cổ cổ, xưa xưa, làm như có vong trong đó. Ông già ngó mấy cái hố đào lem nhem, vài cục đá, bức tượng kì quặc, dăm ba móng nhà bằng gạch. Ủa, gì đâu mà di chỉ? Thằng Tèo nói cái này hình như là lăng mộ nè. Cái kia hình như tượng thờ. Cả ngàn mấy năm trước mà làm được gạch rồi, ghê thiệt! Ông già chửi eo éo trong bụng nửa đêm đi coi nhà mồ rồi trầm trồ vậy thằng quỷ. Nó nói đọc trong sách, khu này vua chúa ở đó nghe. Thì ra nó có nghiên cứu sẵn hết trọi. Nó biết còn nhiều hơn ông Ba thổ địa nữa. Mắt nó nhìn vô vật nào cũng trở nên long lanh, hiếu kì, vô cùng mê mẩn. Coi đã, nó đi vòng quanh vườn cây. Bảo vệ hình như ngủ mất đất. Ai ra bắt nó lại đi chớ để nó đi rong vầy sao?
Cuối cùng, mệt, thằng Tèo cũng chịu dừng chân. Nó đòi căng lều ngủ ngay gốc cây cho… mát. Ông Ba cảm thấy như ngồi trong tủ lạnh, mát cái nỗi gì. Nó mặc kệ, cứ vừa vén lều chui vô vừa tủm tỉm. Y như rằng, ông già chui vô theo. Mắt ông còn liếc ngang thấy bên gốc cây nọ có cái miếu nhỏ nhỏ, không biết thờ ai. Thần nào cũng được, miệng ông Ba “Mô Phật” liên tục.
Cả đêm ông trằn trọc, nghe rõ ràng có tiếng ai thì thào. Sợ dúm quéo một hồi mới hay là tiếng ngáy thằng Tèo. Cuối cùng gần sáng ông mới thiếp đi. Lúc mặt trời lên tỏ, ông bò ra đã thấy thằng Tèo đi lò dò qua khu nhà trưng bày. Ông thấy nó đang nói chuyện với chú bảo vệ. Cái gì vầy nè? Không ngờ một hồi thằng Mỹ chạy lon ton qua khoe mới xin được ca nước sôi, để con pha cà phê “hai đứa mình” uống nha. Ủa? Chú bảo vệ? Sao không bắt nó?
Hai người trở ra lộ trình cũ thì mặt trời đã lên cao. Vừa đi ông Ba vừa chửi rủa thằng Tèo làm chuyện ruồi bu. Nó cười hề hề “Vui mà ông!” Chuyến hành trình tiếp tục. Hai thầy trò vừa đi vừa nói, mà chủ yếu là một người hỏi đủ thứ, một người nhăn nhó trả lời. Tèo đụng cái gì cũng hỏi, từ nết ăn nết ở, cây cầu, con chó…, cái giống gì nó cũng thấy mới lạ hết trơn. Ông Ba cảm thấy vô cùng bực mình, ba cái thứ quỷ này ở đâu mà không có. Cái đất này nghèo thấy bà, làm sao sánh được với xứ của nó mà nó bày đặt tìm hiểu? Con gái xứ này chân lấm tay bùn, đen nhẻm không son phấn, mắc gì nó khen đẹp? Cây cầu khỉ ọp ẹp, trời mưa đi té nhào đầu, mắc gì nó khen hay? Tôm tép, cá đồng ba mớ, nhìn chèo queo làm sao ngon bằng tôm hùm, cá biển mà nó chặc lưỡi? Nó đang móc mỉa xứ này hay là nó khen thiệt?
Lại kể chuyện đi suốt một ngày đường nữa, rong chơi qua những nẻo đường vừa quen vừa lạ. Trong đầu thằng Tèo, những miền kí ức xa xăm nào đó của mẹ nó hiện ra qua đôi mắt màu nâu sẫm. Còn ông Ba, cảnh vật miên man vẽ lên khung vải cũ bằng những mảng màu mới. Đi qua xóm làng, đồng lúa, núi đồi. Kìa lờ mờ trong cái nắng bạt ngàn là núi Tô. Kia xa xa núi Cấm đã có cáp treo. Đó có phải là cái cầu cá còn sót lại không? Cái vó cá chỗ này đâu mất rồi? Khi họ đi thời gian trôi tới hay lội ngược về? Không biết, nhưng chiều hôm đêm đó, họ ở chân núi Dài.
