Thao cố ý về làng lúc chiều muộn. Gã dựng xe ở dốc đê, ngay bên cạnh có một bãi rác tự phát ngổn ngang. Gã xăm xăm bước xuống con đường nhỏ giữa những khoảnh ruộng đã nhuộm vàng. Cảm giác dưới chân nhẹ hẫng êm ái đến xa lạ, gã nhìn xuống đôi giày màu nâu bóng, cúi xuống cởi từng chiếc rồi quay trở lại nhét chúng vào chiếc túi bóng đen treo bên hông xe. Đôi giày ấy Linh Vân mới tặng gã tuần trước sau chuyến đi Đài Loan. Gã chẳng hiểu mình làm thế vì sợ xước xát đôi giày đẹp hay vì suy nghĩ “không nên dính dáng gì đến đàn bà khi làm việc đại sự”. Gã nhếch mép cười một mình.
Minh họa Đặng Tiến |
Gã không đi theo con đường nhỏ giữa đồng mà hấp tấp đi tắt ngang qua những thửa ruộng vừa gặt. Gốc rạ còn mới, trơ cứng khiến chân gã nhói rát. Nhiều nhà đã dồn điền đổi thửa để thuận tiện cho việc canh tác, những bờ lúa nhỏ không còn nên gã không định hình được thửa ruộng nhà mình ở đâu trong bạt ngàn những sóng lúa óng vàng. Thửa ruộng gắn với thủa thiếu thời lam lũ của gã cách đường đê sáu trăm ba mươi tám bước chân. À, đấy là bước chân của cậu choai mười bốn tuổi. Mười tám tuổi, trước hôm đi nhập trường cao đẳng sư phạm, hai anh em ra ruộng cắt cỏ rệ bờ, gã đã hào hứng tuyên bố với em trai: “Từ mai anh chính thức thoát li đồng ruộng, nhường hết lại cho chú mày.” Chiều muộn, mẹ bảo hai anh em về trước, mẹ ở lại be nốt góc bờ cuối chân ruộng. Trong tâm trạng hào hứng, gã chợt nghĩ ra việc đếm bước chân. Chỉ còn sáu trăm mười bốn bước. Lên đến bờ đê, gã thở phào đắc ý, quay đầu lại thấy bóng mẹ trong chiếc áo nâu nhỏ thó gầy guộc như một vệt lá khô phơ phất giữa mênh mông mướt xanh của lúa đương thì con gái.
Giờ thì vội vã nên Thao quên mất việc đếm bước chân. Lẽ nào lại quay ngược lên đê và đếm lại? Thực ra thì gã có thể nhờ thím Huê dẫn đi, hoặc đến anh nhà trưởng thôn để xem bản đồ khu ruộng nhà mình. Nhưng gã muốn một mình thực hiện việc này. Không hẳn là vì muốn giữ bí mật, mà cái cảm giác một mình khám phá kế hoạch luôn tạo cho gã sự hào hứng thăng hoa rất lạ. Bước chân tuổi mười tám đánh dấu sự trưởng thành, chắc nịch nhất, dài nhất có thể. Qua tuổi mười tám, người ta phải bước vội vàng hơn, bước chân cũng ngắn hơn. Người ta không thể bình thản bước lại quãng thanh xuân phơi phới nữa. Muốn nhanh, lại phải đi tắt.
