Sáng tác

Hoa sen giếng ngọc

Đoàn Mai Linh
Truyện
08:00 | 08/01/2025
Ta cũng là quân tử ưa hoa sen, loài hoa chẳng phải như đào trần lý tục; chẳng phải như trúc cỗi mai gầy.
aa

Mạc Đĩnh Chi thơ thẩn bên hồ Dâm Đàm, bước chân chàng nặng trĩu. Mặt hồ lăn tăn gợn sóng. Buổi đại triều sáng nay vốn tưởng sẽ đem lại vinh quang cho Đĩnh Chi cùng dòng họ, nhưng lại trở thành cơn ác mộng. Đĩnh Chi nhớ như in lúc Quan gia ngồi lên ngai, bá quan phủ phục. Quan gia xua tay ra dấu bình thân, quan nội thần dắt bốn vị tân khoa vào triều, lần lượt giới thiệu Mạc Đĩnh Chi người Chí Linh, Bùi Mộ người Thanh Oai, Trương Phóng người Thanh Hóa và thần đồng Nguyễn Trung Ngạn người phủ Khoái. Triều đình một phen lao xao. Đĩnh Chi còn nhớ chàng đã chợt mỉm cười.

Từ tuần trước, người qua đường đã ngoa truyền nhiều tin thất thiệt. Rằng khoa Thái học sinh năm Giáp Thìn này, mấy chục người tham gia Đình thí, khảo quan chỉ chấm được quyển thi của hai người là chàng và Bùi Mộ, sẽ được sung thẳng vào Nội thư hỏa cục; hơn bốn chục người khác tài năng không bằng, chỉ được ban cho làm Thái học sinh. Danh sách gửi lên quan Tham tri Đoàn Nhữ Hài chờ trình Quan gia phê chuẩn rồi sẽ yết bảng vàng.

Nhưng hôm sau, có tin đồn quan Tham tri không hài lòng, ngài thác cớ đã thi Đình thì phải chọn cho đủ Tam khôi, lệnh cho khảo quan phúc khảo. Tin tức truyền ra ngoài cực nhanh, quan chủ khảo sợ uy Đoàn Tham tri, phải lựa thêm quyển của Trương Phóng cho đủ số.

Những tưởng vậy là xong, thế mà hôm sau nữa, bà hàng nước đầu ngõ kể lại, có kẻ tâm phúc của quan Tham tri say rượu để lộ ra rằng đích thân quan lớn lấy bút viết thêm mấy chữ Nguyễn Trung Ngạn người Khoái Châu vào danh sách đề cử. Người đời không hiểu nguyên do, riêng Đĩnh Chi thì biết rõ cơ sự. Quan Tham tri Đoàn Nhữ Hài xuất thân thư sinh, nhờ viết biểu thay mặt Quan gia tạ lỗi với Thượng hoàng mà được cất nhắc một bước lên chức Ngự sử trung tán. Đám hiếu sự đầu đường xó chợ đặt thơ giễu rằng:

Phong hiến luận đàm truyền cổ ngữ,

Khẩu tồn nhữ xú Đoàn Trung tán.

(Ôn câu chữ cổ: Đài ngự sử,

Miệng sữa còn hôi: Trung tán Đoàn)

Cố sự năm năm trước, nay vẫn là câu chuyện tiếu lâm lúc trà dư tửu hậu, lẽ nào quan Tham tri chẳng hay? Kỳ thi này có Nguyễn Trung Ngạn dự thí, tuổi vừa mới đôi tám. Thiếu niên tuổi trẻ tài cao ấy đã vượt qua vòng ngoài, vừa thi Đình xong, bước ra ngoài cửa trường thi đã ứng khẩu bốn câu tự phụ:

Giới Hiên tiên sinh lang miếu khí,

Diệu kinh dĩ hữu thôn ngưu chí.

Niên phương thập nhị Thái học sinh,

Tài đăng thập lục sung Đình thí.

