Diễn đàn lý luận

Khoảng khắc Lê Đông

Lê Thanh Huệ
Chân dung văn học
05:00 | 15/07/2024
Bàn tay của Chúa Trời, là bức ảnh của tác giả. Lê Đông chụp được vào ngày sinh nhật thứ 73, sau 53 năm cầm máy và 3 lần bấm máy cuối cùng của cuộn phim...
aa

Chiều thứ sáu ngày 8/8/2014; trời thu Sài Gòn thăm thẳm một mầu xanh. Sau một ngày lang thang chụp các bức ảnh, tác giả Lê Đông chỉ còn lại mấy tấm phim cuối cùng trong cuốn phim nhựa màu Kodak (Color 35mm Negative Film); lúc đó, bước chân vô định đưa ông về Nhà thờ Đức bà Sài Gòn.

Một đám mây nhỏ bay đến, dừng lại, nhanh chóng tản ra, càng lúc càng giống hình bàn tay giữa bầu trời xanh thẳm. Nghệ sĩ Lê Đông quỳ xuống, lết trên nền đất đầy phân chim bồ câu. Xung quanh ông là du khách nước ngoài và người Việt. Một cụ bà nhắc nhở: “Dơ lắm! Ông ơi...”. Ông kêu lớn:

- Các bạn đừng bỏ qua, đấy là bàn tay Chúa Trời! - Ông nhắc lại bằng tiếng Trung Hoa, và bằng tiếng Pháp - La main du Dieu!

Khi đám mây đã nằm gọn trong phần trên của ống kính, tưởng như chạm vào 2 đỉnh tháp, ông bấm máy liên tục đến lần thứ 3. Hết phim; đám mây tản ra biến vào hoàng hôn.

Ông lên xe Honda chạy trong mơ đến Minilab Bình Minh, bảo Hà: - Mầy để tao đi đón con, hoặc mầy đưa chìa khóa cho tao rửa ảnh...

Hà vào ngay phòng Lab tráng ảnh. Đến 7 giờ tối, những bức ảnh rửa xong và tấm ảnh “Bàn tay của Chúa Trời” cho thấy thời khắc chụp nằm trên đồng hồ nhà thờ: đúng 5 giờ 15 phút.

Ông cầm bức ảnh 20x30 cm vừa đi vừa ngắm. Chủ tiệm gọi ông quay lại lấy xe máy để ở tiệm. Tay trái khư khư giữ tấm hình, ông chạy xe máy về nhà trong mơ.

Ông cho biết, tiệm ảnh phóng lớn bức hình, đặt khung ảnh bằng gỗ Cẩm lai gửi tặng Tòa thánh Vatican...

*

Cậu bé Lê Đông sinh ngày 08/8/1941 tại quê xã Tân Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre; con của Thiếu tá Lê Văn Bài, tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 307. Trong nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh bến Tre có chục ngôi mộ quây quần bên nhau có chung tên gọi “Bộ đội Ba Bài”.

Ông Nội Lê Văn Vê bắt được bé Đông bỏ học, theo bạn bè đá banh. Lê Đông nằm trên nền nhà bằng đất sét nện, tụt quần lòi mông; nhịp nhịp cây roi ông quát: - Tao nghèo, chịu khổ để cho tụi bây đi học là học cho tụi bây, học cả cho tao – bé Đông sợ đau khóc rống lên, ông vẫn cương quyết – Tao đánh là để tụi bây biết, làm người ai cũng như nhau: có công được khen, có tội phải trừng...

*

Năm 1954, Lê Đông theo cha tập kết. Ba Bài sức yếu, không được phân công trở về Nam chiến đấu; ông làm phó ty thủy sản tỉnh Quảng Ninh.

Một sáng mùa hè, nhóm cán bộ tình báo đến nhà. Họ khéo léo bảo Lê Đông tìm nơi khác chơi để người lớn làm việc. Ông Ba Bài xua tay: “Kệ nhỏ, các đồng chí cứ làm việc bình thường đi”. Họ hỏi ông thời học trò thân với ai nhất. Ông thật thà:

- Có 2 người bạn học thủa bé, một người giờ là đại tá, tỉnh trưởng Bến Tre và người kia là Trung tá dưới quyền. Tụi tôi thường trốn học rủ nhau xuống bờ sông Cửu Long hái quả bần chấm muối ớt ăn với nhau. Tôi theo cách mạng, do hoàn cảnh xui khiến, tụi nó đi vô hàng ngũ địch, làm sĩ quan – Ông dừng lại một lúc, giọng trầm xuống – Tụi nó vẫn thương tôi nên rất tốt với bố đẻ tôi – Ông nghiêm giọng khi thấy các sĩ quan tình báo liếc mắt nhìn nhau, nói tiếp - Ở thời nào, theo phe nào, những người giỏi luôn trung thực, nghĩa tình, thủy chung...

