Sự kiện & Bình luận

Đạo diễn Xuân Phượng: Có những lần bị lừa trắng tay, tôi phải mua chịu tác phẩm để duy trì phòng tranh

Trâm Nguyễn
Đời sống
07:00 | 14/09/2024
Baovannghe.vn- Năm 1991, một phòng tranh nhỏ tại số 29 Đông Du ra đời, nơi đã “chắp cánh” cho biết bao bức tranh và các hoạ sĩ trẻ lúc bấy giờ đến giới thưởng lãm các nước châu Á, châu Âu, châu Mỹ rồi châu Úc. Phòng tranh đó có tên Lotus Gallery, đứa con tinh thần của đạo diễn Xuân Phượng khi bà bước sang tuổi 60.
aa

Hơn 30 năm trước, khi nghe tin có triển lãm tranh Việt Nam lần đầu tiên tại Paris, rất nhiều người Pháp từng sang Việt Nam đã đến thưởng lãm.

Bà Xuân Phượng nhớ lại, có lúc tiếp đón 300 đến 400 khách. Một cuộc triển lãm tranh Việt tại Pháp để thử nghiệm nhưng lại nhận được kết quả tốt ngoài mong đợi. Điều này càng khiến bà tin tưởng, quyết tâm với ý định mở phòng tranh của mình.

Hẹn gặp đạo diễn, tác giả sách Xuân Phượng tại nhà riêng vào một ngày cuối tuần, bà nhiệt tình tiếp đón và say sưa trò chuyện. Trong lời kể của bà, những câu chuyện dù đã diễn ra từ 30 năm trước nhưng ngỡ như chỉ là một cái chớp mắt của ngày hôm qua. Những ký ức mới nguyên, như thể phát ra sự cựa quậy đầy sức sống, nhất là khi bà nói về việc mở phòng tranh và đưa tranh Việt ra thế giới. Năm 1991, một phòng tranh nhỏ tại số 29 Đông Du ra đời, nơi đã “chắp cánh” cho biết bao bức tranh và các hoạ sĩ trẻ lúc bấy giờ đến giới thưởng lãm các nước châu Á, châu Âu, châu Mỹ rồi châu Úc. Phòng tranh đó có tên Lotus Gallery, đứa con tinh thần của đạo diễn Xuân Phượng khi bà bước sang tuổi 60.

Đạo diễn Xuân Phượng: Có những lần bị lừa trắng tay, tôi phải mua chịu tác phẩm để duy trì phòng tranh
Đạo diễn, tác giả sách Nguyễn Thị Xuân Phượng. Ảnh: Vietcetera

Ở tuổi 95, đạo diễn Xuân Phượng càng khiến tôi bất ngờ hơn vì trong đời bà chưa bao giờ tồn tại khái niệm “nghỉ hưu”. Rời chức vụ quản lý phòng tranh Lotus ở tuổi U100, bà vẫn chu du khắp Việt Nam lần thứ 22 và viết sách. Vừa qua, bà cũng vừa mới xuất bản quyến hồi ký mang tên Khắc đi, khắc đến, kể về hành trình đưa tranh Việt Nam ra thế giới đầy những gian truân, trắc trở.

Điều gì thôi thúc bà phải mở một phòng tranh vào năm 1991, khi kinh tế chưa phát triển?

Trước khi về nước, tôi có hai năm công tác tại một đài truyền hình ở Pháp. Công việc của tôi là dịch những phim nước ngoài sang tiếng Việt để họ gửi cho đài Việt Nam. Sau hai năm, hết hợp đồng thì tôi dự định về nước. Khi đó, giám đốc của đài muốn giữ tôi lại, nhưng tôi lại quá nhớ nhà. Tôi nhớ cái ồn ào, cái nắng, nhớ ruộng đồng của Sài Gòn nên cuối cùng đã từ chối mà trở về Việt Nam.

Trước khi ra về, tôi đến chào những người bạn đã giúp đỡ mình khi ở Pháp. Ai cũng chúc mình mạnh giỏi, nhưng đồng thời họ cũng cho rằng, tôi về vì thương Việt Nam đau khổ quá. Ai cũng tỏ lòng thương hại cho nước mình. Nghe một, hai người thôi thì mình còn chịu được, nhưng đi đâu cũng gặp thì tự nhiên, lòng tự ái của tôi nổi lên. Việt Nam có tới 4.000 năm văn hóa mà tuyệt nhiên không ai nhắc đến.