Núi Dài - Ngọa Long Sơn. Con rồng cuộn mình nằm ngủ, ôm quanh rừng tầm vông xanh thẳm. Thằng Tèo chọn một vòm la đà. Nó dựng lều xong thì ông Ba xách về chai rượu đế.
- Nhậu!
Nước mắt quê hương, ngọt lành hay nóng hực cũng tùy vào tâm thế của người uống. Ông Ba lấy ngót bằng ba ly liên tiếp. Thằng Tèo chép miệng, chà, cũng ngon dữ à nhen! Ông già cười, chứ sao nữa! Hai người xổ ra thứ âm thanh hoan hỉ khề khà. Xong một trong hai người cười mà làm như khóc. Rồi uống tới cạn chai, cũng một trong hai người, khóc mà như cười. Đêm ôm lấy rừng tầm vông.
Trời trở gió. Thằng Tèo ôm đàn gảy. Nó hát vang trong tiếng guitar thùng bằng thứ tiếng Việt lơ lớ: Bằng lòng đi em về với quê anh, một cù lao xanh một dòng sông xanh… Ông Ba ngồi bó gối, nhìn một chiếc lá tầm vông phai úa trên đầu.
Trời hửng sáng. Rượu đã bay hơi đâu hết, Tèo và ông Ba leo lên núi Dài. Chùa Long Ấn đâu đó giữa lưng chừng sườn đèo. Con đường mòn len lỏi, như con rắn uốn quanh thân con rồng lớn. Trên đường đi, Tèo không nói, ông già cũng nín thinh. Tâm trạng của hai kẻ hành hương dường như còn đang lạc ở đâu đó dưới rừng tầm vông. Nắng sớm chấp chới. Trời mở ra một khoảng rộng ngó xuống trăm ô ruộng xanh nõn. Mái ngói cong vút rêu phong của chùa che nghiêng vòm mây. Chùa Long Ẩn tĩnh tại trước mắt.
Tèo mừng ra mặt như muốn khóc. Đi ngắm cảnh thôi mà, nó sao vậy? Nó đang tính đi thẳng vào trong nhưng ngó qua ông già thì lại đang đứng trân, run run như cây khô trước sân Phật. Ông Ba phai nhạt bộ râu dài, mặt xanh lét, mồ hôi chảy vài giọt ở thái dương. Chín ngón tay rưỡi bấu cứng vào vạt quần bà ba nhàu nhĩ. Mắt ông ngắm nghiền như cách con nít nằm sấp chờ ba vung roi mây vào đít. Thằng Mỹ nhìn ông, ngạc nhiên, chờ lời giải thích. Tiếng trả lời bật ra mềm nhũn, không cần một câu hỏi nào:
- Tại sao tao mất một ngón tay bây biết không?
Thằng nhỏ người Mỹ đứng giữa sân ngó ông già Nam Bộ. Sau lưng nó là Mẹ Quan Âm. Rồi ông già kể, cho nó và cho Phật nghe. Chỗ này, ngay chính chỗ này, thời đó, có một trận càn lớn lắm. Lính Mỹ quyết lùa cho hết quân kháng chiến. Bảy thằng lính trẻ chống trả tới cùng, bị dồn hết vô chùa. Sáu thằng ngã xuống. Mười bảy, mười tám, thằng lớn nhất cũng chỉ hai mươi hai. Thằng nhỏ tuổi nhất trốn sau lưng Mẹ Quan Âm, nhìn máu me văng tung toé. Kẹo chì nó đi qua da thịt đâu phải chỉ để lại cái lỗ sâu hoắm? Anh Tài vừa khoác vai nó hồi sáng, bây giờ anh nằm ở đây nè, đầu mất một mảng. Thằng Long mới vừa khoe hình người yêu hôm qua, nói hòa bình sẽ cưới, bây giờ cánh tay nó nằm ở kia… Sáu người anh em. Sáu người lận đó! Thằng nhỏ không biết băng đạn nó còn mấy viên. Nó nhào ra xả cho hết, không bắn thì chết. Bắn vì bản năng sinh tồn. Toàn bộ tám thằng lính Mỹ hồn lìa khỏi xác giữa sân chùa. Thằng nhỏ còn sống quỳ trân ngay chỗ này nè, giữa mười bốn thi thể. Tổng cộng mười lăm người lìa đời trước mắt Phật.