Gã nhớ hình như đầu ruộng nhà mình có một gốc cây dâu. Gã căng mắt nhìn. Kia rồi, cái gốc cây dâu mà ngày xưa mẹ vẫn buộc trâu lúc nghỉ. Gốc cây cằn cỗi, cành lá chẳng bao giờ có cơ hội vươn tỏa vì mẹ sợ vạt lúa đầu bờ sẽ cớm nắng nên lúc nào cũng xén gọn. Vậy mà thi thoảng cây vẫn trổ ra vài chùm quả sát gốc đủ để anh em gã hào hứng vượt qua cơn khát giữa trưa. Có những thứ hiếm hoi nảy lên từ cỗi cằn như thế lại khiến người ta nhớ như ghim vào lòng. Mấy sào lúa ấy từng nuôi ba anh em gã nên người. Từ một giáo viên dạy sinh hoá, gã lấy cô vợ kém hai tuổi nhưng nặng hơn mình ngót hai mươi kí, là con của một vị quan chức quảng giao, nhờ thế mà gã có cơ hội rẽ ngang sự nghiệp, giã từ phấn trắng bảng đen, dấn bước vào con đường chính trị bắt đầu từ chức bí thư huyện đoàn rồi thuyên chuyển qua vài vị trí. Chưa có vị trí nào làm gã thỏa mãn nhưng bà mẹ già thì hồ hởi đi khoe khắp làng trên xóm dưới. Mẹ gã đâu biết đứa con trai mà bà tự hào ấy đã có lúc phải cắn răng nuốt sĩ diện vào trong, thậm chí phải mang cái bản năng đàn ông trầy trật đặt vào nơi “trái quy luật” để tìm hướng đi mới cho mình. Đã nhiều lần trong những cuộc khách khứa cùng bố vợ, trong cơn say bồng bềnh, gã rút xoạt xấp tiền nhét vào cái khe ngực ngồn ngộn lắc lư trong tiếng reo hò khả ố, tiếng cụng li chan chát, ngả ngớn, buông tuồng. Xấp tiền ấy có giá bằng mấy tấn lúa nhưng không quy đổi ra được bao nhiêu giọt mồ hôi, bao nhiêu mưa dầm nắng cháy. Gã nghĩ rằng cái gì mà chẳng phải đánh đổi, nhất là những khát vọng đổi đời.
Trong mấy đứa trai gái dâu rể thì có lẽ gã được lòng bố vợ nhất bởi luôn nhún nhường, biết nói những câu mát lòng và biết im lặng khi cần thiết. Gã học được từ bố vợ những bí quyết gây dựng các mối giao hảo, phải khiêm tốn nhã nhặn với độ chân thành cần thiết nhưng cũng phải thật tinh ý nhận ra những con dao hai lưỡi để mà biết tạo cho mình đường lui. Từ việc nắm rõ sở thích thói quen của từng người đến việc ghi nhớ các ngày trọng đại như giỗ chạp, sinh nhật, mừng thọ, gã đều rất tinh nhạy và chu đáo. Đặc biệt, gã tình nguyện làm gia sư môn toán cho Linh Vân, cô con gái rượu của ông bà Vương Loan, chủ một doanh nghiệp bề thế của tỉnh, là chỗ thân tình chí cốt với bố vợ. Cô bé kém gã tám tuổi, đã ba lần thi trượt đại học. Lửa chỉ mới gần rơm được vài tuần, thi thoảng bắt gặp ánh mắt lúng liếng của Linh Vân, gã vừa tỏ vẻ lịch sự giữ khoảng cách lại vừa ngấm ngầm gieo vào trái tim cô bé những ảo vọng. Biết là dễ đứt tay đấy nhưng gã lại thích thú với sự mạo hiểm và tin vào sự tinh ranh của Linh Vân. Để rồi sau khi Linh Vân thi đỗ trường cao đẳng quản trị kinh doanh thì gã được cô bé công khai nhận là “anh kết nghĩa”, được ông bà chủ coi như người nhà. Vài ba tuần, gã lợi dụng xe cơ quan, rông lên trường đón cô bé về nghỉ thứ bảy chủ nhật, trên đường về ghé qua một khách sạn nhỏ nào đó để cô bé nghỉ cho đỡ say xe rồi mua tặng cô những bộ váy áo có giá bằng cả tháng lương giáo viên trước kia của mình. Vợ gã vài ba lần bóng gió ghen tuông, gã bao biện thanh minh: “Em đã nghe câu ‘con thầy vợ bạn’ chưa? Hơn nữa gia đình đó lại là chỗ giao hảo của ông ngoại, đừng có nghĩ linh tinh mà hỏng việc.”
Hình như bố vợ gã cũng manh nha đoán được mối quan hệ “anh em kết nghĩa” của gã với Linh Vân, nhưng ông ta cứ lờ đi, biết đâu còn coi gã là một quân tốt cũng nên. Có lần nghe bà Loan phàn nàn rằng con bé Linh Vân mải chơi quá, ông ấy còn tỏ ra thân tình: “Cô cứ để cho thằng Thao động viên khuyên nhủ em nó, bọn trẻ chúng nó nói chuyện với nhau dễ nghe hơn là cánh già mình áp đặt giáo điều.” Thi thoảng ông bố vợ vẫn cười nhạt đưa đẩy, nửa như răn đe lại nửa như thanh minh: “Đàn ông thời này phải quảng giao nhưng cần có bản lĩnh làm chủ cuộc chơi, phải biết cân bằng để trong ấm ngoài êm, ấy mới là thượng sách.”
