Sáng tác

Khoảng cách - Truyện ngắn của Phạm Thị Huệ

Phạm Thị Huệ
Truyện
06:00 | 28/08/2024
Baovannghe.vn - Cha tôi về hưu năm ông 50 tuổi, tuổi đó chưa già. Nhưng mẹ tôi động viên. "Hưu cũng được, còn khối người ở phố bằng tuổi còn phải về mất sức..."
aa
Khoảng cách - Truyện ngắn của Phạm Thị Huệ
Khoảng cách - Truyện ngắn của Phạm Thị Huệ

Từ nhỏ tôi đã không được gần gũi cha, trong trí nhớ non nớt của tôi không có một hình ảnh nào về cha. Giải phóng miền Nam xong cha tôi ở trong Huế mãi năm 80 mới chuyển ngành ra Bắc. Những lá thư ít ỏi viết bằng giấy kẻ ca rô với mực xanh Cửu Long, những gói bưu phẩm gửi qua đường bưu điện, bất di bất dịch bao giờ cũng là cân đường hoa mai hộp sữa ông thọ, cùng lắm thêm đôi dép nhựa tiền phong đem gửi cho mẹ tôi. Ngần đấy thứ thôi cũng là một sức mạnh vô hình để đôi vai gầy guộc của mẹ tôi gánh vác gia đình bên nội bên ngoại cùng hai đứa con gái bé bỏng.

Từ ngày cha tôi về hưu, ông sinh ra ra căn bệnh trầm tư ít nói suốt ngày làm bạn với Đài tiếng nói Việt Nam, báo Nhân dân. Đến nỗi cha tôi ngủ mơ còn nói "Tờ báo của tôi để đây đã đâu mất rồi" thỉnh thoảng cha tôi cùng mấy ông bạn về hưu cùng phố rủ nhau uống rượu lai rai nói chuyện đời. Họa hoằn cha tôi mới ăn mặc chỉn chu đi chơi không quá một ngày thì về.

Nhìn cha tôi uống rượu từng bát, hút thuốc lá quấn từng bịch nỗi cô đơn như được lũy thừa lên, chao ôi không gì sợ bằng sự cô đơn, sự lạnh lùng nhạt nhẽo giữa những người thân với nhau. Những người cô đơn hay tỏ ra cô đơn đều có nỗi niềm hoặc tâm sự rất riêng (ấy là tôi đọc trong báo như vậy) nên tôi muốn gần gũi với cha, để được tâm sự, để được bước vào thế giới riêng của cha. Một căn phòng nhỏ đầy sách báo và cái radio cũ mèm nghe rè rè như người bị méo tiếng.

Cha tôi bảo trong cuộc đời ông có hai điều làm ông day dứt đau khổ mãi không nguôi, có những cái tưởng chừng như vô nghĩa thì... thì lại rất có nghĩa với ông, thứ nhất: Cha tôi không có con trai để nối dõi tông đường mà cha tôi là con trai duy nhất của dòng họ Phạm còn lại; Thứ hai: Cha tôi là kẻ phản bội tình yêu không thể chung tình với một người đàn bà.

Đất dưới chân tôi như lún sâu xuống, khuôn mặt bắt đầu nóng ran rát, lòng sĩ diện của đứa trẻ mới lớn bị tổn thương tưởng chừng như ghê gớm lắm giống như con thú bị sập bẫy càng giẫy giụa càng đau đớn. Nói như vậy khác gì cha tôi phủ nhận 3 chị em gái.

Cha mẹ tôi sinh được 3 cô con gái, chị Thìn sinh năm 64 tuổi con rồng học đại học sư phạm ra trường lấy chồng cùng ngành có cậu con trai đẹp như tranh. Tính chị hiền lành nhu mì ai cũng quí chị.

Tôi tuổi con hổ tính tình nóng nẩy bốc đồng thích gì thì làm không thích thì chẳng ai ép tôi vào khuôn khổ được. Tóc tôi hớt cao kiểu con trai, ăn mặc kiểu hầm hố cộng với nước da bánh mật dáng đi ngông nghênh, trông tôi giống một gã hơn là một cô gái. Cha tôi nhìn tôi thở dài: "Giá như con Nga là con trai thì hạnh phúc biết bao."

Em Lê cong môi "Cái gì bố cũng con trai, bố sang bên bác Phước mà nhận một anh í." Em Lê là út tuổi con rắn, học sau tôi 3 lớp tính Lê bé bỏng dễ thương, ngay từ nhỏ đã bộc lộ bản tính của phái nữ đan lát thêu thùa. Hình như mẹ, chị Thìn, em Lê rất giống nhau điểm này.

*

Cha tôi không chung tình với một người đàn bà, cứ ngỡ là đùa nhưng lại hóa thật. Giọng cha cứ đều đều chậm rãi, chuyện quan trọng cũng nói bằng giọng ấy, không quan trọng cũng nói bằng ấy nên khó phân biệt được thật giả.

Tin cha tôi có người đàn bà khác như bóng đen bao trùm xuống ngôi nhà nhỏ, con mèo tam thể mọi lần nhìn thấy tôi kêu ngao ngao rụi đầu liếm vào tay tôi đòi bế hôm ấy cũng nằm co tròn vào ổ rơm trong bếp. Mọi người nhìn nhau im lặng, chị Thìn khóc nức nở. Mẹ không khóc. Tôi hiểu tính mẹ đa sầu đa cảm nên trái tim dễ vỡ trước một việc gì đó gây xúc động. Mẹ không khóc tức không còn nước mắt, lòng tự trọng đã bị tổn thương quá lớn.

...

... tôi và em Lê cứ lơ mơ về chuyện gia đình, chỉ thấy cha đi sớm về khuya lúc về người lại nồng hơi rượu. Chị Thìn lại ôm mẹ khóc, mấy bà hàng xóm ngó đầu sang bảo: "Cái Nga cái Lê lấy vôi mà bôi vào chân bố mày cho nhanh giã rượu." Tôi chạy đi lấy vôi bôi vào chân không quên cấu cho cha một cái rõ đau vào bắp chân. Hôm sau tôi còn nhìn rõ vết tím bầm trên bắp chân của cha tôi.

Tính cha tôi khác trước, buồn vui thất thường, uống rượu xong cãi lộn với vợ con, lúc tỉnh rượu lại hiền như cọng rơm khô. Tôi ngỡ vết thương cũ tái phát theo giám định vì cha tôi còn hai mảnh đạn nằm trong phổi, tôi hỏi:

- Sao bố không làm thẻ thương binh từ ngày xưa, cái gì cũng được ưu tiên thương binh liệt sĩ. Thà nghỉ từ ngày xưa bây giờ hưu đỡ bị sốc, con buồn lắm.

- Mày đúng là một con ngốc (cha tôi hay gọi chúng tôi là mày) tao mà làm thương binh từ ngày xưa thì về nghỉ mất sức lâu rồi làm gì có cái suất về hưu như bây giờ. Mày còn bé đừng có thắc mắc lung tung.

