Sự kiện & Bình luận

Huyện đảo Lý Sơn: Một tiên giới giữa vùng biển khơi của tổ quốc

Nguyễn Liên
Bút ký phóng sự
20:00 | 11/07/2024
Lý Sơn, hòn đảo tiền tiêu như một con tàu chở xứ mệnh lịch sử của đất nước đã nhiều đời góp phần gìn giữ xứ Hoàng Sa. Hòn đảo xinh đẹp này còn có nhiều cảnh đẹp
aa
Huyện đảo Lý Sơn: Một tiên giới giữa vùng biển khơi của tổ quốc
Huyện đảo Lý Sơn

Lý Sơn, hòn đảo tiền tiêu như một con tàu chở xứ mệnh lịch sử của đất nước đã nhiều đời góp phần gìn giữ xứ Hoàng Sa. Hòn đảo xinh đẹp này còn có nhiều cảnh đẹp, bởi các di tích đền chùa, hang động trầm tích của văn hóa Sa Huỳnh, Chămpa, dấu tích núi lửa tạo nên các vách đá dựng đứng, bãi đá với nước biển màu xanh ngọc. Lý Sơn còn tiềm mệnh danh là “Vương quốc tỏi”. Tất cả những điều ấy làm nên huyện đảo Lý Sơn như xứ sở của tiên giới giữa biển khơi, bất cứ ai một lần đến mãi không thể quên.

HÒN ĐẢO TIỀN TIÊU

Cách đất liền 18 hải lý, đảo Lý Sơn nổi lên giữa trùng khơi như một con tàu chở xứ mệnh của hai mươi mốt nghìn cư dân, là những hậu duệ của đội hùng binh Hoàng Sa lừng lẫy năm xưa đang ngày đêm chống chọi với sóng gió đất đai khắc nghiệt xây dựng huyện đảo, canh giữ chủ quyền cương giới mặt biển phía đông của tổ quốc. Huyện đảo Lý Sơn có đảo lớn và đảo bé. Đảo lớn có hai xã: Anh Vĩnh và An Hải, đảo bé có một xã là An Bình.

Thôn Đồng Hộ, xã An Hải có một ngôi nhà thờ họ Đặng, một dòng họ không lớn cùng 13 tộc họ có mặt từ những ngày đầu khai sơn phá thạch lập ra Lý Sơn, nhưng dòng họ Đặng có một nhân vật trở thành giai thoại của đất Lý Sơn là ông Đặng Siểm được quan Bố chánh và Án sát tỉnh Quảng Ngãi cấp phong làm “đà công” (dẫn đường) cho “đội hùng binh” lừng lẫy một thời gìn giữ xứ Hoàng Sa. Trước căn nhà thờ tự là những ngôi mộ của chiến sĩ hùng binh Hoàng Sa, người ta gọi đó là những ngôi mộ gió. Theo lệnh Gia Long đệ nhị niên, mỗi chi phái dòng họ lớn phải tuyển một người đi canh giữ xứ Hoàng Sa, trong số những người trong hải đội Hoàng Sa có những tên tuổi trở thành anh hùng của quê hương Quảng Ngãi như ông Phạm Hữu Nhật, Võ Văn Khiết, Phạm Quang Ảnh. Các ông hy sinh khi đang làm nhiệm vụ trên biển khơi, quê hương dòng tộc đã làm lễ chiêu hồn và đắp những ngôi mộ gió phía trong là sọ dừa... thay cho hài cốt. Dòng họ Đặng còn cất giữ những tập tài liệu quý là những tờ lệnh của vua điều người trong dòng họ đi tuần xứ Hoàng Sa, ngoài dòng họ Đặng, các dòng họ khác như Nguyễn Quang cũng có 25 tập, họ Trần Dư có 23 tập, tất cả tờ lệnh đó được coi như “Bìa đỏ” khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam có từ hơn bốn trăm năm trước, để thấy rằng từ thế kỷ XVII các triều đại phong kiến Việt Nam đã cấp cho những “thủy quân” trên đảo Lý Sơn đi quản lý, canh giữ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, lãnh hải của Tổ quốc. Hiện những hiện vật quý liên quan tới biển đảo nước ta được bảo tàng Quảng Ngãi lưu giữ, tại Lý Sơn có một nhà trưng bày. Đến nhà trưng bày được cô Đặng Thị Hiền, hậu duệ của ông Đặng Siểm, là cán bộ của phòng văn hóa giới thiệu rành rẽ bằng chất giọng dịu mến thu hút người nghe ta càng yêu quý vùng đất, con người Lý Sơn từ xưa đã vượt lên mọi khó khăn để bảo vệ biển đảo. Tất cả tài liệu, các văn bản do triều đình phong kiến Việt Nam ban hành từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX khẳng định Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền liên tục đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong đó đáng chú ý là sưu tập bộ châu bản của vương triều Nguyễn có niên đại từ triều Minh Mạng (1820 – 1842) phản ánh quá trình xác lập và bảo vệ chủ quyền một cách liên tục dưới triều Nguyễn về xứ Hoàng Sa gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Theo tài liệu cho thấy, vào Triều nhà Nguyễn, hàng năm triều đình chọn 70 trai tráng ở Cù lao Ré (Lý Sơn) lập Đội Hoàng Sa, dùng thuyền buồm, mang theo 6 tháng lương thực đi tuần bảo vệ chủ quyền, có nhiều người khi đi làm nhiệm vụ trên biển đã hy sinh, thi thể tan vào trùng khơi, nên Lý Sơn mới có những ngôi mộ gió chiêu hồn, dân Lý Sơn có câu:

Hoàng Sa trời, bể mênh mông

Người đi thì có mà không thấy về

Hoàng Sa mây nước bốn bề

Tháng Hai khao lề thế lính Hoàng Sa.

Đây cũng là những điểm thu hút du khách gần xa đến với Lý Sơn. Du khách tỏ ra thích thú khi tham quan đảo Lý Sơn, được ví như “bảo tàng sống” không những lưu giữ nhiều tư liệu quý về lịch sử chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa, mà còn là nơi hội tụ các nền văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chămpa và nền văn hóa Việt, tạo cho Lý Sơn có một nền văn hóa phong phú và đa dạng.

NỀN VĂN HÓA ĐA DẠNG

Hiện nay trên địa bàn huyện đảo Lý Sơn có trên năm mươi di tích, trong đó có mười di tích được công nhận gồm 4 di tích cấp quốc gia, đó là: Thắng cảnh Chùa Hang, Đình làng An Vĩnh, Đình làng An Hải, Am Linh tự và 6 di tích cấp tỉnh gồm: Dinh tam tòa, Đền thờ cá Ông Lân Chánh, nhà thờ Phạm Quang Ảnh, đền thờ Thiên Y-A-Na, Lăng cá Ông Đông Hải, Mộ và đền thờ Võ Văn Khiết, cùng 23 di tích tín ngưỡng và một số di tích khác. Nhiều loại hình văn hóa phi vật thể và tinh thần, sinh hoạt dân gian, tín ngưỡng, lễ hội đặc sắc như: Lễ hội khao lề thế lính Hoàng Sa, lễ hội đua thuyền truyền thống, Hội dồi bòng... trong đó Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cấp bằng công nhận là Di sản phi vật thể quốc gia, trở thành sự kiện thu hút sự quan tâm của nhân dân trong tỉnh, trong nước và nước ngoài. Ngay sau khi thành lập huyện (1993) đến nay, huyện ủy Lý Sơn có chủ trương bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa đồng thời coi đó là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Hiện nay trên địa bàn của huyện có gần 90% di tích đã được trùng tu, tôn tạo và lưu giữ những giá trị văn hóa, kiến trúc, điêu khắc cổ kính. Trong số đó 90% nguồn lực được xã hội hóa bằng sự đóng góp của nhân dân. Được trưởng phòng văn hóa huyện Lý Sơn Ngô Văn Nghĩa (có bút danh âm nhạc là Thiện Nghĩa) tặng chúng tôi cuốn sách tư liệu về văn hóa Lý Sơn, trong đó ngoài giới thiệu về nền văn hóa phong phú Lý Sơn, có liệt kê các hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian như hát bội, hội dồi bòng được phục dựng, tái hiện trong đời sống nhân dân vào những năm gần đây. Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa là việc làm mang ý nghĩa nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ trong đội Hùng binh Hoàng Sa năm xưa đi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo hy sinh. Được biết từ ngày 20 tháng 2 âm lịch trở đi các dòng họ lần lượt tổ chức lễ này tưởng nhớ về tổ tiên từng nhận lệnh triều đình tham gia Đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa. Đến ngày 16 tháng 3 âm lịch Lễ khao lề thế lính được tổ chức ở quy mô cấp huyện,...