Từ đấy, tôi nảy ra ý định về quê hương làm văn hóa. Cũng không cần phải làm gì to tát, tôi chỉ đưa một góc rất nhỏ của nền văn hóa Việt Nam ra thế giới để người ngoại quốc hiểu rằng: Việt Nam không chỉ có chiến tranh mà còn có bề dày giá trị văn hoá.

Làm văn hoá thì có rất nhiều cách, vậy tại sao bà lại chọn hội hoạ?

Khi công tác ở đài truyền hình sau hoà bình, tôi phụ trách một mục tên là “Đất nước ta tươi đẹp”. Nhờ đấy tôi được tiếp xúc rất nhiều họa sĩ, đặc biệt là giới họa sĩ ở Hà Nội như Trần Văn Cẩn, Lê Quốc Lộc, Bùi Xuân Phái... Công việc này tạo nên mối dây liên kết giữa tôi với hội hoạ và mang đến cho tôi vốn am hiểu nghệ thuật nhất định. Đây là hành trang để tôi mở phòng tranh sau này.

30 năm trước, tranh Việt Nam vẫn chưa có độ hiện diện ở quốc tế. Lập phòng tranh và giới thiệu tranh Việt ra thế giới có phải là một quyết định mạo hiểm?

Để đến được quyết định mở phòng tranh tại Việt Nam, tôi đã phải thử nghiệm từng bước nhỏ. Quay lại thời điểm khi chưa về nước, tôi nảy ra ý định nán lại Pháp thêm một thời gian để thử xem thử người Pháp có thích tranh Việt Nam hay không. Lúc ấy, tôi chỉ là cán bộ nghèo, không có nhiều tiền mua tranh nên mới nhờ hỏi các hoạ sĩ quen biết trong nước, xem có ai muốn triển lãm tranh ở Paris thì gửi sang để tôi bán cho. Khi nghe trình bày xong thì họ thích lắm, gửi tranh đi mà không hề có một tờ giấy chứng nhận. Tôi nhận được 60, 70 bức tranh không chỉ từ những người bạn hoạ sĩ mà còn từ những người không quen, chỉ nghe tin mà gửi sang.

Có tranh rồi, nhưng vấn đề tiếp theo là địa điểm tổ chức. Một hôm, tôi tỏ bày ý định mở triển lãm tranh khi đang dùng cơm ở nhà một người bạn Pháp. Bố của ông bạn đấy cũng có mặt. Khi biết tôi là người Việt Nam, ông bảo, một cách rất điềm tĩnh, rằng có lẽ ông giúp được. Sau đó, tôi được biết ông ấy là Phó Thị trưởng thành phố Paris (vậy nên, bạn bè quan trọng vô cùng). Không chỉ cho tôi mượn trụ sở để làm triển lãm, ông còn mời cả khách tham dự.

Khi nghe tin có triển lãm tranh Việt Nam lần đầu tiên, rất nhiều người Pháp từng sang Việt Nam đã đến thưởng lãm. Có lúc, chúng tôi tiếp đón 300 đến 400 khách tham dự. Một cuộc triển lãm để thử nghiệm nhưng lại nhận được kết quả tốt ngoài mong đợi. Điều này càng khiến tôi tin tưởng và quyết tâm với ý định mở phòng tranh của mình.

Thay vì các tranh của những họa sĩ lớn, bà lại chọn những họa sĩ trẻ, chưa tên tuổi lúc bấy giờ để giới thiệu đến công chúng trong và ngoài nước. Có động lực nào đằng sau lựa chọn này, thưa bà?

Đời tôi lúc đầu cũng nhiều vất vả, gian khổ, nên tôi rất thông cảm với những họa sĩ trẻ mới ra trường, không có điều kiện để phát triển. Khi về hưu, tôi nghĩ là mình phải làm một việc có ích hơn, để lại giá trị hơn là chỉ đơn thuần bán tranh. Vì vậy, tôi đã tìm mọi cách để giúp đỡ những hoạ sĩ không ai biết đến, giới thiệu ở trong nước và nước ngoài để người ta hiểu được một khía cạnh của văn hóa Việt Nam. Biết đâu trong một chục, hai chục họa sĩ trẻ mà mình nâng đỡ, sẽ có một, hai người thành danh. Như vậy dù về hưu, tôi vẫn được làm công việc mình ưa thích và đồng thời đóng góp được một chút cho đất nước.

Suốt 30 năm đưa nghệ thuật Việt ra thế giới, bà thấy hội họa nói gì về căn tính Việt?

Như tôi đã nói, mục đích của tôi là làm thế nào để cho người nước ngoài hiểu được đất nước mình. Các tác phẩm, bức tranh của họa sĩ trẻ mà tôi lựa chọn đều thể hiện một vấn đề của Việt Nam. Trong buổi triển lãm tại thành phố Brussels (Bỉ), tôi để ý có một ông Việt kiều ngày nào cũng đến xem tranh rồi lẳng lặng ra về suốt 7 ngày liền. Ngày cuối cùng của triển lãm, ông đến gặp tôi cô, kể rằng ông là người tị nạn. Ký ức của ông về Việt Nam là những chuyện chết chóc, đói khổ. Dù rất muốn về thăm nhà nhưng ông vẫn ngại ngùng vì sợ đau lòng trước những cảnh đau thương xưa. Nhưng khi xem triển lãm, thấy màu sắc trong tranh đã tươi sáng hơn, ông nói một câu mà tôi nhớ mãi: “Sắc màu này vỗ về tôi rằng, quê hương đã đứng dậy được rồi” và hứa sẽ về thăm Việt Nam vào năm sau đó.

Chúng tôi triển lãm tranh không hề nói chính trị, nhưng qua hình ảnh, hội hoạ đưa giúp người xa xứ hiểu thêm về đất nước mình và khiến họ rung động. Còn nhiệm vụ của tôi chỉ là đem tranh Việt Nam, với những cái đặc điểm của đất nước mình ra thế giới để thông báo rằng, người Việt đã vượt qua quá khứ đau thương và tiến tới xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn trước. Cuộc hồi sinh này không hề dễ dàng, rất nhiều đau đớn nhưng dù sao cũng là một sự hồi sinh.

Con đường bà đi qua rất nhiều khó khăn, có bao giờ bà chán nản chưa?

Tôi nhận định con đường mình chọn sẽ khó khăn. Nhưng với bản tính của mình, có khó khăn thì mình khắc phục, đường này không được thì mình tìm ngã rẽ mà đi. Trong cuộc đời khá dài của mình, tôi không bao giờ đập đầu vào tường mà luôn tìm những ngã rẽ, một con đường khác để thực hiện mục đích của mình. Có những lần bị lừa gần như trắng tay, gần sạt nghiệp nhưng tôi lại tìm cách vay mượn bạn bè, bán tư trang, nhờ vào uy tín xây dựng trong nghề mà “mua chịu” tranh của họa sĩ để có thể tiếp tục làm phòng tranh. Sự cố gắng của tôi đã được đền bù khi chỉ khoảng chừng 2 năm sau đó, phòng tranh đã phục hồi.

Vậy nên ban đầu khi nghĩ về tên tên cuốn sách, tôi định đặt “Những sắc màu không biên giới”. Nhưng cái tên này không thể hiện đầy đủ ý mà tôi muốn truyền tải, vì thế mà đã đổi thành Khắc đi, khắc đến - có đi mới có đến. Có bước thứ nhất thì mình mới đủ sức, đủ điều kiện bước thứ 2, bước thứ 3, bước thứ 4 trên con đường đời.

Trong quyển “Khắc đi khắc đến”, các tranh Việt Nam rất được những nhà sưu tầm nước ngoài chú ý đến. Vậy những nhà sưu tầm trong nước thì sao?

Dù mang tranh ra nước ngoài nhưng tôi không bao giờ quan trọng ngoài nước hơn trong nước. Mục tiêu mà tôi theo đuổi vẫn là lôi kéo được người Việt tin vào nền mỹ thuật Việt Nam, yêu mỹ thuật Việt Nam và treo tranh Việt Nam trong nhà. Đó là ước vọng của tôi từ năm 1991, nhưng khi đó tình hình kinh tế vẫn còn khó khăn. Ăn không đủ thì làm gì có tiền mua tranh. Nhưng khi kinh tế khá lên, nhiều người có điều kiện trang hoàng nhà cửa và sưu tầm để giữ lại những cảnh đẹp cho đất nước. Họ đầu tư mua tranh và thậm chí còn lập được những bảo tàng riêng.

