Diễn đàn lý luận

Như Bình - người đàn bà đạp chân lên gai nhọn

Yên Ba
Tác phẩm và dư luận
08:00 | 30/10/2024
Baovannghe.vn - Như Bình chọn tập viết là “tạp bút”, như một sự định danh thể loại hết sức linh hoạt, đủ không gian để trút vào con chữ những sắc thái biểu cảm.
aa

Sắc màu thương nhớ

Tôi luôn cho rằng thứ tài sản quý giá duy nhất mà mỗi chúng ta luôn có thể mang theo trong suốt cuộc đời mình là hành trang mang tên: ký ức.

Đọc Thương những xa xôi(1) của Như Bình, tôi nhận ra thêm một uy quyền của người viết: chị có thể gói ghém thứ hành trang vô hình đó trong một vật phẩm đẹp đẽ, nhẹ chỉ chừng vài chục gram nhưng nặng bằng cả một đời cầm bút; tập tạp bút do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành là món quà trĩu nặng ân tình mà người đàn bà viết Như Bình gửi vào đó bao thương nhớ.

Những thương nhớ ấy, tác giả rút ruột bện vào các con chữ viết về cha mẹ, người thân, những con người quẩn quanh in hằn lên cuộc đời chị, không chỉ tạo tác nên thân xác mà còn cả một Như Bình mẫn cảm với chữ nghĩa, biết rung động trước những nỗi đau con người.

Mùa Vu lan, Như Bình nhớ mẹ, người mới chỉ học đến lớp 3 nhưng “nói chữ rất giỏi”: Tôi thuộc các làn điệu hát ru cổ, thuộc thành ngữ, tục ngữ xứ Nghệ cũng bắt đầu từ mẹ. Và, hình như cuộc đời của mẹ, tâm hồn của mẹ đã neo vào tôi từ ngày thơ bé một mối giao cảm mơ hồ để sau này tôi là đứa con duy nhất ‘lạc loài’ trong gia đình và dòng họ, trở thành một người viết văn (Vu lan còn mẹ).

Như Bình thương cha, người suốt tuổi thơ của các con đã kể những câu chuyện ma ú òa trong những đêm hè tối trời mưa dâng nước lũ để cố ghìm quên cơn đói. Đấy cũng là người đàn ông lãng tử, giỏi võ, chơi đàn hay, bơi như rái cá, mạnh mẽ ngang tàng như những con sóng ở sông Ngàn Mọ. Như tất cả những người trưởng thành, Như Bình hiểu rằng cố cưỡng cầu cha mẹ mãi ở bên mình là điều không thực. Không có gì là vĩnh viễn trong cõi đời này. Nhưng tháng Bảy, về quê, vắng bóng cha già, tâm tình của chị vẫn ánh lên những xa xót trong nỗi nhớ khôn cùng: Giờ đây, cha không còn hình hài nữa nhưng cha có mặt trong mọi đồ vật thân quen, trong từng thớ gỗ, cánh cửa, nếp ngói, con đường làng và cây cối trong ngôi nhà của mình. Cha có mặt trên đám mây kia, trong mùi hương thoang thoảng của ổi chín. Cha có mặt trong máu thịt của con… (Cha, con và tháng Bảy).

Những cậu Thủy, chú Thiện, o Khuyên, o Bé, là ruột rà hay chỉ cùng làng với tác giả, thân xác đã tan vào hư không, nhưng qua những dòng tạp bút trong Thương nhớ xa xôi, họ không hề mất đi. Trái lại, những dòng chữ trìu mến của Như Bình vẫn như níu giữ họ lại với cuộc đời nhọc nhằn này. Sức mạnh kim cương bất hoại của chữ nghĩa hiển hiện ở đây, nơi các chân dung được Như Bình vẽ nên bằng những sắc màu thương nhớ.