Ông Ba kể tới đó, nước mắt ầng ậc, gương mặt dúm quéo, cái hàm giật giật. Ông kể mà đoạn cuối tan nát nhạt nhoà. Trong trí ông chỉ còn những cái chớp đỏ tươi, những đôi mắt trợn trừng, những mảnh da thịt tan nát. Đoạn cuối, những cơn ác mộng xé tan tâm hồn thằng lính trẻ một đoạn dài cuộc đời. Kẹo chì nó đi tới đâu là đời hoá ra sỏi đá tới đó. Chắc thằng lính còn nhỏ quá. Nó không có sức chống lại kẹo chì. Nó chết theo mười bốn người kia, Việt có, Mỹ cũng có. Chết queo rồi. Ngón tay siết cò đã biến mất. Nó giải ngũ, thành anh hùng. Hay thành thằng đào ngũ hèn nhát?
Ông Ba khóc, tiếng hức hức lèn vào giữa những cái chớp mắt của Tèo. Mặt Tèo chuyển từ cơn ngỡ ngàng thành cảm thông rất chân thành. Ông già đang thú tội trước mặt một thằng Mỹ con? Lạ huơ lạ hoắc, không cùng dòng máu? Khác xa thế hệ, ở một nền văn minh không có lúa nước? Hay ông thú tội với Mẹ Quan Âm? Ông đi bộ mấy ngày đường, leo tới tận đây để thú tội hay sao? Trong giây phút đó, Tèo đã hiểu tại sao tự nhiên ông già đòi đi bộ theo mình tới Núi Dài. Ông đi tìm lại chỗ ông đã chết. Đi bằng hai chân.
Vậy rồi, Tèo mở balo, moi ra một cái bao lớn niêm phong cẩn mật. Nó xé nilon qua ba lớp. Nó bứt tung lớp giấy dầu. Nó lại moi hết túi khí đệm hơi. Cuối cùng, Tèo đem từ sau lớp vải nhung ra một chiếc hũ men trắng. Ông Ba nhìn thằng nhỏ, rồi nhìn qua cái hũ.
- Mẹ con nè ông Ba.
Ông Ba há hốc miệng nhìn sợi dây liên kết Tèo với vùng đất này. Một bà mẹ Việt Nam. Tèo, bằng cái giọng Việt phát âm qua mũi, nhưng nó vừa biết nhấn nhá như người bản xứ đây kìa? Chữ “Mẹ” rõ ràng dấu nặng, không phải “mé”, không phải “me”.
- Mẹ trước khi chết, nói muốn về ngắm nhìn quê hương.
- Quê bây ở đâu?
Tèo chưa biết trả lời ông già ra sao. Nước Mỹ, hay Việt Nam? Đầu nó thoáng qua hình ảnh người mẹ tóc đen nhỏ xíu lọt thỏm giữa rừng tóc vàng da trắng. Người mẹ khi đặt chân sang xứ khác, lạ lẫm và cô đơn như cánh cò bị vây kín bởi cao ốc, công trình, nhà máy. Người mẹ tới lúc lìa đời chỉ biết mỗi “Hello” là “Xin chào”, “Thank you” là “Cám ơn”. Người hứng chịu những kì thị sắc tộc, những ganh ghét màu da. Người mẹ ôm Tèo trong tay, nghe trăm ngàn lời sẻ chia, ca ngợi chồng bà bằng thứ ngôn ngữ bà chưa từng thấu hiểu. Buổi lễ truy phong anh hùng chiến tranh cho ba nó, chỉ có bà quạnh quẽ như cái cù lao lạc giữa ngã ba vàm. Nó là thứ duy nhất bà ôm trong tay, giữ chặt.