Đó là điểm đáng mừng, thay đổi cục diện của mỹ thuật trong nước. Nếu trước kia là bán tranh cho Tây, thì bây giờ phải làm thế nào để những nhà sưu tập Việt, thế hệ người trẻ mới tự hào treo một bức tranh của Việt Nam trong nhà mình. Làm được như vậy là điều tôi thấy vô cùng là hạnh phúc.

Phòng tranh Lotus Gallery giờ đã được chuyển giao cho thế hệ mới, cũng như đón tiếp nhiều người trẻ đến thăm triển lãm hơn. Bà thấy như thế nào về sự chuyển giao này khi nó mang dấu ấn thế hệ và sự tiếp nối?

Tôi vừa ngạc nhiên vừa mừng. Vì cách đây 30 mấy năm, tôi hầu như không thấy người trẻ, các em học sinh nào vào xem triển lãm mà toàn là người lớn tuổi hoặc là khách quốc tế đến Việt Nam.

Bây giờ vì phòng tranh do những người trẻ làm quản lý, họ chủ động tổ chức nhiều hoạt động đa dạng, trẻ trung hơn như triển lãm tranh dưới tiếng đàn piano hay các buổi gặp gỡ ca nhạc. Các tiếp cận mới mẻ vì thế mà thu hút được một lượng người trẻ thưởng lãm nhiều hơn khi tôi làm phòng tranh. Đó là điều khiến tôi vô cùng mừng rỡ.

Trâm Nguyễn | Báo Văn nghệ

------

Bài viết cùng chuyên mục

Để “Cây Tình Thương” tỏa bóng, vươn cành trong đời sống xã hội Đồng vọng: những thanh âm đời sống Đọc sách và sách dành cho trẻ em - những vấn đề đặt ra trong đời sống sáng tác Bản tin văn nghệ: Sắc màu đời sống văn hóa - nghệ thuật Đọc truyện: Mật mã lạc quan. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Tiến Hóa
Tuần lễ Âm nhạc Việt Nam - Vietnam Music Week 2024 tại TP.HCM

Tuần lễ Âm nhạc Việt Nam - Vietnam Music Week 2024 tại TP.HCM

Baovannghe.vn - Từ ngày 13-15.12, tại TP.HCM sẽ diễn ra Tọa đàm ngành kinh doanh âm nhạc - Tuần lễ Âm nhạc Việt Nam 2024 - Vietnam Music Week 2024 (VMW 2024)
Công chiếu 3 bộ phim đặc sắc của điện ảnh Việt Nam

Công chiếu 3 bộ phim đặc sắc của điện ảnh Việt Nam

Baovannghe.vn - Ba bộ phim đặc sắc được công chiếu "Dòng sông hoa trắng" ngày 11/12; "Cây bạch đàn vô danh" ngày 12/12 và "Người đàn bà mộng du" ngày 13/12
“Bài văn về trứng vịt lộn” đoạt giải Nhất Cuộc thi sáng tác truyện tranh

“Bài văn về trứng vịt lộn” đoạt giải Nhất Cuộc thi sáng tác truyện tranh

Baovannghe.vn - Vượt qua hai vòng chấm Sơ khảo và Chung khảo “Bài văn về trứng vịt lộn” đoạt giải Nhất Cuộc thi sáng tác truyện tranh do Nxb Kim Đồng tổ chức
Gió phương xa. Truyện ngắn dự thi của Trần Thủy

Gió phương xa. Truyện ngắn dự thi của Trần Thủy

Baovannghe.vn- Ngơ ngác, bấn loạn, tôi loanh quanh ở nhà chờ, nơi nhận hành lí để thoát ra ngoài. Cả ba tiếng đồng hồ trôi qua tôi chưa thấy gã. Gã lặn mất tăm với chiếc vali
Han Kang: “Tôi vô cùng sốc khi thiết quân luật một lần nữa lặp lại”

Han Kang: “Tôi vô cùng sốc khi thiết quân luật một lần nữa lặp lại”

Baovannghe.vn - Nhà văn Han Kang vừa có buổi gặp gỡ với báo chí tại Viện Hàn Lâm Thụy Điển trong thời gian chuẩn bị cho buổi nhận giải Nobel Văn chương.