Trong một cuộc rượu, chẳng biết vô tình hay cố ý thăm dò tâm tư của gã, ông bố vợ nói về ý định trước khi nghỉ hưu sẽ xin dự án thành lập công ty chế biến nông sản ở ngay xã của gã. Cái xã thuần nông bờ xôi ruộng mật, vừa canh tác vừa chế biến, mua tận gốc bán tận ngọn, phải biết tận dụng thời thế, chớp thời cơ mà phát triển. Trên danh nghĩa thành lập công ty chế biến, dự án sẽ cắt ra một nửa diện tích làm nhà ở công nhân nhưng rồi nấn ná sẽ xin chuyển đổi mục đích sử dụng. Gã nghe mấy lời úp mở ấy của ông bố vợ mà vui như mở cờ trong bụng.
Cái thằng Đoàn “hâm”, em vợ gã, thì khù khờ chỉ đâu đánh đấy, an phận làm công chức nhà nước nhưng lại lấy được cô vợ lọc lõi khôn ngoan. Đôi ba lần đi ăn uống với đám doanh nghiệp loi nhoi dựa hơi bợ đỡ, trong cơn say lơ mơ có người nói bóng gió về mối quan hệ giữa bố vợ gã với Xuân, chuyên viên Phòng Tài chính huyện, chị gái của Khanh, cô em dâu sành sỏi. Gã giả tảng say mà ậm ờ, chẳng ra đồng tình không ra phản đối, cũng chẳng cần nhả lời thăm dò. Thực ra chuyện ông bố vợ dan díu với Xuân, gã đã nghe phong thanh từ trước khi Khanh về làm dâu. Biết đâu Khanh chấp nhận lấy Đoàn “hâm” vừa được tiếng làm dâu hào môn, vừa xoa dịu bà mẹ chồng đồng bóng để chị gái mình dễ bề “đào mỏ”. Xuân là một “single mom”, lúc nào phơi phới tràn trề năng lượng, làm ở huyện nhưng nhắc đến ông to bà lớn nào ở trên tỉnh cũng ra chiều thân quen lắm. Mà trong mối quan hệ này chẳng biết được ai là thóc ai là gà. Phận làm rể, nghe thế biết thế, chẳng nên tọc mạch quá sâu vào bức tường vững chãi mình đang tựa lưng vào. Ông anh đồng hao của gã cũng học hành bằng cấp hẳn hoi, đam mê kinh doanh nhưng vốn tính bốc đồng cả thèm chóng chán, sau mấy phi vụ làm ăn đổ bể, sinh ra bất mãn, trong mắt nhà vợ chỉ còn là kẻ bán trời không văn tự, lần nào có giỗ chạp tụ tập cũng mượn rượu cà kê nói cạnh nói khoé hết người này đến người khác, dần dà hoá thành cô độc giữa đám anh em đồng trang lứa. Gã biết đó chính là nước cờ vừa thủ vừa công của mình.
Bên này đường là công ty chế biến nông sản. Bên kia đường là khu đất giãn dân. Tất cả nằm gọn trong quy mô diện tích cánh đồng của thôn Thượng. Đó là một trong những dự án còn nằm trên giấy nhưng lại rất khả quan. Con đường liên tỉnh thì đã có bản quy hoạch chuẩn bị trình ủy ban để xúc tiến việc giải phóng mặt bằng. Đường phải có trước thì mới thu hút được các dự án, công ty nhà máy mới có cơ hội mọc lên. Tất cả bản đồ quy hoạch đều nằm trong tay ông bố vợ. Ông già khôn róc đời ấy còn muốn tính đường làm ăn cho cả thế hệ cháu chắt. Cái người luôn cười nửa miệng có khi đề phòng cả với con ruột huống gì con rể. Nhưng có ai nắm tay được cả ngày tới sáng, càng đề phòng lắm có khi lại càng hớ hênh nhiều bởi vì cứ chủ quan ngộ nhận vào khả năng thét ra lửa của mình. Trái chín ắt thơm nhưng bên trong biết đâu đang nẫu dần. Âu cũng là quy luật.
