Chuyên đề

Khoảng trống thơ thiếu nhi

Câu chuyện văn hoá
09:11 | 22/07/2022
Dạo qua các nhà sách, có thể thấy thơ thiếu nhi chiếm góc thật khiêm tốn so với dòng văn xuôi, và hầu hết là tác phẩm được tái bản, tuyển chọn lại. Dường như thơ thiếu nhi ít được tác giả đương thời quan tâm.
aa

Dạo qua các nhà sách, có thể thấy thơ thiếu nhi chiếm góc thật khiêm tốn so với dòng văn xuôi, và hầu hết là tác phẩm được tái bản, tuyển chọn lại. Dường như thơ thiếu nhi ít được tác giả đương thời quan tâm.

Một số tập thơ thiếu nhi ra mắt những năm gần đây được độc giả đón nhận nồng nhiệt.

Với trẻ nhỏ, những bài thơ có vần có điệu, giàu hình ảnh, giàu tính nhạc mang sức hút lạ kỳ, khiến các em dễ cảm, dễ nhớ, dễ thuộc. Đã có nhiều bài thơ thiếu nhi nổi tiếng “đóng đinh” trong lòng độc giả như “Ai dậy sớm” của Võ Quảng, “Chú bò tìm bạn” của Phạm Hổ, “Làm anh” của Phan Thị Thanh Nhàn, “Nói với em” của Vũ Quần Phương, “Mèo con đi học” của Phan Thị Vàng Anh, “Ngày đầu đến lớp” của Nguyễn Đặng Viên Phương... Theo nhà phê bình Hoàng Thụy Anh, “đằng sau các bài thơ thiếu nhi là sức sống của tình người, là cội nguồn của yêu thương, có chức năng bồi dưỡng, phát triển và hoàn thiện nhân cách của trẻ”.

Thơ ca như món ăn nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ. Song nhiều năm qua món ăn ấy vẫn lặp đi lặp lại, khác chăng là được bày biện, trang trí cho hấp dẫn hơn. Thơ thiếu nhi vẫn được xuất bản hằng năm nhưng phần lớn là tác phẩm tái bản hoặc tuyển chọn lại. Mạch thơ thiếu nhi được các đơn vị xuất bản, đặc biệt là NXB Kim Đồng, thường xuyên “làm mới” bằng cách thay đổi khổ sách, vẽ lại bìa, thêm tranh minh họa, tạo thành bộ sách như “Thơ với tuổi thơ”, “Thơ hay viết cho thiếu nhi”...

Cùng với các tập thơ tái bản là xu hướng làm các tập thơ tuyển chọn theo chủ đề, theo độ tuổi, như “Thơ thiếu nhi chọn lọc”, “Thơ cho bé tập nói và tập đọc”, “Thơ thiếu nhi chủ điểm trường lớp”, “Thơ hay cho bé mầm non”... Nhà thơ Cao Xuân Sơn cho rằng, những tuyển tập thơ thiếu nhi được ra mắt đã mang đến sự đa dạng bởi tiêu chí tuyển chọn của mỗi tác giả, mỗi đơn vị xuất bản là khác nhau. Tuyển chọn “65 bài thơ hay dành cho thiếu nhi” mới ra mắt gần đây của NXB Kim Đồng chẳng hạn, nhà thơ Cao Xuân Sơn đặt ra những tiêu chí lựa chọn rất rõ ràng, trong đó ông đặc biệt dành “đất” cho những tác giả mới, hoặc cho những bài thơ hay nhưng còn ít được biết đến của những tác giả nổi tiếng. Điều đó mang đến sức thu hút mới cho tập thơ thay vì những tác phẩm đã quá quen thuộc với độc giả.

Những năm gần đây, các tác giả, tác phẩm thơ thiếu nhi mới xuất hiện không nhiều, như “Con nít con nôi” của hai tác giả Hoa Cúc và Mel Mel, “Ra vườn nhặt nắng” của Nguyễn Thế Hoàng Linh, “Biển là trẻ con” và “Ngày xưa của con” của Huỳnh Mai Liên, “Xin chào những buổi sáng” và “Những chiếc ghế trong căn bếp nhỏ” của Nguyễn Phong Việt... Dường như mỗi lần những tập thơ này xuất hiện đều tạo nên dấu ấn. Cũng có thể bởi sự trống vắng của thơ thiếu nhi đương đại đã tạo nên sự nổi bật của tập thơ mới ra đời; nhưng cũng còn là vì những tập thơ mới mang đến những vần thơ dễ thương, ngộ nghĩnh, tươi vui và đặc biệt là đậm hơi thở của cuộc sống đương thời gần gũi và thân quen với trẻ em hôm nay: “Ngồi trước xe của bố/ Đi vào đoạn tắc đường/ Các xe đằng sau bé/ Đi chậm lại trong gương” ("Tắc đường" - Nguyễn Thế Hoàng Linh); hay “Hôm nay vui lắm/ Việt Nam thắng rồi/ Có bao nhiêu người/ Hò reo trên phố/ Lấy mâm ra gõ/ Mang kèn ra chơi/ Cờ đỏ rợp trời/ Con yêu bóng đá” ("Việt Nam vô địch" - Huỳnh Mai Liên).

Góp phần làm nên thành công cho những tập thơ thiếu nhi mới này còn phải kể đến sự đầu tư công phu về hình thức. Phông chữ dễ thương, trình bày thoáng đạt, màu sắc bắt mắt, minh họa sinh động tạo nên sức hút không nhỏ. Một số tập thơ được in song ngữ đáp ứng nhu cầu tiếp xúc với tiếng Anh từ nhỏ của trẻ.

Tiếc rằng, số lượng tác giả, tác phẩm thơ thiếu nhi mới này vẫn còn hiếm hoi so với các dòng văn xuôi viết cho thiếu nhi. Dường như sự quan tâm dành cho địa hạt thơ thiếu nhi đang giảm sút. Nhiều tờ báo đã không còn dành riêng “đất” cho thơ thiếu nhi, những hội nhóm về thơ thiếu nhi trên mạng xã hội cũng không đông đảo và sôi nổi như các hội nhóm khác.

Năm 2020, Giải thưởng Sách quốc gia năm 2020 “gọi tên” tập thơ thiếu nhi “Chào thế giới bây giờ con đã đến” của nhà thơ Lê Minh Quốc, cho thấy sự quan tâm đối với mảng văn học thiếu nhi nói chung và thơ ca thiếu nhi nói riêng. Đầu năm nay, Cuộc vận động Sáng tác văn học viết về đề tài thiếu nhi đã được Hội Nhà văn Việt Nam chính thức phát động cho cả thể loại văn xuôi và thơ. Nhưng có lẽ, để thơ thiếu nhi có thể phát triển rực rỡ hơn, cần lắm những cuộc vận động sáng tác, cuộc thi dành riêng cho thơ thiếu nhi được tổ chức nhằm thu hút nhiều hơn nữa các tác giả quan tâm đến mảng đề tài này.

Nguồn Hanoimoi.com.vn


Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.