Bông hoa gạo lạc phố

Như Bình - người đàn bà đạp chân lên gai nhọn
Bìa cuốn Tạp bút "Thương những xa xôi" và cuốn Thơ "Sự im lặng biếc xanh"

Xuất thân từ một làng quê nghèo, ở tuổi trưởng thành bỡ ngỡ bước vào đời sống phố thị nhộn nhạo, cũng dễ hiểu khi ký ức của tác giả Thương những xa xôi luôn ngoái lại quê nhà như một điểm tựa để có thể chống chịu được những va đập của đời sống thị thành. Mà không có khoảng thời gian nào hội tụ đủ đầy những xao động trong tâm hồn một người sống xa quê bằng những ngày năm hết Tết đến. Một loạt những “Mùi Tết”, “Tết quê”, “Nhớ khói”, “Lạc Tết” trong Thương những xa xôi là chuỗi hoài niệm nối tiếp nhau về cái Tết thân thương ở làng quê nghèo nơi chôn nhau cắt rốn.

Như một phần không thể tách chia của hoài niệm, những ký ức dẫn Như Bình về với mùi Tết len lỏi trong mùi của rơm rạ được “cha vun đốt bốc khói cay xè mắt”, là khi “khói thả lên trời bao nhọc nhằn, bao thương khó của một năm làm lụng”. Cái mùi thương khó ấy luôn gọi tác giả “mỗi khi Tết đến chỉ muốn nhanh chóng kết thúc công việc, nhanh chóng tạm biệt chốn phồn hoa đô hội để về với những thói quen cố hữu, với quê nghèo, với họ tộc, làng mạc thân thương”. Để về với Tết quê, về với những đêm trừ tịch ở làng, nơi con người “thấu nhận hết cái linh thiêng của trời đất, của Tết cổ truyền”.

Thế nên nếu có vì hoàn cảnh mà phải ở lại đón cái Tết nơi thị thành thì tác giả dẫu có ăn Tết trong ngôi nhà mình sống hàng ngày, nơi các con mình sinh ra và lớn lên, gia đình mình tồn tại và hiện hữu, ấy vậy mà vẫn bâng khuâng cái cảm giác như người “lạc Tết” ngẩn ngơ. Chị như bông hoa gạo lạc phố; cái màu đỏ chói gắt của nó chìm lấp trong những sắc màu phố thị, chỉ rực lên bên những triền đồi hay nơi đầu làng quê.

Như Bình chọn tập viết của mình là “tạp bút”, như một sự định danh thể loại hết sức linh hoạt, chất chứa tự do, đủ không gian để chị có thể trút vào con chữ những sắc thái biểu cảm phiêu linh mà nghề nghiệp báo chí của chị khó có chỗ dùng.

Cạnh những trang viết về cha mẹ, người thân, về nỗi niềm lạc Tết nơi thị thành, Thương những xa xôi dành dung lượng đáng kể để Như Bình viết về Hà Nội, vùng đất mới mà số phận đã đẩy đưa chị lập nghiệp và sinh sống.

Nếu viết về quê nhà, người thân, ngòi bút của Như Bình chứa chan sự trìu mến, hoài nhớ thì những trang viết về Hà Nội của chị lại lung linh sắc màu, nhẹ nhõm đến không ngờ.

Phải yêu lắm Hà Nội thì mới lắng nghe được giữa những ồn ã của thành phố cái thanh âm xao xác của tiếng chim hót ríu ran trong những chiếc lồng con mang mảnh hồn rừng về phố.

Phải thương Hà Nội lắm mới thấy thân thiết với những bóng người ngồi chìm nghỉm bên mặt hồ Thiền Quang trong sương mờ ngày đông giá.

Phải sống tận lòng với thành phố chị đang sống lòng mới tái tê khi thấy sắc đỏ chói chang của hoa phượng vĩ bên màu tím rịm đến nhức lòng của hoa bằng lăng, thấy rưng rưng trước một cành đào nở sớm.

Hà Nội ồn ào, bụi bặm, chộn rộn tất tả nhưng chỉ cần mở ra một ô cửa trên tầng cao, Như Bình đã có thể đưa người đọc chị bắt gặp sự thanh khiết của tình người, qua những cô bé cậu bé về Thủ đô dự một kỳ thi… Sống hết mình với thành phố, Như Bình được trả lại những ân phước tinh khiết của đời sống và đến lượt mình, với tâm hồn mơ mộng mãi chẳng phôi pha bởi đời sống thị thành, chị đưa những ân phước ấy vào trong Thương những xa xôi.

