Nếu đã lựa chọn con đường nghệ thuật, thơ ca, nhạc họa, múa hát… thì coi như đã chấp nhận cuộc sống không hề khá giả. Có mấy ai lấy con đường nghệ thuật để tiến thân. Riêng trong hội hoạ, nếu theo con đường trừu tượng thì rõ là chấp nhận một đời sống riêng. |
Bắt đầu vẽ tranh hiện thực như bao họa sĩ khác nhưng Trần Vĩnh Thịnh (sinh năm 1976) không thấy thỏa mãn ở miền đất này với những khát vọng tìm kiếm, khám phá của bản thân. Vì thế, ngay từ những ngày đầu theo học mỹ thuật, anh đã ý định theo đuổi dòng tranh trừu tượng. Vào những năm chín mươi thế kỷ trước, khi thông tin còn chưa nhiều như bây giờ, những trang sách, bài báo, các postcard về tranh trừu tượng còn khá hiếm hoi. Khi bắt gặp những tài liệu về tranh trừu tượng, đó là một niềm sung sướng đối với Trần Vĩnh Thịnh. Từ đó, gợi lên trong chàng sinh viên những tìm kiếm, kể cả nhịn ăn để dành tiền mua họa phẩm, mua vật liệu về làm thử. Nhiều lần vẽ bất thành, hư hỏng phải vứt đi, cũng như tốn kém không ít tiền bạc nhưng đối với người hoạ sĩ trẻ lúc bấy giờ, đó là những thử nghiệm và kinh nghiệm đáng nhớ để mở đường cho hướng đi sau này.
|
Ngay năm 1998, khi mới hơn hai mươi tuổi, Trần Vĩnh Thịnh đã có triển lãm cá nhân đầu tiên tại Nhà Văn hóa Thông tin Thành phố Nha Trang. Những điều mới mẻ, những khám phá riêng trong những tác phẩm lần đầu triển lãm đã gây được chú ý trong dư luận với đủ cả lời khen, tiếng chê. Từ đó, họa sĩ quyết định đi theo cách riêng của mình, thực hành hội họa trừu tượng miệt mài qua bao nhiêu năm thăng trầm. Anh ăn ngủ, sống cùng với trừu tượng, dù nhiều lúc “kiếm cơm” bằng vẽ trừu tượng là không hề dễ dàng.
Từ đó đến nay, ngoài các triển lãm nhóm thường xuyên hàng năm ở cả hai miền Nam - Bắc, họa sĩ Trần Vĩnh Thịnh còn thực hiện 5 triển lãm cá nhân. Đáng mừng là triển lãm nào cũng gây được sự quan tâm của cộng đồng yêu hội hoạ, đặc biệt là ở nhóm hoạ sĩ theo trường phái trừu tượng tại Việt Nam. Từ các triển lãm ở Nha Trang, “Đời cho tôi” ở Đà Nẵng, “Từ trong vô tận”, “Miền Trung hoài niệm”, hay “Hoàng hoa mộng” ở Thành phố Hồ Chí Minh đều tạo ra được chú ý. Thuộc thế hệ hoạ sĩ sau 1975, Trần Vĩnh Thịnh được nhiều anh chị em trong và ngoài giới hội họa biết đến nhiều với biệt danh “Thịnh vàng”, bởi gam vàng độc đáo trong tranh của anh. Vốn là người cố đô Huế, Trần Vĩnh Thịnh đã thấm đẫm những sắc vàng của cung đình, chùa chiền. Hàng trăm tác phẩm tranh với màu vàng độc đáo ra đời, ít khi trùng lặp về gam sắc.
Ở mỗi hoạ phẩm, Trần Vĩnh Thịnh cũng mang đến sự mới lạ cá biệt, một vàng son lộng lẫy, sang trọng, huyền bí của riêng anh. Màu vàng trong tranh Trần Vĩnh Thịnh đi từ trừu tượng cảm xúc đến trừu tượng kỷ hà, với nhiều cách khác nhau. Dù ở trong cách thể hiện nào, kỹ thuật tay nghề già dặn và kinh nghiệm qua nhiều lần thử nghiệm, anh đã tạo ra các tác phẩm trừu tượng có độ sâu nhưng không “đánh đố” người thưởng lãm.
|
Quả thực với số đông công chúng, việc tiếp cận một tác phẩm trừu tượng ở Việt Nam vẫn còn một khoảng cách nhất định. Tuy nhiên những năm gần đây, hội họa trừu tượng đã phổ biến hơn; cùng với đó, người xem tranh cũng có kiến thức sâu rộng hơn. Triển lãm, trưng bày cũng như thị trường sưu tầm, mua bán các tác phẩm trừu tượng đã phổ biến hơn rất nhiều; các họa sĩ trừu tượng cũng đã “dễ thở” hơn trước đây. Vậy nên các tác phẩm của “Thịnh vàng” lại có một đời sống khác. Sau mỗi đợt triển lãm, số tác phẩm của anh đã được các nhà sưu tầm tìm kiếm và sở hữu nhiều hơn, được đặt trong các không gian mới và có một đời sống khác ngoài xưởng nghệ sĩ.
Để có được cuộc sống độc lập, yên tâm làm nghệ thuật như hôm nay, hoạ sĩ Trần Vĩnh Thịnh đã trải qua một thời gian dài hơn hai mươi năm chỉ để thử nghiệm, trải nghiệm thực tế. Quan trọng hơn, đó là sự kiên định với nghề, với niềm đam mê hội hoạ trừu tượng đến cùng của anh, dù theo đuổi con đường đã chọn chưa bao giờ là dễ dàng. Họa sĩ Trần Vĩnh Thịnh chia sẻ rằng, lúc nào anh cũng cảm thấy như vừa mới bắt đầu chặng đường của mình; chưa bao giờ cảm thấy hài lòng về việc mình đã làm. Lúc nào, anh cũng muốn tìm kiếm và đào sâu hơn nữa. Trong thế giới nghệ thuật vô cùng này, người họa sĩ luôn cảm thấy lỗi thời sau mấy hôm nhìn lại, thấy cuộc sống, những thay đổi của thời thế, của con người, sự phát triển của nghệ thuật là không giới hạn. Những phát minh mới mẻ của loài người, những trào lưu nghệ thuật mới… làm cho họa sĩ cảm thấy phải luôn luôn phải làm việc năng nổ hơn nữa, phải học hỏi nhiều hơn, phải sáng tạo hơn từng ngày.
|
Chính vì thế, trong các tác phẩm của mình, Vĩnh Thịnh đã luôn khám phá, không ngừng sáng tạo với mong muốn mang lại cho người xem những cảm nhận mới mẻ hơn. Điều anh luôn khao khát là tạo cho người xem những nhìn nhận khác lạ hơn về một họa sĩ vẽ trừu tượng.
Tâm thế này khiến Trần Vĩnh Thịnh ngày càng cầu thị học hỏi. Điều này ít nhất giúp cho anh không giống một số người khác. Đó là khi có danh thì thường hay chủ quan và dừng chân tại chỗ mà “cuộc đời thì ngắn, nghệ thuật thì dài…”.
-------------------
Bài viết cùng chuyên mục: