Sáng tác

​​​​​​​Chakleng rực nắng. Truyện ngắn dự thi của Tagilau

Tagilau
Truyện
07:00 | 12/11/2024
Baovannghe.vn - Thẩm uể oải muốn nhỏm dậy nhưng ngực bị ép chặt không thở nổi. Hé mắt: đầu một con dê đang gác lên ngực cô. Mắt dê nhìn trong veo tha thiết.
aa

Thẩm chống bằng cùi trỏ chui ra khỏi đống xác dê cừu. Người đau ê ẩm. Khắp nơi khói vẫn nghi ngút. Tấm khăn quấn đầu giờ bay chập chờn trên bụi gai. Phất phơ lem luốc do lửa ăn dở.

Xung quanh vẫn có làn khói lơ lửng bám trên ngọn cỏ. Thẩm kéo cái khăn trùm đầu. Làn gió sớm mai thổi nhẹ đem mùi khét của cỏ cây và cả mùi thịt cháy. Thẩm hoảng hốt chống tay đưa nửa thân người nhỏm cao như con dông cát: cả đồng cỏ loang lổ những mảng đen vàng úa xám. Đôi chỗ lửa vẫn cố gặm nhấm những mảng cỏ cuối cùng. Khắp nơi đầy xác những con dê cừu bị lửa liếm nằm quay đơ như gốc cây khô.

Không. Không phải là chết tất cả. Từ trong các trảng cỏ xa, lũ dê cừu tránh lửa giờ rùng rùng chạy ra tìm chủ. Chúng mừng rỡ hít hà lên mặt lên tay Thẩm. Tiếng kêu rĩn sung sướng hạnh phúc vì vẫn sống qua bão lửa.

Thẩm đau đớn xệu xạo đứng lên rồi lại ngã nhào lên lũ gia súc của mình, làm chúng sợ hãi thảng thốt. Thêm lác đác những con dê, cừu chạy lửa giờ lệu xệu tấp tểnh bước trên tro tàn về phía chủ. Thẩm giờ mới biết mình cũng xơ xác, tóc cháy xém, áo váy lửa cắn... khắp người rát nhức vì bỏng. Chợt Thẩm thảng thốt xé ruột: Len có sao không? Hôm qua đàn của Len chỉ đi sau có nửa tiếng gọi mà!

Dưới ánh bình minh rực đỏ chân trời... có bóng người lảo đảo bước tới cùng mấy con vật. Đó là Len. Cũng như Thẩm, Len bị lửa liếm rồi ngất xỉu trong biển khói. Giờ mới dậy tìm Thẩm.

Vừa thấy Thẩm, Len đã ngã nhào bất tỉnh, tro bụi bùng lên phủ kín người cậu như cuộc hỏa táng đã xong. Thẩm bò tới thì Len lại ngất, tóc tai bị lửa ăn nham nhở, áo quần tơi tả…

Đàn gia súc của Thẩm hôm qua còn quây quần như sóng cỏ, nay số chết cháy, số bị thương nằm kêu khóc, số chạy dạt lạc chưa về... Thẩm ngồi sụp xuống, nước mắt chứa chan đau khổ tuôn lên gương mặt của Len, nhưng gương mặt anh vẫn không lay động. Thẩm nhoài đến vạt xương rồng bẻ một cành rồi từ từ đưa lên miệng... bầy dê nhìn thấy kêu xé lòng như thay lời can: “Chị chủ đừng... đừng...”.

​​​​​​​Chakleng rực nắng. Truyện ngắn dự thi của Tagilau
Ảnh: Pixabay

Thẩm vẫn nhớ cùng mẹ và thằng Liêu lếch thếch từ nhà vào Chakleng. Mẹ bế thằng Liêu cởi truồng lấm bê bết đất như con nghé vớt từ đầm lên. Thẩm đi bên mẹ, chiếc khăn Mat’ra màu nâu gió thổi phần phật. Ba mẹ con lội qua những trảng cát nóng bỏng. Xa xa là những cục đá của nghĩa trang của người Chăm Bà Ni bốc khói như ngỡ mùi trầm hương cúng của lễ Ramưvan. Đường vào làng một bên đậm kín xương rồng bò bám trên cát, thỉnh thoảng có bờ rào trước mỗi nhà đất khô nỏ, cứ ngỡ chỉ đập đôi hòn đá thì cả hàng rào khô sẽ bốc cháy ngùn ngụt như lễ hóa cốt người mất. Mỗi bước chân mẹ đi, trên đầu vò gốm Bàu Trúc lại lạo xạo hạt đậu. Thẩm mỏi rũ chân nhưng không dám nói, nó nhìn sang mẹ chân bà cũng cắm xuống cát. Chứng tỏ đôi chân rất nặng nề. Ở miền cát này chỉ có xương rồng và dê cùng bầy cừu là sống hồn nhiên với nắng gió. À thêm những đỉnh tháp rực đỏ cũng thản nhiên với đời với cát và gió. Còn tất cả đều liêu xiêu.

Ba mẹ con đến cổng nhà ông Isara, chào đón là bầy cừu lông trắng toát như mây và bầy dê đen xám loang lổ gào thét ầm ĩ. Hình như chúng bị nhốt trong trại quá lâu rồi nên cuồng chân sốt ruột muốn chạy nhảy trên thảo nguyên. Nay thấy người đến, chúng nghĩ sẽ mở cổng cho chúng đi gặm lá, gặm cỏ.

Từ ngoài sân đã thấy ông Isara đầu đội khăn thổ cẩm, hàng râu bạc, ánh mắt hiền từ đang ngồi trên thảm với sư cả Kadhar Gru bàn việc gì đó, mẩu trầm trên bát đất nghi ngút khói tỏa trên gương mặt nhăn nheo của hai vị. Thỉnh thoảng tiếng ho của sư cả lụ khụ như con dê già cuối mùa gió. Ba mẹ con ngồi dưới gốc cây me già dịu mát. Thẩm nhìn các đọt me non xanh thẫm chợt nhớ đã lâu nó chưa từng ăn bát canh lá me cá hay càng lâu chưa ăn canh thịt trâu lá me của làng đãi lễ. Mẹ nhìn hai con buồn rầu rồi lại nhìn bầy gia súc chộn rộn ngoài chuồng... Chúng cảm nhận đây sẽ là người sẽ đưa chúng ra đồng cỏ sắp tới. Đúng thế, hôm nay Thẩm được mẹ dẫn gặp ông Insara chính là việc này.

Sư cả Kadhar Gru lụ khụ bước ra rồi lảo đảo đi theo con đường đầy bụi cát. Hình dáng ngài nhấp nhô trong gió bụi rồi một thoáng mất hút sau rặng xương rồng tua tủa. Ông Insara nhìn Thẩm rồi quay đi. Không biết ông nghĩ gì làm người mẹ mím môi lo lắng lấy khăn thấm trán. Thằng bé mếu máo ngồi gỡ đất ở chân nó cũng hiểu hình như tí nữa chị nó sẽ ở lại đầy với đàn cừu dê này. Tiếng thở dài của ông Insara thăm thẳm như câu thơ của ông giữa bình nguyên. Hình như ông nghĩ một điều gì mơ hồ rất thảng thốt khi thấy cô bé này, nhưng miệng ông lại nói câu vô tình:

- Con bé gầy quá!

Đó là câu từ chối nhẹ nhàng nhưng với người mẹ như tiếng sét đánh. Nếu đưa nó về thì phải đem trả lại con bê hôm trước vừa dắt về. Thẩm lặng thinh, nó chẳng biết lo hay mừng. Mẹ nó đã nói về việc này suốt đêm qua. Nay ông chủ lại lắc đầu thì...

- Ông giúp với, con bé nó khỏe không ốm đau gì cả chắc chắn sẽ làm được việc mà! Nó 17 tuổi rồi đấy ngài.

Ông chủ ngước lên trời cao chắp tay kèm tiếng thở dài. Ông đang cầu khấn thần linh hãy phù trợ cho ông và con bé này. Ông từ chối thì ba người này không trở về ngôi nhà của mình nữa nên...

- Thôi được, từ ngày mai con đến đây, ta đã có cách.

*

Từ sáng mờ đất, Thẩm và mẹ đã lội cát tới. Mẹ xách một túi vải. Thẩm đeo cái gùi mây cũ của mẹ để chai nước, khăn đồ lặt vặt và mấy củ khoai. Đây là đồ dùng cũ của mẹ nay Thẩm tiếp tục dùng.

Khi Thẩm đến thì bà Insara đã đứng đón, bên cạnh có chàng trai đội khăn chéo rất cương nghị. Chỉ tay giới thiệu giọng bà nhẹ nhàng:

- Đây là cậu Len sẽ chăn đàn dê, còn con là đàn cừu.

Thẩm lẳng lặng cắn góc khăn. Chàng trai cũng quay đi như sợ ánh mắt của cô gái đang tỏa rực.

Thẩm đứng trước chuồng gia súc rộng lớn lúc nhúc bên dê, bên cừu. Chúng thấy người tới kêu ầm ĩ, có con chồm lên gào thét muốn phá chuồng. Số còn lại gõ móng xuống sàn lộc cộc kiểu ăn vạ. Thẩm hơi hoảng vì biết đây là đàn quá lớn lại vừa cừu vừa dê nhưng ông Insara nói thêm, ban đầu hai đứa cố gắng, có gì để ta sẽ tính tiếp. Ông leo lên mở cửa chuồng, đàn dê ào ào như nước lũ tuôn xuống đẩy Len ngã nhào trên nền đất, chúng chồm lên lao vụt ra đường, Thẩm chạy tới đỡ Len đứng dậy. Chàng trai bối rối vì hoàn cảnh trớ trêu của mình khi vừa đi làm mà không biết trên trán có vết xước rướm máu. Thẩm lấy khăn thấm cho cậu. Len thấy ánh mắt cô gái dịu mềm như ánh bình minh, thở dài buồn rười rượi.

Thẩm đã đi chăn nên hiểu mở từ từ cho đàn cừu ra. Tuy hối hả nhưng chúng không hung hăng như lũ dê. Chẳng cần chờ hiệu lệnh, đàn dê đã ùn ùn theo con đầu đàn tiến trên đường làng. Bọn cừu lục tục đi theo hiền lành cam chịu. Thẩm cũng y như thế, lũi cũi bước đi cuối đàn cừu.

Sau một lúc luồn lách trên con đường nhỏ của làng, ra tới đồng cỏ đàn gia súc ùa tỏa đi khắp nơi. Len đứng trên bờ đất cao trông đàn dê đang lần mò leo lên các bụi cây gặm lá. Thẩm ngồi lại với đàn cừu gặm cỏ. Bầu trời lơ thơ mây trắng bâng khuâng. Bất giác Len rút trong túi da cây kèn, chỉ nghe Thẩm cũng biết là kèn Saranai. Tiếng kèn lảnh lót véo von làm Thẩm ngẩn ngơ. Bởi lâu nay chỉ nghe các thầy thổi lễ cúng nên tiếng kèn rống riết.

*

Gió hơi lớn làm nghiêng ngả những vạt cỏ. Thẩm nhìn đàn cừu của mình hơi lo lắng vì hình như xa xa có mùi khói. Leo lên tảng đá, nhìn Thẩm thấy đàn dê mình đã cố tiến về vũng nước, đàn cừu cũng lóp ngóp...

Chợt con dê đầu đàn kêu thét lên như xé vải chạy ngược lại. Khói bốc lên mù mịt và những lưỡi lửa liếm lên ngọn cỏ như một con quỷ khổng lồ nuốt lấy cả không gian. Thẩm thét lên thảm thiết: “Chạy đi!” Bầy dê cừu chạy tán loạn thoát khỏi đám cỏ đang cháy rần rật cùng với gió. Con Khoang lao ngược vào đàn cừu xua chúng chạy xa khỏi đám cỏ. Sau phút giây hoảng loạn, bầy cừu ổn định lại theo chân con Khoang tháo lui khỏi đám cỏ. Bọn dê nhanh hơn, chúng nhảy chồm chồm cứ ngỡ như vượt qua những sườn núi để vượt ra. Thẩm chạy về phía bên kia đồng nước thoáng đãng vì biết lửa sẽ dừng lại ở bãi trống. Bầy gia súc ào ào băng qua đầm nước theo chủ để hội quân. Thẩm ra hiệu cho con Khoang chạy ngược về phía đồng cỏ tìm xem có con cừu nào bị lạc để dẫn ra. Con Khoang nhìn chủ ái ngại vì nó biết đi về phía đó không đơn giản chút nào, nhưng thấy ánh mắt của Thẩm, nó hiểu và chạy ngược biến mất vào đám cỏ... Thẩm nhìn theo, thương cho con Khoang dũng cảm. Đó là lần cuối cùng Thẩm thấy Khoang.

Đám cháy ràn rạt, liếm hết đám cỏ tranh rồi từ từ lụi tàn nhưng khói thì mù mịt lên tận trời cao. Len chạy cũng chạy ngược gió về phía đàn của Thẩm. Tất cả đều rực đỏ.

*

Len ngồi trên chỏm đá rút cây đàn Saranai mà thầy Kadhar cho cùng với cái túi da dê vàng. Nó thổi bài hát dân ca buồn bã: “Mẹ nuôi tôi bằng bầu sữa ca dao buồn. Cha nuôi tôi bằng cánh tay săn Glang Anak. Ông nuôi tôi bằng vâng trăng sương mù truyền thuyết. Palei nuôi tôi bằng bóng diều, hồn dế, tiếng mõ trâu” (Thơ Đứa con của đất - Inrasara) Thẩm nghe ứa nước mắt. Nó nhớ Len có ước muốn được kéo đàn Kannhi? Thầy Kadha cười không nói, mãi sau này mẹ nói chỉ khi nào làm thầy Kadhar mới được kéo đàn Kanhi đó là tiếng đàn linh thiêng thờ thần linh. Len lại học điệu nhảy điệu trên đám cỏ trúc giống thầy Ka-ing Đến múa trong lễ Riaja Nưgar. Thầy múa trong tiếng nhạc réo rắt. Tiếng trống Baranưng của ngài Hán Hải. Len muốn làm thầy Kadhar trong tuyệt vọng vì ông hay cha nó chỉ là người chăn dê chăn cừu.

Tiếng kèn réo rắt của Len như xiết vào trái tim thổn thức. Thẩm đã đưa chiếc khăn hồng cho Len chùi vệt máu trên trán hôm rượt theo. Thẩm đã dệt tấm khăn Aban Khan với những họa tiết rực rỡ để khi nào bắt Len về sẽ làm khăn choàng trên vai chàng.

Thẩm vẫn nhớ mẹ mặc áo choàng đen hai cánh tay màu xanh lam bế thằng Liêu, đầu đội lu đất đựng hạt đậu. Thằng Liêu trần truồng như con dê xám mới đẻ. Ba mẹ con đi mãi trên con đường làng Chakleng xương rồng bạt ngàn ngút ngát tới tận chân trời. Đã lâu mẹ với thằng Liêu không tới thăm mà Thẩm thì từ bình minh đến lúc sao lên đều lặn lội với lũ cừu trên đồng cỏ xa.

*

Mấy ngày nay Thẩm lo lắng khi gặp Sầm Đống. Anh ta cũng chăn cho ngài Phauk Dhar. Đàn cừu dê của Sầm Đống như con sóng biển, thế nên khi ra đến thảo nguyên nó lan kín khắp nơi, bò cả lên đồi cao. Nhiều lần bọn cừu bôi mực đỏ ở đầu của Sấm Đống xua đàn cừu mực tím của Thẩm dạt ra mép đồng chỉ có cỏ xơ xác. Bọn dê của Sầm Đống hung hăng leo trèo khắp bụi cây như lũ cướp, liên tục đánh nhau với dê của Len. Vì thế cứ thấy cái đầu cột khăn đầu rìu của Sầm Đống ở đâu là Thẩm với Len đều né chạy. Nhưng nắng càng lớn, cỏ càng khô, cây càng héo. Đến việc uống nước chiều,, mỗi khi đàn của Sầm Đống đến chúng hít sạch nước vũng, đàn khác như của Thẩm đến nơi chỉ còn bùn nhão.

Nhưng điều đó chưa phải là điều Thẩm ngại vì việc chăn thả trên đồng cỏ thì điều này vẫn có. Một lần khi Len lên đồi sim tìm con dê lạc của mình thì Sầm Đống từ sau ôm chặt lấy Thẩm làm cô không sao giãy giụa nổi. Sầm Đống đè Thẩm xuống giữa đám cỏ nhàu đất. Thẩm giãy giụa dữ dội. Thấy chủ bị ức hiếp, mấy con dê nhào tới húc mạnh vào mình tên dâm ô. Bị dê húc đau điếng hắn bỏ ra nhưng vẫn nói đầy hậm hực: “Sao Thẩm không bắt tao về làm chồng. Sang năm tao có đàn dê rồi đó!”. Thẩm lẳng lặng bước ra xa ẩn vào bụi cỏ. Một lúc sau Len dắt con dê khờ xuống núi đổ ra cả túi sim, cơm nguội chín vàng nhưng Thẩm ứa nước mắt không cầm làm Len bối rối không hiểu vì sao.

*

Buổi tối đó, khi đưa đàn cừu về trại. Thẩm lẳng lặng ra đập Cakling thả mình xuống dòng kênh Nha Kinh- nơi xưa do Po klaung Gilai (Poklong Grai) dựng cho làng Chăm. Thẩm thả mình xuống dòng nước, ánh trăng hạ huyền chớm sáng như lưỡi dao cắt xé tâm hồn của nàng. Thẩm vẫn nhớ cái miệng đầy răng vàng bẩn thỉu của Sầm Đống ngoạm lên ngực mình muốn đứt núm vú. Đôi bàn tay bẩn đầy phân bò của hắn thò xuống dưới bụng nàng, thọc ngón tay vào... Thẩm lấy ánh trăng non làm con dao cạo rửa tấm thân ô uế của mình trong dòng nước. Chợt nhớ năm xưa ở chốn này Ja Kathauut khi bé thơ mình mẩy đầy ghẻ lác đã nhờ dòng nước này tẩy rửa… để sau này thành chàng trai tuấn tú vào triều lên làm vua Po klaung Gilai. Việc ngài làm đập ngăn dòng nước thần chính là tích này.

Thẩm trầm mình đến nửa đêm mới trở về. Lúc qua trại cừu, dê chúng đều biết rít vang. Thẩm về góc nhà. Ở phía đầu nhà kia Len cũng bồn chồn khó ngủ.

*

Thẩm ám ảnh ánh mắt điên dại của Sầm Đống. Trong bụi mờ mịt mà mắt hắn không chớp, cứ đỏ rực như mắt sói. Thẩm chợt nhớ, theo tục người Chăm khi người con gái đã choàng khăn lên đầu người con trai thì từ đó người con gái không được ai xâm phạm.

Chiều đó Thẩm xin ông Insara về nhà thăm mẹ. Ngôi nhà sau nhiều tháng vắng Thẩm trở nên xiêu xiêu buồn bã. Ở ngoài sân thằng Liêu đang ngồi chơi với mấy con gà con. Thấy chị về nó reo mừng nhảy nhót. Mẹ nhìn Thẩm ngạc nhiên lo lắng với bao câu hỏi. Thẩm chỉ nói, con về lấy khăn thổ cẩm Aban khan! Mẹ ngồi thụp xuống khúc gỗ mục, con đi bắt chồng à? Thẩm cúi đầu! Mẹ hỏi, con bắt ai? Thẩm, thằng Len! Mẹ nhìn ra xa nơi có cơn gió cát thổi thốc lên xoáy tròn. Mẹ bần thần, sao gấp vậy con, nó làm gì con à? Thẩm ôm mẹ, không đâu. Thẩm không muốn nói chuyện bị tên Sầm Đống đang truy hiếp để mẹ sợ.

Mẹ với thằng Liêu tiễn Thẩm đi hết rặng xương rồng cỗi rồi mới về, vừa khuất bóng con, bà ngã nhào xuống cát.

Thẩm bước đi rắn rỏi phăng phăng trên cát xốp. Phía rặng xương rồng đôi mắt Len thăm thẳm.

*

Sầm Đống trở về nhà ủ rũ, buồn bã đến điên dại. Nó đá đít hết con dê này đến con cừu khác. Trưa nay dưới ánh nắng chói chang rực lửa của thảo nguyên, giữa đàn gia súc dê cừu quần tụ như mây trắng: Thẩm đã choàng chiếc khăn Aban khan lên vai Len! Len lấy kèn Saranai thổi véo von như tiếng sơn ca trên núi đồi. Thẩm đã làm lễ bắt Len làm chồng! Từ nay Thẩm là của Len, Len là chồng của Thẩm… ít bữa nữa sẽ xin thầy Kadhar làm lễ ở Chakleng, rồi Len sẽ về nhà Thẩm ba năm.

Thẩm với Len chạy tung tăng trên thảo nguyên bầy dê cừu lúc cúc vui mừng hớn hở chạy theo. Khi cả hai đứa ngã xuống bầy cừu nhào tới liếm lên mặt lên tay như lời chúc phúc. Ở ngọn cây xa, một tiếng rơi ầm xuống cỏ. Đó làm Sầm Đống. Hắn lịm đi đau đớn tuyệt vọng. Từ này nếu đụng đến người Thẩm thì làng sẽ xử tội hắn, thần linh sẽ đày đọa hắn.

Từ hôm đó Sầm Đống đi theo đàn gia súc như ra nghĩa trang, nó vật vã chán nản. Đến bãi khi đàn gia súc vui vẻ ăn uống chạy nhảy thì nó nằm vật, dang chân dang tay ra nhìn trời chói chang như con dông đất phơi nắng. Sầm Đống nhớ đến Thẩm, đôi tay nó đã đụng đến chốn thiêng cơ thể của nàng mà sao không được làm chồng của nàng. Nghe nói đêm đó con bé đã xuống kênh Nha Kinh của vua Po klaung Gilai để tẩy trần! Chính ánh trăng của thần Shiva đã chứng giám cho cô nàng. Rồi nàng lại choàng khăn Aban khan cho thằng Len - Chúng nó sẽ thành chồng vợ rồi… Sầm Đống đau khổ, như vậy từ khi sinh ra lớn lên nó cô độc như con sơn dương.

Chợt nó nhìn tới đám cỏ lau, cỏ tranh ở chân núi Chúa đang rào rạt gió, đỏ rực ánh nắng. Sầm Đống quắc mắt bật lửa căm thù vào đám cỏ.

*

Cả làng đang tưng bừng vật ba con trâu mộng làm cỗ ăn mừng lễ Tôn chức của thầy Kadhar Jalandhar. Tiếng trâu bị chọc tiết rống thảm thiết giữa tiếng cười. Các bô lão quấn khăn đỏ đứng nhìn thản nhiên không chớp. Các bà lão với mấy chị xềnh xoàng váy áo ngồi gói tapei anung, tapei bilik tapei coh, sakaya, ginraong laya và kadaor... Có đám thanh niên đang ì ạch khiêng mấy vò rượu to, đi sau là sư cả Kadhar Gru lụ khụ ho húng hắng. Đây là món quà của sư cả Kadhar Gru chuẩn bị từ đầu năm để chuẩn bị cho lễ này. Kadhar Jalandhar cùng vợ cung kính đón chào sư cả Kadhar Gru và Bà Bóng vào nhà. Lúc quay ra thầy Kadhar Jalandhar Phuel đã thấy ngoài sân con dê trắng phau như tuyết được trói chặt cùng mấy con gà trống mào đỏ rực. Đó những là những lễ vật cúng.

Thịt trâu xẻ ra từng mảng lớn cho vào nồi cùng lá me luộc. Đó là món ăn truyền thống của người Chăm Bà la môn. Đã lâu lắm rồi làng mới có lễ tôn chức cho thầy Kadhar, dù chỉ mới lên bậc hai của 5 bậc: Nhập môn, Tôn chức, Tế trâu Kuak Dao, Tế Trâu Lan Dao và đỉnh cao là Kadhar Gru. Dân làng phấn khởi mắt ai cũng long lanh vì thêm một người lo việc thờ cúng thần linh của làng.

Trong nhà nghi ngút khói trầm hương, hoa quả được Bà Bóng chọn lựa xếp đặt, sư cả Kadhar Gru ngồi trang nghiêm đọc kinh. Thầy Kadhar Jalandhar ngồi im như tượng trên tháp lắng nghe từng lời kinh ban cho mình...

Chợt có bên ngoài có tiếng thét cùng tiếng khóc vang như xé trời: Ôi thần linh ơi! Thần Shiva ơi! Sao lại thế này?

Thầy Kadhar Jalandhar vái lạy lui ra: Ngoài sân bên con dê trắng là thân hình con Thẩm đen như than, tóc cháy xém nằm vật ở sân bất tỉnh, hình như phía ngoài rào có cả cậu Len đang bò lết! Mọi người kinh hãi không hiểu vì sao hai đứa trẻ chăn cừu này lại xuất hiện ở đây. Ở ngoài bầy dê cừu cũng chạy ùa vào, lông mình cháy loang lổ khét lẹt! Ở một góc lều có ánh mắt trắng dã thảng thốt nhìn rồi lảng đi, đó là Sầm Đống. Nó đã chờ ngọn lửa chồm lên đàn cừu dê của Thẩm, Len thì về Chakleng ăn thịt trâu lễ tôn chức.

Thịt trâu khoan chặt, tảng thịt dừng thái. Bánh không bày ra, rượu không rót... Ông Insara ngồi lặng thinh khi thấy đàn cừu, dê hàng nghìn con của mình giờ chỉ thất thểu mấy trăm con đứng lêu têu ngoài bờ rào.

Chiếc xe ô tô màu đất lao chồm trên đường làng chở Len và Thẩm, tiếng còi hụ như tiếng kèn Saranai thống thiết của lễ cầu táng nhập Kut Gơp Gadak.

Thẩm mở mắt cầm tay Len nói, em không giống nàng Tangya bỏ chàng Kei Kamao. Len nhắm mắt im lặng.

Pangdurangga tháng tám lịch Chăm (tháng 11.2023)

-------------------

- Chakleng: Làng Chăm

- Tapei anung: bánh tét; tapei bilik: bánh ít; tapei coh, sakaya: bánh trứng, ginraong laya: bánh gừng.

- Thần Shiva: Thần đấng tối cao của Ấn giáo.

- Nàng Tangya và chàng Kei Kamao: Nhân vật huyền thoại Chăm.

- Kut: Nơi tưởng niệm thờ người đã mất.

- Po klaung Gilai: Vị vua Chăm nổi tiếng thế kỷ 12, Có tháp mang tên ngài ở Phan Rang - Tháp Chàm ngày nay.

- Ramuwan: Lễ ăn chay, tưởng niệm người đã mất của người Chăm Bà Ni (Hồi)

- Kadhar Jalandhar, Kadhar Gru…: Giáo sỹ Chăm.

- Pangdurangga: vùng văn hóa Chăm Nam Trung Bộ.

- Tagilau: Hoa bằng lăng.

Chakleng rực nắng - Truyện ngắn dự thi của Tagilau
Ảnh minh họa. Nguồn pinterest.com
Văn nghệ, số 50/2023
Mẹ. Tản văn của Trần Mỹ Thương

Mẹ. Tản văn của Trần Mỹ Thương

Baovannghe.vn - Mẹ của con, chẳng một lời oán than dù phải thui thủi một mình khi chúng con lớn khôn sải cánh tự lập. Tuổi thất thập ăn ngủ vò võ một mình.
Vị phố. Truyện ngắn dự thi Kiều Bích Hương

Vị phố. Truyện ngắn dự thi Kiều Bích Hương

Baovannghe.vn- Nhìn từ ngoài vào, Phở Hà lặng bặt trước cái siêu thị lúc nào cũng như siêu nước sôi réo. Phở Hà như cái bánh cuốn mỏng tang. Hàng thịt của ông Thổ như chiếc Kebab sắp bung nứt vì nhồi nhiều thịt và hành tím. Mỗi sáng Phở Hà nhường nhịn hàng người dài rì rầm trò chuyện chờ đến lượt vào hàng bánh mì Muối và Đường của chị Hà Lan phía bên kia phố.
Nhà thơ của đường Trường Sơn huyền thoại

Nhà thơ của đường Trường Sơn huyền thoại

Baovannghe.vn - Trong thế hệ nhà thơ những năm đánh Mỹ, Phạm Tiến Duật có nhiều đóng góp xuất sắc về giọng điệu thơ, về cách tân thơ. Ông dựng nên một tượng đài Trường Sơn hùng vĩ bằng thơ. Phạm Tiến Duật là nhà thơ của đường Trường Sơn huyền thoại...
Con mộng trắng. Truyện ngắn của Song Ngư

Con mộng trắng. Truyện ngắn của Song Ngư

Baovannghe.vn - Cái chuồng trâu nằm dưới gốc nhãn. Nó sơ sài, được quây bốn xung quanh bởi mười bốn thân cây gỗ to bằng bắp chân. Mái chuồng lợp tranh, trong mái tranh có đôi vợ chồng thằn lằn sống đã nhiều năm, đôi lần con mèo mướp tìm được mấy quả trứng thằn lằn nhỏ như đầu ngón tay út trẻ con, hình trái xoan, vỏ trắng mềm nhẵn nhụi.
Chiếu không - Truyện ngắn của Tống Phước Bảo

Chiếu không - Truyện ngắn của Tống Phước Bảo

Baovannghe.vn - Thiệt chỉ biết con người chỉ sống cuộc đời này một lần mà thôi. Vậy nên thương là thương, chứ câu nệ làm gì mấy chuyện xưa xa cũ càng. Chiếu đêm ấm hơi. Bếp tráng bánh bận đó cũng có đôi. Tiếng bìm bịp gọi bầy cũng ngọt lừ trên dòng sông Đợi.