Hành trình bắt đầu vào ngày 19/2/2010. Trên chiếc Chaly rồi Super Honda, người phụ nữ sinh năm 1948 đã âm thầm đi qua mọi miền đất nước. Từ vùng biên giới phía Bắc đến tận cùng đất Mũi, bà chỉ mang theo lương hưu và một trái tim không chấp nhận lãng quên.
![]() |
Chiếc xe đã gắn bó với họa sỹ Đặng Ái Việt xuyên suốt cuộc hành trình. Ảnh: Phú Quang - Lê Hảo. |
"Chỉ cần đủ tiền xăng và cơm qua ngày là tôi có thể tiếp tục đi," bà cười hiền khi kể. Nhưng phía sau nụ cười ấy là hàng ngàn cái ôm, là những giọt nước mắt khi các mẹ – phần lớn tuổi cao, trí nhớ phai nhạt – vẫn khắc sâu nỗi nhớ con, những người con mãi mãi không trở về.
Mỗi bức chân dung là một mảnh ghép lịch sử. Có mẹ chiều nào cũng ra đầu ngõ đợi con. Có mẹ ba lần “hóa đá” khi nhận tin con hy sinh. Có mẹ nuốt nước mắt vào lòng, tiếp tục nuôi cách mạng. “Làm sao nói hết được nỗi đau ấy?” – bà Ái Việt thầm thì, như thể mỗi nét vẽ là một lần bà được nói thay những gì đã im lặng quá lâu trong lịch sử.
![]() |
Ảnh chụp website chandungme.vn |
Trăn trở lớn nhất của họa sĩ Đặng Ái Việt không phải là tiền, cũng không phải sức khỏe. Mà là nỗi lo: “Tranh trên giấy sẽ không thể giữ lâu. Còn ký ức – nếu không có nơi lưu giữ – sẽ nhạt nhòa rồi biến mất”.
Ông Phạm Quốc Phương, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Hệ thống Thông tin Địa lý, kể lại: “Lúc tôi đề xuất số hóa tranh, bà Đặng Ái Việt nói ngay: ‘Tôi không có tiền trả đâu nhé!’. Nhưng khi biết đây là hoạt động phi lợi nhuận nhằm tri ân, bà đồng ý và đồng hành.”
Từ đó, trang web https://chandungme.vn ra đời như một bảo tàng ký ức sống động. Được xây dựng từ tháng 1/2020 bởi Trung tâm Ứng dụng Hệ thống Thông tin Địa lý, đây là nỗ lực chung của nghệ thuật, công nghệ và tinh thần tri ân. Mỗi bức vẽ được số hóa, mỗi câu chuyện của từng mẹ được lưu giữ như một phần không thể thiếu của lịch sử dân tộc.
Cảm động nhất chính là sự tiếp sức từ thế hệ trẻ. Họa sĩ gọi các bạn sinh viên là “thế hệ chia lửa”. Những bạn trẻ từ Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM đã dùng trí tuệ nhân tạo để phục hồi di ảnh liệt sĩ, tiếp nối tinh thần tri ân bằng chính kỹ năng và trái tim của mình.
“Tôi xúc động đến mức đêm không ngủ. Khi nhìn thấy các bạn số hóa tranh của tôi, tôi biết mình không cô độc. Tôi biết những bức chân dung sẽ còn được nhìn thấy, được nhớ tới, và còn sống mãi trong lòng người,” bà Ái Việt nghẹn ngào nói.
Trung tướng Phạm Văn Dỹ – nguyên Chính ủy Quân khu 7 – xúc động khi nhìn thấy chân dung mẹ mình qua nét vẽ của bà Đặng Ái Việt. “Bức tranh ấy như chia đôi thời gian: một nửa là gian khổ, là nước mắt, là hy sinh; nửa còn lại là viên mãn khi đất nước hòa bình, mẹ được sống những năm cuối đời trong độc lập.”
Ông gọi đó là “sử thi hội họa”. Và khi những bức tranh ấy được số hóa, sử thi ấy không chỉ được kể lại – mà còn được tiếp nối.
“Tôi không vẽ vì bản thân mình. Tôi vẽ để trả món nợ với đồng đội, với các bà mẹ – những người đã hy sinh điều quý giá nhất để hôm nay chúng ta được sống.” Đó là tuyên ngôn nghề nghiệp, cũng là tuyên ngôn đạo lý của người họa sĩ.
Giữa thời đại của số hóa và trí tuệ nhân tạo, hành trình của bà Đặng Ái Việt nhắc nhở chúng ta rằng: có những giá trị không thể thay thế. Đó là lòng biết ơn, là ký ức sống động về một thế hệ đã sống, đã hy sinh, đã im lặng và cao cả như những ngọn núi.
Một dân tộc biết tri ân là một dân tộc không bao giờ lãng quên chính mình. Và những bức chân dung của Đặng Ái Việt – như những trang nhật ký bằng chì – sẽ còn sống mãi với thời gian, trong lòng đất nước, và trong tâm khảm của các thế hệ mai sau.