Cuộc hành trình nội tâm

Đọc Trầm, phần thứ nhất trong ba phần tập thơ Sự im lặng biếc xanh(2) của Như Bình, không hiểu sao tôi nhớ Vết lăn trầm của Trịnh Công Sơn. Con người, từ khi sinh ra, hầu như không sót một ai, đã phải gánh trên vai mình cái gánh nặng của kiếp người, như Sisyphus suốt đời phải vần tảng đá lên đỉnh Tartarus để rồi vô vọng thấy nó lại lăn xuống, tiếp tục một vòng lặp mới. Sisyphus bị trừng phạt do lừa dối thần linh, còn thi sĩ trầm cảm cũng do bởi món quà mà thần linh mang tặng: tình yêu. Trong tình yêu, người đàn bà Như Bình thà đạp chân lên gai nhọn chịu chảy máu còn hơn để những chiếc lá phải run rẩy lìa cành. Chấp nhận yêu dữ dội, đau vô vàn:

Em ngồi trầm cảm như đêm

Lòng lạnh vắng nghe cơ thể nhức mỏi

Em có thể tựa vào đâu để không sụp đổ

Không gãy gục, vỡ tan

(Trầm cảm 1)

Trong cái trò chơi định mệnh mang tên tình yêu ấy, sự bạc lòng là hung thủ biến những người yêu nhau trở thành sát nhân:

Chúng ta nhẫn tâm giết yêu thương mỗi ngày và nhìn tình yêu cạn dần như cây khô trên sa mạc

Cái chết của yêu thương không phải một lần

Nhiều lần chúng ta biến mình thành kẻ sát nhân lạnh giá? (Trầm cảm 1)

Trong nỗi sợ hãi tột cùng cái chết có thể đến khi mà thi sĩ còn chưa kịp yêu, chưa kịp hôn, chưa kịp ăn trái cấm như nàng Eva nơi vườn địa đàng, cách tốt nhất để đối mặt với nỗi sợ hãi là nhìn thẳng vào nó:

Đôi khi em thật điên rồ

Ước muốn khỏa thân trong lòng đất nâu

yên lặng

Ai sẽ mở tiệc trên cơ thể em

Để chú dế con thôi gục đầu trên ngực

em bật khóc

(Viết về cái chết)

Thi nhân chuẩn bị đón nhận định mệnh một cách hết sức… thi sĩ:

Thì vẫn biết mọi điều đều có thể

Nên bây giờ gặm nhấm trước khổ đau

Để khi chết hồn không còn nước mắt

Cùng xác thân, yên ngủ dưới đất sâu

(Nghĩ về một cái chết)

Trầm của Như Bình không chỉ có những vần thơ nói về nỗi thống khổ trong tình yêu con người. Những nàng bò cái được nghe nhạc của Chopin, Beethoven, Mozart mỗi ngày với niềm tin rằng nhờ nghe nhạc cổ điển mà sẽ cho sữa tốt, bị guồng máy tàn nhẫn của công nghiệp vắt sữa hút hết sinh lực; khung cảnh như trong một bức tranh siêu thực đáng sợ:

Nàng bò cái trầm cảm nhìn tôi

Không buồn bã u hoài

Không khẩn cầu van lơn

Không thở than tuyệt vọng

Trong nghi lễ hút sữa

Nàng bò cái lắc lư mông

Cười (Nàng bò cái)

Trong cái thế giới siêu thực ấy, lối thoát của thi nhân là Mộng.

Là mộng du:

Thành phố về đêm khác lạ

Những ngôi nhà mộng du

Nỗi nhớ mộng du

Hàng cây mộng du

Tóc em mộng du

Bỏ gối chăn lang thang đường phố

(Mộng du)

Có thể lạc trong một buổi chiều mộng:

Trời nổi cơn mưa gió

Thu lạnh chân tóc rồi

Em ngồi dưới chiều mộng

Bộn bề giữa mù khơi

(Chiều mộng)

Trong tập tạp bút Thương những xa xôi, Như Bình thổ lộ thường thích đến đứng trước biển, một mình, trong những ngày gió lạnh. Trong thơ Như Bình, lối mộng cũng dẫn tới màu xanh của biển:

Ngoài kia

Biển khản giọng cổ ca

Nghìn năm trước người mù đã hát

Tiếng hát giết những rạn san hô

Vọng tới ngàn năm sau

(Sự im lặng biếc xanh 1)

Và:

Có khi nào em nhớ anh không

Biển sâu quá đại dương như vỡ nát

Trào ngược em biển hát

Khản giọng

Cổ ca (Sự im lặng biếc xanh 2)

Không thể ở mãi nơi cõi mộng, tâm hồn đa đoan nhạy cảm dẫn thi sĩ tới một cảnh giới khác: Thiền.