*

Buổi tối hôm ấy mẹ nấu cơm sớm, mẹ và chị Thìn ăn qua loa rồi đứng dậy. Chị Thìn dong xe ra cửa, mẹ chạy xuống bếp lấy cái đòn gánh mang theo. Hai mẹ con hối hả đạp xe đi quên cả xúc miệng. Tôi và em Lê nhìn nhau khó hiểu rồi cùng nhìn ra cổng, bóng mẹ và chị Thìn khuất dần sau rặng găng. Gần 10 giờ đêm mẹ và chị Thìn trở về trông mẹ rũ xuống như tầu lá héo. Thần sắc biến mất chỉ còn lại khuôn mặt nhợt nhạt trắng bệch. Tôi hỏi "Mẹ đi đâu?" Mẹ nằm im trên giường bất động, chị Thìn ra hiệu cho tôi im lặng không được nói gì thêm. Trong đầu tôi xuất hiện hàng loạt câu hỏi khó hiểu mà tôi không thể trả lời nổi. Mãi sau lớn lên một chút chị Thìn kể cho tôi nghe, mẹ và chị hôm ấy đi đánh ghen. Đi đánh ghen? Tôi không tin nổi mẹ tôi mà dám đi đánh ghen. Tôi đã đọc tờ báo Phụ nữ mẹ lấy ở cơ quan về để đầu giường "Cái ghen của phụ nữ thường âm ỉ dai dẳng như những ngọn lửa nhỏ khó có thể dập tắt được. Cái ghen của đàn ông thì bùng lên dữ dội như ngọn lửa lớn rồi vụt tắt." Thảo nào mẹ tôi đã nhóm tất cả những ngọn lửa nhỏ đó thành một ngọn lửa lớn bùng lên có thể thiêu cháy cả bầu trời... rồi vụt tắt mãi mãi. Mẹ và chị Thìn đã lóc cóc đạp xe 7 cây số đường đất để đến nhà người đàn bà ấy. Dưới ánh điện mẹ còn nhìn rõ chiếc xe đạp Phượng hoàng dựng ở cửa, bộ quần áo bằng vải ka ki mẹ may cho cha được giặt khô phơi hàng hiên gió thổi còn đập vào tường phần phật. Mẹ định đẩy cửa bước vào thì một thằng bé con 6-7 tuổi chạy từ dưới bếp lên chặn ngang cửa hét lên "để cho bố mẹ tôi yên" mẹ vứt cái đòn gánh xuống hiên kêu đến "cộc" một cái tạo thành thứ âm thanh khô khốc, nhạt thếch.

Đàn bà là thế, dễ mềm lòng hay xúc động tới mức vô lí. Khi sự ghen tuông lòng bực tức trào dâng thì ngôi nhà kia phải đổ ngay xuống chân mẹ tôi. Nào có làm được gì đâu chỉ tạo thành những vết xước nham nhở trong lòng, nỗi đau như sâu thêm không cần phải đánh đập mà thấy thấm thía tê dại.

Còn đâu những buổi chiều quây quần bên mâm cơm mẹ kể chuyện đám cưới to nhất làng, thịt ba con lợn, hai con chó, chuyện sinh chị Thìn một mình vượt cạn tưởng chết, chị hộ lí bảo con trai, khi ôm được con trong lòng hóa ra là ả thị mẹt nhìn mẹ tôi khóc oe oe.

*

Cuối cùng thì cha tôi công khai đi lại với người đàn bà ấy, người đàn bà góa chồng có một đứa con riêng. Một người đàn bà góa chồng và một người đàn ông chán vợ dễ tìm thấy một hơi thở chung, tâm hồn dễ đồng điệu cho dù tuổi cũng chẳng còn trẻ gì cho lắm.

Mẹ vượt qua được sự ghen tuông, tình cảm trong mẹ đã bão hòa, chị Thìn đi lấy chồng, tối ôn thi vào đại học, em Lê ôn lên cấp III. Tết năm ấy thật buồn, nỗi buồn đó thấm sâu vào từng người, thể hiện lên khuôn mặt.

Mọi người tự an ủi lấy chính mình, thế lại hay. Cả nhà tụ họp ăn bữa cơm tất niên, cha mặc com lê nghiêm trang, sau một hồi phần bua hòa giải cha không nói bằng giọng đều đều mà có vẻ gay gắt hơn quay về phía tôi:

- Cha mẹ chính thức chia tay nhau, cha muốn nói với con Nga một điều, riêng con Nga thôi, con đã đủ 18 tuổi con phải biết về mình. Con không phải là con đẻ của cha mà là con riêng của mẹ. Năm 77 cha về con đã lên ba, giá như con là...