(Giới Hiên tiên sinh tài lang miếu,

Chí nuốt sao Ngưu từ niên thiếu.

Tuổi mới mười hai Thái học sinh,

Vừa đến mười sáu dự Đình thí.)

Quan gia lên ngôi năm mười tám tuổi, Đoàn Tham tri nhập triều năm hai mươi, nay có Trạng nguyên mười sáu tuổi thì mới thực là vua nào triều thần ấy. Nhưng Mạc Đĩnh Chi ta đây có ngại gì? Ta cũng là quân tử ưa hoa sen, loài hoa chẳng phải như đào trần lý tục; chẳng phải như trúc cỗi mai gầy.

Một cơn gió tràn qua mặt hồ, mùi cá tanh tưởi bất chợt ngập tràn bầu không. Đĩnh Chi nhăn mặt, che mũi ghê sợ. Sen tháng Ba trên hồ chưa nở, nhưng lá đã xanh một vùng. Mấy cọng sen vươn thẳng tắp như dóng trúc, đây đó đã thấy búp nhọn tựa ngòi lông. Kỳ lạ thay giống hoa như lan tựa cúc lại mọc lên từ đám bùn hôi hám với xác cá tanh tao.

Đĩnh Chi còn nhớ khi đương cúi đầu hành lễ, thì chàng đã lén đưa mắt vọng nhìn. Mắt chàng khẽ chạm ánh mắt tinh anh sắc lạnh của Quan gia, bắt gặp một thoáng chán ghét không giấu giếm của bậc rồng phượng.

Vẫn như thông lệ, danh sách đề cử do khảo quan dâng trình, đại thần đình nghị và Quan gia chọn ra Tam khôi. Hoàng triều tứ thế đều là tài kiêm văn võ, từ Thái tông, Thánh tông, Thượng hoàng cho chí Quan gia, không ai là không văn thành võ đức. Quyển thi của Mạc Đĩnh Chi, chàng từng sao lại, đưa nhiều văn hữu cùng đọc, thảy đều khen là tinh phẩm. Bài của họ Bùi, họ Trương, họ Nguyễn, chàng cũng đọc qua rồi, nên tự tin lắm.

Quan gia khoát tay ra dấu bắt đầu đình nghị. Triều thần thảy đưa mắt nhìn bề trên những mong thấu hiểu một ẩn ý nào đó, rồi lại đưa mắt nhìn nhau, người lắc đầu, kẻ cụp mắt. Đĩnh Chi lặng nén một hơi thở phào. Chợt từ ban tông thất, một thiếu niên bước ra, đó là Văn Huệ vương Quang Triều, con của Hưng Nhượng đại vương Quốc Tảng.

Quang Triều là con thiên lý mã của họ Trần đất Đông Triều, lại là em ruột của đương kim hoàng hậu, văn chương chữ nghĩa đứng đầu tông thất, nên được đặc cách tham gia triều chính từ khi còn rất trẻ. Giọng thiếu niên lanh lảnh cất lên phá vỡ không khí trầm tịch: “Bẩm Quan gia, thần đã đọc kỹ quyển thi của Mạc Đĩnh Chi. Văn chương tinh kỳ, uyển súc, cổ kính, già dặn. Tuy nhiên câu từ cũ kỹ, thần đã từng nghe Mạc sinh cùng văn hữu bình điểm ở thư xã. Không thể coi là bài do Mạc sinh tự làm được.”

Mọi người lại ngước nhìn Quan gia trên bệ, chừng như mặt rồng có nét rạng rỡ. Mấy lão cáo già đứng hàng trên ùa theo cổ vũ. Đúng, đúng lắm, văn chương phải tự thân sáng tác, thi cử sao có thể dùng lại văn mẫu đã qua bình điểm...

