Văn hóa nghệ thuật

Thư gửi (hay là lời tự thú) của một hoạ sĩ trẻ

Tèo Phạm
Mỹ thuật
06:00 | 24/09/2024
Baovannghe.vn - Tôi học khoa Hội hoạ tại Đại học Mỹ thuật TP.HCM. Khoá của tôi có 40 người theo học, sau 5 năm, số sinh viên tốt nghiệp chưa đến 15 người.
aa
“Hay thôi tìm việc gì tử tế mà làm đi con.” Mẹ tôi thường nhắc nhở vậy mỗi khi tôi về thăm nhà. Ngay cả những người trong ngành cũng tỏ ra ngạc nhiên khi tôi giới thiệu mình là một người làm nghệ thuật toàn thời gian. Họ hiểu rằng, không hề dễ để theo đuổi nghệ thuật như một nghề nghiệp thực thụ tại Việt Nam, trừ khi gia đình thực sự có điều kiện.

Tôi học khoa Hội hoạ tại Đại học Mỹ thuật TP.HCM. Khoá của tôi có 40 người theo học, sau 5 năm, số sinh viên tốt nghiệp chưa đến 15 người. Rồi khi ra trường, may mắn lắm còn được 3 - 4 người làm đúng nghề. Thậm chí có những khóa, không một ai theo nghiệp sáng tác sau khi tốt nghiệp. Không hề có bất cứ ẩn dụ nào ở đây. Đó là thực tế. Ngành hội hoạ đào thải một cách khủng khiếp. Hầu hết mọi người đều chọn một phương án an toàn, làm một công việc nào đó có thu nhập ổn định thay vì cố đấm ăn xôi để ngồi trong xưởng vẽ tại gia để sáng tác. Dù vậy, khi trò chuyện với nhau, mọi người đều cảm thấy tiếc nuối vì không thể theo đuổi đam mê. Nhưng đam mê không thể làm cái bụng hết đói được.

Tôi là một trong một vài sinh viên tốt nghiệp cắm cố theo nghề. Sau khi quyết định nghỉ việc để chuyên tâm sáng tác, tôi đã bàn bạc với gia đình về quyết tâm của mình. Tôi muốn khởi nghiệp bằng sáng tác; gia đình sẽ hỗ trợ cho tôi không chết đói (đúng nghĩa đen) trong vòng 2 năm, như một khoản đầu tư. Sau hai năm, nếu không có kết quả, tôi sẽ chấm dứt đam mê để trở về làm một công việc khác thiết thực hơn. May mắn là tôi đạt được một vài thành công nhất định, đủ khả năng tài chính để trang trải cuộc sống, tiếp tục đầu tư vào nghệ thuật.

Giữa việc đòi hỏi một cường độ làm việc cao, người làm nghệ thuật còn phải có một tâm lý vững vàng trước những đòi hỏi khác để duy trì cuộc sống cũng như sáng tạo. Nghệ thuật chẳng có thước đo nào cụ thể cả. Nó là một nghề nhưng là nghề khó khăn. Điểm mấu chốt của công việc này là thị trường nghệ thuật ở Việt Nam còn quá nhỏ, tệp khách hàng ít ỏi và cảm tính. Bí mật cho những thành công nho nhỏ của tôi ở đây là: luôn coi làm nghệ thuật như một nghề sản xuất. Một khởi nghiệp mà ở đó người tạo ra nghệ phẩm phải đầu tư vốn: sản xuất sản phẩm - bán nó đi - tái đầu tư.

Thư gửi (hay là lời tự thú) của một hoạ sĩ trẻ
Hoạ sĩ Tèo Phạm. Ảnh: NVCC

Thị trường quá bé cho những con cá bé

Làm nghệ thuật là một nghề sản xuất, đừng để ai đó nói khác đi với bạn về điều này. Tuy vậy, sản phẩm nghệ thuật mang tính đặc thù cao, không giống như các mặt hàng thiết yếu khác. Tác phẩm nghệ thuật là một mặt hàng mà ở đó, người sản xuất (các nghệ sĩ) không theo nhu cầu thị trường mà là theo nhu cầu cá nhân. Việc chính của họ là làm sao thỏa mãn bản thân và truyền tải thông điệp qua các tác phẩm. Chính vì thế, nghệ thuật chỉ là thứ yếu trong nhu cầu chi tiêu của đại đa số người. Chỉ khi nào xã hội đã dư dả về vật chất thì lúc ấy họ mới quan tâm đến khía cạnh tinh thần, đặc biệt là nghệ thuật.

