Văn hóa nghệ thuật

Họa sĩ Đinh Quang Tỉnh, người tự chọn một con đường chông gai

Nguyễn Quang Thiều
Mỹ thuật
06:00 | 02/10/2024
Baovannghe.vn - Trong cách nhìn của các họa sĩ, vẽ chân dung là đoạn đường thách thức nhất đối với họ. Trong cuốn sách giới thiệu các họa sĩ tên tuổi thế giới, tôi nhớ một họa sĩ châu Âu nói ông hầu như tránh vẽ chân dung nếu có thể. Lý do vì sao thì có nhiều họa sĩ đã từng diễn giải.
aa

Trong cách nhìn của các họa sĩ, vẽ chân dung là đoạn đường thách thức nhất đối với họ. Trong cuốn sách giới thiệu các họa sĩ tên tuổi thế giới, tôi nhớ một họa sĩ châu Âu nói ông hầu như tránh vẽ chân dung nếu có thể. Lý do vì sao thì có nhiều họa sĩ đã từng diễn giải. Với cá nhân tôi, tôi thấy rằng: một bức ảnh chân dung cho ta biết và nhận ra một con người mang tính xã hội, còn một tác phẩm hội họa vẽ chân dung cho ta thấu hiểu con người đó. Để thấu hiểu một con người và ngay cả thấu hiểu chính mình là một thách thức khổng lồ. Với quan niệm đó, tôi luôn dành sự kính trọng và cả sự lo lắng hão huyền đối với các họa sĩ vẽ chân dung và cũng luôn tò mò đầy phấn khích khi được xem các tác phẩm hội họa vẽ chân dung.

Họa sĩ Đinh Quang Tỉnh, người tự chọn một con đường chông gai
Họa sĩ Đinh Quang Tỉnh

Và khi họa sĩ Đinh Quang Tỉnh tổ chức triển lãm chân dung của ông, tôi thực sự kính nể ông. Ông đã tự chọn một con đường khó khăn nhất, thách thức nhất và phiêu lưu nhất. Lặng lẽ vẽ chân dung đã là một sự can đảm. Làm triển lãm chân dung còn can đảm hơn bởi trong một không gian dù rộng đến đâu của một bảo tàng, hàng chục con người với những sự khác biệt về hình thức và đặc biệt là khác biệt về số phận và thế giới bên trong của mỗi nhân vật cùng một lúc hiện ra. Họa sĩ Đinh Quang Tỉnh đã chọn một con đường vô cùng “chông gai” là vẽ chân dung. Và chông gai hơn nữa là hầu hết những nhân vật mà họa sĩ Đinh Quang Tỉnh vẽ chân dung trong triển lãm này là những nhân vật tên tuổi trong nhiều lĩnh vực. Đấy là những nhân vật mà xã hội đã rất quen thuộc và ít nhiều biết về họ, thậm chí rất hiểu họ như nhạc sỹ Văn Cao, danh họa Nguyễn Gia Trí, giáo sư Trần Văn Khê, họa sĩ Thành Chương, nhạc sỹ Nguyễn Cường, nhà văn Bảo Ninh, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, đạo diễn Trần Văn Thuỷ... Những nhân vật này đều mang những nét rất đặc biệt của dung nhan và vô cùng phức tạp, đầy số phận, đôi khi dị biệt trong đời sống. Họ cũng là những văn nghệ sỹ với nhiều thăng trầm, nhiều cung bậc, nhiều biến cố trong cuộc đời. Và họa sĩ Đinh Quang Tỉnh phải vẽ ra những nét đặc trưng cá tính nhất của họ về hình thức và vẽ ra được bão tố, ghềnh thác và giọng nói vang bên trong con người họ để người xem có thể rung cảm, chia sẻ với các nhân vật. Nhưng thách đố khủng khiếp với họa sĩ là phải dựng lên được số phận họ. Nếu không làm được điều đó thì người ta không cần những bức chân dung đó. Nếu không làm được điều đó thì đồng nghĩa với sự thất bại của họa sĩ.

Họa sĩ Đinh Quang Tỉnh, người tự chọn một con đường chông gai
Họa sĩ Đinh Quang Tỉnh đã chọn một con đường vô cùng “chông gai” là vẽ chân dung.

Tôi là một người may mắn được họa sĩ Đinh Quang Tỉnh vẽ chân dung. Khi tôi nhìn bức chân dung mình tôi đã bị thay đổi. Hình như lần đầu tiên tôi biết có một Nguyễn Quang Thiều khác bên trong một Nguyễn Quang Thiều mà một số bạn bè vẫn gặp. Hoặc là Nguyễn Quang Thiều trên toan kia mới thực là Nguyễn Quang Thiều cho dù anh ta sợ hãi hơn, nhiều bóng tối hơn. Điều này thật không dễ dàng một chút nào. Bởi có khi chúng ta sống một cuộc đời với hàng vạn lần soi gương ngắm nhìn chính ta cũng như ngắm nhìn hàng vạn lần gương mặt ta qua những bức ảnh ở nhiều giai đoạn của đời mình mà chúng ta chỉ nhận ra cái vỏ bên ngoài của ta. Và nhiều người, ngay cả người thân của ta trong một gia đình cũng chỉ nhận ra ta về hình thức để không nhầm ta với một người khác. Nhưng chính ta và bao người khác không nhận ra con người bên trong ta, không nhận ra những đau đớn, buồn bã, những dằn vặt, những chịu đựng, những tuyệt vọng và cả những khát vọng của ta. Nhưng khi tôi ngắm nhìn tôi trong bức chân dung họa sĩ Đinh Quang Tỉnh, tôi đã thấy một tôi trong đó qua đôi mắt của tôi, qua ánh sáng và bóng tối trong tôi mà bức chân dung hé lộ.