Họ chụp ảnh ông Ba Bài, đưa ông đọc lá thư đánh máy, nhờ ông chép lại, ký tên. Ông chăm chú đọc xong, thẳng thắn:

- Tụi bây biểu tao chép lại, ký tên, đúng nét chữ, đúng chữ ký nhưng tụi nó đọc, biết ngay không phải do tao viết. Trong thư nhiều đoạn chia phe phái, không hợp với tình cảm của chúng tao. Đại để tao tính viết vài câu, tao đọc, tụi bây nghe, thấy được không – Ông đi đi lại lại và đọc to:

“Tao ở tỉnh Quảng Ninh, sức xuống, gác súng, nhưng biết tụi bây dù thăng tiến, vẫn luôn ghé thăm ông già tao, giúp đỡ ổng... Tao viết mấy chữ để hai đứa biết tao nhớ tụi bây.

Bây giờ, do thời cuộc, tụi mình, ba đứa, hai phương; lúc nào tao cũng nhớ tụi bây, tình bạn tụi mình khi đói, khi no, tao mang theo đến chết. Nhưng mà quê hương ruột thịt của mình bao giờ cũng là trên hết.

Tao sẵn lòng chết cho quê hương tụi mình. Tao muốn tụi mình để lại chút tiếng thơm đặng sau khi chết, quê hương còn nhớ đến tụi mình...”.

Những lời đó khắc vào lòng của cậu bé Đông, phải trung thực, nghĩa tình, thủy chung, rồi mới hết lòng vì quê hương đất nước, cũng là phần đầu bài học chân, thiện...

*

Khoảng khắc Lê Đông
Nghệ sĩ Lê Đông

Năm 1961, Lê Đông được Nhà nước cử đi học ngôn ngữ học tại trường đại học Sophia. Trong công viên cạnh trường, anh loay hoay bấm máy ảnh chụp trộm cô bé tầm tuổi trăng tròn, xinh đẹp, hồn nhiên. Người bố cô bé vẫy anh lại, bảo ngồi giữa 2 bố con, hỏi:

- Anh là người Trung Quốc, người Triều Tiên?

- Người Việt Nam! – Lê Đông trả lời.

Ông giang tay ôm Lê Đông vào lòng: “Ồ! Đây là con em của một dân tộc anh hùng”. Ông bảo anh hãy xin phép con ông để được chụp ảnh. Chờ cho Lê Đông xin phép con gái mình và chụp mấy kiểu ảnh, ông hỏi họ tên, xin số điện thoại khoa của Lê Đông, chủ động mời anh đến nhà dùng cơm; dặn anh mang theo khoảng 20 tấm ảnh ưng ý và 10 tấm ảnh không ưng ý.

Sau bữa cơm thân mật do vợ và con gái sửa soạn, Levinsky xem 20 tấm ảnh và vứt vào sọt rác, trong 10 tấm không thích ông chọn ra tấm ảnh chụp bé trai đang kéo quần đi tiểu. Dòng nước cầu vồng bao lấy chiếc xe tăng phát xít Đức nỗi rõ chữ thập ngoặc và nòng súng gãy, tựa như không chịu được sức nặng dòng nước, cong xuống. Phía sau là sườn đồi xanh mướt cây cối trải đến hết tầm...

- Đây mới là khoảng khắc tạo ra tác phẩm lớn. Cả đời ta chưa gặp được những khoảng khắc này. Muốn lặp lại, cháu hãy cần mẫn bấm máy cho đến lúc cháu gặp may mắn của định mệnh và tuyệt đối tuân theo quy tắc – Ông chuyển sang nói tiếng Pháp – Le vrai, le bien et le beau (Chân, thiện, mỹ).

Từ hôm đó, Lê Đông thực sự yêu thích nhiếp ảnh.

Khoảng khắc Lê Đông
Hành trang của nhiếp ảnh gia Lê Đông

*

Về nước, Lê Đông trở thành lính lái xe vận chuyển hàng hóa vào chiến trường, thuộc binh đoàn 559. Một lần qua Dốc Kẽm đá dừng; bộ đội mệt mỏi ngồi, đa số nằm duỗi người nhìn vách đá thẳng đứng cao tận đến mây xanh. Lê Đông ôm viên đá nặng chục cân ném xuống vực, một màu đen tuyệt đối và không có tiếng vọng dội về. Nơi sâu thẳm và cao vút thế này, không có cách nào ghi hình lại được.