Bước vào cảnh giới ấy, nếu quán chiếu thì trên trời cao, những đám mây cũng có thể thiền bên cửa số máy bay. Tảng đá có thể thiền. Và dưới đáy sâu:

Có nhiều khi là em thôi, hòn sỏi

Náu im lìm nơi đáy suối xa xăm

Mặc thác lũ, rêu phong, mặc sóng gió,

mặc lòng

Em câm lặng dưới đáy sâu hang hốc

(Hòn sỏi im lìm nơi đáy suối)

Hòn sỏi là một trong những biểu tượng của thiền tính. Khi đạt tới trạng thái thiền định rồi thì kể cả quay lại nói về cái chết, không còn những run rẩy nữa mà chỉ còn đó sự bình yên, không sợ hãi:

Không buồn rầu, không run sợ, khóc than

Em nằm xuống dịu dàng trong cây cỏ

Tiếng dế hát ru êm trong nhạc gió

Và đất mềm ôm ấp thương em

(Mùa gọi)

Từ vết trầm, qua lối mộng đến bến thiền, hành trình nội tâm của tác giả trong Sự im lặng biếc xanh cuối cùng rồi cũng về đến đích bình yên.

..........................

(1) Tạp bút, Như Bình, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2024

(2) Thơ, Như Bình, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2024

-----------

Bài viết cùng chuyên mục:

Rượu hoa mất trí. Truyện ngắn dự thi của Như Bình Cõi về. Truyện ngắn của tác giả Như Bình Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình Chùm thơ của Như Bình
Hơn 1.000 nhà văn và chuyên gia xuất bản kêu gọi tẩy chay các Tổ chức Văn hóa Israel

Hơn 1.000 nhà văn và chuyên gia xuất bản kêu gọi tẩy chay các Tổ chức Văn hóa Israel

Baovannghe.vn - Sally Rooney, Arundhati Roy và Rachel Kushner cùng hơn 1.000 nhà văn, chuyên gia xuất bản đã ký một thư kêu gọi tẩy chay các tổ chức văn hóa Israel do cáo buộc họ "đồng lõa hoặc im lặng trước sự áp bức người Palestine." Thư kêu gọi này nhấn mạnh rằng các tác giả sẽ không hợp tác với các nhà xuất bản, lễ hội, hoặc cơ quan văn học Israel có hành vi vi phạm quyền của người Palestine.
Một tương lai tươi đẹp cho các em

Một tương lai tươi đẹp cho các em

Baovannghe.vn - Hẳn là đa phần các ông bố bà mẹ đều yêu thương con cái mình. Thế nhưng, có khi vì thiếu hiểu biết nên đã gây ra những tổn thương nơi những đứa trẻ... Tránh đi những ấn tượng xấu và tạo lập những giá trị tốt tích cực nơi tuổi thơ là cách chắc chắn để định hình xây dựng nên một tương lai tươi đẹp cho các em.
Trần Tiến, người sáng lập thể kí tự thuật trong văn xuôi Việt Nam từ năm 1764

Trần Tiến, người sáng lập thể kí tự thuật trong văn xuôi Việt Nam từ năm 1764

Baovannghe.vn - Trần Tiến người làng Điền Trì, tỉnh Hải Dương. Ông sinh giờ Dần ngày 18/11 năm Kỉ Sửu (1709), tên tự là Khiêm Đường, cũng có tên tự khác là Hậu Phủ, tên hiệu là Cát Xuyên, là con Tiến sĩ, Tham tụng Lễ bộ thượng thư - Diệu Quận Công Trần Cảnh, nhà nông học đầu tiên của Việt Nam.
Nhớ Thanh Tùng - Thơ Phùng Văn Khai

Nhớ Thanh Tùng - Thơ Phùng Văn Khai

Baovannghe.vn- Cảng - Phố - Thanh - Tùng/ Mùa phương Nam réo gọi
Thư mời cộng tác báo Tết Ất Tỵ 2025

Thư mời cộng tác báo Tết Ất Tỵ 2025

Baovannghe.vn - Kính gửi quý tác giả và độc giả!