Gã rủ ông anh đồng hao đi uống rượu ở quán lá ven đê, hẻo lánh và kín đáo. Gã thì thầm: “Lần này anh cứ nghe em. Con Khanh khôn ranh lọc lõi nhưng cũng rất sĩ diện. Cỡ như nó vơ đâu chẳng được thằng chồng tử tế, nó chịu lấy thằng Đoàn ‘hâm’ nhà mình cũng là một cách tiến thân. Chị em nó là con át chủ bài của anh em mình trong kế hoạch lần này. Anh hiểu không?” Ông anh đồng hao ngà ngà say, lại nghe vài lời khích bác, trời cũng bằng vung huống hồ mấy đứa em vợ hãm tài lại hay lên giọng dạy đời.
Và rồi chỉ bằng vài tấm ảnh, mấy đoạn video rõ cả hình lẫn tiếng được gửi vào zalo của ông bố vợ từ một tài khoản lạ. Rồi bằng thái độ nhún nhường chân thành mà lại đường mật mánh khoé, gã ỡm ờ nhả lời với bố vợ. Một cuộc thương lượng ngấm ngầm diễn ra qua những ánh mắt, những điệu cười nhếch mép cầu tài. Nước cờ vừa thủ vừa công ấy của gã bước đầu đã có tác dụng, còn tiến thoái như thế nào là do gã lựa thời cơ. Để rồi trong dịp tụ họp cuối tuần, ông già cho gã xem bản đồ quy hoạch dự kiến, miệng hỉ hả nói cười, rằng tin tưởng anh lắm, rằng hậu sinh khả uý, mong anh chắp nối cơ đồ cho con cháu tôi nó mở mày mở mặt. Nhưng quay đi thì ôm đầy bụng tức. Hừ, chưa qua được sông đâu, tao gây dựng được tao đạp đổ được, cỡ khố rách áo ôm chúng mày đừng hòng giở thói du côn. Cô em dâu lọc lõi sành sỏi không còn ngồi đối diện vừa giũa móng tay vừa xen ngang như mọi lần mà cứ lượn qua lượn lại, lúc thì châm thêm cữ trà, lúc lại bưng ra đĩa hoa quả để nghe ngóng ông anh rể và bố chồng chúi đầu thì thụt bên tờ giấy A0 dày đặc hình vẽ kí tự, mặc kệ bà chị chồng béo ục ịch đang chổng mông nhóm lò nướng thịt ngoài góc sân. Thi thoảng có những ánh mắt xẹt ngang, đề phòng, nghi hoặc. Có cả cái bặm môi, nghiến răng cố nén nữa. Gã biết hết nhưng vẫn tỏ ra hoan hỉ, gật gù tán dương…
Sáu trăm mười bốn bước chân. Có thể xê dịch mươi bước trong khoảnh làm hành lang cũng không sao. Cái quan trọng là nắn chỉnh được quy hoạch để ruộng nhà gã nằm hẳn trong khuôn viên dự án đất giãn dân chứ không phải nằm trong diện tích của công ty chế biến, cũng không ăn trúng con đường liên tỉnh chạy qua. Thửa ruộng ba sào sáu ấy là mấy suất đất 03 của ba anh em gã. Bên cạnh là thửa ruộng nhà thím Huê, diện tích cũng xấp xỉ như vậy. Với danh nghĩa là con liệt sĩ, mẹ gã và thím Huê sẽ có ưu thế khi thương lượng với ban quản lí dự án. Chẳng cần dùng đến vốn kiến thức hình học trước kia, chỉ cần nhét chiếc phong bì dày dày cho tay Soái, trợ lí của ông bố vợ, thì việc nắn chỉnh các phân khúc dự án bám theo trục đường liên tỉnh này về cơ bản sẽ theo ý gã.
Sáu trăm mười bốn bước chân. Gã đứng trên một cái gò cao nhất, lia mắt ra bốn phía và lẩm nhẩm. Những con số, những kí tự cứ nhảy nhót trong đầu. Trước khi ông bố vợ hạ cánh an toàn sẽ có trọng trách vận động sự ủng hộ của bạn bè chiến hữu để gã có thể củng cố thêm một nấc thang vững vàng hơn trên con đường tiến thân, và nhất là để gã có được số cổ phần tương đối trong công ty chế biến nông sản. Đời bố làm chính trị cho đời con làm kinh tế, ấy là thuận quy luật. Ông già chấp nhận lui về hậu trường. Không thuận tình không được. Không chỉ vì mấy bức ảnh và cái video ấy, mà suy cho cùng, trong mấy đứa con cả trai gái dâu rể, thì chỉ có gã là đủ độ sáng láng tin tưởng. Gã tự tin về điều đó. Lọt sàng xuống nia, có đi đâu mà thiệt.
Những ruộng lúa này khi được chuyển đổi mục đích sử dụng sẽ hóa thành những lô đất có giá trị. Dù có phải cắt đầu cắt đuôi cho chi phí bôi trơn thì gã cũng được món kha khá để xoay qua đầu tư cổ phần vào công ty chế biến. Phần của em trai và em gái, gã sẽ nhắm cho mỗi đứa một lô đất ngay đối diện công ty chế biến nông sản, chỉ bán trà đá xôi chè cho cánh công nhân cũng đủ sống. Còn diện tích ruộng của mấy mẹ con thím Huê, gã chỉ cần trả giá cao hơn mức dự án đền bù thì vừa được việc của mình lại vẫn được tiếng giúp đỡ người thân ruột thịt. Thím Huê chỉ có hai đứa con gái sinh đôi mới học xong đại học, đang vất vưởng trên Hà Nội, một đứa vẫn bạc mặt đi làm gia sư, một đứa thì chật vật ôn thi để học lên thạc sĩ. Hai đứa đều quyết tâm lập nghiệp ở đó chứ không về quê. Gã cứ làm cho mỗi đứa một cái sổ tiết kiệm coi như làm của hồi môn. Hai ông bố mất sớm, quyền huynh thế phụ, họ hàng lại chả tấm tắc khen vì có ông anh trai giỏi giang chu đáo.
Tất cả mọi dự tính, mọi đường đi nước bước cứ hiện lên trong tâm trí gã trùng trùng lớp lớp như những đợt sóng hoan ca. Gã tạm quên đi cái cảm giác rát mặt khi có ai đó cố tình cạnh khóe rằng gã bợ đỡ dựa hơi nhà vợ nên mới xênh xang như thế chứ nguồn gốc bần nông thì cũng vẫn chỉ là hạt lúa củ khoai mà thôi.
Những bước chân hào hứng đo đếm.
Những con số nhảy nhót trong đầu.
Cảm giác hãnh diện hân hoan ngập tràn khi đi đến đâu cũng được dân làng chỉ trỏ ca ngợi xôn xao “một người làm quan cả họ được nhờ”, đến chơi nhà họ hàng nào cũng được đón tiếp trọng thị.
Tương lai xán lạn của con cái ở một đất nước văn minh…
Đang ngập chìm trong niềm hào hứng, điện thoại chợt réo rắt trong túi, gã móc ra xem, là của vợ. Hừ, chắc lại kiểm tra xem có đúng gã về quê hay không đây mà. Gã bấm nút im lặng rồi đút vào túi. Lại réo. Lại tắt. Lần thứ tư thì có tin nhắn: “Anh về ngay, bố bị đột quỵ.”
Ông bố vợ bị đột quỵ khi đang đi “công tác” ở Hải Phòng. Nói với vợ con là đi cùng đoàn khảo sát dự án nhưng lúc xảy ra chuyện thì chỉ có cô Xuân ở bên cạnh. Cũng may cô Xuân là người giàu kinh nghiệm, xử lí nhanh nhạy kịp thời nên chưa đầy hai giờ sau ông già đã được đưa đến phòng cấp cứu của bệnh viện Hà Nội. Các con túc trực đầy đủ, chỉ dặn nhau không được để cho mẹ biết bố đi cùng cô Xuân.
Đúng là “người tính không bằng trời tính”. Tưởng rằng đã có “thiên thời địa lợi”, chỉ còn khéo thu vén đợi “nhân hòa” nữa thôi, thế mà đổ bể hết cả. Ông bố vợ gã nằm bệnh viện gần hai tháng thì được bác sĩ cho về nhà tập vật lí trị liệu. Thân hình phốp pháp bệ vệ trước kia giờ gầy tóp lại, miệng méo xệch, tiếng nói sang sảng uy lực thay bằng những tiếng ú ớ bất lực. Lại là cô Xuân khéo léo hứa sẽ lo được thủ tục để ông thuộc diện tinh giản biên chế, về hưu sớm với chế độ trợ cấp “một cục”, coi như được một khoản dưỡng già. Sự đời phù thịnh chứ ai phù suy. Ngay sau biến cố của ông già, quy hoạch cán bộ thay đổi cơ bản. Tay Soái trợ lí bằng cấp đầy người nhưng chưa đủ độ nhanh nhạy thực tế nên bị lép vế. Gã sếp phó lên nắm quyền. Cơ cấu thay đổi, dĩ nhiên bản đồ quy hoạch của dự án cũng thay đổi theo. Đúng là cái gì còn ở trên giấy thì rất mong manh. Con đường liên tỉnh không chạy qua cánh đồng thôn Thượng nữa mà được nắn chỉnh từ địa phận ở mấy xã trên và đi qua thôn Trung, vì nếu qua thôn Thượng sẽ phải giải phóng một phần khu nghĩa trang nhân dân, vấn đề tâm linh sẽ ảnh hưởng đến việc thương lượng đền bù và tiến độ thi công. Điều đó khó khăn hơn việc san lấp mấy cái đầm sen ở thôn Trung. Và tất nhiên chẳng còn công ty chế biến nông sản hay khu đất giãn dân nữa. Thay vào đó là dự án nhà máy xử lí rác thải. Đó là một dự án ưu thế thiết thực hơn vì có thể giải quyết vấn đề môi trường cho cả cụm công nghiệp trong tương lai nên được sự đồng thuận đa số. Trong quá trình đô thị hóa nông thôn, môi trường phải được quan tâm hàng đầu nếu không sẽ gây ra nhiều bất cập ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân.
Cơ quan họp công bố việc điều chuyển nhân sự sau khi có chủ trương sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp huyện. Sau cuộc họp căng thẳng, gã không về nhà ngay mà dạt vào một quán nhậu. Trời oi nồng. Vại bia mát lạnh tràn bọt li ti mà sao gã thấy đắng nghét. Bóc củ lạc bỏ tọt vào miệng thì vớ phải một hạt thối khoẳm. Gã bực dọc nhổ phì phì, toan gọi chủ quán ra mắng nhưng thấy xung quanh đông người nên cố kìm lại. Gã gọi điện thoại rủ “em kết nghĩa” cuối tuần đi Hạ Long xả stress. Giọng Linh Vân ráo hoảnh: “Cuối tháng em theo chồng về Đài Loan rồi. Giờ đang lo thủ tục rối cả lên đây.”
Gã thở hắt ra, toan chửi thề. Phù phiếm thật. Mới đây thôi còn leo lẻo nói rằng những rung động đầu đời là những điều ghim vào tim sâu chặt nhất. Mới đây thôi còn là chỗ thân tín giao hảo, những lời hứa về “một vị trí tiềm năng” tưởng như vừa thì thầm nóng hôi hổi. Vậy mà mới thấy gã thất thế đã vội quay lưng. Đến ngay kẻ bất tài vô dụng như ông anh đồng hao giờ cũng quay sang vỗ vai: Không cố được thì đừng cố, leo lên lưng cọp rồi muốn ngồi yên hoặc ngoi lên tiếp mới khó chứ muốn xuống thì cứ nhảy đại xuống, chấp nhận sây sát sĩ diện và thiệt hại chút kinh tế thôi.
*
Gã lên bệnh viện thăm mẹ. Mới có mấy hôm mà bà cụ gầy rộc. Căn bệnh viêm đa khớp lại thêm những biến chứng tiểu đường khiến sức khỏe của mẹ giảm sút rõ rệt. Thấy gã vào, mẹ cố gượng ngồi dậy, cặp mắt đục mờ đờ đẫn, đôi môi khô nứt nẻ nhệch nhạc: “Hôm trước mẹ thấy chị Thư vào đây than vãn rằng thằng Phú thằng Quý dạo này ngang bướng khó bảo lắm, mà anh thì cứ ngằm ngặp công việc tối ngày. Đừng có tham bát bỏ mâm con ạ.” Tiếng mẹ vẫn lào phào như gió thoảng mà thao thiết rưng rưng. Những lần trước khi nghe mẹ nói câu “tham bát bỏ mâm”, gã luôn thấy gợn lên một nỗi bực dọc vô cớ. Vậy mà giờ nghe sao lại xa xót thế. Gã đặt lọ sâm nước vào bàn tay khô gầy của mẹ: “Mẹ uống thêm cho chóng khoẻ để còn về trông hai thằng cháu đích tôn hộ con nhé.” Câu nói như một cử chỉ bật công tắc cho nỗi sốt sắng muôn thuở, mẹ nắm lấy tay gã lắc lắc: “Ừ nhé, anh cho mẹ về xem nhà cửa ruộng vườn thế nào. Nằm ở đây mà sốt hết cả ruột. Lúa cấy muộn thì ít nữa lại chỉ béo chuột thôi. Mẹ về quê vài ngày rồi lại lên nhà anh để còn giục thằng Phú thằng Quý ăn uống học hành đúng giờ...”