THIÊN ĐƯỜNG LÝ SƠN

Lý Sơn, trước đây có tên là Cù lao Ré. Tạm hiểu là đảo của những cây Ré. Dân tộc Cor miền núi phía Tây Quảng Ngãi truyền rằng, từ thuở hồng hoang sau cơn rùng mình của tạo hoá, mỗi dãy núi của họ rạn tách văng ra biển thành đảo Lý Sơn bây giờ. Người Lý Sơn thêm thắt, dáng dấp hòn đảo hồ đang sinh sống được hình thành bởi 5 ngọn núi lửa. Hiện trên đảo lớn vẫn còn vẹn nguyên dấu tích 5 miệng núi lửa khổng lồ: Hòn Thới Lới, hòn Vung, hòn Giếng Tiền, hòn Tai và hòn Sỏi. Trong đó miệng núi lửa Thới Lới trở thành hồ chứa nước cung cấp nước sinh hoạt và tưới tiêu cho cư dân trên đảo lớn. Còn đảo bé là một trong số những ngọn núi rạn tách văng ra xa hơn tạo nên, đảo bé so với đảo lớn còn khó khăn về nước ngọt sinh hoạt, tuy đã có dự án DooSan (Swro) khử mặn lọc nước biển thành nước ngọt, có hai máy phát điện mỗi máy 94 kw với công suất mỗi máy 100 tấn/ngày. Nước để sinh hoạt cũng còn phải dè dặt lấy đâu ra nước phục vụ cho sản xuất, nhưng bù lại ở đảo bé này có bãi cát mịn uốn lượn quanh làng đảo với những cây dừa sừng sững trước sóng gió, phía tây đảo bé còn có những thành đá dựng đứng, bãi đá chìm với màu nước xanh ngọc tạo cho Lý Sơn có nhiều cảnh đẹp như một thiên đường.

Theo báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 của huyện Lý Sơn, nền kinh tế chủ yếu vẫn là chăn nuôi, đánh bắt hải sản và cây nông nghiệp, mà cây trồng chủ yếu là hành, tỏi, ngoài ra còn có cây ngô và dưa hấu. Mặc dù trong năm 2015 ngư dân Lý Sơn đánh bắt hải sản tại khu vực ngư trường truyền thống tại Hoàng Sa vẫn bị lực lượng tàu Trung Quốc đập phá, có 15 trường hợp/ 14 phương tiện, gồm 183 lao động đang hành nghề bị tàu Trung Quốc truy đuổi, đập phá lấy tài sản. Tuy vậy tổng giá trị sản xuất toàn huyện đạt 28.640 triệu đồng, chủ yếu do ngành trồng trọt đem lại, riêng ngành trồng trọt đạt 26.618 triệu đồng. Đứng trên đỉnh Thới Lới nhìn xuống những vạt đất đang thay màu cho vụ trồng mới, tôi mừng cho người dân Lý Sơn đảo lớn đã có điện lưới quốc gia cho sinh hoạt, sản xuất, đỉnh núi lửa Thời Lới là một hồ chứa nước lớn được huyện quyết định xây con đập năm 2009 ngăn giữ nước không cho tràn xuống biển để lấy nước sinh hoạt cho trung tâm huyện và nước tưới tiêu... Bên đảo bé không có nước phục vụ sản xuất nên bao giờ vào vụ trồng tỏi hành cũng sớm hơn đảo lớn, hành tỏi đảo bé bây giờ đã lên xanh thì đảo lớn mới bắt đầu xuống giống.

Ngồi trên con tàu cao tốc trở vào đất liền, nhìn lại giữa mênh mông trùng khơi, đảo Lý Sơn “vương quốc tỏi”, “bảo tàng sống” gánh trên vai một trọng trách đối với lịch sử, ngày ngày vượt khó đi lên xứng đáng vị trí tiền tiêu, tiếp bước cha ông viết tiếp trang truyền thống xây dựng và bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Để có mức thu nhập bình quân đầu người 21 triệu đồng/ năm quả là một cố gắng lớn đối với cán bộ và nhân dân huyện đảo Lý Sơn.

Văn nghệ, số 4,23/1/2016

------------

Có thể bạn quan tâm:

Triết lý sống và sự lan tỏa tinh thần nghĩa hiệp Lý Sơn – mùa biển động Mênh mang ngọn sóng Trường Sa
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.