Với những bức chân dung vẽ những nhân vật khác cũng vậy. Mỗi một nhân vật mà họa sĩ Đinh Quang Tỉnh vẽ tựa như ông đã mở một ô cửa ở đâu đấy trong thế giới của họ để chúng ta nhìn vào bên trong họ. Có người ô cửa là đôi mắt, có người ô cửa là vầng trán, có người ô cửa là cái miệng, có người ô cửa là một mái tóc. Tôi nhìn thấy Văn Cao qua vầng trán của ông. Tôi nhìn thấy Nguyễn Gia Trí qua đôi môi đầy nghiêm nghị và mực thước. Tôi nhìn thấy Bảo Ninh trong bóng tối phủ trên gương mặt ông. Tôi nhìn thấy Nguyễn Cường trong đôi mắt ông. Tôi nhìn thấy Trần Văn Thuỷ trong những lớp sóng buồn bã và đầy nổi giận dưới làn da gương mặt. Tôi nhìn thấy nét tài tử mà ngập tràn ưu tư trong bộ râu Dương Minh Long và tôi nhìn thấy một Nguyễn Quang Thiều thảng thốt và cô đơn trong bóng tối của đôi mắt tưởng như nhiều ánh sáng.

Những nhân vật mà họa sĩ Đinh Quang Tỉnh vẽ hầu hết là những người bạn thân của ông. Điều này rất thuận lợi trong việc ngao du, uống cà phê hay tụ tập nhưng lại là bất lợi lớn đối với sự sáng tạo của ông cụ thể là vẽ chân dung họ. Bởi họ là bạn của ông quá lâu. Cảm giác đó dẫn đến nguy cơ làm cho ông nghĩ họ đã nằm trọn vẹn trong ký ức, trong tâm tưởng và suy nghĩ của ông. Nó làm cho ông tưởng như đã hiểu họ rất rõ. Cảm giác này sẽ đánh lừa ông. Và như thế khi vẽ họ, họa sĩ đã thuộc họ trong đầu mà dễ lướt qua khi để họ hiển lộ ở một không gian khác. Nhưng họa sĩ Đinh Quang Tỉnh đã vượt qua được cái bẫy của sự chủ quan và thói quen của mình để tìm ra con người khác hay có thể gọi là “con người thật” ẩn trong cái con người quá quen thuộc kia. Ông chọn những điểm quan trọng trên gương mặt những con người đó để mở các ô cửa cho chúng ta nhìn vào. Và với sự thấu hiểu con người các nhân vật và khả năng trực giác mạnh mẽ cùng một kỹ thuật điêu luyện để dựng lên chân dung tâm hồn và số phận họ.

Nguyễn Quang Thiều | Báo Văn nghệ

Giám tuyển ACE LÊ: Nhà đầu tư nước ngoài đang nhanh chân hơn Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Quân: Phong độ thì nhất thời, đẳng cấp thì vĩnh viễn Nhà nghiên cứu mỹ thuật Shireen Narizee với nghệ thuật đương đại Việt Nam Triển lãm Mỹ thuật Hà Nội lần thứ 29: Bản giao hưởng màu sắc và cảm xúc Thư gửi (hay là lời tự thú) của một hoạ sĩ trẻ
Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về "Chống lãng phí"

Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về "Chống lãng phí"

Baovannghe.vn - Trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm công tác phòng, chống lãng phí, đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận về vấn đề này và lãnh đạo cả hệ thống chính trị, toàn dân tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả. Văn nghệ điện tử trân trọng giới thiệu nội dung bài viết “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm.
Khéo dư nước mắt. Tạp bút của Đông Trình

Khéo dư nước mắt. Tạp bút của Đông Trình

Baovannghe.vn - Con đường ấy mang tên "Đông - Tây". Đơn giản là nó nối hai phương của một thành phố. Con đường lớn, đẹp, lối đi hai chiều.
Kiến trúc Hà Nội - 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954-2024)

Kiến trúc Hà Nội - 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954-2024)

Baovannghe.vn - Kiến trúc Hà Nội - 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954-2024) là cuốn sách có giá trị tổng quan và sâu sắc về các chặng đường phát triển của kiến trúc, đô thị Hà Nội.
Trầm ngâm quê nhà- Thơ Nguyễn Văn Hòa

Trầm ngâm quê nhà- Thơ Nguyễn Văn Hòa

Baovannghe.vn- Tôi từ thương nhớ mà đi/ Vọng trong ngày cũ xanh rì chiêm bao/ Nam non ướt ngọn mưa rào/ Nồm già nứt vách chênh chao nếp nhà
Chiều đã Chạp - Thơ Nguyên Hậu

Chiều đã Chạp - Thơ Nguyên Hậu

Baovannghe.vn- Chầm chậm nhé trời chiều nay đã Chạp/ Người tha hương đã kịp về đâu/ Ai rửa phèn chua nhàu nhĩ áo nâu/ Rơi giấc phố tiếng dế ngày xa lắc