Mạc Đĩnh Chi sững lại, khuôn mặt đen đúa vốn đã nhàu nhĩ lại càng nhăn nhó. Từng câu, từng chữ, có câu chữ nào không phải do chàng dứt ruột xẻ gan ra viết. Vốn vui miệng đọc cho bạn bè xướng họa, ai dè lại gây họa. Ba người bạn đồng khóa cạnh bên chẳng ai thể hiện chút biểu cảm nào. Một con ngựa đau cả tàu thêm cỏ, nhưng cứ phải ngây như phỗng để tránh điều tiếng đã.

Tiếng ồn ào còn chưa dứt thì ban võ lại có người bước ra, ấy là quan Đại hành khiển Trần Khắc Chung. Đĩnh Chi rùng mình kinh sợ. Con người này lời nói sắc như đao kiếm, đao kiếm đã rút ra khỏi vỏ thì không thể không thấy máu. Trần Đại hành khiển không vội vàng như Quang Triều, giọng ông ta chậm rãi, nhấn nhá:

“Thần con nhà võ, vốn không sành văn, nhẽ ra việc khoa cử, thần không nên lên tiếng. Nhưng quốc gia hưng vong thất phu hữu trách. Theo quan sát của bản ty, Mạc Đĩnh Chi thực sự có vấn đề về chính trị. Niên hiệu Thiệu Long, y từng tham gia học đường của Ả Trần, tư tưởng đớn hèn phản nghịch biết đâu không được tiêm nhiễm từ khi ấy? Thêm nữa, nguyên quán của y lại là Bàng Hà, dân xứ ấy phản trắc vô chừng, từng ra hàng giặc Nguyên niên hiệu Trùng Hưng. Năm Kỷ Sửu, Thượng hoàng từng hạ chỉ dụ bắt tội đồ dân toàn hương, cấm người xứ ấy ra làm quan. Đất nước nay đã yên bình, nhưng người Nguyên còn chưa từ bỏ ý định trả thù, cựu chủ của y là Trần Ích Tắc vẫn còn mang tước An Nam quốc vương ở Bắc quốc. Nguyên quán Bàng Hà mà quyển thi lại mạo đề Chí Linh, không chỉ phạm quy mà còn có dấu hiệu gian dối. Nay nếu ai dám bảo cử Mạc Đĩnh Chi, hễ có việc xảy ra thì Hành khiển ty sẽ hặc tội liên đới.”

Vết thương của người Nguyên vẫn còn khắc sâu trong lòng trăm họ, nỗi nhục Chiêu Quốc vương vẫn còn rỉ máu trong tim tông thất. Lời của quan Đại hành khiển đã dứt mà đình thần vẫn chìm trong trầm mặc. Nụ cười nhếch mép của Quan gia ban nãy cũng chợt đanh lại.

Giây phút tĩnh lặng tưởng chừng kéo dài vô tận. Những áo tía đai thâm chợt biến thành tượng bùn. Mạc Đĩnh Chi chỉ là con tép riu, gạt bỏ không ai tiếc. Cả Bùi Mộ, Trương Phóng, Nguyễn Trung Ngạn cũng vậy. Bày thi cử là tiểu sự của triều đình, chọn Tam khôi chỉ là trò giỡn cợt của đám đại thần. Bọn nho sĩ cạnh tranh, kèn cựa nhau, thậm chí bày trò ném đá giấu tay, đâm dao sau lưng, cũng chỉ là trò tiểu kỹ mua vui nếu so với đấu đá chốn triều đình. Nhưng Hành khiển ty lấy cả hương quán cùng hành sự tuổi thơ để chụp mũ chính trị Mạc Đĩnh Chi, thì ai biết họ Bùi, họ Trương, họ Nguyễn có bị lưu hồ sơ gì không, có bị quy kết gì không? Ai còn dám bảo cử cho người khác nữa?