Một cảm giác ngột ngạt, tôi ngỡ mình còn nhỏ hay mơ thấy ác quỷ có sừng chuyên bắt trẻ con ăn thịt, lúc tỉnh dậy vẫn thấy mồ hôi ướt đầm trên trán. Giấc mơ về ác quỷ luôn ám ảnh cả tuổi thơ... tôi, lúc khóc mẹ dọa ác quỷ tôi im bặt, lúc mất điện mẹ dọa ác quỷ tôi nép chặt vào lòng mẹ hơn. 18 tuổi có thể chịu được những phong ba của cuộc sống nhưng 18 tuổi không thể chịu đựng được sự phũ phàng.

Tôi cảm thấy bị chơ vơ giữa mọi người, từng câu nói của cha như lưỡi dao nhỏ trích vào trái tim tôi làm nó bị rỏ máu. Mẹ lặng lẽ không khóc, dường như nước mắt của mẹ đã bị vắt kiệt từ khi cha bắt đầu công khai đi lại với người đàn bà ấy. Cha thu dọn đồ đạc của mình cho vào chiếc bao tải nhỏ chở đến ở hẳn nhà người đàn bà ấy. Một sợi dây vô hình nào đó đã chia gia đình tôi ra làm hai ngả. Phải chăng tại mẹ và người đàn ông ngày xưa, tại cha và người đàn bà bây giờ, hay tại ba đứa con gái chúng tôi! Lần đầu tiên tôi ghét sự im lặng của mẹ không phủ nhận hay công nhận lời cha nói đúng hay không đúng, im lặng đâu có phải lúc nào cũng là vàng.

Ngày tôi bắt đầu đi làm cha tôi có dẫn người đàn bà cùng cậu bé con ngày xưa bây giờ đã thành cậu bé lớn tướng đến thăm tôi. Cha tôi có cho tôi một ít tiền cùng vài thứ đồ dùng cá nhân lặt vặt, trông cha tôi vui vẻ và có phần béo lên, thằng bé có vẻ quấn quýt với cha tôi lắm. Lúc tôi xuống bếp nấu cơm cha tôi theo xuống nói nhỏ vào tai: "Nó là con ruột của cha đấy, cha đi kiếm được nó từ khi bắt đầu nghỉ hưu." Tôi giật mình trước câu nói của cha, không nén nổi lòng mình, nước mắt tự nhiên trào ra từng giọt thấm xuống nền bếp. Một ý nghĩ chợt đến "Nếu có một người đàn ông nào đó nhận tôi làm con đẻ, không biết tôi sẽ xử sự như thế nào nữa."

Chí Linh 8-3-1997

-----------

Bài viết cùng chuyên mục:

Đọc truyện: Bản gốc của trái tim - Truyện ngắn dự thi của Trịnh Minh Hiếu Đọc truyện: Chờ người trong tranh - Truyện ngắn dự thi của Đặng Ngọc Hùng Đọc truyện: Đêm định mệnh. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Việt Hòa Đọc truyện: Bên sông giặt áo - Truyện ngắn dự thi của Bảo Thương Đọc truyện: Ngọc lan trắng. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thanh Bình
Văn nghệ Trẻ, số 10/1997
Thông cáo báo chí số 23, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Thông cáo báo chí số 23, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Baovannghe.vn - Thứ Sáu, ngày 22/11/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 23 (Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV) tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Baovannghe.vn - Chiến dịch thần tốc như một cơn lốc không ngày không đêm, đơn vị vừa đánh vừa hành quân gần như xuyên dọc theo Quốc lộ 13 hướng về Sài Gòn mỗi ngày một gần thêm.
Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Baovannghe.vn - Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc ngày 22/11 với phiên thảo luận tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Baovannghe.vn - Mây đen tan. Nắng nhẹ. Hương sen còn sót hòa cùng hương bùn đánh dạt mùi khói xe, đưa nụ cười của hai người đàn ông lấp đầy mi mắt đang nhìn về phía mặt trời.
Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Baovannghe.vn - Bài thơ Thề non nước không chỉ là lời tự tình đằm thắm của một tâm hồn thủy chung, tin cậy mà còn cất giấu trong mình một bức tranh thiên nhiên tráng lệ và quyến rũ mê hồn vì một vẻ đẹp như sinh ra bởi con người và cũng chỉ dành để cho con người.