Một phần khiến cho việc khó lưu thông của tác phẩm nghệ thuật là giá thành. Thường thì một tác phẩm của một nghệ sĩ trẻ mới nổi có thể có giá bằng một chiếc iPhone đời mới (tất nhiên là chất lượng tác phẩm ở mức độ “chấp nhận được”). Chắc chắn đa số mọi người sẽ chọn mua iPhone thay vì một tác phẩm nghệ thuật, trừ khi họ đã có một chiếc điện thoại thông minh rồi. Vậy thì sẽ có người hỏi: Tại sao không bán rẻ hơn đi để có người mua? Dù có bán rẻ hơn, chưa chắc khách hàng đã cảm thấy được giá trị hợp lý để chi tiền. Chưa kể giá bán tác phẩm cũng phải tương xứng với thời gian lao động và tiền bạc của nghệ sĩ phải bỏ ra. Trung bình một họa sĩ trẻ phải vẽ khoảng 20-30 bức tranh mới có thể bán được bức tranh đầu tiên, nếu tính trung bình giá của một bức tranh so với thời gian lao động thì thật sự không hề cao.

Mấu chốt của vấn đề chính là giá trị nào để một người tin rằng mua một tác phẩm nghệ thuật là điều đúng đắn? Chúng ta có thể nêu ra vài giá trị như: giá trị trang trí, giá trị ý nghĩa, giá trị đầu tư, giá trị danh tiếng của người nghệ sĩ… Những giá trị đó đều mang tính cảm tính cao và yêu cầu người sưu tập có trình độ văn hóa và cảm thụ nghệ thuật nhất định - điều mà hệ thống giáo dục và văn hóa gia đình xây dựng nên.

Vậy làm cách nào để nghệ sĩ trẻ có thể kiếm thu nhập từ việc bán tác phẩm trong một thị trường nhỏ bé như vậy? Đây là câu hỏi khiến người làm nghệ thuật đau đầu. Các bậc tiền bối của tôi nói rằng hãy làm việc chăm chỉ, tham gia nhiều triển lãm để gây dựng danh tiếng trong giới; càng nhiều người biết bạn thì càng có cơ hội bán được tác phẩm. Nhưng chung quy lại những việc làm đó chỉ là để tăng thêm tỉ lệ may mắn cho bạn. Có thể bạn làm việc chăm chỉ, tích cực hơn những người khác nhưng chưa chắc bạn đã là người được chọn.

Dù gì đi nữa, bạn vẫn phải làm theo công thức của một ngành sản xuất: tạo ra sản phẩm, giới thiệu sản phẩm, bán sản phẩm. Chỉ có điều khâu bán sản phẩm phụ thuộc nhiều vào may mắn mà ông bà tổ tiên để lại cho bạn, đó là khi bạn là một người nghệ sĩ độc lập. Còn may mắn hơn, bạn có thể ký hợp đồng đại diện với một phòng tranh, nơi công việc bán tác phẩm không còn phải là mối bận tâm vì các gallery thường có tệp khách hàng riêng. Nhưng đấy vẫn chỉ là lý thuyết, vì thực tế hiện tại chúng ta đang ở trong một giai đoạn khó khăn về kinh tế và văn hóa, mà ở đó, chỗ đứng của nghệ thuật thị giác bị lung lay.

Nghệ thuật khó lắm, phải đâu chuyện đùa

Ngay thời điểm hiện tại, nghệ thuật thị giác đang đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là việc thị trường của nghệ sĩ trẻ có dấu hiệu của việc chững lại. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến điều này, từ vĩ mô như suy thoái kinh tế toàn cầu, giáo dục nghệ thuật cho đến việc người làm nghệ thuật còn gặp thách thức cạnh tranh với văn hoá giải trí nhanh, quy mô thị trường nghệ thuật “nhỏ bé” tại Việt Nam. Kể cả khi xem nghệ thuật như một ngành sản xuất, người nghệ sĩ vẫn có những lo lắng riêng.

Suy thoái kinh tế toàn cầu và bất ổn chính trị có lẽ là nguyên nhân chủ chốt. Vì nó mà con người phải thay đổi hành vi tiêu dùng, không còn dư dả vật chất để mua sắm những thứ có giá trị cao. Thay vào đó, họ sẽ chú trọng vào tích lũy hoặc chi tiêu vào những mặt hàng có tính ứng dụng hơn. Tác phẩm nghệ thuật độc bản khó có thể là lựa chọn đầu tư vì đòi hỏi sự lưu trữ đúng cách, mang lại nhiều rủi ro cho nhà đầu tư trong tình hình chính trị bất ổn.