Mạc Đĩnh Chi phủ phục dưới sàn, không dám cả run rẩy. Bùi Mộ, Trương Phóng lặng thinh. Đến ngay như tuổi trẻ khí thịnh Nguyễn Trung Ngạn cũng tắt vụt vẻ dương dương tự đắc. Đấng tối cao dường như cũng bối rối, lần đầu tiên ngài mở lời: “Chọn tài tuấn là việc trọng đại. Phải vừa tài lại vừa tuấn. Văn tài Mạc Đĩnh Chi ngươi hơn hẳn chúng thí sinh, nhưng lại kém về tuấn. Trẫm tạm dừng buổi đình nghị, nay mai sẽ bàn tiếp.”

Bảng vàng khóa thi Giáp Thìn đến nửa tuần trăng sau còn chưa được yết. Dân gian đồn đại ồn như trĩ. Người nói họ Mạc sẽ bị đánh trượt vì phạm quy, có kẻ lại nói xấu trai như Đĩnh Chi đâu xứng là sao Văn Khúc giáng trần. Lại có bọn ngoa truyền hủy luôn cả khóa, chờ sang năm thi lại...

Mặt trời tháng Ba đã hơi gắt, phả hơi nóng xuống đầm. Mạc Đĩnh Chi cúi người ngắt một chiếc lá sen lớn, những hạt nước trong trẻo long lanh lăn qua lăn lại như không bao giờ ngưng nghỉ. Cách chàng vài thước, một nụ sen chớm nở sớm, truyền tới làn hương tinh khiết. Đĩnh Chi phá lên một tràng cuồng tiếu, chàng đội chiếc lá lên đầu, lững thững bước chân vô định. Giọng chàng văng vẳng vang xa:

Tử hà vi ai thả oán dã.

Độc bất kiến

Phượng Hoàng trì thượng chi tử vi, Bạch Ngọc đường tiền chi hồng dược!

Quýnh địa vị chi thanh cao, ái thanh danh chi chiêu chước.

Bỉ giai kiến quý ư thánh minh chi triều,

Tử độc hà chi hồ tao nhân chi quốc!

Nói chi ai oán thiết tha! Kìa chẳng xem đóa tử vi nở trên ao phượng, hoa thược dược mọc trước bệ vàng, cũng là địa vị thanh cao, thanh danh hiển hách, ơn trên Thánh chúa, mưa móc dồi dào. Vội chi tủi phận hờn duyên, nước non lẩn thẩn toan bề đi đâu?

Hoa sen giếng ngọc
Người quân tử ưa hoa sen, loài hoa chẳng phải như đào trần lý tục; chẳng phải như trúc cỗi mai gầy. Ảnh: internet.
Quan tâm hàng đầu của công nghiệp văn hóa: Nhân lực và bản quyền

Quan tâm hàng đầu của công nghiệp văn hóa: Nhân lực và bản quyền

Baovannghe.vn - Công nghiệp văn hóa - mà chúng ta muốn xây dựng hôm nay khác rất xa với hình dung của vài mươi năm trước, khi mà nhiều quốc gia đã thành công.
Chuyến lưới máu. Truyện ngắn của Anh Đức

Chuyến lưới máu. Truyện ngắn của Anh Đức

Baovannghe.vn - Trời đã bắt đầu sụp tối. Nhưng lúc bóng tối chưa úp trọn màu đen thì trên trời sao đã mọc lấp lánh. Đêm càng đến thì sao càng bật sáng hơn lên,
Mùi đồng quê

Mùi đồng quê

Baovannghe.vn - Muốn sang thì lên Đà Lạt/ Muốn hốt bạc thì về Bình Tuy/ Bình Tuy có cá Lagi/ Phong Điền có gạo/ Cù Mi có gừng...
Bản tin Văn nghệ ngày 9/1/2025

Bản tin Văn nghệ ngày 9/1/2025

Baovannghe.vn - Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF) 2025 với chủ đề Đà Nẵng - Kỷ nguyên mới với 10 đội tham gia tranh tài từ ngày 31/5 đến ngày 12/7/2025.
Tám nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế xã hội năm 2025

Tám nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế xã hội năm 2025

Baovannghe.vn - Trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025