Tôi để chân trần đi trên cánh đồng vừa gặt. Những gốc rạ mới cắt, nhựa còn đang ấm nóng đâm vào lòng bàn chân tê mê dịu dàng. Ở phía trời xa, hoàng hôn đang từ từ buông xuống, nắng trải nhẹ như đang phết mật ong óng ánh lên ngọn những cây bưởi sai trĩu quả đợi ngày thu hoạch. Xa xa, từng ngọn khói đốt đồng quyện chặt vào nhau, bay lên, hòa vào nền trời xanh ngút ngàn.
Thông thường ở miền núi Trung Du phía Bắc, sau vụ đông xuân, người nông dân nhanh chóng đốt đồng, trả lại mặt ruộng phẳng phiu, để kịp cày ải, bơm nước cho vụ lúa tiếp theo. Những khi ấy, khói đốt đồng mù mịt cả một góc trời. Tới vụ hè thu, đa phần những mảnh ruộng được để nguyên rơm rạ chờ mùa nước nổi về nhấn chìm đi tất cả. Chỉ những khu gò cao, canh tác vụ mùa hay ở những nơi làm vụ ba, người ta mới đốt đồng. Nhiều năm trở lại đây, với sự ra đời của chiếc máy gặt lúa, việc thu hoạch lúa của người dân quê tôi nhàn hạ hơn nhiều, trước kia việc thu hoạch lúa thường kéo dài từ nửa tháng đến một tháng với niều ngày công: Công gặt lúa, bó lúa, chở lúa về nhà suốt, rồi phơi rơm, thóc cho nỏ đưa vào bồ. Nhưng từ khi có máy gặt đập liên hoàn, trở về quê trong vụ gặt cảm giác nhẹ nhàng, sạch sẽ, gọn gàng. Người dân chỉ việc đem bao ra rồi trở thóc về nhà phơi không cần tốn công. Rơm phơi luôn trên ruộng khi nào khô chỉ việc thu về chất đống hoặc có gia đình thì gom tại ruộng đốt thành tro nhằm cho đất tơi xốp chuẩn bị canh tác vụ sau; những ngọn khói đốt đồng nhỏ nhoi chỉ còn được cất lên từ phần thân những gốc rạ sót lại và một ít cọng rơm vàng vương vãi bay mù mịt quyện vào làn sương của ngày cuối thu khiến không gian như mờ ảo hòa quyện mùi hương lúa mới, mùi giạ rơm đặc trưng của làng quê Bắc bộ. Nhưng dù thế cũng đủ để nhóm lên ngọn lửa, cho phần còn lại của cây lúa biến thành tro trở về với đất và ngọn khói đốt đồng thanh thoát bay lên.
Tranh Như Trang |
Tôi sinh ra trong một gia đình thuần nông, nhà có hai mẹ con, hai mẹ con ngoài trồng lúa còn nuôi bò vì vậy sau mỗi vụ gặt lúa hai mẹ con thường tranh thủ ra đồng hong rơm ruộng nhà, đôi khi xin thêm nhà hàng xóm phơi khô, rồi đem về nhà chất đống làm thức ăn cho bò trong mấy tháng mùa đông mưa lạnh ở miền Bắc. Tôi còn nhớ có lần khi đã xin hết rơm, xin với bản tính của người nông dân “năng nhặt chặt bị” “chỉ có ngày mùa những lúc như thế này mới tranh thủ vơ vén, mới có cái để vơ vén, xong mùa lấy đâu ra”, mặc dù ngoài trời rét “như cắt da, cắt thịt” hai mẹ con tôi vẫn gồng gánh ra đồng tìm những ruộng rạ dưới đồng chiêm chũng ngập nước mà trước máy gặt không xuống được giờ mùa hanh cạn để cắt rạ, nói đúng hơn là nhổ rạ vì những cuống rạ đã mục nát chỉ cần dựt nhẹ là ra để mang về chất đống đun cho cả năm. Đôi khi bán rơm, rạ đó lấy tiền trang trải cuộc sống gia đình, mặt mày nhem nhuốc nhưng hai mẹ con vẫn nở nụ cười hạnh phúc.
Tôi thả lỏng người, hít căng đầy lồng ngực mùi khói đốt đồng thân thương. Chẳng giống mùi cay sè khói bếp, mùi tinh dầu the the, ngai ngái của lá cây rừng đốt nương làm rẫy và đương nhiên chẳng giống mùi khói bụi nồng nặc, ngột ngạt giữa trưa hè phố xá. Mùi khói đốt đồng dịu dàng, cay cay nơi sống mũi. Ẩn chứa trong đó có mùi sữa non của hương cốm mới, mùi ngọt ngào của những hạt lúa căng mẩy no tròn, mùi nồng nàn của bùn đất quê hương, mùi thảo thơm rơm rạ và mùi mặn mòi của những giọt mồ hôi.
Chạy suốt theo hơi thở và dòng chảy của tâm thức, ngọn khói đốt đồng len lỏi, thấm vào toàn bộ các giác quan của cơ thể. Để rồi đi đến đâu, dòng khí ấy làm tươi mới từng tế bào, mạch máu. Kỷ niệm của những ngày xa xưa chợt ùa về đong đầy trong tiềm thức. Tôi thấy mình trở về cùng bạn bè trên cánh đồng bát ngát, mênh mông, cùng nhau chăn bò, cuốc bờ ruộng bắt chuột để cắt lấy đuôi bán, hay nhóm lửa bếp nướng những củ sắn củ khoai ngồi hả hê cho hết buổi chiều giá lạnh mặc cho đàn trâu bò tha thẩn ăn cỏ trên cánh đồng.
Ngày ấy, thừa lúc cả đàn bò nhẩn nha gặm cỏ, mấy đứa chúng tôi đi gom nhặt từng gốc rạ đang nằm ẩn mình trong những luống cày. Gốc rạ khô được giũ sạch đất, xé nhỏ chụm lên thành ngọn lửa liu riu mà đượm khói. Khi những củ khoai, những bắp ngô được nướng chín cũng là lúc mặt đứa nào đứa nấy bám đầy lọ lem, giàn giụa nước mắt. Mùi khói rạ quyện trong mùi khoai bắp chín nồng nàn đã làm ấm lòng những đứa trẻ tuổi mười ba, mười bốn. Vừa thổi vừa xuýt xoa ăn, chúng tôi nhìn nhau cười bằng những hàm răng, những bờ môi đen nhẻm…
Đã nhiều năm rồi tôi xa quê hương, chiều nay về đúng vào vụ gặt, gặp ngọn khói đốt đồng, lòng chợt nao nao nhớ về những vầng khói bảng lảng năm xưa nơi quê mẹ. Và... thốt nhiên, tôi cảm nhận khoảnh khắc yên bình đến lạ trong đời.