Văn hóa giải trí nhanh không chỉ gây áp lực cho nghệ thuật thị giác mà còn cho nghệ thuật nghiêm túc nói chung. Nó khiến khán giả hiện đại mất đi sự kiên nhẫn để thưởng thức một tác phẩm. Nhiều người sẽ chọn bỏ một giờ để lướt TikTok một cách vô thức hơn là dùng một giờ đó đi xem triển lãm nghệ thuật. Dù số lượng người đi triển lãm ngày càng tăng, nhưng số người thực sự tới để thưởng thức nghệ thuật vẫn không nhiều.

Giáo dục nghệ thuật là cốt lõi để phát triển văn hóa tôn trọng và thưởng thức nghệ thuật từ nhỏ. Ở nước ta, việc giáo dục nghệ thuật từ nhỏ vẫn còn là điều xa xỉ, nên chúng ta không thể trách những người lớn lên với nền giáo dục như vậy có cái nhìn tôn trọng với nghệ thuật được. Xét ở mặt tích cực thì hiện nay những cơ sở giáo dục đã chú trọng tới việc trải nghiệm và giáo dục nghệ thuật ở nhiều cấp độ.

Dù đã có nhiều tổ chức nghệ thuật và không gian mới ra đời, rất ít trong số đó được đầu tư đúng mức. Tuổi đời của các không gian nghệ thuật tương đối ngắn khi được đầu tư ồ ạt theo xu hướng. Rất nhiều nơi chỉ mở lên vì mục đích khác chứ không phải để đầu tư phát triển nghệ thuật. Một số tổ chức có cố gắng tổ chức sự kiện hoặc chương trình lưu trú nghệ thuật, nhưng mức đầu tư còn quá nhỏ để thu hút nghệ sĩ trẻ.

Trong thời đại truyền thông quan trọng ở mọi ngành nghề, nghệ thuật thị giác vẫn gặp khó khăn với lối truyền thông cũ. Nhiều người vẫn có suy nghĩ cố hữu rằng nghệ thuật là một thứ hàn lâm và khó tiếp cận. Các tổ chức nghệ thuật và truyền thông nghệ thuật thường chọn định vị phân khúc cao, khiến nghệ thuật khó tiếp cận với đại đa số. Do đó, nghệ thuật vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của truyền thông trong thời đại thông tin hiện nay.

Tèo Phạm | Báo Văn nghệ

----------

Bài viết cũng chuyên mục

Phát triển mạnh mẽ, vững chắc nền Văn học, Nghệ thuật Nghĩ về sáng tác và phê bình Nghệ thuật dân gian của người Quảng Tự sự lịch sử từ góc nhìn tư duy nghệ thuật 650 tác phẩm VHNT tham gia cuộc vận động sáng tác 50 năm thống nhất đất nước
Gạch nối Sơn Tây - Thơ Nguyễn Quang Hưng

Gạch nối Sơn Tây - Thơ Nguyễn Quang Hưng

Baovannghe.vn- Sông Hồng đi qua xứ Đoài/ Vác theo vùng trời vỡ rạn/ Đường trung du mốc trắng/ Xanh bãi bờ gọi niềm trai tráng
Chiếc bình đựng ký ức. Truyện ngắn của Dương Nữ Khánh Thương

Chiếc bình đựng ký ức. Truyện ngắn của Dương Nữ Khánh Thương

Baovannghe.vn - Mộc cười tự tình với trăng. Trăng chảy ướt đầm vai áo Mộc. Từng sợi trăng vút mềm tao nhã như đổ ra loang mềm trong ánh nhìn bượt bã của nàng.
Bài thơ "Mẹ ngồi tựa cửa" của Hải Thanh

Bài thơ "Mẹ ngồi tựa cửa" của Hải Thanh

Baovannghe.vn - Hình ảnh Lá rơi... lại tưởng bước chân ai về đã được nhắc đến trong thi ca khá nhiều. Nói cũ thì cũng đúng. Nhưng không hiểu sao với bài Mẹ ngồi tựa cửa của nhà thơ Hải Thanh, tôi lại không nỡ nghĩ như vậy.
Với người được tặng nhiều sách - phỏng vấn của Vũ Thị Hân Hoan

Với người được tặng nhiều sách - phỏng vấn của Vũ Thị Hân Hoan

Baovannghe.vn - Quả thực cô hỏi thế tôi cũng khó trả lời. Có lẽ các nhà văn, nhà thơ tặng sách cứ nghĩ rằng, ở cương vị lãnh đạo tôi là người ham đọc sách, nên họ ra sức tặng
Thời tiết ngày 6/10: Đà Nẵng đến Bình Thuận chiều tối có mưa rào và giông rải rác

Thời tiết ngày 6/10: Đà Nẵng đến Bình Thuận chiều tối có mưa rào và giông rải rác

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời tiết ngày 6/10: Hà Nội sáng sớm có sương mù. Đà Nẵng đến Bình Thuận chiều tối có mưa rào và giông rải rác.