Bà mẹ già cả đời lam lũ lúc nào cũng chỉ mong có thửa ruộng trĩu bông óng vàng không bị chuột phá. Già cả ốm yếu thế nhưng các con khuyên can mãi bà mới chịu bán khoán khoảnh ruộng màu còn mấy sào ruộng cấy thì giữ lại bằng được dù tiền thuê cấy thuê gặt ngang với tiền mua thóc. Bà trữ thóc trong chiếc hòm tôn lớn, thi thoảng có máy xát gạo đi ngang thì lại hì hụi mang ra xát để gửi cho cháu nội cháu ngoại được ăn gạo sạch. Người phụ nữ tảo tần ấy chỉ cần nhìn thấy những điều trước mắt, là gạo đầy cơm trắng, là con cháu béo khỏe đề huề, đơn giản và thiết thực chứ đâu viển vông như gã. Cầm bàn tay khô gầy và nhìn vào đôi mắt đục mờ của mẹ, gã thấy những toan tính bon chen bỗng nhiên tan loãng.
Chiều nhạt nắng. Gã chạy xe chầm chậm trên con đê thông thốc gió. Bên tay phải là cánh đồng bãi bồi ngút ngát dong riềng, chiếc phà ì ầm qua lại hai bên bờ sông Hồng nhả những vệt khói xám ngắt bện vào hoàng hôn. Bên tay trái là cánh đồng thôn Thượng, lúa vụ mùa đã bén rễ lên xanh. Trên những thửa ruộng xa xa, bóng dáng lom khom cần mẫn của mấy người nông dân đi cắt cỏ rệ bờ khiến gã lại tưởng tượng ra vóc dáng nhỏ thó của mẹ trong chiếc áo nâu như một vệt lá khô phơ phất giữa mênh mông xanh mướt.
Đã bao lâu rồi gã mới có khoảng lặng để nhìn những kí ức cuộn lên trong chiều chạng vạng, mới có những phút giây bình thản ngẫm về những điều từng làm mình điêu đứng. Bấy lâu nay gã vắt kiệt mình trong những hào nhoáng phù du giờ mới nhận ra những gì vốn dĩ không thuộc về mình thì dẫu có hao tâm tổn sức cũng chỉ chuốc về cay đắng. Có lẽ phải trải biến cố thì người ta mới biết sợ những tháng năm phù phiếm, và chờ ai đó cũng biết sợ như mình để cùng dừng lại. Những giông gió cuộc đời sẽ cuốn bớt đi toan tính mưu mô, chỉ còn gốc rễ thiện lương bình tâm ở lại. Giống như những khóm lúa xanh mướt kia ngày ngày vẫn âm thầm vươn lên từ bùn đất để kết sữa tạo hạt cho đời, chẳng cần biết có những bản quy hoạch nghiệt ngã âm thầm hủy diệt cả lương tri…
Suốt bao nhiêu năm cuốn theo guồng xoáy hư vinh, hôm nay gã chợt tìm thấy bình yên ở ngay trong đáy mắt mình.
Gã chợt nhớ hôm trước trong cuộc họp, có vị đề xuất gã tham gia vào Ban dự án nhà máy xử lí rác thải. Lúc ấy gã chỉ gượng cười đưa đà, bấm bụng nuốt cục tức vào trong. Giờ ngẫm lại, gã thấy họ cũng có lí. Dù gì gã cũng được tiếng nhanh nhẹn hoạt bát, lại học Hóa Sinh ra, thế là phù hợp. Nhưng gã nghĩ mình cần phải có thời gian lắng lại để dọn rác của tâm hồn mình và sắp xếp quy hoạch lại nó đã.