Phim rất quý, chỉ khi gặp các phóng viên chiến trường mới xin được 1 cuộn phim Liên Xô sản xuất. Chụp xong, gặp các đoàn đi ngược ra bắc, gửi phim về cho chị ruột Lê Thị Duyên tráng, in ảnh. Đường hành quân dài theo năm tháng, anh chẳng thấy ảnh mình chụp ở chiến trường.

Con đường xe qua ngày càng gần đến quê hương. Năm 1973, từ cao nguyên đoàn xe ô tô băng về miền trung du đến nơi phải qua một đoạn đường hẹp, hai bên vực sâu thăm thẳm một mầu đen tuyệt đối. Mưa hôm trước đọng lại trên mặt đường trơn. Trung đoàn trưởng Bảy Sự (quê ở Long An) cần một chiến sĩ lái xe đi đầu để đoàn xe sẽ nối đuôi nhau vượt cung đường ngay trong đêm. Lê Đông xung phong. Sáu Tiểu quê ở Quảng Nam giành đi đầu vì cho rằng tay lái mình vững hơn Lê Đông.

- Anh Sáu Tiểu không có quyền giành sự hy sinh về mình vì anh có 6 đứa con. Tôi hy sinh chỉ có 3 đứa mồ côi cha; phía trước là quê hương Bến Tre của tôi, tôi phải được quyền đi trước.

Trung đoàn trưởng quyết định cho Lê Đông dẫn đoàn. Ông bảo đoàn quân: - Có bao nhiêu rượu tụi bây mang hết ra đây uống với Lê Đông...

Hoàng hôn Trường Sơn nhuộm màu máu lên những ánh mắt long lanh ngấn nước trong tiếng gió đại ngàn như bão tố. Khoảng khắc đó, Lê Đông không có phim, anh cũng không có lòng dạ nào để ghi hình.

*

Năm 1975, Lê Đông giải ngũ về làm phó phòng hành chính Ty giao thông Tiền Giang. Anh vẫn miệt mài nhiếp ảnh. Năm 1992, anh mua được tờ báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam và tìm thấy trong tờ báo những tác phẩm, bài viết xoay quanh trục: chân - thiện - mỹ. Từ đó đến nay, 30 năm ông mua và đọc không sót số nào. Ông tâm sự: - Các bài báo được tuyển chọn từ những tác phẩm tốt nhất theo tiêu chuẩn chân thiện mỹ; xoay quanh nhân tình thế thái từ cổ chí kim. Do không có các bài kém chất lượng nên báo Văn nghệ không lạc hậu sau thời gian dài được in ra. Nó là nguồn động viên để bản thân mình kiên trì kim chỉ nam: chân, thiện, mỹ.

Đêm thu 30/9/2000 mưa bay lất phất. Thảo cầm viên một chú hạc đang lần mò kiếm mồi. Lê Đông thoáng thấy và nhờ 4 anh bảo vệ cầm đèn pin chiếu vào. Bà Từ Khánh Thu - vợ của ông, dùng áo mưa che ống kính. Sau 3 lần bấm, hết phim. Khi thay phim, chú hạc bỏ đi. “Đêm tàn Thu” là bức ảnh đẹp mang tính hoang sơ được chụp do nhiều người giúp đỡ khiến ông ưng ý nhất đến thời điểm đó...

*

Về hưu, ông có thời gian dành cho nhiếp ảnh nhiều hơn. Phút giây định mệnh chỉ đến với ông vào ngày sinh nhật thứ 73, sau 53 năm cầm máy và 3 lần bấm máy cuối cùng của cuộn phim...

Như nhiều người xem bức ảnh đều có chung nhận xét: tác giả Lê Đông sinh ra để chụp bức ảnh “Bàn tay của Chúa Trời”.

Trong phòng ở của mình bày biện nhiều máy ảnh và vật dụng mang từ chiến trường, nhiều cuốn album dày đựng các ảnh chất lượng cao do ông chụp và không có bức nào can thiệp bằng chỉnh sửa... Những bức ảnh ông trưng bày trong nhà của mình: 5 bức, trong đó người nhà chiếm mất 3 bức ảnh; bức hình “Bàn tay của Chúa Trời” ông treo ở nơi trang trọng nhất...

Chúng ta biết: xác xuất để có lại khoảng khắc chụp bức ảnh “Bàn tay của Chúa Trời” là bằng không. Tác phẩm đích thực của một thiên tài thường không quá số 1, cao lắm cũng không quá số ngón của một bàn tay. Những người không có những tác phẩm để đời thường có khối lượng tác phẩm đồ sộ và đi rất nhanh vào quên lãng... Để có kiệt tác nghệ thuật, ngoài sự chăm chỉ phải có may mắn gặp được những thân phận, những mảnh đời, những khoảnh khắc kết tinh của hơi thở cuộc sống. Phần còn lại là tài hoa của tác giả như kiểu chọn góc máy, ánh sáng, tiêu cự... và số lần bấm máy ứng với số tấm phim còn lại trong máy ảnh đủ để ghi lại khoảng khắc đó mà thôi. Do đó, cũng không có gì phải hãnh diện hoặc xấu hổ nếu chúng ta đi theo con đường nghệ thuật nhưng không có tác phẩm để đời.

Điều đáng ngạc nhiên, ông không vào hội nào, không gửi ảnh đăng báo, không mở triển lãm ảnh nghệ thuật. Người ta chỉ tìm thấy một trang tin điện tử (1) đưa tin về bức ảnh “Bàn tay của Chúa Trời” của ông được trưng bày trong phòng khánh tiết Tòa thánh Vatican; ông xác nhận thông tin này và cho biết thêm: ông không theo tôn giáo nào.

Suốt đời ông tôn thờ điều gì? Ông nói ngay: chân, thiện, mỹ; và nhắc lại: ông là bộ đội Trường Sơn, chiến sĩ Đoàn 559...

1. Như https://eranet.vn/buc-anh-ban-tay-chua-o-phong-khanh-tiet-toa-thanh-vatican-45.html.

Tết âm lịch năm 2023,2+3+4 /2023

Tên bài do Báo Văn nghệ điện tử đặt lại

Chân dung người lính hậu chiến

Bức chân dung đa dạng về người mẹ Việt

Người cần mẫn viết chân dung

Chân dung đại thi hào Nguyễn Du trong một thể loại phim mới

Giáo sư Phong Lê ra mắt sách "90 chân dung văn hóa, văn chương Việt"

Thiên tính Nguyễn Bính

Thiên tính Nguyễn Bính

Baovannghe.vn - Phải chăng sự khởi nguồn góp phần tạo nên thiên tính Nguyễn Bính là sự giao duyên hồn nhiên mà tình tứ giữa chất quê, tình quê và hồn quê trong thơ ông ngay từ Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy. Sự giao duyên như trời phú, trời cho ấy đã khiến cánh bướm đa tình Nguyễn Bính sớm chập chờn lay động và giăng mắc cái sinh khí nơi thôn hương quê mình...
Bản tin Văn nghệ ngày 25/11/2024

Bản tin Văn nghệ ngày 25/11/2024

Baovannghe.vn - Festival khẳng định quyết tâm, nỗ lực của tỉnh Ninh Bình trong phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, kinh tế di sản...
Ông Hữu họa sĩ. Truyện ngắn dự thi của Đỗ Hữu Khôi

Ông Hữu họa sĩ. Truyện ngắn dự thi của Đỗ Hữu Khôi

Baovannghe.vn- Họa sĩ Hữu luôn có cách nói ví von bằng hình ảnh, rất mộc mạc, dễ hiểu, không lần nào giống lần nào. Là họa sĩ nổi tiếng, nhưng ông khác hẳn các họa sĩ cùng thời. Không quần xanh, áo đỏ, phụ kiện rủng rẻng, không râu dài, tóc búi cua hay cạo trọc, không xe nọ, đồng hồ kia...
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII quyết nghị nhiều nội dung quan trọng

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII quyết nghị nhiều nội dung quan trọng

Baovannghe.vn - Với tinh thần làm việc khẩn trương, trách nhiệm cao, Trung ương đã thảo luận, thống nhất các vấn đề quan trọng.
Cũng tại mùa đông. Truyện ngắn của Lê Minh Hà

Cũng tại mùa đông. Truyện ngắn của Lê Minh Hà

Baovannghe.vn- Bờ Hồ là nơi ông biết nhất. Ngôi nhà nơi ông được sinh ra ngay Hàng Bài, nhìn qua là Tràng Tiền Plaza, xưa là Bách hóa tổng hợp, xưa hơn là nhà Goda. Bà mẹ ông lúc còn sống vẫn gọi là nhà Goda, bảo vào đó đếm cũng ra hơn trăm thứ hàng hóa, hơn một bách, mỗi tội ông nhà nước chỉ bày chẳng thấy bán. Mười năm cấp một hai ba trường ông học loanh quanh nơi này cả.