Người ba nó chưa từng gặp mặt là một anh hùng. Ông ngã xuống trong một trận giao tranh máu lửa ngay tại xứ sở này. Hay nói chính xác hơn là ở núi Dài, trước ngôi chùa này, ở đúng cái sân này. Chùa Phật Ấn. Nghe đâu bên kia chiến tuyến là một thằng lính trẻ nhỏ xíu, một tay diệt hết cả toán lính Mỹ. Vậy là thắng hay thua cũng đều là anh hùng. Anh hùng với những lí tưởng khác nhau. Anh hùng là chiến thắng hay chiến bại?
Tèo còn trẻ quá. Nó không biết. Chiến tranh khó hiểu thiệt! Nó chỉ biết ý niệm của đời người là được về lại quê hương. Như mẹ nó vầy nè. Tèo đưa bàn tay to bè thừa hưởng từ gen người da trắng, nắm lấy bàn tay nhăn nheo da vàng còn bốn ngón của ông Ba. Nắm chặt lắm, nắm như truyền hết ấm áp trong người nó sang đó. Có những sự thật mình phải làm lơ mà sống.
- Không có mấy người như ông thì quê mình đâu còn đẹp vậy? Đi bộ mấy ngày nay, ông không thấy quê đẹp lắm sao? Nếu ông không làm, thì ai làm?
Ông Ba ngó đầu ngước lên nhìn thằng cháu khác dòng máu cao lớn. Mẹ Quan Âm cúi đầu nhìn xuống hai người. Hai kẻ lạc loài, à mà không, đâu có lạc loài? Quê hương họ ở ngay đây mà? Những điều ông gặp trên suốt đường đi, với cái nhìn của ông là đói nghèo, lạc hậu, là bình thường, thì trong mắt đứa con lai xa quê như thằng Tèo là bình dị, dân dã, là cái hồn của xứ sở. Mình đã bảo vệ quê hương đó sao?
Họ đi ra triền núi, phóng mắt xuống biển lúa mênh mông. Những con kinh xanh thẳm màu nước biêng biếc. Những cụm mây thong thả về ngang triền đèo. Tâm sự trong lòng mỗi người có bay đi theo mây hay không, chắc chỉ có người đó biết. Có thể liền bây giờ, hoặc là ngày mai, ngày mốt, hoặc là trăm ngàn ngày nữa. Ông Ba bỗng nghe lòng mình được an ủi. Thằng Mỹ gỡ cái nút thắt trong lòng mình rồi sao? Tèo mở cái hũ ra, nắm bột trắng trong tay thả cho bay theo gió. Ông già hoảng hồn: “Mày làm gì vậy Tèo?”
- Cho mẹ con đi chơi!
Ông Ba tần ngần nhìn cái thằng lập dị. Xong rồi ông cũng nắm vào tay từng nắm, tiễn bà mẹ nhỏ bé của nó một đoạn rất xa. Bà sẽ đi từ đây, từ núi Dài. Bà sẽ đi ngang qua Bảy Núi, đi xuyên An Giang. Bà sẽ về dọc Cần Thơ, Vĩnh Long. Bà thăm Sài Gòn, Đồng Nai. Bà bay cùng nắng gió miền Trung, qua đèo Hải Vân về Huế. Bà sẽ đến tận Hà Nội, sẽ ghé thăm Hà Giang. Đất nước nối liền một dải rồi, ai mà cản ngăn bà nữa. Tèo nhìn ông Ba, toe hàm răng cười nói cái câu nó vẫn lặp lại hàng trăm lần suốt mấy ngày nay:
- Việt Nam đẹp quá!
VN17+18/2024
Tranh minh họa. Nguồn Internet |